Thứ Ba, 17 tháng 3, 2009

Ngấm ra phết

-Kẻ nào không trân trọng quá khứ, kẻ đó sẽ bị tương lai nhổ vào mặt- Bác Cả chân quê đẩy cửa bước vào, miệng lẩm bẩm, triết lý.
-Thôi nào, em xin! Sớm tinh mơ mà đã tức giận là không tốt cho sức khoẻ đâu- Bà Phó Đoan vỗ về- Có gì bức xúc nói cho em nghe với.
-Cô xem, kỳ thi vừa rồi, có tới hơn 95% học sinh thi môn Sử dưới 5 điểm. Trong đó có hàng nghìn em đạt không điểm
- Thật hả bác? Sao bây giờ học sinh dốt thế nhỉ?
- Ai bảo cô lỗi do học sinh? Cô phải nói là đội ngũ soạn sách giáo khoa dốt mới đúng chứ.
-Bác cứ nói đùa. Người soạn sách giáo khoa toàn cây đa cây đề, toàn giáo sư đầu ngành cả đấy. Sách họ soạn ra bao giờ chẳng là “khuôn vàng thước ngọc.”
-Vấn đề là chúng ta thiếu cái tâm của người cầm bút. ở đời mà “hễ thấy hơi đồng là mê” thì khó viết được cái gì tử tế lắm.
-Vậy thì viết lại sách giáo khoa, đành phải tốn kém thêm chứ biết sao bây giờ.
-Nhưng phải viết sao cho hợp lý, hợp với lứa tuổi các em. Dứt khoát phải bỏ kiểu liệt kê sự kiện, bỏ sự tuyên truyền sáo rỗng ta nhất định thắng, địch nhất định thua cũ rích ấy đi. Viết sao phải để học sinh dễ nhớ, dễ lưu truyền.
-Thì viết theo lối thần thoại, truyền thuyêt của dân gian ấy. Từ bé nghe chuyện Thánh Gióng nhổ tre đằng ngà quật vào đầu giặc, rồi chuyện Lê Lợi mượn gươm thần rùa đánh quân Minh, rồi chuyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, đến giờ em vẫn nhớ như in.
-Nghe được đấy. Còn cách nào nữa không?
-Thiếu gì cách- Xuân Tóc đỏ từ nãy vẫn ngồi trong góc tối giờ mới chen vào- ở bên Mỹ người ta in sử của dân tộc họ lên những cuộn giấy vệ sinh, mỗi ngày nhẩn nha một tý, thế mà ngấm ra phết bác ạ.
- Sao cậu lại chọn nghề nhặt bóng tenis nhỉ- Bác Cả trầm ngâm hỏi rồi lại tự trả lời- Cậu phải là trưởng ban soạn thảo sách giáo khoa mới đúng chứ.

Nhầm chỗ

-Chã, lấy sách vở ra học bài đi- Bà Phó Đoan bảo con.
-ứ…ừ… Em chã thích học đâu
-Không học để lớn lên đi ăn mày à. Đưa sách đây mẹ hỏi nào: Con hãy cho biết Bà Triệu là người thế nào?
-Thì…thì… là em Hai bà Trưng.
-Vớ vẩn, ai bảo con thế? Thế Lý Công Uẩn là ai?
-Thì… là anh của Lý Thường Kiệt
-Trời ơi! Tốn bao tiền của mà con học hành thế này à? Mang cái roi lại đây.
-Em chã…mẹ có đánh chết, con cũng chã đi học nữa đâu.
-ở trường có đứa nào bắt nạt con à?
-Chã phải, sách viết khó hiểu lắm, học cả đêm mà chã nhớ được gì.
Thấy bà Phó Đoan vung roi định đánh con, bác Cả Chân quê và Xuân tóc đỏ chạy vội vào can:- Thôi nào, anh xin! Có phải chỉ mình thằng Chã chán học đâu. Hàng chục nghìn đứa khác cũng đang bỏ học vì sách giáo khoa kia kìa.
-Chị biết không- Xuân tóc đỏ chen vào- Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa rồi có tới hơn 95% học sinh đạt điểm dưới 5 môn Sử đấy.
-Sao học sinh bây giờ dốt thế nhỉ?
-Không phải tại học sinh, mà là đội ngũ soạn sách giáo khoa có vấn đề
-Nếu vậy thì biết trông vào đâu bây giờ? Vậy thì viết lại sách giáo khoa.
-Tât nhiên rồi. Vấn đề là, phải dứt khoát thay người soạn khác, phải bỏ lối liệt kê sự kiện, viết sao để dễ nhớ, dễ lưu truyền- Bác Cả nói
-Thì viết theo lối thần thoại, truyền thuyết dân gian ấy. Hồi bé nghe chuyện Thánh Gióng nhổ tre quật vaò đầu kẻ thù xâm lược, chuyện Lê Lợi mượn gươm thần rùa, chuyện cậu bé Trần Quốc Toản vì căm thù giặc mà bóp nát quả cam… đến giờ em vẫn nhớ như in
Thấy Xuân tóc đỏ định liệt kê thêm, bác Cả xua tay:-Thôi được rồi! Xuân này, sao cậu lại theo nghề nhặt bóng tenis nhỉ? Chỗ của cậu phải là trong ban soạn thảo sách giáo khoa mới đúng chứ.

Một thoáng hương lòng



Mấy bữa nay trời Sài Gòn khá dịu mát, đêm trời còn se lạnh. Không có việc gì làm, đành ngồi nhâm nhi li cà phê nơi quán cóc đối diện Nhà thờ Đức bà. Hình như mấy dãy phố nơi đây dành cho công sở, không thấy nhiều hàng quán ồn ào thường thấy ở thành phố này. Người qua lại ai cũng vội vàng, tất bật. Bỗng thấy mình lạc lõng, chợt dậy lên nỗi nhớ nhà.
Cà phê Sài Gòn nhạt quá, thoang thoảng mùi gạo rang. Dưới đáy chiếc li đầy đá là lớp đường óng ánh để cả ngày vẫn không tan hết. Chẳng giống với cà phê Hà Nội, chỉ là một lớp mỏng nhưng đặc sánh, người không quen nhấp một ngụm thấy nôn nao, suốt buổi vẫn thấy váng vất, ngạt ngào. Người Hà Nội không thích cà phê tan, cà phê công nghiệp, mà dùng tới đâu xay tới đấy. Như thế mới tạo được hương vị riêng, mới cuốn hút, gây nghiện được đối với dân sành sỏi. Chẳng thế mà những cà phê Lâm, cà phê Hói, cà phê Nhân luôn có lượng khách đông đảo trung thành hàng chục năm. Người Hà Nội không uống hai li cà phê mỗi ngày, và không bao giờ coi thứ đồ uống này là nước giải khát. Đang nghĩ miên man bỗng đâu hiện ra một cô gái, khó đoán đã bao nhiêu tuổi. Cô mặc bộ đầm sẫm màu lịch lãm, cổ không cài kín như nhũng cô thư kí ngồi phòng máy lạnh, nhưng cũng không quá trễ nải, lả lơi. Cô ghé vào sạp sách báo cạnh đó trầm ngâm một hồi rồi chọn lấy một quyển, đứng nép sau lưng bà chủ quầy báo, chậm rãi lần giở từng trang, thỉnh thoảng hé làn môi hồng, tủm tỉm. Gió thổi bay làn tóc, cô khe khẽ dùng ngón út vén lên qua tai, cái đầu nghiêng nghiêng, đôi mắt thỉnh thoảng ngước lên dõi về nơi xa ngút. Cô đẹp quá và có vẻ không thích hợp với khung cảnh nơi đây. Sự nhàn tản thế này chỉ con gái Hà Nội mới có. Còn nhớ hồi chiến tranh, có lần đến thăm một đơn vị chiến đấu ngoài bãi sông Hồng. Đứng bên ụ pháo là một cô gái vai đeo súng trường, trên vành tai nhỏ xinh gài một bông hồng trắng muốt. Dù luôn phải ngược xuôi tiếp đạn cho đồng đội, bông hoa vẫn không gãy, không dập dù là một cánh nhỏ. Với những con người như thế này tại sao lại phải âu lo về tương lai nhỉ.
Cô gái nói với người chủ sạp vài câu, xin mảnh giấy báo gói cuốn sách lại rồi cẩn thận đặt vào cái xắc đeo hững hờ trên vai. Ôi giọng nói nhẹ nhàng, gọn gàng, đầm ấm của người con gái Hà Nội lâu lắm rồi mới được nghe. Nó như cơn gió thoảng, không vấp, không vội, đứng xa nghe vẫn rõ từng lời. Con gái Hà Nội ít khi mua mấy cuốn một lúc, không sỗ sàng ném sách lên giỏ xe. Họ thưởng thức sách và lấy làm hạnh phúc khi được lang thang giữa rừng chữ nghĩa. Rồi cô đi, cũng nhẹ nhàng như khi đến. Nắng ùa theo cô, quấn lấy đôi chân mảnh dẻ, thẳng tắp. Bộ đầm cô mặc ôm khít lấy thân hình thon thả, không quá ngắn để khêu gợi, không quá chật để khiêu khích, ẩn hiện những đường cong tuyệt mỹ. Các cô gái Hà Nội khi ra phố ít mặc những bộ đồ có quá hai màu. Với họ, quần áo không nhất thiết phải quá phẳng phiu, dễ làm cho con người trở nên cứng nhắc, nhưng cũng không được quá nhàu nhĩ, cẩu thả. Có vậy, họ mới làm chủ được mình, không lệ thuộc vào trang phục. Cô đi nhanh nhưng vẫn thanh thoát, uyển chuyển, không một chút vội vàng, hấp tấp, nét sang trọng như hòa vào với sự sôi nổi, trẻ trung. Nỗi nhớ Hà Nội cuộn thắt lồng ngực. Không hiểu ngoài ấy còn bao nhiêu cô gái gốc Hà Nội nhỉ? Sao bỗng thấy đôi chân nặng trĩu, chỉ muốn nằm vật ra giường ngủ một giấc cho quên đi nỗi nôn nao trong lòng.

Trần Hoàng

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2009

Phải hoãn đám cưới

-Nghe nói sắp tới bác tổ chức đám cưới cho con trai phải không? Chắc sẽ linh đình lắm?
-Nhà nghèo tiền đâu ra mà đình đám.
-Bác vốn kĩ tính, chắc con dâu của bác phải chuẩn lắm.
- À cũng tạm. Được cái cao ráo, lưng ong, hông nở, mặt mũi dễ nhìn, có dáng mắn đẻ. Gia cảnh cũng khá, tính tình hiền lành, biết yêu thương mọi người.
-Người như vậy hiếm có đấy, nhưng vẫn chưa đủ.
-Ý bác là…?
-Tiêu chuẩn quan trọng nhất của con gái thời nay là phải có đủ sữa để nuôi con, con dâu tương lai của bác có đáp ứng được điều đó không?
-Làm sao mà tôi biết được, sữa hộp bây giờ tràn ngập thị trường, nuôi con bằng mấy thứ đó cũng tốt chứ sao.
-Bác dễ dãi quá. Bác có biết vừa rồi cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt hãng sữa nổi tiếng có độ đạm thấp hơn hàng chục lần quảng cáo trên bao bì không?
-Vậy à? Thảo nào mà dân mình suy dinh dưỡng nhiều thế, đi đến đâu cũng gặp người đầu to, chân vòng kiềng, da xanh như đít nhái. Nhà chức trách xử lí vụ sữa thiếu độ đạm thế nào rồi?
-Chưa thấy động tĩnh gì, nghe nói chỉ phạt hành chính, tịch thu và tiêu hủy lượng sữa không đạt chuẩn thôi
-Như vậy đâu có được. Đây đâu phải lỗi vô tình hay do kĩ thuật, mà là cố tình ăn bớt, quảng cáo dối trá, phải qui vào tội trộm cắp và lừa đảo mới đúng chứ
-Bác nói đúng ý tôi quá, nhưng việc truy tố các hãng sữa khó lắm. Họ mà đóng cửa nhà máy thì dân mình lấy đâu ra sữa mà uống
-Vậy thì phải quản lí chặt vào chứ
-Được thế thì còn gì bằng. Ở nước mình, hàng lậu, hàng dởm, hàng kém chất lượng tràn lan, quản sao cho xuể. Gần đây nhiều hãng sữa tuyên bố tăng giá đấy, bác làm gì được họ nào?
-Họ dám thách thức thế cơ à?
-Thách thức hay không chưa rõ, nhưng họ rất biết khai thác tâm lí người tiêu dùng. Sữa cũng như điện, nước, xăng dầu, là những mặt hàng thiết yếu, tăng thế chứ tăng nữa người dân vẫn phải bấm bụng mà mua.
-Nghe bác nói mà tôi thấy buồn quá. Thôi chào bác, tôi phải đi tìm đứa con dâu tương lai đây
-Để làm gì vậy?
-Tôi phải hỏi cho rõ liệu nó có đủ sữa nuôi con không. Nếu không thì dứt khoát phải hoãn đám cưới thôi. Chào bác nhé|
Cận

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2009

Làm phúc khó lắm

-Hai ông cháu đi đâu về mà tay xách nách mang vậy?- Thấy ông Viễn và đứa cháu nội ôm đống phao đi ngang qua cửa, ông Cận hỏi
-Ông cháu tôi vừa tập bơi về - Ông Viễn miễn cưỡng trả lời
-Sao hồi trẻ bác không tập, giờ gân chùng gối mỏi rồi lại nảy sinh tình yêu với sông nước thế?
-Ông cháu tôi tập bơi là để phòng thân thôi
-Ở thành phố sông ngòi có còn đâu mà bác lo
-Có ai biết trước được điều gì, gặp phải trận lụt như năm ngoái là dễ lên nóc tủ ngồi buôn hoa quả lắm
-Hôm vừa rồi chứng kiến cái cảnh cháu bé 9 tuổi gày gò đưa thằng em 6 tuổi đến trường trên chiếc thuyền mỏng manh như lá lúa vượt qua con sông rộng mấy cây số mà tôi xúc động quá
-Chết, bậc làm cha làm mẹ nào nỡ để con đối mặt với đầu sóng ngọn gió vậy?
-Nào ai muốn như thế, cha mẹ còn phải chạy bữa ăn hàng ngày, sức đâu lo cho con cái.
-Đã có bao vụ chìm đò, hàng trăm học sinh vô tội làm mồi cho Hà Bá, chẳng lẽ họ không biết hay sao?
-Nhưng thời buổi này mà mù chữ còn khổ hơn, đứa nào vượt được sóng dữ học lấy con chữ sau này thường vững vàng hơn trong cuộc sống.
-Sao bọn trẻ không sử dụng cầu nhỉ?
-Cả nước mình có hàng trăm con sông, tiền đâu mà làm lắm cầu thế?
-Nhà nước không đầu tư được hết thì phải có cơ chế huy động sức dân chứ. Vừa rồi ở Cà Mau một nông dân bỏ ra hơn hai tỷ đồng làm cầu cho bà con đấy.
-Nhiều người cũng muốn làm việc thiện, nhưng thủ tục để làm một cây cầu nhiêu khê lắm. Hết cơ quan kiểm định chất lượng đến đơn vị cấp phép đến hỏi han, có khi cả năm trời chưa xong. Nhiều Mạnh Thường Quân đã phải chạy mất cả dép. Làm phúc cũng khó lắm bác ạ.
-Vậy bác có cao kiến gì không?
-Nếu có thì ông cháu tôi đã không phải đi học bơi
-Đúng là có thân thì phải lo. Mai bác đi tập bơi nhớ rủ tôi với nhé
Cận