Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Thờ ơ đến bao giờ?



           
-          Lâu nay, nghe nhiều chuyện về hành vi ứng xử vô văn hóa của một số du khách Trung Quốc khi sang Việt Nam, dư luận bức xúc quá.
-          Họ lại tè bậy trên phố hay mua quịt hàng hóa hả bác?
-          Họ không chỉ mở cửa hàng phục vụ riêng du khách Trung Quốc ở nhiều nơi, giờ lại bật đèn xanh cho hướng dẫn viên du lịch chui xuyên tạc lịch sử nước ta. Hôm vừa rồi, ở Đà Nẵng, có một nhóm người Trung Quốc giật nón, bẻ chuối ăn rồi cười hô hố, vứt bừa vỏ vào túi bà lão bán hàng.
-          Thì họ nói bằng tiếng nước họ, mấy người nghe được đâu mà can thiệp, xử lí. Sao bà lão không rút đòn gánh phạng cho lũ mất dạy vài cái?
-          Mình là chủ nhà ai lại làm thế. Muốn có bằng chứng thì có khó gì, nhưng chính quyền một số địa phương rất thờ ơ trước chuyện này. Vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước mà họ coi như không phải chuyện của mình.
-          Chính quyền cũng có cái khó của họ. Làm căng quá sẽ ảnh hưởng đến ngoại giao. Du khách không đến nữa sẽ thất thu cho ngân sách.
-          Bác nhầm rồi. Khi chúng ta làm nghiêm sẽ tạo được bầu không khí an toàn. Những du khách chân chính sẽ yên tâm đổ đến, những kẻ xấu sẽ tránh xa.
-          Để làm được như bác ao ước khó lắm. Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của các cấp chính quyền và của chính người dân. Đức tính này giờ có vẻ hiếm, bác ạ.
Cận

Tạo lòng tin trong dân.



           
-          Sao dạo này nhiều cán bộ nói tục thế nhỉ?
-          Thời tiết nóng bức thế này, ai mà nhẹ nhàng, điềm đạm cho được.
-          Nếu là những người hàng ngày phơi nắng ngoài công trường không nói làm gì. Đằng này, nhiều cán bộ ngồi phòng máy lạnh mà toàn thốt ra những lời khó nghe. Một lãnh đạo ngành đường sắt gần đây còn xưng hô mày- tao với phóng viên.
-          Gọi thế cho “thân mật”, dễ làm việc, bác không nên khó tính quá.
-          Mình là cán bộ, ở quán bia cũng không nên ứng xử như thế, còn khi thi hành công vụ thì phải ăn nói lịch sự, chuẩn mực chứ.
-          Chắc vị này “nhỡ” mồm thôi, chấp làm gì?
-          Thời phong kiến, quan lại được coi là “phụ, mẫu” nên coi dân như cỏ rác. Còn bây giờ, cán bộ được ví như “đầy tớ của dân” thì phải tôn trọng dân mới hợp lẽ chứ.
-          Gớm, bác cứ nâng quan điểm ghê quá. Có phải cán bộ nào cũng thế đâu?
-          Đây đâu phải chuyện cá biệt. Hàng chục năm nay, dư luận nói khá nhiều về chuyện hành dân, coi thường dân ở nhiều cơ quan công quyền. Hành vi xấu này khá phổ biến tại các cơ quan nhà nước.
-          Nghe nói Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo điều tra hành vi thiếu văn hóa của vị lãnh đạo này, nếu đúng sẽ có biện pháp xử lí thích hợp rồi mà?
-          Đúng thế. Nếu Thành phố muốn làm được những việc lớn, ích nước, lợi dân, trước hết phải xử lí nghiêm những hành vi tưởng chừng nhỏ nhặt này. Có thế mới tạo được lòng tin trong dân.
Cận

Sống chết mặc bay



            
-          Trong khi đồng bào miền Tây Nam bộ vẫn lao đao vì đợt hạn mặn vừa qua, khi người dân miền Trung đang khốn khổ vì biển bị đầu độc, thì nhiều địa phương lại đề xuất Bộ Tài chính cho phép mua sắm hàng trăm xe công bác ạ.
-          Việc nào đi việc nấy, họ có tiền riêng thì họ mua, cấm sao được?
-          Đều lấy từ ngân sách chứ có ai bỏ tiền túi ra mua đâu. Năm nay, riêng TP.HCM đề nghị được mua thêm 43 chiếc, tổng số tiền là 35 tỷ đồng.
-          Đây là thành phố lớn, nhiều việc, số lượng người đi công tác đông nên phải mua thêm xe cũng là chuyện bình thường.
-          Đúng thế, chính quyền thành phố này cho biết mua xe để cán bộ lãnh đạo đi họp cho kịp giờ.
-          Đến sớm hay muộn hoàn toàn là do con người. Sao họ không dùng phương tiện công cộng hay đi chung mấy người một xe vừa tình cảm vừa tiết kiệm nhỉ?
-          Có người cả đời “phấn đấu” để được đi xe riêng, giờ phải dùng chung ai người ta chịu. Công việc bộn bề, phải kịp thời giải quyết, chậm một chút là ách tắc hết.
-          Nếu được như bác nói thì tốt quá. Đằng này, cứ vào dịp lễ hội hay nhà sếp có việc hiếu, hỉ là y như rằng xe biển xanh đỗ đầy ngoài cửa. Giờ internet phủ sóng khắp nơi, sao họ không tổ chức họp trực tuyến, đỡ mất công đi lại, hiệu quả lại cao, đường sá cũng không bị ùn tắc?
-          Nếu họp qua màn hình máy tính thì sao thắt chặt được các mối quan hệ, làm sao nhận được phong bì, nhậu nhẹt. Bác cứ hay đùa.
Cận

Mất hết tính người



 
-          Theo bác, chức năng chính của một bệnh viện là gì?
-          Có thế mà cũng hỏi, để chữa bệnh, cứu người chứ không lẽ là nơi để đọc sách hay uống cà phê.
-          Bác nói đúng, nhưng thực tế một số bệnh viện đang bị biến thành nơi tụ hội của đám lưu manh, côn đồ, sẵn sàng chà đạp lên nỗi đau của người bệnh để kiếm tiền.
-          Gớm, làm gì mà kinh thế. Bọn giang hồ thảo khấu thiếu gì chỗ làm ăn mà phải chui vào những nơi toàn bệnh tật, chết chóc. Ở nơi khốn cùng đó có gì mà kiếm chác?
-          Dư luận mấy bữa nay đang rất phẫn nộ trước hình ảnh vô cùng bặm trợn của đám “cò” và bảo vệ tại một bệnh viện tầm cỡ trung ương dành cho trẻ em. Đám này đã ngăn cản không cho xe tỉnh ngoài chở bệnh nhân về quê, khiến bệnh nhân ở Nghệ An mới 9 tháng tuổi chết ngay trên xe.
-          Sao lại có thể độc ác dã man thế được. Có khi bọn côn đồ giả danh bảo vệ để làm càn thì sao?
-          Hình ảnh trên clip cho thấy, những bảo vệ này đã làm việc tại bệnh viện này nhiều năm nay. Và đây không phải là lần đầu tiên chúng ngăn cản xe ngoại tỉnh chở người bệnh về quê.
-          Có khi những bảo vệ này thấy xe của các địa phương cũ nát đi xa sẽ không an toàn nên đề nghị dùng xe có sẵn trong bệnh viện chở bệnh nhân, “nhân văn” quá còn gì?
-          Giời ạ, làm gì có chuyện tử tế thế. Họ ép bệnh nhân đi xe của tư nhân với giá cao gấp nhiều lần. Số tiền chênh lệch có lẽ được chia làm nhiều phần, trong đó có đám bảo vệ, nên họ mới mẫn cán thế.
-          Chuyện này tôi nghe đã lâu, không hiểu giám đốc bệnh viện này có biết không nhỉ?
-          Họ có điếc, có mù, có câm đâu mà không biết. Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để loại bỏ sự nhẫn tâm đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra tại bệnh viện này, để người dân có thể yên tâm tới đây khám chữa bệnh.
Cận

Lệnh cấm kì quặc



       
-          Bác mua cái chậu to thế để làm gì vậy, để tắm cho cháu nội à?
-          Tôi tắm chứ cháu nào vào đây. Cứ chiều đến tôi hứng nước đầy chậu, thả vào ít đá lạnh, ít muối, bật quạt to hết cỡ, như thế khác gì tắm biển.
-          Nhưng tắm kiểu đó tốn nước lắm. Cả năm mới có dịp hè, cũng nên cho vợ con đi thăm thú đâu đó, chứ bác định dành tiền làm gì. Chết có mang được đi đâu?
-          Không phải tôi tiết kiệm, mà tôi làm thế để phòng khi cơ quan cấm đi nghỉ mát.
-          Làm gì có chuyện kì lạ thế. Bác có tiền bác đi, ai có quyền cấm?
-          Thế bác không biết chuyện Huyện ủy Hóc môn (TP.HCM) vừa có văn bản cấm cán bộ công chức không được đi nghỉ mát dịp hè này à?
-          Vậy sao. Có lẽ huyện này lo cán bộ của mình lỡ tắm ở vùng nước nhiễm độc khiến cá chết hàng loạt vừa rồi. Lãnh đạo mà biết lo cho sức khỏe cấp dưới như thế thật đáng “quí”.
-          Được thế thì nói làm gì. Đằng này họ cấm vì lo mọi người mải bơi lội tung tăng dưới biển thì kì họp Hội đồng nhân dân sắp tới sẽ không có người dự.
-          Tôi tưởng chỉ những cán bộ chủ chốt của xã và huyện dự thôi chứ. Các nhân viên dưới quyền thì liên quan gì đâu mà cũng cấm?
-          Trong khi các sếp cắm đầu vào họp mà các chuyên viên lại nhởn nhơ trong rừng đuổi hoa bắt bướm, ai mà chịu được. Cấm tiệt cho công bằng.
-          Làm thế có ích kỉ quá không. Làm việc, hưởng thụ và nghỉ ngơi là quyền của người lao động. Không được thư giãn, nhỡ ai đó kiệt sức lăn quay ra đấy ai chịu trách nhiệm. Nếu ở đâu cũng ban hành lệnh cấm như thế thì thật kì quặc. Cần chấm dứt hành vi cửa quyền như vậy.
Cận