Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Thật là trái khoáy



-       Chưa bao giờ tôi có được cảm xúc yêu đất nước mình sâu sắc như lúc này.
-       Trong số gần 90 triệu người Việt có ai không yêu nước, lại mới được tăng lương hưu nên dạt dào quá phải không?
-       Một tổ chức quốc tế vừa xếp Việt Nam vào nhóm 20 nước đáng sống nhất thế giới đấy, đúng là tôi với bác đang sống ở chốn thiên đường mà không biết, thật đáng trách quá.
-       Ra đường thì kẹt xe,  ô nhiễm môi trường, đồ ăn thức uống thiếu an toàn, đi xin học cho con phải chen lấn từ 1giờ đêm… sung sướng gì chứ.
-       Không lẽ nước ngoài họ nhầm, họ đã xếp một nước Việt Nam nào đó trong dải Ngân Hà xa xôi vào bảng xếp hạng?
-       Họ không nhầm đâu. Họ coi mảnh đất này là nơi đáng sống nhất không phải là cho chúng ta, mà là dành cho chính họ.
-       Sao lại thế, bác lí giải khó hiểu quá?
-       Này nhé, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ được hưởng mức lương rất cao, trong khi ở nước họ, muốn ăn mấy cọng hành thôi cũng mất vài đô la, thuê một người giúp việc cũng mất mấy chục triệu đồng mỗi tháng, ăn một xuất KFC mất hơn chục Euro, trong khi những thứ này ở Việt Nam rẻ như bèo. Chính vì thế nhiều chuyên gia nước ngoài phải “chạy” mới được sang Việt Nam làm việc đấy.
-       Sao ở Việt Nam mọi thứ đều rẻ thế nhỉ?
-       Nhân công rẻ mạt, công nghệ lạc hậu, tài nguyên phong phú chỉ việc xúc lên ăn thì làm gì chẳng rẻ, trong khi đồ xa xỉ như ôtô, đồ điện tử lại đắt nhất thế giới. Trái khoáy thế bảo sao không bị thiên hạ lợi dụng chứ.

Cận   

Lo cho chiều cao giống nòi.

           

-       Mười năm trời mà người Việt mình chỉ cao thêm được có 1 cm bác ạ.
-       Bác nói thế nào ấy chứ, ra đường thấy ai cũng cao to lừng lững mà.
-       Đấy là ở thành phố thôi, người dân vùng nông thôn vẫn thấp bé nhẹ cân lắm, chiều cao trung bình của nam là 1,64m, ở nữ là 1,53m. Như vậy 34 năm qua chúng ta chỉ tăng có 3cm.
-       Sao người mình lùn thế nhỉ, do gene di truyền à?
-       Không, chủ yếu do ăn uống với chế độ tập luyện không hợp lí.
-       Đúng thế thật, tôi thấy người nghèo, nhất là người dân vùng sâu vùng xa đói ăn kinh niên, sức đâu mà tập. Còn người khá giả ở thành thị lại ăn lấy được, nặng bụng còn đẩy tạ hay chạy bộ sao được. Vậy phải làm sao?
-       Cũng khó lắm, không thể lấy bớt của người giàu chia cho người nghèo được. Ở trường THCS Tân Dân thuộc Mai Châu Hoà Bình có thầy Hiệu trưởng Hà Mạnh Quyết nghĩ ra cách, cứ đêm đến lại đi kéo vó trên sông Đà để kiếm con cá, con ốc cải thiện bữa ăn và chiều cao cho học trò.
-       Học trò ở đây chắc lớn nhanh như thổi?
-       Đã có ai đo đâu mà biết, chỉ thấy các cháu ở đây thông minh đĩnh ngộ và có sức khoẻ hơn trẻ các vùng xung quanh.
-       Cá sông Đà là đặc sản, ngày nào cũng ăn thì làm gì chẳng giỏi giang.
-       Có nhiều thực phẩm chắc gì đã tốt, vấn đề là ý thức sử dụng thế nào cho hợp lí, hiệu quả. Giá như ở đâu cũng có những người như thầy Quyết thì lo gì chương trình cải tạo giống nòi không hoàn thành, bác nhỉ.

Cận

Chỉ được cái nói đúng

              

-       Làm lãnh đạo ở địa phương có cái Vịnh Hạ Long thật khó quá bác ạ.
-       Để có quyền, có tiền, có cái mà vây vo với bạn bè, xóm giềng, họ hàng thì đương nhiên phải khó rồi. Lãnh đạo nơi đây vừa đưa ra quyết sách gì khiến đời sống người dân được cải thiện rõ rệt hả bác?
-       Chẳng là gần đây, lãnh đạo địa phương này đã xây dựng chiến lược phát triển ngành du lịch, trong đó có cái video clip quay cảnh 9 lãnh đạo cao cấp trực tiếp “show hàng” cho tỉnh nhà. Họ đã có những cử chỉ hết sức thân thiện khiến du khách rất thích.
-       À, tưởng gì chứ cái này tôi đã xem. Chương trình Nụ cười Hạ Long quay gần chục lãnh đạo mà chỉ có 2 vị trong đó mỉm cười, số còn lại lạnh lùng như đang nghe báo cáo chứ gì?
-       Lãnh đạo thì phải nghiêm túc, ai người ta lúc nào cũng toe toét như bác.
-       Trong số này có nhiều người gọi tên danh thắng là Vịnh Hạ “Nong” đấy.
-       Ối giời, bác chỉ được cái bới lông tìm vết, đấy chỉ là những sai sót nhỏ, cái quan trọng là lãnh đạo nơi đây đã sát cánh với người dân đưa hình ảnh Hạ Long ra với thế giới.
-       Tôi đồng ý với bác, hành động của các vị lãnh đạo này về cơ bản là rất đáng khen. Họ giờ đây đã năng động hơn, can đảm rời phòng làm việc máy lạnh, bớt chỉ tay năm ngón, xông vào nơi khó khăn, chịu khổ để dân được yên giấc, được no ấm, nhưng Chương trình không có “sạn” thì vẫn hơn.
-       Thôi không tranh luận nữa. Bác chỉ được cái nói đúng là không ai bằng.

Cận

Cấm đoán phi lí



-       Trình độ tiếng Anh của người mình đã vượt qua người Anh bác ạ.
-       Thế cơ à, bác nghe thông tin từ đâu vậy?
-       Từ một cơ quan nhà nước đáng tin cậy chứ từ đâu. Người Việt ta vốn nổi tiếng thông minh nhất thế giới mà.
-       Lạ nhỉ, lâu nay chúng ta vẫn phải cử người ra nước ngoài trau dồi tiếng Anh, ở đâu đào tạo hơn cả người Anh bác chỉ chỗ cho tôi theo học với?
-       Bác không thấy trong đợt thi tuyển công chức vừa rồi, Sở Nội vụ TP.HCM từ chối nhận hồ sơ có kèm theo chứng chỉ TOEFL, TOEIC và chỉ công nhận chứng chỉ A,B,C do ta cấp đấy thôi.
-       Các văn bằng trên được cả thế giới sử dụng, giờ chứng chỉ Việt Nam lại vượt qua được họ thì lạ nhỉ. Hay các lớp tiếng Anh của chúng ta do các thầy trên sao Hoả xuống dạy nên tiến bộ nhanh thế?
-       Tôi cũng không rõ, nhưng có thể các loại chứng chỉ do nước ngoài cấp hay bị làm giả nên người ta không thừa nhận.
-       Bác nói thế khó khó nghe quá. Lâu nay chúng ta chỉ nghe chuyện bằng cấp Việt bị làm giả chứ mấy khi phát hiện được các cơ sở đào tạo uy tín thế giới làm chuyện đó.
-       Thì cứ cấm trước đi cho chắc ăn.
-       Lại thêm một trường hợp không quản được thì cấm. Nếu cứ cấm mãi thế này thì còn ai dám chơi với ta nữa.

Cận

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Vơ đũa cả nắm

           

-       Bác hiểu thế nào là Nhà giáo Nhân dân?
-       Đấy là những người từ nhân dân mà ra, cả đời tận tuỵ, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
-       Đúng vậy. Gần đây Nhà nước mới kí quyết định phong danh hiệu này cho hang trăm người, dự báo ngành giáo dục đang chuyển mình bác nhỉ?
-       Không hẳn thế đâu. Những Thầy hàng ngày lên bục giảng không nói làm gì, những người làm quản lí, họp hành suốt ngày, lên lớp vào lúc nào mà cũng được công nhận.
-       Thì họ dạy vào lúc nửa đêm. Lúc đó môi trường trong lành mát mẻ hơn nên thầy có nói nhiều cũng đỡ viêm họng, trò tiếp thu bài cũng tốt hơn.
-       Thôi xin, khối ông bảy-tám mươi tuổi mới kiếm được danh hiệu chỉ treo trên tường để ngắm, để khoe với hàng xóm, bạn bè, con cháu, còn hơi sức đâu mà dạy với dỗ.
-       Bác là chúa hay “vơ đũa cả nắm”. Ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có Nhà giáo Nhân dân đã hơn 90 tuổi rồi mà vẫn đều đặn lên lớp, viết hơn trăm cuốn sách đấy thôi.
-       Thật sao, nếu vậy thì đáng ngưỡng mộ quá. Nhà Thầy này chắc nhiều sâm nhung nên sức lực mới dẻo dai thế.
-       Trái lại, nhà Thầy rất thanh bần, bữa ăn của Thầy rất đạm bạc. Có được đồng nào thầy làm từ thiện hoặc giúp học trò cả.
-       Như tiên ông ấy nhỉ, người như thế giờ hiếm lắm đấy.

Cận