Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Không được phép đâu nhé!



- Bực quá bác Viễn ạ, mất 15 phút mới sang đường được, đã thế còn bị mấy thằng choai choai chửi là đồ mù dở nữa chứ!
- Tại bác cứ thích nhông nhông ngoài đường cơ. Như tôi suốt ngày đóng cửa chít chát trong nhà nên có gặp chuyện khó chịu bao giờ đâu?
- Thì cũng phải ra ngoài giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sống chứ.
- Đâu đâu cũng gặp lũ nghiện ngồi gãi cho nhau trên hè, cứ tôi đến là lũ gái mại dâm lấp ló làm thơ dưới tán bằng lăng, điếu thuốc vừa đưa lên miệng, chưa kịp châm lửa đã bị mấy thằng du đãng cướp mất thì ra đường làm gì cho tai hoạ ám vào thân.
- Thì cũng phải cho tôi ra chợ mua mớ rau con cá chứ!
- Ai cấm đâu, chỉ có điều, ra khỏi nhà là bác phải thuê 4 vệ sỹ đi xung quanh, nếu có gặp tai nạn giao thông sẽ không chết được đâu, chỉ bị thương thôi.
- Với mớ lương hưu ít ỏi, đôi vợ chồng già sống còn chật vật, lấy đâu ra mà thuê vệ sỹ?
- Ai bảo bác thuê vệ sỹ “xịn”, thuê sinh viên nghèo lên thành phố học ấy. Cái đám này chỉ cần có chỗ ngủ, ngày vài bát cơm là tốt rồi. Cho ăn ngon một chút là chúng trung thành lắm!
- Nếu rẻ thế thì thuê hẳn 8 thằng cho yên tâm. Này bác, anh em mình khoẻ mạnh khi ra đường còn run, không hiểu những người tàn tật thi đi lại thế nào nhỉ?
- Đã què, đã mù, lại còn câm điếc thì ra đường làm gì. Sáng mắt còn chết như ngoé, nữa là…
- Ô hay, cái bác này! Thì họ cũng phải ra ngoài kiếm sống chứ?
- Hàng tháng họ đã nhận tiền trợ cấp của Nhà nước rồi còn gì.
- Nhưng ít quá, không đủ chi dùng
- Đã tàn tật rồi nên ăn ít thôi. Người đời ăn thịt thì mình ăn rau, nhớ ăn khoai ăn sắn nhiều vào, nhất là đừng có đú đởn bia rượu sẽ không lo thiếu thốn đâu.
- Nhưng họ cũng phải đi đám cưới, đám hỏi, thăm thú bạn bè chứ?
- Nếu bần cùng phải ra đường, người tàn tật phải liên kết với nhau. Ông mù cõng ông què, chỉ hướng đi cho ông mù. Nếu có mấy ông câm điếc đi trước mở đường thì có thể yên tâm sẽ đi đến nơi, về đến chốn
- Nhỡ ông mù bận hay ốm thì tất cả phải ở nhà à.
- Đã mù mà còn đòi ốm nữa à, không được phép đâu nhé!
Cận

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Học làm Tắc-Zăng


- Bác Viễn này, tôi đi Tây Nguyên vài tháng nên sang tạm biệt bác đây.
- Vào đó nghe cồng chiêng, nhấm nháp li cà phê buôn Hồ, ngắm mấy cô sơn nữ tắm dưới suối thì khác gì thiên đường. Bác định thăm thú địa phương nào vậy?
- Tôi tới Kon Tum học nghề chứ có đi du lịch đâu.
- Sắp xuống lỗ rồi còn học nghề làm gì, lương hưu không đủ sống à?
- Tôi học nghề để phòng thân chứ không nhằm kiếm tiền.
- Học võ cũng hay. hễ ra khỏi nhà gặp đám ba trợn, phải có “nghề” mới trừng trị cái đám này được.
- Không phải, xương cốt rệu rã hết cả rồi, học võ ông thầy lẳng cho một cái thì có mà tan nát đời trai à.
- Vậy có lẽ bác vào đó học cưỡi ngựa bắn cung, cái món này người miền núi giỏi lắm đấy!
- Bắn cái con khỉ, ngựa đem nấu cao cả rồi còn đâu mà cưỡi.
- Không lẽ bác vào đó để học “hô phong hoán vũ”, biến gió Lào thành mưa.
- Tôi học làm Tác-zăng, trèo cây, đu dây.
- Nếu chỉ học có vậy thì ra công viên tập cũng được, việc gì phải vào tận trong đó.
- Chỉ Kon Tum mới có thầy giỏi. Người dân dọc hai bên bờ sông Pô-Kô hàng ngày đi làm rẫy, đến trường, đưa người ốm vào viện… đều phải qua sông bằng cách đu dây nên họ thành thạo lắm!
- Sao nghịch dại thế, cầu đâu mà họ không sử dụng?
- Làm gì có, lũ về quét sạch cầu treo, cầu khỉ rồi!
- Thế nhỡ đu được đến giữa sông dây đứt thì sao?
- Thì lên nóc tủ buôn hoa quả chứ sao nữa, có thế mà cũng hỏi.
- Đi được nửa đường, dòng dọc bị kẹt thì làm thế nào?
- Thì chịu khó ôm bạn gái lơ lửng giữa trời, thú vị quá còn gì, đợi lũ rút sẽ có người ra cứu.
- Bác ở thành phố có thiếu cầu đâu mà học đu dây?
- Mùa mưa sắp đến rồi, đâu đâu cũng chìm trong biển nước. Cứ buộc sẵn sợi cáp nối hai nhà với nhau, sáng sáng tôi chỉ việc đu dây sang nhà bác uống trà, tiện quá còn gì!
- Nhưng tôi có biết đu dây đâu.
- Thì vào Kon Tum mà học.
Cận

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Nước mắt rùa đá



- Bác Viễn mua làm gì nhiều mũ bảo hiểm thế, đầu cơ để dùng dần à?
- Bậy nào, mũ này là dành cho các cụ rùa đá ở Quốc tử giám đấy!
- Các cụ có ra đường bao giờ đâu mà phải đội mũ.
- Mùa thi sắp đến rồi, sĩ tử tới Quốc tử giám xoa đầu các cụ rùa cầu may rất đông, khiến tóc các cụ không mọc nổi.
- À, tôi hiểu rồi, bác dùng mũ bảo hiểm xe máy chụp lên đầu các cụ để sĩ tử chỉ xoa được lên lớp nhựa, tránh làm mòn da đầu và hệ thần kinh trung ương chứ gì?
- Đúng vậy, có làm thế này mới giữ được di tích cho muôn đời sau
- Mỗi năm, trước mùa thi có vài ngày học sinh mới tới đây xoa lên đầu các cụ với ước ao đỗ đạt, thành tài, hỏng làm sao được.
- Nhưng xoa mãi rồi đầu rùa sẽ mòn đi, còn gì là di tích nữa.
- Tay học sinh cả đời cầm bút, mềm mại như lông ngỗng, chứ có chai sần như mấy ông cửu vạn đâu mà xước xát. Cái đám sĩ tử cũng vuốt ve nhẹ nhàng lắm, có đứa nào đấm đá, cấu véo đâu mà sợ hỏng.
- Nước chảy đá mòn nữa là….
- Thôi đi bác, tôi lại nghĩ khác, cần phải khuyến khích các cháu tới đây cầu xin tổ tiên phù hộ cho việc học. Nhờ những việc làm như thế này mới gây dựng nên được truyền thống hiếu học trong dân chúng.
- Nhưng đây là mê tín dị đoan…
- Không phải mê tín nào cũng có hại đâu bác ạ. Tổ tiên chúng ta cứ đến đầu năm là lập đàn tế Nam giao, hễ đến tiết xuân là giết trâu, mổ gà làm lễ nhập điền, cầu cho mưa thuận gió hoà. Hiệu quả của việc cúng tế này có ai thấy được đâu. Cái quan trọng là nhờ đó đã gây dựng được niềm tin cho cả dân tộc, cả cộng đồng, đáng quí hơn mọi thứ trên đời.
- Nhưng sĩ tử phải chịu khó ôn luyện, không nên quá trông chờ vào thế giới thần linh.
- Đương nhiên rồi. Bác có thấy đưa học trò nào thủ thỉ với cụ rùa xong rồi về nhà nằm ngủ, chờ ngày thi không. Nhiều đứa học chảy máu mắt ra ấy chứ!
- Nhưng đây là di tích, cần phải gìn giữ.
- Thì tôi có xui ai phá hoại đâu. Có nhiều thứ đáng quan tâm hơn nhiều, nào là đạo đức học đường xuống cấp, trong gia đình thì cha không ra cha, con không ra con, chồng không ra chồng, vợ không ra vợ, ông bà thì cờ bạc, sát phạt con cháu, thầy giáo thì song phi cả vào mặt học trò… Ôi!
Cận

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

Nhức cả đầu!




- Đi vãn cảnh mà sao bác cứ phóng vù vù thế? Bác không sợ công an phạt à?
- Lo gì, tôi đang “phạt chạy” ấy mà
- Bác nói gì tôi không hiểu?
- Giống như “cưới chạy” thôi. Sắp tới, mức phạt vi phạm an toàn giao thông sẽ tăng gấp nhiều lần, ở trung tâm thành phố sẽ phải nộp phạt cao hơn ngoại thành và vùng quê. Bây giờ, nếu vi phạm còn được phạt giá rẻ, sau này sẽ không có cơ hội để được phạt “ưu đãi” nữa đâu.
- Sao ở thành phố lại phải nộp phạt cao hơn nông thôn hả bác?
- Thu nhập của dân thành phố cao hơn nên đương nhiên phải nộp nhiều hơn, thế mà cũng không hiểu.
- À, thì ra vậy. Có nghĩa là tôi nên kiếm tiền ở thành phố, còn khi ăn tiêu hay khi gây tai nạn giao thông thì cố “nhịn” ra ngoại thành hay về nông thôn, như vậy có lợi hơn?
- Đúng thế, mà gây tai nạn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo càng tốt, mức phạt còn rẻ hơn nữa.
- Nhưng tôi có “chủ động” được tai nạn đâu. Nếu tôi vi phạm ở giữa ranh giới hai tỉnh thì sao?
- Thì cố mà nhích về phía tỉnh lẻ.
- Nhưng khi gặp tai nạn gẫy chân, què tay, nằm ngất một chỗ có đủ tỉnh táo đâu mà chạy được sang vùng có giá phạt rẻ hơn?
- Tôi khuyên bác khi đã ngồi lên xe là phải chạy tốc độ tối đa, để khi gặp nạn, người và xe, theo quán tính sẽ văng mạnh sang phía tỉnh bạn.
- Phố Phạm Văn Đồng rất dài chạy qua cả quận lẫn huyện, tức là liên quan đến cả nội thành và ngoại thành, vậy nếu vi phạm luật giao thông trên tuyến đường này thì bị xử phạt theo giá nào?
- Thì tuỳ theo vi phạm ở đoạn nào sẽ phạt theo giá tiền đoạn đó, thuộc quận phải phạt nặng, thuộc huyện thì phạt nhẹ.
- Nhưng trên tuyến đường này làm gì có tấm biển nào chia ranh giới quận huyện đâu?
- Bác hỏi nhiều quá, nhức cả đầu. Gặp trường hợp như vậy thì giao cho cảnh sát giao thông toàn quyền xử lí. Nếu là hôm đẹp trời, người làm nhiệm vụ vui vẻ thì phạt nhẹ, còn hôm nóng bức, bực bội thì cứ thẳng tay phạt cho vỡ nợ mới thôi!
- Thực thi pháp luật mà cảm tính như bác thì chết dân, chẳng ai dám công khai vi phạm nữa đâu, nhưng sẽ có người lén lút chạy bừa chạy ẩu đấy!!!
Cận

Tiếc rớt nước mắt



- Bác Viễn biết không, tôi vừa phải mang ti-vi, tủ lạnh, quạt bàn, máy giặt đi gửi ở nhà mấy đứa con gái đấy!
- Sao lại thế? Trời nóng thế này không có quạt chịu sao nổi, tối đến không có cái ti-vi lấy gì theo dõi tin tức, giải trí?
- Muốn được xếp vào diện hộ nghèo thì phải chịu khổ thôi!
- Vậy còn cái nhà 5 tầng, rộng hàng trăm mét vuông đất thì tính thế nào?
- Có lẽ cũng phải đập đi, thay vào đó là căn nhà lá.
- Gì phải khổ thế, tôi thấy ở quê khối nhà có ô tô, nhà lầu mà vẫn được xếp vào diện hộ nghèo đấy thôi.
- Đấy là do họ chạy chọt được, hoặc là người nhà của quan chức địa phương. Nhà tôi có ai làm to đâu, có mỗi ông anh vợ làm cụm phó cụm dân cư thì ăn thua gì?
- Mà sao đang yên đang lành bác lại muốn làm người nghèo nhỉ?
- Bác hỏi ấm ớ quá, được coi là hộ nghèo đang là nỗi ước ao của bao người đấy. Nếu là hộ nghèo sẽ được hưởng nhiều chính sách như ưu đãi vay vốn, được trợ giúp khi thiên tai, không phải đóng góp gì cho xã hội, con cái học đại học trên thành phố được miễn học phí, thường xuyên được nhận quà cứu trợ, cái đám trộm cướp chúng cũng ít “quan tâm, chăm sóc”
- Thảo nào hôm vừa rồi đọc báo thấy dư luận xôn xao về chuyện một chị ở miền Trung xin được ra khỏi diện hộ nghèo. Nghe nói, đây là trường hợp đầu tiên có hành động dũng cảm như vậy, nhiều người tiếc rớt nước mắt, họ muốn mất tiền để được coi là người nghèo mà có được đâu
- Sao chị ấy “dại” thế nhỉ?
- Đơn giản là chị ấy thấy xấu hổ khi phải ngửa tay nhận trợ cấp của Nhà nước. Chồng mất sớm, người phụ nữ dân tộc Thái này đã cùng 4 đứa con thơ lao động cật lực để thoát nghèo. Khi gia cảnh đỡ khó khăn chị xin ra khỏi diện hộ nghèo, nhường chế độ ưu đãi cho hộ khó khăn hơn
- Một người dân tộc thiểu số mà làm được thế thì đáng nể quá. Không biết cái đám quan chức địa phương đang cậy cục để được coi là hộ nghèo có “lăn tăn” gì không?
- Đừng hi vọng gì ở cái đám đó. Đất nước ta còn lâu mới mở mày mở mặt được khi có nhiều kẻ vẫn đang “đấu tranh” để được làm người nghèo!!!
Cận