Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Khó diệt được hết


- Con người và đất nước Nhật Bản thật diệu kì, bác Viễn nhỉ?
- Giờ bác mới đánh giá như vậy e rằng hơi muộn. Mặc dù không phải là nước giàu nhất, nhưng người Nhật luôn được cả thế giới ngưỡng mộ về nhân cách, lối sống, sự vươn lên không ngừng nghỉ…
- Đến cái đám xã hội đen của họ cũng có lối ứng xử thật đặc biệt.
- Ý bác là… tôi không hiểu?
- Chẳng là, vừa rồi khi nước Nhật chìm trong thảm họa, các băng nhóm Yakuza vốn khét tiếng với các hoạt động đâm thuê chém mướn, bảo kê, tống tiền đã tổ chức hàng trăm chuyến xe chở hàng cứu trợ tới các nạn nhân thảm họa, sóng thần.
- Thì cướp bóc mãi của dân, giờ trả lại có gì đáng nói đâu. Họ làm thế chắc để quảng bá hình ảnh, xoa dịu sự thù oán trong dư luận thôi.
- Cũng không hoàn toàn như vậy. Họ không cung cấp thông tin cho báo chí mà hết sức lặng lẽ chở hàng vào ban đêm tới những vùng khó khăn, cấp phát hàng hóa cho người bị nạn.
- Tôi chẳng tin lắm vào thiện chí đó. Có ai cho không ai cái gì bao giờ. Cứ nhìn vào tình hình nước ta sẽ thấy ngay. Trong đợt cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt vừa rồi bác không thấy nhiều doanh nghiệp cho được mấy thùng mì tôm mốc mà tiền hô hậu ủng, lôi báo chí đi theo rầm rầm rộ rộ, tìm mọi cách chường cái mặt phèn phẹt, thừa mỡ lên truyền hình. Có kẻ thì miệng hu hu nói thương người nghèo quá mà có thấy giọt nước mắt nào lăn ra đâu?
- Khóc trước đám đông ngượng chết đi được. Nhỡ đêm về, khi lên giường đi ngủ họ mới úp mặt vào gối khóc thương cho đồng bào mình thì sao?
- Tôi chẳng tin. Những kẻ ăn bớt tiền của người hiến máu nhân đạo, thụt két quĩ cứu trợ, ăn chặn tiền, hàng của người đang gặp khốn khó mà bác vẫn hi vọng vào lòng trắc ẩn của họ thì thật ngây thơ quá!
- Tôi có cảm giác dạo này bác đang bị trầm cảm thì phải. Sao bác mất lòng tin vào con người thế?
- Cũng không đến mức như thế. Không chỉ tôi mà nhiều người thật sự buồn khi chứng kiến cảnh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của một tỉnh lại mang quần áo cứu trợ cho một ga- ra ôtô làm giẻ lau, rồi chủ tịch huyện cho tiền từ thiện vào túi riêng, rồi cán bộ xã thâm thụt tiền trợ cấp gia đình chính sách…
- Chắc họ sợ người nghèo nhận được tiền lại vung tay quá trán nên giữ hộ thôi
- Được thế thì còn gì bằng, đằng này nhiều kẻ còn biến những món tiền hẻo thành xe hơi, nhà lầu, cho con cái đi du học. Cũng khối đối tượng đã bị đưa ra ánh sáng, phải vào tù, nhưng tiếc rằng cái đám này nhung nhúc khắp nơi, khó diệt được hết, buồn thay!
Cận

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Tôi biết hỏi ai


- Bác Viễn này, theo bác, tôi có nên lập công ty nhập khẩu lưới đánh bắt không?
- Ao hồ, cá mú có còn đâu mà nhập lưới, khó tiêu thụ lắm
- Tôi chỉ nhập loại lưới chuyên dùng để bắt rùa thôi, chủ yếu dùng để bắt cụ Rùa hồ Gươm
- Trong nước không sản xuất được lưới hay sao mà phải nhập?
- Cũng làm được, nhưng không đảm bảo, hôm vừa rồi lưới nội bị cụ Rùa phá tan, trốn thoát đấy thôi
- Cụ Rùa ốm yếu lắm rồi, sức đâu mà vẫy vùng. Coi trên tivi hôm đó tôi thấy hình như người ta dùng màn tuyn để quây bắt cụ, chứ đâu phải lưới. Hình như có ai đó đang cố tình diễn trò thì phải
- Để chắc ăn, vừa rồi nhà chức trách đã quyết định cho nhập lưới của Nhật bác ạ. Tôi còn nghe nói mấy hôm nay hơn hai chục lính đặc công luyện tập ráo riết phương án bắt cụ Rùa, phen này cụ có chạy đàng trời
- Chứng kiến cảnh đó mà thấy cám cảnh quá. Rất nhiều con người đói khát, gặp hoạn nạn cần sự cứu giúp thì chẳng thấy ai quan tâm trong khi cả bộ máy công quyền của thành phố bấn loạn cả lên vì một con Rùa già. Thế mới thấy cái tầm, cái tâm, cái nhân cách, trình độ của nhiều quan chức nước ta đang có vấn đề
- Bác cứ ngồi đấy mà phán như thánh sống. Bắt cụ không dễ đâu. Đến bước đường cùng cụ rút gươm thần ra, bố ai dám đến gần
- Gươm nào? Cụ mà có gươm thật ấy à, cụ đã chém hết cái đám ăn tục nói phét, giỏi đục khoét hơn giỏi làm từ lâu rồi
- Bác chỉ được cái tinh vi, nếu giỏi sao bác không xung phong đi bắt cụ Rùa đi
- Có chết tôi cũng không làm cái chuyện báng bổ thần linh. Dùng cả lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội anh hùng để đối phó, quây bắt một biểu tượng, niềm tự hào của dân tộc là nỗi tủi hổ khó gột rửa
- Tôi cũng có cảm giác y như bác vậy. Hai chục đặc công nước, bơi giỏi như Yết Kiêu, dùng cả lưới của Nhật Bản mà vẫn không bắt được cụ, nỗi nhục lúc đó mới kinh khủng.
- Lúc đó không chỉ là nỗi nhục đâu, nó là sự phẫn nộ đấy
- Theo bác, trong lúc truy bắt cụ, nói dại, chẳng may có anh đặc công nào đó “hy sinh” thì có được công nhận là liệt sỹ không?
- Bác hỏi tôi, tôi biết hỏi ai
Cận

Những điều nhỏ nhặt

- Bác Viễn này, nếu còn muốn giữ tình cảm anh em, bạn bè thì ngay lập tức bác phải xin lỗi tôi.
- Tôi có điều gì thất thố với bác hay sao mà phải xin lỗi?
- Đúng thế! Hôm qua tôi thấy bác liếc trộm vợ tôi
- Có lẽ bác nhầm lẫn, tôi liếc vợ bác để làm gì?
- Có tình ý gì hay không tôi không rõ, nhưng như thế là không được
- Tôi nói bác bỏ quá, vợ bác trông “ngẫn” thế, tôi liếc làm gì cho hỏng mắt. Có lẽ do vô tình tôi nhìn về phía bác gái thôi.
- Vô tình hay cố ý thì bác vẫn phải xin lỗi. Bác không thấy ông giám đốc điện lực người Nhật Bản khóc nức nở xin lỗi người dân vì… sóng thần làm hỏng nhà máy điện nguyên tử à? Ông ấy có tạo ra được thiên tai đâu mà vẫn xin lỗi đấy thôi
- Văn hóa của họ nó thế, ai cũng thường trực trong mình tinh thần trách nhiệm với đồng loại. Một đứa bé bị tai nạn, cả đất nước nhức nhối nỗi đau, một số phận gặp bất hạnh cả xã hội sẽ chung tay gánh vác. Hình ảnh những con người khả kính cúi gập người xin lỗi nhân dân được cả thế giới thán phục
- Sao khi xin lỗi mặt họ không hếch lên, miệng tủm tỉm cười như đám quan chức nhà mình nhỉ? Tôi thấy hành động gập mình nó cứ hèn hạ thế nào ấy
- Chính vì cái lối tư duy giống của bác mà ở ta thiếu vắng hai từ “Xin Lỗi” quá. Khi con người ta cúi mình thấp hơn người khác đấy chính là lúc họ đang vươn tới trời xanh
- Tôi lại cho rằng, họ cúi đầu là để khỏi phải nhìn thẳng vào sự phẫn nộ của người dân, để nếu có bị dân đánh thì cuộn tròn người cho nhanh, không bị thụi vào chỗ hiểm
- Động cơ của việc xin lỗi là gì không cần bàn đến, nhưng rõ ràng, đây là hành vi của sự văn minh, điều này rất thiếu trong xã hội ta
- Nhưng nếu cứ luôn mồm xin lỗi thì dễ nhàm. Hôn lên má người yêu rồi xin lỗi vì đã làm em thích, biếu sếp chai rượu rồi xin lỗi vì đã làm sếp say, thấy vợ bạn đau bụng cũng xin lỗi vì không dau hộ được… tôi thấy nó thế nào ấy, thà không xin lỗi còn hơn.
- Cái này thì tùy bác thôi, nhưng bác nên nhớ một điều, một con người hay một đất nước chỉ có thể lớn lên được khi họ làm tốt từ những điều nhỏ nhặt
Cận

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Không chết được ngay


- Nghe nói bác Viễn sắp xây nhà phải không?
- Thì cả đời chắt chiu, giờ là lúc phải hưởng thụ chứ
- Cũng nên như vậy. Thời buổi này mà ăn ở lúi xùi quá người ta cười cho. Thế nhà bác làm có to không?
- Nhà chỉ có đôi vợ chồng già nên tôi định làm 5 tầng thôi, làm to quá ở không hết
- Đứng một chỗ thở còn chẳng ra hơi, làm thế nào mà bác leo được lên những tầng trên?
- Bác lạc hậu quá, có thang máy nâng bước cánh chim già chứ. Hơn nữa, tôi làm nhà cao có phải để ở đâu. Chỉ khi nào có lũ lụt hay sóng thần, tôi mới lên đó trú ngụ thôi
- Bác lo xa như vậy cũng đúng. Trận động đất kèm sóng thần vừa rồi ở Nhật kinh quá bác nhỉ. Hàng vạn chiếc xe hơi, hàng đoàn tàu hỏa bị sóng tung lên trời như những cọng rơm. Người thì chết như ngả rạ, hãi quá.
- Chính vì cơn cuồng nộ của tự nhiên này mà tôi quyết định làm nhà đấy. Bác cũng nên làm cái nhà cao cao một chút cho yên tâm
- Nhật Bản là một nước công nghiệp phát triển, công nghệ xây dựng của họ hiện đại bậc nhất thế giới mà còn tan tác như vậy, không hiểu Hà Nội mà bị một cơn động đất lớn như vậy thì thiệt hại sẽ đến đâu nhỉ?
- Phỉ phui cái mồm bác. Đã có ông tiến sỹ lên tivi nói Việt Nam không thể có động đất lớn đấy thôi
- Nghe lời mấy ông này có ngày đổ thóc giống ra mà ăn. Chẳng lẽ bác đã quên hồi năm 2008, dự báo thời tiết là mưa nhỏ, không đáng kể, ai ngờ ông trời ”tương” cho một phát cả Hà Nội ngập trong trùng dương sóng vỗ, khiến mấy chục con người phải chuyển khẩu lên thượng giới? Hà Nội mà bị động đất và sóng thần như Nhật Bản, có mà nát như tương
- Nhà cao tầng đầy ra đấy, lên đó mà ẩn nấp, sóng nào vươn tới được
- Cứ tình trạng ăn bớt sắt thép, bê tông lõi tre như hiện nay ấy à, gặp sóng hồ Tây nhà chung cư cao cấp cũng sập, nói gì tới động đất với sóng thần. Đấy là chưa kể nhà siêu mỏng, siêu méo, nhà lắp ghép làm từ nửa thế kỉ trước, mới gặp cơn gió mùa thu mà đã run rẩy chỉ chực ngã sõng soài vào lòng anh hàng xóm. Rồi còn khu vực phố cổ, chuột chạy trên mái nhà cũng khiến tường nhà nứt toang hoác… Ôi! Đáng lo lắm
- Vậy theo bác thì phải làm thế nào?
- Tốt nhất là chọn chỗ rộng thoáng mà ở. Đêm đến, đừng có ngủ trong nhà, lên đồi mà nằm, mà nhớ mặc áo phao nhé, chẳng may có bị sóng thần cuốn ra khơi cũng không chết được ngay, còn có thời gian mà vĩnh biệt đất trời
Cận

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Nhung nhúc Lý Thông


- Bác Viễn này, giờ tôi mới hiểu thế nào là cao lương mĩ vị, mới hiểu tại sao người ta sẵn sàng giết nhau để vươn lên đỉnh cao quyền lực, để được ăn ngon mặc đẹp.
- Bác vừa được ăn tay gấu hầm rãi chim yến hay lẩu lưỡi hổ kèm sâm Cao Ly vậy?
- Không, tôi vừa được thằng cháu đưa đi ăn bát phở, giá mỗi bát những 750 nghìn đồng, đến chết tôi cũng không quên được thịnh tình của thằng cháu yêu quí.
- Bát phở giá trị bằng nửa tháng lương như vậy chắc phải tuyệt vời lắm, nó được nấu với thịt gì vậy?
- Thịt bò Cô-bê nhập từ nước ngoài, đừng có nhầm với bò ăn rác ở Thái Nguyên nhé.
- Vậy mà tôi cứ tưởng phở được nấu bởi mấy ngôi sao Hollywood. Bò Cô- bê đắt thế chắc phải được nuôi nấng đặc biệt lắm. Khi vừa sinh ra chắc chúng được bú sữa người, được ngủ trên đệm Kim-đan, phòng lắp điều hòa nhiệt độ, chiều có người dẫn đi dạo, đêm có người đọc chuyện Cô bé quàng khăn đỏ cho nghe trước giờ đi ngủ, hôm nào trở trời còn được mát-xa…?

- Tôi cũng không rõ chúng được nuôi nấng ra sao, khi nhai chỉ thấy mềm mềm.
- Nếu chỉ để nhai đỡ mỏi răng, trong cơ thể bò nội thiếu gì bộ phận mềm. Tôi hỏi thật bác, bò Cô-bê có ngon hơn bò nuôi trong nước không?
- Cả đời ăn khoai, thần kinh lưỡi của tôi hỏng rồi, không cảm nhận được, nhưng nếu không ngon ai người ta bỏ hàng chục triệu đồng đưa cả nhà tới đó ăn sáng thường xuyên.
- Vậy từ lúc ăn bát phở của Ngọc hoàng thượng đế đến giờ bác có thấy người khỏe ra, đầu óc minh mẫn hơn không?
- Mới ăn có một lần thì làm sao đã có tác dụng được, chỉ thấy sau khi ăn bát phở đó tôi thấy mình tự tin hẳn.
- Ý bác là…?
- Bác không nhận thấy khi đi ngoài đường ngực tôi luôn ưỡn ra phía trước à. Đứng nói chuyện với ai, mặt tôi cũng nghênh lên, đúng dáng vẻ của giới tư sản mại bản. Một bát phở thôi mà đã làm cho con người ta thấy mình cao quí hẳn.
- Người giỏi họ chứng minh đẳng cấp của mình qua những hành vi, việc làm có ích cho cộng đồng. Chỉ những kẻ trọc phú ngu dốt mới lấy manh quần, tấm áo, chiếc xe ra để lòe thiên hạ
- Chắc bực tức vì cả đời chẳng được miếng ngon nào nên bác mới nói thế, hình như bác đang ghen với tôi thì phải?
- Thật đáng thương cho cái nhìn nhỏ nhen của bác. Giá như những kẻ như bác và thằng cháu bác bớt đi vài ba bát phở hàng ngày giúp vốn làm ăn cho bà con thôn quê thì sẽ đáng trân trọng biết bao. Tiếc là ở thời nào cũng thế, Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhung nhúc. Buồn thay!
Cận

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

“Bão” giá vần vũ


- Bác Viễn đi đâu mà thất thểu thế kia?
- Tôi đi làm thủ tục nhập viện bác ạ.
- Chết, bác bị bệnh gì mà sao không nói cho tôi biết vậy?
- Cũng không có gì nghiêm trọng, tôi chỉ mắc chứng ăn khỏe, ngủ khỏe thôi
- Ối giời! cái “bệnh” của bác bao người ước mơ mà chẳng được. Khỏe thế, bác vào viện làm gì?
- Tôi muốn cắt béng đi một nửa cái dạ dày, kéo dài gấp đôi số ruột non, ruột già, mua thuốc uống sao cho có thể thức suốt ngày đêm…
- Tôi hiểu rồi, bác không muốn ngủ để có thời gian tỉnh táo phục vụ chị em chứ gì?
- Bậy nào, tôi cắt dạ dày là để ăn ít đi, kéo dài ruột là để thức ăn đọng lại trong người lâu hơn, không sớm bị đói, muốn thức khuya để có thời gian kiếm tiền nuôi vợ con.
- Có lương hưu rồi, sống sao cho nhàn hạ, thanh thản, sao tự nhiên bác lại muốn bon chen với đời vậy?
- Ai muốn nhọc thân làm gì, nhưng bác tính bão giá vần vũ khắp nơi thế này, đồng lương hưu hàng tháng của tôi với bác giờ chỉ đủ chi dùng cho mấy ngày, không làm thêm thì lấy gì cho vào mồm.
- Thì ăn ít đi, trước ăn 3 bát giờ ăn 1 thôi, quần áo, đồ đạc đừng may, sắm nữa là đâu vào đấy thôi mà!
- Tôi đã làm vậy nhưng không ăn thua bác ạ. Tháng trước tôi đã cấm bà nhà tôi không được tập thể dục nhịp điệu nữa. Già rồi mà còn nhảy tưng tưng như vậy là chóng đói lắm. Ngồi đánh cờ với bác cũng vậy, tôi có dám hít thở mạnh đâu. Cơ bụng hoạt động nhiều là rất tốn cơm.
- Tôi nghe nói nhà nước sắp tăng lương rồi mà.
- Chỉ như gãi ngứa thôi, tượng trưng ấy mà. Nhiều gia đình ở quê đã đẽo cá gỗ treo lên xà nhà để đến bữa nhìn lên đó tưởng tượng là đang ăn cá thật. Giờ ai muốn làm giàu thì chuyển sang sản xuất gà gỗ, giò gỗ, rau muống gỗ
- Vậy sao báo, đài gần đây đưa tin nước mình đã thoát nghèo rồi. Thu nhập bình quân đầu người đã ở mức trung bình của thế giới?
- Không hiểu người ta căn cứ vào tiêu chí nào để phát ngôn như vậy, chỉ biết rằng, lương hưu mỗi tháng của tôi trước đây mua được 2 chỉ vàng giờ chỉ còn nửa chỉ, trước cầm 20 nghìn ra chợ đủ mua thức ăn ngon lành cho cả nhà, giờ 100 nghìn đồng chỉ mua được vài mớ rau, chán lắm!
- Thôi, than vãn phỏng có ích gì, xưa kia, toàn ăn ngô, khoai sắn, cả tháng chẳng được miếng thịt mà bộ đội ta vẫn chạy vù vù ngoài mặt trận, vác B40 truy kích kẻ thù chạy phọt cả bơ sữa ra, giờ thiếu thốn một tí có gì là ghê gớm
- Đói khổ tôi đâu có xá, chỉ tức là những người suốt đời cống hiến như tôi với bác rau muống không có mà ăn, lại có kẻ nhẫn tâm sáng nào cũng cưỡi xe đẹp đi ăn bát phở giá gần triệu bạc.
- Bực làm gì cho tổn thọ. Cái đám đó bên ngoài trông sáng láng thế thôi, bên trong rệu rão hết cả rồi, có tay nào không bị tim mạch tiểu đường đâu. Giời có mắt, không cho ai hết mọi thứ đâu.
Cận