Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Thật khó phân biệt


-       Này bác, vừa rồi ở Canada có một ông trúng xổ số 40 triệu dollas đã ủng hộ tất cả cho quỹ phòng chống ung thư, thật đáng khâm phục.
-       Nước họ giàu, dân họ giàu, làm từ thiện như thế là còn ít. Quỹ của ông Bill Gate lên tới hàng chục tỷ dollas mới ghê.
-       Thật đáng ngưỡng mộ, số tiền ấy dùng để ăn phở mấy chục đời cũng không hết.
-       Bác thì lúc nào cũng phở. Tôi lại thấy hành vi đó cũng bình thường thôi, hơn gì việc làm của ông lão sửa xe đầu phố.
-       Ông ấy mới được thừa kế trăm tỷ hả bác?
-       Không, ông lão vẫn nghèo rớt mùng tơi, vẫn phải chạy ăn từng bữa, vậy mà hàng ngày ông ngồi sửa xe cho các cháu học sinh nghèo không lấy tiền.
-       Có khi ông ấy thu bằng cái khác như mì tôm hay gạo, thịt thì sao, không thì lấy gì mà sống?
-       Không chỉ có vậy, đối với những cháu cùng ngõ còn quá nhỏ, bố mẹ mải bươn chải ngoài đường kiếm kế sinh nhai, ông lão còn tự nguyện đèo bằng xe đạp đến trường. Ông bảo làm thế để tránh những cạm bẫy cũng như tai nạn cho các cháu.
-       Một công đôi việc  cả thôi. Ông ấy làm thế cũng để tập thể dục, vừa khỏe người, lại được tiếng tốt bụng.
-       Đúng là suy nghĩ của kẻ tầm thường, nhỏ nhen. Tôi chỉ mong trong cuộc sống này ngày càng có nhiều người như ông lão sửa xe.

-       Bác đừng mắng tôi thế mà tội nghiệp. Tôi dạo này hay đa nghi là bởi hàng ngày đọc báo, nghe đài thấy có nhiều trường hợp hôm trước còn làm từ thiện hoành tráng trên TV, hôm sau đã bị công an tóm cổ vì tội tham nhũng, lừa đảo. Thật khó phân biệt tốt-xấu quá bác ạ.
     Cận

Mục tiêu giản dị

-       Giờ tôi mới thực sự hiểu nếu biết dựa vào dân, điều gì chúng ta cũng có thể làm được, bác ạ.
-       Vấn đề bác vừa nói ai chẳng biết. Chắc bác qua đây vận động tôi đóng góp cho Quỹ làm đường liên thôn chứ gì?
-       Đúng là đi guốc trong bụng người khác, bác ủng hộ 2 triệu đồng nhé?
-       Lương hưu của tôi có hơn triệu bạc, nộp lắm thế, tôi lấy gì cho vào mồm. Tôi xin đóng góp 20 nghìn đồng thôi.
-       Số tiền ấy thì làm được gì, chưa đủ cho bữa cơm bụi. Đấng nam nhi mà không bằng một cô giáo về hưu ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Cô này đã bỏ tiền túi ra làm cầu cho dân đi.
-       Mấy cái cầu tre ai chẳng làm được.
-       Ai bảo bác thế, cầu bê tông cốt thép hẳn hoi nhé, hết hàng trăm triệu đồng đấy.
-       Chắc hồi xưa cô này dạy thêm nhiều, tiết kiệm được cũng kha khá nên giờ bỏ ra mua danh đây?
-       Ngược lại, cô nổi tiếng mô phạm, nhà tuy nghèo nhưng rất được đồng nghiệp, học sinh cũ cũng như bà con lối xóm yêu quí. Ngoài số tiền ít ỏi tiết kiệm được, cô đã vận động được nhiều người tham gia góp công, góp của cùng làm cây cầu vững chắc nhất vùng.
-       Rồi cô cho lập chốt bán vé ở hai đầu cầu chứ gì, chẳng mấy lúc mà thu hồi vốn?
-       Không hề, mọi người được đi lại tự do thoải mái mà không phải trả tiền.
-       Nếu thế thì chắc chắn cô sẽ lấy tên mình đặt cho cây cầu để lưu danh muôn thuở?

-       Cây cầu vẫn mang tên cũ. Cô giáo già làm cầu chỉ với mong muốn duy nhất vào mùa lũ không phải nhìn cảnh học sinh yêu quí của mình mạo hiểm chèo thuyền qua sông, thế thôi.
      Cận

Bạn đồng hành với cái tốt


-       Hôm vừa rồi lại thêm một chiếc xe tải bị lật ở Bình Dương bác ạ.
-       Ôi dào, chuyện như cơm bữa, ngày nào chẳng có vài chiếc đang yên đang lành bỗng lăn đùng ra, chổng bốn vó lên trời. Tết nhất đến nơi rồi, chỉ có những kẻ rỗi hơi như bác mới hàng ngày ngồi nhà đọc báo thống kê số xe bị tai nạn thôi.
-       Ý tôi là, khi chiếc xe bị lật, hàng trăm thùng mì tôm văng ra, vung vãi khắp đường.
-       Thế có nhiều người lao ra cướp không bác. “Làm” được vài thùng, cả tháng chẳng phải đong gạo. Bác có “hôi” được gói nào không?
-       Mì tôm tung tóe khắp đường suốt nửa ngày trời mà tịnh không có ai ra nhặt cả. Đúng là chuyện lạ chưa từng thấy.
-       Có lẽ tay lái xe này có võ, mặt mày dữ dằn nên chẳng ai dám xông vào cướp?
-       Trái lại, anh này rất hiền lành, ai đi qua anh ấy cũng chào hỏi niềm nở.
-       Chắc xe chở toàn mì mốc nên chẳng ai thèm lấy đấy thôi.
-       Mì vừa xuất xưởng, mốc đâu mà mốc. Có bác mốc thì có.
-       Hay do ăn mì nhiều dễ bị nóng trong, lại khát nước nên mọi người chê. Nếu xe chở bia bị lật xem, lại chẳng được “dọn” sạch sẽ ngay ấy à?
-       Tôi lại không nghĩ vậy. Có lẽ vụ “hôi” bia xảy ra hồi đầu tháng bị báo chí lên án mạnh mẽ quá, rồi thì nhiều kẻ thích uống bia “nhặt được” trên đường bị khởi tố khiến mọi người sợ không dám làm điều xằng bậy.

-       Ờ, cũng có lí. Để giữ gìn đạo đức cho mỗi công dân, ngoài biện pháp giáo dục, tuyên truyền, chúng ta cũng nên phê phán mạnh mẽ cái xấu, thậm chí bêu riếu những hành vi lệch chuẩn trên báo chí. Biết xấu hổ là bạn đồng hành với cái tốt mà bác.
      Cận

Hãy để sau tết

      
-       Sao bác lại đánh võng trên đường vậy, say rượu à?
-       Rượu đâu mà uống. Tôi bị chóng mặt quá.
-       Có khi bị tăng huyết áp hoặc rối loạn tiền đình đấy, về nhà mà nghỉ chứ đến cơ quan làm gì.
-       Tết nhất đến nơi rồi, mình là thủ trưởng bỏ bê sao được
-       Khắc có người khác lo, ốm đau thì phải nghỉ ngơi, chữa chạy chứ.
-       Nhưng tôi có bệnh gì đâu. Tôi hoa mày chóng mặt vì phải tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra, khách khứa thôi.
-       Xưởng sản xuất nước ngọt của bác bé như cái lỗ mũi, quanh năm chẳng có ma nào ngó ngàng, sát tết họ lại đổ xô đến là sao nhỉ?
-       Thì họ bảo đến kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra giấy phép kinh doanh, thuế má, đến học hỏi kinh nghiệm, giao lưu văn nghệ. Có đoàn lại kiểm tra nhà xưởng có kín gió không, công nhân có được trang bị đủ áo ấm, khăn quàng không…
-       Thì quanh năm họ ngồi bàn giấy, dễ bị thoái hóa đốt sống lưng lắm. Cuối năm đi kiểm tra nhiều mới giảm bệnh tật, mới có sức khỏe mà cống hiến chứ.
-       Vấn đề là vào dịp này chúng tôi rất bận sản xuất hàng hóa phục vụ tết, tiếp khách suốt ngày còn làm ăn gì được nữa.
-       Thế bác tưởng trời rét mướt thế này mà vẫn phải lặn lội đi kiểm tra họ sung sướng lắm à?

-       Họ khổ hay sướng tôi không rõ, nhưng ai đến tôi cũng phải lo cái phong bì ăn trưa, gặp đoàn quan trọng còn phải tiệc tùng, bia rượu, quà cáp, mệt lắm. Cầu xin các “ngài” tha cho. Muốn kiểm tra hay giao lưu gì hãy để sau tết.
     Cận

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Quan liêu nửa vời


-       Chỉ ít năm nữa thôi phụ nữ nước mình sẽ được xếp vào hạng đẹp nhất và hạnh phúc nhất thế giới.
-       Căn cứ vào đâu mà bác nói vậy. Họ phải quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm sao mà “thắm thịt đỏ da” mà vui chơi được chứ?
-       Sắp tới đây Bộ LĐTB&XH sẽ đưa ra danh mục 77 công việc lao động nặng nhọc cấm phụ nữ không được làm. Từ nay chị em phụ nữ chỉ việc ngồi nhà dũa móng tay với đi shopping thôi, sướng quá.
-       Ô, sao lại thế. Có nghĩa từ nay việc làm ăn kiếm tiền chỉ do đàn ông đảm nhận, còn đàn bà tha hồ tiêu tiền với đi chơi thôi sao?
-       Cũng không hẳn như vậy. Họ bị cấm làm cửu vạn, bốc vác và một số ngành nghề đòi hỏi lao lực thôi, còn việc đánh móng tay cho chó hay gội đầu cho mèo thì thoải mái.
-       Đây đúng là một cuộc cách mạng. Mỗi khi nhìn thấy chị em vất vả cực nhọc kiếm mớ rau bát cháo tôi rớt nước mắt. Toàn thể phụ nữ Việt Nam phải nhớ ơn Bộ này. Thế những người trước lao động nặng nhọc giờ được bố trí làm việc gì?
-       Không thấy Bộ LĐTB&XH đả động đến, chắc họ phải tự tìm kiếm việc phù hợp thôi.
-       Làm thế là “đem con bỏ chợ” đấy. Lao động phổ thông, nhất là những người bốc dỡ hàng hóa nơi chợ búa, ga tàu đều ít học. Họ phải làm công việc này đều là cực chẳng đã, ai muốn. Giờ cấm thì chồng con họ chết đói à?

-       Chết thì không chết nhưng sống lay lắt thì là điều chắc chắn. Thương mà như thế bằng mười hại nhau, đúng là quan liêu nửa vời.

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Nhầm lẫn khó tin


-       Bác bế cháu đi đâu vậy?
-       Bố mẹ cháu bận đi làm nên tôi phải đưa cháu đi uống vitamin A.
-       Thế bác đã dự lớp tập huấn về phân biệt hạt đậu với viên thuốc chưa?
-       Cái đó người mù cũng phân biệt được, việc gì phải học.
-       Bác lại chủ quan rồi. Hôm vừa rồi, ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh xảy ra chuyện cán bộ trạm y tế thôn phát hạt đậu giống và bảo là vitamin A cho các cháu từ 6 tháng đến 5 tuổi uống đấy.
-       Hạt đậu giống màu nâu đỏ hình khum khum, ở nông thôn từ già đến trẻ ai chẳng biết, nhầm với viên thuốc làm sao được.
-       Thế mới lạ chứ. Khi người dân thắc mắc thì trưởng trạm y tế và nhân viên khẳng định đấy là vitamin A nên nhiều người vẫn cho con uống.
-       Hay cán bộ phụ trách y tế ở đây cho rằng trong hạt đậu giống cũng có vitamin A nên các cháu uống vào cũng chống được suy dinh dưỡng như uống thuốc?
-       Bác nói thế mà nghe được à. Để có được liều lượng vitamin của một viên thuốc các cháu phải cùng lúc ăn vài cân đậu giống.
-       Sao biết đấy là hạt đậu giống mà có người vẫn tin là thuốc nhỉ?
-       Người nông dân mình vốn thật thà chất phác, cả đời có nhìn thấy viên vitamin A tròn méo ra sao nên rất tin tưởng vào cán bộ
-       Thế những người làm sai đã bị xử lí gì chưa?
-       Cũng may, hạt đậu giống lành tính, các cháu uống vào không gây hậu quả đáng tiếc nào nên số cán bộ y tế nói trên chỉ bị kiểm điểm, nhắc nhở, rút kinh nghiệm.

-       Thế mới thấy công tác đào tạo của ta đang có vấn đề. Thảo nào mà thỉnh thoảng xã hội lại rộ lên chuyện bệnh nhân đau chân lại đè ra cắt dạ dày, đau mắt phải lại mổ mắt trái, chán thật đấy.
        Cận

Đà Lạt…mộng du

      
-       Mỗi khi buồn bực bác sẽ làm gì?
-       Đi đâu đó cho khuây khỏa. Tôi khoái nhất là lên Đà Lạt. Khí hậu và cảnh vật nơi đây khiến con người ta thư thái, không còn bận tâm tới những chuyện vặt vãnh đời thường.
-       Nhưng tới đó bác nhớ mang theo áo rét đấy.
-       Ôi dào, xách theo làm gì cho nặng, cứ cầm theo tiền, cần gì mua dọc đường cũng được mà.
-       Chỉ đại gia mới làm như bác. Bác có biết một cái áo len ở Đà Lạt họ đòi giá bao nhiêu không, những 1 triệu 700 nghìn đồng cơ đấy.
-       Ra nước ngoài còn đắt gấp mấy lần ấy chứ. Áo mà đẹp, cái giá đó không phải là đắt.
-       Vấn đề là, áo được làm bằng chất liệu không ra gì, có người mặc cả xuống còn 200 nghìn đồng họ cũng bán.
-       Họ nói thách ghê thế kia à, tôi chẳng tin. Người ta vẫn gọi là Đà Lạt mộng mơ, ở nơi lãng mạn ai người ta làm thế.
-       Chẳng cứ gì quần áo, đồ ăn, thức uống ở đây cũng được bán với giá cao gấp nhiều lần nơi khác. Khách có trả giá xuống thấp đến mấy cũng bị rơi vào bẫy của họ.
-       Thế chính quyền địa phương không có biện pháp gì sao?
-       Cũng có tuyên truyền nhắc nhở nhưng không ăn thua. Tình trạng chặt chém du khách vẫn diễn ra, ngày càng ghê gớm hơn.

-       Thảo nào hôm vừa rồi, một người bạn tôi kể vừa đi Đà Lạt…mộng du về. Chắc ý ông ấy muốn nói du khách lên đấy sẽ bị vặt trụi thùi lụi, khi về chân cẳng sẽ thập thững như kẻ mộng du, bác nhỉ.
      Cận

Hãy vì “đại cục”


-       Tôi vốn dốt tính toán nên nhờ bác giải giùm gần 200 triệu đồng có to không?
-       Ối giời, quá “khủng”. Sau hơn 30 năm cống hiến, khi nghỉ hưu, số tiền có được trong sổ tiết kiệm của tôi chỉ là vài chục triệu đồng.
-       Ý tôi muốn hỏi là với số tiền đó, có thể mua được bao nhiêu cân thịt lợn kia?
-       Tôi không rõ, nhưng ít nhất cũng được vài tấn lợn hơi, đủ để cho tôi với bác “phè phỡn” cả đời.
-       Thế mà vừa rồi tại Hà Giang, cơ quan điều tra đã làm rõ vụ một giám đốc và 2 thuộc cấp ở một Trung tâm bảo trợ trẻ em tàn tật đã bớt xén 181 triệu đồng tiền ăn của các cháu đấy.
-       Tôi chẳng tin. Có là con vật, chúng cũng không “ăn” của trẻ tàn tật, những đứa trẻ vốn chẳng biết nương tựa, bấu víu vào đâu.
-       Ở một vùng đất được xếp vào loại nghèo nhất quả đất này, các cháu vốn đã chẳng có đủ gạo mà ăn, thịt thì cả tháng mới nhìn thấy một lần, giờ còn bị bớt xén thế thì sống sao nổi?
-       Thực ra, ông Giám đốc này cũng có ý “tôt”. Các cháu vốn đã yếu, cho ăn nhiều thịt quá nhỡ tăng cân đôi chân tàn tật làm sao mà gánh nổi. Cho ăn rau, thậm chí bắt nhịn, người mới gày, đi lại mới thanh thoát, mới leo qua được núi, vượt qua được đèo để đến trường chứ.
-       Tay Giám đốc này họ hàng với bác hay sao mà bênh vực ghê thế.

-       Dây mơ rễ má gì đâu, tôi nói theo giọng điệu của ông Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Giang thôi. Ông này đã gửi công văn cho cơ quan công an đề nghị không khởi tố vụ án, phải giấu vụ này đi vì “đại cục”. Ông ấy bảo các tổ chức xã hội mà biết tiền từ thiện bị xà xẻo, họ không viện trợ cho nữa thì chết. Ô hô, a ha!
      Cận

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Thật hão huyền quá


-       Tôi hỏi thật, bác có thực sự tin vào tương lai giáo dục Việt Nam không?
-       Sao bác nỡ hỏi tôi một câu khó trả lời đến thế. Vừa rồi Bộ Học đã trình kế hoạch cải cách toàn diện giáo dục, nghe nói được đánh giá cao mà.
-       Thực ra, chương trình cải cách đưa ra lúc này là thừa. Giáo dục Việt Nam giờ đã vượt Mỹ, Anh, Pháp rồi, cần gì thay đổi nữa cho tốn tiền, mất thời gian.
-       Sáng nay đã uống thuốc hạ áp chưa mà phát ngôn lung tung thế. Tôi chỉ mong, giáo dục nước mình thoát khỏi vùng trũng Đông Nam Á đã là may lắm rồi.
-       Sao bác bi quan thế. Báo chí thế giới mấy hôm nay đang rầm rĩ chuyện một tổ chức quốc tế có uy tín vừa xếp giáo dục Việt Nam hạng 17/65 nước có nền giáo dục tiên tiên đấy. Trong một số lĩnh vực như toán học, học sinh nước mình còn đứng đầu nữa kia. Chưa khi nào tôi thấy tự hào thế này.
-       Nói nước ngoài làm gì cho rắc rối, với riêng cá nhân bác, bác có thấy con cháu mình giỏi thật không?
-       Giỏi về tính láu tôm láu cá thì tôi thừa nhận, còn giỏi về chuyện học thì… để tôi hỏi lại xem thế nào đã nhé.
-       Bác thấy chưa, đến như bác là người hàng ngày dạy con, dạy cháu mình mà còn không tin vào trình độ lớp trẻ, vậy thì đánh giá của người ngoài liệu chính xác được mấy phần trăm?

-       Nghe cũng có lí. Vậy mà mấy bữa nay, nhiều lãnh đạo ngành Học sướng rối rít tít mù cả lên. Lắm ông còn phát biểu trên báo, đài với giọng rất “hoắng”, cứ như là Việt Nam sắp trở thành trung tâm khoa học, giáo dục của thế giới vậy. Những nước vốn có truyền thống trong giáo dục, khoa học sẽ phải bò lổm ngổm xung quanh xin ban phát ân huệ. Thật hão huyền quá bác nhỉ.
      Cận

Chớ nên tùy hứng


-       Sao lúc nào cũng thấy bác cau có thế, không tốt cho sức khỏe đâu, dễ mất việc lắm đấy.
-       Từ khi cha sinh mẹ đẻ đã thế, chứ tôi có muốn thế đâu. Mặt cau có thì liên quan gì đến công việc hả bác?
-       Hôm vừa rồi, có một tay bác sỹ chỉ vì cáu gắt với bệnh nhân mấy câu mà bị bà Bộ trưởng kỉ luật, trừ thi đua và chuyển công tác khác đấy.
-       Thật sao, chỉ qua một thời gian ngắn mà ngành y đã có những thay đổi lớn như vậy, bệnh nhân từ nay chắc sẽ mừng lắm. Sự vui vẻ, ân cần của y bác sỹ sẽ khiến bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh. Bà Bộ trưởng rất bận bịu làm thế nào mà biết được từng câu mắng chửi của nhân viên dưới quyền nhỉ?
-       Thì nghe bệnh nhân mách, thế là xử lí luôn, khá khen cho sự quyết liệt này. Một câu mắng bệnh nhân mà còn bị kỉ luật như thế, tội nặng hơn có khi còn đuổi việc, bỏ tù. Từ nay, những y bác sỹ có thói quen tiêu cực liệu cái thần hồn.
-       Như vậy là giờ đây, nếu ai đó chẳng may có phải vào viện thì cứ yên tâm, vui vẻ. Nơi đây sẽ không còn cảnh bệnh nhân dúi phong bì vào tay bác sỹ, không còn việc vào điều trị bệnh trĩ lại bị đè ra cắt quả thận, thậm chí, vào những hôm mưa gió, lụt lội, bệnh nhân còn được bác sỹ cõng đi ăn sáng cũng nên.

-       Đây là nỗi ao ước của mọi tầng lớp nhân dân, nhưng để làm được như thế, khó lắm. Việc làm trên của bà Bộ trưởng dường như chỉ mang tính nhất thời. Để thay đổi được diện mạo ngành y cần có kế hoạch, chương trình lớn mang tầm quốc gia, không nên tùy hứng như vậy được. Có như thế Bộ trưởng mới có thể ăn ngon, ngủ kĩ, không còn phải giật mình thon thót mỗi khi xảy ra những vụ như thẩm mĩ viện Cát Tường.
      Cận

Con ma nhà họ Hứa

        
-       Bác có e ngại chuyện nợ nần không?
-       Đương nhiên rồi, sợ nhất trần đời đấy. Món nợ lúc đầu chỉ như quả cam, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, sạt nghiệp lúc nào không biết. Bác có nợ nần gì ai thì liệu mau mau mà trả đi.
-       Tôi lo cho một bà mẹ liệt sỹ năm nay đã 93 tuổi ở Thiên Cầm Hà Tĩnh đang ngập trong đống nợ, đứng trước nguy cơ mất nhà, mất ruộng.
-       Cụ đã ngần ấy tuổi còn vướng vào lô đề, cờ bạc à?
-       Không, cụ vay nợ để làm nhà.
-       Ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu, già thế rồi còn làm nhà để đón “chàng” nào về ở cùng hay sao?
-       Bác chỉ nói bậy nói bạ. Cụ vay tiền làm nhà tình nghĩa cho chính mình bởi có doanh nghiệp hứa tài trợ 30 triệu đồng, nhưng đến nay đã hơn một năm mà có nhìn thấy xu nào đâu.
-       Chắc người ta quên thôi. Số tiền nhỏ như thế ai quịt làm gì.
-       Cả năm nay, tháng nào cụ cũng đôi lần chống gậy đi đòi nhưng lãnh đạo doanh nghiệp đều lẩn trốn. Có lần đi đến giữa đường gặp trời mưa cụ bị ốm một trận thập tử nhất sinh đấy.
-       Doanh nghiệp chây ì chắc do khó khăn quá đấy thôi. Thôi, bố thí cho “con ma nhà họ Hứa”.
-       Vấn đề là, vốn đã nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu mặc mà hàng tháng cụ vẫn phải è cổ ra trả lãi gần triệu bạc. Chủ nợ còn dọa, nếu không có tiền trả, họ tịch thu ngôi nhà.
-       Nan giải nhỉ, thế chính quyền địa phương không có ý kiến gì sao?

-       Ôi dào, họ còn lo bao chuyện tày đình, ai quan tâm đến món nợ của một cụ già lẩm cẩm, rỗi hơi.
      Cận

Sống lâu nhờ đâu?

             
-       Theo bác để sống được trăm tuổi cần những điều kiện gì?
-       Bác toàn hỏi khó. Đại loại là muốn sống lâu phải ăn uống, luyện tập điều độ, có lối sống lành mạnh, vệ sinh, tránh xa rượu bia, thuốc lá…
-       Đấy là sách vở dạy thế chứ thực tế đâu hẳn như vậy. Tôi biết có một thủ trưởng ăn mặc sạch sẽ lắm, bắt tay ai một cái là lập tức rửa tay kĩ bằng xà phòng, vậy mà hôm vừa rồi lăn ra chết vì ung thư kia kia.
-       Cái gì mà chẳng có sai số, về cơ bản, người sống theo chuẩn mực thường sống thọ hơn người bừa bãi chẳng theo trật tự, qui củ nào.
-       Tôi chẳng tin. Ở huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam có bà cụ năm nay đã hơn trăm tuổi lặn lội nuôi bà con gái cũng đã 72 tuổi mù lòa. Đến nay cả hai vẫn khỏe mạnh, chẳng ai mắc bệnh nan y cả.
-       Chắc hai mẹ con nhà này có tiền thừa kế của chồng chỉ việc ngồi ăn, làm gì chẳng sống lâu.
-       Không hề. Cụ nghèo đến nỗi cả cuộc đời chưa bao giờ có trong người quá 100 nghìn đồng. Cứ sau mỗi vụ gặt, đợi mọi người chuyển lúa về nhà xong, hai mẹ con lại cầm rá ra đồng nhặt những hạt thóc rơi vãi. Hàng ngày, nóng cũng như lạnh, cụ lội ao mót những nhánh rau sót lại, vớ được con ốc, con ếch là mừng lắm.
-       Ở vùng quê nghèo, những người như thế thiếu gì.
-       Vấn đề là, không chỉ rau cháo nuôi nhau, gần 20 năm nay cụ còn cưu mang một đứa trẻ mồ côi cùng xóm, cháu vừa đỗ đại học đấy.

-       Kinh thế kia à. Nếu thế thì có lẽ, hai cụ sống thọ là do trong tâm hồn chất đầy lòng nhân ái, luôn sống thanh thản, nhẹ nhàng. Giàu có ức vạn mà trong đầu lúc nào cũng căng lên ủ mưu, tranh quyền đoạt lợi, sớm muộn gì cũng bất đắc kì tử bên đống sơn hào hải vị thôi.
      Cận