Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Phải khẩn trương chấn chỉnh

            
-       Hóa ra, máy bay cũng có hành vi, cảm xúc như con người bác ạ.
-       Làm gì có chuyện đó, đây là sản phẩm do con người chế ra và điều khiển, làm sao tự tư duy sáng tạo được.
-       Bác chẳng hiểu gì về máy móc cả. Tháng trước ở miền Trung có chiếc máy bay hạ cánh chỉ bằng một bánh rất giống với mấy cháu gái chơi nhảy lò cò. Hôm vừa rồi lại có một chiếc tiếp đất bằng bụng như bắt chước hình ảnh thiếu nữ đi học về dang hai tay sung sướng phi lên giường vậy.
-       Trên giường toàn đệm với chăn, đến tôi còn thích phi lên đó nữa là mấy cô bé đang tuổi yêu, tuổi lớn. Chiếc càng với bánh trước của máy bay phi công để quên ở nhà hay sao mà máy bay phải dí bụng với ngực xuống đường băng bê tông hả bác?
-       Không, lúc ngao du trên bầu trời, chiếc “vó” được co lên, giấu trong bụng, khi chuẩn bị hạ cánh, phi công “ bảo” thế nào nó cũng không chịu duỗi ra, thế là đành phải ngã sõng soài trên đường băng thôi.
-       Thế có ai chết hay bị thương không?
-       Đây là loại máy bay thấp bé, nhẹ cân nên khi đáp xuống nó chấp chới như chiếc lá vàng mùa thu nên rất may không bị nổ tung, không gây thiệt hại về người.
-       Thế trước khi cho phép cất cánh, máy bay không được kiểm tra gì sao?
-       Có chứ, đây chỉ là trục trặc kĩ thuật, con người còn có lúc ốm đau mà bác.

-       Bác nói thế mà nghe được à. Với chiếc ôtô chở khách chạy trên mặt đất người ta còn liên tục kiểm định chất lượng một cách ngặt nghèo, chiếc máy bay chở hàng trăm con người thì phải tuyệt đối an toàn. Ngày kia rơi lốp, hôm nay không hạ càng được, mai lại cho gái vào buồng lái, như vậy là buông lỏng kỉ cương, phải chấn chỉnh khẩn trương, bác hiểu chưa.
       Cận

E rằng hơi chướng

           
-       Sắp tới, Bộ học sẽ cho xây 800 nhà vệ sinh đạt chuẩn quốc gia cho học sinh tiểu học vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đấy.
-       Ở nước ngoài, các loại cơ sở vật chất người ta xếp theo hạng từ 1 đến 5 sao, nhà vệ sinh mà gắn với hai chữ “quốc gia” tôi thấy thế nào ấy. Thế nào là chuẩn quốc gia hả bác?
-       Làm sao tôi biết được, chắc là phải sạch sẽ như bệnh viện, được khử trùng tuyệt đối, người ốm mà vào đây “xả xú páp” một lần là khỏi bệnh liền…
-        Viển vông quá. Thế trước đây, ở những địa phương này không có nhà vệ sinh sao?
-       Nơi có, nơi không, chủ yếu các cháu ra ruộng, vào rừng hay lên núi “đi” cho mát.
-       Có nhà vệ sinh đạt chuẩn cũng tốt, tuy nhiên đây không phải vấn đề cấp bách lắm. Nhiều cháu ở vùng sâu vùng xa mùa đông đến trường còn mặc phong phanh, có nơi, các cháu phải ăn sắn, ăn khoai, cả tuần chẳng có nổi miếng thịt, sao không dùng số tiền làm nhà vệ sinh cải thiện bữa ăn, mua áo ấm cho các cháu, như thế sẽ thiết thực hơn. Đầu vào không có, lấy đâu ra đầu ra, cần gì đến nhà vệ sinh.
-       Thì cứ xây nhà vệ sinh hiện đại trước đi, rồi nâng cao mức sống đủ chất dinh dưỡng cho các cháu sau, qui hoạch là phải biết nhìn xa trông rộng chứ.

-       Đất nước mình còn nghèo, làm gì thì cũng phải tính toán kĩ càng, cái ăn lo trước, cái ở lo sau. Đã bao đời nay, người dân vẫn dùng nhà vệ sinh tre nứa lá có làm sao đâu. Theo tôi, việc bức thiết nhất lúc này là lo cho các cháu sớm được ăn no mặc ấm. Đến ngay giữa thủ đô mà bà con khu phố cổ vẫn phải dùng chung nhà vệ sinh có từ thời Pháp thuộc thì việc các cháu miền núi có nhà vệ sinh đạt chuẩn quốc gia e rằng hơi chướng.
      Cận

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Thật đáng xấu hổ

           
-       Sao vừa đi vừa lẩm bẩm gì thế bác, lại khó chịu với ai à?
-       Không, tôi đang ôn lại bài, lát nữa đến lớp, thầy hỏi còn biết đường trả lời.
-       Chừng này tuổi rồi ở nhà vui vầy với con cháu. Mà bác học để làm gì vậy?
-       Học để nâng cao hiểu biết. Mình mới hơn bảy mươi, còn sống được ít năm nữa, vẫn kịp lấy được cái bằng tiến sỹ.
-       Người ta học cao là để được bổ nhiệm làm ông nọ, bà kia, bác lấy bằng để nộp cho tổ hưu hay sao?
-       Học để hiểu biết thêm, còn việc lấy bằng tốt nghiệp là để chứng minh cho mọi người thấy mình cũng thông minh, giỏi giang như ai, vợ con đỡ coi thường. Tôi cố gắng đến lớp là để noi gương mấy cháu nhỏ mắc ung thư đang điều trị tại Viện Ung bướu Trung ương đấy.
-       Sao lại thế, các cháu đang trong cơn thập tử nhất sinh, cuộc sống được tính bằng ngày, học làm gì nhỉ?
-       Bác nói thế sai rồi. Dù còn sống chỉ một giờ, con người tử tế vẫn phải có ý chí vươn lên, họ học, dù chỉ được thêm một chữ cũng quí lắm. Con người khác với con vật chính ở chỗ đó, bác ạ.
-       Nhưng ai là người có thời gian, lòng can đảm để dạy các cháu bệnh tật?
-       Một cô giáo nghèo, bình dị, mỗi tuần 3 buổi đến dạy cho các cháu, vừa dạy vừa khóc, tội lắm.
-       Xông vào nơi khổ ải như thế, chắc cô giáo này được bệnh viện và người nhà bệnh nhân trả thù lao nhiều lắm.
-       Không hề. Cô giáo còn phải trích số lương ít ỏi mua quà cho các cháu.

-       Trời ơi, hóa ra trên đời này vẫn có những tấm lòng cao quí như vậy, trong khi xã hội vẫn còn bao kẻ lâu nay vẫn dùng bằng giả để vinh thân, phì gia, bóc lột đồng loại. Thật đáng xấu hổ lắm thay!
      Cận

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Sự cô đơn ngọt ngào

                              

                                                                                    
-       Theo bác, ai là người cô đơn nhất?
-       Là tôi đây. Từ ngày về hưu đến giờ, dịp lễ tết có ai đến thăm hay biếu xén gì đâu. Lương hưu thì ít, nên chẳng có ông bạn nào rủ đi nhậu nhẹt cả. Tiền đưa về chẳng được bao nhiêu, vợ con cũng xa lánh, nhiều khi chẳng biết chuyện trò cùng ai.
-       Thì kiếm một bà nào đó bên ngoài mà chia sẻ, tâm sự.
-       Tán tỉnh một bà đâu có khó, nhất là với người phong độ cường tráng như tôi. Vấn đề là vào quán tâm tình thì cũng phải có tiền trả cà phê, rồi còn quà cáp, hoa hoét vào các dịp sinh nhật, Va-len-tin nữa chứ.
-       Bác lãng mạn quá, ý tôi muốn hỏi, ngành nghề nào cô đơn nhất kia.
-       Chắc là nghề canh đèn biển hoặc những người đo sóng thần, dự báo thời tiết nơi đảo xa.
-       Không phải, họ cô độc chứ đâu cô đơn. Làm giáo viên là cô đơn nhất.
-       Học trò, đồng nghiệp, các bậc phụ huynh xúm xít xung quanh còn cô đơn nỗi gì?
-       Tại lễ tôn vinh những điển hình tiên tiến, những nhà giáo mẫu mực hôm 14/11 vừa qua, có vị hiệu trưởng cho biết, người giáo viên càng mẫu mực càng cô đơn.
-       Bác nói khó hiểu quá, sống có tư cách đạo đức thì phải được xã hội kính trọng, học trò yêu kính, gần gũi chứ?
-       Chưa hẳn, vị hiệu trưởng này nhấn mạnh, giáo viên có lối sống và trình độ mẫu mực thường ít được cấp trên đoái hoài, cất nhắc, không được các đồng nghiệp rủ dạy thêm, học trò, phụ huynh cũng sợ, không dám biếu xén, quà cáp.
-       Thì nghề giáo xưa nay vẫn theo phương châm “đói cho sạch, rách cho thơm” mà.
-       Quan niệm này là tốt, cần được đề cao. Tuy nhiên, khi mà cả thiên hạ đục mà mình vẫn cố giữ cho lòng mình trong thì phải chấp nhận cô đơn thôi.
-       Nhưng đây là sự cô đơn ngọt ngào, đáng quí mà

Cận

Không ai làm thế

          
-       Nghe nói đợt lũ vừa rồi ở mấy tỉnh miền Trung kinh hoàng lắm hả bác?
-       Vâng, thật là khủng khiếp, nước mênh mông trắng đồng, thiệt hại về người và tài sản không biết đâu mà kể, thương quá mà không biết làm thế nào.
-       Chính quyền phá rừng làm thủy điện, rồi thì người dân chặt cây lấy gỗ làm nhà, dòng lũ không có gì ngăn được đổ ụp lên đầu người vô tội như xô nước dội lên đàn kiến vậy, làm sao đỡ nổi. Đợt này, bác có định quyên góp gì không?
-       Cứu trợ bao nhiêu cho đủ, vấn đề là người dân, đặc biệt là chính quyền địa phương cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài.
-       Thì họ vẫn quyết liệt chống thiên tai đấy thôi.
-       Chưa triệt để, đồng sức, đồng lòng đâu. Hôm vừa rồi, đúng hôm đỉnh lũ, tại trụ sở Ủy ban nhân dân một phường nọ, người ta tổ chức ăn uống hát hò linh đình, trong khi có cậu bé vì thương ông bà đói, chèo thuyền đi mua gói mì tôm đã bị dòng nước lũ cuốn đi mất xác.
-       Nước trắng xóa khắp nơi, cán bộ lội nước bẩn nhỡ hỏng giày hay bị nước ăn chân ai chịu trách nhiệm, chẳng ngồi nhậu nhẹt thì biết làm gì.
-       Thì bơi thuyền đi hỏi han dân tình, ngồi uống rượu nơi công đường trông phản cảm lắm.
-       Bác tính, mấy ngày trời vật lộn với dòng nước lũ, cũng nên để họ nghỉ ngơi, thư giãn mới có sức khỏe, tinh thần phục vụ bà con chứ.

-       Thì có ai cấm họ ngủ một giấc đâu. Vấn đề là, trong lúc hàng nghìn con người ngâm mình dưới dòng nước lạnh với cái bụng đói meo thì các lãnh đạo do dân bầu này lại điềm nhiên ngồi gặm thịt chó, hát nhạc vàng, người có lương tâm không ai làm thế.
       Cận

Bước lấy đà đáng ngờ

-       Hô hô… hi hi… sướng quá, vui quá!
-       Có chuyện gì mà bác phấn khởi thế, mới kiếm được bà nào à?
-       Không, tôi mừng vì giá xăng dầu giảm, nghe nói là để chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ lụt.
-       Giảm nhiều không bác, chắc phải đến 50% ấy nhỉ?
-       Làm gì có chuyện đó, giảm có 250 đồng mỗi lít thôi.
-       Như vậy là chưa bằng một phần mười giá cốc trà đá, tôi có cảm giác ngành xăng dầu đang muốn bỡn cợt người tiêu dùng thì phải?
-       Mấy ngành kinh doanh này lâu nay vốn ỷ thế chỉ biết tăng, hầu như không biết giảm, nay họ bớt cho chút ít cũng là đáng quí lắm rồi, bác còn đòi hỏi gì nữa.
-       Tôi không đòi quyền lợi gì cho cá nhân mà chỉ cần sự công bằng. Ai đời, khi tăng thì tăng như vũ bão, khi giảm thì hiu hiu như gió mùa thu.
-       Hiu hiu thì cũng là gió, như ngành điện từ xưa đến nay chỉ có tăng mà chưa bao giờ giảm sao không thấy bác nói?
-       Thà như thế còn đỡ bực mình, đằng này giảm nhỏ giọt như trêu tức người dân là không được. Với mức giảm này của ngành xăng dầu, mỗi tháng tôi tiết kiệm được 2 nghìn 5 trăm đồng, số tiền này có cho ăn mày họ cũng không lấy.
-       Thôi thì thời buổi khó khăn, tiết kiệm được xu nào hay xu ấy, ngành xăng dầu như vậy là cũng có thiện chí, bác nên ghi nhận.

-       Thực ra, người tiêu dùng không đòi cái lợi cho mình mà gây thiệt hại cho nhà nước và doanh nghiệp. Cái họ cần là sự rõ ràng, minh bạch về giá. Tôi đồ rằng, lần giảm giá này là bước lấy đà cho việc tăng giá tối tăm mặt mũi sắp tới đây.
      Cận

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Chuyện lạ trong đời thường

          
-       Mua có mớ rau mà bác lật đi lật lại cả tiếng đồng hồ, nát hết của người ta rồi.
-       Bây giờ người ta dùng nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, không cẩn thận, ung thư như chơi.
-       Bác cả lo quá, tôi ăn mãi mà có sao đâu, chỉ thỉnh thoảng thấy nhói trong tim hay quặn thắt dạ dày thôi.
-       Có lẽ chất độc bắt đầu phát tác đấy, tìm rau an toàn mà ăn, “cẩn tắc vô ưu” bác ạ.
-       Biết là thế nhưng có tránh được đâu. Mà sao nhiều người chỉ vì mấy đồng lợi nhuận mà nỡ dùng chất cấm hãm hại đồng bào thế nhỉ?
-       Kinh tế thị trường, cạnh tranh khốc liệt, họ phải làm thế để tồn tại thôi.
-       Tôi không nghĩ vậy. Ở các nước khác cũng phát triển kinh tế thị trường nhưng người chăn nuôi, trồng trọt của họ có táng tận lương tâm thế đâu. Trong khi đó, một chàng trai người Nhật bỏ quê hương, bỏ công việc lương cao sang Việt Nam hướng dẫn bà con mình trồng rau sạch bán ra thị trường.
-       Chắc lãi nhiều lắm nên anh này mới sẵn sàng rời xa thế giới văn minh đến với vùng nông thôn Việt Nam?
-       Không hề, rau anh này trồng chỉ được bán bằng hoặc dưới giá thành, nhiều khi phải bù lỗ. Vấn đề là anh ấy đã truyền cho người nông dân phương pháp và công nghệ trồng rau sạch tiên tiến nhất của Nhật Bản.
-       Vậy anh này thu tiền học có cao không?
-       Hoàn toàn miễn phí.
-       Tôi chẳng tin trên đời có người tốt thế, chắc anh ta đang “ tăm tia” một cô gái Việt cũng nên?

-       Thế cũng tốt chứ sao. Thật có phúc cho cô nào lấy được người chồng như thế.
      Cận

Sữa giúp ….giảm dân số


-       Hàng năm nhà nước chi cho công tác sinh đẻ kế hoạch nhiều không bác?
-       Hàng trăm tỷ đồng chứ không ít, vậy mà hiệu quả cũng chưa đâu vào đâu.
-       Tốn kém thế kia à, sao chúng ta không khuyên các cặp vợ chồng và con cái họ cùng nhau uống sữa nhỉ?
-       Sữa thì liên quan gì tới việc giảm thiểu dân số?
-       Bác chẳng hiểu gì cả, gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện loại sữa được bán tràn lan trên thị trường nhiều năm qua có pha thuốc ngừa thai đấy.
-       Thật sao, nếu vậy thì phải thưởng cho doanh nghiệp này, bởi nhờ sữa của họ, nhà nước từ nay không phải chi phí cho việc kiềm chế đà tăng dân số nữa.
-       Khổ nỗi là, nhiều đôi uống loại sữa này vẫn có “bầu” ầm ầm, chỉ có trẻ con là tăng cân thôi.
-       Bác nói khó hiểu quá. Thuốc ngừa thai thì liên quan gì tới cân nặng của trẻ? Mà thôi, mất mặt này lại được mặt khác, trẻ khỏe mạnh thì tương lai đất nước mới cậy nhờ được.
-       Chỉ có điều, chúng tăng cân vù vù không theo cách ăn uống tự nhiên, mà chủ yếu do trong thuốc ngừa thai có thành phần giúp giữ nước bác ạ.
-       Nếu thế thì thậm nguy, chất giữ nước chính là sự khởi đầu của nhiều chứng bệnh nan y đấy. Thế doanh nghiệp làm bậy đã bị xử lí chưa?
-       Vẫn như mọi khi, chỉ bị phạt hành chính thôi. Bệnh tật thì phải hàng chục năm nữa mới phát tác, chứng cứ đâu mà bỏ tù họ được.

-       Bác nói thế là không được. Nhà nước cần có qui định, ngoài những thành phần tự nhiên có trong sữa ra, bất cứ trường hợp bổ sung vi chất nào cũng phải xin phép và có văn bản đồng ý của các cơ quan chức năng. Mọi trường hợp trộn chất lạ vào sữa, kể cả chất tốt, mà chưa được phép đều phải được khởi tố, có thế mới răn đe được những đối tượng làm bậy.
     Cận

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Lương tâm để ở đâu?

          
-       Bác đi đâu mà mấy bữa nay không gặp, có ấm trà ngon mà không có người uống cùng?
-       Những lúc nước sôi lửa bỏng thế này còn tâm trạng đâu mà rượu chè, tôi vừa đi cùng đoàn cứu trợ vùng bão miền Trung về, vất vả quá.
-       Chuyến đi có gì hay không, sao không cho tôi đi cùng với?
-       Sắp có chuyến đi nữa đấy, bác đóng góp cho đồng bào trong đó ít tiền nhé.
-       Tiền thì tôi không có, nhưng quần áo cũ, mì tôm người ta cho từ năm ngoái đã ăn hết đâu, tôi ủng hộ tất, để tôi về lấy luôn.
-       Thôi, thôi, tôi xin. Thức ăn để cả năm rồi, làm gì còn hạn sử dụng, lỡ người ta ăn vào “lăn quay” ra đấy có mà ân hận cả đời.
-       Làm gì đến mức đấy, mì nhà tôi mới quá hạn có 4 tháng, ăn vào chỉ đau bụng đi ngoài thôi, cùng lắm là lên cơn co giật vài hôm là hết. Một bệnh viện lớn còn cấp miễn phí thuốc quá “đát” đã 7 tháng cho người dân trong đó mà có ai chết đâu.
-       Thông thường thuốc quá hạn dù chỉ một ngày ngành dược đã khuyến cáo bệnh nhân không nên dùng vì rất dễ ngộ độc, ảnh hưởng đến tính mạng, vậy mà thuốc “vượt ngưỡng” tới hơn nửa năm mà vẫn bình thản cấp cho dân thì lạ quá?
-       Có gì đâu mà ngạc nhiên, thuốc còn hạn thì là thuốc, còn khi quá hạn có khi lại chuyển hóa thành “kẹo” cũng nên. Ngâm mình trong mênh mông sông nước mà có nắm “kẹo” ngậm cũng đỡ được cơn đói lòng, dễ nảy thi hứng.
-       Sao người ta lại đang tâm cấp thuốc quá hạn cho những con người khốn khổ nhỉ, họ không sợ lương tâm cắn rứt sao?

-       Ôi dào, lương tâm không bằng lương tháng, thuốc hỏng không cấp cho người dân vùng lũ thì chuyển đi đâu, không lẽ đổ xuống sông, cá ăn phải chết hết thì lấy gì cho bác câu dịp cuối tuần.
      Cận

Muốn đẹp chớ nên “nghiến răng”

            
-       Dạo này bụng bác hơi to đấy nhé, đi hút mỡ đi.
-       Từ ngày xảy ra vụ bác sỹ ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng, ai còn dám đi làm đẹp nữa. Thôi, chấp nhận xấu xí một tí cũng được, đi thẩm mĩ nhỡ “ngoẻo” ra đấy ai nuôi vợ con.
-       Muốn đẹp thì phải chấp nhận rủi ro, cơ thể thon thả thì người ta mới cho làm bảo vệ. Bụng bễ bác ộ ệ thế kia làm sao mà đuổi được trộm?
-       Tôi thà mất việc về làm xe ôm chứ nhất định không phẫu thuật thẩm mĩ, nhỡ gặp một ông Cát Tường khác, ông ấy mang xác thả xuống biển, cá rỉa cho vài phút thì sợi tóc cũng chẳng còn. Mà sau vụ án động trời vừa rồi, tôi nghĩ sẽ chẳng có bác sỹ nào còn đủ can đảm thò ống hút vào bụng bệnh nhân nữa, bác nhỉ?
-       Ai bảo bác thế, ở một thành phố phía Nam, dịch vụ hút mỡ bụng nửa tháng nay rộ lên chưa từng thấy, giá cả tăng gấp mấy lần mà chị em vẫn nườm nượp tìm đến.
-       Thế mới thấy phụ nữ Việt mình quá “can đảm”, sẵn sàng “hi sinh” thân mình chỉ để cái mũi cao lên, “bưởi, bòng” đầy đặn hơn một chút. Thực trạng này các cơ quan quản lí có biết không, đã có biện pháp kiểm soát chưa?
-       Nghe nói, họ đang xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên. Bây giờ, nhiều dịch vụ rút vào hoạt động bí mật, mọi giao dịch diễn ra trong quán cà phê, tiền bạc, hợp đồng kí kết xong xuôi, bác sỹ sẽ đưa bệnh nhân đến một nơi kín đáo nào đó phẫu thuật nên cũng khó kiểm soát lắm.

-       Nếu quản lí lỏng lẻo như vậy chắc chắn sẽ còn nhiều đồ tể như tay Cát Tường, sẽ còn nhiều nạn nhân bị làm mồi cho cá, thương thay!
      Cận