Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Hối không kịp


-       Học sinh bây giờ tệ quá, hầu như đứa nào cũng ghét học môn sử bác ạ.
-       Một vài đứa lười học thì còn nói thế được, đằng này, chỉ có mấy phần trăm học sinh đăng kí môn này trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa rồi thì chắc chắn lỗi không thuộc về các cháu.
-       Nhìn cảnh cả phòng thi có một học sinh dự thi môn sử tôi thấy cám cảnh quá. Vậy theo bác lỗi do đâu?
-       Vừa rồi, có cuộc điều tra nhỏ về môn học này. Khi được hỏi Quang Trung- Nguyễn Huệ là ai, rất nhiều cháu trả lời: đây là tên hai người, họ là anh em. Có đứa còn bảo Nguyễn Du là anh ruột Nguyễn Huệ… Qua đó tôi có thể khẳng định, đây là lỗi hệ thống của cả ngành giáo dục.
-       Tôi cũng có cảm giác như vậy. Sở dĩ ngày xưa học sử rất thích, thầy chỉ dạy ý, còn đâu là những chuyện bên lề, khiến người học rất say mê.
-       Để biết được những chuyện bên lề, thầy phải dành cả đời sôi kinh nấu sử, thầy cô bây giờ ai còn làm thế.
-       Không đọc tài liệu, sách vở thì họ làm gì?
-       Họ còn bận dạy thêm, bận làm việc khác để có tiền thuê nhà, mua xe, sắm giày dép, quần áo, cứ đọc cho trò chép trong sách giáo khoa cho yên tâm, sáng tạo quá có khi rách việc.
-       Dư luận kêu ca nhiều về sách giáo khoa môn sử, sao mãi chẳng thấy thay đổi gì nhỉ?
-       Vẫn những con người đó, tư duy đó thì có viết lại sách cũng thế thôi, chỉ tốn tiền thuế của dân. Nếu không cải cách mạnh mẽ về mặt con người, chỉ ít năm nữa thôi, sử Việt sẽ biến mất trong đầu óc lớp trẻ. Đến lúc đó hối cũng không kịp.

Cận

Kền kền ăn xác thối

            
-       Cả tuần vừa rồi tôi mất ăn mất ngủ về vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước bác ạ. Nửa đêm tỉnh giấc là phải mở Ipad xem có tin tức mới không.
-       Chẳng cứ gì bác. Quán nước chè của tôi mấy bữa nay đông khách hẳn. Ai cũng bàn luận rôm rả chuyện này, cứ như mình là người trong cuộc vậy.
-       Thì bác tính lâu lâu mới có một vụ như thế ai chẳng “háo hức”.
-       Chính vì những người thích chuyện giật gân như bác mà những ngày này trên mạng xã hội, trên báo chí xuất hiện cơ man bài vở giật tít đùng đùng. Ai cũng phán như thánh sống vậy.
-       Họ làm thế mới câu được view mới bán được báo chứ.
-       Vấn đề là họ đã vô tình gây nhiễu loạn xã hội, ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
-       Thỉnh thoảng cũng phải có cú giật gân thế mới đỡ “buồn” chứ.
-       Biến nỗi đau của người khác thành niềm vui cho mình, bác cũng như con kền kền ăn xác thối thôi. Chẳng lẽ bác không thấy, nội dung các bài viết này hầu hết không đúng với kết luận của cơ quan điều tra sao?
-       Bạn bè với nhau sao bác nặng lời thế. Vậy những bài viết không đúng sự thật, bới móc đời tư cá nhân đó có xử lí được không bác?
-       Có thể phạt những báo đăng bài có nội dung bịa đặt, phạt cảnh cáo những người hay tung tin đồn nhảm như bác.
-       Khe khẽ cái mồm thôi bác. Từ nay tôi hứa sẽ không lê la chuyện trò như thế nữa, được chưa.

Cận

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Thưởng phạt phải công bằng

            
-          Dự báo thời tiết trên TV cho biết nắng to trong vài ngày liền bác ôm theo áo mưa làm gì vậy?
-          Cầm theo cho chắc ăn. Hôm nọ, dự báo nắng mà mưa giông sầm sập, tôi bị cảm lạnh mất mấy ngày đấy.
-          Sao dự báo thời tiết của mình kém thế nhỉ, dân kêu nhiều mà vẫn không cải thiện được?
-          Tính nết ông trời ai mà đoán được. Mình là nước lạc hậu, được vậy là tốt rồi.
-          Bác nói thế không được. Tôi nhớ có lần dự báo cơn bão đi lên hướng Bắc, bất ngờ bão ngoặt sang hướng tây, bao nhiêu người chết, của cải thiệt hại không biết đâu mà kể. Phải có người chịu trách nhiệm về những thiệt hại này chứ.
-          Chính bởi vậy nên vừa rồi, có Đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào luật cần truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân hoặc cơ quan dự báo thời tiết sai.
-          Làm vậy là đúng, phải phạt thật nặng.
-          Nếu vậy ai còn dám làm trong ngành này nữa. Đến các nước tiên tiến mà họ cũng chỉ dùng khái niệm Dự báo thôi. Bản tin dự báo thời tiết chỉ cần dễ hiểu, kịp thời là người dân mừng lắm rồi.
-          Kịp thời mà sai thì ai cần làm gì. Ngành này liên quan đến cuộc sống toàn dân, đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối. Cần thiết thì bỏ tù vài người làm gương.
-          Ai muốn sai đâu, chẳng qua trình độ mình chỉ có bấy nhiêu thôi. Đầu tư thì manh mún, vụn vặt làm sao đòi hỏi cao được. Nếu muốn xử lí hình sự ngành dự báo thời tiết, thì với các ngành dự báo tình hình phát triển kinh tế, dự báo văn hóa, dự báo giá, lạm phát cũng phải được đối xử như  vậy. Thưởng phạt công bằng  mới khuyến khích chí phấn đấu, cống hiến chứ.

Cận 

Rồi sẽ chìm nghỉm thôi

                                               
                                                                                                                         Cận
-          Theo bác, hệ tiêu hóa trẻ em nước nào tốt nhất thế giới?
-          Tôi làm sao mà biết được. Theo tôi, ở đâu làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thì trẻ ở đó ít bị ngộ độc.
-          Ai chẳng biết như thế. Nhưng thử để trẻ ở những nước tiên tiến sử dụng đồ ăn thức uống ở Việt Nam xem, lại chẳng bị “Tào Tháo đuổi” ngay ấy à. Về vấn đề bụng dạ lòng mề, trẻ em nước mình là vô địch.
-          Đi đến đâu cũng gặp trẻ suy dinh dưỡng, còi cọc do  chúng bị thiếu chất hoặc không hấp thụ được thức ăn chứng tỏ hệ tiêu hóa có vấn đề, mà bác lại bảo là…
-          Ý tôi muốn nói là trẻ em nước mình có sức chịu đựng thật kiên cường. Vừa rồi trường mầm non Sao Mai thuộc huyện Phú Lộc tỉnh Thừa thiên Huế phát phần thưởng cuối năm là sữa quá hạn sử dụng tới 3 tháng cho các cháu. Hàng trăm cháu uống mà chỉ có một cháu bị đau bụng thôi.
-          Ối giời, người ta đã khuyến cáo sữa chỉ cần quá date vài hôm thôi đã có thể dẫn tới ngộ độc chết người, đằng này…
-          Thế mới thấy bụng dạ người Việt mình như được đúc bằng gang, bằng thép. Cứ ăn uống vô tư đi, chẳng làm sao đâu.
-          Lạ nhỉ, hay là sữa của trường này để quá lâu gặp phản ứng hóa học biến thành “nước cam” nên uống vào không làm sao. Thế chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã xử lí chuyện này đến đâu rồi?

-          Đến giờ vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Nhà trường đổ cho đại lí, đại lí đổ cho nhà trường, nói chung là rối tinh rối mù. Những chuyện “vặt vãnh” như thế này ở đâu chẳng có, rồi sẽ chìm nghỉm thôi, chán mớ đời.

Qui định thiếu tình người


-          Mỗi ngày bác đi vệ sinh mấy lần?
-          Gớm quá, trong lúc uống trà ai lại hỏi thế bao giờ. Tôi đi vệ sinh theo qui chuẩn chung của thế giới là đi tiểu mỗi ngày 8 lần, mỗi lần khoảng 300ml…
-          Thế mà một số nhà máy ở ta có qui định mỗi công nhân chỉ được đi vệ sinh ngày 2 lần. Khát khô cổ mà không dám uống nước.
-          Sao lại có chuyện kì dị thế nhỉ. Đi vệ sinh nhiều hay ít là tùy cơ địa mỗi người, nhịn là sinh bệnh đấy. Phải tôi ấy à, “mót” là tôi cứ “đi”, làm được gì nhau nào?
-          Không “gấu” được đâu. Bác mà đi vệ sinh vượt “tiêu chuẩn” xem, sẽ bị trừ lương ngay. Một công nhân của Cty TNHH Daiwa Plastics Việt Nam (KCX Tân Thuận, Q.7, TPHCM) cho biết ở công ty này muốn đi vệ sinh phải ghi rõ giờ giấc vào sổ, phải đội mũ màu cam để lãnh đạo tiện theo dõi, xử phạt. 20 công nhân có một cái mũ thôi.
-          Khốn nhưng, nếu quản lí lỏng lẻo, nhiều người lợi dụng vào nhà vệ sinh ngủ hay chit chat với bạn trai cả buổi thì sao?
-          Khi trả lương theo sản phẩm, bác có mời công nhân ngồi lâu trong nhà vệ sinh họ cũng không đồng ý đâu. Ai chẳng dành hết thời gian cho công việc.
-          Biết thế sao các doanh nghiệp vẫn đưa ra các qui định thiếu tình người như thế?
-          Chẳng qua nhiều lãnh đạo thích ra oai với công nhân. Nhiều trường hợp hạn chế công nhân đi vệ sinh là để tiết kiệm điện, nước.
-          Nếu thế thì quá đáng thật, bảo sao công nhân không đình công chứ.

Cận

Phải đi đầu làm gương

        
-          Theo bác,cái gì làm nên nét đáng yêu của người Hà Nội?
-          Đó là nết ăn, nết ở, đức khiêm nhường, sự hào hoa đầy chất trí tuệ, luôn biết đủ, không bon chen, giành giật với ai bao giờ…
-          Còn cái đáng ghét?
-          Đó là nạn chửi tục. Đi đến đâu cũng nghe trẻ già, lớn bé văng tục, chửi thề. Tôi có cảm giác nó đã trở thành thói quen khó bỏ của người dân nơi đây.
-          Người Tràng An vốn nổi tiếng thanh lịch, tôi đồ rằng, chửi bậy, nói tục do người nơi khác đem đến?
-          Cũng chẳng thể kết luận thế được. Người ngoại tỉnh, khi còn ở các địa phương họ có chửi tục đâu. Chỉ khi lên Hà Nội làm ăn, họ mới nhiễm cái thói này. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây tôi biết, xưa người Hà Nội cũng chửi tục, chỉ có điều, không trở thành’ trào lưu” như bây giờ.
-          Ý bác muốn nói là…?
-          Người dân nông thôn hay thành phố đều thế thôi. Họ đều sinh ra trong cái nôi văn hóa Việt, đều mang bản chất tốt đẹp như nhau. Để bùng nổ nạn nói tục như hiện nay phần nhiều do cơ chế quản lí, giáo dục thôi.
-          Có cơ quan nhà nước hay tổ chức xã hội nào không lên án tệ nạn này chứ?
-          Chúng ta không dung túng, nhưng lại vô tình tạo điều kiện cho nạn nói tục, chửi bậy phát triển. Cấp trên nói tục, ông bà nói tục, thầy cô nói tục, bảo sao mà lớp trẻ không bị tiêm nhiễm.
-          Hà Nội đang có chủ trương phạt người chửi bậy nơi công cộng cộng đấy.
-          Đây là một sáng kiến tốt ai cũng ủng hộ. Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống, trước hết người lớn chúng ta phải đi đầu làm gương trong việc bài trừ tệ nạn này.  

Cận

Mối nguy từ bệnh thành tích

   
-          Bề ngoài, người Việt mình làm gì cũng lơ tơ mơ nhưng khi vào cuộc thực sự lại chứng tỏ khả năng “dời núi lấp bể” của mình.
-          Bác thử ví dụ xem nào?
-          Như việc thi thử THPT ở tỉnh Quảng Ngãi vừa rồi chẳng hạn, có trường 100% học sinh bị rớt, nhưng khi thi chính thức tỉnh này năm nào cũng đạt hơn 90%.
-          Sao lại có chuyện chênh lệch một trời một vực thế nhỉ?
-          Người mình vốn giỏi giang, hàng ngày “khiêm tốn” giấu đi khả năng, đến khi lâm trận mới đưa các “tuyệt kĩ” ra, khiến đối phương choáng ngợp.
-          Tôi lại cho rằng, nhiều nơi giấu dốt, mắc bệnh thành tích trầm trọng, khi thi cử thì chấm ẩu, chấm bừa, khiến cho nhiều em còn không đọc và viết nổi tên mình vẫn tốt nghiệp như thường.
-          Có bác nói bừa nói ẩu thì có. Cả thế giới vừa rồi chẳng choáng váng khi họ xếp giáo dục Việt Nam đứng thứ 12 toàn cầu đấy thôi. Thế giới họ công bằng minh bạch lắm.
-          Thế giới họ không bị chi phối bởi bệnh thành tích, họ chỉ quan tâm đến thực chất dạy và học thôi. Chính vì thế mà tiêu chí các bảng xếp hạng của họ rất đơn giản, nơi thì chú trọng website của nhà trường đẹp không, có nhiều người truy cập không, nơi lại quan tâm đến thành tích thể thao, nên chúng ta chỉ cần đầu tư theo các tiêu chí đó là đứng hạng nhất ngay.
-          Bác nói lằng nhằng, khó hiểu quá, cho ví dụ đơn giản xem nào?
-          Chẳng hạn như phường mình tổ chứccuộc  thì Người đàn ông mẫu mực nhưng lại không chú trọng đến hình thể như to cao trẻ khỏe đẹp trai chăm chỉ, mà lại yêu cầu phải rít được 30 “bi” thuốc lào trong một phút, thì chắc chắn bác giành giải quán quân, bác hiểu chưa.
-          Thì ra là vậy. Hóa ra, thấy con cái chúng ta đỗ đạt cao chớ vội mừng, nếu tỉ lệ thi trượt quá nhiều cũng không nên quá lo. Đấy chính là những bài học quí giá, bác nhỉ.
-          Đúng thế, cái chính là chúng ta phải chữa được bệnh thành tích. Căn bệnh này có hại cho dân tộc không kém gì nạn tham nhũng đâu.

Cận

Không nên tự đày đọa mình


-          Nhìn các sinh viên tình nguyện lập h àng rào sống giữa đường dưới cái nắng ngoài trời 50 độ C để đảm bảo an toàn giao thông kì thi Trung học phổ thông vừa rồi tôi cảm phục quá.
-          Đáng chê thì đúng hơn. Đúng là, đám trẻ đã làm được nhiều việc có ích như nấu cơm, cấp nước uống miễn phí, tìm nhà trọ giá rẻ cho thí sinh, nhưng riêng việc họ phơi mình mấy ngày liền dưới cái nắng đổ lửa thì tôi không tán thành, như thế nguy hiểm lắm.
-          Họ mà không làm thế, giao thông sẽ ùn tắc, thí sinh sẽ không kịp đến phòng thi.
-          Mọi năm áp lực thi đại học còn kinh hơn nhiều, mà giao thông vẫn thông suốt đấy thôi. Tôi có cảm giác như họ vô tình “diễn” cho ai đó đang ngồi trong phòng máy lạnh. Những ai nghĩ ra trò này không hiểu họ có xung phong phơi người dưới trời nắng như thiêu không nhỉ?
-          Tôi cũng chung suy nghĩ như bác vậy. Nói dại, chẳng may có vài đứa lăn quay ra đấy, hay bị ôtô đâm chết thì ai sẽ chịu trách nhiệm nhỉ?
-          Phỉ phui cái mồm bác. Thì bố mẹ các cháu chịu thiệt trước tiên chứ ai vào đây nữa.
-          Đúng là, tinh thần nhiệt tình là tốt, nhưng nếu không được đặt đúng lúc, đúng chỗ thì có khi còn gây hại. Tôi thấy thương bọn trẻ quá.
-          Cũng không nên bao bọc cưng chiều chúng. Tuổi trẻ là phải xông pha, rèn luyện. Chỉ có điều làm gì cũng phải suy nghĩ chin chắn, phải đúng chỗ, đúng nơi, không nên tự đày đọa mình như thế, phản cảm và phản tác dụng lắm.

Cận 

Không được nháy mắt nơi công sở


-          Này, bác có thể đứng cách xa tôi một chút được không.
-          Bác sao thế, mọi khi chúng mình vẫn quàng vai bá cổ chuyện trò với nhau mà?
-          Trước khác, giờ khác. Từ nay bác không được nắm chân nắm tay tôi đâu. Bộ LĐTB&XH và một số cơ quan vừa ban hành “ Qui tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc đấy”.
-          Nhưng tôi với bác đều là đàn ông mà.
-          Ai mà biết được. Thôi bác cứ dịch ra cho nó lành.
-          Tôi tưởng chỉ có các hành vì sờ mó, cấu véo vào những bộ phận nhạy cảm hay cưỡng dâm người khác giới thì mới bị coi là quấy rối tình dục thôi chứ?
-          Không chỉ có vậy đâu, Bộ Qui tắc này còn cấm không được có lời lẽ khiếm nhã, gợi ý hay phô bày tài liệu liên quan đến tình dục với đồng nghiệp.
-          Nhưng khi nãy tôi chỉ đứng cạnh bác, mời bác đi uống bia thôi mà.
-          Trong văn bản vừa ban hành có điều khoản coi việc mời đi chơi liên tục, trong khi đứng nói chuyện mà ngoẹo cổ, nháy mắt cũng bị coi là hành vi quấy rối tình dục đấy. Cả tuần nay bác ngày nào chẳng nháy mắt rủ tôi đi uống bia. Như vậy là không đứng đắn.
-          Ối trời ơi, ngày nào tôi chẳng khen mấy cô, mấy bà là xinh tươi, là gợi cảm quá, có lúc hứng lên còn vuốt má một cái. Như thế là phạm luật à?
-          Đương nhiên rồi. Nhẹ thì trừ thi đua, nặng thì cảnh cáo, khởi tố.
-          Nhưng tôi bị bệnh ở mắt, cứ đứng trước phụ nữ là mắt cứ nháy liên hồi, tôi phải làm thế nào bây giờ?
-          Khó nhỉ, vậy thì đi khám bác sĩ, đóng khung rồi đeo trước cổ để mọi người biết, để khỏi bị phạt, khổ thân.

Cận

Khó xử lí rốt ráo

                 
-          Theo bác, lỗi để xảy ra cạn kiệt rừng thuộc về ai?
-          Trước hết thuộc về lâm tặc, thứ đến là loại khách hàng “nghiện” dùng gỗ quí.
-          Bác nói đúng nhưng còn chung chung lắm, cụ thể  là đối tượng nào được coi là lâm tặc?
-          Là những kẻ khai thác rừng trái phép chứ ai vào đây nữa.
-          Còn những kiểm lâm viên thoái hóa biến chất nữa chứ.
-          Họ ăn lương nhà nước, được nhân dân tin cậy, chẳng trồng thêm rừng thì thôi, ai người ta phá?
-          Công an Quảng Trị chẳng vừa bắt một xe chở hơn 5 mét khối gỗ quí, lái xe khai số gỗ này là của Hạt trưởng kiểm lâm huyện Vĩnh Linh đấy thôi.
-          Chắc ông ta thấy để số gỗ này chơ vơ trong rừng dễ khơi gợi lòng tham của kẻ xấu nên mang về nhà cất cho yên tâm, ai người ta lấy làm của riêng?
-          Đây không phải là trường hợp hi hữu. Lâu nay chúng ta đã phát hiện, bắt giữ khá nhiều kiểm lâm viên tham gia trực tiếp hoặc tiếp tay cho lâm tặc khai thác gỗ trái phép. Tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn bác ạ.
-          Có vẻ như khâu tuyển chọn và giáo dục cán bộ của chúng ta đang có vấn đề. Các biện pháp chế tài cũng vậy, còn quá nương tay. Phải phạt những kiểm lâm viên vi phạm gấp 10 lần bọn lâm tặc thì mới đủ sức răn đe, bác nhỉ?
-          Đúng thế. Bọn lâm tặc, nếu không có sự bảo kê của cán bộ hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương cũng chỉ dám hoạt động lén lút. Còn những kẻ được giao bảo vệ rừng mà lại ra tay phá rừng thì hậu quả mới ghê, khó mà đo đếm được. Nhưng xử lí rốt ráo đám này không đơn giản, chúng đều là con ông Ba cháu chú Tư cả, khó lắm.

Cận

Học giả quan chức thật

           
-          Nghe chuyện vị tân Chủ tịch xã Uy Nỗ huyện Đông Anh có khả năng phân thân lại nhớ đến cuốn sách Tây Du kí với nhân vật Tôn Ngộ Không bất hủ, thấy cảm phục cán bộ mình quá.
-          Ông Chủ tịch xã này cùng lúc vừa có mặt dưới ruộng với bà con, vừa cùng mọi người đi cứu trợ người dân gặp bão hả bác?
-          Được thế đã tốt. Ông ta đang theo học khóa đào tạo Luật kinh tế. Đúng vào hôm Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đông Anh tổ chức thi lại, thì ông này đang đi nghỉ mát cùng gia đình.
-          Thì thi lại sau cũng được mà.
-          Vấn đề là, tại phòng thi có một chàng trai lạ mặt đã làm bài hộ dưới cái tên ông Chủ tịch xã là Đặng Bá Sướng.
-          Tôi hiểu rồi, cậu này thi hộ ông Chủ tịch, đúng không?
-          Bác thông minh quá. Khi hỏi chuyện qua điện thoại, ông Chủ tịch xã khẳng định không nhờ ai thi hộ cả.
-          Chỉ cần đưa cậu thanh niên thi hộ ra công an là rõ ai nhờ thôi mà.
-          Chắc chắn sẽ phải làm thế. Chỉ có điều, đến nước này mà ông Chủ tịch xã vẫn khẳng định mình oan, bị người khác chơi xỏ.
-          Nếu mình là người đàng hoàng, không có chuyện gì khuất tất thì ai hãm hại được chứ.
-          Ông ấy còn bảo chắc có cậu cấp dưới nào đó vì yêu quí cấp trên nên tự nguyện làm thế, chứ ông ta không nhờ.
-          Thời buổi này làm gì có ai sẵn sáng liều mình cứu chúa như thế. Với loại cán bộ lẻo mép, học giả quan chức thật này cần sớm được loại bỏ khỏi bộ máy công quyền, dân sẽ biết ơn lắm lắm.

Cận

Họ còn bận” choảng” nhau

          
-          Bác có biết lí do tại sao các “Hai Lúa” nhà mình gần đây liên tục công bố phát minh không?
-          Là người sống và làm việc trên ruộng vườn nên hơn ai hết họ hiểu mình cần máy móc, thiết bị gì. Mọi cải tiến, sáng tạo ra cái mới đều nhằm bớt sức người, tăng năng suất, làm cho cuộc sống ấm no hơn.
-          Bác nói đúng nhưng vẫn còn thiếu. Có những phát minh ra đời xuất phát từ mối lo cho môi trường, từ tình yêu đối với thế giới tự nhiên. Gần đây có 4 ông nông dân ở xã Trường Xuân huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp đã cùng nhau chế tạo thành công xuồng chạy bằng năng lượng mặt trời đấy.
-          Họ sẽ tiết kiệm được khối tiền xăng, tha hồ ăn phở,  bác nhỉ?
-          Lúc nào cũng phở, họ mầy mò làm loại xuồng này vì thương mấy con chim quanh nhà thôi.
-          Bác giải thích ỡm ờ quá. Chim với xuồng thì liên quan gì đến nhau?
-          Chẳng là trước đây trong vùng có nhiều vườn chim rất đẹp, gần đây chúng bỏ đi nhiều, mà một trong những nguyên nhân là do tiếng xuồng máy chạy xăng quá ồn, chim không chịu nổi.
-          Tôi hiểu rồi, để các loài chim yên tâm sinh sống, mấy nông dân này làm xuồng năng lượng mặt trời để triệt tiêu tiếng ồn, không  gây ô nhiễm môi trường, đúng không?
-          Chơi với nhau đã lâu, hôm nay mới thấy bác thông minh đấy. Đúng thế. Họ chế tạo loại xuồng này còn để xăng dầu không gây ô nhiễm mặt nước, loài cá mới có cơ hội sống sót.
-          Này bác, trong lúc các nông dân vắt óc suy nghĩ để tạo ra các phát minh thì mấy chục nghìn giáo sư, tiến sỹ của mình  làm gì nhỉ?
-          Họ còn bận hội thảo với mớ lí thuyết trên trời, bận kêu lương thấp, bận choảng nhau để giành những đề tài lắm tiền nhưng thiếu tính ứng dụng, thế thôi.

Cận 

Cứ teo tóp dần

            .
-          Theo bác, cơn giông lốc vừa rồi ở Hà Nội tương đương với bão cấp mấy?
-          Lúc đấy tôi chúi đầu trốn trong bếp nên không rõ. Hôm sau thấy báo chí đưa tin gãy đổ hơn một nghìn cây, tôi rợn hết cả tóc gáy.
-          Ấy vậy mà giữa lúc gió bão cuồng nộ như vậy, tại ngã tư phố Tạ Hiện có một ông Tây tất tả xuôi ngược giúp đỡ người dân không bị gió thổi ngã.
-          Mỗi trường hợp như thế ông ta được trả bao nhiêu tiền?
-          Tiền nào, tình nguyện thôi. Thấy nhiều người đi xe máy bị gió xô ngã dúi dụi, ông ta liền viết vội dòng chữ kêu gọi mọi người đi chậm lên tấm bìa cát- tông cắm ở ngã tư. Sau đó ông Tây xông pha dưới mưa gió dẫn người già, trẻ em qua đường.
-          Ông ta làm vậy chắc muốn được lên báo, muốn được nổi tiếng.
-          Bác không nên nói thế. Ông Tây này chỉ sang du lịch có vài ngày, nổi tiếng để làm gì. Tất cả xuất phát từ cái tâm của một con người thôi.
-          Tôi đặt ra nhiều nghi vấn thế là bởi từng chứng kiến nhiều trường hợp tương tự. Trong khi người nước ngoài lo cho chúng ta, thì bản thân người Việt mình lại ngoảnh mặt làm ngơ. Thậm chí, thấy người qua đường bị ngã xe, nhiều kẻ còn bưng miệng cười, còn xông vào cướp đồ rơi vãi.
-          Theo bác, nguyên nhân nào khiến người Việt thờ ơ với số phận đồng bào mình như vậy?
-          Tất cả từ giáo dục mà ra. Trên dưới, phải trái, trắng đen cứ lộn tùng phèo nên sự lương thiện trong mỗi con người cứ teo tóp dần là lẽ đương nhiên.

Cận