Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Nan giải quá

            
-       Đi đâu về mà áo quần tả tơi, đầu gối sứt sẹo thế bác?
-       Chen nhau mua sữa chứ đi đâu, vất vả suốt từ sáng đến giờ.
-       Sữa ngoài cửa hàng bán ê hề, sao phải chen nhau như thời bao cấp vậy?
-       Sữa hoàn nguyên hay sữa đặc có đường thì nói làm gì, mọi người chỉ tranh nhau mua sữa bột ngoại thôi.
-       Họ sắp rút hết về nước hay sao mà mọi người phải tích trữ?
-       Không, các hãng chuẩn bị vào đợt tăng giá mới.
-       Tưởng chuyện gì, các hãng sữa năm nào cũng tăng mấy đợt, người dân chán chẳng buồn quan tâm nữa.
-       Nhưng nghe nói đợt này sẽ tăng rất khốc liệt.
-       Họ dám thách thức chính quyền và người tiêu dùng như thế sao, đã có văn bản đưa giá sữa vào qui củ rồi mà.
-       Qui định thì thừa mứa nhưng có mấy cái áp dụng được vào thực tế đâu. Càng qui định họ càng tăng mạnh, làm gì nhau nào?
-       Nếu họ tăng ẩu như thế thì đừng sử dụng sữa ngoại nữa, chỉ dùng sữa nội thôi.
-       Bác nói thế mà nghe được à. Dùng sữa nào là quyền và nhu cầu của mỗi người. Cùng một loại sữa mà ở nước ngoài rẻ bằng một nửa của ta cho thấy các hãng sữa đang lợi dụng sự quản lí lỏng lẻo của cơ quan có trách nhiệm để móc túi người dân. Sữa nội cũng đang té nước theo mưa  tăng giá ầm ầm kia kìa
-       Thì chỉ dùng sữa mẹ thôi.

-       Thế nhỡ bà mẹ không có sữa thì làm thế nào. Mà già như tôi với bác thì lấy đâu ra sữa mẹ để uống, nan giải thế chứ.
      Cận

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Sung sướng hạnh phúc lắm

         
-       Đi đâu mà vác theo cả ghế nhựa thế bác?
-       Có cửa hàng bán đồ ăn nhanh mới mở, mọi người bảo nhau đi ăn đông lắm. Nghe nói phải xếp hàng nửa ngày trời mới đến lượt. Già rồi phải mang theo cái ghế chứ đứng ngần nấy thời gian chịu sao nổi.
-       Thời buổi đồ ăn thức uống ê hề mà vẫn có cái phải tranh nhau mua thì lạ thật. Đồ ăn ở đó ngon lắm hả bác?
-       Tôi đã ăn bao giờ đâu mà biết. Nghe mọi người nói cũng chỉ tầm tầm cái bánh mì pa tê tôi với bác hay ăn ở đầu ngõ thôi.
-       Nếu thế thì chen chúc vào tận đấy làm gì cho khổ?
-       Bác chẳng hiểu gì cả, ở đó toàn những con người sang trọng, lịch sự, được ngồi ăn cạnh họ thôi đã thấy sung sướng hạnh phúc lắm rồi.
-       Đồ ăn ở đấy chắc rẻ lắm nên mọi người mới đổ xô đến?
-       Ai bảo bác thế, đắt gấp 5 lần so với bình thường. Nhưng không sao, trả thêm ít tiền mà được các cô nàng xinh tươi phục vụ thấy cũng xứng đáng.
-       Với đồng lương của bác làm sao tới đó thường xuyên được?
-       Phải cố mà theo kịp thế giới văn minh chứ bác. Ăn trưa ở đấy rồi thì phải nhịn bữa sáng với bữa tối đi, đừng cà phê, thuốc lá nữa.
-       Nghe nói ở các nước phương tây họ đang tẩy chay loại đồ ăn gây béo phì này đấy.
-       Tôi có béo đâu. Bụng to một tí mới là đàn ông thành đạt. Đi với tôi cho biết.
-       Đợi tôi vào nhà lấy cái ghế nhựa đã, tôi vẫn thấy lo lo bác ạ.

-       Lo gì, bác chưa nghe câu: Một chút béo phì rồi chợt chết, còn hơn gày lay lắt suốt trăm năm hay sao. Nào chúng ta cùng đi tới “cõi chết” nào.
     Cận

Cả thế giới hãi hùng


           
-       Bác có biết tại sao “tập đoàn” thịt chó khu vực Nhật Tân đang làm ăn phát đạt lại đột ngột giải tán không?
-       Nghe nói người khởi xướng ra chuỗi cửa hàng thịt chó ở đây sợ bị chó báo oán nên chuyển nghề, cố gắng tu nhân tích đức cho con cháu.
-       Chó mà cũng biết báo oán sao, tôi chẳng tin.
-       Thế bác không thấy hoa đào Nhật Tân những năm gần đây hoa bé hẳn lại, nụ dài ra như cái mõm chó sao. Sống trong môi trường toàn mùi mắm tôm với dồi nướng nên bị thế đấy. Có người kể, đêm đến nghe tiếng hàng ngàn con chó rên rỉ sau vườn nên sinh bệnh tật. Từ ngày người này đóng cửa mấy quán thịt chó, đã ăn ngon ngủ kĩ, khỏe mạnh trở lại.
-       Tôi chẳng tin. Con chó cũng là con vật, giống như con gà, con vịt, con lợn, con bò, con trâu thôi, linh thiêng gì đâu.
-       Vậy tôi hỏi bác, tại sao những con vật bác vừa kể cả thế giới đều ăn rất tợn, trong khi chỉ có người Việt và một vài dân tộc khác ăn thịt chó?
-       Thì con chó lâu nay gần gũi với con người nên người ta không nỡ ăn.
-       Con trâu, con bò không gần gũi với con người sao. Chúng ăn cỏ mà còn biết kiếm tiền cho con người chứ chó chỉ biết ăn rồi sủa ngậu xị với cắn người thôi.
-       Thế giới cho rằng loài vật này chuyên “dọn vệ sinh” cho con người nên trong bụng chúng toàn chất dơ bẩn nên họ không ăn thịt chó sợ lây bệnh.
-       Bác cả đời ru rú trong nhà nên chẳng biết gì cả. Chỉ có chó ta mới làm “nhân viên vệ sinh” thôi, chó tây có bao giờ làm chuyện đó.
-       Tóm lại là, theo bác, chúng ta có nên tiếp tục ăn thịt chó nữa không?

-       Ăn chứ, nhưng vừa vừa thôi. Ai đời, cả nước mỗi năm thịt những 5 triệu con chó đã khiến cả thế giới hãi hùng. Nói chuyện với bác tự nhiên lại có mong ước, trời rét thế này mà được miếng dồi nướng thì tuyệt, bác nhỉ.
      Cận

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Biết bấu víu vào đâu


-       Theo bác, để được vào đại học, điều cốt yếu nhất đối với mỗi học sinh là cái gì?
-       Là chăm chỉ học tập, đầu óc phải luôn trong tư thế tư duy sáng tạo.
-       Chẳng phải, các cháu phải biết “xoa”
-       Ý bác muốn nói là xoa đầu cụ rùa ở Văn Miếu Quốc tử giám phải không?
-       Các cụ rùa ở đấy đã được Ban Quản lí di tích lập hàng rào rồi, lại gần làm sao được. Giờ đây, ai muốn đỗ đạt phải chịu khó xoa tủ đựng đồ thờ cúng.
-       Thế là thế nào, những cái tủ ở đấy liên quan gì tới chuyện thi cử chứ?
-       Chẳng là trên những cánh tủ này có viết chữ Nho nên nhiều người tưởng là Bảng Vàng dành cho những người vinh qui bái tổ ngày xưa nên dịp tết vừa rồi tới đây  xoa lấy xoa để.
-       Những người không có khả năng phân biệt đâu là cánh tủ, đâu là bảng Vàng thì có “cụ” nào dưới cõi âm “chứng” cho đỗ đại học chứ. Đám này có cho làm ruộng cũng không đáng.
-       Bác nói cũng có phần đúng. Phần lớn những người trước mỗi mùa thi cứ xoa lung tung đều thi trượt oành oạch. Còn những cháu thay mặt cho quốc gia giật giải quốc tế lại chẳng “xoa” bao giờ. Chúng chỉ tới Văn Miếu để báo công với tổ tiên thôi.
-       Nguyên nhân nào khiến bọn trẻ ngày càng mê tín dị đoan thế bác?

-       Chúng là sản phẩm của một nền giáo dục thiếu tự tin. Học tập trong một môi trường sư phạm mà ở đó nhiều giáo sư “thuổng” đề tài của nhau, các thầy cô chỉ nhăm nhăm dạy thêm kiếm tiền mua đất xây nhà thì các cháu biết bấu víu vào đâu, chẳng tin vào cái đầu cụ rùa đá hay cái cánh tủ thì tin cái gì, khổ thế đấy.

Phải biết yêu người

-       Giờ tôi mới hiểu nguyên nhân tại sao nhiều nước trong khu vực luôn vượt qua chúng ta cả một chặng đường dài rồi.
-       Tại đâu hả bác. Mấy chục năm nay tôi luôn lấy làm khó hiểu người Việt mình cũng thông minh, cần cù, chịu khó, thích sáng tạo, đất đai phì nhiêu, giàu khoáng sản mà lại thua sút họ về mọi mặt?
-       Cái kém nhất của chúng ta là chỉ biết yêu mình, còn các nước, họ không chỉ biết yêu bản thân mà còn biết trân trọng những giá trị của bạn bè.
-       Bác “chơi” chữ cao siêu quá, có thể giải thích cho tôi hiểu đựơc không?
-       Chẳng là vừa rồi có một cô gái xinh đẹp người Thái Lan thu âm bài “Bèo dạt mây trôi” rồi đưa lên trang cá nhân đã khiến hàng vạn bạn trẻ Việt Nam ngây ngất.
-       Giọng cô ấy hay như họa mi hả bác?
-       Cũng bình thường thôi, nhưng bài hát được cô ấy thể hiện rất truyền cảm.
-       Thế thì có gì đáng nói chứ, mỗi khi tôi cất lên tiếng hát là mấy bà hàng xóm cũng nức nở đấy thôi.
-       Thôi xin bác, phét lác vừa thôi. Việc cô gái Thái Lan này làm cho bao trái tim người Việt phải thổn thức cho thấy cô ấy yêu và tôn trọng văn hóa Việt Nam biết nhường nào.
-       Đúng thế thật, một con người hay một đất nước cũng thế thôi, muốn trở nên hùng mạnh phải biết yêu mình, yêu người, thậm chí yêu và tôn trọng cả kẻ thù.
Hôm nay bác triết lí nhỉ. Chẳng bù cho các ca sĩ nhà mình, chỉ biết xuyên tạc bài hát là tài. Hát thì ít mà xin tiền, lộ “hàng” thì nhiều, đất nước làm sao trông được vào loại người này chứ.

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Không được báng bổ thần linh

           
-       Chưa có đứa nối dõi tông đường, bác có ý định sinh thêm thằng con trai không?
-       Tôi cũng muốn lắm, nhưng giờ lại “tòi” thêm một thị Mẹt nữa thì chết dở.
-       Phải có phương pháp đẻ thằng cu chứ bác, trông vào may rủi thì có mà đến mùa quít.
-       Vậy hãy chỉ cho tôi cách đẻ con trai đi, bác muốn gì tôi cũng chiều.
-       Đơn giản thôi, bác phóng xe máy sang làng Diềm xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh mua can nước giếng Ngọc về mà uống, chắc chắn sẽ đẻ con trai.
-       Tôi cũng nghe đồn như vậy, nhưng chẳng thấy có cơ sở khoa học nào để mà tin tưởng được.
-       Bác cứ đắn đo thế thì đến bao giờ mới có thằng chống gậy. Thiên hạ ngày nào chẳng ùn ùn kéo đến mua nước về uống.
-       Thành phần nước ở đấy có chất gì có thể khiến người ta đẻ con trai nhỉ?
-       Ai đến đấy cũng thả một tờ tiền xuống giếng. Lá cây, bụi bặm lưu cữu hàng trăm năm kết hợp với những thứ do người dân rửa mặt, rửa chân tay cộng với chất thôi ra từ những tờ tiền lẻ tạo nên một thứ hỗn hợp đặc biệt khiến cho nước ở đây ngày càng trở nên kì diệu.
-       Ối giời, thứ nước mà bác vừa nói uống vào chỉ tổ gây bệnh, làm sao trở thành linh dược được.

-       Bác không uống thì thôi nhưng tôi cấm bác không được báng bổ thần thánh. Thần giếng bực lên rút mất phép thiêng làm cho người Việt mình chỉ đẻ toàn con gái bác phải chịu trách nhiệm đấy nhé.
      Cận

Làm mạnh từ gốc

-       Đã lâu lắm rồi Hà Nội mới lại có một cái tết yên bình bác nhỉ?
-       Tôi vẫn thấy tai nạn giao thông, nạn chặt chém tại các  điểm trông giữ xe, hàng quán mà.
-       Đấy là các vấn đề muôn thuở, cần có thời gian dài nữa mới khắc phục được. Cái đáng mừng là các tệ nạn trên đã giảm rõ rệt, đặc biệt nạn cờ bạc bịp núp bóng các hoạt động vui chơi có thưởng năm nay hoàn toàn vắng bóng tại các khu vui chơi công cộng.
-       Thật sao, nếu vậy thì đáng mừng quá. Nạn cờ bạc trên xe buýt, trong công viên gây nhức nhối dư luận đã lâu. Nhiều người mất cả năm tiền lương vì những trò này. Năm nay các đối tượng cờ bạc bận cưới vợ hay thăm họ hàng mà bỏ công việc có thu nhập béo bở này thế bác?
-       Do lực lượng công an làm gắt gao khiến bọn chúng chùn tay.
-       Mọi năm, các cơ quan chức năng cũng truy quét mạnh mẽ nhưng có dẹp được đâu. Hay có lẽ tết năm nay nóng quá, bọn cờ bạc đưa nhau ra nước ngoài nghỉ mát cũng nên?
-       Chẳng phải. Mọi khi chúng ta chỉ bố trí người trên một số tuyến xe chở khách, một vài tụ điểm công cộng, nếu có bắt được cũng chỉ xử phạt hành chính rồi cho về. Vì thế, dẹp chỗ này, bọn cờ bạc lại dạt sang chỗ khác, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Năm nay, công an các địa phương gọi các đối thượng lên răn đe, bắt viết cam kết không tổ chức cờ bạc nơi công cộng, tức là chúng ta làm từ gốc nên mới đạt hiệu quả cao.
-       Thế các đối tượng cam kết không tổ chức cờ bạc bịp suốt đời hay chỉ trong dịp tết thôi?

-       Ai mà biết được, thôi thì được ngày nào hay ngày ấy.
      Cận

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Một bài học đáng suy nghĩ


      
                                                    
-
Bọn trẻ bây giờ thật đáng ngưỡng mộ quá bác nhỉ.
-
Mới mấy ngày đầu năm đã có chàng trai nào lao xuống sông cứu hàng chục người sao?
-
Đối với người khỏe mạnh, chuyện như thế cũng là bình thường. Một cậu bé tàn tật mới 8 tuổi đầu đã biết làm điều nghĩa hiệp mới đáng nói kia.
-
Chuyện thế nào bác kể tôi nghe với, tôi khoái nghe chuyện hiệp sĩ đánh cướp cứu người đẹp con nhà giàu lắm.
-
Chẳng là ở xã An Thới huyện Mỏ Cày nam tỉnh Bến Tre có cậu bé bị ung thư máu đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được giúp một bạn mồ côi biết vượt khó vươn lên trong học tập.
-
Cậu ấy mắc bệnh hiểm nghèo phải ăn kiêng ghê lắm, chẳng cho đi thì giữ tiền làm gì chứ.
-
Cậu bé có thể không ăn được bao nhiêu nhưng tiền thuốc thang là vô cùng tốn kém.
-
Chắc gia đình cậu thuộc hàng đại gia, họ đâu thiếu tiền.
-
Không hề, bố mẹ cháu là nông dân, nghèo khổ lắm. Thỉnh thoảng có mấy đồng bạc lẻ họ cho con bỏ vào con lợn đất. Hôm vừa rồi cậu đập con lợn ra, cộng với tiền mừng tuổi được hơn 500 nghìn đồng, cậu ủng hộ hết cho người bạn nghèo mua sách vở, quần áo.
-
Tưởng nhiều nhặn gì, có mấy đồng bạc kể ra làm gì.
-
Có nhng kẻ giàu có ức vạn nhưng có cho ai cái gì bao giờ, còn luôn tìm cách bò rút của dân ấy chứ. Số tiền cậu bé giúp cho đời tuy nhỏ nhưng hành vi của cậu là bài học lớn cho tất cả những người lớn như tôi với bác đấy.         
Cận                                   

Không có việc gì khó cả


                                                      
-
Hôm nay ngày đẹp tôi với bác đi chùa thắp nén nhang cầu xin phát tài, phát lộc, cầu cho con cái học hành giỏi giang đi.
-
Dạo này già cả rồi, đi bộ mỏi lắm.
-
Xe máy đầy nhà sao phải đi bộ?
-
Thằng con tôi sáng nay vừa đi lễ đền Ngọc Sơn về kể gửi xe máy ở bãi đối diện đền người ta thu tới 30 nghin đồng mỗi xe. Đồng lương hưu của tôi với bác làm sao kham nổi.
-
Chuyện này năm nào cũng bị phê phán mà sao họ vẫn lộng hành thế nhỉ?
-
Chẳng cứ gì ngày tết, ngày thường họ cũng chặt chém vô tội vạ mà có mấy khi bị xử lí đâu.
-
Chuyện chui lủi trong hang cùng ngõ hẻm không nói làm gì. Cả một bãi xe với hàng nghìn người bị chặt chém mỗi ngày mà chính quyền địa phương không biết thì vô lí quá.
-
Họ còn bận đi chúc tết, bận nhậu nhẹt, hơi đâu quan tâm đến mấy vụ lẻ tẻ đó.
-
Không lẻ tẻ như bác nghĩ đâu, mỗi ngày ở đây người ta thu được mấy chục triệu đồng đấy.
-
Thế bác nghĩ họ được ăn một mình hay sao?
-
Chuyện đó tôi không rõ, chỉ biết là hàng vạn người dân đã bị móc túi ở đây, không lẽ bó tay.
-
Để xử lí triệt để hiện tượng này không khó. Nếu bắt được bãi trông giữ nào thu quá giá qui định cứ nhè vào người đứng đầu chính quyền địa phương phạt thật nặng. Nếu để tái phạm thì cách chức, đâu sẽ vào đấy ngay thôi.
Cận