Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Không muốn làm thủ khoa


                                                                                                     Cận
-       Dạo này xuất hiện lắm thủ khoa quá bác nhỉ, không biết nên mừng hay lo đây?
-       Mừng chứ, điều đó cho thấy người mình rất hiếu học, rất thông minh.
-       Vấn đề là những thủ khoa sau này có giúp ích gì cho đất nước không?
-       Dù cái tài đó phục vụ cá nhân, gia đình hay cộng đồng thì cũng nên ghi nhận sự nỗ lực của họ. Đóng góp cho xã hội nhiều hay ít không liên quan tới các thủ khoa, mà phụ thuộc vào việc chúng ta trọng dụng nhân tài như thế nào.
-       Mấy hôm nay, thiên hạ xôn xao chuyện một ông bộ trưởng đặc cách tuyển một thủ khoa về ngành mình. Có lẽ đây sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp trong chiến lược dùng người của các cơ quan nhà nước.
-       Như muối bỏ bể thôi. Ngay tại quê hương của cậu thủ khoa này hiện đang có hơn một vạn cử nhân, cao đẳng, trung cấp thất nghiệp. Nhiều thủ khoa đại học chỉ mong có công việc với vài triệu đồng tiền lương mỗi tháng mà vẫn dài cổ ra chờ kia kìa.
-       Vậy trong lúc chưa có việc làm họ sống bằng gì?
-       Có tiến sỹ lên thành phố đi bán rong sim điện thoại, thạc sỹ thì đẩy xe kem khắp hang cùng, ngõ hẻm, nhiều cử nhân “ở đợ” cho các gia đình quyền quí…
-       Khổ thân, thu nhập của những người này có đủ sống không?
-       Thấp cũng 5-7 triệu đồng mỗi tháng, trung bình 10-15 triệu, nói chung sống khỏe.
-       Thế kia à, vậy còn kêu ca gì nữa?
-       Thì có ai kêu đâu. Thế mới có chuyện, nhiều thủ khoa sau một thời gian được các cơ quan “chiêu hiền đãi sỹ” đã bỏ việc về đi buôn gỗ, giúp việc cho mấy ông chủ mới học hết lớp 5.
-       Thế mới thấy chúng ta quá lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.

-       Muốn khai thác được lực lượng này đòi hỏi lãnh đạo đơn vị, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ chất lượng cao. Cái này ở nước mình lại quá hiếm bác ạ.

Để thế cho nó vui

                                                                                                                                        Cận
-       Bệnh nhiệt đới gồm những loại bệnh gì hả bác?
-       Chủ yếu là các bệnh liên quan đến virus như sốt xuất huyết, bệnh SARS, H5N1…
-       Vậy sao một bệnh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh bị đau cột sống lại được bác sỹ khuyên đi khám bệnh nhiệt đới?
-       Ai mà biết được, có lẽ do bệnh nhân này sống ở vùng nhiệt đới nên được chỉ định như vậy thôi.
-       Sao lại vô lí như vậy, nếu đau ruột non, bác sỹ chẩn đoán đau ruột già không nói làm gì, bởi các bộ phận này tương đối gần nhau. Đằng này…?
-       Có gì lạ đâu, việc đoán bệnh lung tung ở mình giờ quá bình thường rồi, năm ngoái chẳng có trường hợp bệnh nhân bị trĩ lại đè ra cắt mất quả thận đấy thôi. Còn chuyện đau ruột thừa cắt béng mất dạ dày xảy ra như cơm bữa, đếm không xuể.
-       Sao bác sỹ của mình kém cỏi thế nhỉ, ăn học gần chục năm hóa công cốc à?
-       Bác sỹ mình đâu có kém, họ khôn lõi đời. Nếu nói trúng bệnh ngay, toàn dân khỏe mạnh cả, ai vào bệnh viện làm gì, bác sỹ có mà ăn cám. Mỗi lần vào viện là một lần chụp chiếu, xét nghiệm lại. Nhà lầu xe hơi cũng từ đấy mà ra cả đấy.
-       Nhưng trường hợp này bác sỹ giới thiệu người bệnh sang bệnh viện khác khám mà?
-       Bác ngây thơ thật hay giả vờ đấy? Bác sỹ bệnh viện này chỉ định bệnh nhân sang bệnh viện kia khám, và ngược lại, lâu nay gọi là “hàng” đổi “hàng”, bác rõ chưa. Chỉ người bệnh là bán thân bất toại vì phải xét nghiệm đi xét nghiệm lại thôi.
-       Thế những nhà quản lí ngành y chưa có giải pháp gì ngăn chặn hiện tượng này à?

-       Họ bận trăm công nghìn việc, hơi sức đâu lo chuyện lẻ tẻ. Mà cứ để thế cho nó vui, bệnh nhân chạy đi chạy lại nhiều mới nhanh khỏe.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Sĩ diện của người lớn

           
-       Bọn trẻ bây giờ sướng quá bác nhỉ, được ăn ngon, mặc đẹp, chẳng bù cho thời chúng mình, miếng thịt chẳng có mà ăn, quần áo thì vá chằng vá đụp.
-       Vậy mà nhiều đứa có hiểu điều đó đâu, chúng luôn tìm cách “sáng tạo” khiến người lớn phải đau đầu. Gần đây có chuyện hàng trăm học sinh ở một tỉnh phía Nam bị đuổi về thay quần áo vì mặc đồng phục bó sát người quá.
-       Lại giống cái thời rạch quần ống loe à, mặc chật hay rộng pháp luật đâu có cấm, tôi tưởng chỉ phạt hiện tượng lộ “hàng” thôi chứ?
-       Lãnh đạo nhà trường cho biết, họ phải làm thế để giữ gìn sự trong sáng cho các em học sinh, trường học đâu phải là sàn diễn thời trang.
-       Không nên cứng nhắc thế. Các em đang tuổi ăn tuổi lớn, đang thích tìm tòi, thể hiện, nhà trường không nên xử phạt mà cố gắng định hướng điều hay lẽ thiệt, khối người lớn còn có “sáng kiến” khiến cả cộng đồng phải lao đao kia kìa.
-       Bác thử cho ví dụ xem nào.
-       Mấy hôm nay dư luận đang xôn xao chuyện một trường làng yêu cầu các phụ huynh may comple thay đồng phục cho con em. Mỗi bộ ngót nghét gần một triệu đồng.
-       Giàu có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, may cho con bộ quần áo có triệu bạc mà đã kêu.
-       Ở đâu ra, nghe nói, xã này còn hàng chục hộ nghèo, đang phải chạy ăn từng bữa.
-       Ồ, nếu vậy, lãnh đạo giáo dục địa phương mắc bệnh chuộng hình thức à?
-       Thì bác tính, đã đói ăn rồi, quần áo lại te tua quá, còn gì thể diện chính quyền nữa. Cấp trên về kiểm tra, nhìn các cháu ăn mặc bảnh chọe cũng đỡ hoạnh họe.

-       Chỉ thấy thương đám trẻ, vì sĩ diện của người lớn mà các cháu phải mặc trên thì comple, dưới lại đi đất. Chất lượng giáo dục đâu có liên quan gì đến quần áo chứ.
      Cận

Phỉ báng lòng tốt

             
-       Giờ tôi mới tin người Việt mình dũng cảm nhất thế giới.
-       Ôi dào, tưởng phát hiện ra điều gì mới mẻ chứ. Đã có thời cả nhân loại phải nghiêng mình kính nể tinh thần quật cường đấu tranh chống ngoại xâm của ông cha ta đấy.
-       Thời chiến tranh thì nói làm gì, ngay trong thời bình này mà lòng dũng cảm vẫn nở rộ, thế mới quí. Chuyện mấy người phụ nữ tố cáo hành vi nhân bản kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Hoài Đức khiến tôi hết sức khâm phục.
-       Tưởng gì, chuyện đó tôi cũng đã nghe. Thế những kẻ gian dối đã bị xử lí chưa?
-       Tám đối tượng đã bị khởi tố, người vạch mặt cái xấu cũng đã được khen thưởng.
-       Pháp luật là phải nghiêm minh, kịp thời thế mới được. Ngoài giấy khen ra, người tố cáo chắc nhận được nhiều tiền lắm, đủ để xây cái nhà cũng nên?
-       Bác lúc nào cũng chỉ tiền, tiền. Mỗi người chỉ được nhận có 320 nghìn đồng thôi.
-       Bác đùa đấy à, số tiền đó thì dùng được vào việc gì?
-       Thì cũng được chục bát phở bình dân với mấy đĩa quẩy.
-       Trời ạ, khi con người ta phanh phui tiêu cực là họ chấp nhận mọi mối hiểm nguy đến với bản thân và gia đình mình. Đãi ngộ bèo bọt thế ai còn dám đương đầu với cái xấu nữa?
-       Vậy đừng ăn phở nữa. Dùng mấy trăm nghìn đó đi mua gà giống, cũng được chục con, chịu khó nuôi 6 tháng, chúng sẽ đẻ trứng, ấp lấy con, rồi cứ thế nhân lên, chỉ vài ba năm là có bạc triệu, chẳng mấy lúc mà giàu.
-       Vậy những người được thưởng, họ có ý kiến gì không?
-       Ý kiến gì chứ, họ chỉ biết ôm mặt khóc thôi.

-       Phải địa vị tôi, có lẽ tôi cũng chỉ biết khóc. Tôi khóc không biết vì cái xấu bị diệt trừ hay khóc vì giá trị của lòng tốt đang bị phỉ báng. Cám cảnh.
       Cận

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Thưởng show “hàng”


-       Thưởng “nóng” và thưởng “nguội” khác nhau chỗ nào hả bác?
-       Có thế mà cũng phải hỏi, thưởng “nóng” là thưởng ngay lập tức, giữa trận tiền để khích lệ, động viên đối tượng được thưởng. Còn thưởng “nguội” là để từ từ, bàn bạc, có khi hàng năm trời mới trao, thậm chí lờ đi.
-       Vậy việc một vận động viên cầu lông đoạt giải cao quốc tế vừa xuống sân bay đã được đại diện lãnh đạo môn thể thao này chạy ào ra tặng cho cái phong bì khổ A4 thì gọi là gì?
-       Là thưởng “ấm” hay chính xác hơn gọi là thưởng show “hàng”.
-       Bác nói vậy là có ý gì?
-       Đơn giản là, khi vận động viên này xuống máy bay, biết chắc là sẽ có nhiều cơ quan báo chí săn đón, vị lãnh đạo này in vội cái phong bì trông cực kì nhem nhuốc, phản cảm, giơ trước ống kính phóng viên để chứng tỏ sự “quan tâm” đối với nhân tài.
-       Cái phong bì xấu đẹp thì đã sao, quan trọng là trong đó có mấy chục triệu đồng. Thế là tốt rồi. Tôi đang cần mấy trăm nghìn mua đôi giày mới mà có ai cho đâu.
-       Với người Việt mình, “cách cho” được coi trọng lắm, chẳng thế mà thời bao cấp, nhiều người bụng đói cồn cào mà miệng lúc nào cũng ngậm cái tăm để tránh những lời mời rơi mời rụng. Người mang tiền thưởng ra sân bay chắc gì đã vì sự yêu quí, trân trọng nhân tài, có khi chỉ để thỏa mãn mong muốn được xuất hiện trên ti vi cũng nên.
-       Có lẽ thế thật, tôi thấy nhiều vị mang quà tặng những thủ khoa hay sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, khi đến màn chụp ảnh, bao giờ cũng len vào giữa, đẩy bật người được tặng quà ra phía sau, cố phưỡn bụng, cười tươi trước ống kính.

-       Thế nên tôi mới gọi là thưởng show “hàng”, giờ thì bác đã hiểu rồi chứ.
      Cận

Xử lí nửa vời


-       Ở Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) có ông Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã kiêm nghề chở gỗ thuê bác ạ.
-       Tốt quá. Lương nhà nước ba cọc ba đồng làm sao đủ chi phí sinh hoạt đắt đỏ, ai chẳng phải làm thêm cái gì đó để cải thiện cuộc sống
-       Vấn đề là, ông này chỉ chở gỗ lậu, gỗ khai thác trái phép thôi.
-       Nếu vậy thì to chuyện rồi đây. Người ta là cán bộ, phải thận trọng khi nhận xét, đánh giá, chớ có qui kết bừa. Họ chở củi về đun mà lại “nâng quan điểm” thành chở gỗ lậu là không được đâu.
-       Chỉ chở củi mà ông ấy phải chấp nhận chịu phạt 13,5 triệu đồng, chịu để toàn bộ số gỗ trên xe bị tịch thu à?
-       Nếu thế, chắc chắn đây là hành vi tiếp tay cho lâm “tặc”, thậm chí, ông này là lâm “tặc” cũng nên. Vậy đã có biện pháp xử lí kỉ luật ông này chưa?
-       Chưa thấy động tĩnh gì, chắc lại hòa cả làng thôi.
-       Xử lí nửa vời như thế, nếu là tôi, ngay ngày mai tôi lại tiếp tục phá rừng. Tiền phạt bõ bèn gì so với lợi nhuận từ khai thác gỗ trái phép.
-       Vậy theo bác, những trường hợp tương tự thế này chính quyền địa phương phải làm thế nào cho hợp lẽ?
-       Cứ tống hết vào tù là xong.
-       Nước mình có nhiều loại “tặc” lắm, lấy chỗ đâu mà nhốt được hết đám này?
-       Nếu không xử tù thì bắt bọn chúng khắc phục hậu quả. Là lâm “tặc” thì bắt đi trồng rừng vài năm, là cát “tặc” thì bắt gánh hết số cát trộm cắp lên thượng nguồn đổ xuống sông, hay gánh thẳng đến các công trình xây dựng cách nơi khai thác trái phép vài chục cây số, chúng sẽ “tởn” ngay.

-       Nghe cũng có lí. Vậy còn bọn dâm “tặc” thì làm thế nào, không lẽ….?
     Cận

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Chẳng ở đâu an toàn


-       Hôm vừa rồi trên mạng xuất hiện tràn lan ảnh Bộ trưởng Giao thông của Singapore đi làm bằng xe buýt bác ạ.
-       Ông ấy ngồi trên xe nhưng xúm xít xung quanh là đội ngũ bảo vệ, người dân phải đứng cách xa hàng mét, chưa vã mồ hôi đã có người đưa khăn cho lau mặt, như thế, tôi đi xe buýt cả đời cũng được.
-       Theo ảnh chụp thì ông ấy đi một mình, và rất thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, nhờ thế mà đã ban hành được nhiều chính sách cải cách hợp lí loại phương tiện này.
-       Thì ông ấy cũng là con người, thỉnh thoảng cũng nên khổ sở một tí, cuộc sống mới thú vị. Ở mình cũng đã từng có vị Bộ trưởng lên xe buýt đấy thôi.
-       Tôi biết hồi tết vừa rồi có một Bộ trưởng trèo lên xe, hỏi han lái xe và hành khách dăm câu ba điều, khi xe chuẩn bị chuyển bánh thì tụt xuống ngay.
-       Chắc ông ấy có việc đột xuất nên phải về giải quyết?
-       Tôi không rõ lí do, nhưng phàm đã là lãnh đạo thì cái cần nhất là phải gần dân, không ai chết vì phải đi một chuyến xe buýt cả.
-       Ở mình, cứ bước chân lên xe buýt là gặp chuyện, không bị sàm sỡ, móc túi thì cũng bị chen lấn xô đẩy. Đấy còn chưa kể lái xe chạy nhanh, vượt ẩu, lấn làn, tranh giành khách. Việc Bộ trưởng nhà mình không dám đi xe buýt cũng dễ hiểu thôi.
-       Vậy mà Bộ này gần đây đã cử tất cả 7 thứ trưởng vi hành tìm hiểu tình hình đấy.
-       Chớ dại dột thế, đi đường thủy thì dễ bị chìm tàu chết mất xác, đường bộ tai nạn như cơm bữa, đi tàu hỏa lại bị ôtô đâm đổ ở đường ngang, đi máy bay thì lo nổ lốp khi hạ cánh.
-       Nói như bác thì chỉ còn cách ngồi nhà là an toàn?

-       Cũng chưa chắc. Bác không thấy vừa rồi xe container đâm sập 2 ngôi nhà giữa đêm sao. Cứ chui vào xe tăng vi hành là yên tâm nhất.

     Cận

Khó qui trách nhiệm

                                             
-       Sắp tới, chắc sẽ thiếu cán bộ lãnh đạo phường, có khi phải nhập khẩu.
-       Sao lại thế được, làm lãnh đạo ai chẳng thích, hô một tiếng có mà lấy rổ xúc không hết. Sao tự nhiên lại khan hiếm hả bác?
-       Thì vừa rồi có 2 phó chủ tịch phường bị cách chức vì để nạn mại dâm “làm loạn” trên địa bàn đấy thôi. Cứ cái đà này, còn nhiều người bị cách chức nữa.
-       Phạt người mua dâm hay bán dâm, chứ sao lại cách chức cán bộ địa phương, vô lí quá?
-       Trước đây vẫn áp dụng như vậy, nhưng không dẹp nổi tình trạng này. Giờ qui trách nhiệm cho chính quyền phường, mại dâm sẽ hết đất sống.
-       Cũng chưa chắc, nếu gái “bán hoa” hoạt động ở khu vực giáp ranh thì làm thế nào? Công an phường này xuất hiện, gái mại dâm liền chạy sang đất phường kia, có mà đuổi cả ngày.
-       Thì phải phối hợp nhịp nhàng với nhau chứ…
-       Thế nhỡ những người làm nghề này hoạt động nơi tiếp giáp với phường thứ ba, thứ bốn thì làm thế nào, không lẽ mỗi khi đi dẹp tệ nạn xã hội lại phải “đồng khởi” ở hàng chục phường, thậm chí trên toàn thành phố?
-       Cần thiết cũng phải làm, nhưng như thế thì tốn kém lắm, khó duy trì được thường xuyên.
-       Đấy mới chỉ nói đến mại dâm, vậy nếu để xảy ra các tệ nạn khác như lấn chiếm lòng lề đường kinh doanh trái phép, cờ bạc, lô đề, lãnh đạo phường có bị xử lí không?
-       Cách chức tuốt.

-       Nếu thế thì chẳng mấy lúc mà “tuyệt chủng” cán bộ cơ sở, bởi phố nào, phường nào chẳng có tệ nạn. Để xảy thực trạng này, còn có lỗi ở cấp thấp hơn như thôn xóm, hay ở cấp cao hơn là quận, thành phố nữa chứ.

     Cận

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Chết dần chết mòn

                                        
-       Bác đã bao giờ được nghe chuyện cổ tích chưa?
-       Nhiều chứ. Hồi còn nhỏ, tôi vẫn được bà và mẹ kể cho nghe mỗi khi đêm xuống, hay vào những trưa hè râm ran tiếng ve bên khóm tre giữa vườn.
-       Trong số chuyện cổ dân gian bác thích nhất chuyện gì?
-       Chuyện Thạch Sanh. Chẳng là, thời sinh viên, mỗi khi hết cái ăn, bạn gái lại mang sang cho tôi gói mì tôm. Cô ấy bảo đấy là mì Thạch Sanh. Lần nào cũng vậy, cô ấy lại nói về cái niêu đất cứ ăn hết lại đầy. Nhờ câu chuyện này mà tôi nuôi dưỡng được nỗi khát khao, vượt qua khó khăn, vươn lên học tốt đấy.
-       Bác có tin vào những câu chuyện như vậy không?
-       Ai mà tin được, nhưng sự hư cấu đó giúp tôi có thêm nghị lực sống để thực hiện hoài bão của mình.
-       Những câu chuyện mà bác coi là bịa giờ đang trở thành hiện thực. Ở  một số thành phố phía Nam, gần đây xuất hiện nhan nhản nồi cơm Thạch Sanh đấy.
-       Thật sao, tôi phải mua một cái mới được. Có nó, sẽ không lo đói kém mất mùa nữa.
-       No bụng, nhưng sẽ sớm mắc ung thư, thủng, loét dạ dày.
-       Thế là sao, bác nói rõ tôi nghe xem nào?
-       Vừa rồi, cơ quan chức năng phát hiện một số hộ kinh doanh hàng ăn đã trộn vào nồi cơm một thứ bột có thể khiến số lượng cơm tăng lên gấp 3 lần. Tuy chưa có kết luận chính thức, nhưng thứ hóa chất này nghe nói họ hàng rất gần với một số bệnh nan y.
-       Nếu vậy thì kinh khủng quá. Hết cá tầm nhiễm kháng sinh, sữa làm dậy thì sớm, giờ lại đến nồi cơm “Thạch Sanh”, sao dân mình cứ tự hại người mình thế nhỉ?

-       Bác hỏi tôi, tôi biết hỏi ai? Đói không đáng sợ, nghèo không đáng lo, kinh khủng nhất là việc con người đang chết dần chết mòn cả về thể xác lẫn tinh thần bởi chính đồng bào vô lương tâm của mình.
      Cận