Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Thiên biến vạn hoá

  

-       Bác chuẩn bị đi đâu mà mặt mũi hớn hở thế?
-       Cơ quan tất niên mình phải dự chứ. Chẳng mấy khi được ăn uống thả cửa, tội gì bỏ hả bác.
-       Nghe nói đã có văn bản nhà nước cấm không được dùng tiền ngân sách nhà nước để quà cáp, tiệc tùng dịp tết mà?
-       Cấm thì cứ cấm, có mấy ai thực hiện đâu. Riêng tôi mấy hôm nay đã phải thay mặt cơ quan đi biếu hàng chục phong bì các cơ quan cấp trên, mỗi cái rẻ rúng cũng 500 nghìn đồng.
-       Có vị lãnh đạo công bố trên báo chí là dùng 1 nghìn đồng ngân sách để mua quà biếu thôi cũng là vi phạm phải xử lí nghiêm. Đơn vị của bác biếu nhiều thế tội to lắm đấy.
-       Nhưng cũng chính vị này lại nói “tặng nhau cành đào, cây quất thì không vi phạm gì”, thật mâu thuẫn quá.
-       Cây cảnh giá trị chẳng đáng là bao, trưng bày công khai, mấy ngày là tàn, có tích luỹ làm giàu được đâu mà lo?
-       Bác nhầm rồi, có những gốc mai, gốc đào hàng trăm triệu đồng, người ta chỉ cần biếu một cây, chiều sẽ có người đến năn nỉ mua lại giá gấp nhiều lần. Như thế có gọi là hối lộ không nhỉ
-       Chẳng lẽ hành vi tham nhũng, hối lộ giờ tinh vi đến thế sao?
-       Trò đó xưa như trái đất rồi. Bây giờ hối lộ thiên biến vạn hoá lắm. Tốt nhất là cấm tiệt, không biếu xén gì hết. Quí nhau thì trao nụ hôn là được rồi.

Cận

Quan” xã biết lo xa



-       Hoá ra vẫn còn nhiều “quan” xã tử tế biết chăm lo cho người dân bác nhỉ.
-       Bác lại mới phát hiện cán bộ nào cõng cụ già qua vùng lũ hay đêm hôm bỏ vợ con ở nhà đi tuần canh cho dân yên giấc à?
-       Không phải, có ông “quan” ở xã Trịnh Xá thành phố Phủ Lý Hà Nam lâu nay âm thầm tìm cách để người dân, nhất là người tàn tật nặng hạn chế ăn mì tôm nhằm đảm bảo sức khoẻ.
-       Thế ông ta đổi cháo gà lấy mì à?
-       Làm gì có chuyện ấy, ông ta giấu béng đi.
-       Làm thế nào mà ông ta tịch thu được mì của dân nhỉ?
-       Chẳng là thế này, trước đây người tàn tật nặng được nhà nước trợ cấp cho 180 nghìn đồng một tháng sau tăng lên 270 nghìn đủ để ăn 3 gói mì một ngày. Chế độ mới được áp dụng đã lâu nhưng viên “ quan” này vẫn chi theo mức cũ, có nghĩa ông ta bớt của mỗi người tàn tật 1 gói/ ngày.
-       Chắc ông ta lo người dân ăn nhiều mì sẽ nóng bụng, lâu tiêu, đêm khó ngủ ảnh hưởng đến sức khoẻ thôi.
-       Nếu vậy thì phải trả cho người tàn tật tiền để họ thuốc men, sao lại mang về làm sân, xây nhà?
-       Bác chẳng hiểu gì cả, ông ấy làm nhà to là để khi trời nóng bức, người tàn tật sang đó trú ngụ, tha hồ bật điều hoà cho mát. Mọi người phải cám ơn ông ta mới đúng chứ.

Cận

Phải rất thận trọng



-       Hôm vừa rồi ở Bắc Ninh vẫn diễn ra tục chém lợn, bất chấp sự phản ứng của dư luận bác ạ.
-       Họ có lợn thì họ chém, mắc mớ gì đến ai.
-       Nhưng nhìn dã man lắm. Con lợn bị trói ngửa 4 chân, một người cầm thanh đao dài chém hai nhát đứt đôi, máu phun phè phè, rợn cả người.
-       Bác uỷ mị quá. Việc này khác gì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn Hải Phòng. Có lần tôi chứng kiến một con húc lòi ruột đối thủ khiến hàng nghìn người đứng xem hò reo tưng bừng.
-       Đấy là do hai con trâu tự chọi nhau, con người đâu có nhúng tay vào.
-       Bác nói thế sai rồi. Dù tham gia gián tiếp hay trực tiếp thì những sự việc đó cũng chỉ để nhằm thoả mãn tính ưa bạo lực của một số người.
-       Sao không cấm tiệt những trò đó đi?
-       Không đơn giản như bác nghĩ đâu. Cái gì đã trở thành tập tục, thành truyền thống lâu đời của địa phương nếu bị cấm người dân sẽ tổ chức chui, lúc đó còn nguy hiểm hơn.
-       Bác ủng hộ trò đổ máu này sao?
-       Tôi có nói vậy đâu. Vấn đề là chúng ta phải rất thận trọng khi đưa ra quyết định, cần tuyên truyền, động viên người dân xoá bỏ dần những hành vi mê tín dị đoan, những thứ làm hạ thấp nhân phẩm con người, khuyến khích, đầu tư để họ phát huy những hành động cao đẹp. Có thế chúng ta mới sớm hội nhập được với văn hoá thế giới.

Cận

Như thời trung cổ

             

-       Sao dạo này cái gì cũng phạt bằng tiền thế nhỉ?
-       Giáo dục mãi không được thì phải dùng biện pháp mạnh chứ.
-       Vấn đề là “hội chứng phạt tiền” giờ còn lan cả vào trường học nữa.
-       Các cháu còn nhỏ đã đi làm đâu mà có tiền nộp phạt.
-       Thì “ nã” phụ huynh.
-       Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong tất cả các bộ luật ở Việt Nam không có cái nào cho phép nhà trường phạt tiền học sinh cả, bác có bịa không đấy.
-       Bịa là bịa thế nào. Tại trường THPT Ngô Thời Nhiệm ở thành phố Mới thuộc tỉnh Bình Dương có hai giáo viên đã áp dụng hình thức phạt tiền đối với học sinh nếu bỏ giờ phụ đạo.
-       Chắc chỉ phạt vài đồng để các cháu sợ thôi, đáng là bao đâu.
-       Ai bảo bác thế, mỗi lần phạt là 100 nghìn đồng. Đối với các gia đình làm nông nghiệp, số tiền này là không nhỏ đâu.
-       Thì số tiền đó dùng để mua sách tặng học sinh nghèo cũng tốt mà.
-       Làm gì có chuyện đó. Số tiền phạt này bỏ vào con lợn đất để cuối năm liên hoan.
-       Thế nhỡ các cháu không có tiền nộp phạt thì sao?
-       Thì được thay thế bằng… đánh đòn.
-       Thời buổi này mà vẫn còn cách thức giáo dục thời trung cổ thế ư. Thế lãnh đạo nhà trường không có ý kiến gì sao?
-       Tất cả đều im thin thít. Chắc họ cũng sợ bị phạt.

Cận

Kiến nghị là phải thiết thực



-       Sắp tới các hãng rượu sẽ phá sản hàng loạt…
-       Căn cứ vào đâu mà bác nói vậy?
-       Vừa rồi có vị lãnh đạo ngành giao thông kiến nghj tịch thu phương tiện của người có nồng độ cồn cao đấy thôi. Nếu áp dụng biện pháp này, đố anh nào dám uống rượu nữa, các cửa hàng bia rượu đóng cửa là cái chắc.
-       Tịch thu phương tiện giao thông là vi phạm Luật Sở hữu tài sản đấy.
-       Xe chở hàng lậu vẫn bị thu giữ đấy thôi.
-       Chở hàng lậu là tội, uống rượu say chỉ là lỗi. Nếu uống rượu say gây chết người thì lúc đó mới là tội, mới được tịch thu phương tiện phạm tội.
-       Rắc rối nhỉ. Tịch thu phương tiện của người say rượu chỉ là biện pháp ngăn chặn, răn đe trước thôi mà.
-       Phạt thật nặng, bắt buộc phải lao động công ích không được trả thay bằng tiền, theo tôi chính là biện pháp răn đe hiệu quả nhất.
-       Công nhân trong nhiều công xưởng còn ngồi chơi dài, lấy đâu ra việc cho mấy ông say?
-       Bác không phải lo, bắt những kẻ uống rượu còn ngồi sau tay lái đi nạo vét sông Tô Lịch, quét lá rụng trong công viên, dọn nhà vệ sinh công cộng.
-       Họ đeo khẩu trang thì ai nhận ra đâu mà ngượng.
-       Bắt họ đeo biển ghi tên, địa chỉ, cơ quan công tác rồi quay phim, phát trên truyền hình là “tởn” ngay.
-       Làm thế có vi phạm nhân quyền không?
-       Các nước văn minh họ làm thế cả, lo gì.

Cận