Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Bán rẻ y đức

-       Theo bác, con mắt có vai trò thế nào đối với mỗi con người?
-       Ở ý nghĩa sinh vật học, con mắt giúp người ta nhìn đường, tránh vấp ngã, phân biệt màu sắc, biết được người con gái đứng trước mặt xấu hay đẹp để còn quyết định có cưới làm vợ hay không…
-       Ý tôi muốn hỏi ở khía cạnh tâm hồn, trừu tượng kia.
-       Nhờ hàng ngày chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt mà con người ta tránh được tội lỗi, làm điều lương thiện. Có chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quê hương, đất nước, nhà thơ mới có những tác phẩm làm hàng triệu trái tim thổn thức…
-       Tóm lại là, theo ý bác, nhờ có con tim, khối óc và đôi mắt con người sẽ trở thành thiên thần phải không?
-       Đúng thế! Nhân loại chẳng từng ví “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” sao, người lương thiện thường có ánh mắt trong veo, người vất vả, khốn cùng mờ đục, đờ đẫn, mắt của kẻ bạc ác, đê tiện lại luôn vằn đỏ đấy thôi.
-       Mọi cảm nhận của bác giờ phải thay đổi. Gần đây, ở một bệnh viện mắt ở Hà Nội người ta phát hiện lãnh đạo và bác sỹ nơi đây đánh tráo thủy tinh thể rởm để lắp cho bệnh nhân đấy.
-       Vấn đề là bệnh nhân có nhìn thấy gì không?
-       Vẫn nhìn được nhưng làm sao sáng rõ, chính xác như đồ “xịn” được. Đường thẳng rồi sẽ hóa cong, trắng đen khó phân biệt, nước biển biến sang màu vàng, bầu trời chuyển sang màu tím, mọi giá trị đạo đức, nghệ thuật sẽ bị đảo lộn…
-       Thế thì nguy hiểm quá, mục đích của việc làm sai lệch thị lực của các bác sỹ là gì hả bác?

-       Vì tiền cả thôi. Vì tiền người ta sẵn sàng bán rẻ lương tâm, y đức, bất chấp sức khỏe đồng loại mà.
     Cận

Nỗi đau từ sự vô cảm

        
-       Bác có thích xem xiếc không?
-       Tất nhiên rồi. Hồi nhỏ tôi mê nhất môn này. Tối nào tôi cũng cùng chúng bạn ra rạp xiếc đầu phố, lẻn sau lưng mấy anh soát vé vào xem. Có hôm bị bắt, bị xoắn tai tưởng đứt mà vẫn không chừa, giờ vẫn bồi hồi với cái cảm giác thuở ấy.
-       Tôi cũng như bác vậy, thích xem xiếc lắm. Vậy mà vừa rồi, ở một trường mầm non người ta đọc trên loa oang oang bắt một số em phải ngồi yên trên lớp không được xuống sân trường xem xiếc.
-       Đúng là không có nỗi khổ nào bằng phải một mình trên lớp, trong khi các bạn hò reo trước các tiết mục ảo thuật, đu bay, xiếc thú. Chắc các cháu này nghịch quá, các cô không cho xem sợ ảnh hưởng tới các bạn chứ gì?
-       Không, các cháu rất ngoan.
-       Vậy có khi đây là những đứa hay tè dầm, “bĩnh” lung tung. Đang ngồi xem mà hít phải hương vị bất chợt của chúng thì mất hết hứng thú?
-       Không, các cháu rất khỏe mạnh và có ý thức. Các cháu không được xem bởi bố mẹ nghèo không có tiền mua vé nhà trường bán.
-       Nhưng hôm đó đoàn xiếc vẫn về diễn đấy thôi?
-       Đúng vậy.Thế mới có chuyện để suy ngẫm. Giờ nhiều giáo viên có lối ứng xử như người máy vậy. Chỉ vì mấy đồng bạc, họ sẵn sàng vùi dập niềm đam mê của trẻ thơ.
-       Vậy mấy đứa bị buộc ngồi lại trên lớp, chúng làm gì?
-       Đứa thì bắt chước xiếc thú bò lổm ngổm dưới sàn nhà, đứa bay từ bàn này sang bàn khác như diễn viên, còn mấy cháu gái thì dúi đầu vào xó lớp thút thít.

-       Sự vô cảm của người lớn là nỗi đau theo bọn trẻ suốt đời. Cả đời chúng rồi sẽ không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh này.
       Cận

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Lỗi từ chính quyền địa phương


-       Với bác, nơi nào thiêng liêng nhất?
-       Chẳng cứ gì tôi, với bất cứ người Việt Nam nào, mồ mả ông cha, bàn thờ tổ tiên là những cái đáng ngưỡng vọng hơn cả.
-       Đấy là trong phạm vi gia đình, bác hiểu sao về ngôi đình làng?
-       Đình là biểu tượng thiêng liêng của cả cộng đồng. Nơi đây thường thờ người khai thiên lập địa, là tổ nghề hay sáng lập ra dòng họ lớn nào đó. Đình còn là nơi phân xử mâu thuẫn nội bộ, nơi sinh hoạt văn hóa của cả một địa phương…
-       Vậy mà, nhiều ngôi đình hiện nay ở Hà Nội đang bị người dân xâm hại nghiêm trọng, có nơi còn bị biến thành nhà riêng.
-       Sao có thể thế được, tôi biết có những ngôi đình phụ nữ có chồng không được bén mảng, những kẻ từng tù tội không được lai vãng, mỗi khi nhà có việc như ma chay hiếu hỉ, người dân lại sắm lễ vật thắp hương cầu xin…
-       Đấy là trước kia thôi, bây giờ nhiều ngôi đình đã biến thành quán ăn, thành cửa hàng bán nội y, thậm chí có nơi biến thành nhà nghỉ.
-       Thì thành hoàng làng cũng phải ăn, phải mặc, phải nghỉ ngơi chứ. Phục vụ tại chỗ các cụ sướng quá còn kêu ca gì nữa. Mà tôi cũng không hiểu làm sao mà các cặp trai gái có thể đua nhau vào đây hú hí trước mặt những bức tượng được nhỉ, không sợ các cụ vật à?
-       Ôi dào, khi đã hứng chí lên rồi ai còn để ý gì đến xung quanh. Người có lỗi ở đây là chính quyền địa phương đã không quyết liệt từ đầu, thậm chí có nơi còn bật đèn xanh cho con cháu lấn chiếm ấy chứ.

-       Tình hình này rồi sẽ có ngày thần linh sẽ phải thuê nhà nghỉ để tá túc tại chính ngôi đình của mình cũng nên, cám cảnh.
      Cận

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

            Tránh voi chẳng xấu mặt nào
                                                                   Cận
-       Bác có hay chơi golf không?
-       Ối giời, đây là môn thể thao dành cho giới quí tộc, một lão bảo vệ về hưu như tôi tiền đâu mà bén mảng tới nơi đó. Trước đây, đã có thời gian dài tôi khoác túi, nhặt bóng thuê cho mấy đại gia đấy.
-       Ngoài tiền ra, để theo được môn này đòi hỏi con người ta phải có tố chất gì?
-       Phải tinh mắt, biết tính toán, đặc biệt phải rất khỏe. Dùng gậy vụt quả bóng bay xa hàng trăm mét không phải người bình thường nào cũng làm được.
-       Thảo nào mà hôm vừa rồi, không hiểu tức giận chuyện gì đó mà một “ông chủ” chỉ dùng có một gậy vụt thẳng vào đầu người phục vụ ngay trên sân golf, khiến người này gục tại chỗ.
-       Có lẽ trời nắng quá khiến mắt bị lóa nên người này đã nhầm đầu người phục vụ với quả bóng cũng nên?
-       Làm gì có chuyện đó. Một đằng đen trũi to như quả bưởi, đằng kia nhỏ như quả chanh lại trắng hêu hếu thế, có mù cũng không nhầm được.
-       Hay có khi ông này mới mua gậy nên thử độ “ngọt” cũng nên. Thế “ông chủ” thích dùng đầu người để thử gậy này có bị xử lí gì không?
-       Nghe nói chỉ bị lập biên bản và bị ban quản lí cấm chơi trên sân này 6 tháng.
-       Không được chơi trên sân này thì sang chơi sân khác, không thể phạt kiểu phủi bụi thế được. “Ông chủ” côn đồ này là con ông cháu cha à?

-       Tôi không rõ. Tôi nghĩ, chắc chính quyền nơi đây xử nhẹ như vậy vì sợ ông này tay khỏe, bực lên ông ấy bổ một gậy vào đầu thì vợ con mất nhờ nên chẳng muốn giây. Tránh voi chẳng xấu mặt nào
Không còn là con người
                                                          Cận
-       Theo bác, ăn bớt đáng yêu hay đáng ghét?
-       Cũng tùy theo quan niệm mỗi người. Tự ăn bớt khẩu phần của mình để giúp những số phận cơ nhỡ, hay bớt thời gian nghỉ ngơi, riêng tư để cống hiến được nhiều cho xã hội thì đấy là hành vi đáng khen…
-       Ý tôi muốn hỏi việc bớt xén tiêu chuẩn của người khác để tư lợi kia.
-       Nếu thế thì thậm xấu. Bác lại ăn bớt tiền chợ vợ đưa để ra bờ hồ đánh cờ đấy à?
-       Bác tài quá, nói trúng phóc. Ý tôi muốn hỏi cảm nghĩ của bác về việc bệnh nhân phong bị cán bộ ở một trung tâm da liễu thuộc Hà Nội ăn bớt thuốc kia.
-       Người mắc bệnh phong đồng nghĩa với việc đã đeo trên cổ mình cái án tử hình. Không chỉ chịu đựng nỗi đau đớn khi bị rụng dần tứ chi, họ còn bị người thân ruồng bỏ, xã hội tuy có cưu mang nhưng cũng rất hạn chế. Nói chung đây là những người vô cùng khốn khổ.
-       Vậy mà mới cách nay ít tháng chính lãnh đạo trung tâm này bị dư luận và báo chí tố cáo bắt người bệnh ăn thịt sống, giờ lại thêm vụ ăn bớt thuốc. Không hiểu họ có còn là người nữa không mà nỡ ứng xử với người mắc bệnh phong như vậy.
-       Chắc các lãnh đạo ở đây cho rằng ăn thịt sống mới giữ được hết những tinh túy của đất trời, nhờ thế mà khỏi bệnh cũng nên. Các loài vật chẳng ăn chín uống sôi bao giờ mà chúng có mắc bệnh đâu. Cán bộ ở đây ăn bớt thuốc chỉ nhằm kích thích tính tự điều chỉnh trong mỗi người bệnh. Uống lắm thuốc chỉ tổ hại gan chứ bổ béo gì.
-       Số thuốc bị ăn bớt đó được dùng vào việc gì nhỉ?

-       Bác đi mà hỏi các điều dưỡng viên ở trung tâm, chứ sao lại cật vấn tôi, vô duyên.

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Tha hồ mà hốt bạc


-       Theo bác, người Việt mình có những đặc điểm gì mang tính đặc trưng nhất?
-       Cao nhất là tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thứ đến là lòng nhân ái, cần cù lao động…
-       Còn gì nữa?
-       Tính thủy chung, sắt son một lòng với bạn bè, gia đình…
-       Bác chưa đề cập đến khả năng sáng tạo. Gần đây, một chương trình quốc gia về giáo dục đã có “sáng kiến” cho học sinh nằm học bác đã biết chưa?
-       Sao lại thế, cả thế giới người ta ngồi học, trừ một số môn như thể dục, an ninh quốc phòng, dã ngoại thì đứng học, chưa thấy ở đâu nằm học bao giờ.
-       Nhờ những “sáng kiến” kiểu này mới tạo nên “bản sắc giáo dục” Việt Nam được chứ. Vừa rồi ngành giáo dục tài trợ cho một số trường học trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu số lượng lớn bàn ghế thiết kế dành cho các lớp mẫu giáo, khiến các cháu lớp trên phải nằm bò trên mặt bàn để viết. Nhiều cháu vừa viết được mấy chữ đã ngáy khò khò.
-       Chắc ngành giáo dục nghĩ rằng chỉ có nằm học máu mới lên não nhiều, mới phát huy được hết trí tuệ học sinh?
-       Tôi cũng không rõ hiệu quả của dự án này đến đâu, chỉ thấy rằng, nhiều bậc phụ huynh phản ánh, do các cháu ngủ trên bàn nhiều quá giờ về nhà nằm trên giường lại không ngủ được, suốt đêm cứ chong chong nằm đếm thạch sùng trên trần.
-       Thế cũng tốt, đời người ngắn lắm, ngủ nhiều làm gì, phí phạm.
-       Nhưng vấn đề là, nếu cứ học nằm mãi, cả một thế hệ sớm muộn cũng sẽ bị còng.

-       Thì sao chứ, trên thế giới sẽ không có nước nào nhiều người còng như nước mình, rồi du khách sẽ đổ xô đến chiêm ngưỡng, tha hồ mà hốt bạc.
     Cận

Thu phải hợp lí



-       Sao mặt dài thuỗn như cái bơm thế bác?
-       Vừa đi họp cho mấy đứa cháu, đầu năm học phải nộp nhiều tiền quá.
-       Vì tương lai con cháu, tốn kém chút ít tính toán so đo làm gì, nghĩ ngợi nhiều dễ sinh trầm cảm lắm.
-       Mọi năm tôi có ý kiến gì đâu, bảo nộp tiền lắp điều hòa, tiền đồng phục, tiền quĩ lớp… là tôi nộp ngay. Năm nay nhà trường thông báo nộp tiền gãi lưng khiến tôi không biết đâu mà lần, bức xúc quá.
-       Bác có nghe nhầm không, khoản thu đó chỉ có trong quán mát-sa thôi chứ.
-       Thì các cô giải thích, giờ nghỉ trưa, để các cháu dễ ngủ, các cô sẽ thủ thỉ kể chuyện cho các cháu nghe. Nếu cháu nào vẫn không chịu ngủ, cứ chồm dậy đánh bạn, cô sẽ đến nằm cạnh xoa lưng, vuốt má để cháu dịu bớt cơn nóng, trôi dần vào giấc mơ êm đềm với những hình ảnh đẹp về bánh trung thu, về trăng rằm.
-       Mỗi khi con cái khó ở, bà mẹ nào chẳng làm thế, các cô gãi lưng hay xoa đầu các cháu có gì lạ chứ
-       Vấn đề là các cháu muốn được cô gãi lưng thì ông bà hay bố mẹ phải trả thù lao cho cô. Cái gì cũng tiền thế này thì còn gì là môi trường sư phạm nữa?
-       Thì chỉ cho phép cháu bác ngứa lưng ở nhà thôi, cấm chỉ không được ngứa ở lớp. Bác đau mình mẩy đi tẩm quất thì phải trả tiền. Cháu bác ngứa lưng đòi cô gãi thì phải chi phí cho cô, kêu ca gì nữa.

-       Thực ra, để góp phần giảm bớt gánh nặng cuộc sống cho thầy cô tôi rất sẵn sàng. Tuy nhiên, thu gì thì cũng phải hợp lí. Hôm nay bọn trẻ ngứa lưng thu như vậy, mai chúng nó ngứa ở những chỗ quan trọng hơn chẳng lẽ lại thu thêm hay sao. Thực trạng này dứt khoát phải dẹp bỏ.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Có thờ có thiêng…


-       Bác đã cúng sao giải hạn chưa?
-       Tôi có buôn tàu bán bè hay làm vương làm tướng gì đâu mà phải cúng.
-       Bác nghĩ làm bảo vệ thì không phải kiêng cữ gì sao? Bác nên thắp mấy nén hương cầu xin thần linh che mắt mấy thằng ăn trộm đêm hôm không rình rập cơ quan nơi bác đang làm việc, cho bác được ăn ngon ngủ kĩ cũng tốt chứ sao.
-       Bác dạo này mê tín quá, tôi chẳng tin lắm vào cái trò đó.
-       Có thờ có thiêng có kiêng có lành. Nhờ cúng bái cẩn thận mà vừa rồi gặp tai nạn giao thông tôi chỉ bị gãy có hai cái chân thôi, nếu không ấy à, “thăng” lâu rồi.
-       Thảo nào mà dạo này đến nhà bác lúc nào cũng thấy hương khói nghi ngút, vàng mã đốt tùm lum, lãng phí quá.
-       Chẳng cứ gì nhà dân, nhiều cơ quan nhà nước cúng bái mới ghê, có nơi chi phí lên đến hàng chục triệu đồng mỗi lần.
-       Tốn thế cơ à, cơ quan công quyền mà sao phải viện đến thần linh chứ?
-       Bác chẳng hiểu gì cả, cúng để sếp yên ổn thì cơ quan mới bình an, thần thánh không xui thanh tra đến làm việc, mới che mắt cơ quan kiểm toán không phát hiện ra chuyện làm ăn khuất tất…
-       Cơ quan càng có nhiều sai phạm thì làm lễ càng to, nhưng thường tập trung ở các doanh nghiệp làm ăn kinh tế thôi. Trường hợp lãnh đạo Cung Văn hóa Thanh niên ở một thành phố cảng trong dịp Rằm tháng bảy vừa rồi cho cả cơ quan nghỉ vào ngày làm việc để hành lễ linh đình mới đáng nói. Cơ quan văn hóa mà dị đoan thế thì cầu cái gì và còn nói được ai?

-       Thì họ xin năm nay không xuất hiện các trường hợp như bà Tưng vung vẩy “hàng họ” tứ tung, để họ không bị dư luận ném đá nữa, có thế mà cũng phải hỏi.
      Cận

Ai biết đấy là đâu

            
-       Sao mà đi đứng lẩy bẩy thế bác?
-       Mấy bữa nay cái phổi lại có vấn đề, ho không ăn uống gì được nên hoa mắt chóng mặt quá.
-       Thế bác vào viện khám xem thế nào, không chủ quan được đâu?
-       Tôi vào viện ở quận Hai bà Trưng gần tháng nay rồi, không những không khỏi mà bệnh còn nặng thêm, nên hôm nay trốn về nghỉ ngơi vài bữa đây.
-       Bệnh của bác đâu phải nan y mà khó chữa. Thế bệnh viện cho bác uống thuốc gì?
-       Thì họ cho uống thuốc hạ huyết áp.
-       Sao lại thế, bác bị ho thì phải cho uống kháng sinh chứ.
-       Ai chẳng biết thế, nhưng loại thuộc đặc trị ở bệnh viện này hiếm lắm, lại rất đắt, trong khi đó thuốc huyết áp, đi ngoài, cảm cúm lại tồn kho rất lớn, cứ bán cho bệnh nhân uống thoải mái?
-       Bệnh nào phải dùng thuốc đấy, không uống bừa bãi được. Cho uống quá liều bệnh nhân lăn quay ra đấy ai chịu trách nhiệm.
-       Để giải quyết thuốc tồn kho, bác sỹ vẫn cho người bệnh dùng thuốc đúng liều, chỉ có điều họ yêu cầu kéo dài thời gian sử dụng ra thôi.
-       Bác cứ đùa dai, uống thuốc quá liều, hậu quả sẽ nhãn tiền ngay.
-       Tôi có nói uống quá liều trong một bữa trong một tuần đâu, ví dụ thuốc chữa huyết áp mỗi ngày uống một viên trong 30 ngày, giờ họ cho dùng 200 ngày.
-       Nhỡ bệnh nhân chuyển sang bệnh khác thì sao?

-       Đến lúc đấy hẵng hay, thường họ chỉ mắc chứng nghiện thuốc suốt đời. Nếu biến chứng sang bệnh khác ai biết đó là đâu, kệ chứ
      Cận

Tốt mã giẻ cùi


-       Bác thấy tôi có đẹp trai không?
-       Quá đẹp. Nếu tôi là bà lão 80 tôi sẽ sẵn sàng đi với bác đến cùng trời cuối đất.
-       Tôi định nhờ mấy công ty truyền thông quảng bá hình ảnh của tôi ra khắp thế giới, bác thấy thế nào?
-       Cũng có lí. Những phụ nữ đã sống trên dưới một thế kỉ đang cô đơn giờ nhiều lắm. Họ mà vớ được một ông lão vẫn hàng ngày lượn được mấy vòng hồ Gươm như bác chắc sẽ rất mừng.
-       Mấy bà già thì nói làm gì, tôi muốn thu hút sự chú ý của các hotgirl kia.
-       Ối giời, bác có bị thần kinh không đấy, đám trẻ mới lớn ai quan tâm đến mấy lão “khọm” như tôi với bác?
-       Tôi đâu cần đến sự chú ý của bọn trẻ, cái tôi mong muốn là chúng nó tập trung thật đông để “chiêm ngưỡng” dung nhan của tôi, nếu có vài đứa hú hét như điên khi tôi xuất hiện, chen nhau xin chữ kí càng tốt.
-       Tôi hiểu rồi, bác muốn được như “trai đẹp” vừa sang Việt Nam chứ gì?
-       Đúng vậy. Thấy anh ta trong buổi bán đấu giá mà tôi ham quá. Chỉ để được ăn tối với anh này, người đấu giá phải trả 23 triệu đồng, cái khăn cũng bán được mấy triệu, cái kính bán hơn bốn triệu, thấy mà ham. Tôi muốn đấu giá cái áo đang mặc trên người, mới dùng có hơn 10 năm chứ mấy, còn tốt chán.
-       Hôi như tổ cú ai người ta mua. Mà dân mình thật lạ quá, trai Việt thiếu gì người đẹp mà phải bỏ ra 4,5 tỷ đồng mời một thanh niên “tốt mã giẻ cùi” sang đây vơ vét chứ?

-       Bụt chùa nhà có mấy khi thiêng. Phải đưa “hàng” lạ ra thì mới móc túi được khách hàng chứ. Cái khiến tôi bức xúc lại là việc công ty tổ chức sự kiện này đã quá coi thường nam thanh nữ tú Việt, phải phạt nặng.
      Cận

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Đừng cứng nhắc thế

                                 
- lần sau ra đường bác nhớ ăn mặc chỉn chu vào nhé.
- thì áo sơ-mi cho trong quần, đi săng- đan da, lịch sự thế bác còn đòi hỏi gì nữa?
- Ý tôi muốn là bác phải đi giày vào, trông thế mới đủ bộ, giống như yêu cầu của lãnh đạo một trường trung học phổ thông ở tỉnh Hậu Giang vậy.
- Trời nóng chảy mỡ thế này, đi giày bốc mùi ai mà chịu được.
- Thế mà trường đó buộc các cháu học sinh phải đi giày đến lớp.  Nhiều cháu quên hoặc không chấp hành đã bị thầy giáo chủ nhiệm dùng kéo cắt nát dép đấy.
-Thì thầy làm thế để lần sau nhớ không được vi phạm nữa.
- thế nhỡ các cháu nữ không mặc quần áo đồng phục đến lớp thầy cũng cắt phéng đi à?
- Bác toàn hỏi khó. Các thầy làm thế để cả trường theo một qui chuẩn chung, chứ mỗi người một kiểu thì còn ra thể thống gì nữa.
- Bác nói thế không được. Nhiều gia đình nghèo ăn còn không đủ, tiền đâu mà mua giày. Mà theo tôi, cũng không cần thiết phải cứng nhắc hàng ngày bắt các cháu mặc đồng phục đến trường, chỉ cần mặc chào cờ sáng thứ hai hay vào dịp kỉ niệm là được rồi.

- Tôi cũng nghĩ thế. Tuổi trẻ là phải rực rỡ sắc màu, chứ cứ một kiểu như đàn chim cánh cụt trên bờ biển trông đơn điệu lắm. Mà mấy ông thầy đó cũng rỗi hơi. Thời gian đi rình cắt dép của các cháu nên dành để soạn giáo án, bổ túc phương pháp giảng dạy hiện đạI, nâng cao kiến thức học sinh. Làm thế họ sẽ được cả xã hội, trong đó có cha mẹ học sinh cám ơn lắm lắm.
Cận

Không phải ngẫu nhiên đâu

- Bác chuẩn bị đi đâu vậy?
- Tôi đi phô-tô mấy cái giấy khai sinh nộp cho phòng tổ chức.
- Thế bác đã hỏi thầy bói chưa?
- Sao phải hỏi, chỉ là đi sao giấy tờ thôi mà.
- Bác không chịu cập nhật thông tin gì cả. Ở Nghệ An có một ông giám đốc một doanh nghiệp nhà nước đã phù phép năm sinh từ 1968 thành 1972 đấy, tự nhiên trẻ hơn 4 tuổi, bao nhiêu lộc lá sẽ từ đây mà ra, bác cũng nên làm như vậy.
- Chuyện đổi tuổi thì liên quan gì đến thầy bói chứ?
- Chẳng là, ông cán bộ này có đơn gửi cấp trên trong đó viết, vì gia đình hay gặp chuyện không may, được thầy bói phán phải đổi sang năm sinh khác mới thoát được tai ương, nên ông này đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét.
- Thế cấp trên ông này trả lời thế nào?
- Sở Nội vụ đã tìm hiểu và có công văn đề nghị cấp trên phê duyệt theo đúng lời phán của thầy bói.
- Lãnh đạo địa phương này thật nhân ái, họ sẵn sàng vi phạm pháp luật vì đời sống tâm linh, mê tín dị đoan của cấp dưới, đáng khen quá.
- Trong xã hội thiếu gì người có số phận không may, ai mà cũng đòi đổi thế này thì loạn. Mà sao ông này không xin tăng mà lại xin hạ tuổi nhỉ?
- Thì thầy bói bảo thế.

- Tôi chẳng tin có sự vô tư ở đây, giảm 4 tuổi tức là ông này sẽ tại vị được thêm một nhiệm kì đấy. Bốn tuổi tức là 48 tháng, mà mỗi tháng chỉ nhận mức lương 200 triệu đồng như "ông trùm móc cống" ở một thành phố phía Nam thôi, thì số tiền thuế của người dân bị thất thoát sẽ không nhỏ đâu. Trên đời này có cái gì là ngẫu nhiên chứ.
Cận