Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Ý tưởng quẩn quanh



-       Đợt nghỉ tới, bác định du lịch trong hay ngoài nước?
-       Tôi sẽ đi Đà Nẵng, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chứ bác.
-       Tôi cũng định vào đó một chuyến, nghe nói đây là thành phố đẹp, thức ăn ngon, con người thân thiện.
-       Cũng còn tuỳ ở cảm quan mỗi người. Tôi chọn Đà Nẵng vì nơi này có nhiều toilet được sử dụng miễn phí. Cứ miễn phí là tôi khoái.
-       Cũng là một ý kiến hay. Đi du lịch mà đầu óc lúc nào cũng quay cuồng tìm nhà vệ sinh thì còn gì là thú vị nữa. Thế trên mỗi tuyến phố người ta cho lắp đặt mấy buồng toilet hả bác?
-       Ở đâu ra mà lắm thế. Cả thành phố chỉ còn 13 điểm vệ sinh công cộng còn sử dụng được, nghe nói cũng xuống cấp cả rôi. Chính vì thế, chính quyền thành phố mới nghĩ ra chiêu gắn logo tại 60 nhà hàng, khách sạn cho phép khách du lịch sử dụng toilet miễn phí.
-       Tưởng gì, lâu nay các nhà hàng có thu tiền vệ sinh của khách đâu?
-       Vấn đề là, du khách có thể thoải mái dùng nhà vệ sinh ở đây mà không bắt buộc phải mua bán, ăn uống gì cả.
-       Chẳng biết bác thế nào, chứ tôi có “mót” đến mấy cũng chẳng dám xông vào nơi mọi người đang tấp nập ăn uống để “đi” nhờ cả. Ít ra cũng phải mua bao thuốc, chai nước, mà bị tính giá cao thì cũng quá tội. Theo tôi, loại dịch vụ “tế nhị” này nên làm nhiều trên phố, thu tiền cũng được, miễn là sạch sẽ, văn minh, việc gì phải chui vào nhà hàng cho nhiêu khê, khiến du khách cứ phải đứng ở ngoài cửa mà khát khao, ước ao.

Cận

Tôn vinh cũng phải đúng cách

       

-       Ở làn Cẩm Bào, xã Vạn Hoà, huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hoá có 2 cây gạo 400 năm tuổi bỗng dưng lăn đùng ra chết bác ạ.
-       Già thì phải chết, có gì lạ. Tôi chỉ mong mình sống được trăm tuổi là mừng lắm rồi.
-       Vấn đề là, cả hai cây vừa dược công nhận là Cây Di sản thì bỗng đuối dần, đuối dần rồi “thăng”.
-       Bác không thấy có người nghe tin mình trúng số độc đắc liền đột tử sao. Chắc các cụ cây thấy được con cháu vinh danh phấn khởi quá nên ra đi đấy thôi?
-       Nhưng các cụ không ra di đột ngột mà chết từ từ, thế mới đáng ngờ.
-       Bác là chúa ỡm ờ, tìm ra manh mối gì rồi phải không?
-       Nghe nói, sau ngày được vinh danh, chính quyền địa phương liên tục bón phân đạm, có khi đổ cả bao, nên các cụ bội thực chết.
-       Thì ra là vậy. Tôi có ông chú vừa rồi được con cháu tổ chức lễ thượng thọ. Hôm đó cụ tha hồ ăn của ngon vật lạ, thằng con út còn đổ vào mồm bố cả lọ sâm nữa chứ. Đến đêm cụ kêu đau bụng, sáng sớm hôm sau thì “lên đường”.
-       Đúng là thương cũng phải đúng cách bác nhỉ. Đối với con người cũng thế, cứ đến dịp lễ tết là quà cáp ùn ùn đổ về các gia đình chính sách khiến các cụ phải ăn tống ăn tháo, trong khi quanh năm lam lũ kiếm từng sợi rau.
-       Trước đây, các cụ lên đường chiến đấu chẳng ai nghĩ sẽ có ngày được đền đáp. Họ chỉ mong đám con cháu phải ra sức giữ gìn non song gấm vóc mà bao thế hệ phải đổ sương máu mới giành được. Lòng biết ơn chỉ cần để trong lòng, thế là đủ. Tôn vinh mà không đúng cách dễ gây tổn thương lắm.

Cận

Thú vui cần loại bỏ

             

-       Theo bác thì chọi trâu và việc học tập của các cháu cái nào quan trọng hơn?
-       Tất nhiên, giáo dục là quốc sách hàng đầu mà.
-       Vậy mà vừa rồi lãnh đạo huyện Đồng Phú tỉnh Bình Phước đã đề nghị hàng ngàn học sinh nghỉ học vì lễ hội chọi trâu đấy.
-       Chắc trẻ em nơi đây ít trò vui nên chính quyền địa phương “thương” để các cháu tham gia cho khuây khoả?
-       Đâu có, họ bảo lấy khu vực trường học làm nơi trông giữ xe cho khách.
-       Có khi lãnh đạo huyện này cho học sinh nghỉ vì sợ các cháu ngồi trong lớp nhìn ra thấy cảnh máu chảy sẽ ảnh hưởng đến nhân cách cũng nên?
-       Nếu có suy nghĩ nhân văn thế sao họ không bỏ việc chọi trâu đi. Chém lợn, chọi trâu, chọi chó đang bị cả thế giới lên án kia kìa.
-       Bỏ thì lấy đâu ra nguồn thu, du khách ai người ta đến đây nữa?
-       Ngân sách có thể hao hụt chút ít nhưng cả xã hội sẽ được nhờ vì bớt đi một trò bạo lực. Mà sao chúng ta không chuyển từ chọi sang đua nhỉ. Đua trâu, đua bò, đua ngựa cũng rất vui, được nhiều người thích mà?
-       Bỏ tiền ra thì phải được xem cảnh các con vật húc lòi ruột nhau mới phê. Càng dã man càng thu hút được nhiều người, mới thu được nhiều tiền.
-       Nếu chỉ vì vài đồng mà chúng ta sẵn sàng bỏ đi lòng nhân từ truyền thống, cổ vũ cho những thú vui kinh dị thì trách sao lớp trẻ ngày càng thiếu đi lòng tôn trọng đối với người lớn. Thật đáng buồn.

Cận

Thôi, tôi chẳng nói đâu



-       Theo bác, tôi có nên cho đứa út đi du học không?
-       Nếu có điều kiện thì cũng nên. Có bằng cấp nước ngoài cũng dễ xin việc. Nhưng bác là anh bảo vệ mới về hưu lấy tiền đâu cho con du học?
-       Ở quê có mấy sào ruộng bán đi cũng tạm ổn, thiếu thì vay ngân hàng.
-       Hoàn cảnh mình thế, cho cháu học trong nước là được rồi.
-       Thú thực với bác là tôi không tin vào nền giáo dục dở ông dở thằng của nước mình. Tốn bao nhiêu tiền của, thời gian, học xong ra trường không xin được việc lại ra thành phố chạy xe ôm, làm cửu vạn thì học làm gì.
-       Bác có biết chỉ vì tư tưởng chuộng ngoại của những người như bác mà mỗi năm nước ta mất 1,5 tỷ USD cho du học không. Nghèo mà còn chơi hoang.
-       Phải vay mượn chúng tôi cũng buốt ruột lắm nhưng biết làm sao được. Thế 1,5 tỷ đô la là nhiều hay ít, qui ra phở thì được bao nhiêu bát?
-       Lại phở… Số tiền này đủ để cải cách cả cái nền giáo dục hiện nay.
-       Thế cơ à. Sao nhà nước không huy động nhân dân đóng góp số tiền đó để thay đổi diện mạo giáo dục nhỉ?
-       Người dân nước mình đâu có tiếc công tiếc của, vấn đề là họ đã đóng góp nhiều lần rồi nhưng giáo dục nước ta chẳng có sự chuyển mình nào, thậm chí tụt lùi, nên đành quay ra nhờ nước ngoài đào tạo hộ cho yên tâm.
-       Bác có thể cho biết nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là gì?
-       Thôi tôi chẳng nói đâu. Nói ra họ lại tuyển tôi vào ngành giáo dục thì chết.

Cận

Tất cả là do độc quyền

    

-       Để nhận biết một quán ăn ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm bác căn cứ vào cái gì?
-       Trước hết, quán phải đông, phải xếp hàng lũ lượt mới chứng tỏ thức ăn ở đó là chấp nhận được.
-       Điều này cho thấy đồ ăn ở đó mới chỉ đáp ứng được tiêu chí ngon miệng, mà để làm được điều đó, người bán áp dụng nhiều bí quyết, kể cả chiêu thức dùng hoá chất độc hại. Vì thế, quán ăn chỉ thực sự ngon khi cả vợ chồng con cái chủ quán hàng ngày vẫn ăn cái họ bán ra.
-       Đúng thế thật. Ai cho bác kinh nghiệm đó thế?
-       Ngành đường sắt chứ ai vào đây. Bác cứ để ý mà xem, các quan chức cao cấp ngành này đi xa toàn “cưỡi” máy bay, có mấy ai đi tàu hoả đâu.
-       Tại đi máy bay nhanh hơn, chứ đâu phải do ngành đường sắt phục vụ kém, thiếu an toàn.
-       Trong kì thi tuyển Tổng cục trưởng Đường sắt vừa rồi, có vị giám khảo đã nêu vấn đề này ra và ông này khẳng định do dịch vụ kém nên các VIP ngành đường sắt chẳng mấy khi sử dụng hình thức vận tải này.
-       Có lí, tôi thấy toàn người lao động đi tàu thôi. Hoá ra vào dịp lễ tết luôn cháy vé, chẳng qua là do độc quyền.
-       Người dân buộc phải đi tàu vì họ ít có sự lựa chọn nào khác. Hi vọng là vị Tổng cục trưởng mới sẽ có nhiều ý tưởng mới cải cách toàn diện ngành này khiến cho chính vợ con ông ta cũng lấy làm hạnh phúc khi được ngồi trên những con tàu đi khắp đất nước, bác nhỉ.

Cận