Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Còn nhiều người tử tế

- Xưa thật sướng, đi đâu cũng yên tâm, giờ ra đường là nơm nớp sợ tai nạn
- Có chuyện gì bức xúc mà sáng ra đã bi quan thế bác?
- Mình già rồi mắt mũi kèm nhèm, thụt xuống cái ổ gà, lăn quay ra đường. Đám thanh niên không đỡ dậy còn cười hô hố đi qua, tiện tay còn cầm luôn cái kính tôi làm rơi nữa chứ
- Thôi chấp chúng nó làm gì. Tuổi trẻ đứa nào chẳng nghịch ngợm, lớn lên chút nữa là đâu vào đấy cả thôi. Bác ngã xuống ổ gà ở đâu vậy?
- Thì cái hố to đùng ở đầu phố chứ cái nào nữa
- Tôi cũng ngã xuống đó mấy lần. Đường thành phố mà sao lắm ổ gà thế bác nhỉ? Cái ổ gà bác vừa nói xuất hiện đã mấy năm rồi mà chẳng thấy cơ quan có trách nhiệm nào đến sửa chữa, khổ cho xe cộ và người già quá
- Cơ quan chủ quản còn bận nhiều việc. Họ cố tình không sửa chữa để những người máu nóng không dám phóng nhanh vượt ẩu, còn những người như tôi với bác ngã xuống đó để kiểm tra sức khỏe. Nếu không què tức là xương cốt của cánh ta vẫn “ngon”, ăn nhậu thoải mái, còn nếu bị gẫy chân, gẫy tay thì chắc chắn mắc chứng loãng xương, phải bổ sung canxi ngay
- Thế mới thấy ở đời vẫn còn nhiều người tử tế. Ở thành phố Cần Thơ có một chàng trai suốt bốn năm qua bất kể mưa nắng tự nguyện vá đường cho bà con
- Chắc lại cậu ấm, con “quan” thừa tiền, rửng mỡ, làm điều đó để thu hút sự chú ý của dư luận chứ gì?
- Trái lại, cậu ấy cực nghèo, phải đi làm thuê, làm mướn, ăn uống đạm bạc, dành tiền mua nhựa đường, ximăng, cát sỏi để lấp ổ gà, ổ trâu, giúp người qua đường tránh được những tai nạn đáng tiếc
- Những người như vậy đáng được khen thưởng. Sao ông Bộ trưởng Giao thông không dùng sớm những con người như thế này làm cán bộ quản lí các dự án nhỉ, chắc chắn dân sẽ được nhờ nhiều lắm.
Cận

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Già rồi còn dại

- Từ nhỏ tới giờ mới được mời bữa đặc sản giá mấy chục triệu đồng, đã quá bác ạ
- Trong những thứ bác ăn chắc chắn có món thịt bò Kô-Bê
- Sao bác tài quá vậy, nói trúng phóc. Đúng là toàn bò, đủ các món tái, chín, nóng, nguội, khô, ướt. Nghe mấy người cùng bàn nói, mỗi gắp cho vào miệng trị giá hàng trăm nghìn đồng, bằng mấy ngày lương hưu của tôi với bác
- Vấn đề là có ngon, bổ… đắt như quảng cáo không?
- Tuyệt vời. Thịt nào chẳng dai, vậy mà món Kô-Bê này mềm đến mức tôi chưa kịp khởi động hai hàm răng giả nó đã tan ra trong miệng, thấm vào tận lục phủ ngũ tạng. Không chỉ vậy, nó còn mát rượi, ngọt thỉu, khi nuốt vào bụng tôi thấy mình như đang bay lên, bay lên…
- Nghe bác kể mà tôi có cảm giác như đang “ăn thịt” tiên nữ vậy. Thịt bò Kô-Bê có xuất xứ từ đâu vậy bác?
- Nghe nói đây là giống bò quí hiếm của nước ngoài, được nuôi bằng chế độ dành cho phi công vũ trụ. Khi buồn, chúng được ca sỹ hạng 5 sao hát cho nghe, khi ốm chúng được bú sữa người, còn được nằm ngủ trên đệm khử trùng, được nuôi trong những căn hộ cao cấp trị giá hàng triệu USD…
- Đúng là già rồi mà còn dại. Kô-Bê gì, có mà Kô-ti-lưa thì có. Cơ quan hữu trách vừa cho biết chưa bao giờ cho phép nhập gam thịt bò Kô-Bê nào và cũng chưa bao giờ kiểm dịch loại thịt này
- Vô lí, chẳng lẽ những đại gia ăn phở bò Kô-Bê giá mỗi bát gần triệu bạc cũng bị lừa hay sao?
- Khôn ngoan mấy rồi cũng chết vì ăn mà thôi
- Vậy loại thịt này từ đâu ra?
- Có khi đó chính là loại bò được nuôi bằng rác ở Thái Nguyên cũng nên
Cận

Công tử Sóc Trăng

- Vào Nam vừa rồi bác có ghé thăm nhà công tử Sóc Trăng không?
- Tôi tưởng trong đó chỉ có công tử Bạc Liêu thôi chứ
- Mấy ông đó ăn chơi sao bằng hai “ ngài” cán bộ cao cấp ngành giao thông Sóc Trăng, mỗi ván cờ tướng các vị này ăn thua đến 5 tỷ đồng
- Bác có đùa không đấy, số tiền đó tương đương với 20 triệu bát phở, đủ vốn để xóa đói giảm nghèo cho một xã đấy. Đến các tỷ phú nước ngoài cũng không chơi “phũ” như thế
- Hoàn toàn là sự thật. Hai “cụ thằng Bần” này đã bị cơ quan điều tra khởi tố rồi đấy
- Không hiểu mấy tay cờ bạc này khi sát phạt nhau có biết trên quê hương họ vẫn còn 20% người nghèo, 14,5% trẻ em bị suy dinh dưỡng không nhỉ?
- Chắc là biết nên họ mới cờ bạc, lấy tiền mua sữa “ủng hộ” những người khốn khổ đấy mà
- Tôi chẳng tin, mà sao dạo này khu vực miền Tây lắm chuyện thế nhỉ, hết ông công chức này nằm võng “tâm sự” với nữ thuộc cấp, lại đến vị cán bộ ngành tòa án đưa vợ người khác vào nhà nghỉ để “tư vấn luật”?
- Tiếp công dân ở những nơi đó mới mát, đầu óc có sảng khoái, minh mẫn mới có nhiều ý tưởng “giúp” dân chứ
- Nếu thế phải khen thưởng họ chứ sao lại cách chức, tống những cán bộ “mẫn cán” này vào tù?
Cận

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Để một phương lấy chồng

- Tối bác thường làm gì?
- Cơm xong, ngồi uống chén trà, chuyện trò với vợ con một lát rồi ngủ
- Sao không coi ti-vi mở mang kiến thức mà “lên ổ” sớm thế?
- Vào giờ ăn thì quảng cáo thuốc tẩy giun, lúc nghỉ ngơi, thư giãn thì phải xem hình ảnh súc miệng òng ọc, ai mà chịu cho được, thà tắt đi cho đỡ khó chịu
- Đúng là văn hóa quảng cáo và kiểm duyệt quảng cáo ở ta kém thật. Vì tiền, người ta sẵn sàng đưa hình ảnh giường chiếu, thuốc cường dương, thông tắc bể phốt lên màn hình. Gần đây, người ta còn quảng cáo sữa, cốm canxi lên phiếu bé ngoan bác ạ
- Các cháu mẫu giáo đã biết đọc đâu mà quảng cáo?
- Thực ra để bố mẹ các cháu đọc là chính. Phụ huynh thường rất tin vào những thông điệp từ nhà trường mà
- Phiếu bé ngoan cũng như giấy khen, huân, huy chương, dùng để ghi nhận những nỗ lực cố gắng của con người. Quảng cáo vào đâu cũng có thể chấp nhận được, nhưng phải chừa những góc thiêng liêng này ra chứ
- Sao bác khó tính thế, các doanh nghiệp quảng cáo trên phiếu bé ngoan đâu phải vì mục đích bán được nhiều hàng hóa. Họ làm vậy để giáo dục trẻ sớm làm quen với việc quảng bá hình ảnh, sớm học được lí thuyết maketinh. Bác không thấy người ta còn cho trẻ nghe nhạc khi còn trong bụng mẹ à?
- Nhưng tôi có thấy đứa nào sau này lớn lên trở thành Bet-thô-ven hay Trai-côp-xki đâu. Với lứa tuổi ăn còn phải đút, đái còn phải “xi” này, hãy để các cháu được yên. Làm gì thì cũng phải để một phương lấy chồng chứ
Cận

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Đua nhau “hư”

- Vừa rồi, đọc báo, nghe đài thấy người dân nhiều địa phương hiến đất xây trường, mở rộng đường xá thấy bâng khuâng, xúc động quá bác ạ
- Chắc đất ở đó rẻ người ta mới hiến, chứ cứ thử đắt như ở Hà Nội xem, chờ đấy
- Sao bác lại nói thế, người Tràng An mình xưa nay vốn nổi tiếng nghĩa hiệp, luôn biết hi sinh quyền lợi riêng tư vì sự phát triển Thủ đô mà
- Đấy là trước kia thôi. Bây giờ giá đất hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông, người ta không lấn chiếm thêm đất công là may rồi, chỉ ai dở hơi mới mang của riêng đi xây nhà hàng tổng thôi
- Sao ý thức công dân bây giờ kém thế nhỉ?
- Đừng vội vàng qui kết như thế. Ý thức, tình cảm người dân thời nào cũng thế. Họ nhiệt tình hay thờ ơ với những vấn đề của thành phố hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của đội ngũ cán bộ. Có những người khi đương chức, đương quyền, được thuê nhà ở của nhà nước rồi chiếm làm của riêng, rồi có vị dùng quyền uy của mình nắn cong cả một con phố chỉ để nhà mình được “nhoi” ra mặt đường. Cán bộ mà như thế, dân không “hư”, không lấn chiếm mới là chuyện lạ.
- Vừa rồi có việc vào ngõ Chợ Khâm Thiên thấy lo quá bác ạ. Nhà “ổ chuột” san sát, đường đi nhiều chỗ rộng chưa đến một mét, hai xe máy không tránh được nhau, người này tiến thì người kia phải lùi. Tất cả đều là ngõ cụt, nói dại…
- Những ngõ như vậy ở Hà Nội nhiều lắm. Chỉ một mồi lửa giữa đêm là “đi” cả phường, khác gì hun chuột giữa đồng
- Nguy cơ đã hiển hiện, sao chính quyền không sớm tìm cách giải tỏa nhỉ?
- Thành phố còn nhiều việc quan trọng phải làm. Cán bộ mình có mấy người mua nhà trong những ngõ hẹp đâu mà bác lo, hão huyền
- Cận

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Đi tắt đón đầu

- Good morning! How are you?
- Sao sáng ra bác đã “cút” với “yêu” thế?
- Đúng là đồ lạc hậu, tôi vừa nói tiếng Anh đấy
- Sao sắp xuống lỗ rồi bác lại xính học ngoại ngữ vậy, định đi du học à?
- Tôi học để lo đối đáp với đứa cháu ngoại. Chẳng là cháu nó mới học bậc mầm non mà nhà trường đã yêu cầu học tiếng Anh bác ạ
- Chết, cháu nó đã nói sõi tiếng Việt đâu mà học tiếng nước ngoài?
- Tôi cũng thắc mắc vậy, nhà trường trả lời là thời buổi toàn cầu hóa, phải cho các cháu đi tắt đón đầu, tiếp cận với văn minh thế giới sớm ngày nào hay ngày đó. Tiếng nước mình có thể dốt nhưng tiếng nước ngoài dứt khoát phải giỏi. Có thế mới sánh vai được với các cường quốc năm châu chứ
- Đành là vậy nhưng cháu nhỏ quá. Lỡ gặp phải cô giáo dạy ngoại ngữ nói ngọng thì xôi hỏng bỏng không, tiếng mẹ đẻ đã hư mà tiếng nước ngoài cũng hỏng Thế cháu nó đã học được những gì rồi?
- Cũng mới được mấy câu chào hỏi vớ vẩn thôi. Hôm vừa rồi, nó đòi đi toilet bà nhà tôi nghe thế nào lại chạy đi mua bánh tét, tối khuya thấy nó đòi sleep (đi ngủ), bà lại lấy quần lót của mình mặc cho cháu
- Vậy phải làm thế nào để hiểu được cháu?
- Thì tôi đành phải đi học ngoại ngữ rồi về dạy cho bà ấy, để hai bà cháu đối thoại được với nhau. Thôi tôi đến lớp học đây. Bye, bye
Cận

Suýt lọt lưới

- Tôi tính đổi nghề, theo bác có nên không?
- Nên bác ạ. Hành nghề xe ôm tuy nhẹ nhàng, tụ do nhưng hay gặp cướp, bác nên chuyển sang làm phụ hồ, vất vả một chút nhưng khỏe người, sáng ra đỡ phải tập thể dục
- Đường đường một đấng nam nhi như tôi mà phải làm cái nghề hạ đẳng như vậy sao? Tôi dự định thi tuyển phi công đợt này đấy
- Làm phi công phải trẻ, khỏe có học thức cao. Vừa già, vừa dốt lại dặt dẹo như bác có xin cái chân rửa máy bay người ta cũng không mướn đâu
- Đừng coi thường nhau thế. Mấy chục năm chạy xe ôm tay lái của tôi “lụa” lắm, chuyển sang lái máy bay chắc chỉ vài bữa là quen thôi. Bác không biết chuyện một anh chàng nước ngoài dùng bằng cấp “dởm” và mới học cầm lái được một giờ mà thi đỗ được vào một hãng hàng không lớn của nước mình à?
- Tôi chẳng tin. Làm nghề này lương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, yêu cầu thi tuyển rất khắt khe, chặt chẽ, chứ đâu như chọn làm ô-sin
- Vậy mà suýt lọt lưới đấy. Chẳng hiểu chiếc máy bay trị giá hàng triệu đô-la với sinh mạng hàng trăm con người giao cho viên phi công “dởm” này thì sẽ thế nào nhỉ?
- Thì cùng nhau bay lên thiên đàng chứ còn sao nữa. Như thế cũng hay, lên giời hay xuống địa ngục cùng với tập thể dẫu sao cũng vui, còn hơn đi một mình, buồn lắm
Cận

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Lửng lơ con cá vàng

- Từ nay nước mình sẽ hết nạn mãi lộ bác ạ
- Làm gì có chuyện. Ở các nước tiên tiến, lương cao ngất ngưởng, máy quay giăng khắp nơi, người ta còn không loại trừ được hoàn toàn tình trạng cảnh sát giao thông nhận tiền của cánh lái xe nữa là nước mình, lương lậu thì bèo bọt, ý thức người dân lại suy giảm, chắp vá. Căn cứ vào đâu mà bác bảo Việt Nam sẽ không còn cảnh sát giao thông nhận hối lộ?
- Thì ở trong Nam vừa rồi có địa phương qui định cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ chỉ được mang theo tối đa một trăm nghìn đồng, ai mang nhiều hơn sẽ bị kỉ luật, thậm chí bị đuổi ra khỏi ngành
- Thế có nghĩa là họ vẫn có quyền nhận của người vi phạm đến một trăm nghìn đồng. Đã cấm thì cấm tiệt luôn, cứ lửng lơ con cá vàng như thế dễ khiến người đời dị nghị. Nếu vậy, khi xe của cảnh sát xịt lốp, hết xăng, hay đơn giản như đói bụng, khát nước thì biết làm thế nào?
- Đã vào ngành này rồi, ai mà chẳng phải luyện võ công, rèn sức chịu đựng vượt qua gian khó. Dắt xe dưới trời nắng chang chang hay nhịn đói, nhịn khát vài ba ngày thì nhằm nhò gì. Để cảnh sát không còn chỗ giấu tiền, cảnh phục của ngành này tốt nhất là không may túi. Mỗi khi lập biên bản người vi phạm xong, viên cảnh sát nên chạy ra giữa đường hai tay giơ lên trời và hô thật to 3 lần: Tôi không nhận hối lộ vì không có chỗ đựng tiền
- Như vậy phản cảm quá. Khi người ta đã cố tình nhận hối lộ thì thiếu gì cách. Người chạy xe ôm, bà bán hàng nước thay mặt cảnh sát giao thông nhận tiền của người vi phạm cũng được chứ sao. Để giải quyết rốt ráo thực trạng này phải có giải pháp căn cơ, chế tài đủ mạnh, chế độ lương hợp lí, đặc biệt phải xử lí thẳng tay cả người đưa hối lộ
Cận

Đánh cắp niềm tin

- Xe máy đâu mà đi xe buýt thế bác?
- Tôi chuyển sang dùng phương tiện này để ủng hộ chủ trương của một vị Bộ trưởng yêu cầu cán bộ nhân viên dưới quyền sử dụng xe buýt đi làm để giảm ùn tắc. Bản thân ông cũng hứa mỗi tuần một lần đến công sở bằng xe buýt
- Nhưng hôm vừa rồi chính ông này lại trả lời trên báo rằng, với tình trạng xe buýt như hiện nay, có thừa dũng khí ông cũng chẳng dám bước lên. Xe buýt do ngành này quản lí, để xập xệ như vậy Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, phát ngôn như vậy ai còn dám đi xe buýt nữa
- Vị Bộ trưởng lo ngại như vậy là đúng. Bác tính, ông ấy mà liều mình lên xe buýt nhỡ gặp phải cái đám pê- đê hay bọn cướp giật, móc túi thì còn gì “mình vàng thân ngọc” nữa.
- Chẳng riêng vị bộ trưởng này, có ông vừa nhậm chức, trong một hội nghị khoa học đã khẳng định ngành xăng dầu làm ăn có lãi 3 năm liền và hứa sẽ làm rõ mọi chuyện, nhưng tại kì họp Quốc hội vừa rồi ông ta lại nói xăng dầu lỗ nặng, lỗ thảm thương, khiến dư luận hết sức bối rối
- Nói thì hay, làm như mèo mửa dẫu sao cũng còn hơn những kẻ không nói cũng chẳng làm gì. Báo chí phải biết ơn những vị bộ trưởng thích “nổ”. Nhờ họ mà dư luận mới sôi sùng sục lên. Người nghèo mải “hóng hớt” sẽ quên đi cái bụng đang réo ầm ầm vì đói. Có ai chết vì niềm tin bị đánh cắp bao giờ
Cận

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Đau mắt là khổ lắm đấy!

- Này bác, vừa có một ông Tổng ngành điện, trước mặt bàn dân thiên hạ đã ngậm ngùi rớt nước mắt thương các thuộc cấp nhận lương quá… cao đấy
- Thường thì người đời chỉ xót xa cho người thu nhập thấp, chứ ai động lòng trước những kẻ lắm tiền nhiều của bao giờ. Thế cán bộ nhân viên của ông Tổng có mức thu nhập bao nhiêu mà ông ấy động lòng trắc ẩn ghê thế?
- Vào năm 2009, bình quân đầu người ở công ty này là hơn 7 triệu đồng mỗi tháng, gấp gần 10 lần người có mức lương trung bình lúc đó
- Thì họ kinh doanh giỏi nên đãi ngộ mọi người ở mức cao cũng xứng đáng thôi
- Được thế đã tốt, đằng này năm nào họ cũng kêu lỗ, năm nay lỗ 10 nghìn tỷ đồng. Đã thế, ngành nào, địa phương nào chỉ cần vài lời kêu ca thôi là họ cắt điện làm cho bán thân bất toại mới thôi
- Độc quyền cũng giống đứa con cầu tự, nhiều đứa hư và bất trị lắm. Chẳng cứ gì ngành điện, xăng dầu, khai thác than, nước sạch cũng kêu lỗ. Vậy mà tôi biết, có ông Tổng chỉ riêng lương cứng thôi đã lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Mà sao các ông Tổng hay “đau lòng” và mau nước mắt thế nhỉ?
- Đã làm ăn thiếu minh bạch lại còn trừng trạo với bàn dân thiên hạ hay sao, thỉnh thoảng cũng phải biết xuống nước, biết rên rỉ, cấp trên mới thương mà bỏ qua cho chứ
- Sao những kẻ làm ăn thua lỗ, chia chác thả phanh như thế lại tại vị lâu thế nhỉ? Đám này là phải xử lí thẳng tay
Không dễ thế đâu. Ở đâu còn lợi ích nhóm, ở đó còn tiêu cực. Tôi cá với bác là sắp tới, họ lại khóc lóc xin tăng giá một loạt thứ cho mà xem
- Người mà hay khóc thế là hại thị lực lắm, bảo các ông ấy nên thường xuyên đi khám, đau mắt là khổ lắm đấy
Cận

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Khuyết tật “đáng yêu”

Cận
- Vừa rồi có ý kiến đề nghị chữa ngọng cho bà con ngoại thành đấy
- Tốt chứ sao đâu. Chữa ngọng có tốn kém lắm không?
- Nghe nói chi phí lên tới hàng trăm tỉ đồng
- Số tiền đó đủ để xóa đói giảm nghèo cho hàng chục xã. Tình trạng nói ngọng đã đến hồi báo động chưa mà phải cấp bách chữa trị hả bác?
- Thực ra, cả thế giới nói ngọng chứ riêng gì mình, đã có nước nào coi đây như là quốc nạn cần phải ra tay bài trừ đâu.
- Đây là nhiệm vụ của nhà trường, nhà nước nhúng tay vào làm gì?
- Chẳng qua là có mấy ông công chức rỗi hơi, thỉnh thoảng lại nghĩ ra trò gì đó rồi trình lên cấp trên, nếu được phê duyệt thì sớm mua nhà, mua xe, bị phê phán thì bỏ, nghĩ “chiêu” khác, trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch mà
- Sao dạo này nhiều người nói ngọng thế bác?
- Nói ngọng nhiều khi thuộc về bản sắc riêng của từng địa phương, thậm chí mang tầm quốc gia. Đây là một phạm trù hết sức mơ hồ. Nơi này bảo nơi kia nói ngọng, nơi kia lại bảo nơi này nói ngọng, chẳng biết thế nào mà lần. Cái tật này một phần do thày cô bậc mầm non, cha mẹ nói ngọng nên trẻ mắc theo, nhưng chủ yếu là do cơ địa, môi trường, nguồn nước, thói quen… nên mới có câu
“Toét mắt là tại hướng đình”
Nói ngọng là tại nhà mình hơi nghiêng
- Tóm lại, theo bác là không cần chữa chạy tật nói ngọng phải không?
- Đúng thế. Đất nước ta nghèo, có nhiều việc cần phải làm, chớ có phung phí vào những cái vô bổ. Mà có “nẽ”. chính nhờ những khuyết tật kiểu “lày” mà chúng ta được bạn bè quốc tế yêu quí cũng “lên”

Bằng cấp thua bằng lòng

Cận
- Có lẽ đợt này tôi phải cho thằng lớn đi du học bác ạ
- Trong nước thiếu gì trường đại học mà phải cho con ra nước ngoài?
- Học trong nước sau này khó xin việc lắm. Chất lượng đào tạo của ta bác còn lạ gì, ông không ra ông, thằng chẳng ra thằng, có nước nào công nhận đâu
- Chẳng phải ai học ở nước ngoài về cũng được trọng dụng cả. Tôi biết khối người xài bằng dởm, bằng tại chức, chuyên tu mà vẫn lên chức ầm ầm
- Đấy là họ có người thân, bạn bè làm to nên nâng đỡ cho, tôi có quen biết ai đâu
- Mấy ai sinh ra đã có ông chú làm vua, bà cô làm chúa, tự mình phải tạo ra mối quan hệ chứ
- Cũng khó lắm, mình có tài cán gì đâu mà bon chen được vào bầu trời đầy tinh tú
- Xưa có nhân vật Cao Cầu chỉ nhờ đá cầu giỏi mà giàu có, quyền hành tột bậc. Rồi nhân vật Xuân tóc đỏ từ một thằng nhặt bóng nhưng biết ve vuốt ông bà chủ mà lọt được vào giới thượng lưu. Cứ chịu khó làm Triển Chiêu là có tất
- Thế nghĩa là sao?
- Muốn vinh hoa phú quí thì phải đầu tư, biết chiều chuộng đón ý người ta. Trước hết là phải biết tenis, biết chơi golf để còn hướng dẫn, luyện tập với sếp. Giờ nghỉ giải lao là phải nhanh chóng mở bia, thấy miệng sếp hấp háy biết lựa lúc mà nhét vào đó miếng thịt chó, rồi còn phải biết uống rượu, biết tẩm quất, biết chơi bài…
- Có nghĩa là phải học tất cả các món ăn chơi để hầu hạ sếp?
- Đúng thế. Mà chưa hết đâu. Thấy vợ hoặc con sếp húng hắng trong cổ thì phải đoán được tháng sau họ sẽ bị ho gió, ho khan hay ho lao để mà còn mua thuốc đón đầu. Được cả nhà họ hài lòng ấy à, chỉ cần ít lộc rơi, lộc vãi thôi bố con ông sẽ sung túc cả đời
- Nghe bác nói tôi mở mang ra nhiều. Thì ra ở đời, bằng cấp thua xa bằng lòng, bác nhỉ!

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Tiện cả đôi đường

- Lại vừa xảy ra sự cố bệnh nhân bị đau ruột thừa bác sỹ cắt dạ dày bác ạ
- Dạ dày và ruột thừa nằm gần nhau nên cắt nhầm cũng là chuyện bình thường. Năm ngoái còn có trường hợp người ta đau tai mà bác sỹ lại đè nghiến ra mổ tim, rồi có bà già đau khớp lại bị gây mê cắt lá lách mới kinh
- Sao bác sỹ bây giờ kém thế hả bác?
- Thực trạng này không liên quan gì đến trình độ chuyên môn, tất cả là do cái đám xã hội đen thôi. Bác tính, đang phẫu thuật mà bị bọn côn đồ truy sát nhau, xông cả vào phòng mổ, dao kiếm phi loảng xoảng, đạn réo ầm ầm trên đầu, ai mà bình tĩnh mổ cho chính xác được
- Mà sao dạo này đám lưu manh, đâm thuê chém mướn hay vào bệnh viện hành xử nhau thế bác?
- Bọn chúng cũng tính chán rồi, đâm chém nhau ở đấy có nhiều cái hay. Nếu chết cũng gần nhà xác, còn bị thương thì nơi này cũng sẵn thuốc men, bác sỹ, y tá chăm sóc không mất tiền, tiện cả đôi đường
- Thế bảo vệ đi đâu cả mà để bọn chúng tung hoành như chỗ không người vậy?
- Họ bận lắm. Riêng việc ngăn chặn người nhà bệnh nhân không cho vào chăm sóc người thân cũng hết cả hơi rồi. Rồi còn trông xe giá cao, rình mò xem có ai ở quê lần đầu ra thành phố khám chữa bệnh có vẻ lớ ngớ còn hăm dọa, bắt chẹt, kiếm chác. Nói chung là không còn thời gian đâu mà dây với đám côn đồ, chẳng may bị bọn chúng “sụt” cho một nhát thì vợ con mất nhờ, chẳng dại
- Vậy làm thế nào để hạn chế việc bác sỹ mổ nhầm?
- Để đủ bãn lĩnh đương đầu với côn đồ, trường y nên mở thêm khoa dạy karate. Ai không có chứng nhận đai đen dứt khoát không cấp bằng tốt nghiệp. Bác sỹ nào không tự trang bị áo giáp, mũ sắt, dùi cui điện để tự bảo vệ mình thì cương quyết không cấp cho chứng chỉ hành nghề, đâu vào đấy ngay ấy mà
Cận

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Chạy đôn chạy đáo

- Theo bác, làm quan có sướng không?
- Đầu chày đít thớt cả thôi. Lương hơn mọi người một ít, nhưng ngoài thì bị quan trên ép xuống, trong thì cấp dưới “quẫy” lên, mệt lắm
- Tôi chẳng tin. Khổ thế mà sao người ta cứ nhao vào, cắn xé, giành giật lẫn nhau. Có ông, vừa bị mất chức hôm trước, hôm sau đã ra đường nhặt lá, đá ống bơ, đi ngoài phố mà hai chân cứ xoắn vào nhau như bánh quấn thừng . Bổng lộc chắc nhiều lắm họ mới tiếc đến phát rồ phát dại như thế chứ?
- Cũng tùy người và tùy vị trí thôi. Như làm hiệu trưởng cấp Trung học phổ thông ở miền núi chẳng hạn, có học sinh đến lớp cho là may lắm rồi, lấy đâu ra mà tham nhũng
- Không “ăn” được cái này thì “ăn” cái khác. Bác có biết vừa rồi có đám cưới con gái ông Giám đốc một sở, mấy chục người dưới quyền đến phục dịch hơn chục ngày trời, chưa kể phong bì lớn bé.
- Hàng chục ngày trời chạy đôn chạy đáo như thế chắc mệt lắm nhỉ?
- “Đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở”, mệt mấy cũng phải tỏ ra phấn khởi hớn hở. Mặt mày ủ dột, đi lại uể oải “quan” lại cho rằng không có sức khỏe để “cống hiến” thì có mà toi. Có kẻ cứ 5 phút lại vã nước vào mặt giả làm mồ hôi rồi lượn qua lượn lại chỗ “quan” đứng, để “quan” nhớ mặt, thấy nỗi vất vả, rồi sai phái việc này, việc nọ, mới hi vọng được bổ nhiệm, cất nhắc chứ.
- Chẳng hiểu bố họ ở nhà chết đi có được chăm sóc chu đáo như vậy không nhỉ?
- Cũng còn tùy, nếu ông cụ để lại nhiều tiền bạc, đất đai thì còn mong con cái sum vầy, nếu không ấy à, chờ đấy
Cận

Ra ngõ là gặp Khổng Minh

- Những kẻ hay vượt đèn đỏ, thích langj lách, đánh võng giờ hết đất sống
- Căn cứ vào đâu mà bác lạc quan vậy?
- Có địa phương vừa “phát minh” ra tấm lưới buộc gạch, đá, kim loại để chụp bắt những đối tượng vi phạm luật lệ giao thông rồi bỏ chạy. Nghe nói, lưới này còn bắt được cả cá mập, mấy cậu choai choai có chạy đằng trời
- Mấy tay đua xe đang chạy tốc độ cao mà bị chụp lưới như thế có nguy hiểm đến tính mạng không?
- Theo thử nghiệm, biện pháp này không dẫn đến chết người, chỉ què quặt, chấn thương sọ não dẫn đến chập cheng, tẩu hỏa nhập ma thôi
- Sống mà như thế cũng coi như nát một đời trai còn gì. Sao dạo này nhiều người hiến kế cho giao thông thế nhỉ?
- Thì bác tính, mỗi ngày có tới gần một trung đội người chết vì tai nạn giao thông, ai chẳng lo, chẳng sốt ruột
- Nghe nói có ông còn rao bán trên báo kế hoạch chống ùn tắc giao thông với giá hàng trăm tỷ đồng, rồi có ông bộ trưởng vừa chân ướt chân ráo nhậm chức đã đưa ra kế hoạch phân giờ học, giờ làm, giờ buôn bán tại các thành phố lớn, khiến cả xã hội sôi sùng sục. Có người chất vấn ông bộ trưởng là, nếu thực hiện theo kế của ông, thì bao lâu sẽ hết ùn tắc, ông này trả lời là khó xác định lắm
- Đưa ra một kế hoạch gây xáo trộn cả xã hội mà không xác định được kết quả thì nguy hiểm quá. Cứ cái đà này, rồi thì nhà nhà hiến kế, người người hiến kế, cứ ra ngõ là gặp con cháu Gia Cát Khổng Minh, mệt lắm
- Cận

Người mau nước mắt

- Này bác, vừa có một ông Tổng ngành điện, trước mặt bàn dân thiên hạ, đã ngậm ngùi, rớt nước mắt thương các thuộc cấp nhận lương quá… cao đấy
- Thường thì người đời chỉ thương những người thu nhập thấp, chứ ai động lòng trước những kẻ lắm tiền nhiều của bao giờ. Thế cán bộ nhân viên của ông Tổng có mức thu nhập bao nhiêu mà ông ấy xót thương ghê thế?
- Vào năm 2009, bình quân đầu người ở công ty này là hơn 7 triệu đồng, gấp gần 10 lần người có mức lương trung bình lúc đó
- Thì họ kinh doanh giỏi nên đãi ngộ mọi người ở mức cao cũng xứng đáng thôi
- Được thế đã tốt, đằng này năm nào họ cũng kêu lỗ, năm nay lỗ 10 nghìn tỷ đồng. Đã thế, ngành nào, địa phương nào chỉ cần nhìn “đểu” thôi là họ cắt điện không còn làm ăn gì được nữa
- Độc quyền cũng giống đứa con cầu tự, đứa nào cũng hư, cũng bất trị lắm. Mà sao ông Tổng này hay “đau lòng” và mau nước mắt thế nhỉ?
- Thì lương cao thế chắc hẳn ăn lắm đặc sản nên không tiêu hóa kịp, dạ dày, mật, tụy hỏng hết cả nên mới hay đau râm ran. Rồi thì bia tươi, rượu ngoại nốc tì tì, lỗ dưới không thoát kịp nên trào ngược tràn ra theo đường mắt thôi
- Phải tôi ấy à, những kẻ làm ăn thua lỗ, chia chác thả phanh như thế tôi cách chức ngay, tống vào tù…
Không dễ thế đâu. Ở đâu còn lợi ích nhóm, ở đó còn tiêu cực. Tôi cá với bác là, sang năm, chính ông Tổng này lại đăng đàn, lại lăn lộn sướt mướt thương cấp dưới không mua được thêm biệt thự, không sắm được thêm Audi, Mercedes cho mà xem
- Người mà hay khóc thế dễ bị mù lắm, khổ thân
Cận

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Bôi bẩn kiệt tác

- Tôi vừa gặp cô Tấm trong siêu thị bác ạ.

- Bốc phét. Cô ấy, là hoàng hậu vào đó làm gì?
- Cô ấy đi mua quần áo, hình như vừa đi giải phẫu thẩm mỹ về.
- Ai chẳng biết cô Tấm đẹp như tiên, việc gì phải bơm ngực, độn mông.
- Cái đẹp bây giờ khác với ngày xưa rồi. Không kịp thời làm mới mình ấy à, hoàng tử sẽ bỏ rơi, ra “phố vẫy” ngay.
- Gần đây các nhà soạn sách giáo khoa đã làm mới câu chuyện cổ tích về cô Tấm bằng cách cắt bỏ đoạn làm mắm con Cám gửi cho mụ dì ghẻ ăn, chỉ giữ lại đoạn giội nước sôi lên người con Cám thôi.
- Ối giời! Bác nghĩ hành động giội nước sôi lên đứa em cùng cha khác mẹ là nhân ái ư? Sao không cắt béng cả đoạn đó đi, thay vào đó là chi tiết cô Tấm tha thứ rồi mời cả hai mẹ con mụ dì ghẻ đi ăn hải sản, nhường chồng cho con Cám vài bữa, còn mình thì lên chùa làm thơ cho nó lãng mạn.
- Thế thì còn gì tính độc đáo của câu chuyện nữa.
- Chuyện cổ tích có từ ngàn đời nay rồi. Con người nhìn vào cái kết để tự răn mình không làm điều ác. Tôi dám cá với bác là những kẻ như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa không bao giờ đọc chuyện cổ tích. Ai đã từng thấm đẫm tâm hồn với Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Cây khế chắc chắn không đủ can đảm làm điều bạc ác đâu. Đây là những kiệt tác đã được tác giả dân gian gọt giũa, hoàn thiện qua bao đời, chớ có tùy tiện chỉnh sửa. Nếu không thích thì bỏ chúng ra khỏi sách giáo khoa, để người dân tự định đoạt số phận câu chuyện. Chớ có dại mà tỏ ra khôn ngoan hơn tổ tiên.
Cận

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Chính qui hơn cha liệt sỹ

Thời bao cấp tôi nhớ mãi câu “tiền lẻ hơn thẻ thương binh”, giờ lại thấy xót xa với câu “chính qui hơn cha liệt sỹ”.

- Bác nói gì tôi không hiểu?
- Chẳng là mấy hôm nay có một số quan chức tuyên bố con liệt sỹ mà chỉ có bằng đại học dân lập, tại chức sẽ không được nhận vào biên chế nhà nước.
- Gia cảnh liệt sỹ thường rất khó khăn. Con em họ không có điều kiện học xa, phải theo hệ vừa học vừa làm, phải thông cảm, nâng đỡ chứ. Cấm con cái liệt sỹ không được thi công chức là hành vi bất nhân, vô ơn thậm chí vi phạm pháp luật đấy. Sao dạo này quan chức hay đưa ra những lệnh cấm gây sốc như ngực lép không được tuyển làm cô giáo, lưng gù không được cấp phép lái xe… thế hả bác?
- Thì cũng như mấy cô người mẫu quá lứa phải lộ “hàng”, để gây chú ý. Quan chức mà đầu óc tăm tối quá thỉnh thoảng phải “hoắng” lên để bề trên không quên, mới được cất nhắc, kiếm chác được chứ.
- Theo bác, Bill Gates hay Steve Job mà thi công chức ở nước mình liệu có đỗ không?
- Làm bảo vệ hợp đồng thì được. Chỉ học trường tư mà đòi vào biên chế nhà nước ấy à, còn lâu nhé.
Cận

nhất cử lưỡng tiện

Nhất cử lưỡng tiện
- Có lẽ đợt này tôi chuyển sang sản xuất mũ bảo hiểm bác ạ
- Mũ bảo hiểm xe máy đang bội thực, bác làm ra bán cho ai?
- Tôi làm để đội cho cá Hồ Tây
- Sao lại thế?
- Gần đây không hiểu ai cấp phép cho một đơn vị căng lưới làm sân tập chơi gôn trên mặt hồ
- Việc đó chỉ làm xấu Hồ Tây chứ ảnh hưởng gì đến cá
- Bác chẳng biết gì cả. Quả bóng chơi gôn rất cứng, được vụt đi với tốc độ 200km/giờ thì cá voi cũng chết chứ nói gì mấy con chép nhãi nhép
- Đất đai vẫn còn sao phải làm sân gôn trên mặt hồ hả bác?
- Chẳng là gần đây có “ông thủ trưởng” cấm nhân viên dưới quyền không được bén mảng đến sân gôn nên doanh nghiệp nghĩ ra trò tổ chức chơi gôn trên mặt hồ để nếu sếp bất ngờ kiểm tra thì lặn xuống nước trốn, vừa mát, vừa an toàn, có khi còn bắt được vài con cá về nấu canh chua, thật nhất cử lưỡng tiện
- Đá bóng, chơi tenis, nhậu nhẹt, nghỉ trưa với bạn gái… cũng làm mất thời gian sao không cấm cả mà chỉ cấm chơi gôn thôi nhỉ?
- Dần dần rồi sẽ cấm hết
- Nếu cấm tất cả các môn thể thao thì công chức lấy đâu ra sức khỏe để làm việc. Tôi e rằng lệnh cấm này có vẻ không bình thường, rồi cũng như các lệnh cấm dạy thêm, cấm ăn thịt thú rừng, sẽ nhanh chóng phá sản thôi. Biết là không khả thi mà sao cứ ào ào ban hành lệnh cấm thế hả bác?
- Lệnh cấm có thất bại thì cũng có ai bị mất chức đâu. Nháo nhào hết cả lên thì mới kiếm chác được chứ.
- Vậy người dân phải vĩnh viễn sống chung với “lệnh cấm” hay sao?
- Muốn thoát khỏi “cơn cảm hứng” bất chợt của mấy kẻ thích “chém gió” chỉ có cách Nhà nước phải sớm ra lệnh cấm cá nhân, tổ chức ban hành những lệnh cấm vớ vẩn, không khả thi
Cận

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

ranh giới mong manh

- Bác khăn gói đi đâu vậy?
- Tôi qua chào bác để vào viện đây
- Bác mắc bệnh gì vậy?
- Từ sáng đến giờ tôi bị hắt hơi mấy lần, vào viện chữa cho tiệt cái chứng này đi
- Bác chỉ vẽ chuyện, có thế mà cũng vào viện làm gì cho tốn tiền
- Tôi đã mua bảo hiểm y tế, các bệnh viện giờ đã cấm nhận phong bì nên có tốn kém gì đâu. Vào đó nghỉ ngơi cho sướng, đỡ phải trả tiền điện, tiền nhà
- Nghe hoang đường quá. Ở nước mình làm gì có chuyện vào viện mà không khuynh gia bại sản chứ
- Thế bác không biết chuyện gần đây có 5 bệnh viện lớn bắt tay nhau quyết tâm diệt quốc nạn phong bì à?
- Chuyện này đề cập từ lâu rồi, có thực hiện được đâu. Không có phong bì “mẹ hiền” hay bực mình lắm. Mà khi nổi cáu “mẹ” sẽ giải phẫu bằng dao bổ củi, có mà tan xương nát thịt Các ngành khác có cấm nhận phong bì không bác?
- Chưa thấy rục rịch gì
- Nếu thế thì thiệt cho ngành y tế quá. Việc đưa hối lộ và nhận hối lộ cũng cần sự công bằng. Bác sỹ gửi con nhà trẻ mà không có phong bì cho thầy cô thì liệu hồn. Khóc nhè ư, lấy băng dính dán vào mồm. Đi vệ sinh không đúng lúc ư, dội cho nó mấy xô nước lên đầu. Nhìn đểu ư, bắt nó nằm xuống nền nhà rồi nhảy lên lưng đạp cho lòi xương sườn ra…
- Nghe kinh quá. Vậy theo bác, việc cấm bác sỹ, y tá nhận phong bì có khả thi không?
- Làm “hàng” cả thôi. Trong văn bản kí kết giữa 5 bệnh viện chỉ nói cấm nhận phong bì chứ có cấm nhận ruột phong bì đâu. Hơn nữa, văn bản này cũng chỉ cấm đưa và nhận hối lộ, đâu có cấm bệnh nhân “cám ơn” bác sỹ, mà ranh giới giữa hai phạm trù này mong manh lắm
Cận

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

nghèo cho lành

- Theo bác Viễn, đợt này nghỉ hưu tôi có nên chuyển sang đá bóng chuyên nghiệp không?
- Muốn chơi được môn thể thao này đòi hỏi phải có sức khỏe, có năng khiếu và tuổi trẻ. Cả ba thứ đó bác đều quá thiếu
- Dạo này tôi cần tiền quá, mà chỉ có đá bóng mới làm giàu nhanh được thôi
- Phải liệu sức mình chứ. Ai bảo bác là đá bóng kiếm tiền dễ nào, cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt đấy.
- Chạy lòng vòng trên sân còn thua tôi chạy thể dục buổi sáng mà được thưởng tới cả triệu “đô” khiến tôi ham quá, buôn heroin cũng không lãi bằng
- Họ được thưởng nhân dịp gì vậy?
- Vừa rồi có hai doanh nghiệp hứa thưởng một triệu “đô” cho bóng đá nam nếu vô địch giải đấu quốc tế sắp tới
- Doanh nghiệp hứa thế bởi họ rất biết Việt Nam khó mà giành giải. Tiền chưa chắc đã mất, lại được báo chí tung hô, quảng cáo không công ầm ầm, một mũi tên mà trúng rất nhiều đích
- Sao bác lại nghĩ Việt Nam không vô địch được?
- Thể lực người Việt mình chỉ phù hợp với cờ vua, thêu thùa hay nhảy lò cò thôi, đá bóng làm sao được. Trình độ thuộc hạng bét thế giới nhưng tiêu cực lại thuộc tốp đầu. Chẳng có ở đâu mà nền bóng đá từ cầu thủ tới trọng tài và ban tổ chức lại lắm chuyện như ở ta
- Vậy mà bóng đá nữ Việt Nam đã vô địch khu vực mấy lần rồi đấy
- Bóng đá nữ giành nhiều giải không phải chúng ta hay, chúng ta giỏi, mà đơn giản bởi các nước xung quanh họ có đầu tư cho môn này đâu. Thằng chột làm vua xứ mù mà
- Sao bóng đá nữ lại bị coi thường thế hả bác?
- Bởi đơn giản đây là môn thể thao dành cho phái mạnh.
- Nhưng vẫn có người mua vé đến xem mà
- Nhiều người tới đâu phải để xem đá bóng, họ đến để cảm nhận trên sân cỏ có mấy chục quả bóng cùng nảy tưng tưng đấy thôi
- Bác chỉ suy diễn bậy bạ. Bóng đá nữ vô địch mấy lần mà sao tiền thưởng èo uột thế nhỉ?
- Phụ nữ đã có chồng nuôi, không bia rượu, không cờ bạc, cần tiền để làm gì. Tiền nhiều chỉ tổ hư người chứ báu gì. Cứ nghèo cho nó lành
- Cận

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

sướng quá còn gì

- Bác đi đâu mà ăn mặc chỉnh tề vậy?
- Đi làm từ thiện, đông vui lắm. Có cả báo chí, truyền hình về đưa tin nên phải mặc cho đàng hoàng
- Ăn diện thế bác không sợ những người được bác giúp đỡ tủi thân à?
- Cười hở mười cái răng. Làm từ thiện bao năm trời, mãi mới được lên truyền hình, ăn mặc búi xùi bạn bè họ cười cho
- Làm việc có ích cho xã hội mà sao bác chỉ nghĩ đến bản thân thế?
- Thế thì đã sao, có một đoàn hơn 30 người toàn doanh nghiệp lớn trong đó có hơn hai chục cô hoa khôi, hoa hậu đến thăm một trại trẻ mồ côi, khuyết tật mà chỉ mang theo có một triệu rưởi đồng kia kìa
- Của ít lòng nhiều, mỗi người một chân một tay xã hội mới tốt đẹp lên được chứ
- Nhưng các cháu có được nhận đâu. Đoàn từ thiện yêu cầu nhà trường dùng số tiền đó nấu một bữa liên hoan cho đoàn và toàn thể cán bộ, học sinh, vị chi là hơn một trăm con người
- Với số tiền đó, mỗi người 1 lon coca và li trà đá còn chẳng đủ, nói gì đến ăn
- Vậy nên nhà trường phải bù thêm cho bữa ăn đỡ phần đạm bạc
- Thì hoa hậu, hoa khôi đa phần vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, lấy đâu ra mà cho nhiều
- Đáng trách là, trước khi lên đường đoàn này đã tổ chức họp báo, quay phim, chụp ảnh tại khách sạn 5 sao rất rình rang, tốn kém cả trăm triệu đồng. Giá như họ dùng số tiền này cho các cháu thì tốt biết mấy
- Các cháu nhịn đói quen rồi, cho nhiều, ăn lắm rồi mắc chứng béo phì ai chịu trách nhiệm. Hơn nữa, nhiều cháu còn được hoa hậu bế, hôn hít, sướng quá còn gì. Tôi mà được thế ấy à, nhịn ăn một năm cũng đáng
Cận

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

bâng khuâng

Sáng nay, mới hơn chín giờ, khi mấy đồng nghiệp cùng phòng còn đang tranh cãi kịch liệt về giá vàng leo thang, tôi lỉnh ra quán cà-phê đầu cổng. Ở đây cũng đông đúc nhưng toàn người lạ, có thể ngồi ngẫm ngợi cả buổi mà không sợ ai quấy rầy. Hình ảnh một chú bé mới ba tuổi rưỡi ở tít tận trong Nam ám ảnh tôi suốt từ sáng tới giờ. Tôi chưa từng gặp cháu, mà cũng không có mối liên hệ ruột rà, máu mủ gì. Nhìn những tấm ảnh của cháu trên báo, tự nhiên thấy thương, thế thôi.
Cháu không có bố, ở một mình với mẹ. Cháu là kết quả của một mối tình vụng trộm. Mẹ cháu là công nhân, gần đây bị tai nạn giao thông trên đường từ nhà máy về nhà. Mẹ bị gãy đốt sống cổ, bị cưa tay, hai chân bị liệt, đã mấy tháng nay nằm một chỗ chờ chết. Họ hàng không còn ai ngoài ông bà ngoại cũng đã gần đất xa trời. Gia cảnh vốn đã nghèo giờ thêm kiệt quệ.
Cháu học mẫu giáo gần nhà. Từ ngày mẹ gặp nạn đến giờ, cháu không la cà với chúng bạn nữa, cứ đến giờ giải lao lại chạy về quanh quẩn bên mẹ. Bước qua cửa là cháu hỏi mẹ có đói không, có muốn uống nước không. Thấy mắt mẹ chơm chớp, cháu hiểu ý chạy đi lấy rồi ngồi bón cho mẹ từng thìa. Những lúc ngồi bóp chân, xoa lưng cho mẹ cháu liến thoắng kể cho mẹ nghe chuyện ở lớp. Thấy con hồn nhiên, mẹ cũng vui, thỉnh thoảng lại nhoẻn một nụ cười héo hon, bạc phếch. Mẹ đâu có biết rằng, mỗi khi ra giếng giặt quần áo, cháu lại lặng lẽ ngồi khóc. Cháu thương mẹ chứ không thương mình. Đêm đến, khi bóng tối bao trùm lên tất cả, cháu quay mặt vào vách thổn thức. Sáng ra, chiếc gối mỏng mẹ khâu cho ướt đầm. Cháu sợ mẹ chết lắm. Chiều chiều, hôm nào cũng thế, bất kể nắng mưa cháu đều chạy sang chùa, nép sau cánh cổng ọp ẹp cầu Phật cho mẹ cháu được sống. Cháu hứa chăm sóc mẹ suốt đời, không để mẹ phải buồn, phải đau. Sư trụ trì nhiều lần âm thầm nuốt nước mắt nghe cháu thì thầm xin ông trời lấy tay, lấy chân của cháu lắp cho mẹ, để mẹ đi kiếm tiền nuôi ông bà. Cháu ước ao được què quặt, được nằm ở chỗ của mẹ, được mẹ bón cho từng miếng bim bim. Tối đến được nghe mẹ kể chuyện Thạch Sanh bắn chim dữ cứu người đẹp. Rồi mẹ sẽ ôm cháu vào lòng hát ru cho cháu ngủ. Cháu muốn được gối đầu lên mớ tóc dày của mẹ như thuở nào, được mẹ hôn làm đỏ hồng đôi má.
Mọi thứ giờ đã xa quá rồi. Mẹ cháu nằm kia, trơ trọi, hình hài móp méo. Chỉ đôi mắt là còn nối dài nỗi yêu thương. Dù phải bất động nhưng người mẹ biết con mình nhiều bữa chỉ có củ khoai, củ sắn, nhường bát cháo nóng cho mẹ. Những lúc như thế, người mẹ chỉ mong sao sớm chết đi để khỏi nhìn thấy cảnh đứa con bé bỏng bị đói. Rồi người mẹ lại muốn thét lên thật to, muốn thấu đến trời xanh, cầu sao được sống, để mãi mãi được há miệng chờ thìa cháo từ tay con mình. Nuốt thìa cháo hạnh phúc mà sao nước mắt cứ tràn trề, đục ngầu, tội lỗi.
Lúc đầu hàng xóm sang thăm cũng nhiều, mấy hôm nay đã thưa dần. Ai cũng nghèo, cũng phải lo chạy ăn từng bữa, cưu mang mãi làm sao được. Từ chiều hôm kia đến giờ hai mẹ con đã được ăn gì đâu. Cháu rúc đầu vào nách mẹ, mệt lả, run rẩy. Người mẹ bất lực căng mắt trân trân nhìn lên trần nhà như đã hóa đá.
Rồi cũng có vài người ghé qua nhưng tay không cầm theo gì cả. Thì ra họ sang xem người mẹ đã chết chưa.
Nghe tiếng người xôn xao, cháu nặng nhọc quay người lại, mặt đỏ bừng, mắt lờ đờ, có lẽ bị sốt. Một bà bế cháu đặt lên lòng. Nếu không có đàn con nheo nhóc ở nhà có lẽ bà đã đón cháu về nuôi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Thằng bé mới tí tuổi đầu mà đã bất hạnh trước khi được sinh ra. Bà cúi mặt não nề, mặc mọi người thì thào bàn chuyện hậu sự cho người mẹ xấu số, móc trong túi áo nông toen hoẻn ra nửa bắp ngô luộc nham nhở, khó nhọc tách từng hạt khẽ khàng đút vào miệng cháu. Cái miệng xinh xinh nhóp nhép, ngon lành, như đang mơ về một miền cổ tích xa lắm. Rồi bất chợt cháu mở bừng mắt, ngơ ngác nhìn bà lão rồi nhả vội miếng ăn ngọt lành ra lòng bàn tay. Cháu chợt nhớ đến mẹ. Sau mấy giây lưỡng lự liếc về phía những người hàng xóm, cháu chạy ào đến bên giường bệnh, nhặt từng hạt ngô nhão nhoét bón cho mẹ. Còn chút sức tàn, mẹ cố vươn cổ tránh ra xa, hai hàm răng nghiến chặt. Mẹ không muốn cướp đi miếng ăn quí giá của con. Cháu nhoài theo, cố vạch miệng mẹ ra. Tiếng ú ớ trong cổ họng người mẹ cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn. Bà mẹ đã chết, hai hàng nước mắt đỏ như máu chảy tràn xuống chiếc chiếu rách xác xơ. Mọi người gỡ cháu ra, đặt xuống đất. Ai đó mang sang cái chăn mỏng chùm lên người mẹ xấu số. Cháu vùng dậy hai cánh tay giang rộng, run rẩy ngăn không cho mọi người đến bên mẹ. Bà hàng xóm gạt vội hai hàng nước mắt, xốc cháu lên đưa ra ngoài, mặc cho cháu giãy giụa, gào thét dữ dội. Cánh chim non giờ biết bấu víu vào đâu?.
Vậy mà cũng hết một buổi sáng. Đã hết hai li cà-phê và nửa gói thuốc lá mà tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Bao lo toan, vun vén, vất vả của mình suốt mấy chục năm qua liệu sẽ đổi được cái gì? Có lẽ tôi sẽ vào Nam đón cháu về nuôi. Tôi muốn dùng chút sức tàn để bù đắp, nuôi dưỡng một tâm hồn. Nhưng tôi cũng biết cây quí đem sang trồng nơi đất mới chắc gì đã cho quả ngọt.
Bâng khuâng đành buông tiếng thở dài
Cận

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

gặp được tri kỉ

- Theo bác thì bê-tông cốt thép với bê-tông cốt tre cái nào cứng hơn?
- Tất nhiên là cốt thép rồi, có thế mà cũng phải hỏi
- Vậy cái nào đắt tiền hơn?
- Bác bị ấm đầu đấy à, thép đắt gấp 1000 lần tre
- Sở dĩ tôi phải hỏi kĩ là vì gần đây có vụ tai nạn giao thông, một chiếc xe máy đâm gãy cột cây số, làm lòi ra 4 thanh tre ở trong lõi, rất may nạn nhân chỉ bị thương. Cột cây số được phép thay bằng ruột tre hả bác?
- Bê-tông là phải đi liền với thép. Nhà sản xuất chắc sợ người dân khi va phải cột cây số bị sắt đâm chết nên thay bằng tre để họ chỉ bị thương nặng thôi. Xã hội phải ghi nhận tính nhân đạo này chứ
- Cả nước có hàng triệu cột cây số, tiền tiết kiệm được nhờ việc thay thép bằng tre chắc lớn lắm bác nhỉ?
- Hàng nghìn tỷ đồng chứ không ít đâu
- Thế cũng tốt, sẽ có hàng trăm cây cầu được xây để các cháu đến lớp không phải bơi qua sông, rồi nhiều ngôi trường được kiên cố hóa, rồi thì…
- Thôi đi bác. Số tiền đó rơi hết vào túi cá nhân, nhà nước chẳng thu được đồng nào hết
- `Vậy là tham nhũng à?
- Đúng thế. Trước đây, PMU18 cũng đã từng bị phát hiện rút ruột cột chỉ đường, khối kẻ đã phải vào tù đấy.
- Vậy những kẻ rút ruột cột cây số vừa rồi đã bị xử lí gì chưa?
- Đang điều tra, chắc không thoát được đâu
- Như vậy là những kẻ thích ăn sắt sẽ gặp nhau trong trại giam. Trong môi trường mất tự do mà gặp được tri kỉ chắc tâm sự được nhiều lắm, có phải ai cũng may mắn được như vậy đâu
Cận

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

không điên là còn may

- Bực quá, từ nay tôi sẽ đi bộ
- Sao thế? Thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa ai người ta còn đi lại bằng đôi chân nữa
- Thà mang tiếng là tụt hậu còn hơn là để cho cái đám trông giữ xe máy chặt chém
- Ôi dào! Đáng bao nhiêu mà bác phải lăn tăn thế
- Năm nghìn đồng một lượt gửi xe máy mà bác coi là nhỏ à? Bác có biết, ở trường học sinh nội trú một tỉnh miền núi phía Bắc tiền ăn cả ngày của một học sinh chỉ có một nghìn đồng không?
- Bác cứ nói đùa. Một nghìn đồng cúng cô hồn còn chẳng đủ, mua gì được
- Vậy mà học sinh nơi đây đã phải sống với mức đó nhiều năm rồi đấy
- Chắc những đứa trẻ này suy dinh dưỡng cả lượt bác nhỉ?
- Bác tính, cơm thiếu, rau thiếu, thịt cá cả năm mới được ăn một lần thì to khỏe làm sao được. Vậy mà năm vừa rồi có mấy đứa đỗ đại học đấy
- Đói ăn như vậy mà sao chúng thông minh thế nhỉ?
- Chúng giỏi là vì có cái tâm sáng, cái ruột sạch. Còn những kẻ ngồi trên sơn hào hải vị mà luôn quay cuồng với âm mưu thủ đoạn thì đầu óc chỉ ngày càng tối đi, không điên rồ là còn may đấy
Cận

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

nguồn cơn phá hoại

- Bác này, sao dạo này bệnh háo danh nở rộ thế nhỉ?
- Cái thói này thời nào chẳng có. Thời phong kiến, các tầng lớp vua chúa, quan lại khi sống cũng ở nhà to, khi chết lại làm mả đẹp, hoành tráng, lưu danh ngàn đời đấy thôi
- Nhưng thời đó tính háo danh thể hiện qua những cái cụ thể, công khai, đâu có mờ ám như ông Thứ trưởng có bằng tốt nghiệp bé lại khai là bằng to, như ông vụ phó chẳng có khả năng gì lại tự vỗ ngực đã từng thi toán quốc tế…
- Trước đây cũng có kẻ nhờ thi hộ, dùng bằng dởm, nhưng ít, bởi ông cha mình đâu có trọng bằng cấp. Mấy chục năm trước, nhiều người được Đảng, Nhà nước cho sang nước ngoài tu nghiệp nhưng học thì ít, buôn bàn là, nồi áp suất thì nhiều. Sắp hết thời hạn mới cuống cuồng dùng tiền thuê người viết luận văn. Chính vì thế mới có chuyện khối ông tiến sỹ chuyên về chế tạo máy mà cái quạt ở nhà hỏng có chữa được đâu
- Chứng sĩ diện, háo danh dẫu sao cũng không tác hại bằng bệnh tham nhũng
- Bác nhầm rồi, đây chính là nguồn cơn phá hoại đất nước đấy. Trao quyền lớn cho những trí thức “dởm” chính là tạo cơ hội cho họ làm bậy. Loại người này không bao giờ trọng dụng người tài hơn họ, mà dùng những kẻ dốt nát để dễ sai khiến, lũng đoạn, như vậy, cơ quan, doanh nghiệp không đi xuống mới là chuyện lạ
- Vậy phải làm gì để hạn chế thói háo danh hả bác?
- Phát hiện ai dùng bằng dởm bắt họ ngồi trước ống kính truyền hình ăn hết cái bằng đó, có thế những kẻ thích gian dối mới tởn đế già
- Cận

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

báu bở gì đâu

- Học phí, viện phí, giá điện, giá xăng lại chuẩn bị tăng đấy bác Viễn ạ
- Cái gì chẳng có âm có dương, có trèo lên thì cũng phải tụt xuống chứ, qui luật thôi mà
- Nhưng vấn đề là, ở nước mình, mọi thứ hễ đã tăng là ít xuống giá lắm, nếu có cũng chỉ nhỏ giọt cho phải phép thôi
- Vua Quang Trung khi đưa quân thần tốc ra Bắc đã áp dụng cách đi 3 bước nhanh, rồi đến 2 bước chậm, binh lính không bị mỏi mệt, chỉ mấy ngày đã đánh vào thành Hà Nội, khiến kẻ thù không kịp trở tay. Cái lối tăng giá như vũ bão, giảm hiu hiu cũng thế, sẽ làm cho người dân tối tăm mặt mũi, không thể chống đỡ nổi, khi hoàn hồn thì sự đã rồi
- Nhưng đây là lúc lạm phát tăng cao, đời sống người dân đang lao đao, cái gì cũng tăng giá thế này, ai chịu cho thấu
- Thôi thì ăn đòn một thể, có đau một chút rồi cũng qua, chứ cứ 2 ngày ăn 1 quả thụi, 3 ngày ăn 1 cái đạp, mệt lắm. Tháng nào, năm nào chẳng có vài ba mặt hàng tăng giá, bớt tiêu dùng đi một chút là ổn thôi mà
- Ăn uống, đi lại bóp mồm bóp miệng còn được, chứ ốm đau, bệnh tật có hạn chế được đâu
- Đi về phía trước là xu thế toàn cầu mà. Cả thế giới tăng giá chứ riêng gì mình đâu
- Nhưng tăng giá thì cũng phải tương ứng với thu nhập chứ. Ai đời, lương chưa tăng mà viện phí đã tăng 350 hạng mục, nhiều cái tăng 7 đến 10 lần như cắt amidan trước thu có 20 nghìn đồng, giờ tăng tới 200 nghìn đồng
- Thì bớt đau họng đi, ngậm nhiều nước muối vào. Người ta tăng giá là để có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ, như vậy cũng tốt chứ sao
- Lâu nay, hàng tỉ thứ đã tăng mà có thấy cái gì được cải thiện đâu
- Đấy là bác không vào viện nên không biết đấy thôi, có nhiều chuyển hướng lắm. Chẳng hạn, trước đây 4 người đàn ông phải nằm chung 1 giường bệnh, thì từ ngày tăng viện phí, bệnh viện bố trí để 3 đàn ông nằm chung với 1 phụ nữ cho vui, rất chóng khỏi bệnh.
- Mọi thứ tăng giá ầm ầm khiến chất lượng sống người nghèo ngày càng giảm sút, tội quá
- Ai bắt họ mang gen “Những người khốn khổ” còn kêu ca nỗi gì. Mà đời sống của họ cũng có nhiều thứ tăng đấy chứ. Họ buộc phải giảm ăn thịt, cá nhưng lại được tăng ăn rau, khoai, sắn cho sạch ruột. Giá xăng tăng thì bán xe máy, tăng cường đi bộ, đỡ phải tập thể dục, khỏe người lắm. Ăn ngon quá chỉ tổ béo phì, tiểu đường, tim mạch, chóng chết chứ báu bở gì
Cận

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Phong Hóa và những ước vọng xa vời

Trong các hồi kí, ghi chép của mình, nhiều nhà văn, nhà báo lão thành nước ta đã dành những dòng cảm xúc chân thành kể về những kỉ niệm tốt đẹp khi họ làm cho tờ Phong hóa. Nhiều người thẳng thắn thừa nhận, họ đã trưởng thành từ cái “lò đào tạo” Phong Hóa.

Thổi luồng gió mới
Sau khi đàn áp các phong trào yêu nước do các sĩ phu phát động, thực dân Pháp chỉ được sống yên ổn mấy năm cuối cùng của thế kỉ 19. Từ đầu thế kỉ 20, cơn bão Tân thư Trung Quốc, cuộc Minh trị Duy tân của Nhật Bản, tư tưởng khai sáng, dân chủ, dân quyền của Rousseau, Montesquieu, Voltaire ào ạt tràn vào nước ta. Đây chính là tiền đề để các phong trào đấu tranh có màu sắc hiện đại trong cả nước rầm rộ phát triển. Đáng kể nhất trong số này là phong trào Đông du (Phan Bội Châu khởi xướng từ năm 1904-1908), phong trào Duy tân (Phan Chu Trinh khởi xướng từ 1906-1908), việc mở trường Đông kinh nghĩa thục (do cụ Cử Lương Văn Can đứng ra tổ chức năm 1907), phong trào chống thuế ở Trung kì, vụ đầu độc quân Pháp ở Hà Nội (đều xảy ra năm 1908), rồi cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1908-1913)… Sự tác động về văn hóa, chính trị, tư tưởng, quân sự của các phong trào trên đối với xã hội là rất lớn. Mặc dù đều thất bại, nhưng các phong trào trào yêu nước vẫn thay nhau bùng nổ khiến người Pháp phải tính toán lại các chính sách cai trị nhằm đánh vào ý thức dân tộc của người bản xứ. Ông G.Dumoutier, Thanh tra Giáo dục Bắc kì từng nhận định: Muốn thay đổi hình dáng, mầu sắc của một cái cây, không thể bắt đầu với cái cây đã phát triển hoàn toàn, mà phải tác động từ hạt giống. Muốn biến đổi một dân tộc cũng phải làm như vậy. Nếu chúng ta muốn đặt được vĩnh viễn ảnh hưởng của nước Pháp trên phần đất này của thế giới thì phải làm cho họ tiêm nhiễm tư tưởng của chúng ta, dạy cho họ tiếng nói của chúng ta và phải bắt đầu từ nhà trường và chú ý trước tiên đến trẻ em…. Hơn ai hết người Pháp hiểu rằng, muốn thu phục được tinh thần người Việt, không gì tốt hơn phương tiện báo chí. Đây là cơ sở để những tờ như Đông dương tạp chí (1913), Nam phong tạp chí (1918) ra đời. Những tờ báo của chính quyền này tuyên truyền mạnh mẽ chính sách cai trị của thực dân Pháp, phê phán các phong trào yêu nước, tẩy chay lối học cũ, đề cao văn hóa, khoa học phương tây… Mục tiêu chính của các tờ báo trên một mặt nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của truyền thống, mặt khác thúc đẩy sâu rộng phong trào học và sử dụng chữ quốc ngữ trong dân chúng. Đây chính là tiền đề gây dựng nên đội ngũ văn nhân kí giả theo tây học sau này
Từ đầu thế kỉ 20, nhất là sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), ở Việt Nam bắt đầu rộ lên các phong trào sáng tác văn chương theo lối mới (chủ yếu theo lề lối của Pháp). Báo chí là phương tiện truyền tải văn chương chủ yếu của thời kì này. Đây cũng chính là môi trường làm bùng nổ các phong trào sáng tác đình đám vào những năm 30 của thế kỉ trước. Trong số những tờ báo chuyên về văn chương thời đó, có lẽ để lại dấu ấn đậm nhất là các tờ Phong Hóa, Ngày Nay của nhóm Tự lực văn đoàn.
Có thể nói, Nguyễn Tường Tam là linh hồn của cả 2 tờ Phong Hóa, Ngày Nay cũng như nhóm Tự lực văn đoàn. Nguyễn Tường Tam (1905-1963) sinh ra trong một gia đình trí thức có 7 anh em ở huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Bố mất sớm nên mẹ ông phải rất vất vả, tần tảo buôn bán ngược xuôi, nuôi các con ăn học. Ngay khi mới 16 tuổi ông đã có thơ đăng trên báo Trung Bắc tân văn, đăng nhiều bài có tính khảo cứu trên Nam Phong tạp chí. Sau khi tốt nghiệp Trung học ông thi đậu vào trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng chỉ theo học một năm rồi bỏ. Năm 1926, ông vào Nam làm báo. Do có vai trò khá nổi bật trong phong trào để tang Phan Chu Trinh, ông bị người Pháp truy bắt ráo riết, buộc phải trốn sang Campuchia. Năm 1927, ông tìm cách sang Pháp học và năm 1930, Nguyễn Tường Tam lấy được bằng Cử nhân.
Đầu những năm 1930, ở Việt Nam xảy ra nhiều sự kiện lớn, có tính bước ngoặt của lịch sử như cuộc khởi nghĩa Yên Bái, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931). .. Thực dân Pháp đã đàn áp hết sức dã man các phong trào này. Hàng loạt nhà yêu nước rơi vào cảnh tù đày. Cả xứ Đông Dương như sống trong đêm dài trung cổ. Mọi hình thức đấu tranh vũ trang hầu như bị triệt tiêu. Đúng vào thòi kì này, Nguyễn Tường Tam về nước. Khi còn ở bên Pháp, Nguyễn Tường Tam rất ấn tượng với tờ Con Ong, tờ báo trào phúng, châm chích những hiện tượng tiêu cực trong xã hộ và ông đã nảy ý định ra một tờ báo tương tự làm phương tiện đấu tranh.
Tuy nhiên, việc xin phép ra báo Tiếng Cười của ông không thành bởi chính quyền thực dân luôn tìm cách trì hoãn việc cấp phép, mặt khác, việc ra tờ báo mới rất tốn kém, Nguyễn Tường Tam khó mà lo nổi được ngay một khoản tiền lớn. Đây cũng là lúc tờ Phong Hóa của mấy đồng nghiệp dạy trường Thăng Long rơi vào cảnh bết bát có nguy cơ phải đóng cửa. Nguyễn Tường Tam đã gặp Phạm Hữu Ninh, Trần Khánh Giư, Nguyễn Xuân Mai để điều đình mua lại tờ báo. Sau khi có tờ báo trong tay Nguyễn Tường Tam làm Chủ bút, vẫn giữ Phạm Hữu Ninh làm Quản lí, Nguyễn Xuân Mai làm Giám đốc Chính trị. Từ lúc này, Phong Hóa chuyển hướng thành một tờ báo chuyên về văn hóa, nghệ thuật, mang đậm tính trào lộng với 3 hình tượng nghệ thuật điển hình Xã Xệ, Lý Toét, Bang Bạnh.
Phong Hóa số 14 ( 22/9/1932, số đầu tiên do Nguyễn Tường Tam làm chủ bút) ghi rõ tôn chỉ, mục đích:
- Hăng hái theo con đường mới, tìm lí tưởng mới
- Không chịu khuất phục thành kiến
- Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào
- Lấy lương tri mà xét đoán, theo lẽ phải mà hành động
- Lấy thành thực làm căn bản
- Lấy trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí
Để Phong Hóa sớm có chỗ đứng trong làng báo Việt, ngay khi vừa nắm tờ báo trong tay, Nguyễn Tường Tam đã rất chú trọng đến việc chiêu hiền đãi sỹ. Ngoài mấy anh em trong nhà là Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Nguyễn Tường Bách, ông mời nhiều cây bút nổi tiếng, đang ăn khách thời bấy giờ về làm cho Phong Hóa như Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), sau có thêm Xuân Diệu, Trần Tiêu (em Trần Khánh Giư), Thế Lữ. Nhiều người có bài cộng tác chặt chẽ, thường xuyên với Phong Hóa như Trọng Lang, Huy Cận, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ…
Sự ảo tưởng khổng lồ
Ngay từ những số đầu tiên, Phong Hóa đã thổi một luồng gió mới đầy sinh khí vào lòng bạn đọc, được đông đảo nhân dân, đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản, trí thức thành thị khắp 3 kỳ hoan nghênh, ủng hộ. Báo in 8 trang khổ lớn. Mặc dù giá bán khá cao so với những tờ báo cùng thời (7 xu), nhưng Phong Hóa liên tục phải tăng lượng in. Báo thường in 5000 nhưng có những số phải in tới 1 vạn bản (kỉ lục lúc bấy giờ) mà vẫn bán hết veo. Bạn đọc thích Phong Hóa bởi, như trên đã nói, thời gian này các phong trào đấu tranh cách mạng bị đàn áp nặng nề nên việc đấu tranh vũ trang hầu như vắng bóng. Tập trung phê phán những thói hư tật xấu, những tập tục lạc hậu, cổ hủ, hô hào Âu hóa, thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật theo lối mới của Phong Hóa cũng ít nhiều đáp ứng được kì vọng của nhân dân. Cũng chính sự ủng hộ của bạn đọc là động lực thúc đẩy anh em tích cực khai phá các nội dung mới, tìm tòi những phương thức thể hiện sao cho hấp dẫn, dễ hiểu nhằm nâng cao dân trí. Không khí làm báo Phong Hóa đã được Tú Mỡ kể lại: Mỗi tuần lễ, tôi đến họp mặt với các anh từ tối thứ bảy bàn soạn về việc viết lách cho báo, cặm cụi viết vẽ suốt cả ngày chủ nhật; mệt nhọc thì ra sân đá cầu, đánh bóng bàn để giải trí. Thế là bước đầu chúng tôi có một “trại sáng tác” tuy còn nhỏ… Các anh có một sức làm việc ghê gớm, đáng phục, làm ngày làm đêm, tốn khá nhiều cà phê, thuốc lá, làm việc đến rạc cả người, hom hem, xanh xám như Khái Hưng, ai không biết cứ tưởng là “dân làng bẹp”
Tuy có lượng phát hành lớn, đời sống anh em vẫn chưa được cải thiện do bị nhà in và các đầu nậu giấy ép giá. Trước thực tế đó, Nguyễn Tường Tam cùng mọi người trong tòa soạn bàn bạc quyết định lập Tự lực văn đoàn để chủ động trong các khâu in ấn, đồng thời biến đây thành nơi tập hợp tầng lớp văn nhân kí giả. Để mở rộng sản xuất, mua sắm thiết bị hiện đại, Tự lực văn đoàn hoạt động theo hình thức đóng góp cổ phần. Với mỗi cổ đông 500 đồng, Tự lực văn đoàn nhanh chóng có đủ tiền gây dựng Nhà xuất bản Đời Nay
Có lẽ do ảnh hưởng của Chủ nghĩa Ánh sáng, Chủ nghĩa Cộng sản không tưởng phương Tây, những người trong Tự lực văn đoàn đã vẽ ra nhiều kế hoạch “to tát” nhằm nhanh chóng thay đổi đời sống nhân dân như xin đất rồi tập trung lại khai khẩn, lập những trang trại kiểu mẫu, trong đó có nhà hợp vệ sinh, có đèn điện, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, câu lạc bộ… cho tá điền sử dụng với hi vọng mô hình đồn điền kiểu này dần sẽ được nhân rộng ra toàn cõi Đông Dương… Rõ ràng, ý tưởng trên đây là có thiện ý tốt nhưng thiếu thực tế, viển vông, nên sớm bị phá sản. Vô tình, những dự án kiểu như thế này lại rất phù hợp với chính sách mị dân của chính quyền thực dân, nên được người Pháp ủng hộ. Dường như, những người sáng lập ra Tự lực văn đoàn không hiểu rằng cái người dân Việt Nam cần lúc này không phải là miếng cơm manh áo mà là độc lập tự do
Nội dung chính của Phong Hóa là phê phán các thói tật xã hội. Do được bạn đọc ủng hộ cổ vũ nên báo ngày càng lấn sâu vào các địa hạt chính trị, châm biếm tầng lớp quí tộc, phê phán các chính sách cai trị… Nhà cầm quyền thực dân đã nhiều lần bắn tiếng đe dọa đóng cửa Phong Hóa. Điều này không làm cho Phong Hóa nhụt chí. Báo vẫn đều đặn mang tiếng cười sảng khoái đến cho dân chúng, nhưng lại là mũi dùi đâm vào ruột gan tầng lớp thống trị. Phong Hóa chủ yếu bộc lộ một số quan điểm: Phê phán sự lạc hậu, mê tín của các tôn giáo truyền thống như đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng, ca ngợi khoa học, triết học phương Tây. Báo nhiều lần chê bai các tập tục, lễ nghi phong kiến đang đè nặng lên người dân thôn quê, đồng thời đề cao sự bình đẳng trong gia đình, coi trọng quyền công dân tại các thôn xóm… Có thể nói, tư tưởng của Tự lực văn đoàn có nhiều mặt tiến bộ, nhưng đôi khi ảo tưởng, thiếu thực tế, viển vông. Dường như họ chỉ phản ánh tốt đời sống của giới trí thức theo tây học, tiểu tư sản thành thị. Đối với các tầng lớp khác, hoặc là họ bỏ qua, hoặc mô tả một cách phiến diện. Nói cách khác, họ hầu như không nắm được bản chất xã hội đương thời. Chính vì vậy mà trong các bài viết của mình họ thường rất lúng túng khi tìm lối thoát cho các nhân vật, không xây dựng được các khuôn mẫu điển hình cho người Việt Nam. Các tác phẩm đăng trên Phong Hóa tuy được đánh giá cao trên phương diện nghệ thuật, nhưng xét về mặt xã hội lại không đạt được nhiều ý nghĩa.
Với giọng văn hài hước, châm biếm Phong Hóa không chỉ phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, báo còn đả kích khá mạnh mẽ thói tham lam, độc ác của tầng lớp thống trị. Các đối tượng nha lại, chức dịch vùng thôn quê, công chức nơi thành thị bị Phong Hóa đưa lên mặt báo nhiều nhất. Thỉnh thoảng báo cũng đề cập đến những nhân vật chóp bu trong xã hội nhưng tránh nói đến người Pháp cũng như các chính sách của chính quyền thực dân. Phong Hóa số 121 ra ngày 26/11/1934 có mục Từ ông nghị này đến ông nghị khác đã bóc trần bộ mặt thật của những kẻ giá áo túi cơm, tiếng là đại diện cho nhân dân, nhưng lúc nào cũng chăm chăm làm thế nào để túi mình ngày càng đầy thêm. Có những bài thì châm biếm sâu xa, kín đáo, có bài thì chửi thẳng vào mặt, chẳng hạn bài về ông nghị La Thăng có đoạn: Ông nghị Lê Thăng mới nhập vào đẩng của ông Lục, nên có vẻ hăng hái, nhiệt thành lắm. Động có cái gì cãi nhau là ông đứng lên uốn éo cái mình liễu thướt tha, quay sang đông lại quay sang tây, híp mắt lại, mở rộng toác cái mồm, còn tay thì múa men trông dẻo quèo quẹo. Điệu bộ của ông làm tôi nhớ đến con rươi nó nhảy đầm. Nói cho đúng hơn, dáng dấp mềm mại của ông, điệu bộ uyển chuyển của ông giống như tạc khuôn dáng dấp, điệu bộ- xin lỗi ông- của “con đĩ đánh bồng” hay của một cô đào múa bài bông. Nói của đáng tội, có lẽ ông muốn chim cả viện nên mới uốn éo như vậy… Bên cạnh là hình ông nghị La Thăng mặc áo dài phụ nữ, xỏ guốc cao gót, tay cầm quạt phe phẩy, vừa đi vừa uốn éo. Việc châm biếm đả kích tầng lớp quan lại người Việt tuy thỏa mãn được tâm tư, tình cảm người dân, nhưng nó cũng cho thấy Phong Hóa chưa xác định được kẻ thù của dân tộc ta là chủ nghĩa đế quốc, thực dân, là triều đình phong kiến thối nát. Nhiều khi báo còn gián tiếp ca tụng người Pháp thông qua những bài viết ca ngợi văn minh, lối sống, khoa học phương tây, coi rẻ thuần phong mĩ tục của dân tộc. Không những thế, đôi khi báo còn đưa người dân nghèo, ít học ra làm trò cười, coi họ như là lực cản của tiến bộ, là những người ăn bám, thậm chí là tác nhân kéo lùi bước tiến của xã hội, của lịch sử. Phong Hóa số ra ngày 4/8/1933 đăng bài Các trình độ học thức của Nhị Lang (Trần Khánh Giư) đã đánh giá: Sự sống eo hẹp, khó khăn của dân quê ta phần lớn nguyên nhân là ở chỗ vô học trong đó có loại vô học cùng dân: Lúc nhúc như đàn cừu đói rét, chẳng ai đoái thương. Như vậy là, theo Phong Hóa nguyên nhân của mọi sự cùng khổ bất công trong xã hội là do sự vô học của tầng lớp dân nghèo, chứ không phải xuất phát từ sự cai trị hà khắc của chính quyền thực dân, của chế độ phong kiến đớn hèn, mục ruỗng. Tầm nhìn hạn hẹp và sai lầm này còn xuất hiện ở nhiều tờ báo đương thời. Điều đó cho thấy, có thể, do sự áp chế của nhà cầm quyền mà báo chí thời đó phải nói tránh đi như vậy.
Một điểm yếu đễ nhận thấy của Tự lực văn đoàn nói chung, Phong Hóa nói riêng là đẩy lên mây xanh những trường phái, tác phẩm hay tác giả nào đồng quan điểm với họ, nhưng cũng sẵn sàng công kích, đả phá, thậm chí vùi dập những gì không cùng chính kiến. Khi bàn về chủ nghĩa cá nhân của văn phái Nhật Tân, trong số báo 59 ra ngày11/8/1933 vẫn tác giả Nhị Linh châm biếm: Nếu tôi có soạn bộ tự điển Annam thì tôi sẽ viết: Chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa tôn trọng cá nhân và quyền tự do cá nhân…tôi mà giải nghĩa như thế thì đến tôi, tôi cũng không hiểu. Mà tôi không hiểu thực. Hay là cá nhân là người cá trong vở tuồng “Người cá” của ông Nguyễn Khắc Hiếu có đào Liên đóng vai chính? Vậy thì cá nhân là hạng đầu người mình cá khóc ra hạt minh châu. Nhiều người một mặt chê thơ cũ là: Khuôn con người vào vòng lễ phép chật hẹp vô cùng. Nói không dám nói mạnh, cười không dám cười to, cái gì cũng như bó buộc, cằn cỗi-Việt Sinh, Phong Hóa số 15 ra ngày 29/9/1932. Khi chê bai thơ cũ, Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) bị công kích mạnh nhất. Báo coi, chỉ những tác giả thơ mới, những người sáng tác theo lối hiện đại là thi sĩ, còn tất cả những ai làm thơ theo kiểu cũ, truyền thống chỉ là thợ thơ: Các thi sĩ thì trước hết cốt tứ cho cao, lời cho mạnh rồi nghĩ đến văn thể. Còn hạng thợ thơ thì chỉ hì hục ngồi gọt, đẽo, đục, chạm từng câu, từng chữ như người thợ mộc hay người chạm khắc gỗ- Nhị Linh, bài Văn học tạp chí, số 67 ra ngày 6/10/1933
Có thể nói hầu như trong số nào Phong Hóa cũng có bài phê phán thơ cũ, ca ngợi thơ mới, góp phần đẩy thơ mới đến với những thành công sau này. Báo cũng tỏ ra công bằng khi thẳng cánh chê bai những tác giả học đòi sáng tác theo lối thơ mới thông qua các mục Những hạt đậu dọn, Cuộc điểm báo, Cuộc điểm sách… nhưng đồng thời cũng tỏ ra hân hoan trước những thành tựu của thơ mới: Thơ mới bắt đầu có từ bài Tình già của ông Phan Khôi. Nhưng vì thiếu người bênh vực có can đảm, thiếu thi sĩ mới có kiên trì, nên độ ấy không có ai ngó tới nó nữa. Đến nay, thơ mới nghiễm nhiên chiếm một địa vị quan trọng trong làng văn, thi sĩ mới rất nhiều, tương lai của thơ mới rất là rực rỡ..- Tứ Ly, số 134 ra ngày30/1/1935
Bên cạnh những bài có tính cách học thuật, văn chương, Phong Hóa cũng khai thác khá triệt để mảng báo chí. Ngoài phần tin tức (trang12), báo rất chú trọng sử dụng những bài thuộc thể loại điều tra, phóng sự (trang 4), thường xuyên giao lưu với đọc giả, phản ánh khá chân thực, sinh động về các vấn đề xã hội. Có những phóng sự, điều tra, tường thuật đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận thời bấy giờ như Vấn đề ngô của Nguyễn Duy Kế ra ngày 4/8/1933 phản ánh những mánh làm ăn bất chính xung quanh loại cây lương thực quan trọng này. Cũng trong số báo này có bài Chuyện thằng chết cãi thằng sống phản ánh tình trạng những người khỏe mạnh đóng giả người tàn tật để hành nghề ăn mày, nguyên nhân gây ra những bất ổn xã hội, mất mĩ quan phố phường. Trước thực trạng mại dâm tràn lan tại các đô thị lớn báo dành 2 số 58 và 59 để phản ánh về tệ nạn mại dâm núp bóng nghệ thuật hát ả đào. Trước những sự kiện lớn, bao giờ báo cũng cử người đến tận nơi viết bài tường thuật. Chẳng hạn, trong số 126 ra ngày 30/11/1934, trực tiếp Nhất Linh viết bài Đặc sắc của hội chợ năm nay. Cách viết phóng sự, điều tra, tường thuật hay đơn thuần chỉ là cái tin ngắn trên Phong Hóa rất hiện đại, gần với hiện nay, thường có kết cấu gồm tít chính, tít phụ, tít xen để nhấn mạnh, khoanh vùng nội dung để bạn đọc dễ theo dõi, làm mất cảm giác đang phải đọc một bài báo dài lê thê. Cách làm này cũng khiến cho việc trình bày báo được đẹp hơn, bắt mắt hơn. Mục Những việc chính cần biết trong tuần lễ xuất hiện trong hầu hết các số, đề cập đến những sự kiện quan trọng trong tuần về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa trong và ngoài nước
Vì có lối làm báo độc đáo, hiện đại, được bạn đọc cả nước hoan nghênh nhiệt liệt nên lượng phát hành của Phong Hóa tăng lên không ngừng. Cách khai thác đề tài, giọng điệu châm biếm, hài hước, hình thức trình bày tươi trẻ, bắt mắt của Phong Hóa được nhiều báo bắt chước. Thậm chí, có tờ rập khuôn hoàn toàn, chỉ có tên báo là khác. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến lượng phát hành của Phong Hóa, khiến báo phải nhiều lần lên tiếng phản ứng, nhưng tình hình cũng không được cải thiện. Có thể nói, Phong Hóa được coi như một hiện thượng thời bấy giờ, được người tài khắp nơi kéo về xin làm cộng tác viên cho báo. Nhiều cây bút trẻ sau này đã thành danh nhờ sự uốn nắn, hướng dẫn của Nhất linh Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng Trần Khánh Giư.
Khảo sát Phong Hóa chúng ta thấy một hiện tượng, thời kì đầu, báo quan tâm nhiều hơn đến đời sống dân nghèo, nhưng về sau những đối tượng này được phản ánh mờ nhạt dần, dành dung lượng cho giới trí thức, tiểu tư sản thành thị. Nói cách khác, báo ngày càng xa rời quần chúng, tiến gần hơn đến tầng lớp trên trong xã hội. Biểu hiện rõ nhất của hiện tượng này là mục Giáo dục trong dân quê lúc đầu được đặt ngay trên trang nhất, do những cây bút lớn trực tiếp viết bài như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo nói về đời sống lầm than, đói nghèo, dốt nát, hủ tục đang hàng ngày gặm nhấm đời sống người dân, kêu gọi chính quyền có những chính sách hợp lí nhằm thay đổi xã hội. Tính chất đấu tranh gay gắt của mục này cứ nhạt dần, sau đưa vào trang trong rồi biến mất cho thấy, có sự thay đổi trong nhãn quan chính trị của những người đứng đầu tờ báo.
Giọng điệu chung của Phong Hóa là hài hước, châm biếm. Có thể coi đây là tờ báo trào phúng đầu tiên của Việt Nam. Tiếng cười ở đây một mặt góp phần thay đổi lối sống lạc hậu trong xã hội, nhất là vùng nông thôn, mặt khác, nó là mũi dùi đâm thẳng vào tầng lớp thống trị, khiến kẻ thù của người nghèo đôi lúc phải chùn tay. Ông Phạm Thế Ngũ khi nghiên cứu về báo chí thời kì này đã viết, nhờ những tờ báo kiểu như Phong Hóa mà: Cụ Nguyễn Văn Tố phải cát bỏ búi tóc; Tản Đà hết ngông, hết mộng, thành trì của văn hóa cũ không chịu nổi những nhát dao cạo của Phong Hóa đành để sụp đổ. Những hí họa phát hành khắp Bắc Trung Nam chỉ cho người ta thế nào là nhà quê, là hủ lậu, thế nào là văn minh tân tiến và thúc đẩy họ trút bỏ những tập tục cũ. Tuy nhiên, vì quá lạm dụng thủ pháp này mà nhiều khi tiếng cười của Phong Hóa biến thành tiếng cười sinh lí, không mang tính xã hội, cười cợt trên nỗi đau khổ của người khác, trêu chọc cả những người cùng khổ, ít học, châm biếm cả truyền thống ngàn đời của cha ông, và nguy hiểm hơn là đụng cả đến những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Về vấn đề này, Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) từng trích dẫn: Cái tôn chỉ quí hóa của báo Phong Hóa nói cho đúng là cái tôn chỉ pha trò, cái tôn chỉ của phường chèo, của trẻ con… Hễ thấy ai mọc mũi lên là sẵn báo nhà cứ chỉ trích, phê bình tràn đi để đạp người ta xuống đất đen và tự nâng mình lên chín tầng mây.
Và đến năm 1936, Hoàng Đạo có bài công kích Hoàng Trọng Phu (Tổng đốc Hà Đông) nên bị chính quyền thực dân ra lệnh đóng cửa. Chỉ với mấy năm tồn tại Phong Hóa đã kịp để lại dấu ấn của mình trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tờ báo này đã để lại những bài học quí giá cho các thế hệ người làm báo nước ta, kể cả đối với ngày nay.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Tao Đàn: tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật đầu tiên

Văn học Việt Nam trước năm 1945 đã để lại những dấu ấn hết sức đặc biệt. Để tạo được thành quả đó, có một phần đóng góp không nhỏ của Tao Đàn tạp chí. Tờ báo không chỉ là điểm đến của văn nhân, kí giả đương thời, mà còn là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng nhiều tài năng của đất nước

Điểm đến của tinh thần Việt
Có thể nói, bắt đầu từ cuối năm 1934, đầu năm 1935, các lực lượng hòa bình và dân chủ trên thế giới ngày càng khẳng định thế mạnh của mình trên trường quốc tế. Môi trường tốt đẹp này cũng chỉ kéo dài được ít năm. Từ cuối năm 1938, chủ nghĩa phát xít bắt đầu lấy lại vị thế của mình, bắt tay với một số chính phủ phản động châu Âu, chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh toàn cầu lần thứ II.
Ở nước Pháp, trong cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5-1936, Mặt trận nhân dân, liên minh giữa Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội, đã giành thắng lợi tuyệt đối, bầu ra chính phủ do L.Blum đứng đầu. Chương trình hành động của chính phủ mới có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân lao động Pháp cũng như tại các xứ thuộc địa của Pháp. Nói chung, bầu không khí chính trị đã dễ thở hơn nhiều
Tận dụng tình hình trên, các lực lượng cách mạng Việt Nam, do Đảng Cộng sản làm nòng cốt đã tổ chức hàng loạt phong trào đấu tranh đòi mở rộng dân chủ. Đáng chú ý và đình đám nhất trong số này là cuộc vận động tổ chức Đông dương đại hội. Cuộc vận động này không chỉ nhằm đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, đòi cải thiện mọi mặt đời sống, cải thiện chế độ lao tù, mà còn nhằm huy động, thống nhất các tầng lớp nhân dân về một mối, chống chủ nghĩa phát xít và bọn phản động ở thuộc địa. Những cuộc đấu tranh này phát triển rất mạnh mẽ, khiến chính quyền thuộc địa buộc phải ban hành một số chính sách nới lỏng về các mặt kinh tế, xã hội. Riêng lĩnh vực báo chí, do nhận thức rất rõ tác động của hình thức tuyên truyền này đối với nhận thức chính trị, người Pháp đã ban hành một số văn bản nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận. Chẳng hạn ngày 12-8-1936, Tổng thống Lơ broong kí ban hành văn bản mới, chỉ thừa nhận quyền tự do ngôn luận ở các xứ thuộc địa. Bắc kì (xứ bảo hộ), Trung kì (nửa bảo hộ), không được hưởng các đặc quyền này. Cụ thể hóa Sắc lệnh trên, ngày 7-10-1938, Toàn quyền Đông dương ban hành Nghị định trong đó ghi rõ:
Điều 1: Trong lãnh thổ Trung kì, Bắc kì, Cao Miên, và Lào việc công bố hay truyền bá bằng bất cứ biện pháp nào với những tin tức sai lầm, những văn bản xuyên tạc và vu cáo đối với người khác cố tình và làm giảm lòng tin sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến một năm và phạt tiền từ 100 đến 1000 phơ răng, hoặc một trong hai hình phạt đó khi ấn phẩm hoặc việc truyền bá ấy dẫn tới làm rối loạn kỉ luật và đạo đức các lực lượng lục quân, hải quân và không quân
Điều 2: Những vi phạm trên đây sẽ bị đưa ra xử trước tòa án tiểu hình….
Đến đầu năm 1939, tình hình thế giới căng như dây đàn. Báo chí trong nước bị đàn áp dữ dội. Hàng loạt nhà cách mạng, các chiến sỹ cộng sản (nhiều người trong số đó là nhà báo) đã bị bắt. Việc xin phép báo mang hơi hướng chính trị là hết sức khó khăn. Trước thực tế trên, các ông Vũ Đình Long, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Lưu Trọng Lư, những người rất tâm huyết với việc gìn giữ, duy trì và phát triển phong hóa Việt đã cùng chung vai cho ra đời tạp chí Tao Đàn. Các ông đều có cùng quan niệm đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa cũng ít nhiều giữ gìn được bản sắc Việt Nam, cũng thể hiện được tấm lòng yêu nước. Đây là cuộc chiến lâu dài, hiệu quả. Nhờ sự đầu tư thích đáng về vật chất, con người, ngay từ những số đầu tiên, Tao đàn đã xứng đáng được coi là tờ tạp chí văn học sang trọng bậc nhất thời bấy giờ. Phan Khôi, một nhà báo, nhà văn cực kì khó tính đã phải thốt lên: Trong Tao Đàn tôi thấy một sự siêu việt là dung hợp được mọi tư tưởng dù trái ngược nhau. Tao Đàn sẽ là nơi gặp gỡ của hết thảy mọi khuynh hướng và tư tưởng ấy cùng chung một cứu cánh gây dựng một nền văn hóa Việt Nam.
Tạp chí Tao Đàn ra mắt số đầu tiên vào ngày 1-3-1939, trong lời phi lộ có ghi rõ tôn chỉ mục đích:
Tao Đàn là tạp chí không thuộc riêng về một văn phái nào cả, nó là cơ quan của một nền văn hóa hoàn toàn Việt Nam về sau này, mà sự kiến thiết phải được tất cả các sĩ phu ba kì coi là cái bổn phận tối cao và khẩn cấp
Tao Đàn là vườn ươm hạt giống tài hoa chủng tộc, là nơi để cho hết thảy mọi cá tính được phát triển đầy đủ về phương diện văn chương và tư tưởng.
Tao Đàn là nơi tập trung mọi sự gắng công để đi tới sự hợp nhất và tiến hóa của văn chương Việt Nam và sau hết, để đi tới sự nhận chân cái bản thể nhân loại qua tâm hồn Việt Nam.
Tao Đàn là cái chứng cớ thiêng liêng đẻ các phần tử trí thức tỏ ra không phụ lòng mong đợi, cậy trông về tương lai mà chủng tộc đã tha thiết đặt vào mình
Tao Đàn là tạp chí của hết thảy người Việt Nam mà cái tương lai tinh thần của chủng tộc đã thành sự băn khoăn tha thiết trên mọi băn khoăn khác…
Như vậy là, Tao Đàn, cũng như nhiều tờ báo đương thời, nhất là báo chí Bắc kì, do sự chi phối của các văn bản pháp luật của nhà cầm quyền thực dân, đã hướng mục tiêu đấu tranh sang các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đây không phải là sự tránh né các trách nhiệm xã hội như lâu nay nhiều người vẫn nhìn nhận. Sự uyển chuyển này là có tính toán, phù hợp với tình hình chính trị lúc đó. Nhận thức rõ chính sách ngu dân của thực dân Pháp là nhằm nhấn dân ta ngày càng lún sâu dưới vũng bùn lầm than, Tao Đàn và nhiều tờ báo tiến bộ khác kêu gọi tầng lớp trí thức, văn nhân, kí giả tập hợp nhau lại: Gây ngay một phong trào quốc văn mạnh mẽ và rộng lớn. Những người chủ trương tờ báo quan niệm, nâng cao dân trí sẽ giữ gìn và nâng cao được bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là nền tảng có tính chất lâu dài, vĩnh cửu của mỗi quốc gia… Ý đồ ít nhiều có tính cải lương trên của Tao Đàn ngẫu nhiên phù hợp với mục đích của người Pháp đang tìm cách hướng dân ta sang lĩnh vực văn hóa, triệt tiêu đấu tranh vũ trang, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trí thức, tiểu tư sản thành thị lúc đó, nên đã lôi kéo được rất đông người tham gia
Bộ máy quản lý chính của tạp chí Tao Đàn gồm: Chủ nhiệm Vũ Đình Long, Trị sự: Nguyễn Kh Đàm, Quản lý: Lan Khai. Lúc đầu Tao Đàn ra 96 trang nội dung, in khổ 14,5x21,5cm. Từ số 1 đến số 8 báo ra mỗi tháng 2 kì vào các ngày mùng 1 và 16. Số 9 và 10 ghép làm 1. Từ số 11 Nguyễn Triệu Luật thay Lan Khai giữ vai trò Quản lý, thay đổi in mỗi tháng một kì, ra vào giữa tháng. Khi cần thiết, báo ra số đặc biệt. Chẳng hạn, để tưởng nhớ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), Vũ Trọng Phụng báo ra thêm 2 số vào tháng 7 và tháng 12-1939, do Lưu Trọng Lư đứng ra tổ chức, thu gom bài vở. Riêng số đặc biệt, báo không cố định số trang, tăng giảm tùy theo lượng bài có được. Mỗi số, Tao Đàn bán giá 25 xu (kể cả số thường và số đặc biệt). Tao Đàn cũng đã chuẩn bị xong số đặc biệt về Nguyễn Trường Tộ (dự kiến ra vào 1-1-1939) nhưng không ra được vì bị Ty Kiểm duyệt gạch bỏ.

Tất cả vì lợi ích dân tộc

Trong chưa đầy một năm, Tao Đàn ra được 13 số định kì và 2 số đặc biệt với tổng cộng 1374 trang. Mặc dù có đời sống ngắn ngủi như vậy, nhưng Tao Đàn đã để lại những dấu ấn đặc biệt đối với xã hội. Thành công của tờ báo là không thể phủ nhận trong lịch sử Văn học cũng như lịch sử Báo chí.
Vì là tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật nên trong số 96 trang nội dung của Tao Đàn cũng được bày biện “đủ mâm, đủ bát” chia làm 3 lĩnh vực có thể “bao sân” rất rộng gồm Nghị luận và khảo cứu - Nghệ thuật - Tạp kí, hàm chứa trong đó đủ các thể tài, thể loại cả trong và ngoài nước, từ cổ chí kim. Có thể kể ra đây loại Thơ, Truyện dịch của Pháp và Trung Quốc, kịch, tiểu thuyết của các cây viết trẻ, khảo cứu về lịch sử, văn hóa hết sức uyên thâm của các bậc đạo cao đức trọng. Không chỉ văn chương, Tao Đàn còn bàn nhiều đến các lĩnh vực tưởng chừng chỉ có ở các xứ văn minh như Triết học, hội họa, tôn giáo, chính trị… Ngoài việc phát hiện, nâng đỡ các cây bút trẻ, báo còn tạo cơ hội xuất hiện hoặc giới thiệu tác phẩm của những nhà thơ, nhà văn trước đây làm việc cho tờ Phong Hóa (của nhóm Tự lực văn đoàn) đối thủ một thời của nhóm Tân Dân. Nhờ sự không phân biệt đối xử này đã khiến Tao Đàn ngày càng qui tụ được nhiều người tài, được xã hội vì nể, tôn trọng
Cầm hơn chục số Tao Đàn, đọc các bài viết trong đó, ai cũng có thể cảm nhận được tâm huyết của các tác giả, sự nặng lòng với văn hóa dân tộc. Số các bài viết có tính khảo cứu, luận đàm về những giá trị truyền thống chiếm dung lượng khá lớn. Nhiều bài đã gây tiếng vang trong dư luận, được tầng lớp trí thức đánh giá cao. Về lĩnh vực nghiên cứu văn hóa- Nghệ thuật đáng chú ý là các bài Nghệ thuật với văn hóa, bài Văn học chữ Hán ở nước ta (Thiều Quang, Phan Khôi, số 1 ngày 1-3-1939), Một nền văn chương Việt Nam (Nguyễn Triệu Luật, số 2 ngày 16-3-1939) Làm sao mà gây được một nền văn hóa riêng (Nguyễn Triệu Luật, số 5 ngày 1-5-1939), Cái nguy mất gốc (Lan Khai, số 6 ngày 16-5-1939), Bàn qua về nghệ thuật (Lan Khai, số 7 ngày 1-6-1939), Những câu hát xanh (Lâm Tuyền Khách, đăng 5 kì từ số 8 ngày 16-6-1939 đến số 13 ngày 16-10-1939), Tục ngữ phong dao (Phan Khôi, số 10 ngày 1-8-1939)….
Có lẽ do quan niệm ngôn ngữ, chữ viết chính là sự khởi đầu của văn hóa, quyết định đến sức sống tinh thần của mỗi dân tộc, đã khiến cho nhiều học giả dành tâm sức nghiên cứu lĩnh vực này. Đáng lưu ý là các bài Một số ý kiến thô sơ về cách điền chế văn tự (Nguyễn Triệu Luật, số 4 ngày 16-4-1939), Tiếng Nam phải giữ tinh thần riêng của tiếng Nam (Hoài Thanh, số 5 ngày 1-5-1939), Phương pháp làm quyển “Mẹo tiếng Việt Nam” (Nguyễn Triệu Luật, số 7 ngày 1-6-1939), Luật ngã hỏi (Nguyễn Đình, số 8 ngày16-6-1939), Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ, bài Một số ý kiến về việc cải cách văn tự nước nhà: Tước bỏ cái gạch nối liền (Nguyễn Triệu Luật, Kinh Dinh, số 11 ngày 16-8-1939), Những chỗ thiếu sót trong “Việt Nam tự điển” (Thảo Trang, số 12 ngày 16-9-1939). Mục tiêu chính yếu của Tao Đàn là gây dựng một nền văn hóa mới, tẩy chay tuyệt đối thứ văn hóa áp đặt, ngoại lai. Trong bài Cùng bạn đọc, Tao Đàn nhấn mạnh: Tổ tiên mình đã say mê văn hóa Tàu đến nỗi cam tâm để cho tinh thần của chủng tộc bị tê liệt đi và bị sáp nhập vào trong cái văn hóa vĩ đại ấy. Kết cục: dân tộc mình thành ra một lũ người không có bản sắc, nhân cách và địa vị trong lịch sử thế giới, bị coi bất quá như một lũ học trò của Trung Hoa…
Có thể nói, Tao Đàn đã gây được sự quan tâm của công luận bởi những bài có tính phản biện cao. Những tranh luận, đôi khi rất nảy lửa, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Được bàn đến nhiều nhất là các vấn đề sử học, triết học, chính trị, tư tưởng, học thuật. Sự khách quan của Tao Đàn được thể hiện ở việc cho đăng cả những ý kiến trái chiều nhau, kể cả đi ngược với quan điểm của tờ báo. Chính cách làm khách quan, hiện đại này đã thu hút được nhiều nhân sỹ tham gia viết bài tranh luận, tạo nên những hiệu ứng xã hội rất lớn. Mặt khác, sự góp mặt của các trí thức có tên tuổi cũng tạo thêm sự sang trọng và gây uy tín cho tờ báo. Nhiều vấn đề lớn mà các tác giả bàn đến đã kích thích các báo khác tham gia tranh luận, điển hình là các bài: Đã đến ngày viết lại quyển Nam sử chưa? (Nguyển Văn Tố, số 1 ngày 1-3-1939), Những xiềng xích của văn chương ngày xưa (Ngô Tất Tố, số 2 ngày 16-3-1939), Một nhà viết sử bán nước, một quyển sử nhục nhã: Lê Tắc và quyển “An Nam chí lược” của y, bài Không có ông An Dương vương nhà Thục, bài Đôi lời bàn thêm cùng ông Bùi Công Trừng (Trần Thanh Mại, Ngô Tất Tố, Lưu Trọng Lư số 3 ngày 1-4-1939), Sau khi xem bài ông Phan Khôi: Tại sao quốc văn chậm phát triển? (Nguyễn Hữu Chương, số 4 ngày 16-4-1939), Thiên chức của văn sỹ Việt (Lan Khai, số 5 ngày 1-5-1939), Lại nói về quyển An Nam chí lược của Lê Tắc trả lời ông Huỳnh Thúc Kháng, bài Thành thực và tự do trong văn chương, bài Bàn qua về nghệ thuật (Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Bùi Công Trừng số 6 ngày 16-5-1939), Triết học Bergson, bài Văn chương dân chúng (Lê Chí Thiệp, Tô Vệ, số 7 ngày 1-6-1939), Khổng tử có vũ trụ quan duy vật hay duy tâm?, bài Tôi vẫn bảo cụ Khổng có vũ trụ quan duy vật (Bùi Công Trừng, Ngô Văn Triện, số 8 ngày 16-6-1939)…. Càng những số sau, không khí phản biện, tranh luận càng đậm đặc. Có số bàn về vài ba vấn đề cùng lúc
Tuy đề cập tới hầu khắp các vấn đề của đời sống xã hội nhưng Tao Đàn vẫn được giới chuyên môn coi như tạp chí chuyên về văn học đầu tiên của Việt Nam. Tao Đàn luôn dành dung lượng lớn nhất để đăng các tác phẩm văn học thơ, tiểu thuyết, kịch nói, truyện ngắn, truyện dài, kí, phóng sự văn học, truyện dịch, tạp bút… Tờ báo đã có công phát hiện hoặc củng cố, khẳng định tên tuổi nhiều cây bút nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Lan Khai, Phạm Duy Khiêm, Toan Ánh, Y Lan, Vũ Trọng Phụng, Tản Đà, Mặc Lan, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Phạm Hầu, Lâm Tuyền Khách, Mạnh Phác, Trương Tửu… Nhiều tác phẩm in trên Tao Đàn đã đi vào lịch sử văn học như những bài viết của Nguyễn Tuân trên mục Vang bóng một thời những sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Phan Khôi,, Ngô Tất Tố…
Có thể nói, so với các tờ báo và tạp chí đương thời, Tao Đàn vượt trội lên hẳn cả về nội dung và hình thức. Lượng bài hết sức phong phú, bao quát được hầu khắp các lĩnh vực của khoa học xã hội. Các sáng tác văn học nghệ thuật có sự chọn lựa kĩ càng, được chấp bút bởi những tác giả nổi tiếng, một mặt nâng tầm, gây uy tín cho tờ báo, mặt khác, đã tạo ra lực hút khó cưỡng đối với bạn đọc. Đây cũng là mảnh đất phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Đọc bài Một nhà thơ nhiều hi vọng: ông Phan Khắc Khoan của Hoài Thanh cho thấy tấm lòng chân thực của bậc đàn anh đối với giới trẻ. Những đánh giá nhận xét trong đó không chỉ có sự ưu ái mà còn rất nghiêm khắc, chỉ ra những yếu điểm để nhà thơ trẻ kịp thời khắc phục, vươn lên
Ngay trong những số đầu, Tao Đàn xác định đối tượng bạn đọc là các tầng lớp nhân dân, khắc phục sự “sang trọng” thái quá của nhóm Tự lực văn đoàn, nhưng thực tế, Tao Đàn lại thường sử dụng loại bài nặng về mặt học thuật, chính trị, tư tưởng, khiến tầng lớp bình dân không “tiêu hóa” được. Những bài khêu gợi lòng yêu nước còn khá mờ nhạt hoặc quá cẩn trọng, kín đáo khiến không ít bạn đọc nghi ngờ mục đích tối thượng của tờ báo. Ranh giới giữa sự tiến bộ và sự phản động là rất mong manh, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thế giới sắp xảy ra, bao chiến sỹ yêu nước đang chịu cảnh tù đày, cả dân tộc đang rên xiết trong lầm than, nô lệ
Có lẽ Tao Đàn là một trong những tờ báo đầu tiên xuất bản những số đặc biệt, tồn tại bên cạnh những số thông thường. Đến nay, hình thức này là khá phổ biến trong báo chí hiện đại. Trong suốt hành trình của mình, báo ra được 2 số đặc biệt về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Vũ Trọng Phụng nhân ngày mất của hai người này, được dư luận đương thời và các nhà khảo cứu sau này đánh giá cao. Báo còn vạch ra kế hoạch ra những số đặc biệt về Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, về thi cử, về phong trào Duy tân… Tuy nhiên, do phải đóng cửa sớm nên dự định trên không thực hiện được. Cách xây dựng kế hoạch cho nhiều số của Tao Đàn đến nay được hầu hết các tạp chí chuyên ngành áp dụng
Có thể nói, chỉ với một năm tồn tại, phát triển, trong bối cảnh chính trị xã hội hết sức rối ren, đen tối, Tao Đàn vẫn vụt lên như một hòn ngọc bé nhỏ nhưng rực sáng, gây những ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc đương thời, để lại nhiều bài học quí giá cho hậu thế. Tao Đàn xứng đáng nhận được chỗ đứng trang trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam

TS Hoàng Văn Quang

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

người đàn bà xấu xí

Chiều thứ bảy mưa nặng hạt. Cả nhà lên gác coi tivi, một mình lên mạng đọc báo. Vẫn nhàm chán như mọi khi. Đập vào mắt ngay trên trang nhất là một ông đầu hói đang nở nụ cười rất tươi, chắc sung sướng vì vừa được bầu làm chức gì đó to lắm. Ông ấy sướng một, vợ con ở nhà sướng mười. Rồi tiền bạc, rồi quyền lực sẽ ào ào đổ về. Tưởng là quyền càng cao, chức càng trọng mặt phải hằn nỗi lo âu vì quốc kế dân sinh chứ? Những kẻ hơn hớn, nhơn nhơn tự đắc thế kia rồi thể nào cũng có ngày bị lật kèo, bị mất chức, bị tù tội, rồi thì vợ đi với trai, con cái đứa làm điếm, đứa vào tù vì tội hiếp dâm. Chán!
Rê chuột xuống một chút là hình cô bồ của một ngôi sao bóng đá ngồi dạng tè he cạnh chiếc bánh ga-tô to tướng, có mỗi mảnh vải đỏ chói bằng bao diêm hờ hững che nơi cội nguồn của mọi tội lỗi. Cô rất xinh nhưng mặt chẳng thấy chút vui buồn gì, như những bức tượng bằng xi-măng ngoài công viên vậy. Một cô gái trơ trẽn ngồi giữa bãi biển đông người, nheo mắt làm dáng để anh chàng thợ ảnh chĩa ống kính lục lọi khắp cơ thể thế kia, liệu khi khóc có chảy ra được giọt nước mắt nào không nhỉ? Khó nói lắm, chỉ thấy anh chàng cầu thủ triệu phú đứng cạnh là thiệt. Bao nhiêu tiền kiếm được nhờ đổ mồ hôi, chạy hùng hục quanh năm suốt tháng trên sân cỏ, lại để nuôi người đàn bà vừa nạ dòng vừa ngây thơ kia ăn chơi phè phỡn, dại quá!
Con trỏ máy tính vừa chui vào mục công nghệ. Chà! Chiếc điện thoại đời mới mới đẹp làm sao. Mấy anh chàng kĩ sư giỏi thật, đưa cả thế giới vào chiếc máy nhẹ tênh, nhỏ bằng mấy ngón tay.Nhưng hình như, cũng vì nó mà con người ngày càng xa nhau hơn. Tết ư? Về ông bà làm gì, đi chơi thích hơn, gọi điện hỏi vài câu là được rồi. Đến thăm thầy giáo ấy à? Thôi rét lắm, gọi hỏi vài câu cũng được chứ sao. Có ông đã già khú, khi vào toa-lét lần nào cũng giấu giếm vợ con mang điện thoại vào theo. Hóa ra ông bị táo, phải ngồi trong đó lâu nên nhắn tin cho bồ lúc này thật nhất cử lưỡng tiện. Tính ông vốn thế, làm gì cũng phải đạt được vài ba mục đích Liệu ông có biết cô bồ trẻ của ông đang nằm trong vòng tay một chàng trai lực lưỡng, nhắn cho ông những lời nồng nàn không nhỉ?
Ôi nhân tình thế thái! Tắt máy tính đi ngủ cho đỡ phải nghĩ ngọi, nhức đầu
Nhưng gượm đã. Có một tấm ảnh chụp người đàn bà quê mùa đứng giữa hàng trăm ngôi mộ. Bà ta trông già rồi, cũng phải bảy mươi là ít. Người đâu mà xấu xí, mặt mũi đầy sẹo, tóc tai xơ xác. Không hiểu sao ánh mắt của bà ấy ấm áp quá, mãn nguyện và thanh thản quá. Hình như mình đã gặp bà ấy ở đâu rồi thì phải, không thể nhớ được. Bài báo phía dưới cho biết bà là thương binh nặng, hạng ¼, phải đi bán vé số dạo lấy tiền nuôi bản than và ba đứa cháu mồ côi. Dù kiếm được ít hay nhiều, cuối mỗi ngày bà đều dành một phần bỏ vào con lợn đất. Sau mười năm chắt chiu, bà để ra được hơn bảy chục triệu đồng. Gần đến Ngày thương binh liệt sỹ năm nay, bà cầm toàn bộ số tiền này đến ủy ban xã đề nghị dành để ốp gạch men cho 144 ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sỹ. Nhìn đôi bàn tay teo quắt lại vì thương tật của bà không còn đủ sức vén nổi mấy sợi tóc bết mồ hôi trên trán, mới thấy hết được cái nghĩa, cái tình của người đàn bà khuyết tật đối với các đồng đội đang phải vùi mình mấy chục năm trời dưới đám đất đen kia. Bà muốn những ngôi mộ phải đẹp, phải chắn được mưa, che được nắng, trong khi túp lều của mấy bà cháu vách thủng tứ bề, mái dột tứ tung. Nhìn tấm ảnh bà dang hai cánh tay bị co rút lại vì bom đạn kẻ thù ôm choàng lấy tấm bia trên nóc một ngôi mộ nhỏ, như gà mẹ xòe cánh che cho đàn con, tự nhiên thấy nhẹ bỗng. Hình như, trên mảnh đất này vẫn lẩn khuất đâu đó những tấm lòng mang hình hài con người
Bin-ghết làm từ thiện hàng chục tỷ đô-la, nhưng cái mà vợ chồng con cái ông còn lại là những cung điện nguy nga, với hàng núi tiền đủ để mấy đời ăn không hết. Bao doanh nghiệp, cá nhân mua bức tranh mấy tỷ đồng vì quỹ người nghèo, nhưng có phải tiền của họ đâu, của nhà nước, của nhân dân cả đấy. Khối ông vừa làm từ thiện hôm trước, hôm sau vào tù vì tội lừa đảo. Không hiểu mấy ông quan xã, quan huyện ăn chặn tiền cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, những kẻ bớt xén tiền bồi dưỡng của những người cho máu nhân đạo có dám ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ bán vé số ngày ngày chắt chiu từng giọt máu, từng giọt mồ hôi để cho đồng đội được mồ yên mả đẹp không nhỉ?
Một câu hỏi có lẽ còn lâu lắm mới có câu trả lời!

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Ngực lép không được làm cô giáo


- Số đo vòng ngực của bác Viễn là bao nhiêu vậy, có hoành tráng không?
- Ở tuổi này thịt thà teo tóp hết rồi, có cố gắng tập luyện cũng chẳng nở ra được bao nhiêu. Lắm khi nhìn đám thanh niên bắp tay cuồn cuộn như rễ cây cổ thụ, ngực vồng lên như ngồng cải lại thấy tiếc cho một thời trai trẻ
- Ngực lép thế, nếu là phụ nữ, chắc chắn bác sẽ không được làm cô giáo
- Ngực “mini” hay “khủng” thì liên quan gì đến nghề giáo chứ?
- Ấy vậy mà có đấy. Vừa rồi ở một huyện thuộc tỉnh Phú Thọ, khi xét tuyển giáo viên mầm non, họ đã thẳng cánh loại 12 người với lí do các cô này có “màn hình quá phẳng”, không thể phân biệt được đâu là đằng trước, đâu là đằng sau
- Chắc địa phương đó cho rằng, người ngực lép không đủ sức khỏe để dìu dắt thế hệ trẻ hướng về tương lai đấy thôi
- Bác nói thế mà nghe được à? Như tôi đây này, ngực lép kẹp từ bé đến giờ mà có ốm đau bao giờ đâu
- Bác là đàn ông, không thể so sánh như vậy được. Giờ tự nhiên ngực bác lại vồng lên hai quả “Bưởi” da xanh thì có mà là pê-đê à?
- Tôi thấy khối cô ngực mỏng như cái bánh đa chưa nướng mà vẫn giành huy chương vàng thể thao quốc tế đấy thôi. Hơn nữa, các loại “phụ tùng” bán đầy rẫy ngoài phố muốn độn to bao nhiêu mà chẳng được
- Dạy trẻ mầm non là phải chân thành, trung thực. Trẻ con giờ tinh khôn lắm, lên lớp mà dùng “đồ giả” chúng phát hiện ra thì còn đâu lòng tin vào người lớn nữa
- Nhưng ngực to hay nhỏ thuộc cơ địa từng người, có phải muốn là được đâu. Khối người ngực như quả mít mà đầu óc tối tăm, con cái dặt dẹo, suy dinh dưỡng. Nhiều cô ngực chỉ như quả chà là lại có trí tuệ sáng láng, nuôi con phổng phao, học hành giỏi giang đấy
- Bác chỉ giỏi lí sự. Thử hỏi, nếu được cưới vợ lại, bác chọn cô ngực lép thông minh hay cô ngực bự mà đần độn?
- Cái đấy còn tùy ở… giá sữa. Nếu giá sữa ngoài thị trường quá cao thì hai cái bể chứa sữa của vợ tôi dứt khoát phải to, tiền đâu mà ăn sữa ngoài. Còn nếu sữa bán rẻ thì… cũng đừng nhỏ quá, như hai quả dừa là được rồi
- Đấy, một lão khọm già như bác còn thích ngực “bự” huống hồ đám trẻ. Còn nhớ cách nay mấy năm ngành giao thông đưa ra qui định người ngực lép dưới 72cm không được thi lấy giấy phép lái xe đã bị công luận phê phán kịch liệt, giờ lại lòi ra mấy ông quan huyện tuyển người căn cứ vào số đo vòng một, thật hết chịu nổi. Theo bác, ngực và trí tuệ có liên quan gì đến nhau không?
- Chắc là có, nhưng thường tỷ lệ nghịch, hoành tráng cái này thì sẽ “thiếu vắng” cái khác
- Thế sao họ lại chọn người đồi núi trập trùng làm làm cô nuôi dạy trẻ?
- Thì bác tính, cô dạy hệ mầm non thường phải bế các cháu, chẳng may có trượt tay, trẻ còn có chỗ bám chứ. Gặp phải đứa hay khóc nhè ấy à, cứ lấy “bưởi” đè lên mồm, bố bảo lần sau còn dám khóc nữa
Cận

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

tha hồ hốt bạc

- Việt Nam sắp có hệ thống trường đại học xuất sắc đấy, từ nay bác Viễn hết chê bai giáo dục nước nhà nhé
- Thế thì mừng quá. Trường đó nằm ở đâu vậy?
- Đã thực hiện đâu mà biết, chính phủ mới cho chủ trương thôi
- Ôi dào! Thế mà tôi cứ tưởng… Ở nước mình ấy à, từ ý tưởng đến hiện thực có mà đến mùa quít. Thế nào là trường đại học xuất sắc hả bác?
- Thì tương đương với trường hàng đầu thế giới như Ha-Vớt, Ốc-sờ phớt chứ sao nữa
- Thế thì đáng mừng thật. Rồi giáo dục đại học nước ta sẽ cất cánh, rồi thì kĩ sư, bác sỹ Việt Nam sẽ tung hoành khắp thế giới. Giáo sư Anh, Mỹ không chịu trau dồi kiến thức ấy à, sang Lào, Cam-pu-chia mà xin việc làm nhé. Thế học trường xuất sắc có đắt không bác?
- Tất nhiên rồi, ngoài những “siêu nhân”, thần đồng ra, ai muốn vào đây chắc phải nộp hàng chục nghìn “đô” chứ không ít đâu
- Vậy trường đó mở ra cho con nhà giàu người nước ngoài học à?
- Cho người Việt Nam là chính chứ
- Nếu thế thì chỉ con cái các vị “siêu” giàu mới vào học được, con cái nông dân thì sao?
- Muốn cháu chắt vào học trường này thì từ đời ông cố nội đã phải ăn dè, hà tiện rồi. Có thóc, có thịt thì bán đi gửi tiết kiệm, khoảng hơn trăm năm là đủ tiền học cho một đứa
- Nếu vậy thì loại trường xuất sắc này khó mà thu hút được người học. Người giỏi, người tài, người giàu có họ du học những nước phát triển, hơi đâu lấy cái bằng trong nước cho phí tiền. Còn tầng lớp trung lưu và người nghèo thì lấy tiền đâu trả, không lẽ mang khoai sắn nộp thay cho học phí à?
- Người Việt mình giỏi xoay xở, rồi đâu sẽ vào đấy tất
- Vậy ai sẽ dạy cho loại trường này?
- Thì các giáo sư, tiến sỹ đã từng giật giải Nô-ben, những nhà kinh tế hàng đầu, những nhà chính trị, ngoại giao nổi tiếng thế giới chứ ai vào đây nữa
- Thù lao cho đám người này được cân bằng vàng, bằng “đô”, lấy đâu ra trả?
- Thì trả lương cho họ bằng các món đặc sản. Chẳng hạn, giáo sư nào thích mắm tôm thì trả bằng mắm tôm, thích sầu riêng thì trả bằng sầu riêng, có thế mà cũng phải hỏi
- Thế các giáo sư, tiến sỹ trong nước làm gì?
- Thì soạn giáo trình cho mấy giáo sư nước ngoài giảng.
- Giáo trình bậc học phổ thông còn đang phơi bày biết bao bất cập, soạn giáo trình cho các giáo sư nước ngoài đọc, họ cười cho thối mũi
- Bác chẳng biết gì cả. Nếu dự án soạn mới sách giáo khoa trị giá bảy mươi ngàn tỷ đồng được thông qua, thế giới sẽ phải đổ xô sang Việt Nam mua giáo trình. Lúc đấy tha hồ mà hốt bạc. Rồi thì chúng ta sẽ xuất khẩu chất xám, rồi nhập khẩu kĩ sư bác sỹ về làm “Ôsin” tại gia, rồi thì…
- Thôi đi! Từ ngày thống nhất đất nước đến giờ, phấn đấu mãi mà đã có trường nào lọt tốp 200 châu Á đâu. Chỉ mong có được một trường đạt mức trung bình của thế giới là mừng lắm rồi. Hão huyền
Cận

khắc khoải ngàn thu

- Bác Viễn này, thằng cháu nội tôi đã bảy năm học mẫu giáo rồi đấy
- Cái bản mặt lúc nào trông cũng “thẫn thộn”của bác làm sao sản sinh được đám con cháu thông minh kia chứ. Cháu nó bị “đao” từ nhỏ à?
- Đâu có, cháu rất bình thường, thậm chí còn khá thông minh nữa kia
- Vậy sao bác lại để cháu học mẫu giáo lâu vậy?
- Đành phải vậy thôi, cháu nó không thể thi được vào lớp một bác ạ
- Sao thế?
- Bác cứ lên mạng sẽ rõ. Ai đời, đề thi vào lớp một mà khối anh thạc sỹ, tiến sỹ chưa chắc đã làm được
- Bác cứ đùa, các cháu đã được đi học đâu mà bắt thi cử?
- Vậy mà để có được một xuất vào lớp một các cháu phải giải được mấy đề thi trắc nghiệm. Có đề tôi phải thức trắng đêm vắt óc mà vẫn không giải được
- Ồ, khó thế thì làm sao những đứa trẻ nhìn thấy con gà còn nhầm với con bò, gọi cái ao là biển Sầm Sơn lại có thể giải được? Hay là họ cố tình đánh trượt?
- Có lẽ thế, nhưng cũng phải thông cảm thôi, các mối quan hệ ở đâu chẳng có. Điện thoại của “sếp” trên phòng, trên sở ư, của kho bạc, ngân hàng ư, phải sắp xếp khẩn trương, nếu không thì liệu hồn. Trường càng nổi tiếng, đề càng khó, số tiền các phụ huynh dùng để “chạy” càng cao
- Thì cũng phải để các thày cô đồng lương vốn eo hẹp kiếm chác chút đỉnh chứ. “Có thực mới vực được đạo” mà. Bác cũng nên làm cái phong bì lo cho đứa cháu, vài nghìn “đô” chứ mấy
- Ối giời, tôi có sáu đứa cháu cả thảy, lo được hết cho chúng nó thì bán nhà đi à?
- Ai bảo đẻ cho lắm vào, còn kêu ca nỗi gì. Sao không cho chúng vào học đúng tuyến, có phải chạy chọt gì đâu
- Mấy cái trường làng đó học chỉ tổ ngu thêm chứ ích gì. Bác tính, với cương vị tổ trưởng bảo vệ cơ quan như tôi, con cháu phải học trường “xịn” mới xứng tầm chứ
- Mới có cái chức “còi” mà đã thế, không hiểu bác mà làm giám đốc công ty thì sẽ thế nào. Giả sử cháu bác có “chạy” được vào trường điểm, trường chuyên, liệu nó có theo kịp bạn bè không?
- Cái đó tính sau. Nếu không học được, thì chịu khó xách cặp cho mấy đứa học giỏi, sáng nào cũng mua xúc xích cho cái đám “siêu nhân” ăn, khi thi chúng sẽ cho “quay” bài, lo gì
- Bây giờ tôi mới hiểu người đời đã đặt nhầm tên cho Hòn Vọng Phu, phải gọi là Hòn Vọng Chữ mới đúng. Cái lối tư duy của nhũng người như bác cộng với sự quản lí yếu kém hiện nay, giáo dục Việt Nam còn khắc khoải ngàn thu, ngán cho cái sự đời
- Cận

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Liệu cơm gắp mắm


- Báo để bác Viễn mừng nhé, chỉ ít năm nữa thôi là người Mỹ phải đưa con em họ sang Việt Nam du học ngay từ lớp mẫu giáo đấy!
- Thật vậy sao, thế thì đáng mừng quá. Lâu nay ta cứ phải cử con em sang đó học, rất tốn kém, mà có mấy đứa chịu về nước làm việc đâu. Bác nghe thông tin đó ở đâu ra vậy?
- Thì báo, đài mấy bữa nay loan tin bộ Học đang đề xuất chính phủ chi bảy mươi ngàn tỷ đồng để thay mới hoàn toàn sách giáo khoa mà. Phen này trí tuệ Việt sẽ thay máu hoàn toàn. Rồi thì “Ngô Bảo Châu” sẽ nhan nhản khắp nơi, cứ vào quán phở là gặp, muốn làm thợ sửa xe máy ấy à, phải đoạt giải Nô-ben mới xin được việc nhé…
- Bảy mươi ngàn tỷ đồng mà qui ra phở thì được bao nhiêu bát hả bác?
- Trí tuệ một anh bảo vệ như tôi không làm được phép tính lớn thế đâu, qui đổi ra cái khác cho dễ hình dung đi.
- Vậy được bao nhiêu căn hộ cho người thu nhập thấp?
- Sẽ được một trăm bốn mươi ngàn căn.
- Trời! vậy qui ra trường học thì thế nào?
- Đủ để xây hai nghìn ngôi trường hiện đại, mỗi ngôi trị giá ba mươi lăm tỷ đồng.
- Trời! vậy dùng để tăng lương cho giáo viên thì được bao lâu?
- Nếu mỗi giáo viên được tăng một triệu đồng một tháng thì được gần mười năm
- Trời! Vậy sao không dùng số tiền đó để cải thiện đời sống giáo viên, nâng cấp, xây mới trường học cho bà con vùng sâu vùng xa, thay mới sách giáo khoa làm gì, sách cũ có vấn đề à?
- Chắc vậy nên người ta mới đề xuất thay thế chứ!
- Tôi cũng biết nhiều cuốn sách giáo khoa của chúng ta giờ không còn phù hợp với thời đại mới nữa, nhưng cũng có cuốn chỉ cần điều chỉnh lại hoặc giảm tải một số nội dung là sẽ sử dụng tốt, việc gì phải thay cho tốn kém.
- Tôi lại nghĩ phải thay tuốt tuồn tuột, cái quần cũ bị rách thì phải mua quần mới, chớ có vá víu làm gì, hàng xóm láng giềng họ cười cho.
- Nhưng cũng phải liệu cơm gắp mắm chứ. Cái gì cũ cũng bỏ đi cả là không tốt cho tương lai đâu. Thế sách giáo khoa mới sẽ thuê Mỹ, Anh hay Pháp viết hộ?
- Do đội ngũ giáo sư, chuyên gia trong nước viết thôi.
- Ôi! Thế ra “Bổn cũ soạn lại à”? Nói bác bỏ quá cho, tôi bây giờ mất lòng tin vào đội ngũ giáo sư trong nước lắm, nhất là sau mấy vụ đạo văn vừa rồi.
- Cũng tùy người thôi bác ạ, phải có lòng tin vào các cây đa cây đề chứ!
- Đội ngũ trí thức của mình nhiều người tài, nhưng có mấy khi họ được đưa vào ban soạn thảo sách giáo khoa đâu, chỉ rặt những kẻ thèm tiền thôi.
- Bác khờ khạo quá, nếu giao cho người giỏi soạn sách giáo khoa thì làm sao chỉ ra được lỗi, để mà có cớ xin tiền làm lại.
- Ừ nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra đấy!
Cận

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Ngượng chết đi được


- Người xinh cái dáng cũng xinh/người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn. Đố bác Viễn cái Tỉnh tình tinh là cái gì?
- Gớm quá, sáng ra đã rửng mỡ, là cái “ấy” chứ còn cái gì nữa, chỉ được cái bậy bạ là giỏi
- Theo bác, cái Tỉnh tình tinh có giá trị lắm không mà nhiều người khoái thế?
- Tất nhiên rồi. Cả ngôi nhà cũng chỉ trăm cây vàng, vậy mà cái Tỉnh tình tinh được ví là cái ngàn vàng kia đấy
- Thảo nào mà khối ông sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiệp, danh dự, gia đình chỉ vì cái Tỉnh tình tinh. Mà sao dạo này phát hiện nhiều vụ đồi bại thế bác nhỉ, hết thầy giáo gạ tình lấy điểm lại đến ông hiệu trưởng mua dâm học trò, có vị quyền cao chức trọng đứng đầu một tỉnh cũng phải khăn gói ra đi sau mấy đêm “hoang dã” với các cháu tuổi vị thành niên…
- Chẳng cứ nước mình, khối ông tai to mặt lớn tầm cỡ thế giới cũng lăn đùng ngã ngửa vì cái Tỉnh tình tinh đấy
- Thật dại dột quá, chết ngoài sa trường còn đáng, chứ chết bởi cái thứ trông cũng chẳng lấy gì làm “nhã nhặn” lắm thật uổng quá
- Thôi đi, chẳng qua là bác già rồi, không còn sức mà “cày sâu cuốc bẫm” nên mới nói thế, chứ hồi còn trẻ bác khác gì con ngựa hoang, đến cỏ dại còn gặm lấy gặm để nữa là
- Bác chỉ được cái nhớ dai. Trước đây, đúng là tôi có “hư” thật, nhưng đấy là do chị em tự nguyện dâng hiến đấy chứ, đâu có mua bán trao đổi như bây giờ
- Mới chỉ làm đội trưởng đội bảo vệ cơ quan mà bác đã bị các cô xúm xít vây quanh, thử hỏi làm to hơn nữa sẽ thế nào, khó mà thoát khỏi bẫy tình lắm
- Làm quan thật sướng bác nhỉ, mỡ cứ tự chui vào miệng mèo, ước gì…
- Cũng chẳng như bác nghĩ đâu. Khi còn quyền cao chức trọng, muốn bao nhiêu cái tỉnh tình tinh cũng có người cung phụng, nhưng đến lúc cần, chính cái đám “đưa người cửa trước, rước người cửa sau” đó lại cung cấp bằng chứng cho dư luận
- Kinh thế kia à, đã ăn vụng thì phải kín đáo, khôn khéo chứ
- Không ai nói hay cả ngày được đâu, nằm cạnh vài ba đóa hoa tuổi trăng rằm, ngào ngạt như múi mít đầu mùa, ai còn giữ được bình tĩnh chứ. Xong việc một cái là thẳng cẳng như thằng chết trôi, ai muốn quay phim chụp ảnh mà chẳng được. Khi cần tống tình, tống tình, hay hạ bệ ai đó, chỉ việc “tương” lên internet, thế là xong một đời dại khờ
- Ôi! Nếu bị đưa lên mạng thì cả thế giới sẽ “chiêm ngưỡng” thằng “em” bé bỏng à?
- Không chỉ có thế, mọi người sẽ bàn tán, chê bai, dè bỉu nữa chứ
- Tiếc quá, hồi trẻ, khi còn “hùng vĩ” chẳng có internet để quảng bá “thương hiệu”, giờ “hàng họ” đã quá “đát” còn bị quay lén, chụp trộm đưa ra cho thiên hạ bình phẩm, ngượng chết đi được
Cận

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Nặng lòng với bạn đọc bình dân


Có thể nói, từ đầu những năm 30 đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945 là giai đoạn cực thịnh của văn học, báo chí Việt Nam. Đây thực sự là thời kì” trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, đã sản sinh ra nhiều thế hệ nhà văn, nhà báo nổi tiếng, được lịch sử và xã hội ghi nhận
Đôi lời nhắn nhủ bạn làng Nho
Khởi đầu cho các trào lưu văn học lớn ở Việt Nam là hai khu vực báo chí lớn của cả nước: Sài Gòn và Hà Nội. Ở Sài Gòn, trong mảng báo chí- văn học đáng kể nhất là tờ báo Phụ nữ tân văn (Số 1 ra ngày 2-5-1929, do bà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm, Đào Trinh Nhất làm chủ bút, ra vào ngày thứ Năm hàng tuần, đóng cửa vào năm 1934). Tờ báo đã qui tụ được nhiều tên tuổi lớn như Phan Khôi, nữ sĩ Manh Manh (Cao Thị Kiêm), Hồ Văn Hảo, Trịnh Đình Thảo, Bùi Thế Mỹ, Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình, Thiếu Sơn, Vân Đài… Có thể nói, đây là nơi khởi nguồn cho dòng thơ Mới nói riêng, góp phần gây dựng và thúc đẩy sự phát triển văn học hiện đại nói chung.
Cùng thời kì với Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, tại Hà Nội, từ đầu thập niên 30 của thế kỉ trước, nhóm Tự lực văn đoàn ngay khi vừa ra đời đã để lại những dấu ấn đặc biệt đối với xã hội. Những tác phẩm văn học của Nhất linh Nguyễn Tường Tam, của Khái Hưng Trần Khánh Giư…. đăng dài kì trên các báo Phong Hóa, Ngày Nay đã nhanh chóng chiếm lĩnh văn đàn, được bạn đọc, nhất là tầng lớp thị dân, tiểu tư sản hết sức yêu thích. Tờ Phong Hóa rất ủng hộ phong trào thơ Mới trong Nam, đã cho đăng hàng loạt bài tranh luận về thơ Mới và thơ Cũ đặt cạnh những tác phẩm của Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên, Nguyễn Văn Kiện, Đỗ Đức Vượng… Nội dung các bài viết tập trung công kích thơ Đường luật, hô hào bỏ niêm, luật, biền ngẫu, phê phán lối hành văn tầm chương trích cú, sáo ngữ… Trên Hà Nội báo ra ngày 8-4-1936 Lưu Trọng Lư có viết:
Đôi lời nhắn nhủ bạn làng Nho
Thơ thẩn, thẩn thơ, khéo thẫn thờ
Nắn nót miễn sao nên bốn vế
Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ
Để bảo vệ các phương thức sáng tác truyền thống, các nhà thơ theo Hán học như Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), Huỳnh Thúc Kháng cũng có phản ứng nhưng rất yếu ớt. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là, cả hai nhóm Phụ nữ tân văn và Tự lực văn đoàn đả phá hết sức mạnh mẽ sự gò bó của lối sáng tác cũ, nhưng họ cũng quá đề cao phương diện nghệ thuật, chuộng hình thức, ít có sự cải cách lớn về nội dung. Các lề lối sáng tác mà họ hô hào áp dụng ở Việt Nam cũng ít có sự sáng tạo, không hoàn toàn phù hợp với bản sắc và thuần phong mĩ tục nước ta, chủ yếu theo lối sáng tác phương Tây, chỉ đáp ứng nhu cầu của giới trí thức, tầng lớp trên. Để giữ chân đọc giả, họ thường sử dụng hình thức dài kì, đăng tải dạng tiểu thuyết diễm tình, kể về các mối tình bi ai, tay ba, tay tư của tầng lớp thanh niên thành thị. Để có được một bộ sách trọn vẹn, bạn đọc phải trả số tiền tương đương, thậm chí cao hơn nhiều so với một cuốn sách in thông thường, trong khi chất lượng lưu giữ lại thấp, chữ in nhòe, mờ, phải chờ đợi hàng năm trời mới có được một cuốn sách trọn vẹn. Khuôn khổ tờ báo có hạn cũng hạn chế sự bay bổng của người viết. Vì là văn chương in trên báo, nên các tác giả nhiều khi phải viết các nội dung văn học bằng ngôn ngữ báo chí, tạo nên sự “Đặc thù” rất Việt Nam.
Trong bối cảnh chung đó, ông Vũ Đình Long ( chủ nhà in Tân Dân) thành lập tờ Tiểu thuyết thứ bảy (1934). Thời gian đầu, có lẽ do bước vào lĩnh vực quá mới mẻ, nên ông Vũ Đình Long hầu như chưa tìm được một lối đi riêng. Chức năng, nhiệm vụ xã hội, nội dung, hình thức của tờ báo này không khác nhiều so với hai tờ báo trên, cũng chủ yếu đăng những sáng tác mới bằng hình thức dài kì, cũng bàn luận các vấn đề văn chương thời thượng, cũng ủng hộ sự cách tân, phê phán những lề thói sáng tác cũ. Tiểu thuyết thứ Bảy, mặc dù cũng thu hút được nhiều nhà văn, nhà báo trẻ, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với Tự lực văn đoàn do chưa gây dụng được những đặc sắc riêng. Đây chính là lí do khiến ông Vũ Đình Long cho ra đời tờ Phổ thông bán nguyệt san và sau này ra tờ Tao đàn với những cách thức hoàn toàn khác với thông lệ. Cả ba tờ báo này được người đọc gộp chung vào một cái tên: Nhóm Tân Dân
Cũng như nhiều tờ báo thời bấy giờ, Phổ thông bán nguyệt san (số 1 ra ngày 1-12-1936) và Tao đàn (số 1 ra ngày 1-3-1939) ngay từ khi ra đời đã xác định: “Không làm chính trị, phục vụ văn hóa, giúp ích đại chúng bằng cách vừa mua vui cho họ, vừa mở mang trí tuệ, in rõ ràng và đẹp để đọc không mệt mắt, và bán bằng một cái giá hạ nhất để cho các bạn đồng nghiệp không theo kịp, mà cũng là để cho bất cứ đọc giả nào cũng có thể bỏ tiền ra mua”- Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, NXB Văn hóa thông tin. Mục tiêu của cả hai tờ báo nhằm “ gây ngay một phong trào quốc văn mạnh mẽ và rộng lớn từ trước đến nay”
Dưới một mái nhà chung
Nhóm Tân Dân được hình thành và bộc lộ hết những nét đặc sắc của mình chủ yếu trong giai đoạn 1936-1939, thời kì Vận động dân chủ. Đây là lúc, Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội Pháp liên minh với nhau thành lập Mặt trận nhân dân. Mặt trận đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 5-1936. Chính phủ mới đã công bố chương trình hành động có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với nguyện vọng dân chủ của nhân dân Pháp và người dân các xứ thuộc địa của Pháp, trong đó có Việt Nam. Lúc này, hệ thống báo chí cách mạng, đặc biệt là hệ thống báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động rất mạnh, chi phối mọi mặt đời sống xã hội nước ta. Báo chí đã khuấy động hiệu quả các phong trào Dân nguyện trong dịp đón Gô-Đa, kêu gọi tổ chức Đông dương đại hội, vận động người dân bầu cho người của Đảng tham gia vào các viện Dân biểu… Hòa trong không khí chung đó, nhiều tờ báo của cá nhân cũng rầm rộ ra mắt. Tờ thì phụ họa với các chủ trương của báo chí cách mạng, tờ thì thuần túy đề cập tới các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhằm nâng cao dân trí, nhận thức của người dân. Phổ thông bán nguyệt san là một trong những tờ báo như vậy.
Để khắc phục hạn chế của một số tờ báo trước đó, ông Vũ Đình Long chủ trương, mỗi kì, Phổ thông bán nguyệt san sẽ đăng trọn vẹn một cuốn tiểu thuyết, dung lượng không quá 200 trang. “Cái giá hạ nhất” mà Vũ Bằng nói ở trên là 25 xu cho một số Phổ thông bán nguyệt san (Trong khi một cuốn tiểu thuyết diễm tình thời bấy giờ có giá từ 3-5 hào). Mỗi kì Phổ thông bán nguyệt san in 2000 bản, riêng đối với tiểu thuyết của Lê Văn Trương thì in 3000 bản. Mỗi trang bản thảo tác giả sẽ được nhận 8 hào (sau năm 1939 tăng lên 1,2 đồng/trang), đồng thời báo cũng có qui định, mỗi trang bản thảo phải đủ 32 dòng, mỗi dòng 14 chữ. Để các sản phẩm của mình được phổ cập rộng rãi, nhà in Tân Dân có chế độ rất cao cho các cơ sở bán lẻ: “Đại lý cho sách báo Tân Dân đặt khắp Đông Dương. Hoa hồng cao từ 8-10%. Suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Nam Vang, Vientiane… đại lý phần nhiều sòng phẳng (Hà Nội cũ nằm đây- Tạp chí Văn học số 5-1989, Lê Kim Vinh ghi lại lời kể của nhà văn Ngọc Giao).
Trong quá trình hoạt động của mình, riêng ở Hà Nội, nhà in Tân Dân phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối thủ như Nhà in Viễn đông, Nhà in L.Schneider, Nhà in Taupin, Nhà in Mingsang, Đông kinh, Nhà in Ngô Tử Hạ, Nghiêm Hàm ấn quán, Nhà in Mạc Đình Tư, Nhà in Văn Hồng Thịnh, Nhà in Trung Bắc tân văn… Để cạnh tranh hiệu quả, ông Vũ Đình Long chủ trương, không chỉ thay đổi về mặt nội dung, hình thức của tờ báo cũng cần được cải tiến, sao cho thật bắt mắt, thu hút được độc giả. Có thể nói, ông là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam sử dụng máy in Minerve hiện đại nhất thời bấy giờ: “Một phút nhả ra năm chục tờ giấy in khổ báo, tự nó gấp rất ngon lành”- Theo Ngọc Giao, bài đã dẫn. Chính nhờ sự đầu tư táo bạo này mà các sản phẩm chính của Tân Dân được in đẹp hơn hẳn những ấn phẩm đương thời, được bán với giá hạ nhất có thể. Cung cách làm ăn này đã khiến Tân Dân nhanh chóng trở nên hùng mạnh, ngày càng bỏ xa các đối thủ. Để giữ uy tín, cũng như giữ chân các văn nhân kí giả: “Ông Vũ Đình Long có một điểm đáng ghi mà ít có nhà xuất bản nào thời đó cũng như bây giờ hơn được: Tiền thu lao gửi các nhà văn, nhà báo vào cuối tháng không bao giờ trục trặc. Đúng ngày 27 hay 28 mỗi tháng ông đã để sẵn một loạt phong bì đề tên từng người. Anh em nào đến, bắt tay, uống chén nước xong là có bao thư trao liền, đúng răm rắp, không bao giờ suy suyển. Về điểm này, đã có lần ông nói với tôi rất thật thà: Ai cũng có gia đình và phải tiêu đúng ngày. Lắm khi tôi cũng thiếu, nhưng thiếu thì tôi đi vay nợ để đưa cho đúng ngày, chớ để lỡ, anh em buồn lắm”- Vũ Bằng- Sách đã dẫn
Ngoài Phổ thông bán nguyệt san (lớp cũ) đăng tiểu thuyết ra vào ngày 16 hàng tháng, từ 1-7-1943, nhóm Tân Dân cho ra thêm loại Phổ thông chuyên san (Cũng ra hàng tháng), mỗi tập đề cập tới một lĩnh vực khoa học xã hội như Văn học, Sử học, Triết học. Những bài viết trên Phổ thông chuyên san chủ yếu mang tính khảo cứu, mục đích là phổ cập nhận thức, gây dựng cho tủ sách của tầng lớp trí thức. Số trang mỗi tập không nhất định, tùy thuộc vào từng vấn đề. Giá bán cũng rất linh hoạt, tăng giảm tùy số, phụ thuộc vào số trang và chất lượng bài vở. Phổ thông chuyên san được in trên giấy dó-pha, rất bền, có thể lưu giữ được hàng trăm năm
Bộ máy nhân sự của Phổ thông bán nguyệt san khá qui củ, gọn nhẹ, hiệu quả cao, có sự phân nhiệm rõ ràng. Tòa soạn đặt tại 93 phố Hàng Bông. Ngoài chủ báo là ông Vũ Đình Long, chân Thư kí tòa soạn được giao cho Vũ Bằng, Trúc Khê phụ trách phần khảo cứu, sưu tầm và thơ, Ngọc Giao sửa mo-rát, Nguyễn Khánh Đàm phụ trách trị sự, Trần Kim Dần phụ trách nhà in. Do cung cách quản lí hiện đại, sòng phẳng, có trước có sau, tôn trọng tầng lớp văn nhân kí giả nên nhà in Tân Dân thu hút được rất đông nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu nổi tiếng thời bấy giờ như: đại diện cho nhóm cựu học có Mai Đăng Đệ, Phan Kế Bính, Doãn Kế Thiện, Nhượng Tống, Nguyễn Can Mộng, Phan Khôi, Tản Đà…, đại diện cho nhóm tân học là Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, TchyA (Đái Đức Tuấn), Phùng Tất Đắc, Lê Văn Trương, Lưu Trọng Lư, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân…
Theo thống kê chưa đầy đủ, Phổ thông bán nguyệt san phát hành được 156 số (12/1936-4/1945). Ấn phẩm trên Phổ thông bán nguyệt san chủ yếu là “sách lịch sử, diễm tình, phần lớn li kì, rùng rợn, độc giả trẻ nam nữ rất thích”- Ngọc Giao, bài đã dẫn. Tác giả được đăng nhiều nhất là nhà văn Lê Văn Trương với 22 tác phẩm đăng trên 35 số báo. Do công tác lưu trữ yếu kém, hiện vẫn còn một số tác phẩm vẫn chưa xác định được in trong số báo nào.
Bên cạnh nhóm Tự lực Văn đoàn, nhóm Tân Dân nói chung, tờ Phổ thông bán nguyệt san nói riêng trở thành diễn đàn để văn nhân, kí giả thời đó đăng tải những đứa con tinh thần của mình, là nơi để họ giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Đây chính là cơ sở hình thành nên các văn nhóm sau này. Không chỉ vậy, Phổ thông bán nguyệt san còn là nơi phát hiện, nuôi dưỡng nhân tài. Trong Bốn mươi năm nói láo, nhà văn Vũ Bằng kể: “Anh em viết văn lúc đó hầu hết đều tiếp xúc với tôi, cho nên ngoài cái lợi được học hỏi thêm về văn hóa, văn chương ngoại quốc, ngoài cái lợi rút kinh nghiệm và trau dồi nghề nghiệp, tôi lại còn được biết rõ hơn về tài đức, tư tưởng, sở trường, sở đoản của từng anh em văn nghệ”. Sau này, trong các hồi kí, ghi chép của nhiều người như Lý Văn Sâm, Tô Hoài…đều bày tỏ sự hàm ơn đối với ông Vũ Đình Long, Vũ Bằng, những người phát hiện, động viên, tạo điều kiện cho nhân tài nảy nở, cống hiến những tác phẩm xuất sắc cho xã hội
Góp một tiếng nói riêng
Có thể nói, Tự lực Văn Đoàn đã taọ dựng nên cực Lãng mạn chủ nghĩa, thì Tân Dân góp phần tạo ra cực Hiện thực chủ nghĩa, như nhạc sĩ Phạm Duy từng viết: “Nền văn học Việt Nam cận đại thường đi qua ngả báo chí trước khi xuất hiện bằng ấn phẩm. Hoặc nó mang tính chất canh cải phong hóa và thẩm quan của nhóm Tự lực văn đoàn. Hoặc đó là thứ văn học xã hội của nhóm Tân Dân”- Hồi kí Phạm Duy, chương 3. Tuy phải cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng có thể nói, đối thủ nặng kí nhất của Tân Dân là Tự lực Văn đoàn. Đây không chỉ là cuộc đua quảng bá văn học nghệ thuật, còn là cuộc đua giành đọc giả, giành lợi nhuận. Để chiến thắng cả hai bên đua nhau đầu tư phương tiện in ấn, nâng cao kĩ thuật trình bày, chú trọng quảng cáo, hạ giá sản phẩm, lôi kéo người nổi tiếng… Để không bị Tân Dân và Tự lực văn đoàn bỏ quá xa, các báo khác cũng phải cố gắng tham gia vào guồng quay đó, nhiều tờ không theo kịp, bị mất đọc giả dẫn đến phá sản. Chính thực tế này đã thúc đẩy báo chí phát triển rất nhanh, tạo không khí sôi nổi chưa từng thấy trên văn đàn. Đây cũng là lí do khiến các nhóm văn nhân kí giả ngày càng xa nhau, thậm chí coi nhau như thù nghịch, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Về vấn đề này, tác giả Ngọc Giao kể: “Hàng tuần, tờ Phong hóa rồi tiếp đến Ngày nay, cơ quan ngôn luận của nhóm Nhất Linh thẳng tay lôi Vũ Đình Long lên mặt báo, sử dụng tranh trào phúng, thơ văn hài hước, gọi nhà xuất bản Tân Dân 93 Hàng Bông là động Tân Dân, Vũ Đình Long là tiên ông phun kiếm ra tiền. .. Vũ tiên ông khoái chí, coi đó là địch thủ Tự lực văn đoàn đang quảng cáo không công cho Vũ tiên ông. Nhóm Nhất linh cũng biết vậy, nhưng vẫn phải lấy việc tiên ông phun kiếm ra tiền để làm đề tài mua vui độc giả, vì cười đùa mãi với Xã Sệ, với Lý toét cũng làm người đọc chán”
Nếu như Tự lực văn đoàn là một tổ chức văn chương tự nguyện có tuyên ngôn, tôn chỉ, mục đích, thì Tân Dân lại có cơ cấu hết sức lỏng lẻo, trọng sự hồn nhiên. Tất cả xoay quanh cái trục Vũ Đình Long, tác giả vở kịch 3 hồi Chén thuốc độc lừng danh thuở trước (1921). Những người tham gia nhóm Tân Dân không chịu sự ràng buộc nào cả, hôm nay thích thì ở, mai không thích thì đi, tự do tuyệt đối. Sự công kích lẫn nhau giữa hai nhóm diễn ra khá lâu, khởi đầu từ giữa thập niên 1930, Tự lực văn đoàn “kết án” nhà văn Nguyễn Công Hoan đạo văn khi viết tác phẩm Cô giáo Minh. Để phản pháo, trong bài Từ Cô giáo Minh đến Đoạn tuyệt (số 92) Nguyễn Công Hoan kết án Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) là người gian ngoa, “không biết mình và không biết người”, hay trong bài Lối trích văn của Phong hóa, số 97, Nguyễn Công Hoan lại chỉ ra lối trích văn xuyên tạc của Phong hóa nhằm hạ uy thế đồng nghiệp…
Một trong những điểm yếu của nhóm Tân Dân (mà Tự lực văn đoàn khoét sâu công kích) là thường xuyên đăng tải các loại truyện rẻ tiền, câu khách, tất cả vì lợi nhuận. Tự lực văn đoàn coi văn chương của Tân Dân là thứ rẻ tiền, thiếu tính nghệ thuật, chỉ phù hợp với tầng lớp bình dân, ít học. Đây chính là nguyên nhân khiến ông chủ Vũ Đình Long cho ra đời tạp chí Tao Đàn (1/3/1939), một sản phẩm văn chương cao cấp, được coi như là một trong những tạp chí chuyên nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam.
Nhắc đến Tân Dân là nhắc đến những trí thức nặng lòng với đất nước. Trong Hồi kí của mình Vũ Bằng kể: “Trần Huyền Trân, Tô Hoài, Nam Cao dường như cũng bí mật hoạt động cho kháng chiến với Thâm Tâm, cùng một lúc với Lý Văn Sâm chiến đấu ở trong Nam… Đa số anh em văn nghệ trong nhóm Tân Dân xếp bút nghiên theo kháng chiến. Thực ra không phải đến lúc đó (năm 1945) anh em mới theo kháng chiến, ngay từ hồi Nhật tới, Pétain lên cầm quyền ở Pháp thì nhiều anh em trong nhóm đã bí mật hoạt động rồi, nhưng vẫn viết bài thường trực. Phải chờ đến lúc Pháp tiến vào thủ đô, dân ta tiêu thổ kháng chiến, lúc ấy anh em mới ra bưng thật sự”. Và chính những con người này, khi kháng chiến thành công, người bỏ xác nơi chiến địa, người còn sông trở về tiếp tục phát huy trí sáng tạo, gây dựng nên một nền văn học, báo chí cách mạng hùng mạnh ngày nay