Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

Trần Bạch Đằng: sóng vỗ miên man đến bạc đầu



Nhìn ông lão trạc tám mươi nằm trên giường bệnh, nhiều việc phải nhờ người nhà và cô thư ký, ít ai nghĩ rằng, ồng là một trong “tam kiệt họ Trần” của xứ Nam bộ. Tên tuổi ông gắn liền với những trang sử hiển hách của mảnh đất thành đồng. Ông là Trần Bạch Đằng, người đã cùng nhân dân miền Nam từng trút sóng lên đầu thù suốt hai cuộc kháng chiến thần thành của dân tộc.

Người đi theo dặm dài đất nước
Trần Bạch Đằng tên thật là Trương Gia Triều, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1926 tại ấp Bến Bạ, xã Thạnh Hưng (nay là Hoà Hưng) quận Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang. Quê ngoại ông ở Mặc Cần Dưng - Long Xuyên (nay thuộc tỉnh An Giang). Gia đình ông thuộc hạng trí thức theo Nho học xưa. Ông nội Trương Gia Tuân có thời làm tri phủ Bình Thuận, sau thấy triều đình thối nát, đã cáo quan về quê làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho thiên hạ. Thân sinh ra Trần Bạch Đằng là người giỏi chữ nghĩa cũng không chịu ra làm quan, nối nghiệp cha làm nghề bốc thuốc, viết liễn thuê. Vì người cha dính dáng tới Thiên Địa hội nên cả gia đình Trần Bạch Đằng bị triều đình xử phạt không được ở một nơi cố định quá 5 năm. Chính vì vậy, ngay từ khi mới 5 tuổi, Trần Bạch Đằng đã phải theo cha mẹ tha hương khắp nơi.
Cuộc đời Trần Bạch Đằng là một chuỗi dài những truân chuyên, vất vả. Khi thì ông ở Rạch Giá, lúc về Biên Hoà, nay đây mai đó. Cũng may, gia đình dù nghèo, vẫn cố lo cho ông ăn học. Để được nhận vào lớp, ông phải dùng giấy khai sinh của một đứa trẻ khác cùng tuổi. Do bản tính hiếu động, cộng thêm tội dùng giấy tờ giả, Trần Bạch Đằng mấy lần bị đuổi học. Cha ông lại phải chạy vạy lo lót mỗi khi chuyển trường mới. Với bản tính hiếu học, đi tới đâu Trần Bạch Đằng cũng tìm sách để đọc. Có lẽ nhờ vậy mà ông sớm bộc lộ sự hiểu biết hơn bạn bè cùng trang lứa. Sau khi kết thúc bậc sơ học, Trần Bạch Đằng không được thi tiếp lên bậc trung học do lệnh cấm của chính quyền. Nhờ sự dìu dắt của bà cô và người dượng (vợ chồng ông Trần Hữu Độ, một nhân sĩ thời đó), đặc biệt là sự giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Oanh (Bí thư thành uỷ Sài Gòn) nên Trần Bạch Đằng nhanh chóng trở thành cán bộ của Đảng, khi đó ông mới 16 tuổi. Thực hiện chủ trương vô sản hoá cán bộ, Trần Bạch Đằng xin vào làm tại Sở cao su Xa Cam. Chưa được một tháng ông bị đuổi việc vì đánh một tên Pháp trong trận đá bóng. Cũng may, ngay sau đó ông xin được một chân dạy học tại một trường tư. Được nửa năm, trường đóng cửa, Trần Bạch Đằng lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Ông về giúp việc cho vợ chồng người cô và văn phòng Xứ uỷ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Trần Bạch Đằng nhận chỉ thị tham gia phong trào Thanh niên tiền phong, xây dựng Đoàn thanh niên cứu quốc, tổ chức Hội truyền bá quốc ngữ, công đoàn... Đây là sự chuẩn bị lực lượng của Đảng, khi thời cơ đến sẽ tiến hành tổng khởi nghĩa. Thời kì diễn ra Cách mạng tháng Tám, Trần Bạch Đằng lãnh đạo nhân dân khu vực ngã Sáu (Sài Gòn) đứng lên cướp chính quyền (24.8.1945). Niềm vui độc lập chẳng được bao lâu thì quân Pháp trở lại chiếm Sài Gòn và một số vùng phụ cận. Bộ máy chính quyền Việt Minh vừa thành lập đã phải chuyển lên vùng chiến khu. Trần Bạch Đằng được giao phụ trách Tuyên huấn của Trung ương cục. Đầu năm 1949, ông cùng các đồng chí Phạm Hùng, Hà Huy Giáp được cử ra Việt Bắc dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Khi tới địa phận Dốc Mỏ - Tuy Hoà (nay thuộc tỉnh Khánh Hoà) Trần Bạch Đằng không may rơi vào tay giặc. Kẻ thù giam ông ở Nha Trang một thời gian, sau đó chuyển về Catina Sài Gòn. Tại những nơi này ông bị tra tấn hết sức dã man nhưng địch không khai thác được thông tin gì ở người chiến sĩ kiên trung. Sau hơn nửa năm bị giam ở nhiều nhà tù khác nhau, ngày 11.11.1949, ông cùng 42 chiến sĩ vượt ngục thành công. Bắt liên lạc được với đồng đội, ông về hoạt động tại vùng giải phóng khu 9.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc sự thống trị của thực dân Pháp. Đất nước chia đôi, Trần Bạch Đằng quay trở lại Sài Gòn hoạt động, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Do chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt những người theo kháng chiến, Trần Bạch Đằng lại phải rút về chiến khu Dương Minh Châu. Tại đây, ông tiếp tục được Đảng giao nhiệm vụ phụ trách Tuyên huấn, trực thuộc Xứ uỷ. Trong chiến dịch Mậu Thân (1968), Trần Bạch Đằng đã tham gia chỉ đạo đưa một cánh quân lớn từ căn cứ Đồng Tháp Mười về đánh chiếm Sài Gòn. Cuối năm 1969, Trần Bạch Đằng, đại diện cho nhân dân Sài Gòn, được gọi ra Bắc để chứng kiến giây phút cuối cùng tẩm liệm Bác Hồ. Giận mình không được gặp Bác lúc còn sống, Trần Bạch Đằng đã làm hai câu thơ bày tỏ nỗi niềm trước thi hài vị cha già dân tộc:
Chửi thù rồi lại giận ta
Xét câu hiếu đạo quả là con hư!


Duyên nợ với trường văn trận bút
Khi còn học lớp Nhì (2é.année) Trần Bạch Đằng thường đến nhà ông Trần Quang Nghiêm lục lọi tủ sách. Gặp gì đọc nấy, ông nghiền ngẫm từ những tờ báo nổi tiếng thời đó như Nam Phong, Phụ nữ tân văn, Phong hoá cho đến những cuốn sách có tính chất khảo cứu như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, những tác phẩm văn học của Lan Khai, Từ Ngọc, sách của Tân văn hoá tùng thư do ông Trần Hữu Độ xuất bản. Nhờ hiểu biết sớm, Trần Bạch Đằng được đề cử giữ chân Chủ bút cho tờ báo do mấy người bạn cùng lớp gây dựng. Tờ báo đề cập đến đủ thứ: Chuyện sinh hoạt trong lớp, chuyện các thầy, chuyện căng - tin, thể thao... Trần Bạch Đằng giữ mục “Văn tuyển”, mỗi kì đăng một chuyện ở cuối báo, thường là chuyện võ hiệp. Tờ báo “sống” được gần 1 năm thì bị nhà trường phát hiện, bắt đóng cửa. Từ đây, nghề báo như một cái nghiệp vận vào suốt cuộc đời ông.
Tháng 12 năm 1945, khi Trần Bạch Đằng đang làm chính trị viên của bộ đội Bình Đằng thuộc mặt trận số 4 (Nam Sài Gòn) thì ông được lệnh cùng một số đồng chí gây dựng Thành uỷ Sài Gòn (lấy danh nghĩa Uỷ ban cán bộ Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn). Khi Thành uỷ ra báo Chống xâm lăng, đồng chí Trịnh Đình Trọng được cử làm Chủ nhiệm, Trần Bạch Đằng (lúc này phụ trách Tuyên huấn) kiêm nhiệm chức Thư kí toà soạn. Báo ra số 1 ngày 1.1.1946, được viết bằng bút sắt lên giấy sáp, sau đó căng lên khuôn in, dùng ru - lô lăn đều. Chống xâm lăng ra 4 trang, khổ trung bình, tháng 1 kì, sau tăng lên tháng 2 kì, rồi hằng tuần. Trên tờ báo này, Trần Bạch Đằng thường viết xã luận, bình luận thời sự. Báo ra được vài tháng thì Pháp chiếm được một số địa bàn trọng điểm của Nam bộ, trong đó có Sài Gòn. Dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ và mặt trận Việt Minh, phong trào Báo chí Thống nhất ra đời, hoạt động rất rầm rộ, qui tụ được gần 20 tờ báo. Trần Bạch Đằng vừa làm cho Chống xâm lăng, vừa tham gia chỉ đạo phong trào này. Sang năm 1947, tình hình bắt đầu căng thẳng, chính phủ Lê Văn Hoạch lên cầm quyền, đàn áp báo chí dữ dội. 17 tờ báo của phong trào Báo chí Thống nhất bị đóng cửa trong 1 ngày. Trước tình hình đó, giữa năm 1947, báo Chống xâm lăng phải rời lên chiến khu. Trần Bạch Đằng về vùng Đồng Tháp Mười, làm việc ở văn phòng Xứ uỷ và Kì bộ Việt Minh. Từ 1947 - 1951, ông kiêm thêm vai trò phụ trách một số tờ báo của Thanh niên cứu quốc Nam bộ, Liên đoàn thanh niên Nam bộ.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra công khai trở lại (dưới tên gọi Đảng Lao động Việt Nam), Trần Bạch Đằng được Trung ương Cục phân công làm Chủ nhiệm tờ Nhân Dân miền Nam (thay đồng chí Lưu Quí Kì chuyển sang làm Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ). Tờ báo là cơ quan ngôn luận chính thức của Trung ương Cục. Ngoài việc làm cho tờ báo này, Trần Bạch Đằng còn giữ nhiều cương vị quan trọng như Xứ đoàn trưởng Thanh niên cứu quốc Nam bộ, phó Ban Dân vận, phó đoàn Kiểm tra Trung ương Cục, phó Ban Tuyên huấn... Khi phụ trách Nhân dân miền Nam, Trần Bạch Đằng còn có nhiệm vụ ra thêm phụ san Tiểu thuyết nhân dân và tờ Việt - Xô. Lúc đầu Nhân dân miền Nam ra mỗi tháng 2 kì, sau, do được trang bị nhà in Trần Phú, tăng cường nhân lực, báo ra hàng tuần với lượng phát hành khá lớn. Hầu như số nào Trần Bạch Đằng cũng có bài đăng trên các tờ báo này. Có thể kể ra đây một số bài tiêu biểu của ông: Hoan hô Đại hội Đảng Cộng sản Liên - xô lần thứ 19 (số 31 ngày 1.2.1952), Quốc hội Việt Nam - tổ chức tối cao của chánh quyền nhân dân dân chủ Việt Nam (số 34 ngày1.2.1953), Vấn đề lão thực số 36+37 (ngày 1.4.1953), Tỉnh táo đề phòng, tăng cường giáo dục tư tưởng, đoàn kết chặt chẽ toàn Đảng, toàn dân, tiến lên giành thắng lợi vinh quang của cuộc chiến đấu (số 44 ngày 1.8.1953).... Các bài viết thời kì này của Trần Bạch Đằng tập trung vào việc tổng kết thực tiễn cách mạng, đề cao tình đoàn kết hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Liên - Xô, Trung Quốc. Ngoài ra các bài viết của ông còn bàn về phát triển kinh tế nông nghiệp, về thuế, về dân quân tự vệ, về thanh thiếu niên, phụ nữ, trí thức, tôn giáo, đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam....
Có thể nói phụ san Tiểu thuyết nhân dân ngay từ khi ra đời đã chiếm được tình cảm của bạn đọc, của các nhà văn cách mạng. Nhiều bài viết trên tờ báo này đến nay vẫn có người nhớ như: Tây đầu đỏ, Bên rừng cù lao Dung của Phạm Minh Tày (nhà văn Sơn Nam), Chiến đấu viên họ Trần của Việt Hùng (nhà văn Hùng Lí)... Còn tạp chí Việt - Xô do Trần Bạch Đằng làm chủ nhiệm (ông thường có bài với bút danh Trương Chí Công) vì những khó khăn riêng, ra được vài số thì ngừng phát hành. Những tờ báo trên khi đặt dưới sự quản lí của Trần Bạch Đằng, đều có sự cải tiến mạnh mẽ. Số lượng phát hành không ngừng tăng lên. Ông sử dụng cả bộ đội, học sinh làm lực lượng phát hành, hạn chế đến mức thấp nhất sự bao cấp của Trung ương Cục. Nhờ sự ủng hộ của đồng bào, đời sống của anh em làm báo được cải thiện rõ rệt.
Thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy cho phù hợp với tình hình chiến tranh, năm 1954, báo Cứu quốc Nam bộ sáp nhập với Nhân dân miền Nam. Bộ máy được tăng cường, nhiệm vụ cũng nặng nề hơn.Từ thời điểm này, Nhân dân miền Nam trở thành cơ quan ngôn luận chính của cách mạng tại các vùng tự do Nam bộ. Nhờ được bổ sung thêm Thiếu Sơn, Dương Tử Giang, Triệu Công Minh, Anh Đức, Trần Văn Khương, Hữu Tùng... Nhân dân miền Nam là tờ báo qui tụ được nhiều nhân tài Nam bộ, tiếp tục làm tốt vai trò thông tin, hướng dẫn dư luận, giáo dục đạo đức cách mạng cho quần chúng nhân dân.
Sau Hiệp định Giơ - ne -vơ, theo các điều khoản đã kí kết, nhiều cán bộ tập kết ra Bắc, một số người về địa phương nằm vùng, Nhân dân miền Nam tự đình bản, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Nhà in Trần Phú chia làm hai, một chuyển về Sài Gòn làm cơ sở in ấn của Xứ uỷ, một phần chuyển về Cà Mau. Trần Bạch Đằng nhận quyết định ở lại miền Nam, phụ trách tuyên huấn. Thời kì này, ông tham gia quản lí rất nhiều tờ báo, cả bí mật lẫn công khai. Đáng chú ý nhất là các tờ Nhân loại, Ban mai, Tiếng chuông, Sài Gòn mới, Thần chung, Dân chủ... Một số tờ Trần Bạch Đằng chỉ đạo chung, có tờ ông trực tiếp viết bài. Nội dung chính là chống phân ly, đòi tự do dân chủ, tự do ngôn luận, đấu tranh bảo vệ văn hoá dân tộc... Nhờ sự giới thiệu của đồng chí Triệu Công Minh, Trần Bạch Đằng nhận lời phụ trách trang thời sự cho tờ Buổi sáng của Mai Lan Quế. Để hợp pháp hoá hoạt động công khai, Trần Bạch Đằng được Triệu Công Minh lo lót cho tấm thẻ nhà báo dưới cái tên Lê Văn Ba. ở tờ báo này ông thường kí bút danh Văn Lê. Mục Tổng tào lao của ông rất được bạn đọc yêu thích (Tổng ở đây dùng để ám chỉ Tổng thống Ngô Đình Diệm). Ngoài tờ Buổi sáng ra, gây ấn tượng cho bạn đọc lúc đó còn có tờ Nhân loại với các bài xã luận của Trần Bạch Đằng, bình luận thời sự của Tân Đức, thơ Viễn Phương, truyện ngắn của Lê Vĩnh Hoà, Văn Phụng Mỹ...
Sau khi đã gây dựng được cơ sở vững chắc tại các vùng tự do, Đảng chủ trương xuất bản tờ Hoà bình thống nhất, cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Đảng Lao động Việt Nam Nam bộ. Báo được giao cho Trần Bạch Đằng phụ trách chung. Hoà bình thống nhất in rô-nê-ô, 8 trang, khổ lớn, đăng tin tức các vùng tự do, tố cáo tội ác của Mĩ và tay sai, đấu tranh đòi cải cách dân sinh, ca ngợi miền Bắc XHCN.... Hoà bình thống nhất là tờ báo bí mật phát hành theo hệ thống Đảng ở Sài Gòn và một số tỉnh Nam bộ. Từ năm 1956, khi mối mâu thuẫn giữa gia đình họ Ngô với Mĩ, giữa Ngô Đình Diệm với Bảo Đại và các thế lực tôn giáo đã tạm lắng, Diệm quay ra đàn áp cách mạng. Hàng nghìn cơ sở Đảng bị phá vỡ. Nhiều chiến sĩ cách mạng bị giam cầm giết hại. Ngày nào miền Nam cũng có đầu rơi máu chảy. Báo chí của Đảng, của các cá nhân, tổ chức, yêu nước, tiến bộ cũng nằm trong hoàn cảnh chung đó. Đa số im hơi lặng tiếng hoặc cho đăng những bài vô thưởng vô phạt. Có tờ thì tự giải tán. Tờ Nhân loại bị rút giấy phép. Trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền Sài Gòn, Xứ uỷ đã ra chỉ thị cho tờ Hoà bình thống nhất tạm thời đóng cửa. Các nhà báo cách mạng ai bị lộ thì chuyển lên các chiến khu, số còn lại thì chuyển nghề khác chờ thời cơ. Trần Bạch Đằng cùng các cơ quan đầu não của Xứ uỷ phải tạm lánh sang Nam Vang (Phnompênh - Campuchia). Cuối những năm 1950, Trần Bạch Đằng được bầu làm Tổng thư kí của Hội những người kháng chiến cũ. Hội chủ trương ra tờ Vùng lên phát hành từ Phnompênh về đến Sài Gòn, Báo in Stencil khổ to do Nguyễn Văn Hiếu trình bày, Trần Bạch Đằng đảm nhiệm các mục xã luận, bình luận. Ngay trong số 1, báo đăng lời hiệu triệu những người kháng chiến cũ đoàn kết chống lại chế độ Mĩ - Diệm. Vì tình hình chung lúc đó, tờ báo chỉ hoạt động cầm chừng, không mở rộng được phạm vi hoạt động.
Đầu năm 1960 trở đi, khi tình hình chính trị đã bớt gay gắt, các cơ sở cách mạng dần được phục hồi, Xứ uỷ quyết định trở về Việt Nam. Các vùng giải phóng lúc này đã được mở rộng, lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh, từng bước giành lại thế chủ động tại các vùng nông thôn. Đây chính là lúc báo chí cần làm tốt vai trò của mình. Được sự ủng hộ từ Trung ương, Xứ uỷ Nam kì gấp rút đầu tư cơ sở vật chất xây dựng Đài Phát thanh Giải phóng, củng cố Thông tấn xã Giải phóng, gây dựng lại hệ thống báo chí cách mạng. Ngoài việc chỉ đạo chung, Trần Bạch Đằng còn tham gia viết bài cho hàng loạt tờ báo như Đài Phát thanh Giải phóng, nội san Học tập, báo Tiền phong, báo Giải phóng... Ông kí nhiều bút danh, nhưng nhiều hơn cả là những cái tên Trần Quang, Đại Nghĩa. Từ những năm này cho tới khi thống nhất đất nước (1975), Trần Bạch Đằng là một trong những người có công rất lớn đối với sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Nam bộ.
Tháng 4.1965, Trần Bạch Đằng được bầu vào Khu uỷ, tiếp tục phụ trách khối Tuyên huấn. Thực hiện chỉ thị của Đảng, Trần Bạch Đằng chỉ đạo báo chí tập trung vào một số nội dung đấu tranh chính: Kêu gọi quần chúng nhân dân đoàn kết ủng hộ cách mạng, đòi Mĩ về nước, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, thực hiện tự do dân chủ, bảo vệ và phát huy văn hoá dân tộc... Ông cùng các đồng chí đang hoạt động trong nội thành xây dựng các cơ sở ấn loát in truyền đơn, tờ rơi, xuất bản các tờ Ngọn cờ Gia Định, Tri thức mới. Đồng thời ông cũng tìm cách giác ngộ những kí giả, những chủ báo tiến bộ, yêu nước tạo điều kiện cho các nhà báo cách mạng tham gia viết bài. Ông còn động viên những người chưa có tên trong sổ đen của địch ra báo công khai. Đáng kể trong số này có các tờ Hồn trẻ của Thành Đoàn thanh niên, Tin văn của Đảng uỷ văn hoá văn nghệ. Trong số báo chí yêu nước, cách mạng thời kì này đông đảo nhất vẫn là loại báo bán công khai. Trần Bạch Đằng rất ủng hộ cho các hội, đoàn thể ra báo như Tổng hội sinh viên, Tổng đoàn học sinh, các trường học, tổ chức phụ nữ, tổ chức văn hóa, các nghiệp đoàn lao động. Loại báo này len lỏi khắp nơi, chính quyền Sài Gòn không làm gì được đành làm ngơ. Nhiều cảnh sát còn bí mật phát hành báo hộ học sinh, sinh viên. Đối với loại báo này Trần Bạch Đằng chủ trương “không tính hay, dở, miễn không chống cách mạng”. Ông còn chỉ đạo các tổ chức chính trị như Mặt trận quốc gia tiến bộ, Lực lượng bảo vệ văn hoá dịch các thông cáo, tuyên bố của cách mạng ra tiếng nước ngoài phát tán rộng rãi như một dạng báo.
Đất nước thống nhất, non sông liền dải. Có thể nói, để có được chiến thắng 30.4.1975, công lao của báo chí là không nhỏ, trong đó có vai trò vô cùng tích cực của Trần Bạch Đằng. Trước cuộc sống bộn bề của vùng đất mới được giải phóng, với cương vị thường trực Ban Tuyên huấn TW cục, ông lại lao vào lo toan cho đài Truyền hình phát sóng, mở rộng quy mô hoạt động cho thông tấn xã Giải phóng, xuất bản gấp tờ Sài Gòn giải phóng. Ngoài những tờ báo trên, ông cộng tác đắc lực, thường xuyên với Đại đoàn kết, Văn nghệ, sau này có thêm Tuổi trẻ TP HCM, Công an TP HCM... Bề bộn công việc như vậy, nhưng cứ tối thứ bảy ông lại vận bộ bà ba, chít khăn rằn tới nhà văn hoá thanh niên diễn thuyết trước đám đông hàng nghìn người. Có những người tuần nào cũng đến dự, không phải để nghe ông nói chuyện, mà để chiêm ngưỡng người hùng, thần tượng của họ. Do làm việc quá căng thẳng, lao lực, cộng thêm di chứng của các trận đòn thù trước đây, sức khoẻ Trần Bạch Đằng suy sụp rất nhanh. Năm 1977 Nhà nước buộc ông phải sang Liên Xô sau đó là Hunggari, Đức chữa bệnh. Khi về nước ông ở lại miền Bắc một thời gian khá dài. Tại đây ông đã có dịp đi khắp các huyện Bắc bộ, kể cả những địa bàn xa xôi hẻo lánh như Mèo Vạc, Hồ Ba Bể, Bản Trang, Vũ Thắng. Nhiều vùng đất đã để lại dấu ấn sâu đậm trong các bài viết của ông. Có những bài ký nổi tiếng như ở vùng cao Việt Bắc được đăng 5 kỳ trên báo Nhân dân (từ số 8639 ra ngày 5.1.1978 đến số 8643 ra ngày 10.1.1978), hiện tượng này trên báo Nhân dân là không có nhiều. Có những đoạn của bài báo tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng, nóng bỏng nhưng đáng tự hào, trân trọng: “Lần thứ hai tôi lên thăm khu gang thép Thái Nguyên, đứa con đầu lòng của nền sản xuất cơ khí vượt muôn vàn khó khăn với niềm tự hào: Tự chính lòng đất đã sinh ra thỏi thép Việt Nam. Tôi hiểu thêm một ít bước đường công nghiệp hoá của chúng ta. Chúng ta nuôi thép bằng máu thịt, giống như chúng ta tạo lập cơ nghiệp trải qua bao thế hệ. Những dấu vết đổ nát vì bom đạn, những ngôi nhà đơn sơ dành cho công nhân, những luống rau ngay bên lò cao, những người thợ và kỹ sư thiếu ăn suốt ngày trong độ nóng... chỉ cho tôi cái gì là gian khổ để Tổ quốc được giàu mạnh”...
Có thể nói, dưới thời bao cấp chứng kiến những khó khăn chất chồng của đất nước, nhìn những khuôn mặt võ vàng vì thiếu ăn, bệnh tật, Trần Bạch Đằng không cầm lòng được. Đảng - Nhà nước ta vừa tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, ngay lập tức Trần Bạch Đằng lao vào tìm hiểu lĩnh vực kinh tế. Ông hiểu rằng phát triển tuy không phải là con đường duy nhất, nhưng là quan trọng nhất để đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo. Nhiều bài báo của ông sau này (1990) được nhà xuất bản Sự thật tập hợp lại trong cuốn Bút ký kinh tế bàn về các vấn đề: Chiến lược phát triển nông thôn, chính sách kinh doanh, khai thác nguyên liệu, du lịch, kinh tế đối ngoại, tiền lương... Có thể kể ra đây vài bài tiêu biểu: Suy nghĩ tản mạn về kinh tế đối ngoại, Chuyện đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Hàng không - chiếc chìa khoá đầu tiên, Phú Quốc nhất định xứng đáng với tên của mình, Đồng lương - Thời cơ xây dựng chính sách mới... Nếu như Bút ký kinh tế chỉ là những cảm quan của riêng ông về một lĩnh vực hết sức rắc rối, phức tạp và chưa mang tính khoa học cao, thì ở cuốn An ninh kinh tế và kinh tế thị trường Việt Nam (Nxb Công an nhân dân ấn hành năm 1999) Trần Bạch Đằng trong những phần viết riêng đã chứng tỏ ông là một chiến lược gia có tầm nhìn xa trông rộng. Trong cuốn sách do ông chủ biên này Trần Bạch Đằng có cái nhìn hết sức tỉnh táo trước nền kinh tế thị trường, có những phán đoán của ông đã đi trước thời đại hàng chục năm. Nhờ có tính khoa học cao mà cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh, phát hành rộng rãi ở một số nước.
Năm 1978 Trần Bạch Đằng trở lại TP HCM , đây là thời điểm Sài Gòn nói riêng, cả nước nói chung đang gặp phải những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Người dân thiếu ăn trầm trọng, có nhiều nơi phải ăn hạt “bo bo” trừ cơm, công nghiệp trì trệ, hầu như phải trông chờ vào viện trợ của các nước XHCN, xuất khẩu gần như là con số không. Pôn pốt – Yêngsary quấy rối biên giới Tây - Nam, nạn “Thuyền nhân” đẩy nước ta vào thế khốn đốn. Trong tình hình đó, Trần Bạch Đằng liên tục viết bài cho các báo Nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Tin sáng tố cáo âm mưu phá hoại của kẻ thù, động viên nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn. Với cương vị phụ trách thường trực Ban dân vận TW, Trần Bạch Đằng đi khắp nơi, viết bài phản ánh đời sống mọi mặt của địa phương, góp phần ổn định tư tưởng người dân. Chiếc máy chữ của ông hầu như không có thời gian ngừng nghỉ. Cũng trong thời gian này ông đã cho xuất bản hai cuốn tiểu thuyết, trong đó Ván bài lật ngửa được chuyển thành kịch bản phim dài 8 tập, là bộ phim dài tập đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.
Trần Bạch Đằng viết rất nhiều. Bản thân ông cũng không nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu bài báo, sử dụng những bút danh gì. Việc sưu tầm lại các bài đã đăng trên báo của ông là hết sức khó khăn, nhất là đối với giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Có những tờ báo bí mật ông tham gia giờ không thể tìm được, chúng chỉ còn cái tên trong hồi ức của ông, trong hồi ức của bạn bè, đồng đội ông hồi đó. Riêng từ ngày thống nhất đất nước đến nay ông đã viết hàng nghìn bài báo đăng trên hàng chục tờ báo từ Trung ương đến địa phương. Các bài báo đề cập đến nhiều lĩnh vực, nhưng tựu chung lại, tập trung chủ yếu ở 3 mảng đề tài: Thanh niên, Công an nhân dân và chống tiêu cực. Đã có lần ông bộc bạch: “Tôi yêu thế hệ trẻ bởi vì tôi yêu tuổi trẻ của chính tôi, dù đó là thời kỳ đầy dấu vết thô sơ”. Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Việt Nam, Trần Bạch Đằng đã có bài báo để đời cho mình và cho đời. Đến nay, bài báo này vẫn còn được nhiều người tìm đọc. Ngoài viêc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của thanh niên đối với đất nước, ông bày tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở trước những nỗi khó khăn của lớp trẻ đang phải vật lộn vượt qua: “Hàng ngày, quanh thanh niên là một xã hội tiêu thụ “bất cứ giá nào”, chế độ nhập hàng tiêu thụ thả cửa, kèm theo một không khí quảng cáo ồ ạt, gợi thèm muốn... thì khó tránh thanh niên lao vào hưởng thụ. Cả chuyện vụ lợi trong học hành – học dở, học dớt vẫn “trúng tủ” - tất yếu đẻ ra một đội ngũ bất tài vô hạnh lại đầy... tiền đồ”. Rồi ông đặt ra câu hỏi nặng như đá, như chì “Lớp trẻ trước kia đã từng dám bơi ngược giữa ngàn thác lũ và đã về đến đích, vậy còn lớp trẻ hiện nay, chẳng lẽ lại phó mặc cho dòng đời xô đẩy?”.
Còn nhiều, nhiều lắm những bộc bạch, lời khuyên của một “chiến sỹ già đối với đám hậu sinh. Lời nhắn nhủ khi nghiêm khắc, khi ân cần quý giá như châu, như ngọc cả. Có thể kể ra đây một số bài tiêu biểu: Tiêu chuẩn của thanh niên thời đại ngày nay, Thanh niên - bạn là ai?, Đánh giá thanh niên - một vấn đề thời sự, nghề cán bộ đoàn, Nguyện vọng của một Đoàn viên sắp “cổ lai hy”...
Nếu như khi đất nước còn ngập chìm trong khói lửa chiến tranh, anh bộ đội cụ Hồ luôn hiển hiện trong các bài báo của Trần Bạch Đằng, thì trong thời bình ông lại gửi gắm niềm tin vào lực lượng công an nhân dân. Trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc, với cương vị công tác đặc biệt của mình, Trần Bạch Đằng luôn được “nằm gai nếm mật” với những con người mà sau này họ đã trở thành những tên tuổi lẫy lừng của ngành công an như các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng, Lê Thanh Vân, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Nguyễn Tài... Những con người này đã để lại trong ông niềm tin về đức độ, tài năng. Niềm tin ấy giờ được ông chuyển sang cho lớp chiến sỹ trẻ, những người đang ngày đêm đổ xương máu, trí tuệ bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cuộc sống bình an cho nhân dân. Bài viết về lực lượng công an nhân dân của Trần Bạch Đằng kể có đến hàng trăm. Những bài báo được nhà xuất bản Công an nhân dân tập hợp lại in trong cuốn Thanh kiếm và lá chắn (2004) chỉ chiếm một phần nhỏ trong số đó. Có thể nói hiếm có nhà cách mạng lão thành nào dành tình cảm tin yêu, trân trọng đối với ngành công an như ông. Mỗi bài là một nỗi trăn trở, một phát hiện về khía cạnh nào đó của ngành này. Khi thì ông tâm tình, vỗ về, lúc thì khắc khoải, động viên anh em vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Ông như người anh cả dạn dày sương gió truyền lại cho đàn em còn non dại những kinh nghiệm mà mình đã trải qua trong một hành trình đầy bão táp, phong ba. Tuy vậy, trong các bài viết của mình, Trần Bạch Đằng không bao giờ sử dụng thứ ngôn ngữ cao đạo của đấng bề trên. Bao giờ chúng cũng thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội. Trong bài Nghề công an, ông viết: “Chọn nghề công an, tức là chọn trách nhiệm, chọn phần gian khổ trong sự nghiệp xây dựng đất nước, tức gắn chặt đời mình với nghĩa vụ. Một lần chọn có nghĩa là không dứt ra được nữa, cho đến khi hết khả năng phục vụ. Chọn tức là yêu, hơn cả yêu, đam mê. Không đam mê thì tốt nhất đừng chọn công an, không phải một ngành kinh tế, không phải một ngành biểu diễn. Lợi và danh không có duyên với ngành công an. Làm kinh tế còn có lợi ích thứ ba, làm công an chỉ có một lợi ích: Giữ cho mọi công dân bình yên ngay khi họ ngủ. Biểu diễn văn nghệ được vỗ tay, làm công an không thể để tiếng hoan hô kích động...”. Nếu không phải người có đạo đức trong sáng, không yêu ngành công an, Trần Bạch Đằng khó có thể viết lên những lời gan ruột như thế. Nhưng cũng có lúc ông tỏ ra giận dữ trước những tiêu cực của ngành này. Giận dữ đấy nhưng không ghét bỏ được. Đó là thứ giận dữ trước đứa con hư.
Những bài báo viết bằng trái tim như trên của Trần Bạch Đằng còn nhiều, nhiều lắm có thể kể thêm ra đây tên vài bài báo tiêu biểu: Lại bàn thêm xung quanh nghề công an, Công an nhà mô phạm, Công an nhà giáo dục, Công an nhà cải tạo... Bài nào cũng là máu, là thịt của ông. Chúng như những bậc thang nhỏ nhoi đưa con người ta đến với những bến bờ hạnh phúc.
Tuy đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, Trần Bạch Đằng đâu có được một ngày trọn vẹn hưởng thú vui bên con cháu. Ông vẫn từng giờ, từng phút dõi theo tình hình đất nước. Ông vui trước những đổi thay của đất nước, nhưng cũng ngay lập tức quên hết những bệnh tật đang mang trong mình, ông bày tỏ sự phẫn nộ trước những thói hư, tật xấu, tiêu cực của xã hội. Năm 2004 khi xảy ra vụ nhận hối lộ ở Bộ Thương mại, Trần Bạch Đằng viết bài Vụ Mai Thanh Hải – không cá biệt. Chỉ cần qua cái tiêu đề này người đọc cũng có thể hiểu Trần Bạch Đằng muốn nói về vấn đề gì. Ông coi cha con Mai Văn Dâu phạm tội chỉ là hệ quả tất yếu của một quá trình đổ vỡ đạo đức xã hội. Lối viết quen thuộc của Trần Bạch Đằng là phê phán, phơi bày để cảnh báo. Cái mà ông nhắn tới bao giờ cũng thuộc lĩnh vực nhạy cảm nhất. Ông không kiêng dè ai bất cứ thứ quyền uy nào. Đây là thứ bản lĩnh chỉ những người lính cách mạng chân chính mới có. Ông thẳng thắn quy trách nhiệm: “Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là một trong những người được dư luận chung đánh giá, ngoài tinh thần tận tuỵ, ngoài khả năng quản lý ngành thương mại quốc gia, là một cán bộ gương mẫu ở Bộ Thương mại cũng như ở tỉnh Nghệ An. Song thắc mắc của nhiều người - trong đó có thắc mắc của tôi - là tình hình như thế (Vụ Mai Văn Dâu) sao lại kéo dài trước mắt đồng chí Bộ trưởng”. Trước sư việc bán độ của một số cầu thủ của U23 Việt Nam tại SeaGames Philippines, Trần Bạch Đằng tỏ thái độ phẫn nộ “Giữa lúc mọi người dân Việt Nam dù đang sinh sống ở đâu cũng đang cố gắng hết sức mình vượt mọi khó khăn và vươn lên tầm cao mới trong cuộc chạy đua cực kỳ khẩn trương vì dân giàu nước mạnh thì với những hạng người bán rẻ tất cả để thu nhiều nhất lợi lộc, quyền thế, đúng là tội ác khó dung tha...” Thay mặt nhân dân cả nước ông yêu cầu “Đã đến lúc, theo tôi chính Thủ tướng Chính phủ và Ban khoa giáo TW cần xắn tay áo vào một vụ, ta gọi đích danh “Chuyên án bóng đá SeaGames Philippines”. Malaysia từng khốn khổ giống như ta đang khốn khổ, nhưng Chính phủ Malaysia quyết tâm làm sạch bóng đá và bóng đá Malaysia phát triển. Chắc ở Việt Nam tình hình không đến nỗi khó hơn Malaysia”. Những lời tâm huyết trên không riêng gì Trần Bạch Đằng, nhiều người làm báo khác cũng viết được. Điều đáng nói là chúng lại được thốt lên từ miệng một ông già đang ngày càng gần đất xa trời, đang phải từng ngày từng giờ từng phút chống chọi với bệnh tật. Chúng như những sợi tơ vàng cuối cùng mà con tằm cố nhả ra để chau chuốt cho đời. Chúng ta biết ơn và mong muốn ông được nghỉ ngơi. Nhưng không hiểu sao, mỗi khi giở tờ báo lúc sáng sớm, ai trong chúng ta cũng ước ao được đọc thấy cái tên Trần Bạch Đằng ký ở cuối bài báo nào đó. Cái tên thật nhỏ bé, dung dị và cũng đầy kiêu hãnh.

Hoàng Tích Chu với công cuộc canh tân làng báo Việt nam



Vào những năm 20 của thế kỷ trước, dư luận cả nước xôn xao về vụ “cô Phượng Hàng Ngang”. Không chỉ báo chí, người ta còn viết sách, dựng kịch, làm thơ về vụ thảm tình này. Kẻ chê cô Phượng là dâm loạn, nhẫn tâm bỏ lại chồng con, bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý để đi theo trai. Người thì khen cô dám đạp lên lề thói đạo đức phong kiến, đi theo tiếng gọi thổn thức của con tim. Vậy cô Phượng Hàng Ngang là ai? Số phận bi thương của cô có liên quan gì đến Hoàng Tích Chu, một ký giả nổi tiếng hào hoa phong nhã thời đó?

Má hồng không
nhuộm được chí nam nhi


Theo nhà báo Phùng Bảo Thạch, người cùng thời và cũng là bạn thân thiết của Hoàng Tích Chu thì cô Phượng đẹp lắm. Sắc đẹp của cô như chất thuốc phiện. Nó quyến rũ, cuốn hút người ta. Ai đã vướng vào thì khó mà thoát ra được. Hàng ngày, cô ngồi bán tơ lụa trong cửa hàng của nhà Phan Vạn Thành. Chồng cô là hạng công tử “tốt mã giẻ cùi” suốt ngày rong chơi, chỉ coi cô như một thứ đồ đắt tiền, xinh xinh, chỉ để ngắm nghía, canh chừng, chứ không phải để tâm tình, cùng nhau vươn tới những khát vọng xa xôi. Nhà văn Vũ Ngọc Phan, trong cuốn hồi ký “Những năm tháng ấy” đã mô tả: “Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười. Gò má cô cao, ửng hồng, làm cho khuôn mặt trái xoan của cô có sức quyến rũ, giống như nữ diễn viên điện ảnh Marlen Dietrich thời bấy giờ. Cô Phượng ăn mặc rất nền, khi thì chít khăn nhiễu tam giang, khi thì chít khăn nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên, quần lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục. Tất cả những màu sắc ấy ánh lên qua chiếc áo dài vải phin trắng may sát vào thân hình nở nang”. Và đã có không ít văn nhân - ký giả đương thời khi được diện kiến cô Phượng đã phải thốt lên: “Tây Thi khiếp vía Hằng Nga giật mình”. Nhiều thanh niên, nhà ngay sát chỗ làm, nhưng hàng ngày vẫn bốn lần đi về theo đường vòng để qua phố Hàng Ngang, để được ngắm cô Phượng từ xa. Nếu hôm nào không một lần được thấy cô là họ thấy bồn chồn, bứt rứt, đứng ngồi không yên. Nào ai đếm được có bao nhiêu chàng trai Hà thành ngày đêm tơ tưởng đến đoá hoa đã có chủ này. Khi tàu điện chạy qua phố Hàng Ngang, không ai bảo ai, tất cả hành khách đều hướng mắt về phía dãy nhà mang số chẵn, nơi có một mỹ nhân góp phần làm cho vẻ đẹp Hà Nội thêm rực rỡ.
Thấy bạn bè mất ăn mất ngủ vì cô Phượng, Hoàng Tích Chu nhiều lần chê họ tầm thường, không xứng đáng là đấng “tu mi nam tử”. Trong một buổi tranh luận, Hoàng Tích Chu đã nhận lời thách đố là sẽ có cuộc hẹn với cô Phượng. Y hẹn, mọi người đã phải sững sờ khi chứng kiến cảnh đôi trai tài gái sắc tay trong tay, mắt dõi mắt trên đường Cổ Ngư. Chỉ sau đó ít lâu (khoảng cuối năm 1922), cả Hà Nội chấn động trước tin cô Phượng mất tích. Mãi sau này, mọi người mới biết cô Phượng đã theo Hoàng Tích Chu vào Sài Gòn. Cô đâu có biết rằng đó là một chuyến đi định mệnh. Hoàng Tích Chu đã quyết chí sang Pháp học nghề làm báo. Hoàn cảnh không cho phép ông đem theo người tình. Nhi nữ thường tình làm sao trói chân được khách giang hồ, chí trai chưa thoả đàn bà nào có nghĩa gì. Gạt qua một bên mọi lời van xin, Hoàng Tích Chu bước xuống một con tàu thuỷ, bỏ lại sau lưng cả một bầu trời uất hận. ở nơi đất khách quê người, lại quen sống trong nhung lụa, vì quá nhớ thương “người đàn ông của đời mình”, cô Phượng đã chết trong sầu muộn. Đến năm 1928, để cứu tờ Nông Công Thương báo thoát khỏi tình trạng thiếu bạn đọc, tác giả Lê Cương Phụng (qua bút danh Ai thời khách) đã cho đăng nhiều kỳ trên tờ báo này tác phẩm Mồ Cô Phượng. Hai nhân vật chính trong câu chuyện là Hoàng Hồ và Cô Phượng Hàng Ngang. Hoàng Hồ là một trong những bút danh quen thuộc của Hoàng Tích Chu, đã được ông sử dụng trước khi gặp cô Phượng và sau này còn được dùng khá thường xuyên trên hai tờ Hà thành ngọ báo và Đông Tây tuần báo.
Hoàng Tích Chu được sinh ra trong một gia đình quan lại, có truyền thống Hán học ở làng Phù Lưu huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là địa danh gắn liền với câu ví von quen thuộc “Trai Phù Lưu, gái Đình Bảng”. Có lẽ chính vì vậy mà chàng trai xứ Kinh Bắc này đã sớm nổi tiếng là người hào hoa phong nhã. Sinh thời, Hoàng Tích Chu rất giỏi chữ Hán (Cỡ Tam trường). Năm 1921 ông đầu quân cho tờ Nam Phong tạp chí. Đây là một tờ báo lớn thời đó, xuất bản theo dạng bách khoa nguyệt san, chuyên khảo cứu lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, chính trị với những cây bút lẫy lừng như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Dương Bá Trạc, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Lâm Tấn Phác, Nguyễn Văn Ngọc, Dương Quảng Hàm... Đây là môi trường không phải để cho một chàng trai mới ngoài 20 tuổi, chưa có mấy kinh nghiệm sống thi thố tài năng. Chính vì vậy mà người ta thấy Hoàng Tích Chu xuất hiện rất ít trên tờ báo này. Nội dung của các bài viết cũng chưa có gì nổi bật, mới chỉ le lói những tia sáng tạo mỏng manh. Ông viết về những vấn đề thiết thực, gắn liền với đời sống hàng ngày của quảng đại quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, do lối văn biền ngẫu rất phức tạp, đòi hỏi việc lựa chọn từ ngữ kỹ càng, rất mất thời gian, nên các nội dung Hoàng Tích Chu muốn chuyển tải đến công chúng thường mất đi tính thời sự, cập nhật của nó. Tấm áo của lối văn biền ngẫu tỏ ra quá chật chội với hiện thực đầy sống động, phong phú.
Đang lúng túng thì Hoàng Tích Chu nhận được lời mời sang làm chủ bút cho tờ nhật báo Khai Hoá của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi. Việc sử dụng “bình cũ rượu mới” nói trên tiếp tục được Hoàng Tích Chu thực hiện trên tờ báo này. Độc giả bắt đầu quen với cái tên Kế Thương (bút danh ông sử dụng từ khi còn làm cho Nam Phong tạp chí), họ thấy thích giọng văn giàu màu sắc, đầy âm điệu của ông. Chưa kịp khẳng định mình, vì một tai nạn nghề nghiệp, Hoàng Tích Chu bị mất việc. Bị đuổi trong hoàn cảnh không lấy gì làm hay ho cho lắm, Hoàng Tích Chu thề sẽ sang Pháp học lấy những ngón nghề làm báo hiện đại. Vấn đề lớn nhất đối với ông lúc này là kiếm đâu ra tiền để theo học bây giờ.
Sau mấy tháng sống dựa vào bạn bè, cuối năm 1922, Hoàng Tích Chu được giáo sư trường Albert Sarraut là ông Lê Hữu Phúc đứng ra tài trợ mọi phí tổn ăn học tại Pháp. Khi sang đến Paris, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn (một người bạn của Lê Hữu Phúc và Hoàng Tích Chu) phân công nhau người học cách viết báo, người học nghề in và trình bày. Sau đó 4 năm, hai ông trở về nước đầu quân cho tờ Hà thành ngọ báo. Đây là tờ nhật báo của hai cha con nhà tư sản Bùi Xuân Thành, Bùi Xuân Học. Toà soạn của Hà thành ngọ báo đặt tại nhà số 24 đường Gia Long - Hà Nội. Kể từ khi được giao vai trò chủ bút, Hoàng Tích Chu đã có sự cải tiến tờ báo về nhiều mặt. Các trang, chuyên mục, mục được thay đổi sao cho thiết thực, gắn liền với đời sống xã hội. Tình trạng giàu lời nhưng nghèo ý được khắc phục triệt để. Một số thể loại như tiểu phẩm, xã thuyết, thời luận được rút ngắn tối đa, bỏ hết các từ nối thì, mà, và, là. Loại câu một mệnh đề được sử dụng rộng rãi. Hình thức của tờ báo cũng được Đỗ Văn trình bày sao cho đẹp, hấp dẫn, gây ấn tượng để thu hút sự chú ý của độc giả. Ngay ở cột một trang một bao giờ cũng là bài xã thuyết của Hoàng Tích Chu (thường ký bút danh Hoàng Hồ) bàn về những vấn đề lớn, có tính chất thời sự liên quan đến tình hình trong nước và thế giới. Cột hai dùng để đưa tin quan trọng. Cuối trang là một câu châm ngôn, cách ngôn của một danh nhân nào đó bàn về lẽ sống ở đời hoặc một truyện hài hước ngắn nào đó có tính chất răn đời. Cách đặt tít của báo thường dài, khổ chữ lớn, in đậm, giật gân, kích thích trí tò mò của độc giả dù nội dung tin bài không có gì lớn, thậm chí nhạt nhẽo kiểu như “Thi gan với xe lửa bị húc vỡ bong bóng”, “Một ông Tây chủ đồn điền bắn nhầm chết con ông Chánh tổng”,... Cũng như nhiều tờ báo đương thời, để giữ chân người đọc, Hà thành ngọ báo cũng thường xuyên sử dụng loại truyện dài kỳ. Nội dung của chúng khá hấp dẫn, ly kỳ, đôi khi pha tính thần linh ma quái hoặc chuyện yêu đương nhăng nhít với những tình tiết, số phận đầy kịch tính, éo le.
Tuy nhiên, do những cải tiến nói trên của Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn diễn ra quá đột ngột đã làm mất đi phần lớn độc giả truyền thống của Hà thành ngọ báo, những người đã quá quen với loại bài nhẩn nha, câu chữ đẽo gọt chau chuốt tỉ mẩn mà khi đọc lên như một bài thơ, một áng văn chương nghệ thuật. Độc giả có cảm giác bị sốc trước những bài xã luận đi thẳng vào vấn đề, ngồn ngộn thông tin, câu chữ thì thô nhám, đầy góc cạnh như chính bản thân cuộc sống. Không ít người đã viết bài phê phán lối văn của Hoàng Tích Chu, gọi đó là lối văn nhát gừng, văn cộc, văn... cứt dê. Những người phản đối này đa phần thuộc giới cựu học, chữ Hán đã ngấm vào máu xương của họ. Giới trẻ tân học tuy ủng hộ, nhưng vẫn có phần dè dặt.
Trước việc Hà thành ngọ báo giảm số lượng phát hành, ông Bùi Xuân Thành đã “mời” hai nhà cải cách ra khỏi toà soạn. Không dừng ở đó, ngày 10.9.1929, Hà thành ngọ báo còn đăng bài “Nhà báo với nhà văn” chê Hoàng Tích Chu là kẻ học mót, lên mặt dạy đời. Hà thành ngọ báo quay lại lề lối cũ nhưng tình hình cũng không cải thiện được bao nhiêu. Trước những biến cố chính trị hết sức sôi động ở Việt Nam đầu những năm 1930, người đọc không còn mặn mà với loại báo vô thưởng vô phạt, quá thiên về văn hoá nghệ thuật nữa. Hà thành ngọ báo sống lay lắt đến 1936 thì đóng cửa không kèn không trống.

Cái thân bia đá than
ôi! Có ngại gì một mũi tên tre


Sau hai lần chịu nhục, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn thề suốt đời sẽ không đi làm thuê nữa. Hai ông về quê bán ruộng vườn, vay mượn bạn bè ra tờ báo riêng. Số 1 của tờ Đông Tây ra ngày 15.11.1929, toà soạn đặt tại số nhà 12 phố Nhà Thờ Hà Nội. Đông tây lúc đầu ra hàng tuần, sau tăng lên tuần 2 số vào thứ tư và thứ bảy. Từ ngày 28.5.1932 báo ra hàng ngày. Báo in 4 trang khổ lớn. Trên măng xét ghi chủ nhiệm Hoàng Tích Chu, chủ bút Phùng Tất Đắc. Ngay từ những số đầu tiên, báo đã quy tụ được khá nhiều cây bút tên tuổi, có tư tưởng canh tân như Phan Khôi, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Tam Lang, Tế Xuyên, Vũ Bằng, á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Nam Sơn, Tô Ngọc Vân, Trần Quang Trân, Lê Phổ, Đỗ Mộng Ngọc, Vi Huyền Đắc, Trịnh Đình Rư, Thiết Can, Song An Hoàng Ngọc Phách... Đông tây tuần báo được in tại nhà in Trung - Bắc của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Hầu hết những cải tiến trên Hà thành ngọ báo, giờ được Hoàng Tích Chu áp dụng triệt để hơn trên Đông tây tuần báo. Nếu như những thông tin trên Hà thành ngọ báo hầu như chỉ liên quan đến sinh hoạt thường nhật của người dân, thì ở Đông tây tuần báo bao giờ cũng mang màu sắc chính trị. Thái độ của tờ báo đối với cuộc khởi nghĩa Yên Bái, với những lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính là hết sức rõ ràng. Tờ báo đã không ít lần phê phán tư tưởng Quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh, tố cáo khá mạnh mẽ những tên tham quan ô lại như Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định... Có lẽ nhờ quan điểm ít nhiều tiến bộ này mà Đông tây tuần báo nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người đọc. Số lượng phát hành tăng rất nhanh, chỉ sau vài tháng đã lên tới 5000 bản, là tờ báo bán chạy nhất Bắc Kỳ thời đó. Uy tín và tên tuổi Hoàng Tích Chu nổi như cồn. Năm 1930, ông tự ứng cử vào Viện Dân biểu và đã đắc cử với số phiếu cao nhất.
Có thể nói, Đông tây là tờ báo có lối trình bày khác lạ nhất thời bấy giờ. Báo dùng nhiều ảnh minh hoạ cho những bài quan trọng. Có những bài thời luận chỉ gói gọn trong vài trăm chữ được đặt bên cạnh những bài nhỏ hơn, khai thác mọi góc cạnh liên quan đến vấn đề chính, làm cho bạn đọc hiểu một cách khái quát nhất, đầy đủ nhất về nội dung mà mình quan tâm. Tuy nhiên, cách làm này thường chỉ được thực hiện ở những bài có ý nghĩa thời sự, chính trị lớn. Còn ở những dạng bài không đòi hỏi tính cập nhật lắm, thứ văn biền ngẫu, tầm chương trích cú vẫn phảng phất đây đó. Nói về những cách tân của mình Hoàng Tích Chu viết: “Tôi vốn bị cái bả viết văn kéo dài, hàng mười năm dòng mới hạ được cái chấm dứt câu, hàng hai ba cột báo mà vẫn trọi một ý. Phải có một lối viết khác. Cái lối viết phải làm sao cho gọn, không thừa nhiều lời. Đến khi tìm được nó rồi, tôi liền bắt đầu thực hành bằng những bài “bàn về thời sự””. Tôi định rằng, bài nào cũng vậy, chỉ được chiếm một cột là nhiều lắm”. Để tự chịu trách nhiệm với bản thân, và cũng để phân định ranh giới với người khác, dưới những bài bàn về học thuật, chữ nghĩa Hoàng Tích Chu thường ký Văn Tôi. Cái tên có vẻ cao ngạo này đã làm cho không ít người khó chịu. Nhà thơ Tản Đà đã có lần hạ bút: “Ông này gàn bướng quá, ai mà chẳng là tôi, người ta phải có tên riêng chứ” (An Nam tạp chí số 27 năm 1932).
Hoàng Tích Chu không chỉ cố gắng tinh giản câu chữ đến mức tối đa (nhiều khi mang hơi hướng của thứ văn bích chương, khẩu hiệu), mà ông còn rất hạn chế sử dụng các từ Hán - Việt. Bao giờ ông cũng đi ngày vào vấn đề, không vòng vo, giảng giải, thuyết lý dài dòng. Ông quan niệm, báo chí là phải đặt thông tin lên hàng đầu. Thông tin đó không những phải khách quan, trung thực mà còn phải mang tính thời sự nóng hổi, phải thật sự cần thiết đối với bạn đọc. Đây là những tiêu chí cơ bản để ông xây dựng những trang, mục được độc giả và đồng nghiệp đánh giá cao như Chuyện Đông tây, Chuyện đâu, Cuốn Film, Chuyện lạ đường rừng, Chuyện Hà thành, Trong tiệm hút, Bút mới... Mỗi mục chuyên về một mảng nào đó của đời sống xã hội. Đọc Đông tây, người ta có thể thấy được toàn bộ diện mạo của Hà Nội diễn ra hàng ngày với những mảng sáng tối, nhịp điệu khác nhau. Điều đáng chú ý là ở mỗi mục lại có một giọng văn khác nhau, khi thì mạnh mẽ, cứng rắn, khi lại ướt át, hài hước, dí dỏm, khiến người đọc không bị nhàm chán, đơn điệu. Dưới đây là hai đoạn văn đều do Hoàng Tích Chu chấp bút, nhưng lại mang màu sắc hết sức khác nhau:
Đoạn văn thứ nhất: Năm ngoái bão lụt. Năm nay nắng dữ: Dân Bắc kỳ đói... Công an cục là một chế độ mới, các nước Âu - Mỹ đang thực hành: Mỗi khi trong nước xảy ra một tai nạn nào thì người ta phải tìm cách giải quyết ngay - Không phải giải quyết vấn đề thuộc về cá nhân, mà là thuộc về xã hội.
Theo chế độ ấy thì miếng cơm, manh áo mặc chỉ là lối cứu giúp tạm thời. Ngày nay, phải tìm ra nguyên nhân những cuộc tai nạn mà phải nghĩ lấy cách phòng trị để khỏi có ngày tai nạn ấy lại xảy ra. Trước hết chính phủ lập ra một ban khuyến nông khuyên bảo nông dân ta bỏ bớt cái lối làm ruộng cũ để theo các phương pháp khoa học cho có thể sinh sản được nhiều thóc, gạo, hoa màu... Chính phủ lại nên lập ra một “Phòng Mễ cục” để mua trữ thóc gạo phòng năm đói kém bán lại cho dân, để giữ những con người trục lợi không thể tự ý tăng cao giá được” - Bài Cái lối phát chẩn không phải là phương pháp hay - Đông tây số 1 ngày 7.5.1930.
Đoạn văn thứ hai: “Như gần đây một nhà y sĩ nước Anh vừa thở ra câu chuyện thật làm tổn danh dự của loài người. Y sĩ nói: “Trừ 45 lít nước ra, thân thể anh với tôi là nhờ nhiều chất hợp lại mà thành nên. Những chất ấy ta ví có đến hỏi mua ở các cửa hàng, thì chỉ tốn độ năm đồng bạc chẵn”
... Người tình đang vuốt ve, thướt tha, nũng nịu, nhưng trước mắt tôi: Cô đồ ơi! Cô chỉ đáng năm đồng thôi. ... Rồi tôi trông ai, thế cả. Giàu hay nghèo, sang hay hèn, văn sĩ hay thợ cày, nàng tiên hay con cú, đã là loài người đều chỉ chừng năm đồng thôi”. Bài Chỉ năm đồng thôi - Đông tây số 140 - 16.1.1932.
Với vài ví dụ trên, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy, dù viết với giọng điệu nào, Hoàng Tích Chu cũng thể hiện rất rõ ràng cái tâm của nhà cầm bút: Tất cả đều vì nhân tình thế thái. Dù câu chữ khô lạnh hay châm biếm, thiết tha, các bài viết của Hoàng Tích Chu đều là sự thể hiện thái độ của ông trước thời cuộc. Thái độ đó bao giờ cũng trước sau như một, không chịu khuất luỵ trước bất kỳ thế lực nào.
Trước khi Hoàng Tích Chu về nước làm báo, tính chuyên nghiệp hoá chưa biểu hiện rõ nét trong đội ngũ ký giả Việt Nam. Phần lớn họ là công chức nhà nước, là nhà khoa học, nhà chính trị, thậm chí là những tư bản thành đạt hay các chàng trai con nhà giàu thích lấy le với thiên hạ, là những người vô công rỗi nghề, là những người “chẳng biết làm gì khác ngoài nghề cầm bút” - Lời Vũ Bằng. Mẹ Vũ Bằng đã có lần mắng con: “ở đời có nghề gì xấu nhất, tồi bại nhất, bất nhân bạc ác nhất thì nhất định đó là nghề báo. Còn bố Tam Lang Vũ Đình Chí thì than thở: “Báo với bổ gì, báo hại, báo cô cha mẹ, rồi ra vô nghề nghiệp, bố mẹ già thì chết, cũng đến liếm lá đầu chợ, dở ông dở thằng...” Có vài nhà văn đã mô tả: đa phần nhà báo Việt Nam thời đó đều quần chùng áo dài, một bước ra đường là lên xe tay, vẻ mặt lúc nào cũng đăm chiêu tư lự như đang lao tâm khổ tứ tìm phương cách cứu giúp nhân quần. Ông nào ông nấy nghiện oặt xà lai, nói phét thành thần, chỉ giỏi vay chứ không giỏi trả, văn mình là thiên hương, văn người là xú uế... Gọi là ký giả, chứ năm thì mười hoạ họ mới đến toà soạn, mà cũng chỉ để mượn trước ít tiền nhuận bút để ném vào các tiệm hút, nhà săm. Có nhà nghiên cứu đã chua chát nhận xét: Nhiều tác phẩm văn chương có giá trị trước năm 1945 ở nước ta được ra đời từ khói thuốc phiện và giải rút của các cô đầu. Viết như vậy là quá đáng, nhưng không phải là không có lý. Khi Hoàng Tích Chu về làm cho Hà thành ngọ báo và sau này là Đông tây, nhiều nhà báo trẻ đã không chỉ học theo cách viết mà còn đua đòi theo lối sống buông thả hưởng lạc, hơi một tí là thách đấu súng kiểu phương Tây của ông. Tuy nhiên, việc bắt chước Hoàng Tích Chu sắm mô tô, dùng máy chữ, điện thoại, ra đường là mặc đồ Tây, cổ lúc nào cũng lủng lẳng chiếc máy ảnh chính là sự khởi đầu cho lớp ký giả mới, năng động hơn, chuyên nghiệp hơn. Khi tổ chức tờ Đông tây, Hoàng Tích Chu rất chú ý đến việc mở rộng đội ngũ thông tín viên tại các địa phương lớn trong cả nước. ở một số tin bài trên báo Đông tây còn ghi rõ: “Nguồn tin do phóng viên của Đông tây tại nước ngoài chuyển về”. Có thể nói đây là cách làm rất hiện đại mà nhiều tờ báo hiện nay chưa làm được. Đối với Hoàng Tích Chu, nghề báo như một cái nghiệp. Nó không chỉ nuôi sống người ta, mà còn như sợi dây vô hình trói chặt những ai trót si mê bước chân vào đó. Có lần, ông vừa cay đắng vừa tự hào tổng kết: “Cầm bút mà giàu là hạng cực láu hay là cực ngu. Ngu hay làm liều, chỉ sống ở thần may. Láu thường quấy bậy, chỉ quẩn trong cặn bã... Chúng tôi khi ra cầm bút, dường như đã tuyên thệ trước công chúng: không được manh tâm khoét! Phải hy sinh cho lẽ phải!... Nay đã bước vào vòng rồi thì chớ có hòng lại bước chân ra. Tôi đây lắm lúc muốn quẳng xa cán bút mà không sao được. Nó là nhựa đấy”- Bài Cô Nhật biết điều - số 21 ngày 15.7.1930. Sự thẳng thắn có pha chút cao ngạo thường làm mất lòng đồng nghiệp, nhất là những người ít có chí tiến thủ, nghèo nàn tư duy sáng tạo. Nhiều kẻ ghen ăn tức ở đã cấu kết với nhau “đánh hội đồng” tờ Đông tây. Có người còn ngấm ngầm vận động nhà cầm quyền đóng cửa tờ báo. Dư luận ầm ỹ đến mức Hoàng Tích Chu đã có lần phải thốt lên: “Số người, họ chẳng ghét được tôi vì tuổi còn trẻ, vì học chửa thông, vì cán viết thường quấy rối phường mặt nạ, vì lối văn thường đi ngược nước chảy xuôi, bởi họ không ghét được tôi vì mọi lẽ ấy thì họ tìm cách gây ra được lắm mối ngờ để làm trắc trở ít nhiều trí khôn xét đoán của các ngài kiến thức.
... Tinh thần độc lập và dư luận độc lập đó là con đường tôi noi theo từ trước mà tôi còn đi mãi trên con đường ấy.
Cái thân bia đá than ôi! Có ngại gì một mũi tên tre” - Bài Một dịp tốt cho tôi phá được cái mối ngờ - Đông tây số 16 ngày 31.1.1930.
Sự kiên trì đeo đuổi mục đích của Hoàng Tích Chu đã được đền đáp. Nhiều người, kể cả những người đã từng phê phán lối văn Hoàng Tích, đã chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp cách viết của ông. Tiêu biểu trong số này là các nhà văn, nhà báo trẻ như Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Tế Xuyên...
Ông Vũ Ngọc Phan, người nổi tiếng cẩn thận trong việc sử dụng câu chữ đã có lần phê bình việc bỏ hết các từ nối (thì mà và là) của Hoàng Tích Chu là cực đoan. Nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng kể từ khi đọc văn Hoàng Tích Chu, ông tự nhủ mình không nên viết dài dòng quá, nên đi ngay vào vấn đề. ảnh hưởng này không chỉ diễn ra đối với văn phong từng cá nhân, mà đôi khi còn biểu hiện ở từng phần hoặc cả tờ báo nào đó. Sau Đông tây tuần báo, mục Cuốn Film được rất nhiều tờ báo sử dụng với nội dung và chức năng tương tự. Sức sống của mục này kéo dài tới trước giải phóng 1975 trong báo chí Sài Gòn. Tờ Nông Công Thương báo vào thời đó được coi như bản sao về mọi mặt của tờ Đông tây. Có người đã nghi ngờ Hoàng Tích Chu đứng sau chỉ đạo tờ báo này, đến nỗi ông phải viết bài thanh minh: “Vốc hạt giống ném tung ra trước gió, phụ bạc thay! Cái nghề cầm bút chỉ sẵn công gieo” - Bài Chết nỗi tôi có công gì - Số 38 ngày 1.1.1930
Không chỉ canh tân lối viết, lối trình bày, Hoàng Tích Chu còn có tham vọng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt làng báo Việt Nam, từ đạo đức, nhân cách nghề nghiệp, kỹ năng tác nghiệp, đến đấu tranh đòi quyền tự do báo chí, đòi quyền bình đẳng cho nữ ký giả. Đã không ít lần, ông viết bài phê phán những kẻ cơ hội, những kẻ lắm tiền nhiều của núp bóng báo chí để trục lợi, làm hoen ố diện mạo văn nhân, ký giả chân chính: “Cậu vô nghệ mà muốn chưng cho đẹp mặt: Tôi làm báo.
Cậu mới nứt mắt, học được đôi ba tiếng nhà nghề: Tôi là con tin bà chúa báo.
Cậu ngồi ăn không thỉnh thoảng gửi vài dòng tin vặt: Tôi làm phóng sự.
... Cũng in sách, cũng xin ra báo, cũng khệnh khạng lên cái bộ văn nhân, non toẹt, nách cắp mấy pho sách dày, tay mang cái cặp da lớn. Lên bộ kính trắng nữa, càng nhã lắm.
Trong săm, dưới xóm, trước mặt chị em các cậu “làm báo” nói tiếng oang oang! “Thằng nọ, thằng kia”. Để ta cho một cột! Phải đả cho nó thành tàn. Cái khẩu khí nhà làm báo có thế không? Không. Thế nhưng lắm người mắc bợm! Đáng thương!” - Bài Nay nhắc lại điều luật ấy - Đông tây ngày 6.4.1932.
Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu nước ta cho rằng, những cải cách của Hoàng Tích Chu mới chỉ diễn ra trên phương diện hình thức, còn nội dung không thấy có sự biến chuyển nào. Nhận định như vậy là chưa hoàn toàn chính xác. Như ai nấy đều biết, vào những năm 1929 - 1932 báo chí vô sản vừa mới khai sinh đã bị đàn áp dữ dội, buộc phải rút vào bí mật. Báo chí cách mạng nói chung cũng chịu tình cảnh như vậy. Những tờ báo tiến bộ có xu hướng yêu nước được nhà cầm quyền thực dân cấp phép trước đây giờ không dám bầy tỏ thái độ chống đối chính sách cai trị của người Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Mọi nỗi bất bình của người dân đối với tầng lớp thống trị chỉ được đề cập trên mặt báo ở mức độ phê phán nhỏ lẻ, có giới hạn. Để được yên thân, các báo tránh công kích bọn tham quan ô lại, bọn công chức cả Tây lẫn ta tai to mặt lớn, hầu hết tập trung khai thác những thói hư tật xấu trong nhân dân, những tiêu cực xã hội mới nảy sinh như các vụ kỳ án, tự tử vì tình, buôn gian bán lận, cờ bạc trộm cắp... Đông tây tuần báo cũng nằm trong bối cảnh chung đó. Tuy nhiên, nếu khảo sát toàn bộ báo Đông tây thời kỳ này ta sẽ phát hiện thấy có một số bài đi chệch khỏi nội dung thông thường. Chẳng hạn loạt bài phê phán thuyết Quân chủ lập hiến đăng rải rác từ 1930 -1932. Trong đó có một số bài của Hoàng Tích Chu. Ông viết, việc xin lập đảng Lập Hiến của Phạm Quỳnh là không hợp thời. Nó như món hàng xa xỉ chỉ có ở những nước độc lập, có quyền tự do dân chủ. Hoàng Tích Chu đã gián tiếp cho mọi người thấy, Việt Nam dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp chỉ là một xứ thuộc địa, người dân chỉ có một quyền duy nhất, đó là quyền được làm nô lệ. Đọc Đông tây thời kỳ này, người ta không phát hiện thấy bài nào đả động đến thuyết Trực trị (đối lập với Quân chủ Lập Hiến, yêu cầu người Pháp cai trị trọn vẹn, toàn diện toàn bộ Việt Nam). Rõ ràng là Hoàng Tích Chu ít nhiều ủng hộ quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh, dù ông không nói ra. Đối với vụ bạo động Yên Bái (1930) cũng vậy. Không ngày nào Đông tây không có bài bàn về vụ việc này. Nếu như các báo khác khai thác những chuyện thuộc hàng thâm cung bí sử của Việt Nam Quốc dân Đảng, bới móc những chuyện giật gân xoay quanh các lãnh tụ Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học, Ký Con thì ở báo Đông tây chỉ thuần tuý thông tin vụ việc, không bày tỏ thẳng thái độ. Nhưng khi cô Bắc, người yêu, người đồng chí của Nguyễn Thái Học tự vẫn sau khi 13 lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng phải lên đoạn đầu dài, thì Đông tây cho đăng một loạt bài bày tỏ sự thương xót, thông cảm với người phụ nữ anh hùng này. Qua đây báo đã đề cao truyền thống đấu tranh bất khuất của người phụ nữ Việt Nam...
Qua những nét khái lược trên chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định vai trò canh tân báo chí cũng như ngôn ngữ văn học của Hoàng Tích Chu. Để đánh giá một cách đầy đủ đóng góp của ông, chúng ta xin mượn lời của một số học giả, nhà nghiên cứu lý luận đã được sống trong môi trường báo chí cùng thời với Hoàng Tích Chu: “Cái cảm tình của quốc dân đối với ông Chu tưởng cũng là một sự thưởng công xứng đáng cho ông đã ra tờ Đông tây để gây nên một sự cải cách lớn trong làng báo Bắc Kỳ...” - Phiếu Sơn - phê bình và cảo luận. Còn ông Phan Khôi, vào năm 1931 đã viết trên báo Trung lập bài Văn nghị luận phải viết như thế nào? trong đó có đoạn “Trong văn quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là: “lối văn Hoàng Tích Chu”, sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi. Chẳng luận lối văn ấy ông Chu sáng tạo ra hay bắt chước của ai, nội một cái biệt lập ra một nhà được như thế cũng khá gọi là tay hào kiệt trong làng văn vậy.”
Cuối năm 1932, vì bài thơ Cái Chày ám chỉ Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định dùng chày đánh vào đầu gối phạm nhân mà Đông tây bị thu hồi giấy phép với tội danh vu khống người nhà nước. Buồn vì đứa con tinh thần rứt ruột đẻ ra đang chập chững tập đi thì đã chết, Hoàng Tích Chu lâm bệnh và chết vào đúng ngày cuối cùng của năm Quý Dậu (1932). Ông ra đi, lặng lẽ, âm thầm, trong khi mọi người xung quanh đang hân hoan chuẩn bị đón chào năm mới. Cái chết của ông chính là sự kết thúc cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ, là sự khởi đầu của cái mới, cái tiến bộ, văn minh của làng báo Việt Nam.

Hải Triều: người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng




Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh ngày 1.10.1908 tại làng An Cựu (Huế) trong một gia đình trí thức. Ngay từ khi còn rất nhỏ ông đã được học chữ thánh hiền, được cha mẹ hết lòng yêu thương dạy dỗ. Bước sang tuổi 15 (1923) Hải Triều được gửi vào học tại trường Quốc học Huế. Đây là quãng thời gian xã hội Việt Nam xảy ra nhiều biến động lớn. Nhiều hội, đoàn thể, đảng phái chính trị được hình thành tập hợp đông đảo quần chúng đấu tranh, biểu tình đòi ân xá cho Phan Bội Châu (1925), tổ chức đám tang cho Phan Chu Trinh (1926) kéo dài gần một năm trời trên phạm vi cả nước. Những diễn biến chính trị này đã có những tác động vô cùng to lớn đến tình cảm yêu nước của Hải Triều. Mặc dù còn rất trẻ, Hải Triều đã cùng các bạn học hăng hái tham gia bãi khoá, đấu tranh đòi nhà cầm quyền thực hiện một số quyền tự do, dân chủ đối với Đông Dương. Vì quá xông xáo, năng nổ cuối cùng ông bị đuổi học. Không lấy thế làm buồn, Hải Triều còn cảm thấy vui vì từ nay ông sẽ được tự do tới dự những buổi diễn thuyết của Phan Bội Châu, được tiếp xúc, trao đổi quan điểm trực tiếp với các bậc tiền bối. Chính từ những cuộc gặp gỡ này, vào khoảng giữa năm 1927, ông trở thành đảng viên của Tân Việt. Nhận thấy đất Trung Kỳ còn có quá nhiều định lệ gò bó, Hải Triều bỏ vào Sài Gòn làm báo và cũng để mở rộng hơn nhãn quan chính trị cho mình. Năm 1929 Đảng Tân Việt đứng trước nguy cơ tan rã, sau bao cố gắng vực lại không thành, đầu năm 1930 Hải Triều quay về Huế. Tại quê nhà ông đã gặp Nguyễn Phong Sắc lúc đó là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách Xứ uỷ Trung Kỳ và được kết nạp và Đảng Cộng sản Việt Nam (6.1930). Có lẽ đây mới thực sự là môi trường để ông thoả sức chứng tỏ chí trai. Thời gian này báo chí của Trung ương Đảng chưa có, báo chí cách mạng tại miền Trung lại bị chính quyền thực dân và Nam triều kiểm soát hết sức gắt gao, nên Xứ uỷ Trung Kỳ quyết định điều động Hải Triều quay lại Sài Gòn nơi đầu mối của nhiều tổ chức cách mạng và cũng là nơi báo chí hoạt động tương đối tự do hơn. Đặt chân lên đất Sài Gòn chưa được bao lâu, Hải Triều là một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên bị địch bắt khi cuộc khủng bố Đỏ vừa diễn ra. Ông bị đưa về Huế xử với mức án 9 năm tù khổ sai, 8 năm quản thúc. Nhưng chỉ một năm rưỡi sau (7.1932), ông được trả tự do.
*
Giữa thập niên 30 của thế kỷ được Đảng cánh tả lên cầm quyền ở Pháp thành lập chính phủ bình dân đã ít nhiều mở ra bầu không khí tự do, dân chủ hơn cho Đông Dương. Được sự đồng ý của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn An Ninh đứng ra hô hào tổ chức Đông Dương đại hội. Để hỗ trợ phong trào, Đảng còn cử các đồng chí của mình trong đó có Hải Triều đi về các vùng thôn quê điều tra tình hình dân chúng, lấy dân nguyện. Sau chuyến đi này Hải Triều đã viết hàng loạt bài đăng trên các tờ báo công khai của Đảng tuyên truyền những ích lợi của Đông Dương đại hội, phơi bày một số chính sách cai trị hà khắc của nhà cầm quyền. Chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, đảng cực hữu thân phát xít lên nắm quyền tại Pháp ngay lập tức ban hành sắc lệnh ngày 26.9.1939 đặt Đảng Cộng sản Pháp và các tổ chức tiến bộ ra ngoài vòng pháp luật. Kể từ sau ngày sắc lệnh này có hiệu lực ở Đông Dương hàng loạt đảng viên cốt cán của đảng ta bị bắt đày ra Côn Đảo hoặc vùng rừng núi. Suốt quãng thời gian 1939-1945 Hải Triều hầu như bị giam lỏng tại Huế. Bị kiểm soát quá chặt chẽ, Hải Triều hầu như không hoạt động được nhiều. Sợi dây liên lạc giữa ông với đồng đội cũng không còn thông suốt. Đầu năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới đi vào giai đoạn cuối, phần thắng nghiêng về quân đội đồng minh. Để độc chiếm Đông Dương, Nhật hất cẳng Pháp nhưng cũng không còn hung hăng như trước. Nhận thức rõ đây là cơ hội vô cùng thuận lợi cho cách mạng nước ta, trung ương Đảng triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh) ngày 9.3.1945 và ban hành Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Nhận được lệnh trên Hải Triều đã tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí hoạt động bí mật trong nội thành Huế lên kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Cách mạng tháng 8.1945 thành công trong cả nước, Hải Triều được phân công công tác tại Bộ Thông tin -Tuyên truyền. Sau đó ông trở lại quê hương với trọng trách Giám đốc Sở Thông tin - Tuyên truyền Trung bộ. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra Hải Triều giữ chức Giám đốc Sở Thông tin - Tuyên truyền liên khu IV, phụ trách Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác liên khu IV, thư ký tạp chí Tìm hiểu và nhiều chức vụ quan trọng khác. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Hiệp định Giơnevơ vừa được ký chưa ráo mực thì Hải Triều lâm trọng bệnh. Ông qua đời ngày 6.8.1954 tại Thanh Hoá, thọ 46 tuổi - cái tuổi sung sức nhất của cuộc đời.
*
Mặc dù nhiều người đã dày công sưu tầm, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được hết các trước tác của Hải Triều. Số thất lạc này chủ yếu là báo cáo, tham luận hoặc bài viết trên báo hiện không còn cơ quan nào lưu trữ. Có bài bị mất từng phần do tờ báo chưa kịp đăng hết đã bị thu hồi giấy phép, đó là chưa kể bài viết của tác giả không được ký bởi tên thật hoặc các bút danh quen thuộc Nam Xích Tử, Hải Triều. Tìm hiểu những gì có trong tay chúng ta có thể chia sự nghiệp sáng tác của Hải Triều ra thành ba thời kỳ chính. Giai đoạn thứ nhất từ 1928-1932, trừ đi một năm rưỡi ở tù thì quãng thời gian Hải Triều được tự do chỉ còn hơn 2 năm. Có lẽ tờ báo đầu tiên mà ông cộng tác là Tiếng Dân - Tờ nhật báo đầu tiên và cũng là duy nhất của cả dải đất miền Trung, số 1 ra ngày 10.8.1927, do ông Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ làm chủ nhiệm. Hải Triều làm cho tờ báo này không được lâu bởi ông sớm nhận ra tính chất bảo thủ, cải lương cũng như khuynh hướng chính trị không rõ ràng của những người chủ trương báo Tiếng Dân. Do không được bàn về các vấn đề chính trị trong nước, tránh phê phán chế độ phong kiến thối nát triều Nguyễn, nên Hải Triều chỉ còn con đường duy nhất là đề cập các vấn đề thời sự quốc tế. Tuổi trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, thông tin giữa Việt Nam với thế giới lại bị bưng bít, bóp méo nên các nhận định của Hải Triều lúc này nhiều khi còn mang tính chủ quan, vấn đề tác giả lựa chọn còn quá to tát. Chẳng hạn trong bài Cuộc chiến tranh thế giới sau này - Tiếng Dân số 69-70.1928 Hải Triều phỏng đoán: Chiến tranh thế giới II sẽ khởi phát tại Thái Bình Dương do người Nhật châm ngòi. Cuộc chiến này là sự đối đầu giữa hai liên minh, một bên là Nga - Trung - Đức, phe kia là Anh - Nhật - ý. Cái bạn đọc chú ý đến Hải Triều thời kỳ này không phải là những nội dung phê phán chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn hay các vấn đề nóng bỏng của thế giới mà họ thích cái tâm của tác giả trong từng câu chữ. Các bài viết về quốc tế của Hải Triều bao giờ cũng gắn kết chặt chẽ với tình hình chính trị trong nước. Trong bài Cuộc chiến tranh thế giới sau này nói trên, ông đã bộc lộ nỗi lòng: “... Than ôi! Mây kéo mù un, tố giông sắp đổ, liệu xem thế cuộc lạnh buốt cả người, đoán trông tổ quốc thoạt đổ mồ hôi, e đâu thoát khỏi một phen mưa gió tan tành nên đánh bạo bàn sơ qua câu chuyện thế giới chiến tranh là một cái vấn đề mật thiết đến nước ta chẳng những về kinh tế, về chính trị mà chính về cả cái sanh mạnh của mấy triệu anh em bà con ta sau này sanh tồn hay tiêu diệt đều có quan hệ với cuộc chiến tranh này lắm!”... Có lẽ do không chịu đựng được lâu hơn nữa không khí bức bối, tù hãm của Huế, đầu năm 1929 Hải Triều vào Nam làm cho tờ Kỳ Lân. Đây là tờ báo không có gì nổi bật số 1 ra ngày 18.8.1928 do ông Bùi Ngọc Thự làm quản lý. Kỳ Lân được giao cho Hải Triều khi nó đang trong tình trạng thua lỗ, có nguy cơ phải đóng cửa. Ông đã thay măngxét mới, dưới tên báo là câu nhận định nổi tiếng của Mác “Chủ nghĩa tư bổn đang tự đào mồ để tự chôn nó”. Cuốn Tư bản đã được Hải Triều cho dịch đăng trên báo này với tiêu đề “Tư bổn chủ nghĩa”. Các thuật ngữ, khái niệm của triết học, khoa học được ông dịch lại bằng văn phong hết sức bình dân, giản dị, súc tích, ai cũng hiểu được, chẳng hạn như: “... tư bản chủ nghĩa, cái giờ lâm chung của ngươi trên thế giới đã gần điểm rồi, mà cái pho lịch sử của ngươi trong vũ trụ cũng hầu mòn hết giống rồi. Nhân loại rồi đây sẽ bước qua một kỷ nguyên mới và một pho lịch sử mới. Lời nói đó không phải do ta trù rủa người đâu. Sự sống của ngươi và sự chết của ngươi là một lẽ tất nhiên của lịch sử nhân loại phải qua vậy, ngươi chớ phàn nàn. Huống hồ cái thể chất của ngươi đã mang sẵn cái mầm diệt vong ở trong tâm, nó sẽ dắt ngươi vào con đường tự sát”.
*
Kỳ Lân cũng là tờ báo đầu tiên ông sử dụng bút danh Nam Xích Tử, có nghĩa là Chàng trai Đỏ. Dùng bút danh này là một hành động vô cùng táo bạo thời đó. Như chúng ta đã biết, trước năm 1930, ở Việt Nam, nhất là tại Trung và Bắc Kỳ, hầu như không có tờ báo nào dám thường xuyên đề cập các vấn đề chính trị. Viết về chủ nghĩa cộng sản lại càng cấm kỵ. Chỉ vì đăng Tuyên ngôn cộng sản mà tờ La Clochêfêlée (Chuông rè) bị rút giấy phép vào năm 1926. Những người đứng đầu tờ báo này là Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, nhiều lần bị bắt bỏ tù. Việc Hải Triều, một chàng trai mới ngoài 20 tuổi tự gọi mình là Chàng trai Đỏ - hình ảnh tượng trưng của người cộng sản - là một thách thức cực kỳ lớn đối với nhà cầm quyền. Không những thế, ông còn biến Kỳ Lân thành tờ báo đi tiên phong trong việc dịch đăng một trong những trước tác vào loại vĩ đại nhất của Mác. Tờ báo ngay lập tức bị đóng cửa, còn Hải Triều có tên trong sổ đen của thực dân Pháp. Để tránh sự theo dõi của kẻ thù, Hải Triều bỏ về Huế. Sau khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được tổ chức phân công vào Sài Gòn. Tại đây Hải Triều đã bị bắt, kết thúc thời kỳ hoạt động báo chí đầu tiên của ông.
Tuy được trả tự do (7.1932) nhưng Hải Triều bị cấm rời khỏi nơi cư trú. Không còn cách nào khác, ông quay trở lại cộng tác với tờ Tiếng Dân, viết bài gửi đăng trên một số tờ báo của Hà Nội, Sài Gòn. Bên cạnh những bài bình luận về chính trị, thời sự, kinh tế thế giới, thời kỳ này (1932-1939) Hải Triều bắt đầu quan tâm đến triết học, văn hoá - nghệ thuật. Và chính ở địa hạt này, ông đã gặt hái được những thành công hết sức to lớn. Tiêu biểu cho cuộc đấu tranh trên mặt trận quan điểm, tư tưởng này là bài “Trên lịch sử nước ta vẫn có chế độ phong kiến” - báo Công luận số 2 ngày 3.1.1935 nhằm đáp lại bài Trên xã hội Việt Nam không có chế độ phong kiến của Phan Khôi đăng trên báo Phụ nữ Tân Văn ngày 29.11.1934. Trong bài viết của mình, Hải Triều khẳng định ở Việt Nam không những có chế độ phong kiến, mà chế độ này còn được xếp vào loại điển hình của phương Đông. Qua đây Hải Triều muốn nhấn mạnh việc lựa chọn kẻ thù của Đảng ta (gồm chủ nghĩa đế quốc thực dân và chế độ phong kiến) là đúng đắn, chính xác. Khi Phan Khôi bàn về mối quan hệ giữa “Văn minh vật chất với văn minh tinh thần” - Phụ nữ thời đàm số 4 ngày 8.8.1933 đã bộc lộ rõ tư tưởng duy tâm tư sản, Hải Triều liền có bài “Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật” (báo Đông Phương số 891 ngày 21.10.1933). Mặc dù bài báo đã khẳng định được một cách xác đáng quan điểm duy vật của Mác, nhưng lại chưa chỉ ra được tư tưởng yên tâm làm nô lệ của những người như Phan Khôi. Trong bài có đoạn còn ảnh hưởng nặng nề của thuyết Địa lý rất thịnh hành ở phương Tây vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chẳng hạn như: “... Cái tinh thần Đông phương kém Tây phương không những vì ảnh hưởng của chế độ kinh tế mà thôi. Suy nguyên ta còn kém vì ảnh hưởng của những điều kiện về hình thể, thể chất của thổ địa và khí hậu v.v... Tóm lại là bị cái hoàn cảnh vật chất tự nhiên chi phối...” Tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng còn được Hải Triều tiếp tục khẳng định trong bài Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm in trên báo Phụ nữ tân tiến số 1 tháng 2 năm 1934. Trong bài viết này Hải Triều đã vận dụng vốn kiến thức uyên bác của mình để nhấn mạnh nguyên lý và hiện tượng là những phạm trù không thể tách rời của triết học. Chúng có mối liên hệ chặt chẽ, khăng khít với nhau. Cái này là nguyên nhân hoặc hệ quả của cái kia, chúng cũng luôn vận động, biến đổi không ngừng. Ngày nay với một nền khoa học tiên tiến, hiện đại, những vấn đề Hải Triều đặt ra trong các bài viết có thể bị đánh giá là quá đơn giản, còn khiếm khuyết, nhưng nếu đặt mình vào thời đó chúng ta mới hiểu và thông cảm hết với ông trên phương diện nghiên cứu, lý luận. Trong khi cả xã hội đang quằn mình rên xiết trước sự khủng bố của kẻ thù, đồng đội người thì bị giết, người mòn mỏi trong tù, một thân một mình, Hải Triều dám đứng ra đương đầu để rồi cuối cùng chiến thắng Phan Khôi - một học giả có tiếng đứng đầu nhóm Tam Tài của xứ Nam Kỳ (gồm Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ). Hành trang của ông lúc đó chỉ là vài trước tác của Mác - Ăngghen được dịch không đầy đủ sang tiếng Pháp, bị bóp méo ít nhiều. ở Việt Nam lúc đó việc bênh vực chủ nghĩa cộng sản đồng nghĩa với âm mưu chống đối nhà cầm quyền thực dân, phải chịu cảnh tù đày, thậm chí phải hy sinh tính mạng của mình. Không chỉ vậy, các bài viết của Hải Triều bao giờ cũng bị Ty kiểm duyệt săm soi rất kỹ, sơ sảy một chút là rước hoạ vào thân. Chính vì lẽ đó mà Hải Triều không có điều kiện giãi bày được hết quan điểm riêng. Không dừng lại ở đó, vào năm 1938 khi chiến tranh thế giới lần II chuẩn bị nổ ra, phe cực hữu lên cầm quyền tại Pháp đang tìm cách đàn áp những người cộng sản và những nhà hoạt động xã hội tiến bộ thì Hải Triều lại bất ngờ cho xuất bản công khai cuốn “Chủ nghĩa Mác xít phổ thông” dùng làm tài liệu huấn luyện, giáo dục cho các đảng viên và quần chúng yêu nước. Tài liệu “quốc cấm” này có thể được coi là một trong những cuốn sách mở đường của hệ thống lý luận Mác xít nước ta sau này.
*
Trong quãng thời gian 1932-1939, sự kiện mà người ta nhớ đến nhiều nhất, được nhắc đi nhắc lại hơn nửa thế kỷ qua là cuộc tranh luận xoay quanh các quan niệm sáng tác văn học - nghệ thuật giữa một bên là Hải Triều, Lâm Mộng Quang, Hải Khách, Hồ Xanh với bên kia là Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều. Cuộc tranh luận diễn ra gay gắt, kéo dài hàng năm trời và cuối cùng phần thắng nghiêng về phía các nhà phê bình Mác xít. Như chúng ta đều thấy, những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, xã hội Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị và được coi như giai đoạn bản lề của lịch sử dân tộc. Sự xuất hiện chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc khởi nghĩa Yên Bái, phong trào Xô Viết ở Nghệ An đang gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, có sức tác động rất lớn đến phong trào yêu nước đang đấu tranh giành độc lập dân tộc tại các xứ thuộc địa của Pháp. Tình hình này buộc người Pháp phải ra tay hành động. Một mặt, họ tiến hành cuộc khủng bố đỏ hết sức khốc liệt, tàn bạo, mặt khác họ cũng ban hành một số chính sách có tính chất mị dân nhằm ổn định chính trị - xã hội. Chính quyền ngầm tài trợ cho một số tờ báo đứng ra tổ chức các cuộc thi đấu thể thao, lập hội hướng đạo, mở hội chợ từ thiện, phát động phong trào ánh sáng, khuyến khích Âu hoá. Trong số này nổi bật và diễn ra thường xuyên nhất là các cuộc thi sáng tác văn học trên các tờ báo nổi tiếng lúc đó như Phụ nữ tân văn, Phong Hoá, Ngày nay... Các hành động này nhằm lôi kéo thanh niên, trí thức, văn nghệ sĩ lao vào cuộc sống hư văn mà quên đi nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây chính là thời điểm tại Việt Nam phát triển nhiều dòng văn học khác nhau. Chủ nghĩa lãng mạn mà tiêu biểu là phong trào Thơ mới với nhiều tính chất tiêu cực đang đẩy con người ngày càng xa rời cuộc sống xã hội, chủ nghĩa hiện thực phê phán lại chưa xác định rõ con đường đi riêng, nhiều khi còn rơi vào bế tắc, bi quan. Trong khi đó văn học cách mạng lại phải ẩn mình trong bóng tối, chưa có điều kiện đến với quảng đại quần chúng nhân dân. Để bảo toàn lực lượng và cũng để phù hợp với thực tế, Đảng ta chủ trương chuyển hướng đấu tranh sang các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Hải Triều được coi như người lính tiên phong trên mặt trận này. Qua hàng loạt bài như Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh (báo Đời mới ra vào hai ngày 24.3 và 7.4.1935), Kép Tư Bền một tác phẩm thuộc về cái triều lưu “nghệ thuật vị nhân sinh” ở nước ta (Tiểu thuyết Thứ Bảy số 62 tháng 8.1935), Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội (báo Tin Văn số 6 ngày 1.9.1935), Nghệ thuật với nhân sinh (báo Trung Kỳ số 1 ngày 9.10.1935 và số 4 ngày 6.11.1935)... Hải Triều không chỉ phản bác lại quan điểm sáng tác duy tâm, tư sản của những người như Thiếu Sơn, mà ông luôn tìm cách nhấn mạnh mọi thứ nghệ thuật đều phải bắt nguồn từ đời sống xã hội, phải mang tính nhân văn, phục vụ con người. Nói cách khác, mọi sáng tạo nghệ thuật đều xuất phát trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng. Bên cạnh đó, bằng ngòi bút sắc bén của mình, Hải Triều luôn khẳng định không có thứ nghệ thuật phi giai cấp, vượt ra ngoài biên giới tình cảm. Tuy nhiên, vì quá say sưa tranh luận nên đôi khi ông quá thiên về thứ “văn nghệ bình dân”, xem nhẹ, thậm chí phủ định những giá trị sáng tạo của các tầng lớp xã hội khác. Bình dân ở đây có thể hiểu là bao gồm người nông dân, công nhân và dân nghèo thành thị. Không phải ngẫu nhiên mà thỉnh thoảng Hải Triều lại dùng khái niệm “nghệ thuật vị dân sinh” thay vì “nghệ thuật vị nhân sinh”. Nói cách khác, một số vấn đề lý luận Hải Triều đặt ra trong thời kỳ này còn mang nặng màu sắc giai cấp, tính nhân dân chưa được biểu hiện rõ nét. Hạn chế này là khá phổ biến trong giới lý luận nước ta từ năm 1936 trở về trước.
*
Một trong những vấn đề Hải Triều đặt ra rất được giới nghiên cứu phê bình quan tâm, chú ý. Đó chính là quan niệm của ông về tự do sáng tác. Trong bài “Lầm than một tác phẩm đầu tiên của nền văn chương tả thực xã hội ở nước ta” Hải Triều viết: “Gạch một con đường buộc họ (- tức giới văn nghệ sĩ - HVQ) phải theo là một sự điên cuồng. Mặc dầu họ có gây dựng một tác phẩm đúng như cái khuôn khổ đã định thì tác phẩm ấy nhiều khi cũng có vẻ ngượng nghịu, cơ giới, không có chút gì sanh sắc”... “Nhà văn cần có tự do thì mới sáng tạo ra được những công trình bất hủ... Nhưng có một cái tự do nhà văn cần phải tránh, tránh như tránh dịch, là cái tự do tán dương những tội ác, tán dương những sự bất công, tán dương những cái phản động hiện thời” - bài Bức thư thay lời tựa - 1938. ý kiến trên có thể nói là rất hiện đại và mang tính nhân văn cao. Nhưng có thời nó đã bị lợi dụng. Ông Phan Khôi, đối thủ tiềm tàng của Hải Triều, vào năm 1956 đã viết bài “Phê bình giới lãnh đạo văn nghệ” trong đó có đoạn đại ý: “Văn nghệ nếu được đặt dưới sự chỉ đạo chung thì đến một lúc nào đó trăm thứ cúc chỉ nở ra được một loài vạn thọ mà thôi”. Trên cơ sở này một số văn nghệ sĩ bất mãn với chế độ đã gào lên đòi tách rời chính trị khỏi văn nghệ. Sự trùng hợp có vẻ ngẫu nhiên nói trên đã tạo ra không ít lời rì rầm của dư luận. Thực ra sự giống nhau ở đây chỉ mang ý nghĩa hình thức. Còn về bản chất giữa chúng không có chung một con đường. Hải Triều hô hào đòi tự do sáng tác là nhằm thoát khỏi vũng bùn của thứ văn nghệ nô dịch. Còn những người trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm đòi tự do chỉ để nhằm thoả mãn tính vị kỷ của bản thân, không đếm xỉa gì tới lợi ích của dân tộc. Lời hô hào của họ được tung ra vào thời điểm đất nước đang có chiến tranh nên rất dễ phá vỡ thế đoàn kết toàn dân, cái mà kẻ thù hết sức mong đợi.
Có thể nói ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước Hải Triều đã biết lo xa cho nền văn nghệ nước nhà. Nhiều quan điểm của ông cho đến nay vẫn hoàn toàn tỏ ra đúng đắn, chính xác. Khi bàn về tính xu hướng (khuynh hướng) của văn nghệ, một mặt, Hải Triều nhấn mạnh không thể có lối văn “giữa trời”, phi chính trị, nhưng mặt khác ông lại phê phán thứ văn chương hô khẩu hiệu, áp đặt, bất chấp các nguyên tắc nghệ thuật, xem nhẹ khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Ông luôn cho rằng trong nghệ thuật phải có chính trị, nhưng giữa chúng vẫn có ranh giới nhất định. Văn học khi đề cập các nội dung chính trị không được khô cứng như bản thân chính trị. Ông viết: “Chủ nghĩa tả thực xã hội vẫn luôn luôn thừa nhận mỗi tác phẩm đều có một xu hướng nhưng chủ nghĩa tả thực xã hội lại hết sức đố kỵ những thứ xu hướng chủ quan, độc đoán, cơ giới; những tư tưởng cố định, những tín điều bất dịch mà tác giả đã vụng về ấn ghép vào câu chuyện” (Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương. Tạp chí Tao đàn số 2, ngày 16.3.1939). Nói cách khác, ngay từ thời đó Hải Triều đã nhận được ra hậu quả của thứ văn chương rập khuôn, tô hồng, một chiều dưới thời bao cấp mà các kỳ đại hội Đảng gần đây hết sức phê phán. Cả đời ông chỉ khát khao một điều: Tạo dựng nền móng vững chắc cho nền văn nghệ cách mạng có sức sống lâu bền, lên án và cương quyết đập bỏ thứ văn nghệ nhất thời. Chính vì lẽ đó mà Hải Triều dành nhiều công sức để chứng minh mối quan hệ qua lại giữa hình thức (forme) và nội dung (fond). Theo ông “Hai cái phân tích ấy nó đắp đổi, nó bồi bổ cho nhau, không cái nào là thực thụ, cái nào là tạm thời, cái nào là chính xác, cái nào là phụ thuộc” - Bài Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội - Báo Tin văn số 6 ngày 1.9.1935. Ngoài ra ông còn bàn khá sâu sắc về vai trò của văn nghệ đối với đời sống, xác định nhiệm vụ của nhà văn là phải phụng sự hiện thực, dùng trí sáng tạo của mình để biến cải hiện thực, làm cho hiện thực đó ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn...
*
Sự nghiệp sáng tác cuối cùng của Hải Triều tập trung vào những năm sau cách mạng tháng 8.1945 đến ngày ông mất (6.8.1954). Bối cảnh lịch sử lúc này đã khác, bản thân Hải Triều lại giữ nhiều trọng trách do Đảng, Nhà nước giao phó, nên những vấn đề ông viết có sự thay đổi cơ bản so với trước đây. Qua những gì còn lại, chúng ta thấy những vấn đề ông viết vào thời kỳ này mang tầm vĩ mô hơn. Đó là những bản báo cáo, bài báo mang đậm màu sắc chính luận, có tầm chỉ đạo khá bao quát. Những nội dung triết học vẫn được ông quan tâm hàng đầu nhưng giờ đây chúng được khảo sát hết sức bài bản, chuyên sâu, khách quan, không để trộn lẫn với cái tôi như các giai đoạn trước. Cái nhìn của ông đối với kẻ thù của cách mạng tuy vẫn nghiêm khắc nhưng đã bao dung hơn, đúng như phẩm chất tư cách của một người cộng sản.
*
Hải Triều mất đi vì căn bệnh hiểm nghèo giữa vùng kháng chiến. Những dòng di chúc cuối cùng của ông không dành cho vợ con thân quyến mà dành cho Đảng, cho Bác, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cả đời đấu tranh cho lẽ phải, cho chân lý, vậy mà khi mất đi ông không có gì cho riêng mình, phải gửi tấm thân quả cảm của mình trong cỗ áo quan của người khác. Nhưng khí phách của ông sẽ mãi mãi sống cùng non sông đất nước, mãi mãi là người lính bảo vệ trung thành tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản.

Thiên đường trước mặt

-Bác Viễn này, tôi định dọn dẹp tầng thượng để nuôi chó kinh doanh, bác thấy thé nào?
-Cũng tốt. ở tuổi chúng mình vừa được lao động cho khoẻ, vừa kiếm được tiền thì còn gì bằng. Tôi nghe nói, nuôi chó Tây lãi nhiều nhưng phải trường vốn và vất vả lắm đấy.
-Ai bảo bác tôi sẽ nuôi chó Tây?
-Thì nuôi chó ta cũng tốt. Hàng quán khắp nơi, lo gì không có nơi tiêu thụ
-Ai bảo bác là tôi nuôi chó để bán cho dân nhậu?
-Vậy có lẽ bác nuôi cảnh khuyển? Chẳng có loài nào giữ nhà tốt như chó bác nhỉ
-Nhà tôi trống đằng trước, hoác đằng sau, đồ đạc có mấy cái xoong thủng thì cần gì phải nuôi chó giữ nhà
-Vậy bác nuôi chó cho đỡ buồn đúng không?
-Luơng hưu cho người ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra mà nuôi chó giải khuây
-Vậy thì… có lẽ…
-Đúng là cái đồ… không bao giờ đọc báo. Mấy bữa nay, thiên hạ đang xôn xao chuyện lãnh đạo một trường học ở miền Trung trả lương cho giáo viên bằng ổ chó mới đẻ đấy.
-Tưởng chuyện gì, tôi còn nghe, có địa phương trả lương cho thầy cô giáo bằng buồng chuối xanh, bằng củi nữa kia. Nhưng chuyện lương của giáo viên với chuyện nuôi chó của ông thì có liên quan gì đến nhau?
-Sao lại không, phải biết đi tắt đón đầu chứ.Cứ nuôi để đấy một đàn, trước kì trả lương cho giáo viên ta bán cho ông hiệu trưởng, thế nào chẳng kiếm được chút ít
-Thật quá đáng, người ta đã khốn khổ rồi bác còn định đục nước béo cò à?
Không chớp lấy cơ hội thì thằng khác nó cũng xơi mất
-Bác đúng là người có khiếu kinh doanh. Bác Cận này không hiểu sao người ta lại trả lương cho giáo viên bằng những thứ đó nhỉ?
- Bác tính người đang đói kinh niên mà ăn vài quả chuối xanh vào, dạ dày sẽ đẩy cái cồn cào xông thẳng lên não bộ, buộc họ phải liên tục tư duy, có thế mới sang tạo, mới cống hiến được chứ
-Thế còn củi khô và chó con? Có gì cho vào nồi đâu mà cần củi để đun với nấu?
-Củi để sưởi ấm tâm hồn khi cái bụng gặp cơn băng giá. Khi đói mà ngắm đàn chó con tung tăng chơi đùa cũng thấy thiên đường ở trước mặt, đỡ tủi nhiều lắm

Làm ơn hóa hại

- Bác Viễn này, tối qua bác có coi truyền hình không?
- Lại có chuyện gì à? Tôi với bác nghỉ hưu rồi, quan tâm làm gì đến mấy vụ việc tiêu cực cho mệt xác. Sáng làm mấy séc cầu lông, chiều nhâm nhi vài cốc bia, tối coi phim trên truyền hình, muốn ngủ, muốn thức lúc nào tùy thích. Thế là sướng nhất đấy!
- Tôi không “Mũ ni che tai” như bác, thấy chuyện bất bình là không chịu được. Mấy bữa nay báo, đài rùm beng chuyện một cơ quan nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua bỏ hoang dãy nhà kho rộng hàng nghìn mét vuông, trong khi ở ngay sát đó, nhiều hộ gia đình phải chui rúc trong những túp lều tạm bợ dựng ven sông, nhìn mà chướng mắt quá.
- Chuyện “Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra” này có mà đầy rẫy. Khi Nhà nước hỏi đến, họ giữ khư khư, một tấc cũng chẳng nhả, khi có cơ hội là chia chác, cấu véo.
- Vậy mà, không ít nông dân đã cắt đất hương hỏa để xây dựng trường học, tự bỏ tiền túi ra làm cầu cho bà con, lại có người ngày nào cũng nấu một nồi cháo thịt to tướng để ở ngã tư cho trẻ đánh giày, cho người cơ nhỡ đỡ cơn đói lòng…
- Chắc lại mấy “ông” tham nhũng, mấy “bà” buôn gian bán lận ăn bẫm rồi, giờ về già nhả ra một ít cho lòng thanh thản chứ gì?
- Sao bác lại có suy nghĩ đen tối thế? Việc họ làm là thật tâm cả đấy, chứ không phải như mấy đơn vị, cho bà con được mấy thùng mì tôm hết hạn sử dụng mà huy động cả đội ngũ báo chí đông đảo, tuyên truyền ầm ĩ cứ như phường chèo. Ai đời, về làm từ thiện ở vùng lũ, đứng trước người dân đang nhớn nhác vì mất hết cơ nghiệp mà các ông, các bà ấy mặc áo trắng lốp, không một vết nhăn, giày da đen bóng, thấy ống kính hướng tới là toét miệng cười...
- Chắc tại răng họ vẩu, môi họ ngắn nên trông vậy thôi, chứ ai lại vô duyên cười vào những lúc như thế!
- Chuyện này đâu chỉ diễn ra một lần. Đi làm từ thiện mà tiền hô hậu ủng, hàng đoàn xe bóng lộn đi tới đâu bụi cuốn mù mịt cả một góc trời đến đấy...
- Những lúc như thế, chắc địa phương nhận được nhiều quà lắm nhỉ?
- Ở đâu ra mà nhiều. Sau đợt lũ vừa rồi, có cơ quan ủng hộ người dân một số tỉnh phía Bắc toàn trâu bò mắc bệnh lở mồm long móng, giờ bệnh đã lan sang cả những con sống sót đấy. Người nông dân chưa kịp ngóc đầu lên, giờ lại bị đạp cho một phát dúi dụi.
- Ôi! Thế chẳng hóa ra làm ơn hóa hại à!?

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Bùi Hạnh Cẩn: thân cò rã cánh viết nên nét đời




Quán cà phê góc phố Quang Trung, phía đối diện xưởng in của báo Hà Nội mới, thỉnh thoảng lại tiếp một vị khách da mồi tóc bạc, ăn mặc xuềnh xoàng như lão nông ra tỉnh. Ngồi cùng ông thường là vài cô gái trên dưới 20 tuổi, diện đúng mốt, xinh đẹp. Họ thì thào với nhau đủ thứ chuyện, ông lão nói là chính, còn các cô thì miệt mài ghi chép. Điện thoại di động của ông lão liên tục reo và ông không bỏ cuộc gọi nào. Giọng ông sang sảng, rõ ràng, khiến người qua lại phải ngoái đầu nhìn ngạc nhiên. ít ai biết ông là Bùi Hạnh Cẩn, một nhà báo lão thành, nhà văn hoá lớn, nhà ngôn ngữ, khoa học uyên bác.


Phận nghèo cái chữ không nghèo
Gặp Bùi Hạnh Cẩn ngoài đời, nếu chỉ thoáng qua, không có gì đặc biệt. Đó chỉ là hình ảnh một người bình dị mà ta có thể bắt gặp đâu đó trên những con đường làng. Đã sắp sang tuổi 90, bước đi của ông vẫn thoăn thoắt, tất bật, một dáng vẻ long đong, vất vả. Ông sinh năm 1919 tại thôn Văn Tập xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nghèo, có truyền thống yêu nước, hiếu học. Thân sinh của Bùi Hạnh Cẩn là cụ Bùi Trình Khiêm (1880-1951) tên chữ là Trí Cung, tên hiệu là Vân Xuyên. Thuở nhỏ cụ Bùi Trình Khiêm theo học Thám hoa Vũ Phạm Hàm ở Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Tây. Từ khi còn rất trẻ, cụ đã nổi tiếng hay chữ nên dân gian trong vùng có câu “Vụ Bản Trình Khiêm, Hà Nam Sứ Chỉ” để chỉ hai chàng trai nổi tiếng văn thơ có tài ứng đối. Dòng họ Bùi trước đó có nhiều người đỗ Hương cống, Sính đồ, đặc biệt thế kỉ 16 có cụ Bùi Tân đỗ tiến sỹ, tên tuổi còn ghi trên bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đến thời Bùi Trình Khiêm, cụ cũng nhiều lần lều chõng đi thi nhưng đều gặp trắc trở. Từ cuối thế kỉ XXI đầu thế kỉ XX Bùi Trình Khiêm cổ suý cho phong trào Duy Tân, cắt tóc ngắn, hô hào bỏ lối cử nghiệp từ chương, cổ động cho tân học, viết sách báo tuyên truyền tinh thần yêu nước, bài trừ hủ tục dị đoan. Cụ Bùi Trình Khiêm cũng là người đầu tiên mời cụ Cử Lương Văn Can đứng ra lập Đông Kinh nghĩa thục (1907), sau này cụ còn tham gia mở Nam Đồng thư xã. Có những thời kì, bị quản chế tại quê nhà, cụ mở trường dạy học. Học trò của cụ có nhiều người sau này trở thành những trí thức lớn, những nhà cách mạng nổi tiếng như Đẩu Nam Trần Huy Liệu, Hồ Xanh Nguyễn Thượng Cát. Trong cuộc đời của mình, cụ Bùi Trình Khiêm viết cho khá nhiều tờ báo như Nam Phong, Thần Chung, Nông Cổ Mín Đàm. Các bài báo của cụ thường mang tính khảo cứu về lịch sử, văn hoá. Có những bài mang tính hiện thực khá sâu sắc, chẳng hạn như trích đoạn tiểu phảm sau:
“Anh giỏi về khoa học thì đố anh biết đèn giời thắp bằng gì?
- Dầu lạc.
- Không phải.
- Dầu hoả. à điện khí!
- Không phải tuốt.
- Vậy thì chịu.
- Mỡ dân! Mỡ dân”!
Ngoài những bài báo, cụ Bùi Trình Khiêm còn viết khá nhiều sách, tiêu biểu như Việt Hán thông thoại tự vị, Mẹo chữ Hán, Từ điển Việt Hán, Cải cách vần quốc ngữ, Mẹo tiếng Việt, Diễn ca quốc sử… Cách mạng tháng Tám thành công, cụ được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I, có chân trong Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Nam Định và nhiều chức vụ khác.
Với truyền thống “Nhà ta quí chữ hơn vàng, coi tài hơn cả giàu sang ở đời”, ngay từ khi còn nhỏ, Bùi Hạnh Cẩn đã được cha dạy phải biết trân trọng chữ nghĩa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đặt việc học lên hàng đầu. Việc học này phải gắn liền với việc rèn luyện nhân cách, tuyệt đối không đề cao mục đích thi cử, ra làm quan để vinh thân phì gia, chà đạp lên nỗi thống khổ của đồng loại. Hoàn cảnh gia đình cũng không cho phép Bùi Hạnh Cẩn được học tập một cách có hệ thống. Mọi kiến thức ông có được sau này chủ yếu là do tự học. Giờ đây, mỗi khi tiếp xúc với Bùi Hạnh Cẩn, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về khả năng ngoại ngữ của ông. Ông sử dụng thành thạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Esperanto (quốc tế ngữ). Để có được trình độ đó, Bùi Hạnh Cẩn đã phải trải qua bao nỗi khó khăn vất vả, tự mình phấn đấu vươn lên. Ban ngày đi làm phụ giúp gia đình, tối đến bên ngọn đèn dầu lạc le lói, ông miệt mài đọc sách đến quá nửa đêm. Ngay từ khi còn nhỏ, Bùi Hạnh Cẩn đã được đọc những cuốn sách tiến bộ, yêu nước do người cha mang về. Chúng thường là loại sách bị chính quyền thực dân cấm lưu hành. Mầm mống của lòng yêu nước, của những nhận thức về lẽ phải của ông bắt nguồn từ đây.
Trước khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra (khoảng năm 1938-1939) cũng là lúc Bùi Hạnh Cẩn bước sang tuổi 20, cái tuổi ấp ủ biết bao ước mơ, hoài bão, tràn đầy nhựa sống, khát khao làm những điều phi thường để thay đổi thế giới này. Đây cũng là lúc tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Chủ nghĩa phát xít đang thắng thế. Chính phủ Pháp ngày càng ngả theo phái hữu. Chính quyền thực dân và các lực lượng phản động thuộc địa tìm cách đàn áp có qui mô lớn các phong trào cách mạng. Báo chí của Đảng, tờ thì bị đóng cửa, tờ thì hoạt động cầm chừng hoặc rút vào hoạt động bí mật. Theo gót cha, Bùi Hạnh Cẩn lên thành phố kiếm việc làm, bước đầu tham gia vào các hoạt động xã hội. Chiến tranh vừa nổ ra, chính phủ Pháp ban hành hàng loạt văn bản đặt Đảng Cộng sản và những đảng phái cánh tả, tiến bộ ra ngoài vòng pháp luật. Hàng trăm đảng viên cốt cán của Đảng ta bị bắt, các tổ chức Đảng nhiều nơi bị phá vỡ. Nhà cách mạng Trần Huy Liệu, người học trò cưng của cụ Bùi Trình Khiêm, người mà Bùi Hạnh Cẩn hết sức ngưỡng mộ, giờ cũng đang bị giam giữ tại nhà tù Sơn La. Mọi con đường đến với cách mạng của Bùi Hạnh Cẩn dường như bị đóng kín. Để có thể tồn tại, chờ thời, Bùi Hạnh Cẩn phải bươn trải qua đủ thứ nghề, có lúc làm thợ chụp ảnh, khi đọc mo-rat cho nhà in. Vào thời điểm khó khăn này, để duy trì được lực lượng quần chúng, Đảng chủ trương chuyển hướng đấu tranh bảo vệ văn hoá, gây dựng và phát triển Hội truyền bá quốc ngữ . Với nhiệt huyết vốn có, Bùi Hạnh Cẩn là một trong những thành viên đầu tiên của Hội này. Ông cùng với một số người bạn như bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nghi tự bỏ tiền túi ra mua sách vở, phấn, bảng đến những nơi công cộng có đông người qua lại để dạy học. Chính ở những nơi này, Bùi Hạnh Cẩn đã hiểu thấu nổi khổ cùng cực của người dân lao động nước ta, mới thấy hết chính sách ngu dân thâm độc của thực dân Pháp.
Là một trí thức tiểu tư sản, Bùi Hạnh Cẩn có dịp tiếp xúc với nhiều các luồng tư tưởng tiến bộ đương thời. Tầng lớp nhà văn, nhà báo đi trước đã cho ông những bài học quí giá về nhiều mặt. Ngay trong những ngày tháng đầu tiên thoát li gia đình, ông đã sớm nhận ra rằng, báo chí là con đường ngắn nhất để thâm nhập vào cuộc sống của các tầng lớp nhân dân lao động. Đây cũng là môi trường để ông bộc lộ thái độ sống, là nhịp cầu nối giữa ông với cách mạng. Bùi Hạnh Cẩn bắt đầu tập viết báo, những bài đầu tiên của ông xuất hiện trên các tờ Ngọ báo, Đông Pháp, Tin tức. Các bài báo của ông thời kì này vẫn còn non nớt, chưa bộc lộ rõ nhãn quan chính trị, chủ yếu bàn về các vấn đề văn hoá, văn học nghệ thuật. Vốn chơi thân với Nguyễn Bính nên máu thơ phú cũng ngấm vào tâm hồn Bùi Hạnh Cẩn từ nhỏ. Khi có thi hứng, ông lại viết cho các tờ Tiểu thuyết thứ Năm, Đàn bà, Văn nghệ. Thơ của ông trong sáng, giản dị, da diết nhưng không bi luỵ, được người đọc yêu thích. Bài “Em là con gái trời cho đẹp” đăng trên đặc san Hương trầm (Duy tân thư xã) được nhiều thanh niên thời bấy giờ thuộc và truyền tụng, đến nay vẫn còn người nhớ.
Bùi Hạnh Cẩn là người thích cái mới, ghét sự rập khuôn. Chính vì vậy mà ông chỉ viết cho những tờ có nhiều cách tân về nội dung cũng như hình thức như Ngày nay (của nhóm Tự lực văn đoàn), Tiểu thuyết thứ Năm… Thần tượng của ông là những nhà văn, nhà báo luôn đề cao sự sáng tạo, mở đường cho những trào lưu văn hoá, văn học, ngôn ngữ như Phạm Duy Tốn, Dương Bá Thụ, Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học. Đặc biệt, Bùi Hạnh Cẩn rất ủng hộ sự hiện đại hoá ngôn ngữ báo chí của Hoàng Tích Chu. Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như hàng triệu người dân khác, Bùi Hạnh Cẩn hồ hởi bước vào xây dựng cuộc sống mới. Thực hiện lời kêu gọi diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm của Hồ Chủ tịch, ông đã tham gia phong trào Bình dân học vụ, mang chữ tới những vùng xa xôi hẻo lánh nhất trên khắp địa bàn tỉnh Nam Định, Ninh Bình. Trong công tác xã hội, Bùi Hạnh Cẩn rất tích cực tham gia các phong trào Việt Minh, các hoạt động của thanh niên, đoàn thể.
Từ giữa năm 1946, thực dân Pháp đẩy mạnh chống phá chính quyền Việt Minh, tìm cách đánh chiếm các vùng tự do. Để thông tin kịp thời tình hình chiến sự, kêu gọi người dân sẵn sàng đứng lên tiến hành kháng chiến, Đảng chủ trương mở rộng báo chí địa phương. Tháng 10.1946, Uỷ ban hành chính kháng chiến và Tỉnh uỷ Nam Định ra chỉ thị thành lập một tờ báo. Sau gần 2 tháng chuẩn bị, ngày 21.12, số đầu tiên của tờ Nam Định kháng chiến đã ra mắt độc giả. Trong bối cảnh khó khăn chung lúc đó, cơ sở vật chất của Nam Định kháng chiến rất nghèo nàn. Phụ trách chung về kĩ thuật là nhà báo Chu Hà, ngoài ra có Bùi Hạnh Cẩn, Sao Mai (Tân Khải Minh) và một vài người khác. Thiết bị in, máy móc, vật tư, chữ chì, công nhân sắp chữ được huy động từ cửa hàng Tout Faire và xưởng in Mỹ Thắng, Trường Phát. Toà soạn và máy in đặt tại làng Thượng Lỗi huyện Mỹ Lộc. Từ đây, Nam Định kháng chiến và tờ báo Tia sáng (étincelle in bằng tiếng Pháp, do Hữu Ngọc phụ trách) toả đi khắp các xã, huyện, đưa vào thành phố, phát đến tận tay lính lê dương, làm tốt nhiệm vụ thông tin và địch vận. Địa bàn hoạt động chính của báo là Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Khi tình hình căng thẳng, toà soạn cùng các phương tiện, thiết bị in ấn phải phân tán chuyển về các xã Ngô Xá, Tử Mạc, Chuế Cầu, Tiên Bảng thuộc vùng thượng huyện ý Yên.
Bước sang năm 1947, sau khi đã chiếm được Hà Nội, quân đội Pháp mở rộng địa bàn lấn chiếm ra các tỉnh lân cận. Chiến sự tại Nam Định ngày càng diễn ra ác liệt. Để tinh gọn bộ máy, các khu kháng chiến được liên kết với nhau thành các liên khu… Vai trò của tờ Nam Định kháng chiến không còn phù hợp với tình hình, Liên khu uỷ III đề nghị Tỉnh uỷ Nam Định đình bản tờ này và thay thế là một tờ báo khác ít có tính đối địch hơn để có thể hoạt động công khai, lâu dài tại khu vực Phát Diệm, nơi có nhiều đồng bào công giáo sinh sống. Thực hiện chủ trương của cấp trên, báo Công dân ra đời mang màu sắc trung lập, những người tham gia không nhất thiết phải thuộc Mặt trận Việt Minh hay đảng viên cộng sản. Báo do đồng chí Chu Hà làm Thư kí toà soạn, phụ trách chung là đồng chí Hoàng Quyết- Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định. Nhà văn Trúc Đường (Nguyễn Mạnh Phác), Sao Mai, Bùi Hạnh Cẩn lại tiếp tục làm cho báo Công dân, sau bổ sung thêm Trần Lê Văn, Lộng Chương… Cũng như phần lớn những nhà báo kháng chiến lúc đó, Bùi Hạnh Cẩn tỏ ra rất linh hoạt trong việc sử dụng ngòi bút của mình. Lúc ông viết truyện ngắn, kịch, làm thơ trữ tình, khi ông làm thơ trào phúng, kí, phóng sự, thậm chí đưa cả những tin chiến sự ngắn. Nội dung phản ánh chủ yếu là phơi bày tội ác của thực dân Pháp và bọn Việt gian phản động, nhưng cũng có khi ông lại nhẹ nhàng phê phán, góp ý về những lệch lạc trong tác phong sinh hoạt, lối sống của cán bộ, chiến sỹ, sự mất cảnh giác của đồng bào tản cư. Mục Trên đe dưới búa do ông phụ trách được bạn đọc rất hoan nghênh. Lối viết giản dị theo thể văn vần bắt đầu hình thành và ngày càng được thể hiện thường xuyên trong cách viết của Bùi Hạnh Cẩn. Hình thức này còn được nhiều nhà báo cách mạng thời bấy giờ vận dụng, được bạn đọc hết sức yêu thích. Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, báo Công dân ngày càng chiếm được tình cảm của bạn đọc, số lượng phát hành tăng cao. Có lần Bác Hồ đã gửi thư khen những bài báo sắc sảo, kịp thời, có ý nghĩa giáo dục thiết thực của báo Công dân. Ngày 16.10.1949 lính Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, báo hiệu một trận chiến khốc liệt diễn ra. Để bảo toàn lực lượng, cấp trên chủ trương đóng cửa tờ Công dân. Cuối tháng đó, báo ra số từ biệt độc giả, nhường các phương tiện ấn loát cho bên tài chính sử dụng.
Để tránh sự phân tán lực lượng, cấp trên chủ trương quy tụ anh em làm báo về một mối. Bùi Hạnh Cẩn chuyển sang làm cho một số tờ báo của Liên Khu III. Lúc đầu, ông phụ trách phần nội dung cho tờ Lúa mới, tham gia ban Biên tập của tờ Văn nghệ rạng đông. Đây là những tờ báo có tính chất văn học nghệ thuật dành cho các cây bút trẻ. Nhiều nhà văn, nhà báo nổi tiếng đã xuất phát từ môi trường này. Năm 1950, Bùi Hạnh Cẩn tham gia Ban Tuyên truyền kháng chiến, là phóng viên mặt trận cho báo Cứu quốc Liên khu III và một số tờ báo khác. Nhiều bài viết của ông trong thời kì này đã làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ và người dân vùng kháng chiến. Đầu năm 1953, khi nhà báo Thép Mới (Hà Văn Lộc) đi công tác nước ngoài, Bùi Hạnh Cẩn được giao nhiệm vụ tạm thay Thép Mới phụ trách hai tờ Tin tức và Nội san- cơ quan ngôn luận của Đoàn phát động giảm tô. Đây là những tờ báo chủ yếu phát hành tại Liên khu III và vùng Bắc Trung bộ, có nhiệm vụ tuyên truyền kinh nghiệm đấu tranh đòi giảm tô, giảm tức, giáo dục, nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên, hướng dẫn họ tránh những sai lầm gây thiệt hại cho người dân, làm ảnh hưởng tới cuộc kháng chiến của dân tộc. Với sức lực, trí tuệ sung mãn của tuổi ngoài 30, đây là thời kì Bùi Hạnh Cẩn hoạt động báo chí hết sức năng nổ, viết nhiều, thể hiện qua hàng trăm phóng sự, kí, thơ trào phúng, thơ lục bát. Ngoài chức năng thông tin, các bài viết của Bùi Hạnh Cẩn bao giờ cũng thấm đẫm tình người, đó là sự sẻ chia từ tận đáy lòng với những thân phận mất nước. Do phải viết rất nhanh cho kịp số báo, câu chữ trong nhiều bài báo của Bùi Hạnh Cẩn chưa được đẽo gọt nên đôi chỗ còn gồ ghề trúc trắc. Nhưng chính sự thô mộc này lại làm cho bạn đọc cảm nhận được hết sự chân thành cũng như tình cảm chan chứa của tác giả. Có những bài viết của ông đã một thời được đưa vào sách giáo khoa như:
Quê ta ngọt mía Nam Đàn/ Bùi khoai chợ Rộ, thơm cam xã Đoài/ Quê ta kể ngọt bùi nhiều đấy/ Nhiều thì nhiều nhưng mấy khi ăn/ Đắng cay bao phận cố bần/ Tô cao tức nặng trăm lần đè lên/ Mía có ngọt không tiền không ngọt/ Cam dù thơm không bạc không thơm/ Bụng nghèo đã đói lưng cơm/ Lấy gì mà ngọt mà thơm với người?
Thời gian làm báo ở Liên khu III của Bùi Hạnh Cẩn tuy không dài nhưng đã giúp ông ý thức được trách nhiệm của người cầm bút, giúp ông tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị, gây dựng lòng say mê với nghề viết, tạo đức tính khiêm tốn, cẩn trọng, nghiêm khắc đối với những gì mình viết ra.

Đèn khuya leo lét tỏ mờ cùng ai
Chiến dịch Điện Biên phủ kết thúc, nhân dân cả nước vô cùng phấn khởi, tự hào. Cả thế giới bàng hoàng về chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta. Đúng vào thời điểm này, Bùi Hạnh Cẩn được điều động về báo Nhân Dân (Cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam), do đồng chí Hoàng Tùng làm Tổng Biên tập. Dù chỉ công tác tại báo Nhân Dân một thời gian ngắn, nhưng Bùi Hạnh Cẩn đã kịp để lại trên tờ báo này nhiều bài viết có giá trị. Bùi Hạnh Cẩn viết nhiều thể loại, đề cập đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng có lẽ mảng văn hoá xã hội là hợp với sở trường của ông hơn cả. Ông rất chịu khó đi cơ sở, tìm hiểu và viết bài về đời sống người dân sau ngày giải phóng. Các bài báo này luôn giàu chất thông tin, ngồn ngộn sức sống và mang tính chiến đấu cao.
Đầu tháng 8.1954, tại làng Phú Xuyên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (lúc này đã là vùng tự do), Thành uỷ Hà Nội họp Hội nghị mở rộng bàn kế hoạch tiếp quản thủ đô. Hội nghị nhấn mạnh, dù công việc tiếp quản có bộn bề đến mấy, dứt khoát phải có ngay một tờ báo làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, góp phần quan trọng cho việc giữ gìn ổn định chính trị xã hội. Việc thành lập một tờ báo mới là hết sức khó khăn phức tạp, thời gian lại quá eo hẹp. Chính vì vậy, các đồng chí trong Thường vụ Thành uỷ phân công cho Ban quân quản Thủ đô bắt mối với các cơ sở nội thành mời nhà báo Hiền Nhân ra vùng tự do bàn kế hoạch tiếp tục sử dụng tờ Thời mới cùng các trang thiết bị, nhà in của tờ báo này. Tôn chỉ mục đích cũng như nội dung, hình thức tờ báo được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Chính vì có sự chuẩn bị chu đáo như vậy nên chỉ sau ngày tiếp quản thủ đô một hôm, sáng 11.10.1954, báo Thời mới ra số đầu tiên trong bối cảnh chính trị mới. Báo vẫn do ông Hiền Nhân làm chủ nhiệm. Trong lực lượng phóng viên, biên tập viên, có nhiều đảng viên, nhà báo cách mạng tham gia. Sau khi giải phóng thủ đô, chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội rất khuyến khích báo chí tư nhân phát triển. Tuy nhiên, do lo ngại, nhiều chủ báo nằm im nghe ngóng. Mãi tới tháng 7.1955, ông Nguyễn Đức Thuyết mới xin phép ra tờ Hà Nội hàng ngày. Báo do nhà văn Trúc Đường làm chủ bút. Đến năm 1957, nhà báo Phùng Bảo Thạch được Sở Báo chí cử sang làm chủ nhiệm tờ báo này, Lưu Động làm chủ bút.
Cả Thời mới và Hà Nội hàng ngày đều là nhật báo, là báo của tư nhân nên không tránh khỏi những cạnh tranh không lành mạnh. Đây cũng là môi trường dễ bị các lực lượng phản động lợi dụng. Sự trùng lặp thông tin giữa hai tờ báo này với báo Nhân Dân thường xuyên xảy ra, có những lúc giữa chúng có sự mâu thuẫn khi đánh giá về một sự kiện nào đó. Trước thực tế đó, Thành uỷ Hà Nội quyết định ra một tờ báo riêng: “Là công cụ đấu tranh của Đảng bộ, có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Chính phủ nói chung và đặc biệt là các chủ trương, đường lối của Đảng bộ và chính quyền Hà Nội trong quần chúng nhân dân thủ đô, chủ yếu là trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động…” - Trích Nghị quyết số 93-NQ/DBHN ngày 26.2.1957. Trên cơ sở này, ngày 1.4.1957 Thành uỷ ra nghị quyết số 119/NQTUHN về việc thành lập Ban phụ trách lâm thời báo Thủ Đô gồm các đảng viên Bùi Hạnh Cẩn, Phạm Việt và Lê Hưng. Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn được giao làm Trưởng ban. Với thành phần ít ỏi đó, tất cả phải căng mình ra chuẩn bị mọi mặt cho sự ra mắt tờ báo. Sau bao lo toan vất vả, ngày 24.10.1957, báo Thủ Đô ra số đầu tiên. Lúc đầu, báo ra khổ 30x40cm, sáng sủa, chững chạc. Nổi bật trên trang nhất là các tin bài “Hà Nội thiết thực chào mừng kỉ niệm cách mạng tháng Mười”, “Hội đồng bầu cử thành phố Hà Nội đã được thành lập”, Mục “Mỗi ngày một chuyện” có bài “Không đẹp” của Người Xây dựng. Ngoài các tin bài thông thường, báo còn có nhiều chuyên mục Sân khấu - điện ảnh, Trong và ngoài 5 cửa ô, Đó đây, Cười, Truyện dài, Bạn đọc phát biểu, Cáo thị bán đấu giá bất động sản, Tin thế giới, Tin miền Nam, Tin thể thao, Dự báo thời tiết… Trong “Lời phi lộ” báo Thủ Đô viết: “Từ đây, cùng với các bạn đồng nghiệp khác, Thủ Đô sẽ đem sức mình góp một phần vào việc truyền đạt các chính sách của Đảng và Chính phủ, phản ánh các mặt sinh hoạt của nhân dân Hà Nội”. Việc xuất bản báo Thủ Đô là một sự kiện vô cùng trọng đại đối với lịch sử báo chí Hà Nội. Đây chính là tiền thân trực tiếp của báo Hà Nội mới sau này. Và có thể coi Bùi Hạnh Cẩn chính là một trong những người sáng lập ra báo chí Hà Nội sau ngày hoà bình. Đây cũng là thời điểm miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất của báo Thủ Đô rất nghèo nàn, lực lượng phóng viên, biên tập viên nhiều người chuyển từ các đơn vị khác sang, chưa có nhiều kinh nghiệm làm báo, vì vậy Bùi Hạnh Cẩn gần như phải quán xuyến hết phần nội dung của báo.
Do nhu cầu thông tin ngày càng lớn, từ giữa năm 1958, báo Thủ Đô tăng khổ lên 32,5x47cm, giữ nguyên 4 trang và giá bán. Đây cũng là thời kì công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đang ở giai đoạn sôi động nhất. Hoàn cảnh chính trị nước ta trong những năm này có những diễn biến hết sức phức tạp. Thống nhất trong việc định hướng, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về nhận thức, tư tưởng chính trị là hết sức cần thiết. Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác báo chí, ngày 9.12.1958, Thành uỷ Hà Nội ra Thông tư số 22/TTDBHN về việc hợp nhất hai tờ Thủ Đô và Hà Nội hàng ngày thành Thủ đô Hà Nội, do Bác Hồ đặt tên. Ngày 1.1.1959, Thủ đô Hà Nội ra số đầu tiên, in 4 trang, khổ 40x60cm, có nội dung và hình thức được cải tiến triệt để. Với cương vị Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung, trong con người Bùi Hạnh Cẩn vẫn không mất đi cái vẻ chất phác, dễ gần, năng nổ, xông xáo. Cái tác phong của một cán bộ phong trào đã theo ông suốt cuộc đời. Với những kinh nghiệm trong quá trình làm báo trước đó, ông luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho các lớp nhà báo đi sau. Trong hồi kí của mình, nhà báo Lý Thị Trung viết: “Kỉ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10.10), anh Bùi Hạnh Cẩn, Phó Tổng biên tập, bảo tôi: Chị cho một bài thơ nhé. Sáng mai đưa tôi. Hôm ấy tôi thức khuya để viết và sáng hôm sau nộp anh Cẩn bài “Hà Nội ngày mai”. Khi Liên Xô phóng vệ tinh lên mặt trăng, anh Cẩn lại bảo tôi làm thơ. Sáng hôm sau tôi nộp anh bài “Đà tiến hoà bình”. Cách đặt bài đột xuất như thế đã giúp tôi sáng tác kịp thời. Cảm ơn anh Cẩn”. Khi hướng dẫn đồng nghiệp, Bùi Hạnh Cẩn không dùng lối cầm tay chỉ việc. Bao giờ ông cũng tôn trọng người viết, tôn trọng sự sáng tạo của họ, bắt họ phải động não. Đồng chí Hồng Vinh sau này kể lại: “Một lần Công Hoàn được giao đi viết bài phóng sự về làng mùa ở ngoại thành. Hôm sau bài được đăng 100 chữ. Đồng chí Bùi Hạnh Cẩn hỏi nhỏ: “Bài viết gần 200 chữ, cắt đi còn lại thế có tiếc không?”. Chưa biết nói sao thì anh Cẩn nói tiếp: “Thôi thông cảm. Hãy giữ lấy bản thảo, dăm ba năm sau xem bọn mình cắt đi có đúng không nhé”.
Dù ở vị trí nào - phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lí - Bùi Hạnh Cẩn không bao giờ quên nhiệm vụ cầm bút. Trải qua nửa thế kỉ, bản thân ông cũng không nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu bài báo. Và thời gian đã tôi rèn nên một phong cách. Ai đó đã nói “Văn chính là người”, điều đó hoàn toàn đúng với Bùi Hạnh Cẩn. Văn của ông giản dị như con người ông vậy. Ông ít khi dùng từ ngữ văn hoa, bóng bẩy, ít dùng những khái niệm trừu tượng, xa xôi. Vốn là người có tâm hồn nghệ sỹ, Bùi Hạnh Cẩn thiên về lối viết giàu cảm xúc, giàu hình ảnh. Đọc những trang viết của ông về người bạn - nhà thơ Nguyễn Bính, nhiều người không cầm được nước mắt. Viết về kẻ thù, ông ít khi dùng những lời lẽ mạnh mẽ, lớn lao nhưng sáo rỗng. Ông thích giọng văn ví von, mỉa mai, châm biếm đối với kẻ thù Mỹ - nguỵ, với những thói hư tật xấu của người đời. Trên mục “Qua các dòng tin” trên báo Lao động (1968-1970), Bùi Hạnh Cẩn có 130 bài đả kích, vạch mặt tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Khi miêu tả bộ mặt hèn nhát, tham lam, lợi dụng chiến tranh để cầu lợi, Bùi Hạnh Cẩn viết: “Khi mới leo lên chức thủ tướng bù nhìn, Trần Văn Hương ra vẻ hùng hổ, xắn cao tay áo, quyết cứu vãn “con thuyền sắp đắm” và cũng phải khen cho thủ Hương “tiến bộ” rất ghê. Hắn đã gạt được hầu hết vây cánh Kỳ với lí do “chống tham nhũng”. Hắn lại gạt cả cháu hắn, để tỏ vẻ “thanh liêm rất mực” không vì máu mủ ruột rà mà bỏ phép công(!). Tuy vậy cái tiến bộ đáng kể nhất của hắn là “vẫn còn ở lại làm việc”, nghĩa là hắn vẫn còn… có quyền… tham nhũng. Và tất nhiên là hắn không tự gạt hắn ra rồi”- Lao động, số 2001, thứ ba, 15.10.1968. Và để vạch trần bản chất của Nguyễn Cao Kỳ, Bùi Hạnh Cẩn ví von:
“Ngựa tìm ngựa, trâu tìm trâu/ Cầy đi tìm chó gâu gâu sủa tình”
Cầy bỏ tiền mua chó để cho có đàn, có bạn, cũng như chúng nó đã bỏ ra 50 đô-la để mua lấy một cái tay vẫy cờ ba que. Mỗi cái que xâu hơn mười đồng tiền Huê-kỳ, thế mà không mua chuộc được ai cơ đấy”- Lao động, số 2045, thứ bảy, 8.2.1969. Bùi Hạnh Cẩn ví Nhà trắng và Lầu Năm góc như một vườn thú với đủ loài vật: Cá mập kếch sù, đàn lừa dân chủ, đàn voi cộng hoà, diều hâu, bồ câu, chó… Với Tổng thống Giôn-xơn, Bùi Hạnh Cẩn không chỉ một lần gọi là chó Giôn.
Cũng vào giữa những năm 60 của thế kỉ trước, ngoài báo Lao động ra, Bùi Hạnh Cẩn còn viết nhiều cho báo Thống nhất, báo Tiền phong. Với phong cách hài hước, châm biếm, đả kích sâu cay, Bùi Hạnh Cẩn cùng với Xích Điểu (Trần Minh Tước) thay nhau công kích kẻ thù trên mục “Trắng Đen”, mục “Đánh mấy vần” (Báo Thống nhất). Trên báo Tiền phong, Bùi Hạnh Cẩn cũng có nhiều bài gây chú ý dư luận. Các bài viết của ông đăng tải ở mục “Ong vò vẽ” như chiếc vòi của con ong chích vào những vấn đề của cuộc chiến và của cuộc sống nội tại với các bài như “Các thứ “siêu”… Mỹ”, “Con Lôi Long”, “Hiện đại hay hại điện”… Khi làm báo, Bùi Hạnh Cẩn sử dụng nhiều thể loại, nhưng có lẽ, đạt đến độ thăng hoa nhất là tiểu phẩm. Những tiểu phẩm mà ông tâm đắc nhất sau này được tập hợp lại trong cuốn sách “Năm đời tổng Mỹ” với bút danh Lê Xung Kích. Qua tập sách, người đọc thấy được ở Bùi Hạnh Cẩn sự nhạy cảm trước các vấn đề thời sự. Bằng lối viết hóm hỉnh mang đậm chất văn chương, sự hiểu biết sâu rộng về sử học, tác giả bộc lộ rõ nhãn quan chính trị của một chiến sỹ cộng sản. Trong tác phẩm “Cơn sốt vàng kinh niên”, ông đã phơi bày tính chất phi nghĩa của chiến tranh, một cuộc chiến mà chính bản thân người Mỹ cũng phải gánh chịu nhiều tổn thất cả về con người lẫn vật chất: “Nói tới phá giá đô la là một sự sỉ nhục đối với nước Mỹ. Nếu chúng ta nhớ lại cái thời oanh liệt của đồng đô la trên khắp thế giới. Ba mươi tám năm trôi qua, một lần nữa, Ních xơn lại phải chịu cái nhục phá giá đồng đô la, để ăn quỵt những món nợ lớn hòng trang trải cho ngân sách của Mỹ bị hao hụt quá nhiều.
Phơ- ran- pích, một quan chức phụ trách vấn đề tiền tệ của Mỹ, đã có lúc ngửa mặt lên trời than rằng: Ôi Việt Nam! Ôi đô la!”
Còn trong bài viết “Con đúng hay bố đúng”, Bùi Hạnh Cẩn lại khoét sâu vào nỗi đau trong lòng nước Mỹ: “Những ông bố cướp, những ông bố mìn, đã không thể đàn áp, bắt bọn con cái đi theo con đường tội lỗi, đẫm máu, bẩn thỉu của họ được nữa. Sự đúng đắn dứt khoát thuộc về con cái họ, những người đã sớm thấy chân lí sáng lên từ phía trời Việt Nam”. Đề cập đến những vấn đề chính trị nổi bật và nóng hổi, bằng lối viết sinh động, dựa vào những dẫn chứng cụ thể rút ra từ báo chí Mỹ, vào các tài liệu bị tiết lộ từ Lầu Năm góc, tác giả Lê Xung Kích đã phần nào giúp người đọc hiểu được sự tàn bạo của kẻ thù xâm lược, hiểu được nguyên nhân thất bại sâu cay của đế quốc Mỹ.
Không chỉ viết về chiến tranh với những mất mát, đau thương, Bùi Hạnh Cẩn còn viết nhiều về văn hoá, kinh tế. Trên lĩnh vực nào ông cũng gặt hái được những thành công. Với loại bài này, ông tha hồ trải lòng mình với những tình cảm vô cùng đằm thắm với non sông gấm vóc, từ cánh cò êm đềm day dứt, đến con sông, cây đa, bến nước, sân đình. Những kỉ niệm đã hằn sâu vào tâm hồn ông, lớn lên cùng ông với bao thăng trầm của cuộc đời: “Giữa chiều mưa mát, một đêm trăng trong, đôi lúc chúng ta chợt nghe đâu đây câu hát quen thuộc: à ơi, cái cò bay lả bay la… Thì ra, cái cánh cò bay lả bay la, chao đi chao lại giống hệt nhịp võng đu đưa kia đã làm thân với nhau ngay khi mình còn tấm bé. Chính vì vậy, đến lúc lớn khôn, trong mỗi tâm hồn Việt Nam đậm đà tình nghĩa, thường vẫn man mác thấp thoáng một cánh cò bay.
Rồi đây, có lúc chúng ta sẽ lướt mình trên “én bạc”, nhìn ra trời xanh thẳm, cũng vẫn vui thấy những cánh cò bay lả bay la. Một hình ảnh thân quen với tâm hồn người Việt, song song bay cùng nhau suốt bốn mươi thế kỉ, một chặng đường dài đã ghi bao thành tích lẫy lừng trong sự nghiệp dựng nước, cũng như trong công cuộc chiến thắng ngoại xâm”-Báo Thống Nhất ngày 15.10.1971. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Bùi Hạnh Cẩn đã thể hiện tài tình giữa văn hoá Việt từ nghìn đời với nhiệm vụ đấu tranh chống kẻ thù xâm lược mà không hề khô khan, lên gân, đao to búa lớn. Phong cách ấy theo ông suốt đời.
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Bùi Hạnh Cẩn sử dụng nhiều bút danh khác nhau. Mỗi cái tên lại gắn với một nội dung hay đối tượng phản ánh hoặc thể loại nào đó. Đối với kẻ thù xâm lược và bọn tay sai, ông kí Lê Xung Kích với ý nghĩa như lưỡi lê tung hoành trên chiến trường. Khi phê phán, châm biếm những thói hư tật xấu của người đời, Bùi Hạnh Cẩn dùng bút danh Kiếm Minh, là thứ gươm sáng chặt bỏ những tàn dư, cũ kĩ, lạc hậu, phát quang những con đường mới tươi đẹp. Bút danh này có nguồn gốc từ câu:
Toán lai thế sự kim năng ngữ/ Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh
Có nghĩa là:
Nói tới việc đời, vàng bạc có thể lên tiếng/ Bàn chuyện tình người, thanh gươm muốn thét lên
Khi còn viết cho báo Cứu quốc Liên khu III, Bùi Hạnh Cẩn chủ yếu kí tên Ông Lang trên mục “Ông Lang châm”. Còn bút danh Thạch Như lại được ông dùng cho các vở hoạt kịch ngắn đăng trên báo hoặc phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Hà Nội, Đài Giải phóng. Khi viết tản văn, Bùi Hạnh Cẩn thích kí bút danh Thôn Vân, địa danh đã sinh ra và nuôi ông thành người. Vì nỗi nhớ da diết hương thơm ngan ngát của một loại lá mà mẹ ông cũng như các thôn nữ thường dùng để gội đầu mà Bùi Hạnh Cẩn chọn cái tên Hương Nhu để kí dưới những bài về quê hương, đất nước. Ông chỉ kí tên thật khi viết những bài có tính chất khảo cứu về văn hoá, chính trị, giáo dục.
Từ năm 1965, Bùi Hạnh Cẩn chuyển công tác sang Hội Nhà báo Việt Nam. Trong 10 năm làm việc tại đây, ông đảm trách việc quản lí và cung cấp thông tin cho các báo; tổ chức các hoạt động có tính phong trào; theo dõi, giải quyết những vấn đề thuộc về chính sách của Hội. Cùng với Xích Điểu, Bùi Hạnh Cẩn liên tục có bài đăng trên các báo của trung ương và Hà Nội. Ông là người đầu tiên dịch “Ngục trung nhật kí” của Hồ Chủ tịch đăng trên báo Nhân Dân, đã dịch “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần đăng hàng trăm số trên báo Hà Nội mới… Từ năm 1975, Bùi Hạnh Cẩn được bầu làm Tổng thư kí Hội Văn nghệ Hà Nội. Mặc dù rất bận với công việc của Hội, ông vẫn đều đặn viết bài cho báo Ngựa Gióng, Hồ Gươm. Ông đã cùng với nhà văn Tô Hoài đứng ra tổ chức tờ Người Hà Nội, cơ quan ngôn luận của Hội. Tờ báo đã thu hút được rất nhiều cây bút nổi tiếng tham gia và nhanh chóng chiếm được cảm tình của người đọc…
Gặp Bùi Hạnh Cẩn hôm nay, ta vẫn thấy ông như vài chục năm trước, vẫn cái dáng đi như chạy, vẫn chiếc quần bạc phếch, ống thấp, ống cao. Trong túi chiếc áo đại cán sờn cổ, lúc nào cũng đầy ắp những mẩu giấy xé vội từ cuốn sổ tay, từ vỏ bao thuốc lá, ghi chi chít những từ ngữ khó hiểu, chỉ mình ông đọc được. Có mấy ai ngờ được rằng những mẩu giấy này chính là nền tảng để ông viết nên những bài báo, những cuốn sách để đời. Nếu ai có nhã ý biếu ông cuốn sổ tay thật dày, thật đẹp để ông tiện ghi chép, ông chỉ cười và cảm ơn rồi dứt khoát từ chối. Phải thân lắm ông mới kể, ông đi tìm tư liệu để viết sách cũng phải trốn con cháu đấy. Các con ông sợ cha đã già, không cho ông ra đường, sợ tai nạn xe cộ. Vậy mà ông vẫn lén ra thư viện, nói dối là đi thăm bạn bè. Mỗi ngày, không viết một cái gì đó đối với ông là một cực hình. Về nhà mà trên tay có cuốn sổ mới, khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”, ngày mai trốn ra thư viện khó lắm…