Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Khó mà quản nổi


-       Tôi nghiệm ra một điều, cứ sát đến tết là các cơ quan công quyền lại ban hành hàng loạt lệnh cấm. Cấm gì cũng nên để sau, cho mọi người ăn tết vui vẻ đã chứ.
-       Bác chẳng hiểu gì cả, họ cũng tính toán chán ra rồi. Gần tết mọi người nhận được nhiều khoản lương thưởng, mới có tiền nộp phạt chứ.
-       Ừ nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra. Lợn, gà nhà bác có còn con nào không, thịt tất niên hết đi, nhớ mời tôi đấy nhé.
-       Sao lại thịt, tôi nuôi để thỉnh thoảng cải thiện, đồng thời cho vui cửa vui nhà mà?
-       Vui gì mà vui, nhỡ bị cúm gà hay dịch tai xanh thì khốn. Sắp tới, để giữ vệ sinh chung, nhà nước cấm nuôi gia súc, gia cầm trong thành phố đấy.
-       Hai vợ chồng già với mớ lương hưu còm cõi làm sao đủ sống, phải để chúng tôi tăng gia mới mong thoát nghèo được chứ.
-       Bác chỉ nghĩ đến lợi ích riêng, lỡ gà lợn nhà bác làm lây truyền bệnh sang hàng xóm thì ai chịu trách nhiệm? Tới đây, nuôi chó mèo cũng phải đăng kí, có sổ sách theo dõi từng con, bác liệu mà bán hết đi.
-       Tức là chó mèo cũng phải có căn cước à?
-       Đúng thế. Khi chó, mèo đẻ, cho ai hay chết, làm thịt, bác đều phải báo chính quyền địa phương, hiểu chưa.
-       Sâu sát thật đấy, từ giờ, nhà nào mỗi tháng ăn hết bao nhiêu cân chó, “sực” bao nhiêu nồi lẩu mèo phường xã sẽ biết cả, khó mà ăn dấm ăn dúi một mình. Thế con chó sau khi bị “sát hại” rồi chế biến thành bao nhiêu món, cho bao nhiêu riềng mẻ, quạt chả hết bao nhiêu cân than, có phải khai báo không bác?
-       Tất nhiên, mà thôi bác đừng nói nữa, tôi chảy hết nước miếng rồi đây này.
-       Tôi nghĩ, mấy cái lệnh cấm này có vẻ khó khả thi. Bác tính, ở các vùng nông thôn còn khó thống kê được hết có bao nhiêu người chưa được làm giấy khai sinh hay chứng minh thư, người còn như thế, chó mèo làm sao mà quản nổi, khó ghê lắm.
      Cận

Có chạy đàng trời


-       Theo bác, bà mẹ Việt Nam anh hùng có ý nghĩa thế nào đối với đất nước, với dân tộc?
-       Các mẹ cũng như các thương binh, liệt sỹ chính là vốn quí giá nhất của truyền thống chống ngoại xâm mà ông cha ta đã gây dựng lên.
-       Bác nói mông mênh quá, có thể so sánh một cách cụ thể về giá trị để tôi dễ hình dung được không?
-       Đại loại là lòng yêu nước và các hành động anh hùng của các cụ quí giá đến mức có kim cương hay vàng mười cũng không mua được.
-       Tôi hiểu rồi, thảo nào mà một số đối tượng ở một xã thuộc miền Trung chịu khó bỏ công, bỏ sức đào nát cả mấy hec-ta đất.
-       Chắc họ cày sâu cuốc bẫm để đất tơi xốp nhằm tăng năng suất hoa màu hả bác?
-       Không, họ tìm vàng
-       Chuyện này đã xảy ra ở nhiều nơi, thế họ có tìm được của quí nào không?
-       Chưa phát hiện được gì, vấn đề là, gần đây họ đào bới đến sát tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, khiến bức tượng và bệ đỡ bị nghiêng, có nguy cơ sụp đổ.
-       Chắc họ nghĩ, các mẹ là vốn quí của dân tộc nên trong tượng cũng như vùng đất xung quanh kiểu gì cũng có kim cương hay vàng. Trước hiện tượng này, chính quyền địa phương không có ý kiến gì sao?
-       Dở hơi mới đi cấm, làm mất lòng họ hàng, xóm giềng là mệt lắm. Hơn nữa, cứ để mọi người đào, nhỡ tìm được cái gì đó mới mong được chia chác chứ.
-       Nhưng bác có biết, chỉ vì sự vô trách nhiệm này mà bao cánh rừng phòng hộ bị tàn phá, bao mảnh đất màu mỡ bị đào xới tan hoang, bao nhiêu công lao động bị bỏ phí không?
-       Ô hay, sao bác lại cáu với tôi? Các Mẹ Việt Nam anh hùng thiêng lắm đấy. Các Mẹ mà bực lên rồi hiện về hỏi tội, mấy tay tham lam vô độ có chạy đàng trời.
      Cận

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Lệnh cấm tréo ngoe


     
-       Làm gì mà mặt mũi đỏ gay đỏ gắt thế kia?
-       Bà ấy về quê nên tôi phải chui vào bếp “tự biên tự diễn”.
-       Ra ngoài ăn cũng được, tốn kém bao nhiêu đâu mà nấu nướng làm gì cho khổ.
-       Tôi đâu có sợ tốn tiền, vấn đề là ăn ngoài chỉ lo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
-       Thiên hạ họ ăn đầy ra đấy có bệnh tật gì đâu, chừng này tuổi rồi mà còn ham sống quá. Bác không biết vừa có qui định về giữ vệ sinh an toàn thực phẩm sao?
-       Tôi không sợ chết sớm, chỉ lo sống “dặt dẹo” bởi hóa chất cấm trong thực phẩm thôi, sẽ khổ vợ khổ con lắm. Nội dung văn bản này thế nào hả bác?
-       Trong đó có nhiều điều khoản, đại ý là, người bán hàng phải đủ sức khỏe, phải được khám sức khỏe định kì, tủ bán hàng phải đặt cao hơn cống rãnh 60 cm, đồ ăn thức uống phải có nguồn gốc xuất xứ, người bán hàng ăn phải có găng tay, phải đeo khẩu trang, thắt tạp dề…
-       Nếu không được bán hàng ăn thì những người ốm yếu, người khuyết tật làm gì để sống?
-       Thì làm cửu vạn hay thợ xây, thợ mộc, thợ mỏ, miễn là không được đụng chạm đến đồ ăn thức uống là được.
-       Mấy người bán nước trà rong, quả mơ quả mận vỉa hè, lãi lờ bao nhiêu mà có tiền sắm khẩu trang, tạp dề, lại còn phải khám sức khỏe mấy tháng một lần nữa chứ?
-       Không được bàn ngang, thế bác không muốn thực phẩm có được vệ sinh an toàn sao?
-       Ai chẳng muốn, nhưng tôi có cảm giác Thông tư này sẽ không khả thi, giống như việc cấm vứt rác bừa bãi, cấm hút thuốc nơi công cộng trước đây vậy.
-       Bác là hay bi quan, phải đặt lòng tin vào cơ quan công quyền chứ.
-       Khổ nỗi, đặt ra chế tài đối với người bán thực phẩm bẩn, trong khi không ngăn được gà nhập khẩu thải loại, còn đề xuất nhập nội tạng động vật, thứ thực phẩm nhiều nước không dùng cho người, thật tréo ngoe quá
      Cận

Cú tát trời giáng


-       Đã lâu mới được xem một tiết mục nghệ thuật thấm đẫm tình người, khiến tôi phải rớt nước mắt bác ạ.
-       Chắc bác được xem bi kịch. Nhiều vở bây giờ được dàn dựng với nhiều chi tiết éo le, được trình diễn bởi những nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân gạo cội nên rất thu hút người xem.
-       Không phải, “diễn viên” ở đây chỉ là mấy đứa trẻ sống và lớn lên trong một trại mồ côi, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi.
-       Ở tuổi đó chúng không tè dầm cho là may, nói gì đến biểu diễn nghệ thuật. Hay là chúng có cách rên rỉ, quằn quại đặc biệt khi xin tiền, khiến người nổi tiếng keo kiệt như bác phải động lòng trắc ẩn?
-       Không, chúng tham gia một cuộc thi trên truyền hình bằng tiết mục liên hoàn như dùng miệng cắn vào đầu sợi dây quay tròn trên không trung, nhào lộn trên con lăn, đến nghệ sỹ xiếc chuyên nghiệp cũng không diễn được như thế.
-       Những tiết mục như thế chỉ có thể làm người ta thán phục, sao lại khóc được nhỉ?
-       Trước ống kính máy quay, các cháu cho biết tham gia chương trình không phải vì danh tiếng, mà chỉ muốn khẳng định trẻ mồ côi không phải là đồ bỏ đi. Khí phách của lũ trẻ đã khiến nữ giám khảo và người MC phải nghẹn ngào rơi lệ
-       Chắc chúng được một Mạnh Thường Quân giàu có nào đó “chống lưng” cho?
-       Thầy dạy bọn trẻ là một nghệ sỹ nổi danh nhưng từ bỏ cuộc sống giàu sang, nhiều năm nay lang thang tới những trại mồ côi dạy cho bọn trẻ nghệ thuật xiếc để sau này chúng có thể kiếm sống một cách lương thiện.
-       Là dạng “mẹ mìn” cả thôi, có khi lão ta đi tìm kiếm tài năng để bán ra nước ngoài cũng nên?
-       Bác không nên xúc phạm những tâm hồn thiện nguyện như thế.
-       Tôi đùa thôi, thế mới thấy trên đời này còn nhiều người tử tế. Hành động của thầy trò người nghệ sỹ già này là cú tát trời giáng vào mặt những kẻ bán rẻ lương tâm, sẵn sàng lộ “hàng”, tạo scandal chỉ để có được cuộc sống phè phỡn, no đủ.
      Cận

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Chẳng biết ai vô duyên


-       Bác làm gì với cuốn sách dày cộp thế?
-       Tôi đang trau dồi vốn tiếng Anh.
-       Chắc bác học ngoại ngữ để làm phiên dịch cho các đoàn ngoại giao. Nghề này hay được đi đây đi đó, mở mang tầm mắt?
-       Không, tôi học là để nói chuyện với chó.
-       Sao, chó nhà bác biết nói tiếng người à?
-       Chẳng là thế này, ở một thành phố phía Nam chuẩn bị tổ chức cuộc thi “chó khỏe, chó ngoan”, nên tôi vừa ra nước ngoài “rước” về một “em” chó rất đẹp. Khốn nỗi, nó chỉ biết tiếng Anh, ra lệnh bằng tiếng Việt nó cứ gầm gừ muốn cắn, hãi lắm.
-       Sao bác không dùng chó nội để thi, chó của mình nhiều con cũng khôn ra phết?
-       Chó nội láu cá nhưng phải cái dại gái. Đang thi mà thấy “nàng “ nào đi qua là quên hết nhiệm vụ.
-       Chó bác mua có đắt không?
-       Chục nghìn “đô” chứ mấy, tiền nuôi mới kinh, riêng thịt bò đã là 1 kg mỗi ngày, chưa kể bơ, pho mát, hoa quả, rượu vang cho nó uống để mượt lông.
-       Bà nhà mà cũng được nuôi như vậy thì đã không xơ xác đến thế. Bác có biết đợt rét vừa rồi có những cháu ở miền núi phải ngồi lì gần nửa tháng trời trong phòng trọ với ước muốn mỗi ngày bắt được một con chuột để ăn cầm hơi không?
-       Đang chuyện về chó sao tự nhiên bác lại quàng sang chuyện chuột vậy, vô duyên.
-       Chẳng biết ai vô duyên, thời buổi kinh tế khó khăn, cả nước phải thắt lưng buộc bụng thì những kẻ rửng mỡ như bác suốt ngày nghĩ đến chuyện thi thố vô bổ. Cứ mở ti vi lên là thấy hết cuộc thi này tới cuộc thi khác, sao không tổ chức thi làm từ thiện, cho  con cháu được hưởng phúc có hơn không nhỉ.
      Cận 

Còn kêu ca gì nữa



-       Bác đóng xe, sửa nhà để ăn tết cho hoành tráng đấy à?
-       Tôi sửa nhà làm kho chứa đồ, đóng cái xe để đẩy đi thu mua hàng, chứ thời buổi kinh tế khó khăn, ăn tết rình rang thiên hạ cười cho.
-       Mấy chục năm chơi với nhau giờ tôi mới biết bác có máu đầu cơ, làm ăn buôn bán đấy. Bác định kinh doanh gì vậy?
-       Chẳng là dịp tết này hiếm tiền mặt nên nhiều doanh nghiệp thưởng cho cán bộ công nhân viên bằng sản phẩm của công ty. Thu mua vào thời điểm này giá sẽ rất rẻ, để sau tết tung ra thị trường chắc chắn có lãi.
-       Bác xem công ty nào thưởng ôtô cho nhân viên thì mua lấy vài chiếc đi chơi cho oách, chỉ riêng việc chở thuê đi chúc tết, đi chùa thôi cũng kiếm được khối.
-       Buôn mấy cái đó vốn phải lớn lắm. Mà năm nay có mấy doanh nghiệp thưởng to đâu, có nơi chỉ thưởng tết cho công nhân bằng bỉm, bít tất, vé xem phim thôi.
-       Bác có đùa không đấy, mấy cái đó ăn sao được?
-       Dùng không hết thì bán bớt đi lấy tiền mua thức ăn, ai cấm. Thế mới thấy nhiều chủ doanh nghiệp có lòng nhân ái, có tầm nhìn xa đến tận… sau tết.
-       Bác nói thế là có ý gì. Cả năm công nhân làm việc, cống hiến, không thể lấy lí do không có tiền mà bắt người ta đi tiêu thụ sản phẩm như vậy được. Thế những công ty phân bón hay môi trường đô thị thưởng tết bằng sản phẩm bác có “tiêu hóa” được không?
-       Bác nói nghe kinh quá. Thực ra doanh nghiệp thưởng bỉm cho công nhân là họ lo mọi người ngày tết hay ăn uống linh tinh dễ bị đau bụng, đi ngoài. Trước khi đi chúc tết, vợ chồng con cái mỗi người đóng một cái vào là yên tâm, ăn thoải mái
-       Thế còn bít tất với vé xem phim, xử lí thế nào?
-       Rét thế này có bít tất đi sẽ đỡ hắt hơi sổ mũi, cứ ấm cái chân là khắc no cái bụng. Đợt này nghỉ tết dài ngày, có vé xem phim vào rạp mà ngồi cho hết thời gian, vừa đỡ phải ở nhà tiếp khách, vừa được nâng cao trí tuệ, củng cố hạnh phúc gia đình, sướng thế còn kêu ca gì nữa.

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Văn ôn võ luyện


-       Nghe nói bác đang học võ phải không?
-       Tôi đã học được mấy tháng rồi. Bác tính, thời buổi nhiễu nhương thế này, không có ít “ngón nghề” trong người có ngày mất mạng như chơi.
-       Đúng thế. Vậy hàng ngày bác luyện tập thế nào?
-       Thì sáng ra trèo lên tầng thượng, huơ chân , múa tay, đấm vào không khí mấy cái cho giãn xương, giãn cốt cũng thấy khỏe và hiệu quả ra phết.
-       Tập thế không ổn. Các cụ mình đã dạy “văn ôn võ luyện”, không thường xuyên thực hành thì đổ xuống sông, xuống biển hết.
-       Thực tế ở đâu được chứ, chẳng lẽ ngày nào cũng ra đường gây sự rồi đánh nhau với ai đó à?
-       Nếu bí quá thì cũng đành phải thế chứ biết làm sao.
-       Lỡ gặp phải thằng võ nghệ cao cường hơn nó “tẩn” cho thì vợ con mất nhờ, chẳng dại.
-       Thì tìm thằng nào trông hom hem, chân đi thập thững, miệng ho rũ rượi rồi lấy cớ đâm xe, “quại” nhau với nó cho yên tâm.
-       Lỡ gặp phải thằng yếu quá, chưa kịp đấm nó đã lăn đùng ra chết thì sao?
-       Nếu vậy tôi khuyên bác về Thái Bình, ở đó có xã đánh vợ. Các ông chồng ở đây ngày nào không “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” vợ một lần là ăn không ngon ngủ không yên. Bác trả cho các “đức” ông chồng này ít tiền thì tha hồ đấm vợ của họ.
-       Sao các ông chồng ở đấy “nghiện” đánh vợ thế nhỉ?
-       Thì cũng như bác nghiện chơi chim cảnh, nghiện đánh cờ thôi.
-       Thế chính quyền địa phương không có ý kiến gì à?
-       Họ đánh vợ mình chứ đánh vợ hàng xóm đâu mà có ý kiến, có khi cán bộ xã cũng đánh vợ thì nói được ai.
     Cận

Đố dám phê bình


-       Cứ về hưu như tôi với bác hóa sướng, rượu, bia lúc nào thèm là uống, tha hồ.
-       Chỉ thoải mái về mặt thời gian thôi, chứ với đồng lương hưu còm cõi, ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra nhậu nhẹt.
-       Đúng thế thật, cả tuần nay, tôi được ăn có mấy miếng thịt mỏng như lá lúa nên thấy người mệt mỏi quá, chẳng muốn làm gì. Mỗi khi hồi tưởng lại cái thời làm quan chức, lại thấy bổi hổi bồi hồi.
-       Chẳng mấy người đã về nghỉ rồi mà vẫn trăn trở, tâm huyết với công việc như bác đâu, hiếm lắm.
-       Tâm huyết gì đâu. Hồi đó, cứ “tam nhật thì tiểu yến, ngũ nhật thì đại yến”, bia rượu chảy như suối, của ngon vật lạ ê hề, mọi chi trả đã có “chùa” lo, sướng thật.
-       Cảnh đó sắp trôi vào dĩ vãng rồi. Nhà nước vừa phải ra văn bản lần thứ hai cấm công chức uống bia rượu vào buổi trưa đấy
-       Thế lần thứ nhất họ không tuân thủ hay sao mà phải cấm nhắc lại?
-       Ăn ngon, uống rượu xịn, lại không phải trả tiền, cái thú này khi đã ngấm vào máu là khó bỏ lắm, cấm đến mười lần cũng thế thôi.
-       Với những đối tượng thích say sưa trong giờ chính quyền thì phải đuổi việc, hạ bậc lương hay thuyên chuyển công tác chứ?
-       Ôi dào, văn hóa công sở đơn vị nào chẳng có, đã thấy có ai bị cho thôi việc vì say rượu đâu.
-       Thì đánh vào kinh tế, phạt tiền thật nặng vào, sẽ “tởn” ngay thôi.
-       Chỉ có “sếp” mới có điều kiện nhậu nhẹt bằng tiền “chùa”, trong cơ quan, ai dám phê bình hay phạt họ chứ.
-       Vậy bó tay hay sao?
-       Theo tôi, nhà nước chỉ cần bỏ mục chi tiếp khách bằng ngân sách nhà nước đi là ổn. Các “sếp” sẵn sàng chịu “khô” môi chứ không mấy ai chịu bỏ tiền túi ra đãi khách đâu, bác nhỉ.

     Cận

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Xấu đều hơn tốt lỏi


-       Đi đâu về mà mặt mũi hớn hở thế bác?
-       Vừa liên hoan về, cơ quan tổng kết cuối năm, tôi lại được bầu là chiến sỹ thi đua bác ạ.
-       Sáng 9 giờ mới thấy bác dắt xe đến cơ quan, chiều 3 giờ đã thấy lù lù ở nhà, làm ăn thế mà vẫn được tín nhiệm à?
-       Khối ông còn bê bết hơn nhiều, chẳng mấy khi hoàn thành nhiệm vụ, chỉ nhậu nhẹt, đàn đúm là tài, vậy mà vẫn được bình xét đấy thôi. Ở cơ quan nhà nước, cái quan trọng nhất là không được để sếp ghét, không được để mất lòng ai thì muốn gì cũng được. Giỏi quanh năm mà không có “chiến hữu” thì chỉ cần một lần sơ sảy thôi là “tèo”.
-       Nghe bác nói mới thấy câu “xấu đều hơn tốt lỏi” thật chí lí quá. Thực trạng này chắc chỉ có ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, bác nhỉ?
-       Ở đâu cũng thế thôi. Nhiều ông, “ăn không nên đọi, nói không lên lời”, cả đời chẳng có nổi bài báo nào ra hồn mà học hàm học vị đầy mình.
-       Tôi cũng thấy thế. Có lẽ không có ở đâu nhiều “trí thức trái mùa” như nước mình, vào thang máy là gặp giáo sư, ra nhà vệ sinh cũng đụng đầu tiến sỹ, thạc sỹ thì nhan nhản như bèo tấm trên mặt hồ. Ở đâu ra mà lắm người tài thế nhỉ?
-       Mỗi khi bầu bán, cơ quan nào cũng đạt tiên tiến gần như tuyệt đối, số chiến sỹ thi đua cũng chiếm mấy chục phần trăm. Cứ bầu cho nhau, mất gì của mình đâu. Thế mới có chuyện có ông hôm trước được bầu chiến sỹ thi đua hôm sau bị bắt vì tham nhũng, trù dập cán bộ.
-       Người “giỏi” nhiều thế mà sao đất nước vẫn nghèo hả bác?
-       Cái này thì tôi chịu. Bác hỏi tôi, tôi biết hỏi ai.
     Cận

Hoan hô “sáng tạo"


            
-       Lãnh đạo Bộ Học mà biết đi tắt đón đầu như mấy cô giáo một trường mầm non ở Hà Nội thì chẳng mấy chốc tuổi trẻ nước mình sẽ hiện đại chẳng kém gì nước ngoài bác ạ.
-       Các cô có phương pháp mới dạy các cháu nhanh chóng trở thành thần đồng à?
-       Các cháu trường này ngoan vô cùng, nhất là mấy cháu trai, cả ngày chỉ ngồi khoanh tay trong lớp, không nói chuyện, không đánh nhau, không đái dầm, không khóc nhè…
-       Trẻ con là phải nghịch ngợm, phá phách, sao chúng lại ngoan thế nhỉ, đây là trường dành cho trẻ tự kỉ à?
-       Không, chúng hoàn toàn bình thường. Các cháu ngoan ngoãn là để được nhận phiếu bé ngoan.
-       Ôi dào, trẻ con chúng nó quan tâm gì đến mấy cái đó. Như tôi hồi nhỏ đây này, có bớt nghịch tí nào đâu mà cuối tuần vẫn được nhận phiếu bé ngoan, không những thế, còn được cô “thơm” cho một phát, giờ vẫn rung rinh hết cả người, chỉ ước được học mẫu giáo mãi thôi.
-       Được thế thì nói làm gì, đằng này chúng ngoan để nhận phiếu bé ngoan in hình nàng tiên cá khỏa thân.
-       Chắc bác nhầm, chỉ có cá khỏa thân chứ làm gì có nàng tiên cá “nuy” bao giờ.
-       Chính mắt tôi đã nhìn thấy mà. Trên tấm phiếu này người ta in hình nàng tiên cá với hai quả “bưởi” rất to, như bưởi năm roi vậy.
-        “Nàng” sống ở dưới nước, “bưởi” to thế thì bơi làm sao được. Sao nhà trường không in hình bông hoa mà lại là hình nàng tiên cá khỏa thân nhỉ?
-       Chắc họ “sáng tạo” để việc giáo dục giới tính cho trẻ thêm sinh động đấy mà.
-       Thảo nào giờ ra đường gặp nhiều cháu dậy thì sớm quá, mới chục tuổi đầu mà giọng đã ồm ồm, ria mép xanh mướt. Cứ tình hình giáo dục thế này, rồi sẽ phải phát bao cao su cho trẻ tiểu học mất thôi.