Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Trách gì đám "nghiện" tiền


-       Mỗi tháng tổng thu nhập của hai vợ chồng bác là bao nhiêu?
-       Lương hưu của hai vợ chồng cộng tiền chăn nuôi, trồng trọt tất tật khoảng 6 triệu đồng.
-       Chừng đó có đủ sống không?
-       Cộng cả giỗ tết, ma chay hiếu hỉ, ốm đau bệnh tật thì lúc nào cũng thiếu.
-       Giờ có ai cho bác mỗi tháng trăm triệu đồng bác có tiêu hết không?
-       Tỷ cũng hết nữa là triệu, nhiều tiền tiêu kiểu nhà giàu, ít tiền thì tiêu kiểu nhà nghèo, bao nhiêu tôi cũng “cân”.
-       Đúng là lòng tham con người là không đáy. Vậy mà, bác biết không, mấy bữa nay, ở ngã tư đầu phố có một bà cụ mù lòa neo đơn, không nhà không cửa lại phải van vỉ người qua đường đừng cho cụ tiền nữa đấy.
-       Thì già rồi, ruột gan héo quắt cả, ăn được bao nhiêu. Ăn xin thì cần gì diện, tiền nhiều cũng lại cất đi, bọn cướp mà biết được thì khốn.
-       Người ta làm “nghề” ăn mày mà còn biết thế nào là đủ, vậy mà bác cứ mở mồm ra là kêu “thèm” tiền, không biết xấu hổ à?
-       Đây là bệnh của cả xã hội chứ riêng gì tôi. Bác đừng nói với tôi bác là kẻ đại trượng phu đạp bằng lên tất cả, khinh vật chất, trọng tinh thần đấy nhé, nghe thế nó giả tạo lắm.
-       Thú thực là nhiều đêm tôicũng thao thức không ngủ được vì không có tiền nộp viện phí cho vợ con. Những lúc quẫn bách như thế, có ai rủ tôi buôn ma túy, giết người, tôi cũng đi, như vậy, tôi có xấu xa quá không bác?
-       Nghèo nên nghĩ quẩn cũng là chuyện bình thường. Khối kẻ mũ cao áo dài, vàng bạc đầy nhà mà vẫn tìm cách bòn rút của nhà nước, ăn chặn từng đồng của nhân viên dưới quyền kia kìa.
-       Trách làm gì cái đám “nghiện” tiền hả bác, rồi chúng không vào tù thì cũng thân tàn ma dại cả thôi.
     Cận

Nhường cơm sẻ áo


             
-       Bác mua gà về ăn tết hay để mở quán phở à, mà sao toàn gà mái vậy?
-       Mua về nuôi đẻ trứng chứ tiền đâu mà ăn lắm thế.
-       Mấy chục con gà này thay phiên nhau đẻ rồi ấp, chỉ một năm nữa bác sẽ có hàng trăm con, cứ thế chẳng mấy lúc mà giàu.
-       Ai bảo bác tôi muốn nhân giống gà. Nuôi giống này hay mắc cúm H5N1 lắm, nhà lại chật chội, tôi chỉ cho chúng đẻ trứng để đổi lấy đất thôi.
-       Bác biết mỗi mét vuông đất bao nhiêu tiền không, mấy con gà ranh này đẻ trứng 100 năm nữa cũng chẳng đủ cho bác mua một mét đâu, đừng có mơ.
-       Bác chẳng biết gì cả, ở một thành phố lớn miền Trung, người ta thu hồi đất để làm sân golf đền bù có 3 nghìn đồng mỗi mét vuông, giá đúng bằng một quả trứng gà đấy.
-       Làm gì có chuyện đền bù bèo bọt thế, chắc họ đúc trứng bằng vàng để trả cho nông dân?
-       Sao bác không bảo đúc trứng bằng kim cương luôn đi cho tiện, chỉ có 3 nghìn đồng thôi, bác nghe rõ chưa?
-       Nếu thế thì đất ở Việt Nam đã rẻ nhất thế giới, rồi đây tôi với bác sẽ dễ dàng kiếm được mảnh đất lấy chỗ dung thân, không phải lo ăn nhờ ở đậu nữa
-       Hão huyền. Đền bù như thế nhưng nhiều công trình khi qui hoạch, xây dựng xong họ bán ra hàng chục triệu đồng mỗi mét vuông, chỉ đám đầu cơ hay giàu có mới mua được thôi.
-       Nếu thế thì đúng là siêu siêu lợi nhuận bác nhỉ, thảo nào mà lâu nay nhiều nông dân lên thành phố kiện thế. Hay bác cho tôi chung tiền góp vốn nuôi gà với. Được bao nhiêu đất tôi chỉ lấy một phần ba, còn lại nhường bác tất, anh em nên nhường cơm sẻ áo cho nhau, bác nhé
      Cận

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Khuyết tật tâm hồn


-       Giờ ông trời cho bác trở lại tuổi thanh niên, bác sẽ chọn nghề gì?
-       Tôi sẽ cố gắng thi bằng được vào đại học để làm bác sỹ, hoặc tài chính, ngân hàng, chí ít cũng phải làm luật sư…
-       Cả mấy nghề đó đều cao quí, cái thì cứu đời, khiến con người khỏe mạnh để yêu nhau hơn, cái thì làm giàu cho đất nước, cái vì lẽ công bằng ở đời, hay đấy.
-       Hay gì đâu, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là mấy nghề đó làm giàu dễ thôi. Muốn sống “oanh liệt” ở đời thì phải có tiền.
-       Thế sao hồi còn trẻ bác luôn ước ao được làm thầy giáo, dùng phấn trắng, bảng đen để vẽ lên những ước mơ?
-       Cái thời “nông nổi như cái chổi” đã qua rồi. Có tiền, có quyền muốn “vẽ” cái gì chẳng được.
-       Trông bác mặt mũi sáng láng, thân hình cao lớn mà sao thua xa người đàn bà tật nguyền ở Sơn Trà Đà Nẵng.
-       Bà ấy nhiều tiền, nhiều nhà đất lắm à?
-       Trái lại, người đàn bà tật nguyền này chỉ có túp lều ở nhờ trên đất của phường, vậy mà bà ấy nhịn đói, nhịn khát, dùng số tiền trợ cấp ít ỏi của mình mua sách vở, dạy chữ cho các cháu thiểu năng trí tuệ trong vùng.
-       Chắc bệnh tật đầy mình, sợ chết sớm không dám ăn thịt, cá, chỉ ăn rau nên thừa tiền giúp đỡ người khác chứ gì?
-       Không hề. Tối đến bà ấy còn ôm thúng bánh mì đi bán rong kiếm tiền thuốc thang cho bản thân và cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn.
-       Nhà chật, chẳng có điện đóm, quạt mát, không đi bán bánh mì ngồi nhà cho muỗi nó “thiêu” à?
-       Cha ông mình nói đúng, ở đời không gì đáng sợ hơn kẻ khuyết tật về tâm hồn. Bác là con bệnh nặng cần phải chữa trị sớm.
      Cận

Cứu người đóng thuế


-       Vỡ đê có nguy hiểm không bác?
-       Đây là nỗi kinh hoàng không ngòi bút nào có thể tả xiết. Bác không nhớ lần vỡ đê năm Ất Dậu 1945 ư, nhà cửa ruộng vườn tan hoang hết cả, số người bị nước lũ cuốn trôi, số người chết đói sau đó lên tới hơn hai triệu người. Đây là thảm kịch lớn nhất trong lịch sử dân tộc đấy.
-       Thông thường, gặp hiện tượng như thế, người ta phải tránh cho xa, vậy mà hôm vừa rồi, khi đê bao ngăn triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh bị vỡ, người ta đã chứng kiến cảnh một ông chủ tịch quận lao xuống dòng nước cùng dân cứu đê đấy.
-       Chắc trong đó nóng, nhân thể ông ấy xuống tắm thôi. Quan chức họ bận lắm, có mấy khi được nghỉ mát đâu. Được tắm biển không mất tiền sướng quá còn gì.
-       Bác chỉ suy diễn vớ vẩn, bác phải nhìn cái cảnh ông ấy ngụp lặn dưới dòng nước biển đen đặc, rác rến quấn đầy người, mới thấy được hết cái tâm và đức hi sinh của vị cán bộ này.
-       Tôi đùa một chút thôi. Qua những điều bác vừa tả, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh dịp lũ lụt ở miền Trung năm ngoái. Đoàn cán bộ đến thăm hỏi, động viên nhân dân mà “cưỡi” ôtô bóng loáng, mặc áo trắng là thẳng li, ngào ngạt nước hoa đắt tiền, trông cứ thế nào ấy.
-       Đi làm từ thiện mà ăn mặc rách rưới ai người ta đến nhận quà. Họ phải đi ôtô để nếu chẳng may có lũ tràn về đột xuất thì còn có xe chở người dân chạy trốn chứ.
-       Cũng chẳng cần chu đáo đến mức đó. Cán bộ là đại diện của dân, là hình ảnh của đất nước, chế độ, cũng nên ăn mặc chỉn chu, lịch sự. Chỉ có điều khi thấy cảnh người dân gặp thiên tai, địch họa, thì phải biết ra tay cứu người hàng ngày đóng thuế nuôi mình, như ông chủ tịch quận nói trên là được, bác nhỉ
      Cận

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Sách dạy thế mà


-       Bác đánh giá thế nào về con người Việt Nam?
-       Ai chẳng thấy người mình vốn hồn hậu, chân chất, cần cù, biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau…
-       Trước đây tôi cũng nghĩ như bác vậy, sách dạy thế mà. Nhưng giờ tôi bắt đầu thấy nghi ngờ điều này.
-       Lập trường của bác là thiếu kiên định lắm đấy, phải đặt niềm tin tuyệt đối vào đồng bào mình chứ.
-       Tôi cũng muốn thế lắm, nhưng vừa rồi, một cơ quan nghiên cứu quốc tế công bố kết quả điều tra cho biết, Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước vô cảm nhất thế giới đấy.
-       Thật sao, tôi chẳng tin. Ra đường thấy cô nào xinh xinh xinh đi ngang qua, trái tim tôi vẫn đập rộn ràng như thuở “oanh liệt” xa xưa, có vô cảm tí nào đâu.
-       Thì tôi cũng như bác thôi, cứ đối diện với người đẹp là lồng ngực như muốn nổ tung. Ý tôi muốn nói là, người dân bây giờ vô tình quá, thấy người gặp tai nạn giao thông, không giúp thì chớ, còn xông vào hôi của, gặp người cơ nhỡ qua đường hai tay đút túi quần mằt cứ giương lên, thanh niên tranh chỗ ngồi với bà già trên xe buýt…
-       Đúng thế! Lắm khi thấy chướng tai, gai mắt cũng muốn can thiệp, nhưng lại thôi, sợ không phải đầu cũng phải tai.
-       Ở đâu ra cái thói vô cảm thế nhỉ, trước nghèo khó mà có thế đâu?
-       Cũng tại cung cách quản lí xã hội thôi. Bác tính, người đi tố cáo tham nhũng bị trù dập có ai đứng ra bênh vực đâu. Đuổi bắt cướp, bị đối tượng đâm trọng thương mà chỉ đến thăm hỏi, cho cái phong bì vài trăm bạc rồi bỏ bẵng, thử hỏi ai con muốn xả thân vì nghĩa nữa.
-       Bác nói tôi mới vỡ ra nhiều điều. Nếu không chấn chỉnh kịp thời, con người sẽ bước từ vô cảm sang vô luân ngay, bác nhỉ
     Cận

Khen cho con mắt tinh tường


-       Bác có biết thế nào là giàu, thế nào là nghèo không?
-       Đến trẻ con nó cũng phân biệt được, sao hôm nay tự nhiên bác lại hỏi ngớ ngẩn thế?
-       Tôi thắc mắc là vì cán bộ xã thuộc một huyện của Hà Nội không xác định nổi ai có tiền, ai không đấy.
-       Làm gì có chuyện phi lí thế. Thường thì, trong một xã, nhà ai mới thịt con gà, ai đứt bữa vài ngày, cán bộ thôn biết ngay.
-       Tôi nói điêu làm gì. Ở xã này, người có nhà 5 tầng, có lương hưu được xếp vào hộ nghèo, trong khi, có đôi vợ chồng già gần trăm tuổi, không con cháu, không có khoản thu nhập nào khác, thường xuyên phải uống nước mưa cầm hơi, lại không thuộc diện nghèo.
-       Cán bộ xã này chắc thường xuyên phải rửa mặt bằng nước ao tù khiến mắt mũi kèm nhèm cả nên mới thế. Mà gần trăm tuổi đầu rồi, ruột gan dạ dày héo quắt cả ăn uống được bao nhiêu nữa mà cần tiền?
-       Người già sống bằng thuốc men là chính, cũng phải có tiền khám chữa bệnh, ma chay sau này chứ.
-       Ôi dào, ăn chẳng có, xương cốt quắt queo cả, khi chết vùi vào đâu mà chẳng được. Người có nhà cao cửa rộng mới cần lắm khoản phải chi, nào tiền điện nước, tiền nuôi chó mèo, chăm sóc cây cảnh, thuê người giúp việc…
-       Ý bác muốn nói người giàu cần sự trợ cấp của nhà nước hơn là người nghèo chứ gì?
-       Đúng thế! Người nghèo là phải biết thông cảm, chia sẻ với người giàu. Giàu có họ thường phải lo toan nhiều chuyện, nhức đầu lắm, chẳng sung sướng gì đâu. Khá khen cho cán bộ xã này biết điều hòa lợi ích, biết chia chác đồng tiền “đúng” đối tượng, chẳng mấy lúc mà cán bộ xã sẽ phất lên, chỉ đất nước là kiệt quệ đi thôi.
Cận

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Cố gắng làm việc cho tốt

-       Đi đâu về mà hớt hải thế bác?
-       Gớm , tìm bác suốt từ sáng đến giờ, đang định rủ bác hùn vốn làm ăn đây.
-       Làm gì hả bác, tôi có hơn chục triệu đồng liệu có đủ không?
-       Tôi đang cần vài chục tỉ chứ chừng ấy thì làm được gì.
-       Ối giời, tiết kiệm mấy năm trời mới được chục triệu bạc, lấy đâu ra hùn với bác. Mà bác định buôn gì vậy?
-       Tôi sẽ nhập hàng loạt máy đo nhiệt độ mũi. Loại này chắc chắn bán chạy, ở mình chưa có công ty nào kinh doanh mặt hàng này.
-       Tôi chỉ nghe đến loại máy đo nhiệt độ cơ thể, đo nhịp tim, huyết áp chứ chưa nghe nói đến máy đo nhiệt độ mũi bao giờ. Đo nhiệt độ mũi để làm gì vậy?
-       Ở Tây Ban Nha, người ta mới phát hiện ra mỗi khi nói dối, mũi sẽ nóng hơn lúc bình thường.
-       Lâu nay, tôi chỉ nghe chuyện cậu bé Pinochio bên Italia mỗi khi nói dối thì mũi lại dài ra một chút, chứ ngày nào tôi chẳng nói dối dăm bảy lần, có thấy mũi nóng lên bao giờ đâu. Nhập loại máy này về, bác định bán cho ai?
-       Sẽ rất đắt hàng, lúc nào xung quanh bác chẳng đầy rẫy những kẻ gian dối vặt. Chồng đi làm về muộn ư, chỉ cần kẹp máy vào cánh mũi, tra khảo là ra tất. Cứ thấy nhiệt độ mũi tăng đột ngột là biết ngay nói dối, nhốt vào nhà vệ sinh vài ngày không cho ăn, có mà “tởn” đến già.
-       Loại máy này chắc chắn rất hữu ích cho ngành điều tra tội phạm, cứ kẹp máy vào mũi là phải khai ra tất. Mấy ông bộ trưởng khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội cũng buộc phải mang theo máy này, đố còn dám quanh co, thất hứa nữa. Thế cái máy này có to và nặng không bác?
-       Cũng bình thường, chỉ khoảng vài kg chứ mấy
-       Trả lời chất vấn thường được truyền hình trực tiếp. Trên mũi ông bộ trưởng mà lủng lẳng cái vòi voi như thế, khó coi lắm.
-       Nếu vậy thì cố gắng làm việc cho tốt vào, đừng để cử tri, bức xúc, thất vọng nữa.
     Cận

Phen này hết đường sống



-       Trời hanh khô thế này bác có muốn uống vài cốc bia tươi không?
-       Thời buổi khủng hoảng kinh tế, lo tiền mua gạo, thức ăn đã bạc mặt, tiền đâu mà bia bọt. Bác mời tôi à?
-       Thóc đâu mà đãi gà rừng. Ngày Hội bia đang được tổ chức ở Cung thể thao Quần ngựa, khách tham quan được nếm thoải mái không phải trả tiền, anh em mình lên đó “giải sầu” chút đi.
-       Sáng nay tôi ra đó rồi, tụt cả giày dép, áo quần đứt tung hết cả cúc mới kiếm được một cốc, chen ra khỏi đám đông thì chẳng còn giọt nào. Chen đi, chen lại 6 lần mà uống được có một ngụm, chẳng bõ.
-       Tôi nghe nói Hội chợ mở nhiều quầy bia phục vụ khách mà.
-       Nhiều đến mấy cũng không đủ cho đám sâu bia nước mình. Chỉ mấy tay tập thể hình, hay có võ là sướng thôi, cứ như vào chốn không người, uống không hết còn dùng bia rửa tay, rửa mặt nữa chứ, nhìn mà thèm. Biết thế hồi nhỏ tôi theo bố đi học Thiếu lâm tự, giờ uống thoải mái.
-       Người đông như thế, uống nhiều như thế, không hiểu ở Hội chợ có đủ nơi để khách “trút bầu tâm sự” không nhỉ?
-       Cũng phải võ nghệ cao cường lắm mới vào được nhà vệ sinh. Gày gò, đầu gối lại lỏng lẻo như tôi chỉ còn biết ngậm ngùi ngắm nghía nơi “giải quyết nỗi buồn” từ xa thôi. Cuối cùng, mọi người không chịu nổi ào ra khuôn viên xung quanh xả thẳng xuống chậu cây cảnh, ra bãi cỏ.
-       Chừng này tuổi, tồng ngồng thế không thấy xấu hổ à?
-       Ôi dào, người đông như kiến cỏ có ai để ý đến ai đâu, say hết cả lượt rồi mà. Tôi “tè” cả vào giày thằng cha đứng trước mặt mà hắn vẫn nhe răng cười, còn mời tôi ăn kẹo cao su nữa chứ.
-       Vui nhỉ. Như thế cũng tốt. Nhờ hàng nghìn người đồng loạt “bật vòi” mà đám côn trùng, chuột bọ làm tổ dưới đất phen này hết đường sống. Hoan hô Hội bia!
      Cận

Cứ để chó mèo được tự nhiên


   Giờ kiểm điểm lại mới thấy ở nước mình có nhiều thứ bị siết chặt quá bác ạ.
-       Đúng thế, cứ hở ra đồng nào là bị “vặt” đồng nấy. Hết đòi quản xe chính chủ, lại đến thu phí đường bộ. Đời sống người dân bị tận thu đến sức cùng lực kiệt rồi, lại thêm cái gì bị siết chặt nữa vậy?
-       Như việc đòi đưa chó mèo vào quản lí chẳng hạn. Ai đời, những loài vật này cũng buộc phải có hồ sơ chứng nhận “nhân thân” nguồn gốc xuất xứ,  giấy tiêm phòng, tình trạng “hôn thú”…
-       Đến con người nhiều khi còn chẳng có được những mảnh giấy quí báu đó, hơi sức đâu mà lo “tư cách pháp nhân” cho loài vật.
-       Cơ quan này bảo, họ đưa ra “ý tưởng” đó nhằm quản chặt bệnh dại.
-       Con người, khi lên cơn điên, bác có đặt lên đầu họ vài cuốn hộ chiếu, cả chục cái thẻ căn cước, họ vẫn không thể khỏi được bệnh, vẫn nhặt lá đá ống bơ thôi. Vấn đề là phải biết phòng bệnh, tức là phải biết quản lí từ xa.
-       Họ còn đề ra “ý tưởng” thành lập đội “săn bắt chó, mèo hoang”, sau 72h mà không có chủ đến nhận sẽ đem tiêu hủy.
-       Chắc tiêu hủy trong nồi nhựa mận hoặc các quán thịt chó, thịt mèo chứ gì. Mà việc gì phải nuôi cả một lực lượng“săn bắt chó” cho tốn kém, cứ tập hợp đám cẩu tặc lại, cho bọn chúng quyền săn được con nào “hưởng lộc” con đó, ăn không hết đem ra chợ bán, gây quĩ. Tôi dám chắc chỉ trong 3 ngày trên đường sẽ sạch bóng chó mèo.
-       Cũng chẳng ăn thua, mấy loài này sinh sôi nảy nở nhanh lắm. Mà ngày nào cũng chén món Mộc tồn, mặt mũi đầy mụn nhọt, ai mà chịu cho thấu.
-       Nếu không thì tìm biện pháp triệt sản, sản xuất bao cao su cho chó mèo, cần thiết thì đặt vòng, cho uống thuốc tránh thai…
-       Nói như bác cũng không ổn. Lúc đó lại phải lập cơ quan tuyên truyền vận động chó mèo kế hoạch hóa gia đình, hướng dẫn chúng dùng bao cao su, thuốc tránh thai, nhiêu khê lắm, thà cứ để chúng tự nhiên như hiện nay cho yên chuyện.
       Cận
-