Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

người đàn bà xấu xí

Chiều thứ bảy mưa nặng hạt. Cả nhà lên gác coi tivi, một mình lên mạng đọc báo. Vẫn nhàm chán như mọi khi. Đập vào mắt ngay trên trang nhất là một ông đầu hói đang nở nụ cười rất tươi, chắc sung sướng vì vừa được bầu làm chức gì đó to lắm. Ông ấy sướng một, vợ con ở nhà sướng mười. Rồi tiền bạc, rồi quyền lực sẽ ào ào đổ về. Tưởng là quyền càng cao, chức càng trọng mặt phải hằn nỗi lo âu vì quốc kế dân sinh chứ? Những kẻ hơn hớn, nhơn nhơn tự đắc thế kia rồi thể nào cũng có ngày bị lật kèo, bị mất chức, bị tù tội, rồi thì vợ đi với trai, con cái đứa làm điếm, đứa vào tù vì tội hiếp dâm. Chán!
Rê chuột xuống một chút là hình cô bồ của một ngôi sao bóng đá ngồi dạng tè he cạnh chiếc bánh ga-tô to tướng, có mỗi mảnh vải đỏ chói bằng bao diêm hờ hững che nơi cội nguồn của mọi tội lỗi. Cô rất xinh nhưng mặt chẳng thấy chút vui buồn gì, như những bức tượng bằng xi-măng ngoài công viên vậy. Một cô gái trơ trẽn ngồi giữa bãi biển đông người, nheo mắt làm dáng để anh chàng thợ ảnh chĩa ống kính lục lọi khắp cơ thể thế kia, liệu khi khóc có chảy ra được giọt nước mắt nào không nhỉ? Khó nói lắm, chỉ thấy anh chàng cầu thủ triệu phú đứng cạnh là thiệt. Bao nhiêu tiền kiếm được nhờ đổ mồ hôi, chạy hùng hục quanh năm suốt tháng trên sân cỏ, lại để nuôi người đàn bà vừa nạ dòng vừa ngây thơ kia ăn chơi phè phỡn, dại quá!
Con trỏ máy tính vừa chui vào mục công nghệ. Chà! Chiếc điện thoại đời mới mới đẹp làm sao. Mấy anh chàng kĩ sư giỏi thật, đưa cả thế giới vào chiếc máy nhẹ tênh, nhỏ bằng mấy ngón tay.Nhưng hình như, cũng vì nó mà con người ngày càng xa nhau hơn. Tết ư? Về ông bà làm gì, đi chơi thích hơn, gọi điện hỏi vài câu là được rồi. Đến thăm thầy giáo ấy à? Thôi rét lắm, gọi hỏi vài câu cũng được chứ sao. Có ông đã già khú, khi vào toa-lét lần nào cũng giấu giếm vợ con mang điện thoại vào theo. Hóa ra ông bị táo, phải ngồi trong đó lâu nên nhắn tin cho bồ lúc này thật nhất cử lưỡng tiện. Tính ông vốn thế, làm gì cũng phải đạt được vài ba mục đích Liệu ông có biết cô bồ trẻ của ông đang nằm trong vòng tay một chàng trai lực lưỡng, nhắn cho ông những lời nồng nàn không nhỉ?
Ôi nhân tình thế thái! Tắt máy tính đi ngủ cho đỡ phải nghĩ ngọi, nhức đầu
Nhưng gượm đã. Có một tấm ảnh chụp người đàn bà quê mùa đứng giữa hàng trăm ngôi mộ. Bà ta trông già rồi, cũng phải bảy mươi là ít. Người đâu mà xấu xí, mặt mũi đầy sẹo, tóc tai xơ xác. Không hiểu sao ánh mắt của bà ấy ấm áp quá, mãn nguyện và thanh thản quá. Hình như mình đã gặp bà ấy ở đâu rồi thì phải, không thể nhớ được. Bài báo phía dưới cho biết bà là thương binh nặng, hạng ¼, phải đi bán vé số dạo lấy tiền nuôi bản than và ba đứa cháu mồ côi. Dù kiếm được ít hay nhiều, cuối mỗi ngày bà đều dành một phần bỏ vào con lợn đất. Sau mười năm chắt chiu, bà để ra được hơn bảy chục triệu đồng. Gần đến Ngày thương binh liệt sỹ năm nay, bà cầm toàn bộ số tiền này đến ủy ban xã đề nghị dành để ốp gạch men cho 144 ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sỹ. Nhìn đôi bàn tay teo quắt lại vì thương tật của bà không còn đủ sức vén nổi mấy sợi tóc bết mồ hôi trên trán, mới thấy hết được cái nghĩa, cái tình của người đàn bà khuyết tật đối với các đồng đội đang phải vùi mình mấy chục năm trời dưới đám đất đen kia. Bà muốn những ngôi mộ phải đẹp, phải chắn được mưa, che được nắng, trong khi túp lều của mấy bà cháu vách thủng tứ bề, mái dột tứ tung. Nhìn tấm ảnh bà dang hai cánh tay bị co rút lại vì bom đạn kẻ thù ôm choàng lấy tấm bia trên nóc một ngôi mộ nhỏ, như gà mẹ xòe cánh che cho đàn con, tự nhiên thấy nhẹ bỗng. Hình như, trên mảnh đất này vẫn lẩn khuất đâu đó những tấm lòng mang hình hài con người
Bin-ghết làm từ thiện hàng chục tỷ đô-la, nhưng cái mà vợ chồng con cái ông còn lại là những cung điện nguy nga, với hàng núi tiền đủ để mấy đời ăn không hết. Bao doanh nghiệp, cá nhân mua bức tranh mấy tỷ đồng vì quỹ người nghèo, nhưng có phải tiền của họ đâu, của nhà nước, của nhân dân cả đấy. Khối ông vừa làm từ thiện hôm trước, hôm sau vào tù vì tội lừa đảo. Không hiểu mấy ông quan xã, quan huyện ăn chặn tiền cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, những kẻ bớt xén tiền bồi dưỡng của những người cho máu nhân đạo có dám ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ bán vé số ngày ngày chắt chiu từng giọt máu, từng giọt mồ hôi để cho đồng đội được mồ yên mả đẹp không nhỉ?
Một câu hỏi có lẽ còn lâu lắm mới có câu trả lời!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét