Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Nỗi khổ phong lưu


-       Hồi còn là “quan” xã, hàng ngày bác thường làm gì?
-       Thì sáng ra quán cháo lòng đầu thôn làm bát tiết canh với vài chén rượu, rồi ra “công đường” ngồi nhổ râu, có giấy tờ thì kí, không thì tụ tập làm mấy ván tá lả, đến trưa lại kéo nhau đi nhậu. Nếu say thì chiều ngủ, tối ra sân đình họp, tán tỉnh mấy đứa thôn nữ.
-       Số bác thật là phong lưu. Suốt ngày ăn chơi nhảy múa, trước khi hạ cánh an toàn đã kịp “găm” mấy nghìn mét vuông đất, suốt đời chẳng sợ hết tiền.
-       Không đơn giản như bác nghĩ đâu. Để được hanh thông mọi thứ cũng phải biết lê gối hầu hạ bề trên. Mỗi khi hầu tổ tôm các “cụ” suốt đêm, nhừ hết cả lưng, đã thế, toàn phải giả vờ thua. Nỗi khổ đó nào ai biết cho đâu.
-       Bác thật là sướng, chẳng bù cho một ông bí thư xã ở Quảng Bình. Ông này suốt ngày đầu tắt mặt tối ngoài đồng với bà con trong khi vợ con ở nhà vẫn rất nheo nhóc, luôn thiếu ăn.
-       Chắc ông ấy giả nghèo giả khổ đấy thôi. Cả nhà đóng kín cửa ăn bít tết với nhau ai biết đấy là đâu. Trên đời này làm gì có ông “quan” nào không thích xà xẻo chứ?
-       Đã nghèo thì chớ, thấy bà con đi trên con đường quá lầy lội, ông bí thư còn cùng vợ con gánh đất lấp ổ gà ổ trâu. Có đồng nào là mua xi măng vá víu mặt đường.
-       Chắc ông này có nhà mặt tiền. Ông ta làm thế để bán được giá đây mà.
-       Không hề, cả nhà ông ấy ở trong một túp lều ở mãi cuối thôn, được cái rất hạnh phúc, lúc nào cũng rộn tiếng cười.

-       Như thế mới là sướng, chẳng âm mưu thủ đoạn gì, lên giường là ngáy te te. Chẳng bù cho tôi, có tiền nhưng lúc nào cũng lo thằng con trai về “cuỗm” đi bao gái, cờ bạc, khổ lắm cơ
      Cận

Không mất đi đâu được

-       Đi tập thể dục một tí buổi tối mà nhức hết cả mắt bác ạ.
-       Bệnh của tuổi già đấy thôi. Bác bị chói mắt vì đèn đường hay của xe cộ vậy?
-       Đi có mấy trăm mét mà nhan nhản tiệm cầm đồ. Nhà nào nhà nấy chăng đèn sáng choang, biển hiệu loang loáng, sa sẩm hết cả mặt mày.
-       Không hiểu sao mấy năm gần đây tiệm cầm đồ ra đời lắm thế, không biết họ có làm ăn được không?
-       Cho vay nặng lãi, tiêu thụ đồ trộm cắp, cầm đồ cho đám choai choai cá độ, lô đề,  lãi chẳng kém gì đám buôn bán heroin đâu.
-       Nhiều tiệm làm ăn bất chính mà sao chính quyền vẫn để tồn tại nhỉ?
-       Thì bác tính, việc thế chấp ngân hàng để vay vốn thì cũng có khác gì.
-       Ngân hàng làm ăn với doanh nghiệp, tài sản thế chấp đều có giấy tờ hẳn hoi, có gì khuất tất hay vi phạm pháp luật đâu?
-       Bề ngoài thế thôi, chứ bên trong nhiều ngân hàng cũng làm bậy lắm. Chẳng hạn như họ công bố cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất 15%/năm nhưng thực chất để vay được tiền, doanh nghiệp phải chi phí tới 22%. Có nơi còn cố tình định giá tài sản thế chấp cao hơn gấp nhiều lần để cùng doanh nghiệp rút tiền bỏ túi.
-       Thì khối kẻ đã phải vào tù đấy thôi, cuối cùng chỉ Nhà nước là chịu thiệt.
-       Nhiều người dân cũng rơi vào cảnh khóc dở mếu dở. Có người làm ăn thua lỗ không có tiền trả lãi ngân hàng, để tránh tù tội, đã phải cầm cố cả mồ mả tổ tiên cho một ngân hàng đấy.
-       Bác cứ đùa, toàn xương với cốt, ngân hàng nào nhận làm đồ thế chấp?
-       Ngân hàng rất thuộc câu “ người Việt mình sống vì mồ vì mả”, có chết người ta cũng không bỏ tổ tiên, cầm cố loại “đồ” này là yên tâm, không mất đi đâu được.

-       Thế mới thấy, vì lợi nhuận người ta sẵn sàng làm tất cả, thật là đáng buồn.
      Cận

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Mất hết ý nghĩa


           
-       Nếu có tiền bác sẽ làm gì?
-       Thì sửa lại túp lều đang ở cho đỡ dột nát, mỗi khi trời mưa bão mấy bố con không phải ôm nhau túm tụm vào một góc cho khỏi ướt.
-       Ý tôi muốn hỏi là nếu như bác có thật nhiều tiền kia?
-       Bác cứ hỏi “kháy” tôi làm gì, cái bản mặt tôi kiếm đủ ăn đã là may lắm rồi. Nếu được giàu có tôi sẽ mua cho các cháu mỗi đứa một cái xe, đi lại cho đỡ vất vả, còn tôi sẽ đi du lịch khắp cả nước, ước mãi mà có được đâu.
-       Vậy bác không nghĩ đến chuyện làm từ thiện sao?
-       Bác tưởng làm việc nghĩa dễ lắm sao, không khéo là bị chửi liền.
-       Tôi tưởng giúp đỡ cá nhân, tổ chức đang gặp khó khăn thì tốt chứ?
-       Vừa rồi ở trong Nam có một “đại gia” bỏ tiền ra trùng tu mấy ngôi chùa đang bị dư luận phê phán tới tấp kia kìa.
-       Tưởng hành động đó phải được khen ngợi sao lại bị lên án?
-       Chẳng là, ông này cho treo tấm ảnh cỡ lớn đại gia đình mình trong chùa.
-       Thì người ta bỏ ra một đống tiền, cũng cần phải ghi công đức chứ.
-       Vấn đề là, bức ảnh này đặt ngay chính điện nên khách lễ chùa vái lạy Phật, đồng thời cũng vái lạy cả gia đình ông ta.
-       Nơi linh thiêng ai lại làm vậy. Thế ảnh chụp thế nào, có nghiêm túc không?
-       Về cơ bản là lịch sự, duy có cô gái trong ảnh mặc váy hơi ngắn, chỉ chút xíu nữa  là lộ hết cả “hàng họ”
-       Sao chính quyền địa phương lại dung túng chuyện này nhỉ. Làm từ thiện cần sự lặng lẽ, ai lại đứng giữa đường hét toáng lên tôi vừa làm việc tốt, mất hết cả ý nghĩa.
      Cận

Lo cho tương lai


    
-       Nếu được thỏa mãn điều ước thì bác mong mỏi điều gì nhất?
-       Được trở về thời ấu thơ, được chăn trâu, hái hoa, bắt bướm.
-       Tôi cũng thế, nhưng chớ sống lại tuổi mẫu giáo nhé.
-       Sao vậy, ở tuổi đó là sướng nhất đấy, ăn thì có người đút, suốt ngày được ôm ấp, hôn hít, muốn “tè” vào đâu cũng được, không sợ bị mắng, chẳng như khi về già, muốn ăn bát phở cũng phải lựa lời xin phép vợ.
-       Các cháu bây giờ không được như thời của tôi với bác đâu. Khối cháu trước khi vào mẫu giáo đã bị bố mẹ bắt luyện Kung-phu đấy.
-       Các cháu học võ để đến lớp đánh bạn à?
-       Không, để tăng sức chịu đựng trước đòn phạt của thầy cô và có thể nhịn đói cả ngày mà không ngất xỉu.
-       Thời buổi này còn mấy nơi thiếu ăn đâu mà phải đề cao cảnh giác thế?
-       Đúng là bây giờ không phải lo nhiều về cái ăn cái mặc nữa, nhưng vẫn có khối cháu bị suy dinh dưỡng đấy.
-       Các cháu mắc chứng biếng ăn à?
-       Vừa rồi người ta cách chức một hiệu trưởng và một hiệu phó trường mầm non vì bớt xén suất ăn của trẻ đấy. Loại “thầy cô” Sa- tăng  này giờ nhiều lắm.
-       Thật dã man quá, sao không ăn chặn của lứa tuổi nào khác mà lại đi bớt xén của cái tuổi còn bi bô gọi mẹ chưa sõi hả bác?
-       Chắc họ lo cho tương lai các “mầm non đất nước” ăn nhiều sẽ phát phì nên giảm khẩu phần đấy thôi. Thiếu ăn, gầy còm một tí cho nó nhẹ nhõm, leo cầu thang đỡ mệt.
      Cận

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Sẽ thích hợp hơn



-       Đâu về mà mặt mũi đỏ tía tai, đầm đìa mồ hôi thế bác?
-       Dạo này yếu quá, chạy có hơn chục vòng quanh hồ mà đã bở hơi tai.
-       Sao tập thể dục mà bác phải mặc áo giáp, đội mũ sắt vậy?
-       Thế vẫn chưa yên tâm đâu. Dạo này hay có mưa đá nên mặc thế này để tránh phải “lên đường” bất đắc kì tử. Bác không thấy vừa rồi xảy ra mấy trận mưa đá chưa từng có tiền lệ ở nhiều địa phương sao?
-       Cũng nghe loáng thoáng. Tôi tưởng mưa đá trong khí trời nóng bức thế này sẽ khiến thời tiết mát mẻ, cơ thể con người sẽ dễ chịu, càng yêu thương nhau hơn chứ.
-       Nếu mưa đá chỉ li ti như hạt ngô thì đúng là sung sướng thật, đằng này viên nào viên nấy to như quả tenis, có viên to bằng quả bưởi mà rơi xuống đầu thì còn gì là “đời trai” nữa.
-       Kinh thế kia à, thế những trận mưa đá “khủng” như vừa rồi không dự báo được sao?
-       Trên thế giới họ dự báo được cả tính chất và cường độ mưa đá từ lâu rồi, chỉ ở mình là vẫn lúng túng thôi. Hôm vừa rồi, một lãnh đạo ngành khí tượng thủy văn khi trả lời báo chí đã cho rằng mấy trận mưa đá vừa xảy ra là hết sức bình thường.
-       Không thể nói như vậy được, hàng nghìn ngôi nhà bị vùi dập tan hoang, hàng trăm tỷ đồng bị trôi theo dòng nước mà dửng dưng, lạnh lùng quá.
-       Ông này bảo, ông ấy bảo không dự báo được mưa đá nhưng có thể tính được một viên đá rơi từ độ cao 10 km xuống sẽ có sức tàn phá khủng khiếp thế nào thôi.
-       Vậy cơ quan này nên đổi tên từ Trung tâm dự báo thời tiết sang thành Trung tâm dự báo hậu quả sau thiên tai có lẽ thích hợp hơn, bác nhỉ
     Cận

Đầu xuôi đuôi lọt


            
-       Ông đánh giá Bill Gate là người thế nào?
-       Tôi làm sao đủ tầm để đánh giá, chỉ biết đây là con người xuất chúng nhất thế giới, số tài sản của ông ta đủ để đập đi xây mới cả cái thành phố Hà Nội này đấy.
-       Vậy mà hồi còn thanh niên ông ta từng đi xin việc với mức lương 15 nghìn USD một năm mà không được chấp nhận đấy.
-       Do trình độ kém hay quá lười biếng à?
-       Không, trong đơn ông ấy viết sẵn sàng làm bất cứ việc gì, ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Hoa kì rộng lớn, kể cả vùng biên cương, hải đảo xa xôi.
-       Viết như vậy bị đuổi cổ là đúng rồi. Ở Việt Nam mà viết lá đơn như thế thì đến tết Tây đen cũng không được nhận.
-       Vậy ông ấy phải viết thế nào?
-       Ông ấy phải nêu quan điểm, chỉ chấp nhận làm việc tại Hà Nội và có khả năng soạn thảo văn bản chậm nhất thế giới…
-       Bác có nói nhầm không đấy, phải nói là biết hoàn thành công văn giấy tờ chính xác và nhanh nhất chứ?
-       Tôi không nhầm đâu, hẳn bác đã nghe chuyện đồng chí Bí thư Thành ủy đã có lần phải lắc đầu ngán ngẩm trước việc một sở nọ viết bức thư cám ơn nước bạn mà mất tới 29 ngày. Đầu óc nhanh như điện tử của Bill Gate mà về với cơ quan toàn “rùa” này thì làm việc với ai được chứ. Để đầu xuôi đuôi lọt, trong đơn ông ấy nên viết thích đi xem bóng đá là sẽ được nhận ngay.
-       Thế là thế nào, hôm nay bác nói khó hiểu quá?
-       Chẳng là vừa rồi lãnh đạo tỉnh Kontum có công văn buộc cán bộ, công chức phải đi xem bóng đá mà sân vẫn vắng hoe. Địa phương này hình như đang thiếu người trầm trọng, cứ nộp đơn về đây là được nhận ngay, chẳng cần phải chạy chọt gì.
   Cận