Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Trước hết phải vì người nghèo



         
-          Ban Bí thư vừa có Chỉ thị cấm bắn pháo hoa vào dịp Tết năm nay bác ạ.
-          Thế thì buồn lắm nhỉ. Thiếu pháo hoa sẽ khiến hương vị tết nhạt đi nhiều.
-          Các lãnh đạo cũng biết vậy, nhưng năm nay thiên tai nhiều quá. Bà con miền Trung trải qua mấy đợt bão lũ đã kiệt quệ lắm rồi. Trong Chỉ thị nêu rất rõ, dùng tiền đó lo cho người nghèo, gia đình chính sách, giúp người dân vượt qua cơn bĩ cực.
-          Thì tôi có nói gì đâu. Tôi chỉ thắc mắc là, tiền bắn pháo hoa sao không huy động từ nguồn xã hội hóa. Người dân vẫn được vui tết, trong khi vẫn giúp đỡ được những nơi khó khăn?
-          Không phải là vấn đề tiền lấy từ đâu. Trong lúc đồng bào mình còn lóp ngóp trong bão lũ, ngồi trên ngọn cây chờ cứu trợ mà chúng ta ngửa cổ lên trời thưởng thức pháo hoa, tôi thấy bất nhẫn quá.
-          Tết cổ truyền cả năm mới có một lần, giờ cấm tiệt thì còn gì là không khí của mùa xuân nữa.
-          Các địa phương đã có kế hoạch đón tết. Sẽ có nhiều hình thức vui chơi khác, bổ ích và lành mạnh, miễn sao tiết kiệm, an toàn, người dân phấn khởi, hạnh phúc.
-          Nếu không bắn pháo hoa, khách du lịch sẽ giảm, sẽ làm giảm nguồn thu ở các thành phố lớn?
-          Bác không phải lo. Năm nay, lần đầu tiên Việt Nam đón du khách thứ 10 triệu đấy. Hầu hết họ đến Việt Nam vì cảnh đẹp và con người thân thiện, đâu phải vì mấy chùm pháo hoa trên bầu trời. Biết chúng ta bỏ pháo hoa vì người nghèo, có lẽ họ cũng rất vui và thông cảm.
Cận

Tất cả là do con người



          
-          Tại Hội nghị ATGT năm 2016, Chánh Văn phòng Ban ATGT Lào Cai có kiến nghị bỏ biển đỏ, biển xanh, thống nhất một màu biển để tạo sự bình đẳng khi các phương tiện tham gia giao thông.
-          Một ý kiến đáng suy ngẫm. Đúng là gần đây, nhiều lái xe công có biểu hiện chạy bừa, chạy ẩu gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, nhưng nếu để biển thống nhất, không có sự phân biệt với xe tư nhân thì cần cân nhắc. Ở nước ngoài, họ có dùng chung một mẫu biển không nhỉ?
-          Vẫn có chứ, nhưng chỉ những xe ưu tiên như xe phòng chống thiên tai, xe quân đội, xe đón khách quốc tế cao cấp, xe cấp cứu mới được hưởng loại biển có màu đặc biệt.
-          Vậy chúng ta cũng nên theo đó mà làm, sao phải đổi cho nhiêu khê?
-          Nhưng trong thực tế, nhiều xe công không bị phạt khi vi phạm luật giao thông. Có xe, ỷ vào vị thế của mình chở hàng cấm, hàng lậu…
-          Không xử lí là do một số CSGT ngại va chạm với xe của Nhà nước, chứ có điều luật nào cấm phạt loại xe này đâu?
-          Trên lí thuyết thì thế, thực tế muôn hình vạn trạng lắm. Tuýt còi một cái, có khi mất việc như chơi, chẳng dại.
-          Sợ bóng sợ gió, bác thử chỉ cho tôi trường hợp nào bị đuổi việc chỉ vì xử phạt xe công xem nào. Hơn nữa, có sự phân biệt xe biển xanh, biển đỏ, người ta còn ngại dùng xe công đi lễ chùa, đi ăn nhậu, đưa vợ đi làm, đưa con đến trường. Thống nhất một loại biển ấy à, có Trời mới kiểm soát được những đối tượng thích dùng xe công vào việc tư. Vì vậy, ý kiến thống nhất một màu biển, theo tôi, không khả thi, cần tính toán kĩ lưỡng.
Cận

Tập quán khó bỏ



    
-          Chỉ còn mấy tuần nữa là tết, bác chuẩn bị quà biếu đến đâu rồi?
-          Cũng đã hòm hòm. Cận tết tôi đi một ngày là hết.
-          Nghe nói đã có Chỉ thị cấm biếu quà tết lãnh đạo rồi mà?
-          Đấy là đối với cấp cao thôi, chứ làng nhàng như chúng mình, ai người ta để ý. Quanh năm sếp tạo điều kiện cho mình làm ăn, đến tết lại lờ đi sao được.
-          Chính cái lối suy nghĩ của những người như bác đã tạo tiền lệ cho nạn biếu xén, hối lộ đấy.
-          Này bác đừng vơ đũa cả nắm nhé. Người ta là cấp trên, tết nhất mình không có cái phong bì, túi quà, họ ghét thì có mà ăn cám. Tôi “đi” vào ban đêm ai biết đấy là đâu.
-          Năm nay sẽ không đơn giản như bác nghĩ đâu. Nếu sếp không cho lịch hẹn, không cho đến nhà, hoặc cương quyết không nhận quà thì bác làm thế nào?
-          Chỉ đối với người lạ thôi, chứ tôi năm nào chẳng đến, thân quen rồi, sếp nào nỡ đuổi về.
-          Ừ nhỉ. Thế nhỡ ai đó nhìn thấy bác đến nhà sếp với túi quà to tướng họ đi tố cáo thì sao?
-          Năm nay tôi chỉ để phong bì thôi, có trời mới biết tôi gặp lãnh đạo để làm gì. Gọn nhẹ mà hiệu quả.
-          Các sếp đã được quán triệt hết rồi. Tôi e việc biếu quà tết của bác sẽ không thông thoáng như mọi năm đâu.
-          Sếp không nhận thì đã có vợ con, cha mẹ sếp nhận. Thiếu gì cách bày tỏ lòng “thành”. Tệ biếu và nhận quà tết đã thành tập tập quán rồi, phải quyết tâm lắm mới bỏ được, bác hiểu chưa?
Cận

Phụ thuộc vào ý thức



           
-          Ở đâu mà con người được giáo dục thường xuyên về đạo đức và ý thức pháp luật tốt, thì ở đó sẽ có nhiều hành động đẹp, bác nhỉ.
-          Đúng quá. Nhiều nơi mải làm ăn kinh tế, lơ là giáo dục đạo đức công dân nên mới để xảy ra những hành vi không đẹp. Lại có một “đóa hoa” nào làm gương cho mọi người à?
-          Không phải một bông, mà cả một “vườn hoa” luôn. Hôm vừa rồi, ở Cà Mau, một xe tải bị lật xuống vuông tôm ven đường, hàng trăm két bia văng tung tóe. Người dân xung quanh thấy thế đã xúm vào giúp đỡ lái xe gom hàng lại.
-          Chắc hao hụt không ít. Trời nóng thế này mà được vài lon bia, tinh thần phấn chấn ghê lắm.
-          Không hề. Tổng số bia gom lại không thất thoát chút nào. Người lái xe xúc động rơm rớm nước mắt, không nói lên lời.
-          Giúp đỡ người hoạn nạn cũng là chuyện bình thường thôi, có gì đáng nói đâu?
-          Cũng không bình thường như bác nghĩ đâu. Ở nhiều nơi thấy xe chở hàng bị nạn, nhiều người xông vào hôi lấy hôi để, khiến dư luận bức xúc đấy thôi.
-          Chắc thấy cảnh bị tung clip lên mạng nên mọi người sợ không dám cướp. Có khi ở nhà ai cũng có bia chất đầy trong tủ lạnh rồi nên họ làm ngơ?
-          Người dân ở đây còn nghèo, ăn còn phải tằn tiện, lấy đâu ra mà lắm bia dự trữ. Đây là do ý thức của mọi người thôi.
-          Nếu thế thì thật quí hóa. Ở đâu mà người dân không màng đến của cải của người khác thì ở đó hạnh phúc sẽ ngập tràn. Giá như nơi nào cũng thế thì vui quá, bác nhỉ.
Cận

Phải phạt nặng, xử nghiêm



       
-          Lại có 3 xe tải tông nhau liên hoàn khiến một lái xe bị chết ở Quảng Nam bác ạ.
-          Tai nạn giao thông bây giờ như cơm bữa, quan tâm làm gì cho phiền não. Nhiều lái xe bây giờ chạy ẩu lắm.
-          Nhưng lần này không liên quan đến các lái xe. Họ bị tai nạn chỉ vì đàn vịt.
-          Có lái xe nào nhậu với món tiết canh và vịt om xấu nên không làm chủ được tay lái à?
-          Lúc 5 giờ sáng, khi đang chạy xe trên Quốc lộ 1A, một đàn vịt bất ngờ băng qua đường. Lái xe vội phanh gấp thì bị hai chiếc xe phía sau tông phải. Cả 3 chiếc xe đều nát bươm.
-          Sao chủ đàn vịt không lùa xuống ao mà lại đưa lên Quốc lộ làm gì?
-          Đâu chỉ có vịt. Đi dọc các quốc lộ vào bất cứ giờ nào trong ngày bác sẽ thấy trâu bò, gà lợn, chó tung tăng trên đường. Nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra vì những con vật “vô ý thức” này.
-          Con vật thì biết gì, vấn đề này hoàn toàn do ý thức người dân thôi. Ở nhiều nơi, sau mỗi vụ thu hoạch, rơm rạ phơi kín mặt đường, khiến nhiều lái xe không biết đâu mà tránh. Thế chủ đàn vịt có bị xử lí gì không?
-          Từ xưa đến này, tôi chưa thấy ai bị tù hay bị phạt tiền vì thả gia súc, gia cầm “dạo mát” trên các quốc lộ cả. Cùng lắm, họ chỉ bị nhắc nhở thôi.
-          Nếu chúng ta nương tay với những vi phạm kiểu này, tai nạn sẽ tiếp tục xảy ra, sẽ còn nhiều cái chết oan uổng. Đã đến lúc phải phạt nặng, xử nghiêm với những vi phạm kiểu này.
Cận