Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Từ nay sẽ hết hở hang


-          Tôi vừa sang chùa về, nhìn mấy cô ăn mặc thiếu vải vào lễ, mát cả mắt bác ạ.
-          Chỉ vì những sở thích của những người như bác mà xã hội ngày càng nhiều người ăn mặc phản cảm. Vào nơi tôn nghiêm cần phải ăn mặc kín đáo, lịch sự.
-          Ôi dào, lòng thành là ở cái tâm, bác không nên khắt khe thế.
-          Bác nói thế không được. Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn chứ. Vừa rồi, ngành du lịch Ninh Thuận đã ban hành một Bộ Qui tắc ứng xử nơi công cộng đấy.
-          Văn bản này ở đâu chẳng có, nhưng có ai thực hiện đâu.
-          Nhưng ở Ninh Thuận thì khác. Các nhà làm văn hóa và các cơ quan chức năng ở đây rất cương quyết đối với các hành vi thiếu văn hóa. Họ không để những người mặc áo xuyên thấu, in hành ảnh hay chữ phản cảm vào các địa điểm du lịch, những di tích linh thiêng.
-          Làm thế du khách không đến nữa thì làm thế nào?
-          Địa phương chấp nhận thất thu để bảo vệ các giá trị văn hóa của mình.
-          Du khách nước ngoài có thói quen văn hóa của họ. Đối với nhóm người này có ưu tiên gì không?
-          Không có sự phân biệt nào hết. Nhập gia thì phải tùy tục.
-          Nếu chỉ dùng biện pháp mạnh với du khách mà lại nhẹ tay với đội ngũ phục vụ tại các điểm du lịch thì cũng chẳng giải quyết được gì.
-          Bác nhầm rồi. Văn bản này đưa ra nhiều biện pháp mạnh tay với hành vi chặt chém., chèo kéo du khách. Nhân viên phục vụ phải ân cần, niềm nở. Ai vi phạm sẽ buộc nghỉ việc.
-          Nếu làm triệt để thế, tôi tin du lịch địa phương này sẽ cất cánh, bác nhỉ.

Cận

Treo đầu dê bán thịt chó?


-          Mấy hôm nay dư luận đang ồn lên chuyện một showroom ở Đà Nẵng chỉ bán hàng cho người Trung Quốc mà cấm cửa khách Việt Nam bác ạ.
-          Chắc cửa hàng này làm thế vì họ chuyên bán các sản phẩm chỉ thích hợp với người nước ngoài?
-          Đâu phải. Nơi đây chuyên bán chăn ga gối đệm làm từ thiên nhiên, có gì đặc biệt đâu. Các bảng hiệu ở đây cũng toàn đề chữ Trung Quốc, không có chữ Việt Nam, mặc dù chủ cửa hàng và các nhân viên ở đây đều là người bản địa.
-          Có khi các mặt hàng ở đây đều được làm từ chất liệu cao cấp nên rất đắt tiền. Họ cấm người Việt vì lo cho túi tiền của bà con. Như thế cũng là một hành vi “đáng khen”.
-          Cũng không phải. Các mặt hàng ở đây cũng bình thường như mọi nơi khác. Nhiều thứ thậm chí còn rẻ hơn giá thị trường.
-          Lạ nhỉ. Hay là họ nghĩ đa phần dân mình nghèo, ngủ dưới sàn nhà quen rồi, giờ nằm đệm dễ hỏng cột sống?
-          Bác chỉ nói linh tinh. Cả thế giới này sử dụng đệm mà có sao đâu, chỉ tốt hơn cho sức khỏe thôi.
-          Vậy thì tại sao nhỉ. Chỉ những kẻ làm ăn bất chính mới lén lút, giấu giếm. Việc bán các sản phẩm làm từ cao su thiên nhiên này có khi chỉ là hình thức treo đầu dê bán thịt chó?
-          Cái đó tôi không dám khẳng định, nhưng rõ ràng việc cấm khách hàng người Việt là hành vi trái luật. Việc này cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Cận

Tiền chùa tội gì không phá.


-          Gần đây chính quyền nhiều tỉnh tuyên bố hết tiền trả lương cho cán bộ, viên chức là sao hả bác. Tôi tưởng ngân sách nhà nước đã cấp đủ rồi chứ?
-          Ngân sách chỉ cấp cho các hoạt động tối thiểu. Vung tay quá trán nên “vỡ nợ” là đương nhiên.
-          Các qui định tài chính chặt chẽ lắm chi tiêu bừa bãi làm sao được?
-          Quản làm sao được hết. Người ta thiếu gì cách để “lách”. Chẳng hạn, nhiều nơi chi cho cán bộ đi công tác nước ngoài rất bừa bãi.
-          Thì cũng phải để cán bộ đi học hỏi, ở trong nước mãi làm sao mà khôn lên được.
-          Vấn đề là họ toàn dùng ngân sách để cử cán bộ sắp về hưu đi, người trẻ cần bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ thì ở nhà chờ mốc mồm chẳng tới lượt.
-          Thì người già nhiều kinh nghiệm, đi về truyền đạt kiến thức cho người trẻ cũng được chứ sao?
-          Vấn đề là họ từ nước ngoài về là nhận sổ hưu ngay. Vừa rồi ở miền Trung có địa phương cử cả lái xe đi, không biết sang đó học cái gì. Còn tỉnh Bình Phước thì cử 31 cán bộ sang Canada học cách làm xổ số. Nhiều người được đi chẳng có dính dáng gì tới chuyên môn này .
-           Thì cũng phải cho họ được “hưởng lộc” sau bao năm làm việc chứ.
-          Việc nào ra việc nấy. Nhà nước đã có nhiều chính sách đãi ngộ xứng đáng cho những ai có cống hiến với dân với nước. Tiền ngân sách là để chi cho các hoạt động, không thể biến nó thành quỹ đền ơn đáp nghĩa được. Nếu còn giữ thói quản lí này, rồi sẽ còn nhiều địa phương tuyên bố vỡ nợ. An ninh tài chính quốc gia sẽ bị đe dọa. Lúc đó hối cũng không kịp đâu.

Cận

Tham bát bỏ mâm.

              
-          Thế mới thấy chính quyền ở nhiều địa phương rất “chăm lo” cho đời sống nhân dân.
-          Lại có nơi nào mới làm cầu cho dân đi hay xây trường hoành tráng cho các cháu yên tâm học hành hả bác?
-          Những việc như thế có nhiều rồi, nói làm gì. Không chỉ lo cho những người dân bình thường, ở phường An Cựu thành phố Huế, người ta còn lo cho sức khỏe người uống bia.
-          Tức là mỗi khi ai uống bia rượu say có người đưa về tận nhà chứ gì?
-          Không phải. Người dân ở đây không có nhà văn hóa riêng, họ đã góp tiền để xây. Nhưng khi xây xong, chính quyền lại cho doanh nghiệp thuê để làm nơi chứa bia. Khắp nơi, chỗ nào cũng có bia. Bia xếp từ sàn tới trần nhà.
-          Bia để trong nhà mới lâu hỏng, người uống mới an toàn cho sức khỏe. Đấy cũng là một cách “chăm lo” đến đời sống người dân.
-          Nhưng vấn đề là người dân không có chỗ sinh hoạt cộng đồng. Nếu muốn, sao chính quyền nơi đây không bỏ tiền túi ra xây mà lại huy động đóng góp của dân, rồi lại gạt dân ra rìa.
-          Thì họ cho thuê, được tiền lại chia cho dân, thế cũng tốt chứ sao?
-          Làm gì có chuyện đó. Có ai được nhận đồng nào đâu.
-          Thế thì không ổn rồi. Cơ quan chức năng cần phải làm rõ. Nhà văn hóa là nơi để mọi người tới giao lưu, chia sẻ, là nơi giáo dục lối sống cho mọi cá nhân và tập thể. Đây chính là nơi nuôi dưỡng lối sống lành mạnh cho mọi người. Cho thuê làm nơi chứa bia, rõ ràng chính quyền nơi đây đang tham bát bỏ mâm, cần sớm xử lí hành vi này.

Cận

Suy diễn vòng vo

               
-          Nếu có tiền bác sẽ làm gì?
-          Già rồi, ăn cũng chẳng được mấy. Nhà thì cũng có rồi, tôi sẽ dùng để đi du lịch cho biết đó biết đây. Nếu có nhắm mắt xuôi tay cũng không ân hận.
-          Đây cũng là tính toán của nhiều người. Vậy mà ở thôn Thọ Lộc 1 (Nhơn Thọ, An Nhơn, Bình Định) có đôi vợ chồng già lại có cách tiêu tiên rất có ý nghĩa.
-          Họ đổ tiền làm từ thiện hay đầu tư chế tạo máy bay, tàu ngầm hả bác?
-          Không phải. Thấy bà con trong thôn mỗi khi qua sông phải dùng cầu tre ọp ẹp vất vả, nguy hiểm quá, họ đã xây một cây cầu bê tông hiện đại để người dân đôi bờ cùng hưởng lợi.
-          Chắc họ có con cái giàu có ở nước ngoài gửi tiền về tiêu không hết nên bỏ ra làm cầu?
-          Cũng không phải. Gia đình họ rất nghèo. Ngày nào ông chồng cũng phải cày cấy ngoài ruộng đến tối mịt, còn bà vợ thì mót từng củ khoai củ sắn, phần để ăn, phần để bán, tích cóp cả đời mới có số tiền đó.
-          Thì họ thu tiền của người dân qua lại, chẳng mấy lúc mà hoàn vốn, lại được tiếng là người tốt.
-          Họ không thu của ai cả. Không những thế, sáng nào hai vợ chồng cũng thay nhau quét tước cây cầu sạch sẽ để người dân đi lại thuận tiện.
-          Hay có khi họ lấy tên mình đặt cho cây cầu để lưu danh muôn thuở.
-          Cây cầu mới vẫn mang tên cũ. Khi con người có thực tâm, mọi hành động tốt đẹp của họ đều không có sự tính toán nào cả. Chỉ những kẻ lúc nào cũng nghĩ đến thiệt hơn như bác mới hay có những suy diễn vòng vo. Tôi chỉ ước sao xã hội ta ngày càng có nhiều người mang tâm Bồ Tát như đôi vợ chồng già này. Ước lắm.

Cận

Cũng là cách chơi trội

         
-          Vừa rồi trường THPT An Dương vương (Tp.HCM) đã tái hiện lại cảnh lều chõng đi thi ở Việt Nam thời xưa bác ạ.
-          Thỉnh thoảng cũng nên có những cuộc triển lãm kiểu như thế để học sinh nhớ đến chuyện học hành thi cử của ông bà thời xưa, qua đó mới biết trân trọng những cái các em đang có.
-          Không phải. Họ tổ chức thi học kì 1 cho học sinh ngoài sân trường. Mỗi em một bàn cách xa nhau, nhìn từ trên xuống như một bàn cờ, đều tăm tắp, đẹp lắm.
-          Thế bàn ghế trong lớp gãy hỏng hết hay sao mà phải đưa nhau ra sân trường?
-          Lãnh đạo trường này bảo họ làm thế để chống gian lận trong thi cử.
-          Thế cũng tốt. Làm bài ngoài trời, khí hậu trong lành, gió trời lồng lộng giúp cho học sinh đầu óc tỉnh táo, sẽ thi tốt hơn.
-          Nhưng nhỡ đang giữa lúc thi trời đổ mưa thì sao?
-          Giờ đang mùa khô, làm gì có mưa. Chẳng may mưa xuống thì hoãn thi, có sao đâu.
-          Thế nhỡ trong đợt thi lại trời tiếp tục mưa, không lẽ cứ hoãn mãi?
-          Khó nhỉ. Trường này làm thế cũng là chẳng đặng đừng. Chắc họ muốn chống tận gốc nạn quay cóp, chép bài của học sinh thôi.
-          Tôi lại nghĩ đây có lẽ là cách làm “hàng”, muốn chơi trội. Nếu nhà trường quyết tâm làm nghiêm thì dù có ở trong lớp học sinh cũng chẳng giở trò gì được. Các em giờ tinh lắm. Nếu thầy mà trong sáng, đàng hoàng, trò cũng sẽ như vậy. Vì thế, muốn chống được nạn gian lận trong thi cử, theo tôi,trước hết phải xóa bỏ tận gốc tiêu cực trong chính bản thân các thầy, bác ạ.

Cận

Ngờ rằng có tiêu cực


-          Có lẽ trên thế giới không có nước nào trẻ em “được” rèn luyện sớm như ở Việt Nam, bác nhỉ.
-          Thì cũng nên để các cháu làm quen dần với sương gió, va vấp với cuộc đời. Có thế lớn lên mới khôn được. Cháu bác cũng lớn rồi nên để nó xông pha đây đó cho cứng cáp.
-          Ý tôi muốn nói về đợt tiêm chủng ở Hà Nội mấy hôm vừa rồi cơ. Hàng nghìn trẻ sơ sinh được các bà mẹ ẵm đến các điểm tiêm chủng trong cái rét căm căm từ 2 giờ sáng bác ạ.
-          Ủ trong chăn rồi thì lo gì. Vừa sinh ra đã được đi chơi Noel thâu đêm, sướng quá còn gì.
-          Nào có được thong dong. Các bà mẹ tay bế con chen lấn xô đẩy khủng khiếp, chỉ với hi vọng tiêm được cho con một phát vắc xin. Nhiều bà mẹ bị ngất xỉu, rơi cả con xuống đường.
-          Thế các ông bố đi đâu mà để vợ con như thế?
-          Họ cũng tả xung hữu đột suốt đêm như ra trận mà nhiều người phải ngậm ngùi đưa con về vì hết thuốc. Khổ nhất là mấy người đưa con từ Tp.HCM ra bằng máy bay, không tiêm được lại dắt díu nhau về, tốn kém hàng chục triệu đồng.
-          Không tiêm được có khi lại may. Khối cháu đang khỏe mạnh tiêm vào lăn đùng ra chết đấy. Sao dạo này hiếm vắc xin thế nhỉ?
-          Nghe lãnh đạo ngành y tế nói là nhà máy sản xuất vắc xin ở nước ngoài đang bảo dưỡng, có khi phải chờ đến 3 năm.
-          Nói bậy. Nếu thế thì sao ở các nước khác họ không xảy ra tình trạng khan hiếm. Nhà máy này đóng cửa thì kí hợp đồng với nhà máy khác chứ. Tôi ngờ rằng có tiêu cực chi đây. Công luận và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ. Không thể để trẻ thiếu vắc xin mãi được.

Cận

“Mẹ” kiểu gì đây?


-          Bác hiểu thế nào về đường dây “nóng”
-          Là số máy điện thoại hoạt động suốt ngày đêm để giải quyết những vấn đề cần kíp, cấp bách của một đơn vị nào đó.
-          Nói như bác thì đây là số điện thoại quan trọng nhất của mỗi cơ quan. Vậy mà vừa rồi, Bộ Y tế đã gọi đến đường dây nóng của hàng trăm bệnh viện trong cả nước thì có tới 366 số máy không nghe hoặc hỏng hóc. Nói tóm lại là lạnh tanh.
-          Ối giời, nhiều thế cơ à. Thế khi nguy cấp bệnh nhân biết liên lạc với ai?
-          Bác đi mà hỏi các giám đốc bệnh viện. Không biết các y bác sỹ bỏ trực đi đâu nhỉ?
-          Có trời mới biết được. Có khi đúng lúc họ đi cà phê, ăn sáng hay vào nhà vệ sinh thì Bộ gọi nên không nghe được thôi.
-          Nghe nói Bộ gọi vào mỗi số máy ít nhất 3 lần vào các thời điểm khác nhau đều không được. Điều đó chứng tỏ các bệnh viện không coi trọng vai trò của đường dây “nóng”.
-          Phải tôi, tôi cũng bỏ. Suốt ngày, suốt đêm áp máy vào tai nghe tiếng thều thào của bệnh nhân, chịu làm sao nổi.
-          Bác nói thế mà nghe được à. Nhà nước trả lương để họ làm công việc đó, nếu không làm được sao không nộp đơn xin nghỉ việc đi. Bác sỹ như mẹ hiền. Mẹ mà trốn tránh nỗi khổ của “con” thì không hiểu đấy là loại “mẹ” gì nữa.

Cận

Luyện cách ăn cỗ

      
-          Các nhà giáo dục Việt Nam thật biết lo xa bác nhỉ.
-          Đúng thế. Tôi thấy dạo này họ đưa ra nhiều “cải cách” quá, tốt thì ít mà dở thì nhiều. Thế họ lại mới đưa ra chương trình thí nghiệm nào dành cho học sinh vậy?
-          Gần đây, trường tiểu học Thạch Châu, huyện Thạch Hà cùng một số trường khác ở Hà Tĩnh đang thí điểm lớp học kiểu VNEN, khiến nhiều nhà giáo và phụ huynh bức xúc quá. Ở các trường này họ hoàn toàn thay đổi cách ngồi truyền thống bác ạ.
-          Từ xưa đến nay, ở đâu cũng thế, học sinh ngồi học từng dãy phía dưới, mặt hướng lên bảng. Giờ lại “sáng tạo” ra kiểu ngồi gì vậy?
-          Họ xếp 6 đến 10 cháu ngồi xung quanh những cái bàn hình vuông hoặc tròn, có cháu ngồi quay lưng lại bảng đen.
-          Ô, hay nhỉ. Lần đầu tiên tôi nghe thấy ngồi học kiểu này đấy. Hay là các trường này rèn luyện cho các cháu quen dần với việc ăn cỗ, sau này đi ăn cưới sẽ không bị bỡ ngỡ?
-          Mục đích của các nhà quản lí giáo dục là gì tôi không rõ, chỉ thấy nhiều cháu phải ngoái cổ lại để nghe cô giảng, rất mỏi. Có cháu không ngoảnh cổ mãi được, cứ phải liếc mắt lên bảng cả buổi. Chỉ một vài cháu ngồi đối diện với bục giảng là thấy dễ chịu.
-          Hay đây là cách luyện mắt, luyện sức chịu đựng của cột sống kiểu mới mà tôi với bác chưa biết?
-          Tôi chưa thấy sách ngành y nào viết cách ngồi theo mâm này làm cho thị lực hay cột sống khỏe lên được.
-          Tôi cũng nghĩ thế. Nếu cứ duy trì kiểu ngồi học này, chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ mắt lác, lưng xoắn lại như sợi dây thừng. Đến lúc đấy biết qui trách nhiệm cho ai được nhỉ?

Cận

Khi lòng tham bốc lên

            
-          Theo bác, huân, huy chương có giá trị gì không?
-          Sao lại không. Đấy là những phần thưởng cao quí do Đảng, Nhà nước đặt ra để ghi công những người có đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
-          Kèm theo những cái đó có được nhận nhiều tiền không bác?
-          Ở đất nước nào cũng thế, họ đều đặt ra những phần thưởng nhằm tôn vinh những người có công. Vật chất thì ít thôi, nhưng ý nghĩa tinh thần là rất lớn. Ở ta cũng vậy. Ngoài số tiền nhỏ khi nhận Huân huy chương, người nhận còn được hưởng các chế độ trợ cấp suốt đời.
-          Có lẽ vì thế nên nguyên là Chủ tịch xã Phước Ninh huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam khi còn đương chức đã liều mạng khai man cho cả gia đình và người thân để được nhận Huân chương.
-          Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc tương tự, có gì đặc biệt đâu?
-          Điều đáng nói ở đây là, ông này đã nâng tuổi của mình lên, hơn cả mẹ đẻ những 3 tuổi để được nhận Huân chương kháng chiến.
-          Vô lí quá. Làm thế sẽ bị cơ quan chức năng phát hiện ra ngay.
-          Ông ta còn cấu kết với bộ phận Thi đua khen thưởng xã làm giả hồ sơ cho hàng chục người khác. Sự việc diễn ra đã nhiều năm giờ mới bị phanh phui đấy.
-          Sao ông ta liều mạng thế nhỉ?
-          Khi lòng tham bốc lên ngùn ngụt, ai còn nghĩ đến hậu quả nữa. Hi vọng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc thanh lọc bằng hết những kẻ dối trá chỉ biết sống bám vào sự hi sinh của người khác. Có thế, người dân mới vui vẻ tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Cận

Hội chứng xin lỗi

  
-          Dạo này trên báo đề cập tới nhiều vụ xin lỗi ghê. Nào là xin lỗi người bị tù oan, xin lỗi vì phạt người chê mình có cái mặt kênh kiệu, xin lỗi vì trót kiểm điểm cô giáo chê cầu xuống cấp…
-          Có gì đáng ngạc nhiên đâu. Ở nước ngoài xin lỗi là câu cửa miệng của mọi người. Cán bộ mình giờ  học lối theo lối Tây, cũng là điều đáng mừng.
-          Nếu mọi lời xin lỗi đều là thực tâm khi ai đó ăn năn vì việc làm sai trái của mình thì không nói làm gì. Đằng này…
-          Bác có ở trong bụng họ đâu mà biết họ có thực tâm hay không. Được thế là tốt rồi. Trước đây, dù biết sai lè lè, có mấy khi thấy cán bộ xin lỗi dân đâu.
-          Tôi thấy hành vi xin lỗi gần đây chỉ là việc chẳng đặng đừng. Khi bị dư luận lên án ghê quá họ mới làm thế để xoa dịu thôi.
-          Bác còn đòi hỏi gì nữa, muốn họ công kênh người được xin lỗi lên vai diễu phố hay sao?
-          Không cần thiết phải thế. Nhưng tôi có cảm giác như nhiều người gây ra những vụ việc như thế chỉ để nổi tiếng thì phải.
-          Thế là thế nào, tôi không hiểu?
-          Bác không thấy sao. Đa số các vụ việc này đều xảy ra ở những địa phương xa xôi. Họ bắt chước Lệ rơi,”bà Tưng” tạo xì- căng- đan để nổi tiếng, giống như giới sâu- bít ấy.
-          Nhưng họ đều là những người đương chức, làm thế dễ bị “về vườn” lắm.
-          Bác quá lo xa. Hầu hết những người xin lỗi dân gần đây bác thấy có ai mất chức đâu. Không chỉ tại vị, họ còn được cả nước biết đến.
-          Đúng thế thật. Hóa ra họ khôn hơn mình tưởng, bác nhỉ.

Cận

Cũng là cách chơi trội


-          Vừa rồi trường THPT An Dương vương (Tp.HCM) đã tái hiện lại cảnh lều chõng đi thi ở Việt Nam thời xưa bác ạ.
-          Thỉnh thoảng cũng nên có những cuộc triển lãm kiểu như thế để học sinh nhớ đến chuyện học hành thi cử của ông bà thời xưa, qua đó mới biết trân trọng những cái các em đang có.
-          Không phải. Họ tổ chức thi học kì 1 cho học sinh ngoài sân trường. Mỗi em một bàn cách xa nhau, nhìn từ trên xuống như một bàn cờ, đều tăm tắp, đẹp lắm.
-          Thế bàn ghế trong lớp gãy hỏng hết hay sao mà phải đưa nhau ra sân trường?
-          Lãnh đạo trường này bảo họ làm thế để chống gian lận trong thi cử.
-          Thế cũng tốt. Làm bài ngoài trời, khí hậu trong lành, gió trời lồng lộng giúp cho học sinh đầu óc tỉnh táo, sẽ thi tốt hơn.
-          Nhưng nhỡ đang giữa lúc thi trời đổ mưa thì sao?
-          Giờ đang mùa khô, làm gì có mưa. Chẳng may mưa xuống thì hoãn thi, có sao đâu.
-          Thế nhỡ trong đợt thi lại trời tiếp tục mưa, không lẽ cứ hoãn mãi?
-          Khó nhỉ. Trường này làm thế cũng là chẳng đặng đừng. Chắc họ muốn chống tận gốc nạn quay cóp, chép bài của học sinh thôi.
-          Tôi lại nghĩ đây có lẽ là cách làm “hàng”, muốn chơi trội. Nếu nhà trường quyết tâm làm nghiêm thì dù có ở trong lớp học sinh cũng chẳng giở trò gì được. Các em giờ tinh lắm. Nếu thầy mà trong sáng, đàng hoàng, trò cũng sẽ như vậy. Vì thế, muốn chống được nạn gian lận trong thi cử, theo tôi,trước hết phải xóa bỏ tận gốc tiêu cực trong chính bản thân các thầy, bác ạ.

Cận

Có văn hóa mà thế à

              
-          Năm nay, gia đình bác có được công nhận là Gia đình văn hóa không?
-          Đương nhiên rồi, năm nào nhà tôi chẳng nhận được tấm giấy chứng nhận này.
-          Ngày nào bác cũng bật nhạc ầm ỹ ảnh hưởng tới hàng xóm. Vợ bác thì vứt rác sang vườn nhà tôi, nhắc nhở mãi mà có chừa đâu. Thế mà là có văn hóa à?
-          Đấy là những việc nhỏ, ai người ta tính. Bác cũng biết bà vợ tôi rất lắm điều, cãi chồng xoen xoét mà tôi có đánh bà ấy bao giờ đâu, cùng lắm chỉ bạt tai hết sức nhẹ nhàng thôi.
-          Chính vì cả xã hội đều có quan niệm lệch lạc như bác mà năm nay cả nước có 19/22 triệu hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa. Cá nhân tôi không tin đây là con số thực chất.
-          Bác cứ khắt khe quá. Gia đình tôi có đòi được công nhận gia đình văn hóa đâu. Đấy là do tổ trưởng dân phố đề xuất lên cấp trên đấy chứ.
-          Chẳng qua cũng vì thành tích địa phương nên họ mới làm thế. Nếu theo con số trên thì 85% dân số nước mình là người có văn hóa. Vậy tôi hỏi bác tại sao báo chí ngày nào cũng phản ánh chuyện cướp của, hiếp dâm, con giết bố, vợ đánh chồng, trò tạt axit thầy. Thanh niên hễ cứ ngồi lên xe máy là phóng nhanh, vượt đèn đỏ, húc Cảnh sát lên nóc capo…?
-          Đấy là những trường hợp cá biệt tính làm gì. Có phải ai cũng thế đâu.
-          Bác không nên cãi chày cãi cối làm gì. Thực tế là, việc bầu chọn Gia đình văn hóa của chúng ta hiện nay chỉ mang tính hình thức. Mỗi nơi đưa ra một tiêu chí, chẳng biết đâu mà lần. Tối qua tôi giật mình khi nhận tấm giấy này. Có ai hỏi tôi về vấn đề này đâu. Theo tôi cần phải có sự điều chỉnh hoặc bỏ hẳn việc này đi cho đỡ tốn tiền của nhà nước, của dân.

Cận

Chớ có kêu ca


-          Phải công nhận phó chủ tịch xã Nhơn Sơn huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận quá mẫn cán với công việc. Cán bộ như thế giờ hiếm lắm.
-          Ông ấy đã làm gì để người dân nơi đây thoát nghèo, có cuộc sống no ấm hả bác?
-          Để thực hiện chính sách của Chính phủ về chuyển nghề, các ngân hàng nơi đây đã cho mỗi hộ dân vay tổng số tiền 20 triệu đồng. Ông phó chủ tịch xã đã xăng xái đi mua bò cho người dân chăn nuôi nhưng bị phản đối ghê quá.
-          Nuôi bò, bò đẻ ra bê, lại còn được uống sữa, sướng thế còn kêu ca gì?
-          Vấn đề là ông này bán cho bà con toàn bò già, không còn đẻ được nữa. Nhiều con răng rụng chẳng còn cái nào.
-          Móm sẽ ăn ít, đỡ tốn cỏ. Bò già không còn sức bỏ vào rừng chơi, không sợ thất lạc. Người chăn cũng sướng, không sợ bị húc.
-          Vấn đề là, nuôi loại bò này không có hiệu quả kinh tế, trong khi vẫn phải lo trả lãi ngân hàng.
-          Không nuôi được thì thịt bán cho các quán phở. Thịt bò đang rất có giá mà.
-          Nhưng bò già thế, thịt dai nhanh nhách, ai người ta mua?
-          Thì thịt đi rồi treo lên gác bếp ăn dần, Thịt dai thế luyện răng cũng tốt lắm.
-          Tôi đang nẫu ruột lo cho bà con không có tiền trả ngân hàng nghèo mà bác còn đùa. Bao giờ bà con nơi đây mới thoát khỏi loại cán bộ cái gì cũng “xơi” này hở trời.

Cận

Chính quyền địa phương có biết?

           
-          Sao dạo này chịu khó dậy sớm chạy bộ thế bác, dưỡng sức để cưới vợ à?
-          Từng này tuổi đầu còn cưới xin gì nữa. Tôi tập chạy là để mỗi khi đi tham quan đâu đó còn có sức khỏe thoát thân.
-          Đi chơi là phải thong dong nhàn nhã, sao phải chạy?
-          Bác thử lên khu vực Hồ Tây xem, liệu có còn nhàn tản mà thăm thú nơi này nơi khác không. Cứ chiều đến, toàn bộ số ghế đá ở đây bị các quán hàng nước chiếm hết. Muốn ngồi nghỉ một tí thì phải mua chai nước hay bao thuốc với giá cắt cổ.
-          Chuyện này tôi cũng đã nghe. Thì cứ bách bộ cho khỏe chân, ngồi ghế đá làm gì?
-          Đi bộ cũng chẳng yên thân đâu. Hôm vừa rồi tôi chứng kiến cảnh một du khách nước ngoài bỏ chạy ba chân bốn cẳng, phía sau là 4 phụ nữ sầm sập đuổi theo.
-          Ai bảo to cao đẹp trai lắm vào, mới bị các cô đuổi theo chiêm ngưỡng?
-          Được thế thì nói làm gì. Đằng này, họ đuổi theo bắt anh chàng đặt đôi quang gánh lên vai, để chụp ảnh.
-          Được chụp ảnh với các cô gái bản địa sướng thế sao phải chạy?
-          Vấn đề là, ai đó mỗi lần đặt quang gánh, đội chiếc nón lá lên đầu cho giống người bản địa thì phải trả 100 nghìn đồng. Không trả là ăn đòn gánh liền.
-          Tôi hiểu rồi. Đây là hành vi cưỡng đoạt tiền của du khách. Không hiểu chính quyền địa phương đi đâu mà để đám du thủ du thực lộng hành thế nhỉ.

Cận

Cái gì cũng không nhìn thấy.


-          Sắp tới có khi tôi ra biển Nha Trang Khánh Hòa sinh sống bác ạ.
-          Sao đi xa thế, ở Thủ đô không hợp phong thủy à?
-          Ở đây đất chật người đông, đến bao giờ mới có nổi căn nhà tử tế. Vào trong đó tha hồ lấn biển làm nhà, muốn ở rộng bao nhiêu cũng được.
-          Ai bảo bác thế. Làm gì cũng phải được cấp phép chứ. Ai người ta để một lão đã về hưu như bác muốn làm gì thì làm?
-          Thế bác không thấy một doanh nghiệp ở đây thoải mái san lấp vịnh Nha Trang hàng chục ha dù Dự án làm công viên giải trí thể thao đã được chính quyền tỉnh ra quyết định dừng thực hiện hay sao?
-          Thì họ lén lút làm, chính quyền nào quản hết được?
-          Nhà dân, dù trong hẻm sâu đến mấy mà xây nhà quá số tầng cho phép ngay lập tức cơ quan công quyền đã có mặt xử lí. Vậy mà việc lấp vịnh diễn ra hàng năm nay với qui mô cực lớn, nhiều nhà cao tầng đã mọc lên, nhà hàng ăn uống mỗi ngày tiếp hàng nghìn khách mà chính quyền nói không biết thì lạ quá.
-          Có khi trụ sở của chính quyền địa phương ở cách quá xa nơi vi phạm nên họ không biết đấy thôi.
-          Đâu phải. Ủy ban nhân dân phường chỉ cách đó một đoạn đường. Sở Tài nguyên môi trường cũng chỉ cách đó có vài km, vậy mà doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm danh thắng quốc già Hòn Đỏ- Hòn Chồng, khiến các ngư dân không còn chỗ neo đậu tàu thuyền.

-          Chuyện như thế này không chỉ có ở Nha trang. Nếu không làm nghiêm, tôi e các di tích của chúng ta sẽ dần mất hết. Xót lắm.

Bán danh ba đồng

             
-          Mỗi khi đi nhậu bác thích nhất điều gì?
-          Khoái nhất là được ăn uống bét nhè mà người khác phải trả tiền. Mỗi lần được như thế người tôi cứ lâng lâng như trúng số vậy. Vui lắm.
-          Bác có cái tính đó ai người ta mời mãi. Hôm vừa rồi, có một cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, Cần Thơ cùng với một nhóm bạn đi nhậu “quịt” bị chủ quán tố cáo, thật xấu hổ.
-          Anh này không có tiền hay có mà không chịu trả?
-          Anh ta đi cùng một nhóm du thủ du thực vào quán nhậu suốt từ chiều đến đêm. Nhóm bạn bỏ về trước, để anh ta trơ khấc một mình. Khi chủ quán yêu cầu thanh toán, anh ta còn lớn tiếng cãi cọ, cuối cùng xin khất, nhưng không được.
-          Khách quen, lại là cán bộ to, chủ quán cũng nên nể tình mà cho nợ chứ, căng thẳng làm gì.
-          Vấn đề là anh này lần đầu đến đây, biết anh ta ở đâu mà cho nợ. Hơn nữa, trong ví anh ta có đầy tiền nhưng không chịu trả, bắt chủ quán đi tìm mấy người kia mà đòi.
-          Nếu thế thì quá đáng thật. Cuối cùng sự thể thế nào.
-          Không lấy được tiền, chủ quán liền làm đơn tố cáo lên cấp trên của anh ta. Nghe nói sắp tới sẽ có hình thức kỉ luật đối với anh chàng thích ăn quịt này.
-          Đáng đời. Đúng là mua danh ba vạn bán danh ba đồng, bác nhỉ.
-          Còn bác nữa đấy. Cứ ham nhậu nhẹt thế nào cũng có ngày bị bỏ “bom” như thế. Thật đáng xấu hổ cho loại cán bộ thế này. Đây cũng là một dạng “sâu” cần sớm loại bỏ khỏi bộ máy công quyền, bác có đồng ý như vậy không.

Cận

“Anh hùng” trong đống rơm

             
-          Giờ tôi mới hiểu lí do tại sao hàng chục nghìn cử nhân ra trường không kiếm được việc làm. Nhiều Thạc sỹ phải giấu bằng để được nhận vào làm lao động phổ thông như lái taxi, thợ xây…
-          Ai chẳng biết là do thời buổi khó khăn, các trí thức trẻ phải làm thế để có thể xin được việc làm kiếm đồng bạc “còm” nuôi thân.
-          Chẳng phải. Các doanh nghiệp rất cảnh giác khi nhận người có bằng cấp bởi họ cho rằng nền giáo dục của chúng ta không thực chất.
-          Hàng chục nghìn Giáo sư, tiến sỹ đang ngày đêm đứng trên bục giảng mà bác nói là không thực chất?
-          Có Trời mới biết trong số đó có bao nhiêu người dùng bằng giả, bằng thiếu chất lượng. Ở một trường Đại học trên địa bàn tỉnh Quảng trị có một ông chỉ có bằng Cao đẳng, mặc dù đã có đơn tố cáo, nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đấy. Người đứng đầu một cơ sở đào tạo mà còn thế thì trò giỏi làm sao được.
-          Tôi tưởng qui trình bổ nhiệm cán bộ cấp cao như thế phải chặt chẽ lắm chứ?
-          Qui trình của Nhà nước rất đúng đắn, khoa học. Nhưng người ta bất chấp mọi nguyên tắc, chà đạp lên pháp luật thì biết làm thế nào.
-          Thế thì gay quá nhỉ. Trường hợp như bác vừa nói chắc chỉ có ở địa phương này thôi?
-          Nếu chúng ta không rà soát lại một cách cẩn thận thì không thể nói như vậy được. Trực giác mách bảo tôi rằng vẫn còn nhiều “anh hùng” núp trong đống rơm lắm.

Cận