Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Làm phúc phải tội

 
-       Sao mặt mũi sưng húp thế kia, bị bạn gái “tẩn” à?
-       Được thế thì nói làm gì, tôi vừa bị một người ngã xe đánh.
-       Đi đứng ngổ ngáo, húc vào người ta là dễ bị ăn đòn lắm.
-       Không hề. Tôi đi sau người đó hơn chục mét. Bất ngờ anh ta ngã vật ra đường khi cố leo lên vỉa hè để tránh ùn tắc. Thấy đối tượng bị ngã đau tôi liền dừng xe, chạy đến đỡ dậy, không ngờ anh ta “quại” thẳng 2 cú rất mạnh vào mặt tôi.
-       Khi xốc “nạn nhân” dậy, bác có nắm vào chỗ để ví tiền của người đó không?
-       Biết họ để dâu mà nắm, tôi chỉ xốc vai thôi.
-       Vậy chắc chắn anh ta nghĩ bác là người gây ra vụ tai nạn nên “quại” lại cho hả giận.
-       Dù tôi có là nguyên nhân gây ra vụ việc thì người đàng hoàng, có giáo dục không ai ứng xử như vậy. Có ai muốn gây tai nạn đâu.
-       Chẳng qua thấy bác già nua, gày gò, ốm yếu nên anh ta hành hung thôi. Thử gặp Lý Đức hay Phạm Văn Mách xem lại chẳng cun cút chuồn thẳng ấy à.
-       Thấy đồng loại gặp chuyện không may thì giúp thôi, ai ngờ. Đúng là làm phúc phải tội.
-       Thôi bỏ qua đi, bác sang nhà tôi bóp mật gấu cho đỡ sưng. Lần sau gặp chuyện như thế phải tránh xa nghe chưa.

-       Sao bác lại khuyên tôi như thế. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, dù có  bị đánh đập tôi vẫn quyết không bỏ rơi người hoạn nạn. Có lẽ đợt này tôi phải theo học một lớp Judo bác ạ.
     Cận

Thân làm tội đời

-       Ai cho bác mấy con gà mới nở vậy, trông đáng yêu quá?
-       Mua về nuôi chứ ai cho. Tôi định tăng gia trồng rau, nuôi gia cầm trên tầng thượng bác ạ.
-       Cũng hay, đang là mốt đấy. Nhưng nhà bác có 15m2, người ở thôi đã chật, giờ thêm cái đám này nữa có chứa nổi không. Còn mùi hôi thối nữa chứ?
-       Thì phải ráng mà chịu chứ biết làm thế nào. Bẩn thỉu một tí nhưng được cái hàng ngày có thực phẩm sạch mà dùng.
-       Muốn yên tâm thì vào siêu thị mà mua đồ, việc gì phải thân làm tội đời như vậy?
-       Cũng không tin được đâu. Vừa rồi cơ quan chức năng phát hiện tại nhiều siêu thị bán hàng quá “đát”, tiêu thụ thịt và rau bẩn kia kìa.
-       Tôi tưởng mọi thứ bán ở đấy đều có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng?
-       Ôi dào, làm giả được tất. Ti -vi vừa đưa tin lực lượng công an bắt được đối tượng tự đóng dấu giả kiểm định chất lượng cho gà rồi đưa vào siêu thị. Còn ở TP.HCM, người ta mới phát hiện nhóm nhân viên thú y bảo kê cho một số cơ sở tiêu thụ gia cầm nhập lậu qui mô rất lớn.
-       Một khi lực lượng này tiếp tay cho gian thương thì người tiêu dùng không sớm mắc bệnh vì thực phẩm bẩn mới là sự lạ.

-       Nghe bác nói, đúng là khó tin vào ai. Mình phải tự cứu lấy mình thôi. Đợt này tôi cũng sẽ trồng rau, nuôi gà như bác. Nếu thu xếp được, tôi sẽ nuôi cả lợn và bò trên sân thượng, tha hồ mà ăn bít-tết, bác nhỉ
      Cận

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Qua cầu kiểu “trứng vịt lộn”


                                                                       
-       “Hôm qua em tới trường mẹ dắt tay từng bước”…ớ…ơ…
-       Sao hôm nay yêu đời thế, sáng nay bác đưa cháu đi nhập học à?
-       Vâng, nhìn các cháu tíu tít vào lớp mà lòng tôi cứ bổi hồì nhớ lại thời chiến tranh đội mũ rơm đi học, máy bay địch rít ầm ầm trên đầu, giờ vẫn thấy hãi.
-       Cứ gì thời chiến, đất nước thống nhất đã được 40 năm vậy mà ở nhiều nơi học sinh vẫn gặp muôn vàn hiểm nguy khi tới trường đấy. Bác chưa nghe chuyện cô trò ở bản Sam Lang, xã Nà Hỷ, huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên phải chui vào túi ni-lon để đến lớp sao?
-       Sao lại chui vào túi, trẻ ở đấy sợ nước hay sợ muỗi đốt à?
-       Không, chẳng là ở địa phương này không có cầu nên vào mùa lũ, giáo viên và học sinh phải chui vào túi rồi buộc chặt lại, thuê người biết bơi đẩy qua suối.
-       Thế nhỡ ra đến giữa suối túi bị thủng thì làm thế nào?
-       Phỉ phui cái mồm bác. Đến nước ấy thì đành chịu chứ biết làm sao.
-       Không hiểu người kéo tuột tay để trôi mất túi thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
-       Thì người ngồi bên trong sẽ trôi ra sông, từ sông sẽ ra biển lớn, được đi du lịch xa thế mà không mất tiền, sướng quá còn gì.
-       Chuyện “người Nhện” đu dây qua sông, giờ lại thêm hình ảnh học trò vượt suối theo hình hài “trứng vịt lộn” thế này kéo dài đã lâu mà sao cơ quan có trách nhiệm chưa thấy có động thái quyết liệt nào nhỉ?
-       Họ làm ngơ là để thầy trò có điều kiện đối mặt với hiểm nguy. Ở miền núi xa xôi cần nhất lòng dũng cảm, làm cầu thì người dân sẽ ỷ lại sẽ không rèn luyện để vượt qua thử thách nữa thì nguy to.

Cận

Bay theo làn khói phù du

          
-       Bác đi đâu mà áo quần chỉnh tề, mày râu nhẵn nhụi thế?
-       Đi thi tuyển công chức, bác cũng nên kiếm lấy một vị trí trong cơ quan nhà nước mà làm, ở nhà nhiều nó hư người ra.
-       Hơn 70 tuổi đầu rồi ai người ta nhận, có mà đăng kí thi tuyển vào Đài Hóa thân hoàn vũ thì còn may ra.
-       Thì hóa trang cho thật trẻ vào, như tôi đây này, có ai đoán tôi quá 30 tuổi đâu.
-       Còn giấy tờ chứ, bác làm sao sửa được giấy khai sinh hay hộ khẩu?
-       Làm được tất. Vừa rồi ở Bình Định người ta đã tuyển nhầm một đối tượng vốn là một trùm buôn lậu vào bộ phận… chống buôn lậu đấy thôi.
-       Thật sao! Làm gì có chuyện đó. Công việc này vô cùng nhạy cảm nên việc tuyển người diễn ra hết sức khắt khe, kẻ xấu làm sao mà lọt qua được?
-       Thế mới có chuyện để nói. Lâu nay chúng ta nói nhiều về lượng công chức, viên chức hàng triệu người nhưng làm việc hết sức yếu kém. Nhiều người được nhận vào cơ quan công quyền mà chỉ biết mỗi việc pha trà và đấm lưng cho sếp.
-       Thì ở đâu chẳng có người thế nọ, thế kia. Việc nhận nhầm người còn chưa đáng sợ bằng chuyện tin nhầm người. Hậu quả là hàng loạt tiêu cực xảy ra ở Vinashin, trong nhiều ngân hàng đã khiến hàng trăm nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân bay theo làn khói phù du. Việc nhận nhầm người thường là tiền đề cho chuyện tin nhầm bác ạ.
-       Vậy làm thế nào để nhận đúng người, đúng việc?

-       Trước hết đừng quá coi trọng bằng cấp, tuổi tác hay mối quan hệ, mà phải dựa vào năng lực thực tế trong thi tuyển. Con ông cháu cha hay con cái người ăn mày mà tài giỏi đều xứng đáng để nhận.
      Cận

Khách hàng tự chịu trách nhiệm


-       Từ nay bác không được mua thực phẩm ở chợ cóc nữa nhé, như vậy là tiếp tay cho tình trạng mất trật tự đô thị đấy.
-       Bác cứ vẽ chuyện, không mua rau cỏ thịt thà ở chợ xổm gần nhà thì mua ở đâu.
-       Chịu khó ra siêu thị cho văn minh, ai mà cũng bạ đâu mua đấy như bác thì loạn.
-       Vấn đề là siêu thị xa quá đi xe ôm ra đấy mất mấy chục ngàn đồng ai mà chịu nổi. Mà hàng hóa ở đó cũng đắt hơn ngoài chợ dân sinh nhiều.
-       Nhưng mà thực phẩm ở đấy đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
-       Cũng không an toàn như bác nghĩ đâu. Mấy bữa nay dư luận đang râm ran chuyện một số siêu thị lớn vào loại nhất nhì thủ đô bán thịt lợn nhiễm sán, nấm không rõ nguồn gốc, đưa rau không an toàn vào tiêu thụ kia kìa.
-       Làm gì có chuyện siêu thị làm ăn bừa bãi như vậy chứ. Chắc họ bày các loại thực phẩm bẩn để thử sự thông thái của người tiêu dùng đấy thôi.
-       Ai bảo bác thế. Có người mua về nhà chế biến mới phát hiện ra thịt lợn mắc bệnh.
-       Có khi siêu thị làm thế là để kiểm tra xem bụng dạ, sức khỏe người dân dạo này thế nào, sức đề kháng trước các loại mầm bệnh có cao không.
-       Các siêu thị trả lương cho bác hay sao mà bác bênh vực họ ghê vậy. Thế nhỡ ai đó ăn phải thực phẩm có chứa mầm bệnh lăn quay ra đấy thì ai chịu trách nhiệm?
-       Cứ có giấy tờ chứng minh mua hàng tại siêu thị nào thì siêu thị đó phải có nghĩa vụ bồi thường.

-       “Chờ được mạ thì má đã sưng”. Khối trường hợp người dân dùng hàng hóa của siêu thị bị ngộ độc thực phẩm mà đã thấy ông bà chủ nào bị truy tố đâu. Nếu như các siêu thị không khép chặt quản lí, thay đổi cung cách làm ăn, tôi vẫn cứ ra chợ cóc mua hàng cho nó lành, ai làm gì được nào.
      Cận

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Cán bộ phải đi đầu


-       Sắp tới có lẽ tôi sẽ về quê sống bác ạ.
-       Ở thành phố, một bước là ra đến quán phở, hai bước là tới rạp chiếu phim, bác về quê thì lấy ai chiều đến ngồi đánh cờ với tôi?
-       Nhưng tôi không chịu được cảnh hàng ngày có bao thứ quái dị cứ đập vào mắt.
-       Bác nói thế là sao, dạo này đã thấy đường thông, hè thoáng, ùn tắc và tai nạn giao thông giảm rồi. Cảnh hàng rong cũng đâu còn tràn lan như trước.
-       Đúng là những vấn đề trên đã được khắc phục cơ bản, được nhân dân rất khen ngợi, nhưng gần đây đã tái diễn tràn lan tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng ngay trên những đường phố đắt nhất thủ đô.
-       Việc đó thì ảnh hưởng gì tới bác đâu. Nhà bác rất rộng rãi thoáng mát mà.
-       Sao lại không. Hàng ngày tôi đi dưới những ngôi nhà cao 5-6 tầng mà diện tích có 4 mét vuông, thử hỏi có cơn gió thổi qua nó đổ ụp xuống đầu tôi thì sao?
-       Sống chết có số rồi, bác không phải lo. Nhà siêu méo siêu mỏng rõ ràng là làm xấu đi rất nhiều hình ảnh thành phố, sao mãi vẫn không dẹp được nhỉ?
-       Thì thời buổi tấc đất tấc vàng, ai cũng chỉ nghĩ đến mình, cố níu kéo được chút nào hay chút đó khiến trật tự đô thị lộn xộn quá.
-       Không chỉ do người dân đâu, các cấp chính quyền địa phương buông lỏng ngay từ đầu nên giờ rất khó khắc phục.

-       Không có việc gì không làm được. Thời chiến tranh bao người hi sinh xương máu còn chẳng tiếc, tiếc gì mấy mét vuông đất. Vấn đề là cán bộ phải gương mẫu, phải liêm khiết đi đầu thì tôi tin sẽ không có người dân nào còn cố tình làm xấu thủ đô  nữa đâu. Phải tin ở người dân chứ.
      Cận

Vì sự nghiệp chung

        
-       Sao dạo này “săm lốp” xẹp lép, chân cẳng lẻo khẻo thế bác?
-       Thì bác tính, ngày 8 tiếng đồng hồ ngồi ôm máy tính ở cơ quan, ra đường thì một bước lên xe máy hoặc ô tô, có lúc nào thể dục thể thao được đâu mà chẳng yếu.
-       Thì mua lấy cái xe đạp mà đi, vừa gọn nhẹ, đỡ tốn tiền, lại khỏe người.
-       Khốn nỗi tôi là lãnh đạo, giờ mà đi xe đạp đến cơ quan thì thế nào bọn trẻ cũng xì xào sau lưng: sắp bị kỉ luật nên giả vờ nghèo khổ đấy, còn đứa hiền lành hơn thì bảo không có đủ tiền mua cái xe máy thì làm thủ trưởng làm gì…
-       Ôi dào, hơi đâu quan tâm đến cái đám ngồi lê đôi mách, quan trọng là sức khỏe của mình phải tốt, đỡ khổ vợ con. Bác phải học tập ông Bí thư Thành ủy Hội An, quan chức cao cấp thế mà đi xe đạp đến công sở đấy.
-       Ông này chắc bị bệnh hay to béo quá nên đi xe đạp để giảm mỡ hả bác?
-       Không phải, ông ấy muốn làm gương để kêu gọi mọi người cùng đạp xe đến cơ quan nhằm bảo vệ môi trường du lịch của địa phương.
-       Thế vợ con hay anh em họ hàng của ông ấy có ai có cửa hàng bán xe đạp không bác?
-       Sao bác lại hỏi thế, người thân của ông Bí thư không ai kinh doanh mặt hàng này.

-       Sở dĩ tôi thắc mắc vì trước đây từng có kẻ lợi dụng chức vụ quyền hạn ban hành những chính sách có lợi cho bản thân và người trong gia đình. Nếu ông này phát động phong trào đạp xe hoàn toàn vô tư và vì lợi ích chung thì tôi ủng hộ. Nào tôi với bác cùng đi mua xe đạp đi.       
      Cận

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Chân thành yêu cuộc sống


                                                                          
-       Bên Campuchia họ vừa sản xuất được chiếc ôtô thương mại đầu tiên đấy. Thấy họ như thế lại cám cảnh cho nền công nghiệp nước mình.
-       Ôtô đã là cái gì, các anh “Hai Lúa” nhà mình còn sản xuất được nhiều thứ kinh hơn nhiều. Mấy bữa nay ông Hòa “tàu ngầm” phát biểu, nếu có 200 triệu đồng, ông này sẽ làm được cả máy bay.
-       Để sản xuất một cái máy bay đại trà đã hết mấy chục triệu đô-la, với mấy trăm triệu đồng mà đòi làm ra máy bay tôi chẳng tin.
-       Bác đừng coi thường người nông dân như thế. Cũng chính ông này từng bỏ tiền túi ra thiết kế và sản xuất được một chiếc tàu ngầm mi-ni khiến cả thế giới ngưỡng mộ đấy.
-       Sao lại có người thông minh đột xuất thế nhỉ?
-       Người nào biết phát huy trí tuệ nhân dân vốn ngấm sâu trong huyết quản thì cái gì cũng có thể làm được. Gần đây, có một bác nông dân ở Khoái Châu, Hưng Yên đã phát minh được thuốc trừ sâu sinh học, người uống vào thì khỏe ra, sâu hít phải lại lăn quay ra giữa ruộng đấy.
-       Chắc là ăn may thôi, chứ có được ăn học đến nơi đến chốn đâu mà đòi làm ra những thứ phức tạp thế.
-       Không như giới trí thức giả cầy, những nông dân này có thể không được đào tạo trong nhà trường, nhưng họ có lòng đam mê, và đặc biệt, họ chân thành yêu cuộc sống. Có được những thứ này cái gì họ cũng làm được.
-       Trong khi người nông dân liên tục công bố những phát minh của mình thì mấy chục nghìn giáo sư, tiến sỹ sao im hơi, lặng tiếng thế nhỉ?
-       Họ còn bận tiêu tiền dự án, còn đang tập trung nghĩ cách đưa sự sống lên sao Hỏa, bắt mặt trời phải quay quanh trái đất, hơi đâu mà làm mấy cái lẻ tẻ.
      Cận

  

Thảo nào rẻ thế


-       Dạo này báo chí viết nhiều về nạn chặt chém tại chùa Hương, tôi vừa đi về có thấy thế đâu. Giá cả còn rẻ hơn ở Hà Nội nhiều.
-       Ý bác muốn nói đến chùa Hương ở dãy núi Hồng Lĩnh xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh phải không? Không chỉ rẻ, đồ ăn thức uống ở đó còn sạch sẽ, dân dã nữa.
-       Không, tôi đang nói đến chùa Hương ở Mỹ Đức, Hà Nội kia. Một chén trà ngon 2 nghìn đồng, gửi xe máy 3 nghìn đồng, bát phở bò 15 nghìn đồng, đĩa cơm 4 món có 20 nghìn đồng…
-       Thôi, bác đừng kể nữa. Bác ở trên trời rơi xuống đấy à. Vừa mới hôm trước có hàng loạt bài báo phản ánh du khách phải trả 320 nghìn đồng cho 1 ấm trà, gia đình 3 người vào quán bình dân phải trả gần 2 triệu bạc kia kìa.
-       Chắc vào đó toàn gọi lưỡi cầy hương, nầm hươu sao, thịt thăn bò tót, rượu Mao Đài nên mới bị tính đắt thế chứ?
-       Ai bảo bác thế, họ chỉ gọi những món bình thường vẫn ăn ở nhà thôi.
-       Hay là có thêm mấy em út phục vụ nữa. Có mĩ nhân xúc cơm tận mồm, trong lúc ăn lại có em nhổ tóc bạc bằng miệng cho thì làm gì mà chẳng bị tính đắt?
-       Đi lễ chùa ai làm chuyện đó. Thấy hóa đơn ghi giá quá cao mọi người phản ứng thì chủ quán trợn trừng mắt lên như Trương Phi trên cầu Trường Bản nên đành ngậm ngùi thanh toán. Bác được tính rẻ thế chắc do vào quán lúc 2 giờ sáng, phải dùng đồ thừa của mấy hôm trước?

-       Đâu có, tôi đi vào giữa trưa, cùng vào quán với đoàn thanh, kiểm tra của thành phố, bác không tin cứ hỏi mấy ông thanh tra sẽ rõ. Mọi thứ hôm đó đều rẻ thật mà.
      Cận

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Nông dân không được ăn bún bò

      
-       Bác có thích món bún bò Huế không?
-       Quá thích. Những hôm rét mướt thế này mà được một bát ăn kèm rau sống với mấy quả ớt chỉ thiên nóng bỏng mồm, mồ hôi mồ kê túa ra là sướng nhất trên đời.
-       Tôi cũng thế, vào dịp lĩnh lương kiểu gì tôi cũng ra đầu phố làm một bát. Ăn xong tự nhiên thấy người thanh thản lạ kì. Chỉ thương người nông dân, cả đời chẳng dám ăn bún bò.
-       Món này có vài chục nghìn đồng, ai chẳng ăn được. Nông dân họ không thích bún bò à?
-       Không phải, họ cũng khoái món này lắm nhưng tiền đâu ra mà ăn. Một tạ rau bán cho thương lái được có 60 nghìn đồng, trừ phân bón, công chăm sóc cả tháng trời, còn lại có 20 nghìn đồng, không đủ trả cho 1 bát bún bò. Trong khi đó tiền học cho con, tiền điện, nước, ăn mặc hàng ngày, ma chay hiếu hỉ tất cả trông cả vào đấy, ngửi còn chẳng được nói gì đến ăn bún bò.
-       Thương lái ép giá cũng có cái lí của họ. Họ mua rẻ sản phẩm của người nông dân để tầng lớp này không có điều kiện ăn bún bò. Nghe nói, ăn món này nhiều dễ “nghiện” lắm, quen mồm thì chết dở.
-       Sao dạo này giá rau rẻ thế nhỉ, trong khi tôi mua ngoài chợ vẫn rất đắt?
-       Do cung cách quản lí và tổ chức lưu thông yếu kém nên bị tư thương lợi dụng mua rẻ bán đắt. Nhà nước thất thu thuế, người nông dân chịu thiệt thòi đủ đường, bao nhiêu lợi nhuận rơi hết vào túi thương lái.

-       Cứ tình hình này chẳng biết đến bao giờ người nông dân mới được ăn bát bún bò.
     Cận

Chỉ lòe thiên hạ

    
-       Bác có hay lên thư viện đọc sách không?
-       Chỉ khi nào trời thật nóng thôi. Thư viện có điều hòa mát rượi, ngủ thoải mái, lại được ngắm mấy cô thủ thư áo dài lướt thướt, thư giãn lắm.
-       Nhà nước tốn kém bao nhiêu tiền bạc xây dựng thư viện mà bác lại lên đó ngủ, trong khi đó có một cậu thanh niên ở xã Quảng Trường huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình bị bại liệt mà mấy năm nay cố công tổ chức thư viện tại gia giúp người trong làng nâng cao kiến thức.
-       Thì cậu ấy phải nằm một chỗ, mở thư viện để mọi người lui tới cho vui cửa vui nhà. Nếu không làm thế thì chết vì buồn mất. Nhà cậu này chắc khá khẩm lắm mới có tiền mở thư viện cho con?
-       Ngược lại, rất nghèo. Bố mẹ, anh chị em của cậu đều làm ruộng, suốt ngày phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Bản thân cậu nằm trên giường đan rổ rá, bán được đồng nào lại mua sách đồng nấy.
-       Cậu ấy phải làm thế thì mới thu được tiền vào cửa của mọi người, mới có đồng ra đồng vào. Đáng khen cho cậu, bệnh tật thế mà vẫn nghĩ ra cách kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ.
-       Sao đầu óc bác tăm tối thế, lúc nào cũng nghĩ đến tiền. Cậu ấy không thu tiền của ai cả, còn dạy bọn trẻ nhà nghèo biết chữ. Nhờ cậu ấy mà nhiều thanh niên trong làng đậu đại học đấy.

-       Thế kia à, thật là đáng khen. Chẳng bù cho khối kẻ, cuối tuần nào cũng cũng đi mua sách về trưng đầy tủ để lòe thiên hạ là trí thức. Cả đời có đọc được cuốn sách nào đâu.
      Cận