Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Lọt sàng xuống nia

-       Bác ra sân bay đấy à, đã ăn no ở nhà chưa?
-       Tôi đang vội, đã kịp ăn gì đâu. Để ra sân bay ăn cũng được mà.
-       Ối giời, tỷ phú cũng chẳng dám ăn ở đó, nói gì người về hưu như bác.
-       Giá bán ở sân bay đã là cái gì so với giá miếng dưa hấu ở trường mầm non tư thục Hoa Đô ở phường Mễ Trì thuộc quận Nam Từ Liêm.
-       Bác cứ nói đùa, năm nay dưa hấu được mùa, có vài ngàn đồng một quả mà vẫn không bán được, phải cho bò ăn kia kìa.
-       Thế mới có cái để nói. Ở trường này thu của mỗi cháu 25 ngàn đồng một ngày để mua thực phẩm với tổng số tiền là 1 triệu 250 ngàn đồng, nhưng chỉ chi 200 ngàn đồng. Riêng tiền hoa quả cho 15 cháu là 60 ngàn đồng thì nhà trường chỉ mua ¼ quả dưa hấu, đủ chia cho mỗi cháu một miếng bằng nửa bao diêm. Có cháu bảo vừa cho vào mồm, chưa kịp nhai thì nó đã trôi ra ruộng.
-       Hoa quả bây giờ nhiều thuốc trừ sâu, cho các cháu ăn ít cũng là hình thức bảo vệ thế hệ trẻ thôi.
-       Ngộ độc thực phẩm đâu chưa thấy, chỉ thấy các cháu học tập ở trường này đa phần bị suy dinh dưỡng do nhà trường ăn bớt khẩu phần của học sinh đấy.
-       Gày gò một tí cho nó nhanh nhẹn, hoạt bát, to khỏe quá chỉ tốn vải may quần áo chứ báu gì. Bác không thấy bệnh tiểu đường với bệnh tim mạch, máu nhiễm mỡ đa phần gặp ở người béo hay sao. Số tiền tiết kiệm được cuối tháng trả lại cho phụ huynh, mất đi đâu mà lo.
-       Ai bảo bác thế. Họ ăn bớt để chia nhau. Chuyện xảy ra hàng năm nay rồi.
-       Thì các cô có tiền mới ăn được nhiều, mới có sức khỏe phục vụ các cháu. Lọt sàng xuống nia thôi mà.

Cận

Con voi và lỗ kim


-       Trong đời, bác thấy con vật nào to nhất?
-       Tất nhiên là con voi rồi, chủ nhật nào tôi chẳng nhìn thấy trong công viên Thủ Lệ. Riêng cái chân đã to như cột đình vậy.
-       Chẳng phải, con gà là to nhất. Tiếng gáy của nó vang khắp phường, chứng tỏ loài này họng rất to, cổ rất dài. Còn con voi của bác chỉ bé như lỗ kim thôi.
-       Bác “ấm” đầu đấy à, người ta thường bảo to như voi, chứ ai bảo to như gà bao giờ.
-       Bác bảo con voi to như cái nhà, vậy tại sao ở Thượng Mỗ thuộc huyện Đan Phượng lại có hàng loạt biệt thự xây trên đất nông nghiệp ngay cạnh UBND xã mà chính quyền địa phương không hề hay biết?
-       Thật sao, thời buổi này mà vẫn có người liều mạng làm ngơ cho những sai phạm tày đình như vậy à.
-       Không chỉ vậy, sai phạm này diễn ra hàng năm nay rồi mà giờ huyện mới biết. Điều này chứng tỏ con voi rất nhỏ, phải soi kính hiển vi mới thấy, hoặc con voi vẫn to bình thường, chỉ có mắt, tai của cán bộ xã Thượng Mỗ là có vấn đề, cần phải đi khám sớm.
-       Tôi cá với bác là mọi bộ phận trên cơ thể họ vẫn bình thường, chỉ có điều chúng đã bị bịt thôi.
-       Bác nói cứ như người trong cuộc vậy, theo bác chúng bị bít kín bởi cái gì?
-       Rồi công luận sẽ sớm biết thôi, công an huyện đã vào cuộc điều tra để trả lại cho con voi vóc dáng thật của nó, chứ cứ bóp nhỏ nó thành mũi kim mãi, chịu sao nổi.

Cận

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Thật là nhiêu khê

             

-       Theo bác, thế nào là người nghèo?
-       Có thế mà cũng hỏi, đó là những người đói khát quanh năm, quần áo, nhà cửa không có, phải vạ vật ăn mày ăn xin hoặc làm thuê để qua ngày đoạn tháng.
-       Đấy là hạng “siêu” nghèo rồi. Ý tôi là, theo chuẩn quốc tế và ở Việt Nam thì loại người nào được coi là ‘rớt mồng tơi” kia?
-       Trên thế giới làm gì có chuẩn nghèo, chỉ những nước đang phát triển như nước ta mới đưa ra chuẩn nghèo để phấn đấu vươn lên, để báo cáo thành tích với các tổ chức quốc tế. Thấy ta nỗ lực, họ mới thương, mới cho vay tiền tiếp.
-       Tôi có mức lương hưu hơn hai triệu đồng mỗi tháng, có được coi là người nghèo không bác?
-       Thế là trọc phú rồi. Theo chuẩn nghèo Việt Nam đưa ra vào năm 2011, mỗi người dân thành thị thu nhập dưới 500 nghìn, người ở nông thôn là 400 nghìn đồng một tháng thì xếp vào hạng nghèo. Lương của bác gấp 4 lần người nghèo còn kêu ca gì nữa.
-       Bác bảo tôi là giàu có, vậy mà đến nửa năm nay tôi có biết mùi vị bát phở là gì đâu. Phải khéo co kéo lắm mới đủ chi tiêu tằn tiện đấy. Mình mà còn thế, không biết người có thu nhập 500 nghìn đồng một tháng thì sống thế nào nhỉ?
-       Không cần bác phải thương xót hão. Các cơ quan nhà nước đang tìm cách nâng chuẩn nghèo. Ai dưới mức chuẩn sẽ được hỗ trợ.
-       Như thế thì tốt. Nhưng tôi thấy, ở nhiều vùng nông thôn còn rất nhiều người nghèo không chịu làm ăn gì, suốt ngày say xỉn, hết tiền lại ngửa tay xin trợ cấp. Theo tôi, nghèo mà lười dứt khoát không hỗ trợ, họ mới sáng mắt ra.
-       Nếu vậy, lại phải định nghĩa được thế nào là chuẩn lười, như thế nhiêu khê lắm.

Cận

Cũng là sâu mọt

        

-       Mỗi khi dự họp hay dự hội nghị bác thường làm gì?
-       Nếu ngồi cạnh phụ nữ xinh xắn thì tán tỉnh, bên đàn ông thì buôn dưa lê, còn không thì nhắn tin cho bạn bè, mệt thì làm một giấc.
-       Nếu vậy bác làm sao lĩnh hội được hết kế hoạch, chương trình làm việc của đơn vị?
-       Việc đấy khắc có người lo, liên quan gì đến tôi. Chú ý lắng nghe, góp ý kiến lắm chỉ khiến người ta ghét, báu gì.
-       Ai cũng như bác thì đất nước làm sao phát triển được.
-       Con sâu cái kiến như tôi làm ăn không ra gì thì thiệt hại đâu có đáng kể. Như một ông Hội đồng nhân dân cỡ bự ở một thành phố phía nam mới đáng nói. Báo chí quay được cảnh một tay ông ấy chơi game trên điện thoại, tay kia biểu quyết những vấn đề hết sức trọng đại, liên quan đến hàng triệu người dân.
-       Chắc ông này đã luyện công phu đến mức thượng thừa nên có khả năng phân tâm, cùng lúc làm được nhiều việc mà vẫn hiệu quả?
-       Nếu vậy thì thật đáng mừng bởi đất nước mình ngày càng có nhiều cán bộ võ công thâm hậu. Lâu nay tôi cứ trách oan mấy ông nghị gật, tưởng họ ngủ ai dè họ đang thiền, đang tập trung tư tưởng để đưa ra những quyết sách ích nước lợi dân.
-       Tôi thì nghĩ ngược lại. Người đàng hoàng bao giờ cũng tôn trọng tập thể. Họ không bao giờ làm những việc vô bổ nơi công đường, bởi đó là ăn cắp thời gian, tiền bạc và lòng tin của dân. Đây cũng là một dạng sâu mọt cần phải loại bỏ khỏi bộ máy công quyền.

Cận

Hoan hô ngập lụt!

           

-       Mưa có một tiếng đồng hồ, chỉ ở mức vừa phải mà cả Hà Nội đã hỗn loạn vì ngập bác ạ.
-       Chuyện muôn thuở, bác không còn chuyện gì để nói nữa hay sao. Bây giờ mưa mà thành phố không ngập mới là chuyện lạ.
-       Năm nào chính quyền thành phố cũng phải chi hàng trăm tỷ đồng mà sao mãi không khắc phục được chuyện ngập lụt nhỉ?
-       Bác là chúa hay phàn nàn mà chẳng chịu động não. Bây giờ mà hết ngập, hết vỡ đường ống cấp nước sông Đà, biết bố trí hàng nghìn công nhân cấp thoát nước vào việc gì?
-       Thì cho nghỉ việc, nhà nước đỡ phải trả lương cho họ, sướng quá còn gì.
-       Tại sao trên đời này lại có người mang tầm nhìn hạn hẹp đến thế nhỉ. Số người này mà thất nghiệp sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, tệ nạn sẽ xuất hiện ngay.
-       Vậy không lẽ người dân thủ đô phải vĩnh viễn chấp nhận sống chung với ngập?
-       Đúng thế. Tôi mà là bác, tôi sẽ cầu trời cho ngập lụt thật nhiều lần trong năm. Còn gì sung sướng hơn trong mùa hè nóng bức được đầm mình trong nước lũ mát lạnh nửa ngày trời, chẳng phải bật quạt mà vẫn mát rười rượi.
-       Nhưng đấy là nước cống, rất hôi thối và là nguồn gốc của mọi thứ bệnh tật.
-       Chẳng qua là bác không chịu mất tiền tiêm vắc xin 5 trong 1 nên mới dễ nhiễm bệnh. Tôi có lặn trong nước cống cả tuần cũng chẳng sao. Hơn nữa, phóng xe máy qua chỗ ngập, bao nhiêu bùn đất sẽ trôi bằng hết, đỡ mất mấy chục nghìn rửa xe, lợi cả đôi đường còn gì.

-       Nói như bác thì mỗi khi trời mưa to tôi phải chạy ra giữa đường gào lên: Hoan hô mưa! Hoan hô ngập lụt nhỉ

Mừng hụt

          

-       Việt Nam dạo này nhiều thần đồng quá bác nhỉ.
-       Nếu vậy thì mừng cho hồng phúc nước nhà. Lại mới có cháu nào đọc một lần nhớ được cả cuốn từ điển sao?
-       Thế đã ăn thua gì, nhiều cháu mới vài tuổi đã học lớp 3, lớp 4. Có cháu còn đang ẵm ngửa đã học lớp 6 mới ghê.
-       Thật sao, chuyện này trên thế giới chưa có đâu đấy. Thế các cháu ở đâu để tôi đến chiêm ngưỡng?
-       Cần gì phải tìm đâu xa, trên Điện Biên có đầy. Ở các vùng xa xôi, hầu như lớp nào chẳng có chuyện đứa lớn phải cõng em đến lớp học cùng, bởi bố mẹ còn phải lên nương rẫy.
-       Thế mà bác làm tôi tưởng vận nước thay đổi, người tài xuất hiện. Nghe nói Bộ Học cấm việc cho nhiều lứa tuổi chung một phòng học mà. Đứa bé khóc lóc, tè dầm, đứa lớn làm sao chuyên chú học được?
-       Bộ này cấm nhiều thứ lắm nhưng có cái nào khả thi đâu. Không cho đưa em đến lớp, những đứa lớn sẽ bỏ học hết, vì thế thầy cô phải châm chước.
-       Trong lớp có trẻ sơ sinh, nhà trường lại phải lo cho chúng sữa Mỹ, sữa Nhật à?
-       Ở đâu ra, bữa ăn có được miếng thịt mỏng như lá lúa đã quí lắm rồi. Đứa lớn sẽ phải bớt khẩu phần vốn đã rất “hẻo” của mình cho em, nên cả hai đều đói.
-       Ừ thôi, ăn ít thịt cho đỡ bệnh tật.
-       Vấn đề là, với cung cách quản lí thế này, tránh sao được tình trạng suy dinh dưỡng. què quặt về tâm hồn, dặt dẹo về tri thức, làm sao mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chứ?

Cận

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Phải cương quyết loại bỏ


-       Mừng quá bác ạ, con tàu đánh cá được đóng bằng sắt đầu tiên đã được hạ thủy và về đến cảng biển Đà Nẵng.
-       Ôi dào, tưởng gì. Hầu như cả thế giới đã buộc ngư khi đánh bắt xa bờ phải sử dụng tàu sắt từ lâu rồi. Chỉ có ta và vài nước lạc hậu là còn dùng tàu vỏ gỗ thôi.
-       Nước mình nghèo nên phải chịu chứ ai muốn ngư dân bập bềnh trên những con tàu cũ nát, yếu ớt đâu.
-       Bác đừng có mà bao biện. Nghèo mà có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang trong các khu đô thị, nghèo mà để một số đối tượng tham ô, tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng của dân… Đây là do cung cách quản lí yếu kém thôi.
-       Vậy theo bác, chúng ta phải làm gì để bà con yên tâm ra khơi làm giàu cho đất nước, đủ sức bảo vệ biển đảo của tổ quốc?
-       Cán bộ chúng ta cần học tầm nhìn của một số doanh nghiệp lớn. Trong khi nhà nước còn loay hoay ngồi tính toán làm thế nào hỗ trợ bà con ngư dân có phương tiện hiện đại đánh bắt xa bờ, sẵn sàng đương đầu với các thủ đoạn của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thì có doanh nghiệp đã bỏ tiền túi ra đóng hàng trăm con tàu sắt cho bà con ngư dân thuê.
-       Cơ quan nhà nước ở đâu chẳng thế. Để đi đến một quyết định quan trọng nào đó phải trải qua biết bao công đoạn, bao nhiêu “cửa”, đâu phải tiền trong túi mà muốn rút ra lúc nào thì rút.
-       Bác nói thế khó nghe quá, tất cả là do ý thức và đạo đức công dân thôi. Vừa rồi mới chỉ thay thế người đứng đầu ngành điện thôi mà cả đợt nóng kỉ lục vừa qua có ngày nào bị cắt điện đâu.
-       Ý bác là, để mọi việc tốt lên, phải trảm mạnh những “tướng” bất tài, vô dụng.
-       Đúng vậy. Phải cương quyết loại bỏ những kẻ cản trở bước tiến của cả xã hội.

Cận

Thật nham hiểm quá

         

-       Vài năm nữa đến tuổi nghỉ hưu bác có dự định làm thêm gì không?
-       Tôi sẽ đi buôn khoai tây.
-       Sao không buôn bán vàng bạc, kim cương hay cái gì đó hoành tráng mà lại chọn khoai tây, bác biết gì về loại củ này?
-       Cần gì biết nhiều, chỉ cần phân biệt được củ thối hay không, đặc biệt là biết trộn đất đỏ rồi bôi ra ngoài là có thể làm giàu được rồi.
-       Nếu đơn giản thế thì ai cũng có thể trở thành tỷ phú được. Mà đất đỏ thì liên quan gì đến củ khoai tây nhỉ?
-       Sao lại không. Nhiều con buôn nhập khoai tây Trung Quốc màu trắng nhởn, ăn nhạt phèo với giá rẻ mạt, lấy đất đỏ bôi ra ngoài rồi bán cho người tiêu dùng với giá cao gấp hơn 3 lần.
-       Nếu đất đỏ giàu dinh dưỡng thế sao không bôi cho mọi loại quả khác mà lại chỉ bôi lên củ khoai tây hả bác, chắc nó biến củ khoai tầm thường thành thuốc trường sinh bất lão?
-       Trường sinh cái con khỉ. Gian thương làm thế để giả giống khoai nổi tiếng của Đà Lạt.
-       Thì ra là quân ta lừa quân mình. Mà sao khoai tây Trung Quốc giá rẻ thế hả bác?
-       Khoai của họ rẻ vì nó có khi được bón bằng thuốc kích thích tăng trưởng, bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Hơn nữa, chính phủ nước này lâu nay áp dụng chính sách trợ giá nông sản để bóp chết nền sản xuất nông sản các nước lân cận. Khi nào họ chiếm được hoàn toàn thị trường, lúc đó họ mới tăng giá ào ạt.
-       Thật nham hiểm quá. Tôi, bác và bà con cần đề cao cảnh giác mới được.

Cận

Chớ vì lợi ích nhất thời

       
-       Sắp tới, mọi người sẽ được ăn hoa quả nội thoải mái, khỏi phải sử dụng sản phẩm độc hại của Trung Quốc bác ạ
-       Thật sao, thế thì mừng quá. Hồi xưa, có lẽ các cụ chỉ biết đến đồ ăn thức uống nội nên có mấy ai sỏi thận hay ung thư, tiểu đường đâu. Bác nghe thông tin này từ đâu vậy?
-       Thì vừa rồi, một ông thứ trưởng Bộ Công thương chẳng yêu cầu mỗi người dân chỉ cần ăn vài lạng vải thôi thì vải Việt Nam sẽ được tiêu thụ hết, không lo bị nước ngoài vơ vét với giá rẻ mạt là gì.
-       Đúng thế, người mình tiêu thụ sản phẩm cho bà con mình cũng là hành vi yêu nước. Tuy nhiên, chỉ nên ăn vừa vừa thôi. Bà con mình hay có thói thấy loại quả nào tiêu thụ được là đua nhau trồng, đua nhau tăng giá. Đến khi ế sưng, phải đổ cho bò ăn thì lại chỉ biết nhìn nhau thở dài.
-       Lại còn có cái tật học đòi nông dân nước láng giềng phun thuốc sâu, bón thuốc kích thích tăng trưởng vô tội vạ nữa chứ. Chỉ vì lợi nhuận mấy đồng bạc mà nhẫn tâm hại cả đồng bào mình.
-       Đấy là chưa kể, có người, vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng vặt lá non, chặt rễ cây sắp đến ngày cho quả bán cho thương lái Trung Quốc. Đến khi cây chết hàng loạt, mùa màng thất bát mới ngồi ôm nhau kêu trời.
-       Vậy theo bác là không nên ăn hoa quả nội sao?
-       Không phải, ý tôi muốn góp ý với ông Thứ trưởng trên là, trước khi hô hào người Việt dùng hàng Việt, ông này cần giúp người nông dân thay đổi ý thức, đoàn kết một lòng, bỏ qua lợi ích cá nhân, cục bộ địa phương, hướng tới một nền sản xuất sạch, lành mạnh. Bắt đầu từ ngày mai tôi chỉ ăn hoa quả nội, bác cũng thế nhé.

Cận

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Hãy quên đi nhé


-       “Làm” chén trà đi bác, đây là loại đặc biệt đấy. Để tôi vào lấy mấy cái kẹo dồi bác xơi. Hai cái này đi với nhau hợp “tạng” lắm.
-       Thôi, xin bác, chỉ được cái khéo nịnh.  Chẳng bù cho hôm qua, vì mấy gánh nước máy, bác nói tôi không ra gì, còn định sai vợ con xông vào đánh tôi nữa chứ. Pha trà ngon, lại còn mua kẹo, hẳn lại định nhờ vả chi đây?
-       Bác thật tinh tường. Chẳng là thế này, mấy hôm nữa, thằng út nhà tôi nó lên thành phố thi đại học, nhà dạo này kẹt quá, bác làm ơn cho vay ít tiền.
-       Biết ngay mà. Nghe giọng điệu của bác tôi lại mường tượng đến việc dạo này Trung Quốc đang ve vãn Philipin rất ghê.
-       Nghe nói họ đang kiện tụng nhau mà, thậm chí còn có nguy cơ xảy ra chiến tranh nữa kia.
-       Thế mới có chuyện để nói. Hôm trước chiếm đất, chiếm đảo của người ta, hôm sau lại đưa cho cái kẹo mút, hứa sẽ hô hào người dân Trung Quốc du lịch sang Philipin, hẹn sẽ cho vay tiền, đầu tư mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế…
-       Tráo trở thế ai mà tin được. Đối với hạng người này là cứ phải cảnh giác cao độ. Cười đùa với nhau thế thôi chứ luôn phải đề phòng “ông bạn vàng” bất ngờ “đớp” vào mông bất cứ lúc nào.
-       Ai chẳng biết thế, nhưng vì lòng tham, có người vẫn bất chấp lẽ phải vào hùa với kẻ cướp chỉ bởi mấy đồng bạc đấy. Trước sự ngon ngọt ai cầm lòng cho đậu. Như tôi đây, hôm qua suýt bị bác “tẩn”, hôm nay lại được uống trà thơm, kẹo bùi, nếu không được nhắc phải cảnh giác tôi đã cho bác vay tiền rồi. Giờ thì quên đi nhé.
-       Có cho vay không thì bảo, “ông” đánh ọe kẹo ra bây giờ. Giống người gì mà nhẹ không ưa lại ưa nặng. Ọe ra.

Cận

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Cả vú lấp miệng em


-       Hôm vừa rồi Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc có phát biểu khá dài về tình hình biển Đông bác ạ.
-       Với thái độ vô cùng hung hăng phải không?
-       Ôi, sao bác biết?
-       Thì các vị tướng của nước lân bang này bao giờ chẳng ngang ngược, hiếu chiến. Họ đặc biệt to mồm mỗi khi có hành động sai trái.
-       Thật đúng với câu “cả vú lấp miệng em”. Phát biểu trên báo chí mà ông này liên tục đập bàn, bọt sùi ra hai bên mép trắng xóa, trông như mắc bệnh dại. Ông ta đòi Việt Nam chấm dứt việc “quấy nhiễu” giàn khoan Hải dương 981.
-       Võ mồm cả thôi. Con mèo mỗi khi bắt nạt gà, vịt thường quờ quờ cái chân trước, miệng gầm gừ rất ghê, thấy đối phương sợ là xông vào cắn cổ, nhưng nếu bị mổ lại là bỏ chạy. Con hổ không thế, bực lên là nó vả thẳng cánh, không có thói “rung cây dọa khỉ” như vậy. Con người cũng thế thôi, chỉ có những kẻ bất chính là hay to mồm, thực tế lại nhát như cáy.
-       Biết họ ti tiện và hèn nhát sao ta không “tẩn” lại cho đám này chừa cái thói ỷ mạnh hiếp yếu?
-       Truyền thống nước ta là “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”, bần cùng lắm mới phải sử dụng đến giải pháp quân sự. Như cái đận 1979 vậy, “ông trùm” nước họ hung hăng tuyên bố “cho Việt Nam một bài học”, rồi xua 60 vạn tên cướp ngày vượt qua biên giới, ta vẫn nhún nhường. Đến khi đối phương quá quắt quá, ta chỉ cần dùng lực lượng địa phương đã đánh cho họ “tan tác chim muông”.
-       Điều này cho thấy, thực lực quân sự của ta rất mạnh?
-       Không phải, ta làm sao có nhiều súng ống đạn dược bằng họ được. Vấn đề cốt lõi là ta có chính nghĩa. Kẻ cướp bao giờ cũng thua người lương thiện mà bác.

Cận

Cảnh giác cao độ


-       Ở cạnh ông láng giềng mà suốt ngày phải lo đối phó với các âm mưu mệt quá.
-       Bác ám chỉ tôi đấy à. Chơi với nhau mấy chục năm nay, tôi chưa bao giờ sống thủ đoạn với bác. Bác nói thế là không được.
-       Không, ý tôi muốn nói việc Trung Quốc đổi chiến thuật ở biển Đông, khiến dư luận lại dậy sóng bác ạ.
-       Tưởng gì. Với tầng lớp lãnh đạo hung hăng hiện thời của nước này, họ để cho biển Đông yên mới là sự lạ. Thế họ vừa tiếp tục có hành động ngang ngược gì vậy?
-       Họ vừa phát hành bản đồ mới theo hình dọc, coi toàn bộ Biển Đông là của họ, bao gồm cả vùng biển của Malaysia, Philipin, trong đó ôm trọn Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
-       Từ xưa đến nay họ vẫn tuyên truyền như vậy mà, chỉ khác là giờ văn bản hóa sự bành trướng thôi, có gì lạ đâu.
-       Nhưng đúng vào thời điểm này họ cũng thay đổi chiến thuật ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Họ không dùng tàu chiến mà sử dụng tàu kéo đâm va vào tàu đánh cá và tàu kiểm ngư của ta. 6 tàu quân sự đứng từ xa giám sát. Hàng đàn máy bay chiến đấu thỉnh thoảng xuất hiện chớp nhoáng trên bầu trời khu vực này.
-       Tôi có cảm giác họ đang rơi vào thế cùng quẫn. Bị cả thế giới lên án, họ đang tung ra những chiêu cuối cùng. Ta mà nao núng hay rơi vào bẫy khiêu khích của họ là họ lấn tới ngay.
-       Bác lại mất cảnh giác rồi. Với loại người này, có bao giờ hết sự khốn nạn, cứ cảnh giác vẫn hơn.

Cận

Bà tiên giữa đời thường

        

-       Mùa thi đại học lại cận kề, thật khổ cho các cháu nheo nhóc, lếch thếch lên Hà Nội trọ học.
-       Muốn nên người, thành ông nọ bà kia thì phải chịu khổ chứ. Không lẽ nhà nước phải đưa kiệu về làng rước hay sao?
-       Ý tôi không phải vậy, tôi thấy thương các cháu lần đầu rời quê lên chốn thị thành, học chưa được chữ nào đã bị móc túi, bị cánh xe ôm và chủ nhà trọ chặt chém. Hàng chục cháu chui rúc trong những căn  phòng chật chội, tồi tàn, nóng như nung, chưa kịp thi đã lăn ra ốm.
-       Sao không ở nhà làm ruộng hay đi học nghề phục vụ quê hương, cứ gì cứ phải đại học cho khổ bố, khổ mẹ, khổ xã hội.
-       Cả đời mới có một lần được thử sức với nỗi ước ao, khát khao, cũng nên để các cháu thỏa ước nguyện chứ. Nghe nói ở Cổ Nhuế có một bà lão đã 7 năm nay cứ đến mùa thi là dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ rồi cho sĩ tử ở miễn phí. Lắm khi, bà phải nằm ngủ ở ghế, nhường phòng cho các cháu học.
-       Chắc nhà cửa, vườn tược nhà bà này rộng, không có người quét tước nên bắt các cháu hàng ngày dọn dẹp chứ gì?
-       Mọi việc bà làm hết. Bà còn mua xà phòng, thuốc đánh răng, khăn rửa mặt cho các cháu dùng thoải mái.
-       Không thu tiền nhưng lại nhận gà, nhận gạo cảm ơn của bố mẹ thí sinh cũng quá tội. Ở đời có ai cho không ai cái gì.
-       Sao bác lại nói thế, bà không nhận quà cáp mà còn bắt xe buýt ra tận bến xe đón các cháu về nhà mình, chăm như chăm con đẻ vậy.

-       Vậy thì đây là bà tiên rồi. Ước gì ngày càng có nhiều Bụt và Tiên như thế, cuộc sống hẳn sẽ tốt đẹp lên nhiều lắm.

Chớ vì lợi ích nhất thời


-       Sắp tới, mọi người sẽ được ăn hoa quả nội thoải mái, khỏi phải sử dụng sản phẩm độc hại của Trung Quốc bác ạ
-       Thật sao, thế thì mừng quá. Hồi xưa, có lẽ các cụ chỉ biết đến đồ ăn thức uống nội nên có mấy ai sỏi thận hay ung thư, tiểu đường đâu. Bác nghe thông tin này từ đâu vậy?
-       Thì vừa rồi, một ông thứ trưởng Bộ Công thương chẳng yêu cầu mỗi người dân chỉ cần ăn vài lạng vải thôi thì vải Việt Nam sẽ được tiêu thụ hết, không lo bị nước ngoài vơ vét với giá rẻ mạt là gì.
-       Đúng thế, người mình tiêu thụ sản phẩm cho bà con mình cũng là hành vi yêu nước. Tuy nhiên, chỉ nên ăn vừa vừa thôi. Bà con mình hay có thói thấy loại quả nào tiêu thụ được là đua nhau trồng, đua nhau tăng giá. Đến khi ế sưng, phải đổ cho bò ăn thì lại chỉ biết nhìn nhau thở dài.
-       Lại còn có cái tật học đòi nông dân nước láng giềng phun thuốc sâu, bón thuốc kích thích tăng trưởng vô tội vạ nữa chứ. Chỉ vì lợi nhuận mấy đồng bạc mà có người nhẫn tâm hại cả đồng bào mình.
-       Đấy là chưa kể, có người, vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng vặt lá non, chặt rễ cây sắp đến ngày cho quả bán cho thương lái Trung Quốc. Đến khi cây chết hàng loạt, mùa màng thất bát mới ngồi ôm nhau kêu trời.
-       Vậy theo bác là không nên ăn hoa quả nội sao?
-       Không phải, ý tôi muốn góp ý với ông Thứ trưởng trên là, trước khi hô hào người Việt dùng hàng Việt, ông này cần giúp người nông dân thay đổi ý thức, đoàn kết một lòng, bỏ qua lợi ích cá nhân, cục bộ địa phương, hướng tới một nền sản xuất sạch, lành mạnh. Bắt đầu từ ngày mai tôi chỉ ăn hoa quả nội, bác cũng thế nhé.

Cận