Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Ấm áp một tấm lòng



             
-          Xem các chương trình dự thi dành cho trẻ em trên ti vi mới thấy nhiều cô bé, cậu bé nước mình giỏi quá, tài năng quá.
-          Tôi cũng thấy thế. Đa phần trong số chúng không xuất thân từ những gia đình giàu có. Những em giỏi nhất lại là những đứa trẻ có mảnh đời cơ cực nhất. Như hôm vừa rồi có cháu Hồ Văn Cường ở Tiền Giang sau khi cất lên tiếng hát đã khiến toàn bộ Ban Giám khảo phải thổn thức.
-          Cháu này hát hay thế chắc được học thanh nhạc đến nơi đến chốn?
-          Gia đình cháu rất nghèo, ăn chẳng đủ no lấy đâu ra tiền mà cho con đi học nhạc. Ngay từ khi còn bé tí cháu đã phải đi hát thuê cho các đám cưới để kiếm miếng ăn. Chính môi trường này đã rèn luyện cho cháu thành người tài.
-          Thế đã có cơ quan tổ chức nào tài trợ cho cháu để ươm mầm tài năng chưa?
-          Đào đâu ra. Có một nữ danh ca đã đưa cháu đến nhà hàng cho ăn một bữa thoải mái. Người này hứa sẽ cho cháu tiền để ăn học đến hết đại học.
-          Chắc cô này làm thế để thu hút sự chú ý của dư luận, quảng bá tên tuổi thôi?
-          Ca sỹ này đã có thừa sự nổi tiếng nên không cần phải làm thế. Đã hàng chục năm nay cô ấy nuôi trong nhà hàng chục cháu bé có hoàn cảnh bi đát. Cháu nào cũng được ăn học tử tế.
-          Tôi tưởng việc chăm sóc và phát triển tài năng đáng ra phải của nhà nước chứ?
-          Nhà nước còn bao việc lớn phải lo, làm gì có điều kiện làm những việc nhỏ nhặt đó.
-          Chỉ vì những quan niệm như bác mà bao tài năng bị thui chột. Nhiều em ra nước ngoài học tập rồi một đi không trở lại. Thôi thì, trong bối cảnh hiện nay, mong sao ngày càng có nhiều nghệ sỹ có tấm lòng bao dung như nữ ca sỹ này. Những đứa trẻ nghèo sẽ ấm lòng nhiều lắm đây.
Cận

Ảo ảnh lung linh



           
-          Thời buổi ngày càng khó khăn, chẳng biết làm gì để sống. Tình hình này có lẽ tôi phải dẹp tiệm quán cháo lòng bác ạ.
-          Sao mà bi quan thế. Thiếu gì nghề có thể làm giàu, tại bác không chịu động não thôi.
-          Tôi hết cách rồi đấy. Bác vốn ranh ma, láu cá từ nhỏ hãy mách tôi phải làm gì?
-          Đi buôn tiền là lãi nhất. Gần đây Ngân hàng Nhà nước bán ra loại tiền lưu niệm mệnh giá 100 đồng với giá 20 nghìn đồng/tờ. Bác nên chịu khó xếp hàng mua rồi bán lại kiếm lời.
-          Chỉ có thằng điên mới bỏ tiền thật ra mua thứ tiền không tiêu được này. Bác xui dại tôi đấy à?
-          Bác có biết trên mạng rao bán một tờ tiền này bao nhiêu không, 60 nghìn đồng/tờ đấy. Buôn ma túy cũng không lãi tới 300% như thế.
-          Thật sao. Nhưng già như tôi, xương khớp lỏng lẻo cả rồi, chen vào đám đông mà long hết ốc vít, bu gi ra thì chết.
-          Có rất nhiều trang mạng rao bán muốn mua bao nhiêu cũng có. Điều đó cho thấy vẫn có cửa mua số lượng lớn mà chẳng phải bon chen xếp hàng gì cả.
-          Có lẽ thế thật. Nhưng nghe nói là đã dừng bán ra loại tiền lưu niệm rồi mà?
-          Thấy nhu cầu người dân quá cao, bên ngân hàng vừa thông báo sẽ tiếp tục bán ra loại tiền này. Bác nên nhanh chân chớp lấy cơ hội ngàn năm có một, thậm chí có phải bán nhà làm vốn cũng bán, ôm càng nhiều loại tiền này càng tốt, không sợ lỗ đâu mà lo.
-          Phen này tôi quyết liều. Tôi sẽ bán tất cả đi lấy tiền mua tích trữ, để vài trăm năm nữa chắc chắn sẽ lãi khủng khiếp. Thôi kiếp mình nghèo thì để dành cho con cháu giàu vậy.
Cận

Bệnh không nghe, không thấy



    
-          Không chỉ con người, ngay cái cột điện cũng có nguy cơ bị đột tử, bác ạ.
-          Bác cứ hay đùa. Cái cột điện làm gì có tim mà bị nhồi máu, làm gì có mạch máu lên não mà bị nghẽn khiến nó chết bất đắc kì tử được?
-          Ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang vừa rồi có mấy cái cột điện đường dây 500 KV bất ngờ bị gãy gục, khiến người dân địa phương và dư luận hết sức lo lắng.
-          Thời tiết nước mình rất bất thường, gió bão liên miên, việc đổ vài cái cột điện cũng là chuyện bình thường. Gãy cái này thì thay cái khác có gì đâu mà lo.
-          Mùa này làm gì có bão hay gió lớn. Trong khi cây cột điện bằng bê tông đổ sụp thì cả bụi chuối bên cạnh vẫn nguyên vẹn, đến một tàu lá cũng chẳng sứt mẻ.
-          Sao lạ thế nhỉ. Hay những cây chuối này đã được luyện công phu nên mới đứng vững?
-          Vớ vẩn, công phu nào. Ngay sau khi mấy cột điện này đổ, đến tối có một chiếc máy xúc và 2 người “lạ” băng qua vườn của một hộ dân vào đào bới mang cây cột đi, chỉ còn trơ lại móng. Với những gì còn lại, người dân phát hiện cột được đúc bới những cây sắt chỉ nhỉnh hơn chiếc đùa.
-          Ối giời. Cây cột cao hàng chục mét nặng hàng chục tấn với nhúm sắt đó làm sao chịu nổi. Thế chính quyền địa phương có biết và ngăn cản vụ phi tang này không?
-          Họ bảo việc xảy vào ban đêm, họ còn mải ngủ nên không hay biết gì.
-           Câu trả lời quá quen thuộc. Nhiều nơi cũng mắc bệnh không nghe, không thấy những vụ việc tiêu cực. Loại cán bộ mà giác quan hỏng hết thế này thì giữ làm gì. Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ những khuất tất. Nếu cần phải bỏ tù những kẻ làm ăn gian dối. Có thế mới bảo đảm an ninh lưới điện quốc gia.
Cận

Bình chân như vại



          
-          Bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh thỉnh thoảng lại “bùm” một phát giữa khu dân cư khiến ai cũng nơm nớp lo sợ bác ạ.
-          Chỉ những người nhát như cáy mới sợ chứ như tôi đây thấy cũng bình thường. Ở xã Thủy Triều huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng nhiều ngày nay người dân phát hiện một trái bom to tướng vậy mà mọi người chẳng lo lắng gì, chỉ che chắn bằng mấy tàu lá chuối.
-          Sao họ liều thế, nhỡ nó phát nổ thì sao. Phải khẩn trương báo chính quyền chứ?
-          Người dân có báo rồi nhưng mấy ông lãnh đạo xã bảo cứ để đấy, bao giờ có kinh phí mới di dời được.
-          Ô, hóa ra việc phá dỡ bom mìn cũng phải đúng qui trình à. Sao người dân nơi đây không báo lên cấp cao hơn, như chính quyền huyện hay tỉnh?
-          Cũng đã báo nhưng huyện bảo chưa nhận được thông tin gì. Lãnh đạo huyện cho rằng xã chưa giải quyết có lẽ do đang “bận” nghỉ lễ.
-          Nhưng bom mìn nó có biết chọn ngày để phát nổ đâu. Nhỡ bọn trẻ thấy lạ mà nghịch dại thì sao?
-          Bác cứ quá lo xa. Bọn trẻ cũng đi nghỉ với gia đình cả, có đứa nào ở nhà đâu mà táy máy dùng búa ghè vào kíp nổ.
-          Phỉ phui cái mồm bác. Vào ngày lễ trọng không nên nói điềm gở. Nói dại, chẳng may nó phát nổ gây chết người, liệu mấy ông “quan” xã này có còn “bình chân như vại” được không nhỉ.
Cận

Cá chết do… đuối nước



            
-          Cá chết trắng biển miền Trung thế này, chẳng hiểu bà con trong đó sống ra sao. Rồi tôi với bác sẽ không còn cá mà ăn đâu.
-          Làm gì mà bi quan thế. Trong mấy ngày nghỉ vừa rồi các cơ quan chức năng đã ráo riết, khẩn trương vào cuộc rồi mà.
-          Rầm rộ thế thôi chứ đã tìm được nguyên nhân đâu. Nghe nói có khi phải nhờ chuyên gia nước ngoài vào tìm hiểu.
-          Một đất nước ra ngõ là gặp Giáo sư, tiến sỹ sao phải làm thế. Đội ngũ này đã có ý kiến gì chưa?
-          Chỉ có ông trời mới biết là họ đang làm gì. Tình hình đang cấp bách thế mà một ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn khuyên bà con xuống biển tắm thoải mái, có thể ăn những con cá còn ngo ngoe.
-          Vấn đề là ông ấy có ăn cá ở đây, hay có xuống tắm biển không?
-          Cũng có người đề nghị ông Phó Chủ tịch làm gương nhưng bị từ chối khéo. Ông ấy bảo sẽ xếp lịch để xuống biển bơi một bữa.
-          Kinh thật. Đi tắm mà cũng phải xếp lịch cơ à. Theo cảm quan riêng, theo bác thì tại sao cá ở khu vực này chết hàng loạt?
-          Tôi mà biết thì đã trở thành Giáo sư lâu rồi. Theo lãnh đạo của một Tổng cục về môi trường thì đường ống xả thải xuống biển của khu công nghiệp là được cấp phép. Cá nuôi lồng bè ở đây vẫn sống nhăn răng nên không thể nói là biển bị đầu độc được…
-          Phức tạp quá nhỉ. Hay cá bị ngộ độc chết ở nước khác rồi trôi dạt sang bờ biển nước mình?
-          Cũng có thể. Nhưng tôi ngờ rằng cá ở đây chết nhiều là do chưa có kĩ năng mềm, chưa được học bơi, nên chết đuối hàng loạt.
Cận