Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Đánh trống bỏ dùi



- Ông Viễn vừa định bước xuống lòng đường thì bị ông Cận kéo giật lại:- Bác muốn chết hay sao mà đi ẩu thế? Đèn xanh đã bật lên đâu.
- Ôi dào! Bác cứ cẩn thận quá. Mọi khi đèn đỏ tôi vẫn sang đường mà có sao đâu
- Trước khác, giờ khác. Từ nay, người đi bộ mà phạm luật giao thông cũng bị phạt đấy.
- Chủ trương là thế, nhưng đã thấy người đi xe đạp và đi bộ nào bị phạt đâu, chỉ thấy cánh lái ô tô, xe máy bị cảnh sát giao thông tuýt còi thôi
- Mà cũng lạ thật, ở mình mỗi khi xe máy va chạm với ô tô, đối tượng chịu phạt bao giờ cũng thuộc về chủ phương tiện đắt tiền hơn. Sao lại bất công thế hả bác?
- Thì người giàu mới sắm được ô tô, phải chia sẻ hoạn nạn với người đi xe máy cũng là hợp lẽ. Qui luật phân phối lại ấy mà
- Chính vì lối suy nghĩ của những người như bác mà giao thông nước ta mới rối như canh hẹ đấy. Giờ thì khác rồi, vi phạm là xử lí, bất kể người đó đi phương tiện gì
- Người đi ô tô, xe máy phạm luật xử phạt quá dễ rồi, nhưng phạt người đi bộ thì e rằng hơi bị khó đấy. Này nhé, người đi xe đạp đi ngược chiều mà không có tiền thì tạm giữ phương tiện, khi nào mang tiền lên nộp thì trả lại xe. Còn người đi bộ vi phạm không có tiền nộp phạt thì bác làm thế nào?
- Thì bắt người nhà họ nộp hộ
- Nhỡ người thân của họ ở xa hay chết cả rồi thì sao?
- Thì yêu cầu người đó để lại giấy tờ tuỳ thân về nhà lấy tiền
- Nhỡ họ là người lang thang, không nhà cửa, không quê quán, không có giấy tờ gì thì biết lấy gì để nôp?
- Thì bắt người vi phạm để lại quần áo
- Nhỡ họ cởi trần thì làm thế nào?
- Thì tống vào tù. Mà thời buổi này làm gì còn người tứ cố vô thân, đến mảnh khố cũng không có như Chử Đồng Tử thế
- Loại người đó thời nào chẳng có. Bỏ tù người đi bộ chỉ vì họ sang đường không đúng cách xã hội ta không cho phép đâu. Tôi hỏi vặn bác như thế chỉ để nhắc các nhà quản lí rằng, trước khi ban hành một qui định gì, phải bao quát được hết mọi tầng lớp xã hội, kẻo không lại đánh trống bỏ dùi, tốn tiền nộp thuế của dân lắm
Cận

Chữ xấu ra tiền

-Bác Viễn này, nếu còn muốn chơi với tôi thì bác không được ốm nghe chưa!
- Quen nhau mấy chục năm trời giờ mới biết bác cũng quí tôi, thương tôi, biết lo lắng cho tôi
- Ai bảo là tôi thương bác. Chẳng qua là, với đồng lương hưu ít ỏi, bác mà ốm đau, tiền thuốc thang làm sao chịu nổi, thể nào cũng vay mượn tôi, phiền phức lắm
- Thì ra là vậy, giờ tôi mới nhìn rõ bộ mặt kẻ mà tôi gắn bó lâu nay.
- Mất lòng trước được lòng sau mà bác. Bác tính, trong đợt thanh tra vừa rồi người ta phát hiện hàng loạt sai phạm về giá thuốc. Có loại bán đắt gấp mấy chục lần so với giá sản xuất. Cứ cái đà tăng giá này người về hưu, người nghèo tuyệt đối không được phép ốm. Ốm là có tội đấy
- Có tội kia à? thế có bị xử tù không?
- Làm khổ vợ con, làm khổ người thân, bạn bè, phải chạy vạy, vay mượn tiền thuốc thang còn nhục hơn đi tù ấy chứ
- Bác nói cũng có lí. Cơ quan chức năng đi đâu hết mà để các hãng thuốc lũng đoạn thị trường thế nhỉ?
- Cũng có thanh, kiểm tra, nhưng chiếu lệ thôi. Các hãng thuốc quốc tế họ rất có kinh nghiệm đối phó với pháp luật. Riêng khoản chi hoa hồng cho các đại lí, cho các bác sỹ thì họ là bậc thầy
- Bác sỹ mà cấu kết với hãng thuốc thì bệnh nhân có sông được cũng tán gia bại sản. Thầy thuốc như mẹ hiền, ai người ta làm chuyện thất đức đó
- Bác ngây thơ quá. Việc bác sỹ làm tay trong cho các công ty dược hiện rất phổ biến. Công an vừa phát hiện được mấy trường hợp đấy
- Vậy à. Họ cấu kết với nhau như thế nào hả bác
- Đại loại như, dù bác bị đau mắt hay tức ngực, ù tai họ cũng kê cho bác thuốc chống sảy thai…
- Nhưng tôi có phải phụ nữ đâu?
- Điều đó quan trọng gì. Loại thuốc đó uống có chết người đâu mà lo. Vấn đề là bác sỹ sẽ chỉ cho bác ra cửa hàng thuốc tay trong của họ. Nếu bác sang cửa hàng khác để mua cho rẻ thì dược sỹ ở đó sẽ không thể đọc được trong đơn thuốc ghi gì
- Thảo nào mà bác sỹ ở đâu cũng viết chữ xấu quá. Thì ra, chữ xấu ra tiền là thế
Cận

Nẫu cả ruột

- Bác Viễn chuẩn bị đi đâu mà mũ áo gọn gàng thế?
- Thấy ngành du lịch ảm đạm do khủng hoảng kinh tế, tôi quyết định đi xuyên Việt để kích cầu
- Mỗi ngày vợ chỉ cho tiêu có 20 nghìn đồng thì kích được gì? Người như bác ra đường lắm chỉ gây tắc nghẽn giao thông thôi
- Thì góp gió thành bão để cứu ngành công nghiệp không khói mà. Mấy tháng đầu năm nay lượng khách du lịch vào nước ta giảm gần một nửa bác ạ
- Sao dạo này người nước ngoài tới Việt Nam ít thế nhỉ? Do trời nóng quá hay do thức ăn quá đắt đỏ?
- Không phải, chủ yếu là do chiến lược phát triển du lịch thiếu thực tế
- Bác nói gì tôi không hiểu, chẳng phải chúng ta đang đổ ra không biết bao nhiêu tiền của ra để làm công viên mới, xây dựng các khu đô thị hiện đại, tu bổ các danh lam thắng cảnh đó sao?
- Những cái lồ lộ ra đó thì xem làm gì, ở nước họ có đầy. Cái họ muốn khám phá phải lạ cơ. Chẳng hạn ở Thái Lan có sextour, ở Singapore có du lịch chữa bệnh, đi Malaysia để mua hàng giá rẻ, sang Cam-pu-chia để ngắm ăng-co-vat…
- Thì nghĩ ra những cái độc đáo vào. Chẳng hạn như thấy khách du lịch tới là người bán hàng rong phải nhảy ngay lên lưng bắt mua quà lưu niệm, khi nào họ chịu “suỳ” tiền ra mới tụt xuống. Người nước ngoài vào quán ăn là phải “chặt chém” không thương tiếc, làm sao để họ nhẵn túi càng nhanh càng tốt, không còn tiền mua vé máy bay về nước, buộc người nhà họ phải gửi tiền sang nuôi nấng…
- Bác cứ đùa, nghiêm túc đi nào. Theo bác phải làm gì để thúc đẩy phát triển du lịch?
- Việt Nam mình có nhiều thứ để khám phá lắm, nhưng theo tôi, để thu hút và giữ chân du khách, việc cần làm ngay là phải “thuần hoá” ý thức người dân đã
- Bác nói gì tôi không hiểu
- Phải địa vị bác, bác có quay lại xứ này không khi mà đi trên đường luôn giật mình thon thót vì tiếng còi xe. Đi sang đường mà không cẩn thận va phải đám thanh niên đi xe máy là bị chúng nhảy xuống “thụi” vào mặt. Rồi khói, rồi bụi, rồi cướp giật ở xó xỉnh nào cũng có….
- Thôi bác đừng nói nữa! Nẫu cả ruột
Cận

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Phải luyện công phu

- Bác Viễn đi mua giày tập ba lê cho cháu nội đấy à?
- Đâu có, mua cho tôi đấy chứ!
- Cái gì, ở cái tuổi sắp nhập khẩu địa ngục như bác mà còn thích chơi trò con trẻ hay sao?
- Đâu phải tôi đú đởn, tôi tập để phòng thân thôi.
- Bác nói gì tôi không hiểu?
- Thế bác không biết người ta đang lát lại toàn bộ vỉa hè quanh hồ Gươm à?
- Làm đẹp thành phố là việc nên làm mà.
- Vấn đề là, lần này người ta thay thế gạch lát xi măng bằng đá xanh, nghe nói tốn những 50 tỷ đồng.
- Muốn đẹp thì phải chấp nhận tốn kém, có thế mới xứng với thủ đô ngàn năm văn hiến chứ!
- Nhưng những phiến đá nặng 50 kg này đều được mài nhẵn thín. Vô phúc mà dẫm lên đó hôm trời mưa thì có mà trượt xuống tận đáy hồ.
- Cách đây vài năm, ở một thành phố miền Trung người ta cho lát cả một dãy phố bằng đá Granit bóng loáng. Chỉ sau có vài cơn mưa đã có hàng chục người phải nhập viện vì bị ngã chùn xương sống, chấn thương sọ não. Nạn nhân bị gẫy chân, gẫy tay thì không đếm xiết. Sao Hà Nội không lấy đó làm bài học nhỉ?
- Họ lát đá trơn trượt như vậy chắc là để hạn chế người đi bộ và đám tập thể dục buổi sáng quanh hồ đấy mà!
- Sao lại thế, nơi trung tâm văn hoá thì càng có nhiều người qua lại càng vui chứ!
- Họ sợ người đi bộ rầm rập sẽ làm cụ rùa suốt ngày giật mình thon thót còn tâm sức đâu mà đẻ ra rùa con nối dõi. Hơn nữa, đám tập thể dục buổi sáng toàn người già cả, ăn mặc thì thỗn thện, nhảy nhót tơn tớn quanh hồ, trông chướng mắt lắm!
- Vỉa hè trơn quá, người đi bộ tràn xuống lòng đường thì sao? Ùn tắc, tai nạn giao thông ai chịu trách nhiệm?
- Thì lát đá cả xuống lòng đường. Tôi đảm bảo xung quanh hồ Gươm sẽ vắng hoe, lúc đó nơi đây mới thực sự trở nên lãng mạn, nên thơ.
- Giờ tôi mới hiểu bác đi học ba lê là để giữ thăng bằng khi dạo chơi quanh bờ Hồ. Bác cho tôi theo học cùng với.
- Người to béo như bác tập ba lê không ăn thua, phải luyện công phu kia.
Cận

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

Cẩu thả với bản thân

- Sắp vào hè rồi, bác Viễn đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện chống nóng chưa?
- Thì quạt điện, điều hoà sắm từ năm ngoái cứ thế mà bật lên thôi
- Năm nay khác, trời nóng hơn nhiều, bác phải mua thêm đi kẻo đến lúc “cháy” hàng trở tay không kịp đâu
- Phòng khách, phòng ngủ có đủ quạt điện, điều hoà, mua nữa biết lắp vào đâu
- Thì lắp ở bếp, nhà vệ sinh hay ngoài vườn ấy, thiếu gì chỗ. À mà nhà bác đã mua máy phát điện chưa
- Để làm gì, dạo này có mấy khi mất điện mà lo
- Bác cẩu thả với bản thân quá. Có mùa hè nào mà điện không bị cắt đâu. Đến lúc đó bác làm thế nào?
- Thì dùng quạt nan cũng được chứ sao. Nằm quạt cho vợ ngủ cũng thú ra phết bác ạ. Mỗi lần ngơi tay quạt là mụ ấy nhà tôi lại phều phào nhắc:”mình ơi mạnh nữa, mạnh nữa nào” khiến tôi lại liên tưởng đến một thời hào hùng đã qua. Chà, chà!...
- Bác là chúa mơ mộng hão huyền. Tôi lo lắm, trời nóng quá mà không có điện là lứa anh ẹm mình dễ “tạch” lắm đấy
- Không hiểu sao nước mình sông suối nhiều, mỏ than cũng lắm mà luôn thiếu điện nhỉ?
- Thì thiếu vốn chứ sao nữa
- Chả phải, nhiều doanh nghiệp đổ vốn ra làm nhà máy điện cho nước ngoài. Ngay trong bản thân ngành điện năm ngoái đã đề xuất chia thưởng cho cán bộ công nhân viên mấy nghìn tỷ đồng cho thấy họ không thiếu tiền
- Vậy chắc do quản lí yếu kém, dẫn đến thất thoát điện năng quá lớn
- Cái đó thì đúng rồi, nhưng cũng chỉ là một lí do nhỏ
- Nguyên nhân tiếp theo là…là… tôi chịu thua rồi đấy
- …Là do độc quyền. Thử hỏi, bác là nhà sản xuất, hàng hoá bác làm ra, bác không được bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà phải thông qua thằng hàng xóm tham lam, luôn tìm cách ép giá, bác có chịu được không
- Tôi ấy à, tôi sẽ cạch mặt
- Nhiều doanh nghiệp cũng nghĩ vậy và họ cũng chẳng sung sướng gì khi mang ánh sáng cho người nước ngoài trong khi đồng bào mình vẫn phải sống trong vòng tối tăm đâu. Buồn lắm!
Cận

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Ngớ ngẩn quá

- Bác Viễn này, cánh già chúng mình có nên tổ chức giải thưởng hàng năm dành cho người về hưu tiêu biểu không?
- Cũng hay đấy, nhưng lấy đâu ra kinh phí để thực hiện?
- Cái đó tính sau, cái quan trọng là chúng ta đã có ý tưởng và cần phải đi đăng kí sở hữu trí tuệ ngay kẻo có người hớt tay trên mất
- Ôi dào, ý tưởng thì khó gì. Vấn đề là có đưa được ý tưởng đó vào thực hiện hay không. Mới đây, có một ngành nọ phát động cuộc thi Người giáo viên tiêu biểu cấp quốc gia đấy…
- Chắc họ tổ chức ngon nghẻ lắm?
- Đã làm được gì đâu. Ý tưởng vừa đưa ra đã bị dư luận phản đối ầm ầm
- Sao lại phản đối? Ngợi ca những tấm gương trong giáo dục là cần thiết, cần phải được khuyến khích chứ
- Không đơn giản như bác nghĩ đâu, khó lắm. Theo bác thì người giáo viên phải làm những gì để được công nhận là nhà giáo tiêu biểu
- Thì phải lên lớp đúng giờ, dù chỉ vào lớp ngồi ngắm học sinh. Trong giờ học có buồn đi vệ sinh cũng phải nhịn không được bỏ lớp, bỏ tiết. Để được học sinh yêu quí thì chịu khó mua bánh kẹo cho chúng ăn trong giờ giải lao. Khi đồng nghiệp nhờ chở đi mua quần áo là phải sẵn sàng. Cấp trên chưa ho là phải mua thuốc trước để đón đầu…
- Những tiêu chí đó nhiều người đang làm rất tốt, phải có độ “khó” hơn nữa cơ
- Thì đại loại như, có cầu cũng không được đi mà hàng ngày phải gương mẫu lội bộ qua dòng nước lũ để đến với mái trường thân yêu. Chỉ với đồng lương còm cõi mà vẫn nuôi được hai bên nội ngoại cùng chồng, con cái và bản thân hồng hào, béo tốt, tăng cân đêu đặn, dư thừa sức khoẻ để cống hiến ngày càng nhiều cho xã hội…
- Thôi, thôi! Bác đùa đấy à? Hãy nghiêm túc đi nào
- Tôi đùa là vì cái phong trào mà người ta phát động này hoàn toàn không có tính khả thi. Trong bản thân một ngôi trường đã khó khẳng định giáo viên này tốt hơn, giỏi hơn giáo viên kia, vậy thì ở cấp quốc gia giáo viên trường này biết gì để bầu giáo viên trường khác được
- Thì tự bầu cho mình cũng được chứ sao
- Nếu thế thì trường nào cũng có một giáo viên tiêu biểu cấp quốc gia à?
- Ừ nhỉ! Nếu thế thì ngớ ngẩn quá.
Cận