Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Trẻ mà chín chắn

               
-          Khi lên lớp cho sinh viên tôi thường hỏi: Lí do nào các em chọn ngành này. Tại sao các em cố sống cố chết vào đại học mà không học nghề… bác có biết mọi người phản ứng thế nào không?
-          Chắc các em bảo học đại học dễ kiếm việc, kiếm tiền, được xã hội trọng vọng…
-          Không phải. Hầu hết họ đều rất lúng túng, không trả lời được. Hóa ra đa phần thi đại học không phải vì đam mê hay có khả năng nghiên cứu  khoa học bác ạ.
-          Bác nói tôi mới thấy, đúng thế thật. Hồi tôi thi đại học cũng thế. Tôi muốn theo ngành sư phạm để làm thầy giáo, nhưng cha mẹ không nghe, bắt học kinh tế, dễ kiếm tiền. Làm con nên phải nghe lời, nhưng trong quá trình học tôi chẳng thấy hứng thú gì cả, học thì ít, chơi thì nhiều, cả đời có làm nên trò trống gì đâu.
-          Chính vì lẽ đó nên có chàng trai tốt nghiệp đại học Bách khoa quyết định đốt tấm bằng đại học của mình.
-          Sao dại thế, phí bao công sức, thời gian, tiền bạc của bản thân và gia đình?
-          Cậu ấy bảo sẵn sàng chịu mất mát để cảnh báo những suy nghĩ lệch lạc coi đại học là con đường tiến thân duy nhất. Cậu ấy khuyên mọi người hãy sống và làm việc theo đam mê của mình.
-          Cậu ấy trẻ mà đã sống có trách nhiệm với xã hội. Bao thiên tài, bao tỉ phú trên đời có bằng đại học đâu mà vẫn thành công. Nếu được làm lại từ đầu, tôi cũng không chọn con đường đại học, nhất là trong thời buổi bậc học này đang có những vấn đề nhiễu nhương như hiện nay.

Cận

Thử thách lòng trung thực

                 Thử thách lòng trung thực
-          Bác là chúa hay kêu ca, nào là đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, nào là thú tính đang lấn át tính người… lắm đấy nhé.
-          Tôi thấy thế nào thì nói thế thôi, mắc mớ gì đến bác?
-          Phải đặt lòng tin vào con người chứ. Vừa rồi, có một nhóm bạn trẻ ở Đà Nẵng đã làm thí nghiệm giả vờ đánh rơi ví, kết quả thật không ngờ…
-          Chắc mọi người ai cũng giấu ngay đi chứ gì?
-          Không phải, trong 40 lần “đánh rơi” thì có 34 trường hợp trả lại.
-          Nghĩa là vẫn còn 6 người thiếu trung thực?
-          Ở quốc gia nào chẳng có người thế nọ thế kia. Điều đó cho thấy, đa số dân mình là người tốt.
-          Thực hiện trên những con phố giàu có nên thế thôi. Thử tiến hành tại các xóm nghèo, hay vào buổi tối, nơi thưa thớt người qua lại xem, lại chẳng mất hết ấy à.
-          Điều đáng nói là, đa phần đối tượng trả lại là người nghèo.
-          Tôi chẳng tin. Máy quay nhăm nhăm chĩa vào cái ví, ai còn dám đút vào túi nữa?
-          Không phải, máy được đặt ở những chỗ rất bí mật, không ai phát hiện ra.
-          Thật sao. Nếu thế, từ nay tôi sẽ tin vào những điều tốt đẹp. Hóa ra là người dân mình, dù trong hoàn cảnh nào cũng có những tấm lòng đáng quí, bác nhỉ.

Cận

Thật đáng ngưỡng mộ


-          Theo bác, việc người dân hiến đất, bỏ tiền xây dựng trường học không đòi hỏi quyền lợi có phải là hiện tượng đáng mừng không?
-          Xây trường học dù dưới bất cứ hình thức nào cũng là việc làm tốt, cần khuyến khích. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm là, đây là việc của nhà nước, người dân làm việc đó cũng là vạn bất đắc dĩ, chỉ khi hệ thống giáo dục của ta đang có quá nhiều bất cập.
-          Thì nhà nước và nhân dân cùng làm cũng tốt mà. Vừa rồi, ở xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang có một người phụ nữ đã bỏ tiền túi ra mua đất xây trường mầm non cho trẻ đấy.
-          Chắc lại là một người nghèo nào đó chứ gì. Chuyện tương tự như thế có nhiều rồi?
-          Không phải, lần này là một tỷ phú. Bà ấy xây cái trường rất to, lắp đặt toàn thiết bị hiện đại. Trẻ học ở đây hầu như không phải trả tiền.
-          Thật sao. Có mấy khi nhà giàu xây trường học từ thiện đâu nhỉ. Bà ấy làm thế để quảng bá hình ảnh thôi. Hôm khánh thành chắc bà ấy ăn mặc diêm dúa,đi xe sang đến dự?
-          Bác đoán sai rồi. Bà ấy tuy là một tỷ phú nhưng hàng ngày, kể cả khi tiếp khách quan trọng bà ấy vẫn đi chân đất mặc quần áo nâu sồng. Khi có thời gian bà ấy cũng làm việc quần quật như mọi người làm thuê khác.
-          Thật đáng ngưỡng mộ. Những người như thế này cố gắng làm giàu không phải cho bản thân, mà hoàn toàn vì đất nước. Trong khi đó khối kẻ mới ti toe có mấy đồng bạc đã vội xài hàng hiệu, ở biệt thự, đi xe đẹp. Loại người này không đáng xách dép cho bà ấy, bác nhỉ.

Cận

Sống cho phải đạo

           
-          Thế mới thấy, đồng bào mình ở đâu cũng có người tốt, bác ạ.
-          Chắc lại mới có ai mang bình nước để vỉa hè cho người qua đường uống hay chủ nhà nào cho thí sinh ở trọ miễn phí à?
-          Còn hơn thế nhiều. Một người đàn ông 53 tuổi ở thôn Nà Tèn xã Chu Túc huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn đã tình nguyện hiến 2000 m2 đất cho xã xây trường mầm non và 300m2 đất làm đường cho bà con đi lại.
-          Nhiều thế kia à. Chắc ông này sợ cháu mình đi học xa, phải trèo đèo lội suối nên làm thế chứ gì?
-          Tất nhiên là như vậy. Nhưng ngoài cháu ông này ra còn có hàng trăm cháu khác được hưởng lợi.
-          Đất bỏ hoang hóa, chẳng hiến thì để ngắm à?
-          Không phải. Đây là đất vườn, đang trồng rất nhiều loại hoa quả, hoa màu, hàng năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Ông ta hi sinh mối lợi cá nhân vì cộng đồng mà.
-          Chắc ông ấy phải có số lượng đất gấp 5 gấp 10 nên hiến vài nghìn mét vuông thì đáng là bao. Có khi ông ấy là đại gia nên cho đi cái móng tay thì đáng gì, lại được tiếng với bà con, làng xã?
-          Bác nhầm rồi. Gia đình ông vẫn thuộc hộ nghèo, hàng ngày vẫn phải cày cấy vất vả mới tạm đủ ăn. Cả gia đình ông vẫn ở trong túp lều rách nát. Ông bảo, sẵn sàng hi sinh quyền lợi của mình cho tương lai bọn trẻ.
-          Nếu đúng thế thật thì quí hóa quá. Ở nhiều nơi, chỉ vì tranh nhau cái ngõ đi người ta sẵn sàng đưa nhau ra tòa. Có nhà, con đánh bố, em giết anh để tranh giành miếng đất nhỏ như tấm chiếu. Sao mọi người không nhìn vào tấm gương này để sống cho phải đạo nhỉ. Mong rằng xã hội mình ngày càng có nhiều người tốt như người đàn ông này.

Cận

Sẽ cám ơn lắm lắm

         
-          Sao ngồi uống trà với tôi mà bác cứ giật mình thon thót vậy?
-          Tôi mắc bệnh này từ khi cái loa phường được lắp trên cột điện ngay sát nhà.
-          Nhờ nó mà bác nắm được những thông tin của cuộc sống đang diễn ra quanh mình, đỡ phải mua báo, nghe đài còn gì?
-          Nhưng ở tuổi tôi rất cần sự nghỉ ngơi, yên tĩnh. Đứa cháu nội mới sinh cũng khốn khổ vì loa phường. Nó cứ khóc thét lên mỗi khi nghe tiếng phát thanh viên oang oang, khiến mẹ nó phải lấy bông nhét vào lỗ tai cả hai mẹ con. Tôi có lẽ phải chuyển nhà.
-          Ở đâu mà chẳng thế, thoát làm sao được. Rồi sẽ quen thôi.
-          Trước đây thiếu phương tiện thông tin không nói làm gì. Bây giờ vô tuyến, internet có ở khắp nơi, cần gì đến loa phường nữa, vừa tốn kém tiền của Nhà nước, vừa gây phiền phức cho người dân. Chỉ cần tấm bảng đen ở mỗi tổ dân phố để nhắc việc là được rồi.
-          Công tác tuyên truyền là phải liên tục, khắp nơi khắp chốn mới thấm vào người dân chứ.
-          Tôi hỏi thực, đã bao giờ bác nghe trọn vẹn một chương trình phát thanh của phường chưa?
-          Tôi làm gì có thời gian. Giúp vợ việc nhà, đón đưa mấy đứa cháu học mẫu giáo đã hết ngày, hơi sức nữa đâu mà nghe.
-          Nhiều người cũng bảo thế đấy. Đám trẻ bảnh mắt ra đã đến công sở, tối mịt mới về. Ở nhà chỉ có người già và trẻ em. Thông tin đâu có thiết thực gì đối với họ. Theo tôi, loa phường giờ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, nên tự rút lui. Được thế, tôi sẽ cám ơn lắm lắm.

Cận

Sao cứ phải đến trường?

           
-          Theo bác, môi trường nào giáo dục trẻ em tốt nhất?
-          Tất nhiên là nhà trường rồi, thứ nữa là gia đình và môi trường xung quanh.
-          Ai cũng nghĩ như thế, nhưng có một cặp vợ chồng trẻ ở TP. HCM lại không cho con đến trường mà quyết định dạy con tại gia cho đến khi cháu được 18 tuổi.
-          Ra đường giờ còn nhiều lộn xộn, để con ở nhà cũng là ý hay. Họ chắc giàu lắm nên mới làm được như vậy?
-          Cả hai vợ chồng đều làm nghề tự do, cuộc sống nếu biết co, kéo cũng tạm ổn.
-          Sao họ không cho con đến trường nhỉ?
-          Họ bảo, những năm đầu đời là quan trọng nhất đến việc hoàn thiện nhân cách của trẻ. Cho con đến trường mẫu giáo chẳng may gặp phải bảo mẫu thích dìm đầu trẻ xuống nước thì chết dở.
-          Có phải thầy cô nào cũng thế đâu. Trẻ cũng cần đến trường để có chúng bạn nữa chứ?
-          Thì hàng ngày họ vẫn cho con ra công viên chơi, cho giao du với trẻ hàng xóm. Đôi vợ chồng trẻ này bảo, họ chủ yếu dạy con kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp và những thứ thiết thực nhất, loại bỏ hết những thứ vô bổ mà trẻ thường phải bù đầu học ở nhà trường.
-          Nếu không học ở trường thì lấy đâu ra bằng cấp, sau này làm sao xin được việc làm?
-          Chính vì lối tư duy trọng bằng cấp của những người như bác nên trẻ em nước mình quá khổ. Khi cần kiểm tra kiến thức, chỉ cần đăng kí cho con học qua mạng của nước ngoài lấy chứng chỉ là được rồi.
-          Có lí. Nếu nhiều người làm được như thế, đường sẽ hết ùn tắc vào giờ cao điểm, xã hội sẽ không phải tốn hàng chục tỷ đồng in sách giáo khoa, lực lượng giáo viên sẽ được tinh giản đến mức thấp nhất, đỡ tốn kém được nhiều lắm.

-          Cận 

Sang du lịch để ngủ

          
-          Theo bác, du khách nước ngoài đến Việt Nam thường làm gì?
-          Để ăn và ngủ.
-          Tôi tưởng họ bỏ tiền đến đây là để thăm thú các danh lam thắng cảnh hoặc tìm đến các thú vui chơi chứ?
-          Nhiều du khách cho biết họ rất sợ đến các danh thắng ở các địa phương, cách xa các thành phố lớn. Họ bảo chúng đều rất nhếch nhác. Lực lượng đeo bám thì đông vô kể. Nạn chặt chém thì kinh hoàng. Đến một lần là cạch đến già.
-          Thì họ từ xa đến, lạ nước lạ cái cũng cần lực lượng “bảo vệ” chứ. Chặt chém để họ sợ không dám ăn nhiều, sẽ tránh được bệnh béo phì, có hại cho sức khỏe lắm.
-          Ngay tại các thành phố lớn cũng thế. Sau 23 giờ là đóng cửa tất tật. Mà người nước ngoài lại có thói quen đi chơi vào đêm khuya.
-          Sao chúng ta không mở các trung tâm giải trí thâu đêm suốt sáng nhỉ?
-          Chúng ta cũng đã mở một vài cái như thế nhưng người Việt lại đến rất đông, trong đó có nhiều thành phần bất hảo, không an toàn cho du khách.
-          Thì chỉ phục vụ người nước ngoài thôi.
-          Họ đến đây là để giao lưu với người bản sứ. Giờ chỉ có người nước ngoài với nhau thì họ ở nước họ cho xong, sang đây làm gì?
-          Khó nhỉ. Thôi thì ở nước mình được ngủ ít, sang đây ngủ bù, cứ coi như đi an dưỡng vậy. Giờ tôi mới hiểu tại sao du khách nước ngoài sang Việt Nam ngày càng thưa thớt thế.

Cận

Phải đặt pháp luật lên hàng đầu


-          Mai tôi với bác cầm tấm biển ghi hàng chữ xin tăng lương hưu đứng ở ngã tư để lấy tiền đi du lịch nhé.
-          Sao tự nhiên bác lại có ý tưởng đó. Ai người ta làm theo yêu cầu của tôi với bác?
-          Thế bác không biết chuyện có cậu thanh niên cầm tờ giấy ghi mấy chữ xin việc làm lấy tiền mua sữa cho con, nuôi vợ sao. Rồi chuyện một sinh viên thi đợt vừa rồi được 26,5 điểm mà vẫn trượt đại học cũng làm thế để xin học, đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giúp đỡ đấy thôi.
-          Người ta  xin tiền, xin thức ăn, cho thì không sao, ai lại đi ngược chính sách chỉ vì một cá nhân như vậy.
-          Nhưng nhiều khi chính sách đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp.
-          Kể cả trong trường hợp đó thì chúng ta cần khẩn trương thay đổi chính sách cho hợp lí. Thế nhỡ  hàng nghìn em có hoàn cảnh tương tự cũng làm thế thì Bộ trưởng cũng giúp sao?
-          Nhưng tôi thấy dư luận xã hội ủng hộ, có ai phản đối đâu.
-          Đấy là tâm lí và tình cảm chung đối với mỗi việc làm tốt thôi. Với người đứng đầu một ngành thì phải đặt lí tính và pháp luật lên hàng đầu.
-          Vậy theo bác, ông ấy phải làm thế nào mới hợp lẽ?
-          Phải cải cách mạnh, thậm chí làm cuộc cách mạng giáo dục. Phải làm sao để người dân tâm phục khẩu phục về các qui định, chính sách thi tuyển, sao cho ai cũng được học hành, lao động theo đúng năng lực của mình, bác hiểu chưa.

Cận 

Người dân sẽ rất vui

             
-          Cuộc sống kể cũng có nhiều cái vui, hết nhà đất, ô tô, xe máy chính chủ, giờ uống bia cũng phải chính chủ, bác ạ.
-          Bác nói gì mà khó hiểu quá. Bia uống qua miệng, chỉ một lát là trôi ra cổng phụ, có sở hữu được đâu mà bác bảo chính chủ?
-          Chẳng là chính quyền tỉnh Hà tĩnh vừa buộc 7 cán bộ Sở GD&ĐT phải viết kiểm điểm vì uống bia không đúng qui định đấy.
-          Uống bia trong giờ làm việc bị xử lí là đúng, còn kêu ca gì nữa?
-          Không phải, họ bị phạt do uống bia không đúng hãng theo chỉ đạo.
-          Giờ lại có văn bản nhà nước cho phép cán bộ được uống loại bia này mà không được uống loại bia kia à. Cán bộ có tiền họ muốn uống cái gì là quyền của họ chứ?
-          Vấn đề là chính quyền nơi đây muốn cán bộ của mình chỉ được uống loại bia Sài Gòn thôi.
-          Sao hẹp hòi thế, hay lãnh đạo tỉnh nghiện loại bia này nên bắt anh em phải theo sở thích của mình?
-          Không phải. Loại bia này được sản xuất tại địa bàn, nên các lãnh đạo muốn mọi người sử dụng sản phẩm để ủng hộ doanh nghiệp.
-          Làm thế rất dễ khiến người dân bất bình. Họ sẽ nghĩ lãnh đạo địa phương hẳn có tiêu cực chi đây nên mới cố gắng “bao tiêu”. Sao họ không dành thời gian nghĩ ra cái gì thiết thực nhỉ?
-          Đúng vậy. Giá như họ ra lệnh cấm cán bộ không được uống bia rượu hẳn người dân sẽ rất vui và ủng hộ, bác nhỉ.

Cận

Nên học lấy đức tính này

             
-          Hôm vừa rồi tôi gặp hai thanh niên người nước ngoài chở nhau bằng xe máy, đầu không đội mũ bảo hiểm vượt đèn đỏ bác ạ.
-          Thiểu số thôi. Đa phần họ sang Việt Nam đều tuân thủ nghiêm luật lệ giao thông. Trường hợp bác vừa nói chắc nhiễm phải thói xấu của người Việt.
-          Bác là chúa hay chê bai. Tôi thấy người Việt mình khi ra nước ngoài cũng tôn trọng luật nước sở tại lắm. Họ chỉ hay vi phạm khi ở trong nước thôi.
-          Điều đó cho thấy luật lệ nước mình không nghiêm. Đến người nước ngoài mà giờ đây cũng nhờn luật thì không còn gì để nói nữa.
-          Cũng không nên vơ đũa cả nắm. Hôm vừa rồi tôi chứng kiến cảnh một du khách nước ngoài cương quyết bắt một cô gái phải xuống dắt xe máy khi vào phố dành cho người đi bộ.
-          Chắc anh ấy sợ cô gái đâm vào mình, chẳng may què chân ra đấy còn “phượt” làm sao được nữa?
-          Anh ta làm thế còn vì những người xung quanh. Khi tất cả mọi người đều đang thong thả tản bộ bỗng có người phóng xe máy len vào sẽ rất dễ gây tai nạn.
-          Có khi anh này làm thế để được nổi tiếng trên mạng cũng nên.
-          Anh ta chỉ ở lại có vài ngày thì cần gì ai biết đến. Người nước ngoài họ thế, thấy việc làm sai là họ thẳng tay ngăn chặn ngay. Người Việt mình nên học lấy đức tính này, bác ạ

Cận

Không thể hiểu nổi


-          Bác có thể thống kê được số thanh niên trẻ nước mình phải từ bỏ những ước mơ cao đẹp vì hoàn cảnh khó khăn không?
-          Hằng hà sa số, đến cơ quan chức năng còn không làm  được nữa là tôi. Lại mới có trường hợp bi đát nào khiến bác phải trăn trở sao?
-          Không chỉ trăn trở mà còn day dứt nữa kia. Ở xã Nghi Liên TP Vinh, Nghệ An có một cô bé sinh năm 1997 đỗ đại học kì vừa rồi mà không được đến trường.
-          Ôi dào, những trường hợp như vậy có đầy. Không học đại học thì học nghề cũng được chứ sao?
-          Vấn đề là cả bố lẫn mẹ cô bé đều mất sớm. Cô ấy phải một mình bươn trải làm lụng nuôi các em ăn học. Hôm nhận giấy báo trúng tuyển cô bé chỉ dám đặt tờ giấy lên bàn thờ để báo cho người đã khuất biết, rồi ba chị em ôm nhau khóc.
-          Khóc vì mừng quá hả bác?
-          Không. Cô bé khóc và hứa với bố mẹ sẽ chịu thiệt thòi ở nhà nuôi các em ăn học nên người. Tôi thấy tiếc cho một học sinh suốt mười mấy năm học đều là học sinh giỏi toàn diện, vậy mà…
-          Cũng đáng tiếc thật. Thế cô bé phải làm gì để nuôi được các em?
-          Cô bé phải làm thuê ở mấy cơ sở liền,  đến đêm mới về, vậy mà cũng chỉ đủ tiền nộp học và mua sách giáo khoa cho các em. Để có cái ăn cho cả 3 người, cô bé phải lặn lội ngoài đồng mót củ khoai củ sắn. Lắm khi mấy chị em phải nhịn đói cả ngày trời.
-          Tôi tưởng những trường hợp như thế này nhà trường phải miễn học phí cho các cháu chứ?
-          Được thế đã tốt, đằng này nhà trường vẫn đè các cháu ra thu đủ thứ tiền. Tôi thật không thể nào hiểu nổi nữa.

Cận

Không nên tính thiệt hơn


-          Theo bác, điện có tác hại gì không?
-          Bác thử sờ vào đầu dây có điện xem, lại chẳng giãy đành đạch ngay ấy à. Từ ngày sử dụng điện đến giờ, tuy thoát được cảnh tăm tối, nhưng cả nhà tôi ai cũng bị cận. Chính vì vậy tôi khuyên bác không nên sử dụng điện thái quá, để giữ gìn sức khỏe.
-          Bác nói cũng có lí. Thảo nào mà mấy nghìn hộ dân ở Mường La, Sơn La không dùng điện. Đêm xuống chỉ thấy duy nhất thứ ánh sáng từ bếp lửa hồng.
-          Họ sợ hỏng mắt hay sao mà không dùng điện?
-          Không phải. Người dân ở đây rất nghèo. Họ khát khao có điện để thay đổi cuộc sống mà có được đâu.
-          Lạ nhỉ. Đây là địa bàn nằm gần nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á mà người dân không có điện dùng thì phi lí quá. Lí do tại sao không cấp điện cho họ?
-          Lãnh đạo ngành điện giải thích. Đây là vùng núi cao, hiểm trở, đầu tư điện sẽ rất tốn kém, khó thu hồi vốn.
-          Có những thứ không nên tính lỗ lãi. Khi người dân càng nghèo, càng khó khăn, nhà nước càng phải ưu tiên đầu tư. Đấy chính là bản chất ưu việt của chế độ ta.
-          Đúng vậy. Nhiều người dân Sơn La đã phải rời bỏ quê hương bản quán, mất ruộng nương để nhà nước xây dựng thủy điện. Vậy mà chính những con người đó suốt đời phải sống trong bóng đêm, tôi thấy tội nghiệp quá.

Cận

Không khỏi ngậm ngùi

               
-          Thế mới thấy tấm lòng của nhiều người nước ngoài đối với Việt Nam thật đáng quí.
-          Lại có người vừa nhận con nuôi người Việt hay tài trợ cho chương trình thể thao hả bác?
-          Không phải, có một ông người Đức đã đứng ra hô hào đóng góp và bỏ tiền túi xây 2 trường học khang trang cho các địa phương khó khăn ở Quảng Nam và Hà Tĩnh.
-          Chắc ông này muốn sang đây tìm vợ nên làm thế để thu hút sự chú ý của các cô gái trẻ đấy thôi?
-          Ông ấy đã 92 tuổi rồi còn lấy vợ làm gì nữa. Ông ấy bảo làm thế là vì thương các cháu vùng lũ thiếu đói quanh năm, phải học trong những ngôi trường thiếu an toàn, lớp học lụp sụp.
-          Ở tuổi này lẽ ra ông ấy phải ở nhà tĩnh dưỡng, vui vầy với con cháu, chứ cứ đi khắp nơi như thế nhỡ có mệnh hệ gì thì khốn?
-          Ông lão bảo cả đời lao tâm khổ tứ làm giàu rồi, giờ có chút vốn liếng muốn đóng góp vào những việc có ích cho nhân loại. Ông còn cho biết sẽ tiếp tục xây trường cho trẻ em miền Trung, cho đến lúc sức tàn, lực kiệt mới thôi.
-          Nghe kể về những hành động hết sức nhân văn này tự nhiên tôi thấy cám cảnh trước việc nhiều tỉnh đua nhau xây trụ sở tốn kém hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân, trong khi trẻ phải co ro học trong những túp lều rách nát, cơm ăn không đủ no, nói gì đến thịt cá.
-          Bác nói đúng. Giá như chính quyền các nơi sẵn sàng làm việc trong những trụ sở bình thường, nhưng lại đua nhau xây trường học, bệnh viện thì người dân sẽ biết ơn và hạnh phúc lắm.

Cận

Không còn trọng hình thức?

              
-          Không hiểu sao, cứ mỗi dịp khai giảng năm học tôi lại thấy lo cho mấy đứa cháu không may lăn ra ốm thì chết dở.
-          Đầu năm đã phải học gì nhiều đâu mà bác lo?
-          Ý tôi không phải vậy. Tôi sợ các cháu phải ngồi nghe diễn văn khai giảng dài lê thê cả buổi dưới trời mưa gió thất thường sẽ không chịu nổi.
-          Sở GD&ĐT vừa có chỉ thị cho các trường chỉ được tổ chức buổi lễ trong vòng 60 phút thôi mà.
-          Thế cũng vẫn dài. Nhỡ trời mưa to đúng vào giờ khai giảng thì làm thế nào. Dầm mưa trong một giờ đồng hồ đến voi cũng quị, nói gì các cháu?
-          Thì đợi ngớt mưa hẵng làm, miễn trong ngày 5-9 là được.
-          Tôi e 60 phút khó kham hết chương trình. Bác còn lạ gì quan khách nhà mình, nhiều người “bận” lắm, đến muộn là chuyện bình thường.
-          Ông Giám đốc Sở khẳng định rồi, đây là buổi lễ của các cháu, đâu phải của người lớn, nên phải được làm đúng giờ, không đợi ai cả.
-          Nói thì nói thế thôi, chứ khách mời đều là những người quyền cao, chức trọng. Có người được mời đánh trống khai giảng. Họ mà chưa đến ai dám bắt đầu buổi lễ. Vẫn phải đợi thôi?
-          Ừ nhỉ. Thì đợi một lát cũng tốt chứ sao. Học sinh cũng nên dãi dầu mưa nắng. Có dạn dày mới có sức khỏe dẻo dai mà học tập.

Cận

Hãy để người dân tôn vinh

           
-          Mấy hôm nay theo dõi những tranh cãi quanh việc một trường Đại học tự cho mình quyền phong chức danh GS cho giáo viên, thấy cũng có nhiều chuyện thú vị.
-          Tôi tưởng việc này lâu nay thuộc về Nhà nước chứ?
-          Thế mới có chuyện để nói. Người đồng tinh cũng nhiều mà người phản đối cũng lắm.
-          Cũng nên có một lần tranh luận cho ra ngô ra khoai, kẻo năm nào cũng thế, cứ đến mùa phong GS là lại xảy ra lắm chuyện chạy chọt, nhức hết cả đầu
-           Vấn đề là, những người không đồng ý đa phần là các GS đầu ngành, có người quyền rất cao mà chức cũng rất trọng.
-          Nếu hiểu Giáo sư có nghĩa là Thầy giáo thì vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều. Tại nhiều nước cũng như ở Việt Nam trước đây, hễ ai tốt nghiệp Đại học rồi ra dạy học thì đều được gọi là Giáo sư cả, có ai phong tặng đâu.
-          Nhưng vấn đề là ở nhiều cơ quan Nhà nước, nếu muốn bổ nhiệm phải có học vị tiến sỹ, ưu tiên có thêm PGS, GS.
-          Chính vì chúng ta gắn học hàm học vị với cơ hội thăng tiến, lợi lộc, nên đã khiến nhiều người không có thực lực tìm cách vươn cao. Đây là nguyên nhân làm nảy sinh tầng lớp trí thức “dởm”.
-          Tôi thấy ở nước ngoài, một cử nhân chuyên về quản trị doanh nghiệp quản lí về mặt hành chính, điều động hàng trăm GS, TS là chuyện bình thường.
-          Đúng vậy. Một GS chân chính không nên tranh cãi vô bổ làm gì, mà hãy cố gắng đào tạo nên những học trò có ích cho xã hội. Hãy sống gương mẫu, mô phạm, người dân sẽ tôn vinh. Đấy là niềm tự hào lớn nhất của người đứng trên bục giảng, bác ạ.

Cận

Của người phúc ta

                                                   
-          Bác mua tre về làm gì vậy?
-          Làm lồng đèn chứ làm gì nữa. Cũng sắp đến rằm Trung thu rồi, chuẩn bị ngay từ bây giờ là vừa.
-          Sao năm nay bác “ăn Trung thu to vậy, mới trúng mánh gì phải không?
-          Già rồi còn ham hố gì nữa. Tôi làm đèn cho cháu mang đi thi trên phường. Năm nào phường chẳng tổ chức đêm Hội trăng rằm.
-          Thì mỗi năm chỉ có một lần, cũng nên tạo điều kiện cho các cháu vui chơi thỏa thích.
-          Các cháu có được gì đâu. Có chăng là chạy theo chiếc xe chở đèn chạy lòng vòng trên phố, hò reo đến khản cả cổ.
-          Tôi tưởng là các cháu sẽ được vác đèn đi chơi cùng chúng bạn chứ.
-          Đâu có. Đây là dịp để phường chứng tỏ thành tích với phường bạn. Nhà nào cũng cố làm lồng đèn thật to, thật đẹp, nếu giành giải sẽ được giấy khen.
-          Vất vả một tí nhưng cả nhà đều vui. Mình bỏ sức, phường bỏ tiền là được rồi.
-          Ai bảo bác thế, tất cả từ tiền túi của mình thôi. Nhiều nhà cố giành giải nên làm thật hoành tráng làm bằng chất liệu hiếm, có khi lên tới hàng chục triệu đồng.
-          Tốn kém một tí nhưng sau cuộc thi, được mang đèn về nhà treo là thích rồi.
-          Không phải, đèn đoạt giải sẽ được cất vào kho của phường, sang năm tân trang, thi tiếp.
-          Ô, thế ra của người phúc ta à. Thành tích thì phường hưởng, tiền của, công sức người dân chịu. Sao phường “dại” thế nhỉ?

Cận

Chẳng biết kêu ai


-          Có tiền tôi cũng chẳng mua ô tô bác ạ.
-          Lạ thật đấy. Cả thế giới này ai chẳng ước mơ có một chiếc ô tô, sao bác “dị ứng” với loại phương tiện này vậy?
-          Đúng là dùng ô tô sướng thật, mưa không đến mặt nắng không tới đầu, nhưng với đồng lương hiện nay, làm sao chịu nổi phí cầu đường.
-          Đóng phí là trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ phương tiện. Có thu phí thì nhà nước mới tái đầu tư mở rộng, nâng cấp đường sá chứ.
-          Ai chẳng biết thế, nhưng cũng nên vừa phải thôi. Ai đời, có đoạn đường dài 10 km từ Tân Vạn (Đồng Nai) đến Tân Uyên (Bình Dường) mà người ta cho lắp đặt tới 10 trạm thu phí, chịu sao nổi.
-          Thật sao. Chắc người ta lắp nhiều trạm thu phí thế là để các bác tài phải liên tục đạp chân phanh, sẽ nâng cao trình độ lái xe. Việc phải móc ví nhiều cũng làm bắp tay lái xe to hơn, đỡ phải tập thể dục.
-          Chẳng phải thế đâu. Đây là chính sách tận thu của các địa phương thôi. Tiền họ thu vô tội vạ, nhưng cầu đường thì vừa đưa vào sử dụng đã nứt toang hoác, lún như đường làng. Lỗi này do đâu hả bác?
-          Rõ thế rồi mà còn phải hỏi. Chỉ khổ người có ô tô chảng biết kêu ai. Cám cảnh.

Cận

Cần vào cuộc sớm


-          Bác đi đâu mà ăn mặc lịch sự thế?
-          Tôi đi họp phụ huynh cho đứa cháu. Nghe nói sẽ có cuộc phỏng vấn người lớn tuổi rồi phát lên ti vi nên phải ăn mặc chỉn chu đàng hoàng một chút.
-          Thôi, tôi xin bác. Nếu bác không muốn cháu mình bị trù úm thì chớ có xuất hiện trên báo chí. Có cô giáo công tác tại trường THCS Ba Đình, chỉ vì lỡ miệng phát biểu mấy câu về tình trạng lạm thu trong trường học mà bị lãnh đạo trường này gọi lên nhục mạ không ra gì đấy.
-          Thì “vạch áo cho người xem lưng” nên bị phê bình là “đúng” rồi, kêu ca gì nữa?
-          Cô ấy chỉ nói chung chung, có chỉ đích danh trường nào đâu.
-          Như thế cũng không được. Thế truyền hình không làm mờ mặt người phát biểu ý kiến à?
-          Có chứ, nhưng mọi người vẫn nhận ra. Thế là cô giáo này bị thủ trưởng gọi lên tổng sỉ vả cho một trận, bị đưa ra cuộc họp xem xét tư cách đảng viên, tư cách nhà giáo, nghe nói còn có nguy cơ mất việc.
-          Kinh thế kia à. Thế ở trường này có chuyện lạm thu đầu năm học không?
-          Làm sao tôi biết được. Nếu cơ quan chức năng vào cuộc sẽ tìm ra chứng cứ ngay thôi. Chuyện lạm thu liên quan đến hàng nghìn học sinh giấu làm sao được.
-          Kể cả khi trường này “trong sạch” không có chuyện “ăn bẩn”, thì nhà trường cũng không nên làm thế với nhân viên của mình. Họ đang tự thừa nhận mình là lực cản đối với công cuộc chống tiêu cực đấy. Với trường hợp này, cơ quan chức năng cần vào cuộc đến nơi đến chốn.

Cận

Cần tính toán thận trọng


-          Từ nay bác hết tinh tướng, chế giễu vì tôi sinh toàn con gái nhé.
-          Dù sao “có nếp có tẻ” vẫn hơn chứ. Nhà toàn “vịt trời”, lượn qua lượn lại suốt ngày bác không thấy ngứa mắt à?
-          Sao phải tự ti, mặc cảm chứ. Bộ Y tế vừa có đề xuất hỗ trợ, thưởng tiền cho gia đình nào sinh con một bề toàn con gái đấy.
-          Lạ nhỉ. Từ xưa đến nay người ta toàn ăn mừng vì sinh được con trai, chứ có đả động gì đến con gái đâu?
-          Chỉ vì những người nặng đầu óc phong kiến, trọng nam khinh nữ như bác nên nước mình đang xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng. Bộ này làm thế là để lấy lại sự cân bằng của tự nhiên thôi.
-          Thưởng tiền cũng không thể ngăn được cơn khát có con trai vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Công sức cả đời làm ra giờ dành hết cho mấy ông con rể, ai mà chịu nổi.
-          Trai hay gái thì cũng là con mình. Tôi thấy con rể khối anh còn tử tế hơn cả con trai.
-          Nếu việc này được thông qua, nhà nước sẽ phải chi một khoản tiền rất lớn. Nhận thưởng rồi, mấy năm sau họ đẻ tiếp, lúc đó có đòi tiền lại được không?
-          Thì phải có cam kết, có các biện pháp chế tài chứ.
-          Theo tôi, đề xuất này rất nhân văn, tuy nhiên, Bộ Y tế cần thận trọng tính toán để sao cho có kết quả tốt, hợp với lòng dân, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột.

Cận

Cần có chứng minh cụ thể

            
-          Mấy bữa nay bác có theo dõi chuyện một chàng trai mới 30 tuổi ở Quảng Nam được bổ nhiệm Giám đốc Sở KH&ĐT không?
-          Có chứ. Xung quanh chuyện này có nhiều ý kiến trái chiều quá. Ở nước ngoài, việc một người thành công trong sự nghiệp khi mới ngoài hai mươi tuổi là chuyện hết sức bình thường. Có tài thì vươn cao, ai cấm.
-          Vấn đề là, bố anh ta vốn là Bí thư tỉnh này.
-          Thì sao nào. Có luật nào cấm cả hai bố con cùng thành đạt đâu.
-          Nhưng dư luận ì xèo rằng, nhờ có bố nâng đỡ nên anh ta mới được như vậy. Người khác ấy à, còn lâu nhé.
-          Bằng chứng đâu. Việc bổ nhiệm cán bộ có qui trình rất chặt chẽ, là ý kiến tập thể, ý muốn chủ quan cá nhân chẳng có nghĩa lí gì cả. Nghe nói anh này có bằng Thạc sỹ được đào tạo rất bài bản ở nước ngoài mà.
-          Khối Tiến sỹ ở những nước tiên tiến về mà còn ngồi chơi xơi nước nữa là Thạc sỹ. Tôi chẳng tin anh này tự thân đi lên được.
-          Bằng cấp chưa nói lên điều gì cả. Khối anh Hai lúa có học hành gì đâu mà làm được cả máy bay, tàu ngầm kia kìa. Cái người dân mong đợi ở những cán bộ trẻ là những việc làm thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, bác ạ.
-          Tôi cũng đồng ý với quan điểm của bác. Mọi người cứ bàn đến chuyện bằng cấp, tuổi tác, trong khi chẳng ai đưa ra được việc làm cụ thể nào chứng minh anh này có thực tài cả. Nếu làm được điều này, ai cũng tâm phục khẩu phục ngay.

Cận

Cá không ăn muối cá ươn


-          Nghe học sinh trả lời Quang Trung-Nguyễn Huệ là anh em, tôi buồn cười quá.
-          Có gì đâu mà cười, phải khóc mới đúng chứ. Đây là hậu quả của việc học lệch. Khi mà chính các thầy cô không coi trọng dạy môn lịch sử thì bắt các cháu yêu môn này sao được.
-          Chính vì vậy mà tại hội nghị của Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam gần đây, có ý kiến đưa môn Lịch sử thành môn thi bắt buộc đấy.
-          Việc này đáng ra đã phải làm lâu rồi mới phải chứ. Lịch sử dân tộc mà không nhớ, không hiểu thì lòng yêu nước bị mai một là lẽ đương nhiên. Vậy khi môn Lịch sử được chọn là bắt buộc thì môn bắt buộc nào trước đây sẽ trở thành môn tự chọn, nghĩa là môn phụ ấy?
-          Tôi không rõ, chắc để vào năm học mới sẽ bàn.
-          Thực ra theo tôi môn nào cũng quan trọng cả. Chỉ vì chúng ta thương học sinh, không bắt chúng trực nhật như trước, mà thuê người dọn vệ sinh nên giờ đây nhiều cháu rất lười, không biết yêu lao động. Về nhà chẳng giúp bố mẹ việc gì. Môn đạo đức cũng thế, chúng ta dạy quấy quá cho xong, nên các cháu ngày càng trở nên vô cảm trước số phận của đồng loại.
-          Bác Hồ đã từng chỉ ra rồi, chẳng qua ngành giáo dục của chúng ta mải chạy theo thành tích mà bỏ qua những cái cốt lõi của con người thôi. Năm 1945, Người từng yêu cầu ngành này: “Nhiệm vụ của trường học là phát triển năng lực toàn diện của học sinh, chứ không phải phát triển kiến thức cho học sinh”. Đúng là cá không ăn muối cá ươn, bác nhỉ.

Cận

Bộ có biết việc này?

             
-          Theo bác trẻ lớp 1 nước nào dũng cảm nhất thế giới.
-          Làm sao tôi biết được. Trẻ cần chơi, cần học, cần sự ngây thơ, trong sáng, chứ lòng dũng cảm theo tôi là chưa cần thiết lắm.
-          Cần chứ bác. Các cháu rất cần sự dũng cảm để cứu bạn khi chẳng may bạn rơi xuống nước, bênh vực bạn khi bị bắt nạt.
-          Lòng dũng cảm là đức tính tốt, nhưng nếu nhận thức chưa đầy đủ dễ thành sự liều mạng. Chúng ta không nên khuyến khích trẻ lớp 1 lao xuống dòng nước lũ cứu bạn. Các cháu còn non nớt, có khi hại cho cả 2.
-          Vậy mà trong cuốn sách về kĩ năng sống dành cho trẻ lớp 1 đã dạy các cháu rèn luyện lòng dũng cảm bằng cách đi chân trần dẫm lên thủy tinh đấy.
-          Sao lại dạy dỗ như thế. Lòng bàn chân các cháu mỏng manh như cánh sen hồng chịu sao nổi?
-          Cuốn sách yêu cầu giáo viên đập nhỏ thủy tinh rồi rải xuống nền nhà, sau đó yêu cầu các cháu thay phiên nhau dẫm lên.
-          Người viết cuốn sách này có vẻ ưa bạo lực nhỉ. Họ đang nhầm lẫn giữa các khái niệm. Họ dạy trẻ sự liều lĩnh, chứ đâu phải dạy về lòng dũng cảm. Sự dũng cảm được trui rèn về nhận thức trong môi trường sống, khiến một người yếu ớt vẫn dám đương đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt.
-          Đúng thế. Tôi thấy nhiều loại sách viết nhảm nhí quá. Bộ GD&ĐT chẳng lẽ không biết việc này?

Cận 

Thật đáng ngưỡng mộ


-          Theo bác, việc người dân hiến đất, bỏ tiền xây dựng trường học không đòi hỏi quyền lợi có phải là hiện tượng đáng mừng không?
-          Xây trường học dù dưới bất cứ hình thức nào cũng là việc làm tốt, cần khuyến khích. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm là, đây là việc của nhà nước, người dân làm việc đó cũng là vạn bất đắc dĩ, chỉ khi hệ thống giáo dục của ta đang có quá nhiều bất cập.
-          Thì nhà nước và nhân dân cùng làm cũng tốt mà. Vừa rồi, ở xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang có một người phụ nữ đã bỏ tiền túi ra mua đất xây trường mầm non cho trẻ đấy.
-          Chắc lại là một người nghèo nào đó chứ gì. Chuyện tương tự như thế có nhiều rồi?
-          Không phải, lần này là một tỷ phú. Bà ấy xây cái trường rất to, lắp đặt toàn thiết bị hiện đại. Trẻ học ở đây hầu như không phải trả tiền.
-          Thật sao. Có mấy khi nhà giàu xây trường học từ thiện đâu nhỉ. Bà ấy làm thế để quảng bá hình ảnh thôi. Hôm khánh thành chắc bà ấy ăn mặc diêm dúa,đi xe sang đến dự?
-          Bác đoán sai rồi. Bà ấy tuy là một tỷ phú nhưng hàng ngày, kể cả khi tiếp khách quan trọng bà ấy vẫn đi chân đất mặc quần áo nâu sồng. Khi có thời gian bà ấy cũng làm việc quần quật như mọi người làm thuê khác.
-          Thật đáng ngưỡng mộ. Những người như thế này cố gắng làm giàu không phải cho bản thân, mà hoàn toàn vì đất nước. Trong khi đó khối kẻ mới ti toe có mấy đồng bạc đã vội xài hàng hiệu, ở biệt thự, đi xe đẹp. Loại người này không đáng xách dép cho bà ấy, bác nhỉ.

Cận

thương các nhân tài

          
-          Qua các kì thi đại học tôi thấy đề thi khó thế mà nhiều cháu vẫn đạt thủ khoa, có đứa còn giành điểm tuyệt đối, thật đáng khâm phục.
-          Người tài nước mình thời nào chẳng có. Còn nhiều người ẩn dật trong dân gian không chịu xuất đầu lộ diện, cống hiến cho tổ quốc, cho nhân dân.
-          Không phải họ không muốn giúp đời, nhiều khi cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài của chúng ta còn quá nhiều bất cập, khiến họ khó thi thố được.
-          Bác thử dẫn chứng xem nào?
-           Như trường hợp cô bé Chu Thị Yến chẳng hạn. Cô bé là thủ khoa kép, nghĩa là thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra trường ĐH Giao thông vận tải, ra trường đã nhiều tháng nay, đi xin việc khắp nơi mà chẳng đâu nhận cả.
-          Chắc là không có ai “đỡ đầu” nên vậy thôi. Cô bé cố gắng tìm lấy một cái “Ô” mọi việc sẽ suôn sẻ thôi.
-          Bác nói thế không được. Có phải ai trên đời này cũng có ông chú, bà bác làm to đâu. Cô ấy thực sự là một tài năng, từng được vinh danh ở Quốc Tử Giám mà còn lận đận thế, không hiểu các em học hành làng nhàng còn khó khăn đến đâu?
-          Thôi bác đừng bận tâm thêm làm gì cho bạc tóc. Trường hợp như thế này đã có từ lâu, dư luận cũng đã lên tiếng nhiều nhưng có thay đổi được gì đâu. Chỉ tiếc cho các nhân tài, họ ít có cơ hội để chứng tỏ mình quá.

Cận 

Cần tính toán thận trọng


-          Từ nay bác hết tinh tướng, chế giễu vì tôi sinh toàn con gái nhé.
-          Dù sao “có nếp có tẻ” vẫn hơn chứ. Nhà toàn “vịt trời”, lượn qua lượn lại suốt ngày bác không thấy ngứa mắt à?
-          Sao phải tự ti, mặc cảm chứ. Bộ Y tế vừa có đề xuất hỗ trợ, thưởng tiền cho gia đình nào sinh con một bề toàn con gái đấy.
-          Lạ nhỉ. Từ xưa đến nay người ta toàn ăn mừng vì sinh được con trai, chứ có đả động gì đến con gái đâu?
-          Chỉ vì những người nặng đầu óc phong kiến, trọng nam khinh nữ như bác nên nước mình đang xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng. Bộ này làm thế là để lấy lại sự cân bằng của tự nhiên thôi.
-          Thưởng tiền cũng không thể ngăn được cơn khát có con trai vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Công sức cả đời làm ra giờ dành hết cho mấy ông con rể, ai mà chịu nổi.
-          Trai hay gái thì cũng là con mình. Tôi thấy con rể khối anh còn tử tế hơn cả con trai.
-          Nếu việc này được thông qua, nhà nước sẽ phải chi một khoản tiền rất lớn. Nhận thưởng rồi, mấy năm sau họ đẻ tiếp, lúc đó có đòi tiền lại được không?
-          Thì phải có cam kết, có các biện pháp chế tài chứ.
-          Theo tôi, đề xuất này rất nhân văn, tuy nhiên, Bộ Y tế cần thận trọng tính toán để sao cho có kết quả tốt, hợp với lòng dân, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột.

Cận