Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Ăn mày đòi xôi gấc


- Bác Viễn này, sau chuyến đi miền Trung vừa rồi tôi phát hiện được một điều rất quan trọng.
- Bác mới tìm được hang động hay cánh rừng nguyên sinh mới à?
- Không, tôi nhận thấy ở miền Trung có rất ít người béo, cơ thể ai cũng sắt lại như cây phi lao ngoài bãi biển vậy.
- Những người gầy thường ít bệnh tật, chắc họ phải tập luyện vất vả lắm?
- Cuộc sống khốn khó luôn rình rập thời gian đâu mà luyện tập thể thao.
- Vậy có khi họ quanh năm phải chạy bão, chạy lũ nên người mới “sọp” như vậy đấy!
- Cũng chỉ đúng một phần. Họ teo tóp như vậy là do sử dụng đồ cứu trợ đấy!
- Bác cứ đùa, người đời thường nhịn ăn để giảm cân, chứ có ai gầy đi vì ăn bao giờ.
- Vậy tôi hỏi bác, bác đã mua bao nhiêu bộ quần áo mới cho đồng bào bị bão lụt miền Trung đợt gần đây?
- Tiền đâu mà mua đồ mới, tôi ủng hộ ít tiền với một bao tải quần áo cũ cho đỡ chật nhà.
- Chính cái lối làm từ thiện bằng đồ thải, đồ thừa của những kẻ như bác đang làm cho đồng bào trong đó khốn khổ hơn đấy!
- Bác đừng có vu oan giá họa. Tôi đã làm gì sai nào?
- Ủng hộ người đang gặp hoạn nạn bằng thứ quần ảo rách nát không đáng làm giẻ lau, cho người bệnh thuốc quá hạn sử dụng, mì ăn liền hỏng, gạo mốc meo… như thế phải tội lắm!
- Bác chẳng hiểu gì tôi cả. Tôi mà ủng hộ quần áo mới, TV đưa hình ảnh người dân ăn trắng mặc trơn lên sóng ai người ta cứu trợ cho nữa. Phải mặc đồ thật rách rưới vào, càng tiều tụy càng tốt, có thế, quốc tế họ mới thương.
- Thế nhỡ thuốc quá “đát”, thịt hộp thối khiến người dân gặp bệnh tật hay chết thì ai chịu trách nhiệm?
- Bác cứ hay cả lo. Sức đề kháng của bà con tốt lắm. Năm nào họ chẳng gặp lũ, năm nào chẳng uống thuốc rởm, ăn gạo mốc mà có sao đâu. Mỗi khi có trận bống đá họ nườm nượp kéo tới sân, hò hét kinh lắm, chứng tỏ là họ rất khỏe.
- Thôi đi, khi con người ta khốn khó, người ta mới cần đến sự giúp đỡ. Việc cho cũng phải có văn hóa, có thế tấm lòng của chúng ta mới có ý nghĩa.
- Ăn mày còn đòi xôi gấc. Không lấy thì cứ trả lại, tôi dùng làm giẻ lau xe.
- Không ai nắm tay được cả ngày. Chẳng may nhà bác gặp lũ, người ta cứu trợ bác mấy cái giẻ rách, bác có chịu được không?
- Tôi sẽ từ chối.
- Vậy bác lấy gì để quấn vào thân?
- Tôi cứ để vậy ngâm mình dưới nước, ai thấy được mà lo.
Cận

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Ăn chơi đừng sợ mưa rơi



- Bác Viễn có muốn lên TV, được cả nước ngưỡng mộ không?
- Được thế ai chẳng muốn, nhưng khó lắm. Lâu nay, mỗi khi cả nhà đi vắng hết tôi vẫn ăn mặc thật chỉnh tề thắt cà vạt đàng hoàng rồi tắt hết điện trong phòng, kéo ghế ngồi trước TV thấy bóng mình hắt từ đó ra, cũng oai ra phết. Chỉ buồn một nỗi không có ai nhìn thấy mình.
- Ý tôi là bác có muốn lên TV thật không cơ?
- Muốn chứ, bác mà cho tôi được lên TV dù chỉ vài giây thôi, tôi sẵn sàng cõng bác đi ăn phở sáng một tháng liền.
- Sắp tới có cuộc đấu giá từ thiện, bác cứ đăng kí với Ban tổ chức là sẽ mua một đồ vật vớ vẩn nào đó với giá vài chục tỷ đồng, họ sẽ xếp bác ngồi hàng ghế VIP ngay, tha hồ mà hướng mặt lên ống kính, cả nước sẽ được chiêm ngưỡng dung nhan của bác, sướng nhé!
- Ối giời, bán cả nhà cửa, cả đôi vợ chồng già này đi cũng chẳng được nổi tỷ bạc, lấy đâu ra mà ủng hộ lắm thế!
- Tôi có buộc bác phải có nhiều tiền đâu, chỉ cần ai hỏi bác cứ bịa là chủ tich hội đồng quản trị công ty XYZ nào đó là được.
- Cái bản mặt hãm tài sau hơn 30 năm làm bảo vệ của tôi nói vậy ai người ta tin
- Ở nước mình bây giờ dị nhân nhiều lắm, trông bác cũng không đến nỗi bất lương lắm đâu, cứ mạnh dạn lên.
- Đã lên đến đó rồi không lẽ suốt buổi ngồi im thin thít?
- Ai bảo bác làm thế, phải đấu giá thật hăng vào chứ!
- Ôi, thế nhỡ trúng đấu giá thì lấy tiền đâu mà trả?
- Cái đó để tính sau. Chỉ cần khi MC hỏi, bác phải tự giới thiệu mình thật hoành tráng, là người thành đạt, lắm tiền nhiều của và trong huyết quản luôn bừng bừng tinh thần yêu nước thương nòi, sẵn sàng chia sẻ tài sản cho người nghèo là được.
- Thế hôm sau người của Ban tổ chức đến nhà thu tiền thì làm thế nào?
- Cứ tắt điện thoại, về quê vài bữa là ổn.
- Chẳng trốn được mãi đâu, có lên trời họ cũng moi ra.
- Đến nước đó thì cứ nói là không có tiền, luật pháp nào bỏ tù người không chịu làm từ thiện nào?
- Nhưng hành vi của mình sẽ được phơi bày trên mặt báo, ngượng lắm, còn mặt mũi nào mà nhìn hàng xóm láng giềng nữa.
- Ăn chơi thì đừng sợ mưa rơi. Nhiều ngôi sao nổi tiếng, giàu có chỉ vì muốn thu hút sự chú ý của khán giả sẵn sàng vén xiêm y lộ cả “hàng họ”, “bưởi bòng” nhảy tưng tưng trên sân khấu kia kìa!
- Của họ mơn mởn, roi rói khán giả còn khoái xem, chứ của lão già bảy mươi như tôi mà hở ra thì…
Cận

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Ngồi đấy mà mơ


- Bác Viễn này, liệu tôi có nên lấy vợ nữa hay thôi?
- Một lần khổ ải chưa sáng mắt hay sao mà lại muốn chui đầu vào rọ. Tôi lại thấy hai chữ tự do nó mới ngọt ngào làm sao.
- Ai chẳng biết thế, nhưng nay tôi đã già, cũng cần có người nâng khăn sửa túi chứ?
- Đã nhịn được thì nhịn cho trót, tôi lại e rằng dính vào cái “món” chị em chẳng mấy chốc khăn đi đằng khăn, túi đi đằng túi đấy!
- Chuyện vợ chồng cũng có nhiều cái thú, tôi quyết tâm đi thêm bước nữa đấy!
- Thế bác định bỏ tôi một mình bơ vơ trên cõi đời này à? Mà này, bây giờ lấy vợ cũng không dễ đâu.
- “Bẩn tướng” như bác mới khó, chứ phong độ, đẹp lão như tôi thì dễ ợt.
- Thôi đi bác, ở tuổi bẩy mươi, sức đã kiệt, xúc miếng cơm vào mồm còn run lẩy bẩy thì tù ti tú tít thế nào được. Thanh niên bây giờ khối đứa còn đang ế vợ kia kìa.
- Chắc chúng kén quá nên mới thế. Tiêu chí chọn vợ của tôi đơn giản thôi, chỉ cần trạc tuổi 30, dáng dấp cao ráo, trắng trẻo, mặt mũi ưa nhìn, có thêm chút bằng cấp, nhà cửa, vốn liếng nữa thì càng tốt.
- Ngồi đấy mà mơ. Các nhà khoa học vừa cho biết, khoảng chục năm nữa người Việt mình sẽ phải sang châu Phi lấy vợ đấy!
- Sao lại thế, bác nói gì tôi không hiểu?
- Chỉ vì cái thói “trọng nam khinh nữ” mà tình trạng sinh đẻ ở nước ta đang mất cân bằng nghiêm trọng. Với tỉ lệ 120 nam/100 nữ như hiện nay thì khoảng chục năm nữa thôi, chúng ta sẽ phải nhập khẩu phụ nữ.
- Ý bác muốn nói là đến lúc đó, thị Nở cũng khó kiếm phải không?
- Đúng thế. Đẹp trai, to cao như Lý Đức còn ế chỏng vó nữa là lão khọm răng giả đầy mồm như bác.
- Nếu vậy, tôi càng phải lấy vợ sớm, hai bà một lúc càng tốt, phải dự trữ chứ. Đợi đến lúc “hàng họ” khó kiếm tôi sẽ nhượng lại cho bác một bà. À mà sao người Việt mình không sang châu Âu hay châu Mỹ tìm vợ mà lại là châu Phi hả bác?
- Ở cái xứ văn minh, giàu có ai người ta rước cái giống “ăn mặn đái khai” như bác. Nếu không nhanh chân, phụ nữ châu Phi cũng không còn cho bác nữa đâu.
- Người châu Phi được cái khỏe mạnh, tối nào họ cũng cõng chồng vào phòng ngủ. Tôi ngại nhất một điều hôm nào mất điện mà vấp phải đôi mắt trắng dã của các mẹ ấy ở cầu thang thì có mà lên cơn nhồi máu cơ tim, hãi lắm!
Cận

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Phở và thiên tài


- Làm thiên tài cũng chẳng sung sướng gì bác Viễn nhỉ?
- Ai nhồi vào đầu bác cái suy nghĩ ngớ ngẩn thế? Mấy bữa nay cả xã hội nháo nhào cả lên vì một nhân tài toán học nhận giải quốc tế đấy. Có được người nhà như thế có bị ném vào vạc dầu dưới địa ngục tôi cũng hởi lòng hởi dạ.
- Từ hôm được nhận giải đến giờ, cậu ấy bị kéo đến hết lễ tôn vinh này đến lễ tôn vinh khác, chẳng còn thời gian làm khoa học nữa. Các trường tranh nhau nhận là nơi đào tạo ra thiên tài này. Thậm chí có quán phở nơi cậu ấy đã từng ghé qua một lần cũng có tấm biển ghi rõ nơi nhà toán học đã từng… nếm phở.
- Thì hoa thơm mỗi người ngửi một tí mà!
- Nhưng tôi nghe nói cậu ấy chủ yếu được đào tạo ở nước ngoài, mọi chi phí học hành bao nhiêu năm trời cũng do gia đình lo, nhà nước có mất gì đâu?
- Đành rằng như thế, nhưng cậu ấy vẫn là người Việt Nam, là niềm tự hào của đám con rồng cháu tiên, phải về phục vụ đất nước chứ!
- Nghe nói có cơ quan đã mời cậu ấy về làm việc với mức lương 5 triệu đồng một tháng, gấp 3 lần lương hưu của tôi đấy!
- Số tiền ấy qui ra phở thì được bao nhiêu bát?
- Nếu là phở bình dân thì được 250 bát, vị chi mỗi ngày cậu ấy được ăn 8 bát
- Thế là nhiều rồi, cả tuần nay tôi có được bát phở nào vào mồm đâu, ăn nhiều rau muống đến nỗi giờ nhìn cái gì cũng thấy xanh lè bác ạ. Vậy ngoài phở ra, cậu ấy còn được hưởng chế độ gì nữa?
- Xơi ngày gần chục bát phở còn đòi quần áo đẹp, xe cộ, nhà cửa nữa à, còn lâu nhé.
- Ô, vậy khi cậu ấy đi dự hội nghị khoa học, hay đơn giản ngồi nghiên cứu ở cơ quan thì mặc gì?
- Ai mà biết được. Thiên tài thường quên mặc quần áo rồi chạy ra đường làm thơ là chuyện thường mà!
- Với thu nhập như thế, ai người ta muốn cống hiến cho đất nước nữa. Tôi nghe nói có trường đại học ở nước ngoài mời cậu ấy giảng dạy với mức lương gần 30 nghìn USD một tháng đấy!
- Quy ra phở thì được bao nhiêu?
- Bác thì lúc nào cũng phở, khoảng 30 nghìn bát mỗi tháng.
- Ối giời, đủ cho cả phường ăn no nê hàng tháng trời, như vậy là gấp gần 100 lần mức lương trong nước trả cơ à?
- Đó là chưa kể chế độ nhà biệt thự, xe sang trọng, phòng thí nghiệm vào loại hiện đại nhất cho cậu ấy làm việc.
- Dù sung sướng thế nhưng ở nước ngoài làm gì có phở mà ăn. Tôi nghe nói các thiên tài Việt phát tiết được là nhờ phở đấy. Tốt nhất là cậu ấy nên về nước phục vụ, mua một căn nhà nhỏ cạnh quán phở, có thế tài năng của cậu ấy mới không bị mai một đi.

Cận

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Hội nhập mà!


- Trời đẹp thế này mà ngồi nhà đăm chiêu nghĩ ngợi gì thế bác Viễn?
- Tôi vừa ở bờ hồ Hoàn Kiếm về, bực mình quá đi thôi!
- Chắc các bà, các cô không cho bác tập thể dục nhịp điệu cùng chứ gì?
- Phong độ như tôi bà nào nỡ từ chối chứ.
- Vậy bác bị mấy thằng cha cờ bạc bịp ngoài đó lột sạch rồi phải không?
- Không phải. Sáng nay cụ rùa lại nổi lên đấy. Nhìn cụ xác xơ tôi đoán cụ sắp “đi” đến nơi rồi, thương quá.
- Phỉ phui cái mồm độc địa của bác. Cụ nổi lên để đón chào Hà Nội nghìn năm tuổi đấy !
- Chào mừng thì phải hân hoan, tươi tắn, đằng này trông cụ tiều tụy như vừa cưới vợ trẻ vậy.
- Ối giời, tiều tụy thế ai chẳng muốn. Sáng nay cụ nổi lên có lâu không bác?
- Chừng một tiếng đồng hồ, cụ lảo đảo bơi quanh hồ, trên lưng cõng một nàng rùa tai đỏ phây phây, béo tốt như bà chủ tiệm vàng vậy
- Các cụ xưa nói cấm có sai bao giờ, anh hùng dẫu đã xuống lỗ vẫn có mĩ nhân xin theo cả đàn. Nàng tai đỏ có xinh không bác?
- Đẹp lắm, nhưng không mang bản sắc rùa Việt. Nàng đứng trên lưng chồng mà vẫn liếc mắt đưa tình với đám đông xúm xít hai bên bờ, thỉnh thoảng còn giơ chùm móng đỏ chót lên ngắm nghía, mặc cho đức lang quân hổn hển ngụp lặn chống chọi với những cơn sóng dữ.
- Không có xuất xứ bản địa, vậy nàng tai đỏ ở đâu ra?
- Nghe nói có công ty phía Nam cho nhập loại rùa này, phát tán trong cộng đồng, rồi người dân mua về phóng sinh xuống hồ.
- Cũng tốt, rùa Việt vốn vóc dáng nhỏ bé, đen đúa, chân cẳng vòng kiềng, đầu to nhưng não nhỏ, ở trong nhà thì tranh nhau ăn, ra ngoài gặp thằng đầu gấu thì im thin thít, giờ phối giống với kẻ ngoại tộc thì mới mong thay da đổi lông được chứ!
- Nhưng cái giống rùa tai đỏ này chúng phàm ăn và hung dữ lắm. Sức ăn của chúng gấp mấy lần rùa Việt, mà toàn ăn ngon. Khi ân ái thì rít lên ầm ầm, cao hứng lên còn cắn đứt cả cổ chồng.
- Không sao, thế mới có cảm giác là đang tồn tại chứ. Sống mà nhàn nhạt, đơn điệu, dịu êm, chẳng có chút bão tố nào, chán lắm!
- Vấn đề là, con cháu cụ lại toàn mang gen họ ngoại, tóc vàng, mắt xanh, đòi đi “tè” cũng bằng tiếng Anh, bác có chịu được không?
- Có gì mà không chịu được, hội nhập mà!
Cận

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Cải đồng...hoàn lão


- Đúng vào lúc anh em ta chuẩn bị về với tổ tiên thì người ta tìm được thuốc cải lão hoàn đồng bác Viễn ạ, mừng quá!
- Bác không đùa đấy chứ? Để có được loại thuốc này, đắt mấy tôi cũng mua, “máy móc, thiết bị” dạo này rệu rão hết cả rồi, cần phải trẻ hóa ngay.
- Trẻ lại, khỏe lại để làm gì vậy?
- Bác bị thiểu năng trí tuệ đấy à. Trẻ, khỏe để lấy vợ mới chứ làm gì nữa.
- Thế bà lão hiện giờ bác tính sao?
- Gần đây bà ấy hay làm thơ tình lắm. Ràng buộc cả đời với người vợ đã gần 70 tuổi là có tội đấy, nên để bà ấy được tự do yêu đương chứ. Thuốc tiên này bán ở đâu vậy bác?
- Không phải thuốc mà là một loại sữa có xuất xứ từ nước ngoài có khả năng thúc đẩy trẻ dậy thì sớm.
- Thế thì phải gọi là “cải đồng hoàn lão” chứ. Già cả như anh em mình nhỡ uống vào lại già như ông Bành tổ thì sao?
- Tôi cũng không rõ loại sữa này có ích gì với cái đám già luôn yêu đời, yêu người như tôi với bác không, nhưng chắc chắn nó có tác dụng với đám trẻ từ 1 đến 2 tuổi.
- Bác có đùa không đấy, các cháu mới biết đi chập chững thì dậy thì làm sao được?
- Thế mới có chuyện để nói. Nhiều cháu mới mới có 18 tháng tuổi, vì uống loại sữa này mà có những biểu hiện của tuổi 15-16.
- Có nghĩa là “đồi núi, sông suối, rừng rú” cũng bắt đầu phát triển?
- Đúng vậy.
- Trời ạ, thế thì kinh khủng quá. Vậy nếu những đứa trẻ đang bập bẹ học nói này đòi dựng vợ gả chồng thì sao?
- Thì cho chúng lấy nhau. Cưới bây giờ hay 20 năm nữa mới cưới khác gì nhau. Để chúng thưởng thức sớm hương vị của tình yêu cũng có cái hay. Rồi chúng sẽ sớm thất vọng về nhau, chúng sẽ làm thơ tình ở tuổi mẫu giáo.
- Và chúng sẽ sinh con đẻ cái nữa chứ. Tôi chưa thể hình dung nổi hình ảnh những đứa trẻ mới vài tuổi mang bầu 9 tháng, “bưởi bòng” thè lè như vậy sẽ đi đứng ra sao. Loại sữa “tình yêu” này đã có ở Việt Nam chưa bác?
- Tôi cũng không rõ, nhưng ra đường thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những cháu mới học tiểu học mà ria mép đã đen sì.
- Thôi chết rồi, thảo nào mà thằng cháu đích tôn của tôi mới học mẫu giáo lớn mà sáng nào cũng mượn dao cạo râu của ông, lại đòi mẹ cho mua cho quần “sịp” nữa chứ. Sữa ơi là sữa ơi!
Cận

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Giao trứng cho ác



- Nghe nói con gái bác Viễn sắp cưới phải không, chúc mừng nhé!
- Cám ơn bác! Cháu nó lấy chồng xa nên gia đình buồn quá, chẳng muốn tổ chức linh đình làm gì.
- Ở đâu thì cũng là nước mình, giao thông bây giờ thuận tiện lắm, nhoắng một cái là đến nơi, việc gì phải ủ rũ thế?
- Khốn nỗi, cháu nó lại lấy chồng nước ngoài, mấy năm chẳng về thăm nhà một lần, dễ mất con lắm bác ạ.
- Kêu ca cái gì, khi nó gửi đô-la về thì ai tiêu cho. À, mà cháu nó lấy chồng nước nào vậy?
- Người Hàn quốc hay Đài Loan gì đó, tôi cũng chưa hỏi.
- Xem phim Hàn quốc thấy đàn ông nước họ thật đáng yêu. Rồi đây có con rể đẹp như diễn viên đừng có vác mặt lên nhé. Thế thằng rể của bác bao nhiêu tuổi rồi?
- Cũng còn khá trẻ, kém tôi có 2 tuổi thôi.
- Như vậy là gần 70, chấp nhận được. Ông bạn tôi có cậu con rể hơn bố vợ 10 tuổi, hôm đón dâu, mải cười rơi cả hàm răng giả vào bát súp. Lúc vái gia tiên, chẳng hiểu sao cậu ta ngã dúi cả vào gầm bàn thờ, hô hấp nhân tạo mãi mới tỉnh, từ hôm đó đến giờ toàn ra đầu ngõ đứng cười một mình.
- Tôi cũng đang lo đây. đêm động phòng, thằng rể mà“lao động” quá sức chẳng may bị tai biến mạch máu não thì có mà hết hơi. Con gái mình chưa được làm vợ ngày nào đã phải cõng chồng vào viện châm cứu, tội nghiệp lắm.
- Thì đừng gả cháu nó cho người nước ngoài nữa. Bác đã nghe chuyện cô dâu Việt bị chồng người Hàn quốc đánh chết chưa?
- Tôi cđng có nghe, nhưng bác yên tâm, thằng rể nhà tôi già lắm rồi, cài cái khuy áo còn chẳng làm nổi thì đánh được ai, cùng lắm là bị nó đánh sưng mặt, què chân, què tay, không chết được đâu.
- Biết thế mà còn giao trứng cho ác?
- Nhà nghèo nên con gái phải khổ nhục kế thôi. Làm dâu xứ người mới có tiền gửi về cho bố mẹ làm nhà, nếu khấm khá thì đón cả nhà sang Hàn quốc chơi, tha hồ ăn nấm Kim chi với sâm Cao Ly chứ!
- Chọn rể già thế bác không lo con mình sớm góa bụa sao?
- Chồng chết sớm thì con gái mình mới sớm được hưởng thừa kế. Lấy chồng trẻ, bắp tay to như cái cối say, nó “quại” một phát là con mình toi ngay, chẳng dại.
Cận

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Ngộ chữ cả lượt



- Con người thật kì diệu bác Viễn nhỉ?
- Đúng thế! Bác đang có điều gì vui phải không?
- Chẳng là mấy bữa nay đọc báo thấy viết nhiều về một cô bé đỗ thủ khoa 2 trường đại học, tự nhiên tôi thấy vui, thêm tin tưởng vào lớp trẻ.
- Chắc là thủ khoa của mấy trường không ai thèm đăng kí chứ gì?
- Không, đỗ đầu vào 2 trường đỉnh nhất.
- Kinh thế kia à? Chắc nhà cô bé này phải giàu lắm mới có tiền thuê thầy “xịn” dạy dỗ?
- Trái lại, gia đình cô thuộc dạng siêu nghèo, bố mẹ luôn ốm yếu, nằm một chỗ, mâm cơm quanh năm chỉ có rau với cà.
- Các cụ thường nói “một quả cà bằng ba thang thuốc”, ăn lắm cà thế thì chỉ có ngu đi chứ học giỏi làm sao được?
- Không chỉ hoàn thành tốt việc học, cô còn rất chăm chỉ làm ruộng giúp đỡ bố mẹ.
- Ngày xưa bà Từ Hi thái hậu đãi khách quí món Sâm thử, nhiều người lẩn trốn vì lợm giọng không thể nuốt nổi. Họ không biết đây là những con chuột được nuôi bằng sâm, ăn vào cực kì bổ dưỡng, trí tuệ sáng láng. Có lẽ rau muống và cà nhà cô bé thủ khoa được tưới bằng nước sâm và cao hổ cốt nên mới thông minh thế!
- Vớ vẩn, rau còn chẳng có mà ăn, đào đâu ra sâm với hổ cốt.
- Nếu thế chắc cô bé xấu xí lắm, nhan sắc luôn tỷ lệ nghịch với trí tuệ mà.
- Trái lại, cô ấy xinh đẹp, cao ráo không thua gì mấy cô hoa hậu, hoa khôi.
- Thật à? Con bác với con tôi ăn mặc luôn thừa mứa mà sao chúng dốt thế nhỉ?
- Chắc ăn lắm quá nên lú mề, ngộ chữ hết cả lượt rồi!
- Cứ nghĩ đến con người ta giỏi giang thế tôi lại thấy rầu rĩ hết cả gan cả ruột.
- Cô bé thủ khoa đó có lên Hà Nội học thì cũng sớm thân tàn ma dại thôi!
- Sao bác lại nói thế, giỏi thế, tương lai phải rực rỡ chứ?
- Với đà tăng học phí thế này, sinh hoạt lại đắt đỏ, cô bé sẽ phải quần quật làm thêm để trang trải cho bản thân và gửi về giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Vai u thịt bắp như tôi với bác còn chẳng trụ nổi nữa là tấm thân liễu yếu đào tơ.
- Phải cố học để được học bổng chứ!
- Bõ bèn gì. Bác thấy có con cá nào lớn nổi vì thính của người đi câu không?
Cận

Nhất cử lưỡng tiện



- Bác Viễn chắc là thích uống sữa lắm nhỉ?
- Sữa ai chẳng thích. Đến như cụ Cố trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố còn mê mẩn uống sữa của chị Dậu nữa là người đang phong độ cao như tôi.
- Sữa người thì nói làm gì, tôi muốn hỏi bác có hay sử dụng sữa hộp không?
- Vậy mà tôi cứ tưởng bác chuẩn bị giới thiệu cho tôi một “cô gái Hà Lan” trẻ trung xinh đẹp tràn trề “lương thực” cơ đấy. Sữa hộp lâu rồi tôi không mua vì đắt quá!
- Vậy mà mấy bữa nay các loại sữa lại đua nhau tăng giá đấy!
- Họ tăng giá là để người dân hạn chế sử dụng sữa, tránh nguy cơ béo phì cho thế hệ trẻ. Hành vi này đáng được khen thưởng.
- Thôi đi, bác có biết mỗi đợt tăng giá sữa là người dân bị móc túi vô lí hàng ngàn tỷ đồng không?
- Thì không uống sữa nữa, chuyển sang ăn cái khác.
- Nhưng trẻ sơ sinh lấy đâu ra răng để mà nhai cơm?
- Không ăn được cơm thì chọn cái gì mềm mềm cho trẻ nuốt chửng cũng được chứ sao. Cầu thủ Văn Quyến vừa đẻ ra đã ăn khoai nhoay nhoáy mà “phi” trên sân như tên lửa, có sao đâu?
- Trước khác, giờ khác, thời buổi này làm gì còn ai nuôi con bằng ngô khoai sắn nữa
- Chính vì cái tư duy “đua theo thời đại” của bác mà các doanh nghiệp lợi dụng đấy. Thấy hãng nào bắt chẹt, khách hàng phải đồng lòng tẩy chay ngay, doanh nghiệp không đàng hoàng chỉ có mà khóc tiếng Mán.
- Xăng, dầu, điện, nước tăng giá chỉ cần hạn chế sử dụng là ổn, chứ sữa cho trẻ, hay bệnh tật của người già làm sao mà rút bớt đi được? Viện phí cũng như giá sữa tăng thế chứ tăng nữa người dân vẫn phải bấm bụng chi trả.
- Vậy phải làm thế nào hả bác?
- Mua một con bò sữa về nuôi. Sáng vắt sữa cho con cháu uống, chiều bác cưỡi bò ra công viên chơi, đỡ phải trả tiền xe ôm, nhất cử lưỡng tiện quá còn gì.
Cận

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Tập thể dục nhiều vào


- Chân cẳng tong teo như cành cây khô mà mặc quần sóoc với giày thể thao trông phản cảm lắm bác Viễn ạ.
- Kệ tôi. Tập thể thao chứ đi đâu mà cần phải có tính thẩm mĩ
- Sắp đi Đài Hoa thân hoàn vũ rồi còn bày đặt chuyện tập tành làm gì vậy, đang hồi xuân à?
- Xuân đâu nữa mà hồi? Tôi chịu khó tập là để vớt vát lấy chút sức khỏe, chứ giờ mà đi viện không chết vì bệnh thì cũng chết vì viện phí
- Tôi cũng nghe thông tin ngành thuốc đang đề xuất tăng tiền khám chữa bệnh gấp nhiều lần, cá biệt có thứ tăng hơn 60 lần.
- Chính vì lẽ đó mà nhiều người vào chữa bệnh hắc lào, nấm lang ben, nhưng khi đọc hóa đơn thanh toán đã lên cơn tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim đấy
- Ngành thuốc căn cứ vào đâu mà tăng lắm thế nhỉ?
- Chẳng riêng gì ngành này, các ngành khác khi đề xuất tăng giá đều đưa ra con số chót vót để nhà nước trừ hao đi là vừa
- Liệu sau khi tăng viện phí các dịch vụ khám chữa bệnh có được cải thiện không bác?
- Đừng có mà nằm mơ! Bác không thấy giá xăng dầu, điện, học phí tăng đã nhiều lần mà chất lượng phục vụ vẫn trên đà tuột dốc hay sao?
- Vậy phải làm thế nào bây giờ?
- Phải tập thể dục nhiều vào, nếu thấy có bệnh thì mua thuốc chuột mà uống, đừng để phải vào viện mà khuynh gia bại sản đấy
- Đến lúc ấy thì thuốc chuột cũng sẽ tăng giá. Nếu chẳng may mua phải thuốc chuột rởm, uống vào không chết lại béo phây phây, mỗi bữa ăn chục bát cơm, lúc nào cũng thèm giăm bông, bít tết, nhìn thấy chị em mà mắt cứ long lanh lên thì có mà hết hơi
- Tăng viện phí để trả lương cho y bác sỹ cao hơn, đến lúc đó chắc tiêu cực sẽ hết bác nhỉ?
- Làm gì có chuyện đó. Bác có thấy con chuột nào vào kho thóc chỉ ăn uống no nê rồi về nhà nằm ngủ không? Khi về hang, bao giờ chúng chẳng tha theo vài hạt để dự trữ. Con người cũng thế thôi, họ hay lo xa lắm
- Nếu đúng như lời bác nói thì việc ba đến năm người bệnh nằm chung một giường sẽ vẫn diễn ra?
- Bác phải cám ơn bệnh viện đã tạo cơ hội chứ kêu ca gì. Thử hỏi, ở nhà bác có khi nào cùng lúc được gác chân lên người mấy em xinh tươi không?
- Chẳng may nằm cạnh mấy em bị thần kinh, suốt đêm ngoác miệng ra cười thì hãi lắm
- Già rồi mà còn kén cá chọn canh
Cận

Người thầy hiện đại



- Bác Viễn này, nhìn cái dáng lòng khòng, chân tươi, chân héo của bác mà tôi
chán quá, chẳng mang quốc hồn quốc túy gì cả.
- Ô hay cái bác này, ngứa mồm hay sao mà hôm nay thích chọc vào nỗi đau của tôi vậy?
- Hơi đâu mà đi trêu ghẹo bác, chẳng qua là trong thời buổi hội nhập này cái gì người ta cũng nâng lên tầm quốc gia, quốc tế nên tôi nhắc bác thực hiện nghĩa vụ công dân thôi.
- Nước mình đang cố gắng thoát khỏi kiếp nghèo, mọi thứ còn lạc hậu, yếu kém lắm, đã có gì xứng tầm thế giới đâu?
- Thế thì phải cố mà tìm ra cái gì đó quảng bá rầm rộ lên như “quốc hoa”, “quốc rau”, “quốc gạo”, “quốc thịt” chẳng hạn.
- Ôi nếu thế thì nước mình có nhiều thứ mà nước khác không có lắm, ví dụ như “quốc vượt đèn đỏ”, “quốc chửi bậy” “quốc vứt rác bừa bãi”…
- Thôi, thôi! Đấy là những cái tiêu cực, cái xấu, phải giấu đi chứ!
- Nghe nói gần đây ngành giáo dục muốn đưa bộ môn Vovinam vào trường học, đây chính là sự khởi đầu cho “quốc võ” đấy!
- Ồ, tốt quá! Từ nay các cháu sẽ có sức khỏe để “cõng” cặp sách đến lớp. Cái đám học sinh hư được học võ sẽ chỉ “xử lí” thầy cô, bạn bè bằng tay chân, không cần đến gậy gộc, dao, kéo nữa, chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều cái chết thương tâm.
- Thì dạy cả giáo viên nữa, để họ có cái mà phòng thân.
- Có người năm sáu chục tuổi đầu rồi, đi từ nhà đến lớp đã hết cả hơi, giờ lại lên tấn, xuống tấn, múa côn vù vù là dễ mắc chứng lao phổi lắm. Khi song phi trò hư, thầy phải nhảy lên, tóc bạc trắng bay phấp phới đẹp như trong phim kiếm hiệp ấy bác nhỉ?
- Hình ảnh người thầy hiện đại nó phải thế, nhưng chẳng may đá không trúng rơi xuống sân trường thì có mà tan xương nát thịt. Lương ba cọc ba đồng lấy đâu ra mà thuốc thang, thương lắm!
Cận

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Tha hồ ngắm



- Mới có mấy hôm không gặp mà trông bác xọm hẳn đi, vết nhăn đầy trên trán, gia đình có chuyện gì à?
- Vợ con thì nghĩa lí gì, tôi đang lo lắng cho dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long
- Cái đó đã có nhà nước lo, thêm bác chỉ tổ quẩn chân chứ ích gì đâu
- Ý thức công dân của bác kém quá. Mỗi người một chút công sức mới làm cho Thủ đô đẹp lên được chứ
- Ối dào, những lời sáo rỗng đó chỉ thích hợp trong các cuộc họp tổ dân phố thôi. Bác đã đóng góp được cho thành phố mấy tỷ rồi?
- Tiền bạc thì ăn nhằm gì, còn khối thứ đáng quí hơn nhiều
- Vậy bác định dựng tượng hay cổng chào bằng vàng khảm ngọc bích à?
- Tầm thường, quá tầm thường. Đầu óc bác chỉ tưởng tượng được đến thế thôi sao?
- Thú thực là tôi có được ăn học đến nơi đến chốn đâu mà nghĩ được cái gì to tát. Thôi, bác nói đi, tôi tò mò lắm rồi
- Vậy tôi hỏi bác khi mưa to Hà Nội có ngập không?
- Còn phải nói, khắp nơi mênh mông nước
- Con người lúc đó làm gì?
- Người nằm nhà, kẻ bơi đến cơ quan.
- Vậy giả dụ, vào dịp Đại lễ xuất hiện trận mưa như hồi năm 2008 thì Hà Nội sẽ thế nào nhỉ?
- Ối giời! Lúc đó sông Tô Lịch, sông Nhuệ sẽ được đổi tên là dòng sông Tây
- Ý bác muốn nói gì?
- Thì dịp này người nước ngoài đến Hà Nội sẽ rất đông. Nước ngập khắp nơi, nắp cống lại bị bọn nghiện lấy mất cả, Mấy ông Tây bà đầm không thạo đường đi lối lại sẽ tụt xuống cống như sung rụng. Từ đây, họ sẽ trôi ra sông, rồi từ sông ra biển để trở về quê hương
- Chính vì lẽ đó nên hàng năm nay tôi phải bạc đầu nghĩ cách giúp chính quyền giải quyết bế tắc này đấy
- Thì ra vậy. Nghe nói, nước ngoài họ dùng hóa chất bắn tan các đám mây đen từ xa được mà
- Tốn kém lắm, hàng tỷ đô-la chứ ít đâu. Cách làm này chỉ ngăn được mưa trút xuống Hà Nội thôi, có ngăn được lũ từ khắp nơi tràn về thủ đô đâu
- Nghe nói chính quyền thành phố định xây hầm chứa nước đấy
- Viển vông quá. Hàng tỷ mét khối nước từ trên trời rơi xuống, hầm nào cho lại. Hơn nữa, lấy đất đâu ra để đào hầm?
- Tốt nhất là chẳng làm gì cả. Mưa cho nó mát. Khách du lịch họ khoái bơi lắm. Những ngày đó mà trời nóng 45-46 độ lại bị cắt điện mới đáng lo
- Phỉ phui cái mồm bác. Trời càng nóng càng thích chứ sao. Đến lúc đó các quan chức cũng như du khách, già trẻ, gái trai ai cũng trần trùng trục cả, tha hồ mà ngắm, sướng nhé

Cận

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

Vì tương lai thôi mà




- Bác Viễn đi đâu về mà trông tơi tả thế kia, vừa gặp “em” nào phải không?
- Còn phong độ để “giao lưu” được với các cô thì nói làm gì. Tôi tiều tụy thế này là vì tương lai đất nước đấy
- Nghe to tát quá nhỉ. Hồi còn trẻ chẳng cống hiến được gì, giờ đã héo khô héo quắt thì chỉ tổ làm gánh nặng cho xã hội thôi. Thế bác vừa làm gì cho tương lai đất nước thêm rạng rỡ vậy?
- Chẳng là, suốt mấy đêm nay, tôi phải ngồi vạ vật ngoài vỉa hè cho muỗi nó đốt, sưng hết cả người
- Bị bà xã đuổi ra khỏi nhà à? Ai bảo “hư” cho lắm vào
- Sắp xuống lỗ rồi có muốn hư cũng chẳng được. Mấy đêm nay tôi phải đi xếp hàng nộp hồ sơ vào lớp một cho đứa cháu nội, vất vả quá
- Khắp các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, giáo viên phải đến từng nhà vận động, năn nỉ các em đến trường, sao bác lại phải lao tâm khổ tứ thế nhỉ?
- Ở thành phố nó khác. Mình chậm chân một chút thôi là con cháu thất học ngay
- Bác đừng có nói quá lên như thế. Tôi cũng vừa đi đăng kí cho đứa cháu vào lớp một, có thấy khó khăn gì đâu
- Đấy là trường của phường, học đúng tuyến. Bác thử xin cho cháu học trái tuyến, vào trường điểm xem, chẳng vỡ mặt ấy à
- Học đúng tuyến gần nhà, đưa đón thuận tiện, chẳng tốt hơn sao?
- Đúng là tư duy của kẻ suốt đời làm bảo vệ. Học trường làng, cháu bác luôn phải tiếp xúc với con cháu của mấy bà bán thịt, bán rau, mấy ông cửu vạn, đánh giày. Mới tí tuổi đầu mà chúng đã ghi đề, cá độ bóng đá nhoay nhoáy, chửi bậy như ranh. Giáo viên thì kém, dạy được ít phút đã hết kiến thức, suốt ngày ngồi ngoáy mũi ngắm học trò, chán lắm
- Có lẽ thế thật. mấy đứa cháu tôi dạo này về đến nhà là ném cặp sách vào gậm giường, gặp người lớn mắt chúng cứ giương lên, chẳng chào hỏi ai một câu. Lắm khi bực quá quật cho mấy cái thì chúng cứ trừng trừng nhìn tôi với ánh mắt nặng trĩu căm hờn
- Tôi biết ngay mà, đổi trường cho chúng nó đi, chỉ tốn hơn nghìn “Đô” thôi
- Ối giời, cướp đâu ra số tiền ấy bây giờ
- Nếu không có thì chịu khó đi xếp hàng với tôi. Không được trường này thì sang trường khác, thức đêm vài tháng chứ nhiều nhặn gì
- Thức đêm ngoài đường cũng hay đấy. Tôi già rồi, ở nhà cũng có chợp mắt được đâu. Suốt đêm mắt chong chong nhìn trần nhà, bên cạnh là bà vợ già xương cốt ọp ẹp, ngáy to như khủng long bị cướp mồi, tôi thấy phí đời trai lắm. Mà sao đi xin học cho cháu mà quần áo bác rách hết thế kia?
- Bác tính, có hàng nghìn người có nhu cầu trong khi chỉ tiêu chỉ có vài chục. Cổng trường vừa mở, người ta ào vào như hồi dân ta cướp kho thóc của Nhật ấy bác ạ. Sáng nay, chạy đến gần bàn làm thủ tục, tôi bị xô ngã, cố mở mắt ra thì thấy một bà sồn sồn ngót nghét một tạ đang quặp chặt lấy cổ tôi, lại còn nhún nhún nữa chứ, mãi mới thoát được đấy
- Thích thế kia à, vậy đêm nay cho tôi đi cùng với nhé
Cận

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

Thế thì nóng lắm !


- Bác Viễn sao mà ủ rũ như gà mắc tóc thế?
- Tôi đang tiếc cho Achentina hay Paragoay không vô địch Wold cup năm nay.
- Ồ lạ nhỉ, bác bắt đầu quan tâm đến thể thao từ khi nào vậy?
- Bóng đá tôi đâu có ham. Vấn đề là tôi đã mất cơ hội được ngắm các thần tượng của mình trong tình trạng “truổng cời”.
- Bác nói gì tôi không hiểu?
- Thì cái ông Maradona và cô siêu mẫu Larissa Riquelme có hứa là nếu Achentina hay Paragoay vô địch Wold cup họ sẽ khoả thân chạy nhông nhông khắp các phố phường, ai muốn ngắm, muốn soi gì tuỳ thích.
- Nhưng việc đó chỉ xảy ra ở nước họ, chúng ta có được xem tận mắt đâu?
- Đầu óc bác đúng là có vấn đề. Những sự kiện liên quan tới các nhân vật lớn như thế bao giờ cũng được truyền hình trực tiếp khắp thế giới. Tôi đã mua sắn cái tivi 100 icnh để được xem cho rõ, ai dè…
- Cô siêu mẫu thì không nói làm gì, còn cái ông Maradona vừa lùn, vừa già, vừa xấu đó mà khoả thân thì ai xem nhỉ? Chẳng biết “hàng họ” có khá khẩm hơn không?
- Họ là vĩ nhân nên chắc là cái gì của họ cũng vĩ đại. Mà sao bác quan tâm nhiều đến “cái đó” thế nhỉ?
- Bác tính, khi các nhân vật này “truổng cời” thì “khán giả” chẳng chú ý đến “cái đó” thì chú ý đến cái gì?
- Trời ạ, mọi người đổ xô đến xem là để được chiêm ngưỡng tình yêu bóng đá, chiêm ngưỡng những con người sẵn sàng làm mọi điều vì danh dự của tổ quốc mình, chứ đâu vì những động cơ thấp hèn như bác nghĩ.
- Chuyện tương tự thế này việc gì phải sang tận trời tây để xem, ở mình cũng có đầy.
- Ồ! bác định làm một cú đột phá đấy à?
- Tuổi như tôi có soi kính lúp cũng chẳng tìm được cái gì. Ý tôi muốn nói là trường hợp của ông quan đứng đầu một tỉnh nọ. Mấy bữa nay cả nước đang xôn xao về mấy bức ảnh “truổng cời” của ông này.
- Thế mọi người có háo hức hay thích thú không?
- Căm phẫn thì có, nhiều người muốn ngắt “cái đó” của ông ta treo lên gác bếp, làm món hun khói.
- Eo ơi, thế thì nóng lắm, chịu làm sao được.
Cận

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Dứt khoát không được


- Bác Viễn có hay tặng hoa bà xã không?
- Thời trẻ, khi còn yêu nhau, nhiều khi cũng muốn tặng bó hoa cho lãng mạn, nhưng ăn còn chẳng có nghĩ gì đến hoa với hoét. Giờ già rồi, răng bà ấy đã rụng cả, mặt lại nhăn nheo, nứt nẻ như bờ ruộng mùa hạn hán mà bỗng dưng mang bó hoa về tặng, bà ấy lại nghĩ mình xỏ xiên gì rồi phẫn chí làm lọ thuốc sâu thì có mà ân hận cả đời, chẳng dại.
- Ai biết trân trọng cái đẹp thì người đó biết yêu chuộng lẽ phải, có lòng nhân ái. Người như bác cả đời chẳng tặng vợ được bông hoa nào thì phải xem lại tư cách làm chồng.
- Bác tính, mỗi bó hoa rẻ ra cũng phải trăm bạc, gần yến gạo chứ ít à. Bác thử chỉ cho tôi xem có ai chỉ ngửi hoa mà sống được nào?
- Đời sống bây giờ đã tốt lên rồi, cũng nên chú ý tới đời sống tinh thần. Cả thế giới họ có quốc hoa rồi, chỉ chúng ta là chưa có thôi, xấu hổ lắm!
- Thế à, quốc hoa là cái gì vậy?
- Là loại hoa biểu tượng cho một đất nước, như hoa tuy líp gắn với Hà Lan, hoa râm bụt ở Malaysia, hoa sen ở Ấn Độ, hoa anh đào ở Nhật Bản…
- Thì mình cũng chọn đại lấy một loài hoa đi.
- Cũng khó lắm, loại hoa đó không được trùng với nước nào, lại phải đại diện cho mọi vùng miền của cả nước nữa.
- Hoa đồng tiền chẳng hạn, đã có nước nào chọn đâu?
- Không được, tên loài hoa này dễ làm cho người ta liên tưởng đến đồng đô-la, Euro, Nhân dân tệ lắm!
- Hay chọn bông lúa vậy.
- Bác lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền và gạo.
- Thì mạnh vì gạo bạo vì tiền mà.
- Ai chẳng biết thế, nhưng thèm nhỏ rãi thì cũng phải biết kiềm chế, giấu kín trong lòng thôi. Chọn cái gì nhã nhặn, lịch sự ấy.
- Hay chọn hoa rau muống vậy, cả thế giới chỉ có dân tộc mình ăn thứ rau này thôi.
- Loại hoa này lúc nào cũng nở tung nở toé, nhăn nhở như mấy con mẹ phe vé ngoài ga Hàng Cỏ, không được.
- Vậy còn một loài hoa luôn khiêm tốn, biết thu mình trước mọi cám dỗ, biết tránh xa mọi thói xấu ở đời, đó là hoa trinh nữ.
- Cũng không được. Cả đất nước đã bước vào kỉ nguyên hội nhập rồi, cứ e ấp thế là sao lấy được chồng, dứt khoát không được.
Cận

Phải chọn thế đất


- Nghe nói bác Viễn đang có ý định mua nhà phải không? Chà, giàu có thế mà mấy hôm trước còn vay tôi tiền về quê cơ đấy!
- Thì hai vợ chồng tiết kiệm cả đời mới có món tiền định mua căn nhà lấy chỗ chui ra chui vào an hưởng tuổi già thôi.
- Thời buổi gạo quế củi châu này mà có tiền để dành là giỏi lắm đấy, bái phục. Thế ngôi nhà bác định mua cạnh chợ Đồng Xuân có rộng không, xây mấy tầng?
- Đâu có, tôi định…
- À, tôi biết rồi, bác mua nhà nơi phố cổ chứ gì? Ở mấy cái phố đó nhà lợp ngói mát lắm, đêm khuya muốn ăn bát phở ra cửa là có ngay.
- Thực ra, tôi chỉ…
- Chắc bác muốn có ngôi nhà nằm ven hồ Tây đúng không? Bác là khôn ghê lắm, ở đó không khí trong lành, chẳng bệnh tật nào vận vào mình được, phải sống đến trăm tuổi là ít.
- Thôi đi, tiền đâu ra mà mua được ở những nơi đó. Tôi định kiếm mảnh vườn ở quê thôi.
- Nhiều người phấn đấu cả đời để được “chòi” từ quê ra phố, còn bác đang yên đang lành ở phố lại đòi về quê là sao?
- Thì về quê cho đầu óc nó nhẹ nhõm, thanh thản, ở thành phố bụi bậm nóng bức lắm.
- Thế bác định làm gì với mảnh vườn rộng hàng héc ta đó?
- Ở đâu ra mà lắm thế, có mấy chục mét vuông thôi. Tôi định làm trên đó một túp lều nho nhỏ, mua cái khung cửi để ở góc nhà. Ngoài vườn trông mấy luống rau, thả ít lợn, gà…
- Thôi, thôi, tôi biết rồi, bác định hàng ngày nằm rung đùi đọc sách, vợ ngồi dệt vải, tối đến cả hai nằm ườn ngoài sân ngắm trăng lên, ngâm thơ cho nhau nghe chứ gì?
- Ồ bác tài quá, sao đoán đúng ước mơ của tôi vậy?
- Nhìn cái bản mặt vốn đần đần là tôi đoán ra ngay cái khát vọng hão huyền của bác. Thế khi mua bác có chọn thế đất không?
- Về hưu rồi, có làm ăn, bon chen gì đâu mà cần đến phong thuỷ.
- Sao lại không cần, này nhé, muốn con cháu hiển đạt thì chọn nơi hàm rồng, tim hổ, muốn ăn ngon thì phải gần chợ, muốn học giỏi phải gần trường, muốn sống lâu thì gần bệnh viện…
- Những cái đó xa vời quá, trời nóng thế này tôi chỉ cần đừng cắt điện thôi.
- Nếu thế dứt khoát phải mua đất cạnh nhà quan chức, nếu được cạnh nhà giám đốc ngành điện thì yên tâm cả đời sẽ mát rười rượi.
Cận

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

Cứ hay cả lo



- Sao mới sớm ra mà bác Viễn đã ra đầu ngõ cười hí hởn một mình thế?
- Tôi vui vì thấy cuộc đời này sao mà đáng yêu quá. Trời xanh, mây trắng, gió hiu hiu. Mặt ai cũng bừng lên, rạng rỡ như mùa xuân đang về. Ôi, sao tự nhiên tôi muốn làm thơ quá!
- Nhìn bác mà tôi thèm nhỏ rãi. Suốt từ sáng đến giờ tôi đứng trước gương cố nhe răng hết cỡ mà lòng vẫn thấy buồn rười rượi.
- Cẩn thận kẻo trầm cảm thì chết. Nếu hết tiền tiêu thì cứ bảo tôi một câu, tôi cho vay, tính lãi tượng trưng thôi. Mà sao hôm nay bác đa sầu đa cảm vậy?
- Vui sao được khi mà sáng nào cũng đọc thấy nhan nhản trên báo về những cái chết đáng thương, rồi chuyện mấy anh cảnh sát giao thông bị mấy tay lái xe côn đồ hất lên nóc ca-pô chạy thục mạng trên phố, rồi…
- Sao dạo này nhiều cảnh sát thích lên nóc ca pô ngồi thế nhỉ?
- Thì bác tính, trời nóng thế này, còn chỗ nào mát hơn trên nóc xe nữa. Chắc mấy tay lái xe thương cảnh sát giao thông suốt ngày hít bụi, phơi nắng nên hất lên đó rồi phóng thật nhanh để gió thổi cho ráo mồ hôi, mát như ngồi điều hoà vậy.
- Nhưng như vậy nguy hiểm lắm, nhỡ rơi xuống thì sao?
- Bác cứ hay cả lo, cảnh sát ai chẳng có võ. Ngã từ nóc ôtô xuống cả đời mới bị vài phát thì ăn thua gì. Rơi xuống đường nhiều xương cốt nó mới cứng cáp, thế mới gọi là rèn luyện chứ.
- Thế mấy tay lái xe có tính thương người đó bị xử lí đến đâu rồi?
- Cũng khó phạt nặng. Nếu mấy anh cảnh sát giao thông đó chẳng may bị chết thì truy tố hình sự được, còn nếu chỉ đi vài ba cái răng hay gãy chân tay thì đám lái xe đó chỉ bị xử phạt hành chính, kèm ít tiền bông băng, thuốc đỏ là xong, ít đối tượng phải vào tù lắm.
- Như thế còn đâu là kỉ cương phép nước, ai còn dám xả thân bảo vệ lẽ phải, chống lại cái ác nữa?
- Bác hay dồn người ta đến đường cùng quá. Phải có lòng nhân ái chứ, nếu lái xe côn đồ bị đi tù cả thì lấy đâu ra nóc ca pô để cảnh sát giao thông ngồi trên đó hóng mát.
- Ừ nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra đấy
Cận

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

Thông minh đột xuất



- Sao vừa sớm ra mặt mũi bác đã cau có thế, bà xã không nấu cho ăn sáng à?
- Ăn uống cái nỗi gì, vừa đến đầu phố đã bị xe của mấy ông “mãnh” tóc xanh tóc đỏ đụng phải, lại còn phải cho mấy chục chúng mới tha cho đi, mất dạy quá
- Bác cứ hay khắt khe. Thanh niên bây giờ nó thế, cũng phải học cách sống chung với “lũ” chứ
- Chẳng ai chấp nhận được lũ nửa người nửa ngợm này. Đi đứng thì nghênh ngang, gặp người trên mắt cứ dương lên
- Đừng bi quan quá thế, khi đất nước có chuyện là cái đám này được việc ra phết đấy bác ạ. Hôm vừa rồi tôi thấy khối thằng đeo khuyên tai, xăm trổ đầy người cứ xông vào đòi được hiến máu nhân đạo cứu người đấy
- Chết dở, máu bọn này chắc toàn HIV cũng nên
- Dẫu gì thì đây cũng là hành vi đáng quí, còn hơn mấy ông to béo hô hào mọi người thì mạnh mồm lắm, nhưng cấm cho ai được cái gì. Đã thế, thấy ai hở ra là hút lấy hút để
- Bác cứ nói quá, họ không hiến máu được là do bận chơi tennis quá thôi. Dẫu sao đi nữa, giao tương lai đất nước cho đám thanh niên ba trợn tôi không yên tâm
- Vậy mà kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa rồi chính cái đám thanh niên bác vừa chê bai này đã gây xốc cho xã hội đấy
- Chúng lại quay cop hay giở trò gì à?
- Bác cứ hay nghĩ xấu, chúng đạt tốt nghiệp gần 100% đấy
- Kinh thế kia à, sao chúng thông minh đột xuất thế nhỉ?
- Nghe nói năm nay thực hiện chủ trương các trường tự coi thi, không cần giám sát của Bộ nữa
- Thế thì đỗ cao là đúng rồi, chuyện này khác gì rán cá xong để trên bàn không đậy điệm gì, trước khi đi làm dặn con mèo “Không được ăn vụng nghe chưa”
- Đấy chỉ là nguyên nhân nhỏ. Nguyên nhân chính thì như một vị quan chức khẳng định: Các cháu đạt điểm cao là nhờ mấy hôm thi trời mát, đồng thời các cháu nỗ lực là nhằm cổ vũ cho dịp đại lễ Hà Nội nghìn năm tuổi
- Thì ra nhân tài nước Việt hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Việc một cháu ở Hà Nội vừa rồi giành giải nhất Đường lên đỉnh Olimpya chắc cũng nhằm hướng tới dịp Đại lễ này, rồi thằng nghiện bớt vài liều Heroin mỗi ngày cũng là nhằm hướng tới…Ô hô, a ha
Cận

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Ôm rơm rặm bụng



- Bác Viễn này, không hiểu ai nghĩ ra cái trò cho học sinh nghỉ hè thế nhỉ?
- Thì các cháu học hành quanh năm vất vả cũng phải cho chúng nghỉ ngơi chứ!
- Cả nhà tôi đang loạn hết cả lên chỉ vì mấy đứa cháu kia kìa.
- Nếu không chăm nom được thì gửi trả cho bố mẹ chúng, ôm rơm làm gì cho rặm bụng.
- Trả được thì đã tốt, bố mẹ chúng nó cũng phải đi làm. Nghỉ ở nhà trông con thì lấy gì mà ăn.
- Tôi cũng đang khốn khổ đây. Từ đầu hè đến giờ tôi còn không có thời gian đọc báo nữa cơ, ngủ cũng chỉ dám nhắm một mắt, phải cảnh giác trông chừng lũ nhóc, sểnh ra là đánh nhau.
- Hôm vừa rồi nhà tôi gặp phen hú vía, chẳng hiểu thằng cháu nội làm thế nào mà leo được lên nóc tủ nằm ngủ, cả nhà nháo nhào đi tìm giữa trưa hè. Khi mọi người thất vọng trở về thấy nó đang ngồi giữa mâm bốc cơm nguội nhét đầy vào hai lỗ tai, bực quá!
- Như thế đã ăn thua gì. Bà nhà tôi bị gai đôi đót sống lưng mà chúng đâu có tha. Suốt ngày chúng bắt bà ấy làm ngựa cho chúng nó cưỡi. Đã thế thằng lớn còn thỉnh thoảng dùng thắt lưng quật vào mông bà bắt “phi” cho nhanh nữa chứ, thật hết chịu nổi.
- Sao trẻ bây giờ nghịch và hư thế nhỉ?
- Bác tính, chúng suốt ngày bị giam hãm giữa bốn bức tường, sáng học, chiều học, tối học, rảnh được phút nào là lại games online làm gì mà chẳng cuồng cẳng, nghịch ngầm.
- Nhưng nếu thả chúng ra xã hội còn đáng lo hơn. Đám nghiện hút lượn vè vè ngoài đường, dễ tiêm nhiễm lắm. Nếu cho chúng sinh hoạt tại các nhà văn hoá thì cũng phải đưa đón, người đâu ra. Theo bác, các thầy cô có thích nghỉ hè không?
- Nghi ngi ai chẳng thích, nhưng chỉ cần một vài tuần thôi. Nhiều người suốt ngày nằm ngủ đợi chồng, có việc gì làm đâu. Nhớ lớp nhớ trò mà chẳng biết làm thế nào?
- Ý bác muốn nói là nên mở những lớp hè để bố mẹ bọn trẻ yên tâm công tác chứ gì. Nếu có những lớp như vây tôi cũng sẽ đăng kí, sẵn sàng ngồi ở bậu cửa đọc thơ cho cô giáo nghe.
Cận

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

Chết rét giữa mùa hè



- Ngực nở, đùi dế như tôi quần đùi cởi trần còn có người ngắm “hàng họ”, đằng này đôi “vó” thì như ống sậy, xương sườn nổi u nổi cục thế kia nhông nhông ngoài phố không thấy xấu hổ à. Áo xống đâu mà không mặc vào, gớm quá!
- Kệ tôi, trời nóng thế này mà sơ mi cà vạt khác gì đeo gông vào cổ. Bác thử sờ vào lưng áo xem, ướt sũng mồ hôi khác gì cái giẻ lau nhà.
- Tôi vừa họp trên phường về, nơi công đường phải ăn mặc chỉn chu chứ!
- Nóng như thiêu như đốt thế này tụ tập đông người làm gì cho khổ, về nhà bật điều hoà lên cho nó sướng cái thân già.
- Nhà tôi cả tuần nay bị cắt điện, nóng quá không chịu được, mấy ông cháu mỗi người ngồi trong một chậu nước chơi thuyền giấy cũng vui lắm bác ạ.
- Nhà tôi vừa mất điện vừa mất nước mới chết chứ. Không hiểu mấy “ông” điện nước nghĩ gì lại nhè vào dịp này mà cắt nhỉ?
- Thì bác tính nhu cầu sử dụng của người dân tăng mạnh trong khi khả năng đáp ứng của ngành điện lại có hạn, họ cắt điện luân phiên là để người dân chia sẻ với nhau sự sung sướng và nỗi khổ đau ấy mà.
- Tôi lại nghe nói ngành điện cắt điện là để duy tu, bảo trì đường dây.
- Sao không sửa chữa vào mùa đông hay những hôm mát trời, cắt vào những hôm trời nắng thế này bố ai chịu được…
- Hồi mùa đông họ còn bận chia nhau sử dụng mấy nghìn tỷ đồng tiền thưởng. Không chịu được thì bác đi mà kiện. Họ cắt vào dịp này chủ yếu là để thách thức những người hay kêu ca như bác đấy. Bác cứ nhồi máu cơ tim đi, cứ đột quị đi, chẳng ai phải chịu trách nhiệm đâu.
- Ôi dào, tôi khổ vì nóng một thì vợ con các vị ấy khổ mười.
- Ai nói với bác là vợ con họ khổ. Nhà họ có đường điện “ưu tiên” riêng, có bể bơi riêng, nếu có chết thì họ chết vì rét giữa mùa hè, chứ không phải chết vì bức bối như bác đâu.
- Tôi già rồi, vô dụng rồi, có chết vì thiếu điện cũng không tiếc. Chỉ thương mấy ông bác sĩ hàng ngày nhìn bà con ùn ùn kéo nhau vào viện vì nóng mà không có điện để phẫu thuật nên cũng chẳng kiếm chác được gì, phải ăn bánh piza trừ cơm, tội quá!!!
Cận

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Giải toả bức xúc



- Bác Viễn đi đâu mà vội vàng thế?
- Tôi ra công viên hóng mát thôi
- Hóng mát mà sao quần áo chỉnh tề thế, kiếm được bà nào mới phải không?
- Bậy nào, tôi ra đó đọc sách.
- Bác đùa đấy à? Công viên là nơi hẹn hò, tí tởn của đám thanh niên, đâu phải thư viện. Mà tôi có thấy bác cầm theo cuốn sách nào đâu?
- Gần đây, có mấy cô bé sinh viên mang sách riêng ra công viên cho mọi người đọc miễn phí, nhiều người ghé qua lắm!
- Đọc sách thì liên quan gì đến sơ mi cổ cồn, cà vạt là thẳng tắp thế kia, tôi chẳng tin.
- Sách vở là tinh hoa của nhân loại, phải trân trọng chứ. Các cụ ngày xưa, trước khi đọc sách thánh hiền phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước thơm đấy!
- Thế kia à, tôi tưởng các cụ ngày xưa nghèo lắm, nhất là giới trí thức, ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra nước thơm mà tắm.
- Bác chỉ giỏi vặn vẹo. Đấy là nói một cách hình tượng thôi, không có nước thơm thì tắm nước giếng, nước mưa cũng được.
- Bình nóng lạnh chẳng có, nhỡ hôm trời rét ra tắm mà bị cảm thì vợ con mất nhờ.
- Thôi không nói chuyện với bác nữa, tôi đi đây. Cùn đến thế là cùng.
- Bác bảo ai cùn? Sách ngày xưa quí giá, đáng trân trọng, bởi nó là sản phẩm tâm huyết của bao thế hệ. Ai biết khai thác nó đều nên người cả. Còn sách bây giờ ấy à…
- Nhiều cuốn bây giờ cũng có giá trị đấy chứ!
- Ít lắm, đa phần là “xào nấu”, “cắt dán” của nhau. Có cuốn bệ nguyên chuyện phòng the, đọc xong thấy rạo rực hết cả người, phải nhảy xuống bể nước ngâm một lúc mới hết bức xúc đấy!
- Nhà bác còn có bể để nhảy xuống, chứ đám thanh niên biết giải toả ở đâu. Thảo nào mà tệ nạn xã hôi xuất hiện tràn lan, không kiểm soát được.
- Vậy phải làm thế nào bây giờ?
- Chỉ còn cách xây cho mỗi nhà một bể bơi để cho những người không kiểm soát được mình như bác ngâm người xuống đó khi đọc sách đen.
Cận

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Không được phép đâu nhé!



- Bực quá bác Viễn ạ, mất 15 phút mới sang đường được, đã thế còn bị mấy thằng choai choai chửi là đồ mù dở nữa chứ!
- Tại bác cứ thích nhông nhông ngoài đường cơ. Như tôi suốt ngày đóng cửa chít chát trong nhà nên có gặp chuyện khó chịu bao giờ đâu?
- Thì cũng phải ra ngoài giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sống chứ.
- Đâu đâu cũng gặp lũ nghiện ngồi gãi cho nhau trên hè, cứ tôi đến là lũ gái mại dâm lấp ló làm thơ dưới tán bằng lăng, điếu thuốc vừa đưa lên miệng, chưa kịp châm lửa đã bị mấy thằng du đãng cướp mất thì ra đường làm gì cho tai hoạ ám vào thân.
- Thì cũng phải cho tôi ra chợ mua mớ rau con cá chứ!
- Ai cấm đâu, chỉ có điều, ra khỏi nhà là bác phải thuê 4 vệ sỹ đi xung quanh, nếu có gặp tai nạn giao thông sẽ không chết được đâu, chỉ bị thương thôi.
- Với mớ lương hưu ít ỏi, đôi vợ chồng già sống còn chật vật, lấy đâu ra mà thuê vệ sỹ?
- Ai bảo bác thuê vệ sỹ “xịn”, thuê sinh viên nghèo lên thành phố học ấy. Cái đám này chỉ cần có chỗ ngủ, ngày vài bát cơm là tốt rồi. Cho ăn ngon một chút là chúng trung thành lắm!
- Nếu rẻ thế thì thuê hẳn 8 thằng cho yên tâm. Này bác, anh em mình khoẻ mạnh khi ra đường còn run, không hiểu những người tàn tật thi đi lại thế nào nhỉ?
- Đã què, đã mù, lại còn câm điếc thì ra đường làm gì. Sáng mắt còn chết như ngoé, nữa là…
- Ô hay, cái bác này! Thì họ cũng phải ra ngoài kiếm sống chứ?
- Hàng tháng họ đã nhận tiền trợ cấp của Nhà nước rồi còn gì.
- Nhưng ít quá, không đủ chi dùng
- Đã tàn tật rồi nên ăn ít thôi. Người đời ăn thịt thì mình ăn rau, nhớ ăn khoai ăn sắn nhiều vào, nhất là đừng có đú đởn bia rượu sẽ không lo thiếu thốn đâu.
- Nhưng họ cũng phải đi đám cưới, đám hỏi, thăm thú bạn bè chứ?
- Nếu bần cùng phải ra đường, người tàn tật phải liên kết với nhau. Ông mù cõng ông què, chỉ hướng đi cho ông mù. Nếu có mấy ông câm điếc đi trước mở đường thì có thể yên tâm sẽ đi đến nơi, về đến chốn
- Nhỡ ông mù bận hay ốm thì tất cả phải ở nhà à.
- Đã mù mà còn đòi ốm nữa à, không được phép đâu nhé!
Cận

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Học làm Tắc-Zăng


- Bác Viễn này, tôi đi Tây Nguyên vài tháng nên sang tạm biệt bác đây.
- Vào đó nghe cồng chiêng, nhấm nháp li cà phê buôn Hồ, ngắm mấy cô sơn nữ tắm dưới suối thì khác gì thiên đường. Bác định thăm thú địa phương nào vậy?
- Tôi tới Kon Tum học nghề chứ có đi du lịch đâu.
- Sắp xuống lỗ rồi còn học nghề làm gì, lương hưu không đủ sống à?
- Tôi học nghề để phòng thân chứ không nhằm kiếm tiền.
- Học võ cũng hay. hễ ra khỏi nhà gặp đám ba trợn, phải có “nghề” mới trừng trị cái đám này được.
- Không phải, xương cốt rệu rã hết cả rồi, học võ ông thầy lẳng cho một cái thì có mà tan nát đời trai à.
- Vậy có lẽ bác vào đó học cưỡi ngựa bắn cung, cái món này người miền núi giỏi lắm đấy!
- Bắn cái con khỉ, ngựa đem nấu cao cả rồi còn đâu mà cưỡi.
- Không lẽ bác vào đó để học “hô phong hoán vũ”, biến gió Lào thành mưa.
- Tôi học làm Tác-zăng, trèo cây, đu dây.
- Nếu chỉ học có vậy thì ra công viên tập cũng được, việc gì phải vào tận trong đó.
- Chỉ Kon Tum mới có thầy giỏi. Người dân dọc hai bên bờ sông Pô-Kô hàng ngày đi làm rẫy, đến trường, đưa người ốm vào viện… đều phải qua sông bằng cách đu dây nên họ thành thạo lắm!
- Sao nghịch dại thế, cầu đâu mà họ không sử dụng?
- Làm gì có, lũ về quét sạch cầu treo, cầu khỉ rồi!
- Thế nhỡ đu được đến giữa sông dây đứt thì sao?
- Thì lên nóc tủ buôn hoa quả chứ sao nữa, có thế mà cũng hỏi.
- Đi được nửa đường, dòng dọc bị kẹt thì làm thế nào?
- Thì chịu khó ôm bạn gái lơ lửng giữa trời, thú vị quá còn gì, đợi lũ rút sẽ có người ra cứu.
- Bác ở thành phố có thiếu cầu đâu mà học đu dây?
- Mùa mưa sắp đến rồi, đâu đâu cũng chìm trong biển nước. Cứ buộc sẵn sợi cáp nối hai nhà với nhau, sáng sáng tôi chỉ việc đu dây sang nhà bác uống trà, tiện quá còn gì!
- Nhưng tôi có biết đu dây đâu.
- Thì vào Kon Tum mà học.
Cận

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Nước mắt rùa đá



- Bác Viễn mua làm gì nhiều mũ bảo hiểm thế, đầu cơ để dùng dần à?
- Bậy nào, mũ này là dành cho các cụ rùa đá ở Quốc tử giám đấy!
- Các cụ có ra đường bao giờ đâu mà phải đội mũ.
- Mùa thi sắp đến rồi, sĩ tử tới Quốc tử giám xoa đầu các cụ rùa cầu may rất đông, khiến tóc các cụ không mọc nổi.
- À, tôi hiểu rồi, bác dùng mũ bảo hiểm xe máy chụp lên đầu các cụ để sĩ tử chỉ xoa được lên lớp nhựa, tránh làm mòn da đầu và hệ thần kinh trung ương chứ gì?
- Đúng vậy, có làm thế này mới giữ được di tích cho muôn đời sau
- Mỗi năm, trước mùa thi có vài ngày học sinh mới tới đây xoa lên đầu các cụ với ước ao đỗ đạt, thành tài, hỏng làm sao được.
- Nhưng xoa mãi rồi đầu rùa sẽ mòn đi, còn gì là di tích nữa.
- Tay học sinh cả đời cầm bút, mềm mại như lông ngỗng, chứ có chai sần như mấy ông cửu vạn đâu mà xước xát. Cái đám sĩ tử cũng vuốt ve nhẹ nhàng lắm, có đứa nào đấm đá, cấu véo đâu mà sợ hỏng.
- Nước chảy đá mòn nữa là….
- Thôi đi bác, tôi lại nghĩ khác, cần phải khuyến khích các cháu tới đây cầu xin tổ tiên phù hộ cho việc học. Nhờ những việc làm như thế này mới gây dựng nên được truyền thống hiếu học trong dân chúng.
- Nhưng đây là mê tín dị đoan…
- Không phải mê tín nào cũng có hại đâu bác ạ. Tổ tiên chúng ta cứ đến đầu năm là lập đàn tế Nam giao, hễ đến tiết xuân là giết trâu, mổ gà làm lễ nhập điền, cầu cho mưa thuận gió hoà. Hiệu quả của việc cúng tế này có ai thấy được đâu. Cái quan trọng là nhờ đó đã gây dựng được niềm tin cho cả dân tộc, cả cộng đồng, đáng quí hơn mọi thứ trên đời.
- Nhưng sĩ tử phải chịu khó ôn luyện, không nên quá trông chờ vào thế giới thần linh.
- Đương nhiên rồi. Bác có thấy đưa học trò nào thủ thỉ với cụ rùa xong rồi về nhà nằm ngủ, chờ ngày thi không. Nhiều đứa học chảy máu mắt ra ấy chứ!
- Nhưng đây là di tích, cần phải gìn giữ.
- Thì tôi có xui ai phá hoại đâu. Có nhiều thứ đáng quan tâm hơn nhiều, nào là đạo đức học đường xuống cấp, trong gia đình thì cha không ra cha, con không ra con, chồng không ra chồng, vợ không ra vợ, ông bà thì cờ bạc, sát phạt con cháu, thầy giáo thì song phi cả vào mặt học trò… Ôi!
Cận

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

Nhức cả đầu!




- Đi vãn cảnh mà sao bác cứ phóng vù vù thế? Bác không sợ công an phạt à?
- Lo gì, tôi đang “phạt chạy” ấy mà
- Bác nói gì tôi không hiểu?
- Giống như “cưới chạy” thôi. Sắp tới, mức phạt vi phạm an toàn giao thông sẽ tăng gấp nhiều lần, ở trung tâm thành phố sẽ phải nộp phạt cao hơn ngoại thành và vùng quê. Bây giờ, nếu vi phạm còn được phạt giá rẻ, sau này sẽ không có cơ hội để được phạt “ưu đãi” nữa đâu.
- Sao ở thành phố lại phải nộp phạt cao hơn nông thôn hả bác?
- Thu nhập của dân thành phố cao hơn nên đương nhiên phải nộp nhiều hơn, thế mà cũng không hiểu.
- À, thì ra vậy. Có nghĩa là tôi nên kiếm tiền ở thành phố, còn khi ăn tiêu hay khi gây tai nạn giao thông thì cố “nhịn” ra ngoại thành hay về nông thôn, như vậy có lợi hơn?
- Đúng thế, mà gây tai nạn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo càng tốt, mức phạt còn rẻ hơn nữa.
- Nhưng tôi có “chủ động” được tai nạn đâu. Nếu tôi vi phạm ở giữa ranh giới hai tỉnh thì sao?
- Thì cố mà nhích về phía tỉnh lẻ.
- Nhưng khi gặp tai nạn gẫy chân, què tay, nằm ngất một chỗ có đủ tỉnh táo đâu mà chạy được sang vùng có giá phạt rẻ hơn?
- Tôi khuyên bác khi đã ngồi lên xe là phải chạy tốc độ tối đa, để khi gặp nạn, người và xe, theo quán tính sẽ văng mạnh sang phía tỉnh bạn.
- Phố Phạm Văn Đồng rất dài chạy qua cả quận lẫn huyện, tức là liên quan đến cả nội thành và ngoại thành, vậy nếu vi phạm luật giao thông trên tuyến đường này thì bị xử phạt theo giá nào?
- Thì tuỳ theo vi phạm ở đoạn nào sẽ phạt theo giá tiền đoạn đó, thuộc quận phải phạt nặng, thuộc huyện thì phạt nhẹ.
- Nhưng trên tuyến đường này làm gì có tấm biển nào chia ranh giới quận huyện đâu?
- Bác hỏi nhiều quá, nhức cả đầu. Gặp trường hợp như vậy thì giao cho cảnh sát giao thông toàn quyền xử lí. Nếu là hôm đẹp trời, người làm nhiệm vụ vui vẻ thì phạt nhẹ, còn hôm nóng bức, bực bội thì cứ thẳng tay phạt cho vỡ nợ mới thôi!
- Thực thi pháp luật mà cảm tính như bác thì chết dân, chẳng ai dám công khai vi phạm nữa đâu, nhưng sẽ có người lén lút chạy bừa chạy ẩu đấy!!!
Cận

Tiếc rớt nước mắt



- Bác Viễn biết không, tôi vừa phải mang ti-vi, tủ lạnh, quạt bàn, máy giặt đi gửi ở nhà mấy đứa con gái đấy!
- Sao lại thế? Trời nóng thế này không có quạt chịu sao nổi, tối đến không có cái ti-vi lấy gì theo dõi tin tức, giải trí?
- Muốn được xếp vào diện hộ nghèo thì phải chịu khổ thôi!
- Vậy còn cái nhà 5 tầng, rộng hàng trăm mét vuông đất thì tính thế nào?
- Có lẽ cũng phải đập đi, thay vào đó là căn nhà lá.
- Gì phải khổ thế, tôi thấy ở quê khối nhà có ô tô, nhà lầu mà vẫn được xếp vào diện hộ nghèo đấy thôi.
- Đấy là do họ chạy chọt được, hoặc là người nhà của quan chức địa phương. Nhà tôi có ai làm to đâu, có mỗi ông anh vợ làm cụm phó cụm dân cư thì ăn thua gì?
- Mà sao đang yên đang lành bác lại muốn làm người nghèo nhỉ?
- Bác hỏi ấm ớ quá, được coi là hộ nghèo đang là nỗi ước ao của bao người đấy. Nếu là hộ nghèo sẽ được hưởng nhiều chính sách như ưu đãi vay vốn, được trợ giúp khi thiên tai, không phải đóng góp gì cho xã hội, con cái học đại học trên thành phố được miễn học phí, thường xuyên được nhận quà cứu trợ, cái đám trộm cướp chúng cũng ít “quan tâm, chăm sóc”
- Thảo nào hôm vừa rồi đọc báo thấy dư luận xôn xao về chuyện một chị ở miền Trung xin được ra khỏi diện hộ nghèo. Nghe nói, đây là trường hợp đầu tiên có hành động dũng cảm như vậy, nhiều người tiếc rớt nước mắt, họ muốn mất tiền để được coi là người nghèo mà có được đâu
- Sao chị ấy “dại” thế nhỉ?
- Đơn giản là chị ấy thấy xấu hổ khi phải ngửa tay nhận trợ cấp của Nhà nước. Chồng mất sớm, người phụ nữ dân tộc Thái này đã cùng 4 đứa con thơ lao động cật lực để thoát nghèo. Khi gia cảnh đỡ khó khăn chị xin ra khỏi diện hộ nghèo, nhường chế độ ưu đãi cho hộ khó khăn hơn
- Một người dân tộc thiểu số mà làm được thế thì đáng nể quá. Không biết cái đám quan chức địa phương đang cậy cục để được coi là hộ nghèo có “lăn tăn” gì không?
- Đừng hi vọng gì ở cái đám đó. Đất nước ta còn lâu mới mở mày mở mặt được khi có nhiều kẻ vẫn đang “đấu tranh” để được làm người nghèo!!!
Cận

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Đánh trống bỏ dùi



- Ông Viễn vừa định bước xuống lòng đường thì bị ông Cận kéo giật lại:- Bác muốn chết hay sao mà đi ẩu thế? Đèn xanh đã bật lên đâu.
- Ôi dào! Bác cứ cẩn thận quá. Mọi khi đèn đỏ tôi vẫn sang đường mà có sao đâu
- Trước khác, giờ khác. Từ nay, người đi bộ mà phạm luật giao thông cũng bị phạt đấy.
- Chủ trương là thế, nhưng đã thấy người đi xe đạp và đi bộ nào bị phạt đâu, chỉ thấy cánh lái ô tô, xe máy bị cảnh sát giao thông tuýt còi thôi
- Mà cũng lạ thật, ở mình mỗi khi xe máy va chạm với ô tô, đối tượng chịu phạt bao giờ cũng thuộc về chủ phương tiện đắt tiền hơn. Sao lại bất công thế hả bác?
- Thì người giàu mới sắm được ô tô, phải chia sẻ hoạn nạn với người đi xe máy cũng là hợp lẽ. Qui luật phân phối lại ấy mà
- Chính vì lối suy nghĩ của những người như bác mà giao thông nước ta mới rối như canh hẹ đấy. Giờ thì khác rồi, vi phạm là xử lí, bất kể người đó đi phương tiện gì
- Người đi ô tô, xe máy phạm luật xử phạt quá dễ rồi, nhưng phạt người đi bộ thì e rằng hơi bị khó đấy. Này nhé, người đi xe đạp đi ngược chiều mà không có tiền thì tạm giữ phương tiện, khi nào mang tiền lên nộp thì trả lại xe. Còn người đi bộ vi phạm không có tiền nộp phạt thì bác làm thế nào?
- Thì bắt người nhà họ nộp hộ
- Nhỡ người thân của họ ở xa hay chết cả rồi thì sao?
- Thì yêu cầu người đó để lại giấy tờ tuỳ thân về nhà lấy tiền
- Nhỡ họ là người lang thang, không nhà cửa, không quê quán, không có giấy tờ gì thì biết lấy gì để nôp?
- Thì bắt người vi phạm để lại quần áo
- Nhỡ họ cởi trần thì làm thế nào?
- Thì tống vào tù. Mà thời buổi này làm gì còn người tứ cố vô thân, đến mảnh khố cũng không có như Chử Đồng Tử thế
- Loại người đó thời nào chẳng có. Bỏ tù người đi bộ chỉ vì họ sang đường không đúng cách xã hội ta không cho phép đâu. Tôi hỏi vặn bác như thế chỉ để nhắc các nhà quản lí rằng, trước khi ban hành một qui định gì, phải bao quát được hết mọi tầng lớp xã hội, kẻo không lại đánh trống bỏ dùi, tốn tiền nộp thuế của dân lắm
Cận

Chữ xấu ra tiền

-Bác Viễn này, nếu còn muốn chơi với tôi thì bác không được ốm nghe chưa!
- Quen nhau mấy chục năm trời giờ mới biết bác cũng quí tôi, thương tôi, biết lo lắng cho tôi
- Ai bảo là tôi thương bác. Chẳng qua là, với đồng lương hưu ít ỏi, bác mà ốm đau, tiền thuốc thang làm sao chịu nổi, thể nào cũng vay mượn tôi, phiền phức lắm
- Thì ra là vậy, giờ tôi mới nhìn rõ bộ mặt kẻ mà tôi gắn bó lâu nay.
- Mất lòng trước được lòng sau mà bác. Bác tính, trong đợt thanh tra vừa rồi người ta phát hiện hàng loạt sai phạm về giá thuốc. Có loại bán đắt gấp mấy chục lần so với giá sản xuất. Cứ cái đà tăng giá này người về hưu, người nghèo tuyệt đối không được phép ốm. Ốm là có tội đấy
- Có tội kia à? thế có bị xử tù không?
- Làm khổ vợ con, làm khổ người thân, bạn bè, phải chạy vạy, vay mượn tiền thuốc thang còn nhục hơn đi tù ấy chứ
- Bác nói cũng có lí. Cơ quan chức năng đi đâu hết mà để các hãng thuốc lũng đoạn thị trường thế nhỉ?
- Cũng có thanh, kiểm tra, nhưng chiếu lệ thôi. Các hãng thuốc quốc tế họ rất có kinh nghiệm đối phó với pháp luật. Riêng khoản chi hoa hồng cho các đại lí, cho các bác sỹ thì họ là bậc thầy
- Bác sỹ mà cấu kết với hãng thuốc thì bệnh nhân có sông được cũng tán gia bại sản. Thầy thuốc như mẹ hiền, ai người ta làm chuyện thất đức đó
- Bác ngây thơ quá. Việc bác sỹ làm tay trong cho các công ty dược hiện rất phổ biến. Công an vừa phát hiện được mấy trường hợp đấy
- Vậy à. Họ cấu kết với nhau như thế nào hả bác
- Đại loại như, dù bác bị đau mắt hay tức ngực, ù tai họ cũng kê cho bác thuốc chống sảy thai…
- Nhưng tôi có phải phụ nữ đâu?
- Điều đó quan trọng gì. Loại thuốc đó uống có chết người đâu mà lo. Vấn đề là bác sỹ sẽ chỉ cho bác ra cửa hàng thuốc tay trong của họ. Nếu bác sang cửa hàng khác để mua cho rẻ thì dược sỹ ở đó sẽ không thể đọc được trong đơn thuốc ghi gì
- Thảo nào mà bác sỹ ở đâu cũng viết chữ xấu quá. Thì ra, chữ xấu ra tiền là thế
Cận

Nẫu cả ruột

- Bác Viễn chuẩn bị đi đâu mà mũ áo gọn gàng thế?
- Thấy ngành du lịch ảm đạm do khủng hoảng kinh tế, tôi quyết định đi xuyên Việt để kích cầu
- Mỗi ngày vợ chỉ cho tiêu có 20 nghìn đồng thì kích được gì? Người như bác ra đường lắm chỉ gây tắc nghẽn giao thông thôi
- Thì góp gió thành bão để cứu ngành công nghiệp không khói mà. Mấy tháng đầu năm nay lượng khách du lịch vào nước ta giảm gần một nửa bác ạ
- Sao dạo này người nước ngoài tới Việt Nam ít thế nhỉ? Do trời nóng quá hay do thức ăn quá đắt đỏ?
- Không phải, chủ yếu là do chiến lược phát triển du lịch thiếu thực tế
- Bác nói gì tôi không hiểu, chẳng phải chúng ta đang đổ ra không biết bao nhiêu tiền của ra để làm công viên mới, xây dựng các khu đô thị hiện đại, tu bổ các danh lam thắng cảnh đó sao?
- Những cái lồ lộ ra đó thì xem làm gì, ở nước họ có đầy. Cái họ muốn khám phá phải lạ cơ. Chẳng hạn ở Thái Lan có sextour, ở Singapore có du lịch chữa bệnh, đi Malaysia để mua hàng giá rẻ, sang Cam-pu-chia để ngắm ăng-co-vat…
- Thì nghĩ ra những cái độc đáo vào. Chẳng hạn như thấy khách du lịch tới là người bán hàng rong phải nhảy ngay lên lưng bắt mua quà lưu niệm, khi nào họ chịu “suỳ” tiền ra mới tụt xuống. Người nước ngoài vào quán ăn là phải “chặt chém” không thương tiếc, làm sao để họ nhẵn túi càng nhanh càng tốt, không còn tiền mua vé máy bay về nước, buộc người nhà họ phải gửi tiền sang nuôi nấng…
- Bác cứ đùa, nghiêm túc đi nào. Theo bác phải làm gì để thúc đẩy phát triển du lịch?
- Việt Nam mình có nhiều thứ để khám phá lắm, nhưng theo tôi, để thu hút và giữ chân du khách, việc cần làm ngay là phải “thuần hoá” ý thức người dân đã
- Bác nói gì tôi không hiểu
- Phải địa vị bác, bác có quay lại xứ này không khi mà đi trên đường luôn giật mình thon thót vì tiếng còi xe. Đi sang đường mà không cẩn thận va phải đám thanh niên đi xe máy là bị chúng nhảy xuống “thụi” vào mặt. Rồi khói, rồi bụi, rồi cướp giật ở xó xỉnh nào cũng có….
- Thôi bác đừng nói nữa! Nẫu cả ruột
Cận

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Phải luyện công phu

- Bác Viễn đi mua giày tập ba lê cho cháu nội đấy à?
- Đâu có, mua cho tôi đấy chứ!
- Cái gì, ở cái tuổi sắp nhập khẩu địa ngục như bác mà còn thích chơi trò con trẻ hay sao?
- Đâu phải tôi đú đởn, tôi tập để phòng thân thôi.
- Bác nói gì tôi không hiểu?
- Thế bác không biết người ta đang lát lại toàn bộ vỉa hè quanh hồ Gươm à?
- Làm đẹp thành phố là việc nên làm mà.
- Vấn đề là, lần này người ta thay thế gạch lát xi măng bằng đá xanh, nghe nói tốn những 50 tỷ đồng.
- Muốn đẹp thì phải chấp nhận tốn kém, có thế mới xứng với thủ đô ngàn năm văn hiến chứ!
- Nhưng những phiến đá nặng 50 kg này đều được mài nhẵn thín. Vô phúc mà dẫm lên đó hôm trời mưa thì có mà trượt xuống tận đáy hồ.
- Cách đây vài năm, ở một thành phố miền Trung người ta cho lát cả một dãy phố bằng đá Granit bóng loáng. Chỉ sau có vài cơn mưa đã có hàng chục người phải nhập viện vì bị ngã chùn xương sống, chấn thương sọ não. Nạn nhân bị gẫy chân, gẫy tay thì không đếm xiết. Sao Hà Nội không lấy đó làm bài học nhỉ?
- Họ lát đá trơn trượt như vậy chắc là để hạn chế người đi bộ và đám tập thể dục buổi sáng quanh hồ đấy mà!
- Sao lại thế, nơi trung tâm văn hoá thì càng có nhiều người qua lại càng vui chứ!
- Họ sợ người đi bộ rầm rập sẽ làm cụ rùa suốt ngày giật mình thon thót còn tâm sức đâu mà đẻ ra rùa con nối dõi. Hơn nữa, đám tập thể dục buổi sáng toàn người già cả, ăn mặc thì thỗn thện, nhảy nhót tơn tớn quanh hồ, trông chướng mắt lắm!
- Vỉa hè trơn quá, người đi bộ tràn xuống lòng đường thì sao? Ùn tắc, tai nạn giao thông ai chịu trách nhiệm?
- Thì lát đá cả xuống lòng đường. Tôi đảm bảo xung quanh hồ Gươm sẽ vắng hoe, lúc đó nơi đây mới thực sự trở nên lãng mạn, nên thơ.
- Giờ tôi mới hiểu bác đi học ba lê là để giữ thăng bằng khi dạo chơi quanh bờ Hồ. Bác cho tôi theo học cùng với.
- Người to béo như bác tập ba lê không ăn thua, phải luyện công phu kia.
Cận

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

Cẩu thả với bản thân

- Sắp vào hè rồi, bác Viễn đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện chống nóng chưa?
- Thì quạt điện, điều hoà sắm từ năm ngoái cứ thế mà bật lên thôi
- Năm nay khác, trời nóng hơn nhiều, bác phải mua thêm đi kẻo đến lúc “cháy” hàng trở tay không kịp đâu
- Phòng khách, phòng ngủ có đủ quạt điện, điều hoà, mua nữa biết lắp vào đâu
- Thì lắp ở bếp, nhà vệ sinh hay ngoài vườn ấy, thiếu gì chỗ. À mà nhà bác đã mua máy phát điện chưa
- Để làm gì, dạo này có mấy khi mất điện mà lo
- Bác cẩu thả với bản thân quá. Có mùa hè nào mà điện không bị cắt đâu. Đến lúc đó bác làm thế nào?
- Thì dùng quạt nan cũng được chứ sao. Nằm quạt cho vợ ngủ cũng thú ra phết bác ạ. Mỗi lần ngơi tay quạt là mụ ấy nhà tôi lại phều phào nhắc:”mình ơi mạnh nữa, mạnh nữa nào” khiến tôi lại liên tưởng đến một thời hào hùng đã qua. Chà, chà!...
- Bác là chúa mơ mộng hão huyền. Tôi lo lắm, trời nóng quá mà không có điện là lứa anh ẹm mình dễ “tạch” lắm đấy
- Không hiểu sao nước mình sông suối nhiều, mỏ than cũng lắm mà luôn thiếu điện nhỉ?
- Thì thiếu vốn chứ sao nữa
- Chả phải, nhiều doanh nghiệp đổ vốn ra làm nhà máy điện cho nước ngoài. Ngay trong bản thân ngành điện năm ngoái đã đề xuất chia thưởng cho cán bộ công nhân viên mấy nghìn tỷ đồng cho thấy họ không thiếu tiền
- Vậy chắc do quản lí yếu kém, dẫn đến thất thoát điện năng quá lớn
- Cái đó thì đúng rồi, nhưng cũng chỉ là một lí do nhỏ
- Nguyên nhân tiếp theo là…là… tôi chịu thua rồi đấy
- …Là do độc quyền. Thử hỏi, bác là nhà sản xuất, hàng hoá bác làm ra, bác không được bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà phải thông qua thằng hàng xóm tham lam, luôn tìm cách ép giá, bác có chịu được không
- Tôi ấy à, tôi sẽ cạch mặt
- Nhiều doanh nghiệp cũng nghĩ vậy và họ cũng chẳng sung sướng gì khi mang ánh sáng cho người nước ngoài trong khi đồng bào mình vẫn phải sống trong vòng tối tăm đâu. Buồn lắm!
Cận

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Ngớ ngẩn quá

- Bác Viễn này, cánh già chúng mình có nên tổ chức giải thưởng hàng năm dành cho người về hưu tiêu biểu không?
- Cũng hay đấy, nhưng lấy đâu ra kinh phí để thực hiện?
- Cái đó tính sau, cái quan trọng là chúng ta đã có ý tưởng và cần phải đi đăng kí sở hữu trí tuệ ngay kẻo có người hớt tay trên mất
- Ôi dào, ý tưởng thì khó gì. Vấn đề là có đưa được ý tưởng đó vào thực hiện hay không. Mới đây, có một ngành nọ phát động cuộc thi Người giáo viên tiêu biểu cấp quốc gia đấy…
- Chắc họ tổ chức ngon nghẻ lắm?
- Đã làm được gì đâu. Ý tưởng vừa đưa ra đã bị dư luận phản đối ầm ầm
- Sao lại phản đối? Ngợi ca những tấm gương trong giáo dục là cần thiết, cần phải được khuyến khích chứ
- Không đơn giản như bác nghĩ đâu, khó lắm. Theo bác thì người giáo viên phải làm những gì để được công nhận là nhà giáo tiêu biểu
- Thì phải lên lớp đúng giờ, dù chỉ vào lớp ngồi ngắm học sinh. Trong giờ học có buồn đi vệ sinh cũng phải nhịn không được bỏ lớp, bỏ tiết. Để được học sinh yêu quí thì chịu khó mua bánh kẹo cho chúng ăn trong giờ giải lao. Khi đồng nghiệp nhờ chở đi mua quần áo là phải sẵn sàng. Cấp trên chưa ho là phải mua thuốc trước để đón đầu…
- Những tiêu chí đó nhiều người đang làm rất tốt, phải có độ “khó” hơn nữa cơ
- Thì đại loại như, có cầu cũng không được đi mà hàng ngày phải gương mẫu lội bộ qua dòng nước lũ để đến với mái trường thân yêu. Chỉ với đồng lương còm cõi mà vẫn nuôi được hai bên nội ngoại cùng chồng, con cái và bản thân hồng hào, béo tốt, tăng cân đêu đặn, dư thừa sức khoẻ để cống hiến ngày càng nhiều cho xã hội…
- Thôi, thôi! Bác đùa đấy à? Hãy nghiêm túc đi nào
- Tôi đùa là vì cái phong trào mà người ta phát động này hoàn toàn không có tính khả thi. Trong bản thân một ngôi trường đã khó khẳng định giáo viên này tốt hơn, giỏi hơn giáo viên kia, vậy thì ở cấp quốc gia giáo viên trường này biết gì để bầu giáo viên trường khác được
- Thì tự bầu cho mình cũng được chứ sao
- Nếu thế thì trường nào cũng có một giáo viên tiêu biểu cấp quốc gia à?
- Ừ nhỉ! Nếu thế thì ngớ ngẩn quá.
Cận

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Hư lắm cơ




Bác Viễn đi đâu mà lỉnh kỉnh máy ảnh thế kia? Nếu đi chụp người đẹp thì cho tôi đi với, cái “món” đó bổ mắt lắm.
Các cô trẻ đẹp ai người ta thuê người chụp nghiệp dư như tôi. Tôi đi chụp cụ Rùa Hồ Gươm đây.
Để chụp được cụ phải mất công lắm. Biết cụ nổi lên lúc nào mà chụp?
Mấy bữa nay cụ nổi thường xuyên, chịu khó chờ là chụp được thôi.
Hôm vừa rồi tôi cũng được ngắm cụ bơi là là trên mặt nước. Chả biết thân thể cụ hoành tráng đến đâu, riêng cái đầu đã to bằng cái cối xay, chỉ mới ngắm qua thôi đã thấy ngưỡng mộ quá. Tại sao dạo này cụ hay nổi lên thế nhỉ?
Bác tính, nước hồ ngày càng cạn, ô nhiểm mặt nước làm cho tôm cua cá bạn bè thân thiết của cụ chết cả, chẳng có ai chơi cùng, cụ phải ngoi lên mặt nước để ghi nhớ mặt mấy đứa hay vứt rác xuống hồ chứ!
Này bác, sao người ta không thả cả đàn rùa xuống mà chỉ để có mình cụ dưới hồ nhỉ? Ở dưới đó một mình chắc cụ cô đơn lắm!
Đã là hồn phách của dân tộc thì càng khó kiếm càng quí. Cụ thuộc loài cực hiếm, trên thế giới chỉ còn có 4 cụ thôi. Thả loại rùa khác xuống hồ, giữa chúng cũng không thể phối giống được, chẳng may gặp phải mấy con “đầu gấu” chúng gặm hết chân tay của cụ thì ai chịu trách nhiệm?
Làm gì đến nỗi thế, rùa vốn là loài hiền lành mà.
Thôi đi bác, chúng chỉ hiền với những con đồng chủng thôi. Cứ nhìn vào con người là thấy ngay thôi, cùng một màu da mà còn cắn nhau chí chóe kia kìa.
Còn một cụ ở hồ Đồng Mô, sao không đưa về Hồ Gươm để các cụ đoàn tụ và tiện thể để các cụ phối giống với nhau nhỉ?
Đã lên chức cụ rồi, thở còn chẳng ra hơi, còn sinh với đẻ nỗi gì.
Mỗi lần nghĩ đến cụ là tôi lại thấy xót xa cho thế giới tự nhiên. Nhiều loài đã tuyệt chủng. Không hiểu vì lí do gì mà thời gian gần đây chúng biến mất nhanh thế nhỉ?
Bác tính, với qui mô, tốc độ phát triển các quán đặc sản thú rừng như hiện nay mà các loài thú quí hiếm vẫn sinh sôi nảy nở được mới là điều lạ.
Thời buổi sản xuất dư thừa như hiện nay mà sao con người vẫn thích “chén” động vật hoang dã thế nhỉ? Thời bao cấp đói khổ là thế mà có thấy ai ăn rùa hấp bia, cà cuống rang bơ đâu.
Quan trọng là ý thức người dân và kỉ cương phép nước bác ạ. Khối vị trong nhà treo đầy ngà voi, sừng bò tót thì nói được ai. Có ông còn than vãn tối đi ngủ mà không “làm” một cốc nước sừng tê giác là người cứ nóng ran lên, không tài nào ngủ được. Người lớn mà còn “hư” như thế thì nói làm sao được con trẻ?!?!
Cận

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Bệnh của thiên hạ

- Đi đâu mà tất bật vội vàng thế bác Viễn?
- May quá, gặp bác ở đây, đỡ phải qua nhà. Tôi định mua mấy miếng đất, muốn rủ bác đi xem cùng.
- Chà, chà! Kín tiếng quá, cứ giả nghèo giả khổ, đùng một cái trở thành địa chủ. Mỗi mét vuông đất giờ có giá hàng chục triệu đồng, bác định mua mấy héc-ta?
- Ai bảo bác là tôi muốn làm nhà ở? Tôi mua vài mét vuông đất nghĩa trang để chôn cất đôi vợ chồng già thôi.
- Vậy mà tôi cứ tưởng… Thiêu quách đi cho rồi, đỡ khổ con cháu mất công thăm viếng. Tiền mua đất để tôi với bác đi uống rượu cho sướng.
- Không được, cứ nghĩ cảnh thân xác mình bị đốt cháy, rải tro theo gió mà tôi rùng cả mình. Mình phải giữ lại mộ phần để con cháu đời đời hương khói chứ
- Người ta là nhà chính trị hay nhà khoa học tài năng có nhiều cống hiến cho nhân loại thì không nói làm gì, đằng này, một lão bảo vệ về hưu như bác, cơ thể đã mục ruỗng cả, đến giun dế chúng cũng chê thì lưu danh muôn thuở để làm gì?
- Gần đây báo chí có đưa tin một tử tù muốn cống hiến các bộ phận cơ thể cho khoa học đấy. Đến tên tù mà cũng muốn lưu lại chút gì đó cho hậu thế nữa là tôi, một tổ trưởng bảo vệ có thâm niên mấy chục năm trong nghề.
- Người tử tù đó làm vậy là để chuộc lại tội lỗi anh ta gây ra, chứ đâu phải do háo danh như bác.
- Háo danh là bệnh của cả thiên hạ chứ riêng gì tôi. Đi qua khu vực miền Trung bác sẽ thấy mộ phần san sát, cái nào cũng hoành tráng hơn cả nhà ở của người sống. Chúng như muốn thể hiện đẳng cấp của người nằm trong đó bác ạ
- Người có công với đất nước, với dân tộc có mấy ai màng đến những cái hình thức đó. Cái đám tham nhũng, chụp giựt bao giờ chẳng muốn được chết trong phè phỡn
- Vậy ở thế giới bên kia cũng phân biệt giàu nghèo hả bác?
- Trần sao, âm vậy mà!
- Bác đã nói thế thì tôi càng quyết tâm phải sở hữu một ngôi mộ thật to. Không mọc mũi sủi tăm nơi trần thế được thì phải phát tướng nơi địa ngục chứ bác. Thôi tôi đi đây, kẻo muộn rồi.
Cận

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Xa xỉ với tương lai

- Bác Viễn đi đâu về mà mặt mũi đăm chiêu thế?
- Tôi vừa đi xem phim ngoài rạp về
- Chà, chà! Sao hôm nay bác ăn chơi thế? Mỗi chiếc vé xem phim mấy chục ngàn bạc ít ỏi gì đâu. Bác vừa xem phim gì về vậy?
- Siêu phẩm 2012, kinh khủng lắm bác ạ
- Bác kể tôi nghe với
- Phim nói về nỗi kinh hoàng của ngày tận thế, chỉ có một nhóm thoát chết, và họ được sống để chiêm nghiệm lại những gì mình đã gây ra
- Sao gần đây người ta nói nhiều về việc trái đất bị huỷ diệt thế nhỉ?
- Bởi vì cái ngày đó cũng không còn xa nữa
- Bác cứ bi quan, tôi vẫn thấy trời xanh, mây trắng, chim hót líu lo, có biểu hiện gì của ngày tận thế đâu
- Giờ này mà bác vẫn còn u mê quá. Giữa mùa đông mà Hà Nội nóng như mùa hè, thủ đô Matxcova nhiệt độ xuống âm 22 độ C, khắp nơi ngập lụt, giông bão, báo hiệu sự giận dữ của thế giới tự nhiên đấy
- Tôi nghe nói vừa diễn ra Hội nghị Copenhagen bàn về biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu mà?
- Họp cho vui thôi, thế giới khó mà ký được một văn bản ra hồn khi vẫn còn tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Chỉ khổ cho những nước đang phát triển như Việt Nam, khí hậu nóng lên, nước biển dâng tràn, mấy chục phần trăm dân số mất đất không biết sẽ đi đâu về đâu
- Vậy thì mình phải tự lo lấy thân chứ
- Vấn đề là lo như thế nào, khi mà tình trạng xả thải nước bẩn ra sông hồ vẫn ngày càng phát triển, rừng vẫn bị khai thác triền miên, kiểm lâm hàng ngày vẫn đổ máu vì lâm tặc, đi đến đâu cũng thấy rác, thật kinh khủng quá
- Sao ý thức dân mình giờ kém thế nhỉ?
- Dân thời nào cũng vậy thôi. Họ trở nên thiếu ý thức là do kỉ cương phép nước không nghiêm, người trên thiếu gương mẫu, người dưới đâm nhờn. Nhiều quan chức nghiện ăn thú rừng, thích ngủ nhà sàn, bảo sao mà rừng không bị phá. Trưởng hạt kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc, chủ tịch xã lại sản xuất hàng giả, buôn lậu động vật quí hiếm, công ty giữ gìn vệ sinh môi trường lại đổ trộm đất thải ra đường phố để moi tiền Nhà nước hai lần…
- Thôi bác đừng nói nữa, tôi ù hết cả tai rồi. Tóm lại, bây giờ chúng ta phải làm gì?
- Nghe nói người ta mới phát hiện trên sao Hoả có nước, hay là chúng ta lên đó sống vậy?
- Với ý thức bảo vệ môi trường kém thế này thì sao Hoả cũng chẳng tồn tại được mấy nả đâu. Chỉ thương đám con cháu chúng ta phải gánh chịu hậu quả từ sự vô trách nhiệm và tham lam của các thế hệ ông cha
Cận

Trăm năm bia đá

- Sao dạo này trông bác Viễn có vẻ buồn vậy? Có phải do tuần trước tôi đi uống bia mà không mời nên bác giận phải không?
- Tôi buồn là do gần chót đời rồi mà vẫn còn một việc chưa làm được.
- Nhà cao cửa rộng này, vợ đẹp, con cái thành đạt này, lại có mấy quyển sổ tiết kiệm đủ để sống sung túc tới chết, bác còn muốn gì nữa
- Phù phiếm, phù phiếm tất. Những cái đó khi chết có mang đi được đâu. Cái tôi cần là được lưu danh muôn thuở kia.
- Chà… chà| Đúng là tư tưởng của bậc đế vương. Thế bác định đi vào lịch sử bằng cách nào?
- Tôi định đợt này thi nghiên cứu sinh, lấy cái bằng tiến sỹ bác ạ
- Nhưng bác có biết một chữ nước ngoài nào đâu mà đòi thi?
- Thế bác tưởng ông tiến sỹ nào cũng biết ngoại ngữ chắc? Khối ông tiếng mẹ đẻ còn chưa nói sõi kia kìa.
- Thời buổi bây giờ khác rồi bác ạ. Người ta đang phấn đấu đào tạo tiến sỹ đạt chuẩn quốc tế đấy.
- Đạt chuẩn quốc tế cũng có dăm bảy loại. Nếu chỉ tính trong phạm vi ba nước Đông dương thì mình vượt chuẩn rồi, cần gì phải phấn đấu. Tôi chỉ cần cái bằng tiến sỹ ở mức này thôi
- Tiến sỹ là bậc học cao nhất, là cái ngọn của tri thức. Nhìn vào hoa, vào quả trên đó người ta có thể hiểu được cái gốc có được vun sới cẩn thận, có vững bền hay không. Sách giáo khoa ở bậc phổ thông còn chẳng viết nổi, làm sao mà đào tạo được tiến sỹ ở trình độ quốc tế kia chứ. Có chăng chỉ là tiến sỹ giấy, tiến sỹ ma.
- Ma hay giấy thì có sao, miễn có tên trên bảng vàng, bia đá là được rồi
- Bác cứ mơ mộng hão huyền. Thời xưa, mấy năm trời người ta mới phát hiện được vài ông tiến sỹ. Đa phần là thực tài, đều được lưu danh muôn thuở vì những đóng góp to lớn cho đất nước. Còn bây giờ ấy à…
- Bây giờ thì làm sao? Nhiều người vừa có cái bằng tiến sỹ là được bổ nhiệm ngay đấy thôi, tha hồ mà cống hiến nhé.
- Đây chính là hạn chế của chúng ta. Khi chưa rạch ròi được giữa vai trò nhà quản lí với nhà khoa học thì đất nước khó có được một đội ngũ trí thức tử tế lắm
- Tôi còn nghe nói sắp tới người ta sẽ khắc tên các tiến sỹ vào bia đá đấy. Ước gì…
- Thôi đi bác. Đá người ta khai thác để lát nền nhà vệ sinh hết rồi. còn đâu để khắc tên tiến sỹ. Trăm năm bia đá cũng mòn mà bác
Cận

Một món khoái khẩu

- Đố bác Viễn người Việt mình thích ăn gì nhất?
- Ăn phở, ăn nem, thịt thú rừng, người giàu thì mê yến sào, súp vây cá mập…
- Sai bét. Dân mình bây giờ rất thích ăn sắt, mê hơn mọi thứ trên đời
- Bậy nào, sắt cứng thế ăn sao được, ăn vào có mà thủng dạ dày à.
- Thủng dạ dày đã ăn thua gì, khối kẻ tù tội, thân tàn ma dại vì sắt mà có sợ đâu, cứ hở ra là ăn, bao nhiêu cũng ăn hết
- Thán phục, thán phục, bác có thể giới thiệu những người có hệ tiêu hoá đặc biệt đó cho sách kỉ lục thế giới được đấy
- Bác giả vờ “ngố” đấy à? “Ăn” ở đây là tham ô, tham nhũng, bác hiểu chưa?
- Ôi dào, vậy mà tôi cứ tưởng… Thế ai tham ô, ai tham nhũng?
- Đúng là cháy nhà ra mặt chuột bác ạ. Hôm vừa rồi sóng đánh vỡ mấy đoạn đê chắn triều cường ở một thành phố phía Nam…
- Thiên tai phá hỏng công trình nhân tạo là chuyện bình thường mà.
- Vấn đề là trong cả đoạn đê dài được làm bằng bê tông bị vỡ đó chỉ có lèo tèo vài thanh sắt.
- Chết, chỉ có cát và xi măng sao gọi là bê tông được. Hay là khi bê tông bị vỡ, cá nó tha hết sắt về làm tổ rồi. Làm công trình đê chắn biển đó có tốn không bác?
- Hàng trăm tỷ đồng chứ có ít đâu. Bao mồ hôi nước mắt của người dân giò trôi ra sông ra biển hết
- Có khi mấy tay chủ thầu xây dựng sợ nước biển ăn mòn nên rút sắt ra để tiết kiệm cho nhà nước cũng nên
- Nhà nước nào khuyến khích kiểu làm đó. Số tiền ăn cắp đựơc chui vào túi cá nhân cả thôi, thật khốn nạn quá
- Khe khẽ cái mồm thôi, kẻo tai vách mạch rừng…
- Sợ gì mà phải giấu. Có phải chỉ riêng đê biển đâu, cọc tiêu chỉ đường cốt tre, nhà cao tầng bị rút lõi sắt bị bắt quả tang đầy ra kia kìa
- Này bác, không biết căn hộ chung cư cao cấp tôi mới dọn đến ở có bị ăn bớt sắt hay xi măng không nhỉ?
- Đợi khi nào có động đất bác sẽ biết ngay thôi. Cứ cái đà phá hoại môi trường thế này thì cái ngày ấy không còn xa nữa đâu
- Khổ cái thân tôi, chưa kịp ăn chơi, hưởng thụ gì mà đã gặp động đất thì uổng quá
Cận

Ôi, hạnh phúc quá!

- Theo bác Viễn thì thời buổi này làm nghề gì sướng nhất?
- Làm nhà giáo, nhà khoa học, vừa có trí tuệ, vừa được kính trọng
- Không phải, nghề đó nghèo quá nên hay bị vợ con chê bai, coi thường
- Vậy thì làm doanh nghiệp, trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh khiến ai cũng phải nghiêng mình kính nể
- Sai rồi, tiền nhiều cũng oai, nhưng để có nó, đầu tắt mặt tối lắm
- Thế thì làm công nhân, chẳng phải mưu mô gì, kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, tối về lên giường là ngáy te te
- Cũng không đúng. Nghề này ráo mồ hôi là hết tiền. Mỗi dịp năm học mới, lo tiền sách vở cho con cũng đủ nhồi máu cơ tim rồi
- Tôi chịu không đoán được, vậy theo bác thì nghề nào sướng nhất?
- Nghề làm công chức, nhất là công chức ở thành phố.
- Người ta thường ví, công chức là đầy tớ của dân thì sướng nỗi gì?
- Có lẽ đầu óc bác có vấn đề nên mới năm chục tuổi đầu đã bị tống về hưu. Công chức bây giờ là sướng nhất đấy, vừa có thể làm giàu nhờ hoạnh hoẹ người dân, mưa lại không tới mặt, nắng không tới đầu, vừa có bằng tiến sỹ để tiếng thơm cho muôn đời
- Bác nói gì tôi không hiểu. Công chức thì liên quan gì tới bằng tiến sỹ?
- Thế bác không biết chuyện Sở Nội vụ vừa công bố đến năm 2020 Thủ đô sẽ đạt 100% cán bộ có học vị tiến sỹ à?
- Tiến sỹ là để làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, có liên quan gì đến công việc của một công chức hay quan chức đâu
- Ai chẳng biết thế, nhưng làm công chức có thêm cái mũ tiến sỹ nữa cũng oai lắm chứ. Nhiều nơi bây giờ qui định, người đứng đầu các bộ phận buộc phải có học vị tiến sỹ, có vậy nói cấp dưới nó mới nghe
- Chà, chà sắp tới đội trưởng đội xe, trưởng phòng hành chính, phụ trách vệ sinh môi trường hay trưởng ban bảo vệ như tôi cũng phải có bằng tiến sỹ à?
- Đương nhiên. Có khi tên bác còn được khắc vào bia đá ở Quốc tử giám cũng nên. Lấy được bằng bác nhớ khao đấy nhé.
- Vui quá, đến lúc đấy nhà nào cũng có vài ba tiến sỹ. Mấy bà bán chè đỗ đen, mấy ông chạy xe ôm muốn được cấp phép chắc cũng phải phổ cập thạc sỹ bác nhỉ. New york, Lon Don rồi sẽ phải phát ghen vì kém tầm trí thức so với Hà Nội. Ôi, hạnh phúc quá!
- Cũng chẳng có gì đáng mừng đâu. Để đào tạo được một tiến sỹ tốn tiền nộp thuế của dân lắm, đấy là chưa kể sẽ phát sinh nạn trọng bằng cấp. Tiến sỹ lúc đó khác gì mấy anh tại chức bây giờ, có bằng cấp nhưng có thêm được tí kiến thức nào đâu
- Bác bi quan quá. Biết đâu đến năm 2020 Hà Nội được xếp vào sách kỉ lục thế giới vì có nhiều tiến sỹ nhất thì sao? Lúc nhận vinh dự đó bác đừng có vênh mặt lên nhé
Cận

Người giả - hàng giả

- Đố bác Viễn nguyên nhân từ đâu mà bà con nông dân bỏ đồng ruộng lên thành phố ngày càng đông?
- Thì ở nông thôn không có việc làm, giá nông sản được thu mua rẻ rúng, cuộc sống chật vật khó ngóc đầu lên được, khiến nhiều người phải cắn răng “li hương”…
- Đúng vậy, người ta thống kê hằng năm mỗi gia đình ở nông thôn phải nộp hơn 200 khoản thu lớn nhỏ đấy.
- Chết, sao nhiều thế? Họ phải nộp những khoản gì vậy?
- Nhiều lắm. Đơn cử như thuế nông nghiệp, phí thuỷ lợi, quĩ khuyến học, điện đóm, cầu đường, áo lụa tặng bà, điếu cày tặng ông…
- Thì tránh đâu cho khỏi nắng, thế bác tưởng ở thành phố không phải nộp gì hay sao?
- Biết thế, nhưng tôi có cảm giác những khoản thu, khoản phạt cứ như để “tận diệt” vậy. Gần đây một cơ quan đã có văn bản trình chính phủ đề nghị xử phạt thật nặng những đối tượng sản xuất phân bón giả đấy.
- Việc này đáng ra phải tiến hành từ lâu rồi. Sao tự nhiên bác lại động lòng cho những kẻ táng tận lương tâm vậy?
- Đâu có. Điều đáng nói là trong văn bản này có điều khoản đề nghị xử phạt tới 10 triệu đồng nếu bắt gặp ông bà Hai Lúa nào đó mua phải phân bón giả
- Thật vô lí, họ là nạn nhân kia mà. Thế những người uống phải thuốc rởm, ăn phải thực phẩm giả cũng bị phạt à?
- Theo lí giải của cơ quan này, họ làm thế là để ngăn chặn người nông dân tham rẻ mua hàng rởm
- Làm gì có ai chủ ý mua hàng giả về sử dụng bao giờ. Chắc cơ quan này không quản lí nổi đám làm hàng giả nên họ đá quả bóng trách nhiệm sang các nạn nhân đây mà. Vậy làm thế nào để nhận biết được phân bón giả?
- Nhiêu khê, phức tạp, tốn kém lắm. Nói chung là phải có thiết bị cực kì hiện đại, được sử dụng bởi những kĩ sư giỏi.
- Vậy bằng mắt thường, người nông dân có nhận biết được phân bón thật giả không?
- Các phòng thí nghiệm được đầu tư tốn kém thế mà còn cho kết quả nhiều khi trái ngược nhau nữa là người nông dân với đôi mắt cả đời không được nhỏ thuốc.
- Vậy thì người nông dân phải làm thế nào?
- Theo tôi tốt nhất là khi trồng trọt họ đừng dùng phân bón nữa
- Như vậy cây cối làm sao phát triển, cho thu hoạch cao được
- Thế thì dừng sản xuất lại, bỏ lên thành phố mà làm cửu vạn, làm “Ôsin”.
- Đấy là biện pháp tiêu cực, nó sẽ phá vỡ cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội
- Vậy chỉ còn cách là nhà nước phải đánh thật mạnh vào đám làm hàng giả, để người nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, phải loại trừ khỏi bộ máy công quyền đám thầy dùi đã đưa ra những đề xuất vô lí
- Việc gì phải ác thế. Mỗi sáng bắt mỗi tên mắc bệnh xúi đểu đó ăn một bát phân bón giả là tởn đến già ngay thôi mà.
Cận

Tham bát bỏ mâm

Hello Mr Viễn| How are you?
- Bác biết tôi vốn dốt đặc mà còn bày đặt nói ngoại ngữ, bố ai biết ý bác muốn nói gì.
- Xin lỗi bác| Chẳng là vợ chồng tôi vừa đi du lịch Mỹ mấy ngày, tự nhiên nhiễm cái thói hơi một tí là xả tiếng nước ngoài.
- Chính phủ vừa phát động phong trào Người Việt dùng hàng Việt, cái bệnh xính hàng ngoại của bác nên bỏ ngay đi, kẻo thiên hạ họ cười cho đấy
- Cười hở mười cái răng. Cái tạng người mẫu của tôi là phải diện hàng ngoại mới hợp.
- Bác nói thế không biết ngượng mồm à? Trong lúc khủng hoảng kinh tế, việc tiêu dùng hàng nội chính là biểu hiện của tinh thần yêu nước đấy.
- Ai chẳng yêu nước, nhưng bác thử tưởng tượng người có hình thể đẹp như rồng như phượng của tôi mà xài bộ đồ vừa xấu vừa đắt của mấy hãng nội địa thì phí công chăm bẵm của cha mẹ lắm.
- Thế bác tưởng mấy thứ đồ ngoại mà bác thường dùng là hàng xịn à? Cũng là hàng nhái cả thôi. Nhiều thứ thấm đẫm hoá chất gây ung thư, gây dị ứng, mắc bệnh ngoài da đấy.
- Nhưng chúng lại rẻ, mẫu mã phong phú, bắt mắt. Chẳng thế mà nhiều hãng của ta nhập loại hàng đó về, thay nhãn mác Made in Việt Nam rồi bán giá cao đấy thôi
- Đất nước không ngóc đầu lên được là do loại người cứng đầu như bác đấy
- Đừng nặng lời thế, lỗi này không thuộc về người tiêu dùng. Bác có biết người dân Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản họ luôn được sử dụng các sản phẩm tốt nhất, hàng thứ cấp là dành cho xuất khẩu. Còn ở ta thì ngược lại, người dân luôn phải dùng hàng phế phẩm, giờ bảo họ phải yêu thứ hàng hoá dễ gây tổn thọ này e rằng khó lắm.
- Bác nói cũng có lý. Không hiểu vì lí do gì mà các doanh nghiệp của ta lại coi thường nguời tiêu dùng nội địa thế nhỉ?
- Bác cứ giả vờ ngây thơ, xuất khẩu để thu đô la, giờ bị nước ngoài quay lưng mới quay ra ve vãn người dân trong nước. Khi tình hình yên yên là họ lại đá vào đít người tiêu dùng ngay. Tôi còn lạ gì cái đám con buôn đó nữa.
- Thôi thì chín bỏ làm mười, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, giờ các doanh nghiệp đã biết hối lỗi thì cũng nên quảng đại mà tha thứ
- Nói thế còn nghe được. Tôi có lời khuyên với các doanh nghiệp là, chớ có tham bát bỏ mâm, kẻo có ngày đi ăn mày cũng không ai thương đâu.
Cận