Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Ăn ớt để “phát tài”

                                         
-       Nghe nói ăn nhiều ớt thì tốt cho sức khỏe, đúng không bác?
-       Cũng còn tùy cơ địa mỗi người. Ai mà bị nóng trong ăn ớt nhiều người lúc nào cũng rừng rực như có lửa sẽ khó kiểm soát hành vi. Nhưng các cụ cũng bảo ai ăn nhiều loại quả này lâu dài sẽ tránh được bệnh sốt rét.
-       Thảo nào mà một doanh nghiệp trong Sài Gòn đã thưởng tết cho cán bộ công nhân viên mỗi người 2 thùng tương ớt. Ông giám đốc thật biết lo xa cho cấp dưới, rất đáng khen.
-       Tương ớt mà chấm với nem chua, mực nướng hay bò khô, giăm bông, xúc xích, vắt tí chanh nữa thì tuyệt. Công nhân chỉ việc mang mấy chục triệu đồng tiền tết ra siêu thị khuân các món đồ ăn này về, trong những ngày nghỉ vợ chồng con cái chấm chấm mút mút với tương ớt, tha hồ hạnh phúc.
-       Bác nói gì vậy, tiền thưởng nào, chỉ có tương ớt không thôi, rõ chưa?
-       Bác cứ đùa, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới nghe thấy chuyện chỉ ăn tết với tương ớt không thôi đấy. Ngày tết thì phải có bánh chưng, thịt mỡ, bát măng, bát miến, con gà, cây giò, hộp mứt, cành đào, lọ hoa nữa cho nó lãng mạn.
-       Bác đang giễu cợt đấy à. Nhiều công nhân, nhiều gia đình vùng sâu vùng xa chỉ mong ngày tết có đủ gạo, đủ rau với vài miếng thịt mà còn chẳng có kia kìa. Bác có thể lí giải chuyện doanh nghiệp thưởng tết bằng tương ớt không?
-       Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Thưởng tết bằng tương ớt là cầu mong sự phát tài cho công nhân. Hơn nữa, giờ đang là mùa đông, trước khi ra khỏi nhà đi chúc tết, chỉ cần “tợp” một li tương ớt người sẽ nóng ran lên, khỏi phải mua sắm quần áo rét, lại tránh được cảm lạnh.

-       Thì ra là vậy, tay giám đốc này rất biết nhìn xa trông rộng.
       Cận

Anh hùng thầm lặng

-       Bác ngưỡng mộ ai nhất?
-       Từ nhỏ tới giờ tôi luôn tôn sùng anh bộ đội ôm súng xông pha ngoài chiến trường. Còn ở hậu phương tôi khoái nhất các chiến sỹ công an hai tay hai súng xông vào hang ổ tội phạm, giữ gìn bình yên cho nhân dân.
-       Hai đối tượng đấy thì nói làm gì, ý tôi muốn hỏi về thần tượng trong đời thường kia?
-       Nếu vậy sẽ là những người nghèo nhặt được của rơi trả lại người mất, các thầy cô phải nhịn đói, nhịn khát, phong phanh đứng trên bục giảng để “trồng người”, những người dạy bơi…
-       Thế là thế nào, dạy bơi thì có gì mà anh hùng chứ?
-       Bác chẳng hiểu gì cả. mười sáu năm nay ở phường Long Hòa quận Bình Thủy thành phố Cần Thơ có ông thầy miệt mài dạy hàng nghìn cháu biết bơi đấy.
-       Ôi dào, tưởng gì. Thế ông ấy thu tiền học có cao không?
-       Dạy miễn phí, các bậc phụ huynh rất phấn khởi và biết ơn.
-       Ông này vô công rỗi nghề à. Học sinh cả nước nô nức học thêm các môn văn, toán, ngoại ngữ để thi cử. Môn bơi có nằm trong chương trình thi tốt nghiệp đâu. Hay ông này bơi một mình buồn nên dạy các cháu để có người bơi cùng cho vui?
-       Các cháu bậc tiểu học thì làm bạn với ông ta làm sao được chứ. Do ông ấy chứng kiến quá nhiều cái chết thương tâm vì đuối nước nên muốn góp sức để hạn chế thực trạng này

-       Thế cũng là anh hùng, vị anh hùng thầm lặng, cũng đáng ngưỡng mộ, bác nhỉ.
      Cận

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Cho đời thêm tươi

   
-       Nghe nói bác đang rao bán nhà, định chuyển đi đâu vậy?
-       Chuyển sang Hoài Đức ở cho sướng.
-       Đang ở trung tâm thành phố tiện lợi đủ đường sao tự nhiên lại muốn về nơi xa xôi hẻo lánh vậy, chắc mới “tăm tia” được bà nào phải không?
-       Đã có bà nào đâu, nhưng tôi nói thực là rất muốn về Hoài Đức cưới vợ.
-       Ở đây đâu có thiếu gì phụ nữ đẹp mà bác phải lặn lội xa đến vậy?
-       Vấn đề là ở một xã thuộc huyện này có tục đàn bà đi hỏi vợ cho chồng. Có bà cưới thêm cho chồng tới 3 bà. Ở đây có phụ nữ nào chịu cảnh chung chồng như thế.
-       Tôi chẳng tin trên đời này lại có phụ nữ vui vẻ cưới vợ cho chồng như bác vừa nói. Mới chỉ thấy chồng liếc mắt nhìn ai một cái họ đã nhảy cồ cồ lên rồi.
-       Thế mới có chuyện để nói. Trước hết tôi về đó cưới một bà vừa già vừa xấu, chịu khó ở cùng mấy năm rồi tỉ tê đòi cưới vợ hai, vợ ba, chắc chắn bà ấy sẽ đồng ý. Thế là cả đời được sống với toàn vợ trẻ, ngày nào cũng được “đổi món”, thật là tuyệt vời.
-       Bác nói cứ như chuyện trên trời vậy, pháp luật nào cho phép đàn ông nhiều vợ chứ.
-       Phép nước cũng chẳng bằng lệ làng, tập tục đàn ông đa thê ở xã này đã có từ lâu, có thấy ai bị phạt hay xử lí gì đâu.

-       Này, nếu thực sự có một xã “thông thoáng” như thế, bác cho tôi đi cùng với nhé. “Hàng” cũ ở nhà “bứ” lắm rồi, muốn đổi lấy một cô hoa hậu cho đời thêm tươi.
     Cận

Vượt qua cám dỗ


-       Sao dạo này có nhiều người nhặt được của rơi trả lại người mất thế nhỉ?
-       Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy đà suy giảm đạo đức đã chững lại, cái tốt đang được thổi bùng lên. Khi cuộc sống no đủ, người ta sẽ không tham tiền của người khác nữa.
-       Giàu có thì nói làm gì. Có một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Hoài ở xã Nghĩa Phúc huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An nhặt được 10 triệu đồng ở ven đường đã tìm đến khổ chủ trả lại vốn rất nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, bản thân lại bị khuyết tật nặng.
-       Chắc khi nhặt được có ai trông thấy nên mới đem trả chứ gì?
-       Không hề, trên đường đi nhận tiền mai táng cho bố, cô này nhìn thấy bọc tiền trong đám cỏ, trên đường vắng tanh không một bóng người.
-       Cô này bị tàn tật chắc cũng chẳng ăn uống được mấy, nên số tiền đó cũng không cần thiết lắm cho cuộc sống, giữ lại trong nhà, trộm cướp biết được đến “hỏi thăm” thì khốn, trả cho yên chuyện.
-       Ai chẳng cần tiền, cô ấy có thể không ăn uống được nhiều, nhưng tiền thuốc men là hết sức cần thiết. Một người luôn bị ốm đau, bệnh tật mà vượt qua được sức cám dỗ của đồng tiền như cô Hoài là rất đáng quí, thật đáng trân trọng. Bác không nên nghi ngờ người có lòng tốt như vậy.

-       Sở dĩ dạo này tôi mất niềm tin vào con người bởi đến đâu cũng gặp nhan nhản những kẻ giàu nứt đố đổ vách rồi mà vẫn tìm cách cấu véo, bòn rút của người nghèo. Những người như cô Hoài là hiếm hoi lắm, tôi tỏ ra nghi ngờ là để thử lòng bác thôi.
      Cận

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Liều đến thế là cùng

-       Bác có bao giờ dùng đồ cũ không?
-       Tiền đâu mà “xài” đồ mới. Ở nhà tôi, từ cái tủ lạnh, máy giặt, điện thoại, đến quần áo đang mặc trên người đều là hàng Sê-cần-hen cả.
-       Bác có cảm giác thế nào khi dùng các vật dụng đó?
-       Lúc đầu cũng thấy ghê ghê, giờ quen rồi. Đã dùng đồ cũ thì phải chấp nhận hay phải sửa chữa vặt. Đang ngồi xem phim bất ngờ trong ti-vi có tiếng nổ lụp bụp thì chớ có hoảng, chỉ khi chập điện dẫn đến cháy nhà mới đáng lo.
-       Đồ gia dụng thì kể làm gì, ý tôi muốn hỏi về thiết bị y tế cũ kia?
-       Phần lớn thiết bị y tế liên quan đến bệnh tật nên chỉ được dùng một lần. Qui trình tiêu hủy loại thiết bị này diễn ra rất nghiêm ngặt, buông lỏng là phát tán dịch bệnh ngay.
-       Vậy mà vừa rồi, Tổng cục Hải quan đã phát hiện và tạm giữ nhiều lô thiết bị y tế đã qua sử dụng thuộc danh mục nghiêm cấm nhập khẩu. Sao loại hàng cấm này vẫn lọt lưới bao nhiêu năm nay nhỉ?
-       Nói chung là phức tạp và dích dắc lắm. Để nhập khẩu chính ngạch mặt hàng này phải có sự đồng ý của Bộ Y tế.
-       Thế Bộ này đã có ý kiến gì chưa, sao lại làm ăn liều mạng thế chứ?

-       Bộ Y tế đang đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ. Có lẽ bộ phận cho phép nhập thiết bị y tế cũ là để du nhập thêm một số bệnh mới vào nước ta cho xôm trò. Bệnh tật cũng cần “trăm hoa đua nở” cho nó vui. Nhờ được khám và điều trị những loại bệnh mới này, tay nghề y bác sỹ của ta mới nâng cao được chứ.
      Cận

Dân mình lạ quá

-       Bác trông tôi có “hot old gentlemen” không?
-       Là cái gì vậy, tiếng Việt nói còn chẳng sõi còn học đòi ngoại ngữ.
-       Là “hót lão” kiểu như “hot boy”, “hot girl” ấy mà.
-       Người ta xinh đẹp ngời ngời mới gắn với chữ “hot”, còn bác da dẻ rúm ró như da cóc, chân cẳng như đôi đũa gãy, răng lợi lưa thưa thế kia thì chỉ có thể là “hót ma” được thôi.
-       Bác cứ nói quá, tôi đâu đến nỗi nào. Bây giờ đi đâu cũng thấy nhan nhản siêu mẫu với siêu sao nên tôi thấy sốt ruột quá, mình cũng phải có một danh hiệu nào đó cho nó sành điệu chứ.
-       Nhiều “hot girl” thực sự là những người tài giỏi, xinh đẹp, đạt giải từ những cuộc thi nhan sắc, tài năng lớn. Số này thực tế không có nhiều, còn phần lớn là do ngộ nhận.
-       Nhưng ở mình có cuộc thi “đẹp lão” nào đâu để tôi tham gia thi thố?
-       Vậy thì bác phải tìm cách gây scandal kiểu như hành vi khoe “bưởi bòng” của “bà Tưng”, hay “nuy vì môi trường” như một số người mẫu vẫn hay làm chẳng hạn.
-       Khó nhỉ. Tôi bây giờ  đã hơn bảy mươi rồi mà “lộ hàng” ra thì gà nó mổ chết. Nhìn các “hot girl”, các siêu mẫu dởm thay nhà, thay xe như thay áo mà tôi ngốt hết cả người.
-       Thôi đi bác, phải tự biết thân, biết phận chứ. Những người nổi tiếng nhờ những việc làm thiếu đàng hoàng họ cũng chẳng sung sướng gì đâu. Họ luôn bị cả xã hội coi thường, bị “ném đá” tới tấp trên mạng kia kìa.

-       Vậy mà nhiều người vẫn bỏ tiền mua vé ùn ùn vào xem các “hot girl” các siêu mẫu dởm này biểu diễn đấy. Dân mình kể cũng lạ, bác nhỉ.
      Cận

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Tin ở con người

           
-       Theo bác, nguyên nhân chính của tham ô, tham nhũng xuất phát từ đâu?
-       Có thế mà cũng hỏi, túng thiếu mới hay làm liều, chứ giàu có rồi ai tham nhũng làm gì.
-       Chẳng phải, khối ông lương cao, bổng hậu, tiền bạc thừa mứa mà vẫn tìm cách bòn rút của nhà nước, của nhân dân đấy thôi.
-       Chắc họ cầm “nhầm”. Người giàu họ thường ăn nhiều của ngon vật lạ nên bị lú mề dẫn đến hay quên, tưởng tiền của người khác là của mình.
-       Quên như thế ai chẳng muốn. Trong khi đó có rất nhiều người nghèo lại cương quyết không lấy những gì không phải do mồ hôi, công sức mình làm ra.
-       Những trường hợp như thế hiếm lắm. Có mấy người từ chối những món quà từ trên trời rơi xuống đâu.
-       Vậy mà, chỉ mấy ngày vừa qua báo chí liên tiếp phản ánh vụ một cháu bé học lớp 6 ở Tiên Lãng Hải Phòng nhặt được 30 triệu đồng đã đứng đợi suốt 2 tiếng đồng hồ dưới trời mưa rét để trả lại người mất.
-       Chắc cậu này bé quá chưa biết tiêu tiền nên mới làm thế. Người lớn như tôi với bác xem, lại chẳng…
-       Ở thôn Du Nghệ, Quốc Oai, Hà Nội có đôi vợ chồng nghèo buôn bán đồng nát đã vớ được 10 cây vàng trong đống sách báo cũ cũng đem trả lại cho khổ chủ đấy.
-       Chắc nghèo quá, cả đời chẳng biết vàng bạc là gì nên mới trả lại, phải tôi ấy à…

-       Bác không cần phải gân cổ lên như thế. Tôi biết bác không phải là người bạc ác, chẳng qua đã cố gắng cả đời mà vẫn không mọc mũi sủi tăm được nên bực cuộc đời mà nói vậy thôi. Gặp cảnh như trên, tôi tin bác sẽ trả lại, hầu hết người Việt mình là thế mà bác.
      Cận

Thật phi lí quá

   
-       Bác có thể phân biệt được bằng thật với bằng dởm không?
-       Già lão như tôi mắt mũi kèm nhèm cả rồi làm sao mà nhận biết được. Thời buổi công nghệ cao như hiện nay đến cơ quan chức năng còn khó phát hiện nữa là tôi với bác.
-       Thảo nào mà dạo này nhiều người dùng bằng dởm quá. Ở nhiều đơn vị, nhờ có đơn thư tố cáo đã phanh phui nhiều cán bộ cao cấp sử dùng bằng giả để tiến thân.
-       Tôi tưởng chỉ những ai lần đầu đi xin việc mới làm giả bằng cấp thôi chứ. Còn cán bộ để được bổ nhiệm phải có qui trình chặt chẽ lắm, lọt lưới làm sao được?
-       Cũng chẳng biết thế nào. Gần đây, một phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bạc Liêu bị phát hiện khai gian 3 bằng cấp liền.
-       Thế ông này đã bị kỉ luật chưa?
-       Chưa thấy động tĩnh gì, chắc lại “bèo giạt mây trôi” thôi
-       Không có bằng cấp “xịn” làm sao mà leo cao thế được. Chắc ông này giả vờ dùng bằng dởm để thử tài điều tra của cơ quan chức năng đấy.
-       Cũng ở địa phương này mấy năm trước người ta đã tìm ra hàng chục trường hợp dùng bằng dởm mà có thấy ai bị xử lí đâu. Chỉ có vài trường hợp bị cho thôi việc.
-       Vậy bác còn muốn gì nữa, bỏ tù chắc?

-       Đúng thế. Một tên trộm chiếc xe máy rồi dùng giấy tờ giả để tiêu thụ còn bị tù mấy năm huống hồ một ông phó giám đốc sở bất tài mà được giao quyền bính sẽ gây tổn thất vô cùng lớn cho địa phương và đất nước. Những kẻ như thế mà chỉ bị cảnh cáo, thuyên chuyển công tác, thậm chí được đề bạt lên cấp cao hơn thì phi lí quá. Nạn dùng bằng dởm rồi sẽ còn phát triển mạnh bác ạ.

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Phải tin tưởng vào nhau chứ


- Đi đâu về mà mặt mũi phởn phơ thế bác?
- Đầu năm mới tôi đưa vợ con lên Hồ Tây chụp ảnh, đẹp lắm bác ạ.
- Lãng mạn nhỉ, lên đó chơi là tốn kém lắm đấy, tôi chưa bao giờ dám vung tay quá trán như bác.
- Ai bảo bác là tốn kém. Hôm nay là ngày đầu năm mới, ông chủ vườn hoa không thu tiền vào cửa của mọi người, còn mời uống trà ướp sen thoải mái.
- Chỉ bữa nay thôi. Mai bác thử lên đó xem, lại chẳng bị "chém" nát người ấy à?
- Cái đó tính sau. Vấn đề là, vào những ngày tết thế này thông thường khách sẽ bị chặt chém vô tội vạ, vậy mà giữa thành phố buôn bán tấp nập vẫn có một điểm kinh doanh biết tri ân khách hàng như thế là đáng quí lắm.
- Ôi dào, hai cái đấm không bằng một cái đạp, từ mai họ se thu gấp hai gấp ba để bù cho hôm nay, ai còn lạ gì đám con buôn.
- Bác nói thế mà nghe được à. Ngày mai thế nào chưa rõ, chỉ biết hôm nay, vào ngày mùng một tết, nhiều người dân Hà Nội đã ứng xử với nhau hết sức có văn hoá.
- Cả đời tôi bị "vặt" trụi rồi, tôi phải cảnh giác chứ.
- Thì tôi cũng hơn gì bác, cũng thường xuyên bị "chặt chém", nhưng tôi vẫn rất lạc quan. Sống ở trên đời là phải biết tin tưởng vào nhau chứ.

- Tôi cũng muốn luôn được vui vẻ, hồn nhiên như bác lắm. Chỉ vì những tiêu cực hàng ngày cứ đâm vào mắt khiến tôi hay có cái nhìn bi quan. Hi vọng trong năm mới này, mọi cái xấu sẽ tự triệt tiêu đi, còn cái tốt cứ nhân lên mãi, bác nhỉ. Chúc bác cả năm may mắn, vui vẻ, luôn yêu thương mọi người và cũng được cuộc đời này yêu thương, trân trọng nhé.
Cận

Rồi sẽ hòa cả làng

         
-       Thế mới thấy doanh nghiệp nước mình làm ăn liều mạng quá.
-       Có vậy họ mới nhanh chóng làm giàu được. Lại vừa xảy ra chuyện gì hả bác?
-       Các hãng viễn thông vừa bị thanh tra Bộ TT-TT phanh phui việc đã âm thầm cài một số ứng dụng vào sim. Ai vô tình kích hoạt vào đó sẽ bị nhà mạng tính tiền giá cao.
-       Ôi dào, đáng bao nhiêu đâu, dùng ứng dụng thì phải trả tiền, cũng là lẽ đương nhiên thôi.
-       Vấn đề là các hãng này đã không có sự thỏa thuận trước với khách hàng. Họ lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân để rút ruột hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
-       Thế kia à. Sự việc diễn ra lâu chưa bác?
-       Khoảng chục năm nay. Cứ thế nhân lên sẽ thấy, người dân đã bị móc túi hàng ngàn tỷ đồng.
-       Trời ơi, một con số khủng khiếp, đủ để xóa đói giảm nghèo cho hàng triệu người. Thế sau khi bị phát hiện đã có ai bị pháp luật sờ gáy chưa?
-       Mới thấy nói bị xử lí hành chính thôi. Mà cũng mới phạt tập thể, chưa thấy cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cả.
-       Chế tài nhẹ như lông hồng như thế thảo nào nảy nòi ngày càng nhiều đối tượng nhờn luật. Vậy trong việc này, các nhà mạng đã hoàn tiền cho những người bị họ móc túi chưa?
-       Còn lâu nhé, rồi sẽ hòa cả làng thôi.

-       Không hiểu số tiền họ móc túi được đi đâu nhỉ, liệu nó có rơi vào túi cá nhân không? Trong vụ này, tôi có cảm giác cả người dân và nhà nước đều bị móc túi. Nếu vậy thì quá đáng thật.
      Cận