Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

phỏng vấn


Thứ Năm, 02/08/2012, 20:13 GMT

Tuyên truyền Biển Đông: Thận trọng chứ không nên dè dặt (Bài 3)

Nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn của một nhà nghiên cứu báo chí về vấn đề tuyên truyền Biển Đông, Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ báo chí, Nhà báo Hoàng Văn Quang về vấn đề này.
Tuyên truyền Biển Đông: Thận trọng chứ không nên dè dặt (Bài 3)
TS Hoàng Văn Quang, Nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí
Thưa tiến sĩ, một số nước có tranh chấp về biển đảo đã liên tục tuyên truyền cho chủ quyền của mình, thậm chí đầu tư cho những bloger viết bài về biển đảo, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề tuyên truyền Biển Đông của Việt Nam hiện nay?
Nước nào cũng trân trọng những gì mình có. Philipines, Nhật Bản, Indonesia luôn làm mọi cách để tuyên truyền, bảo vệ vùng biển của mình. Họ sẵn sàng đầu tư không giới hạn cả về nhân lực, vật lực cho lĩnh vực này. Vấn đề biển đảo được họ chú trọng đưa vào sách giáo khoa nhằm giáo dục từ rất sớm cho trẻ em tình yêu quê hương đất nước và tinh thần sẵn sàng đấu tranh bảo vệ quyền lợi và lẽ phải. Khi xảy ra mâu thuẫn hay xung đột với bên ngoài, họ tận dụng tối đa mọi nguồn lực, trong đó có việc sử dụng hiệu quả Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội để tuyên truyền.
Sở dĩ các nước làm được điều này bởi họ có vị thế khác với chúng ta. Việt Nam vốn có mối quan hệ lâu đời theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực với Trung Quốc. Chúng ta là nước nhỏ nên luôn bị họ chèn ép, xâm lấn.
Tuy nhiên, đã nhiều lần trong lịch sử, nhờ lối ứng xử vừa cứng rắn vừa khôn khéo, ông cha ta đã nhiều lần giành chiến thắng vẻ vang. Trong tình hình hiện nay, diễn biến tại Trung Đông, châu Phi rất phức tạp, dễ lây lan, vì thế, theo tôi, sự thận trọng trong tuyên truyền trên báo chí về vấn đề Biển Đông hiện nay là khá hợp lí, tùy theo tình hình mà gia giảm liều lượng. Gần đây khi chiều hướng quốc tế tốt lên, nhiều nước ủng hộ chúng ta, phê phán Trung Quốc, báo chí trong nước cũng đã lên tiếng khá mạnh mẽ
Theo ông, chúng ta đã phát huy hết sức mạnh truyền thông chưa? Có còn vấn đề nào “vướng” khi tuyên truyền Biển Đông?
Sức mạnh truyền thông nằm ở nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất vẫn là báo chí. Thẳng thắn mà nói, chúng ta chưa phát huy được hết vai trò của báo chí, vẫn còn tình trạng mạnh tờ nào tờ nấy viết, chưa có sự tổ chức phân chia lĩnh vực phản ánh cho từng tờ báo hay từng loại hình báo chí; tờ này đăng lại bài của tờ kia, gây nên những hỗn loạn thông tin, làm giảm sức chiến đấu khá nhiều. Những tờ báo lớn có tính định hướng xã hội cao lại quá thận trọng, dè dặt trong phát ngôn, đã khiến người dân nhiều khi không biết phải làm gì.
Theo ông, giới trẻ, người dân đã nhận thức đầy đủ về Biển Đông hay chưa? Ông có bình luận gì về hiện tượng một số công ty du lịch thông tin sai cho khách du lịch về Biển đảo Việt Nam?
Để hiểu cặn kẽ về vấn đề Biển Đông thì ngay đến các chuyên gia nhiều khi cũng còn lúng túng, nói gì đến giới trẻ. Việc cần làm nhất hiện nay là tập trung tuyên truyền để người dân không bị các đối tượng xấu kích động biểu tình, gây bạo loạn, ảnh hưởng đến bang giao chính trị giữa hai nước, ảnh hưởng đến tình hình chính trị trong nước và khu vực; cần khuyến khích những hành động yêu nước lành mạnh, tỉnh táo. Đồng thời báo chí cần tập trung vận động đoàn kết toàn dân, khơi gợi tinh thần yêu nước, phản ánh những tấm gương hi sinh bảo vệ vùng biển hải đảo. Bên cạnh đó, chúng ta cần thẳng tay hơn, cần thiết thì đóng cửa trang mạng, truy tố người đứng đầu một số trang mạng sử dụng những khái niệm bất lợi cho chủ quyền đất nước như cách gọi biển Đà Nẵng là China beach chẳng hạn.
Từ góc độ chuyên gia báo chí truyền thông, ông có thể đưa ra ý tưởng gì để việc tuyên truyền Biển Đông hiệu quả?
Trước hết chúng ta nên đầu tư tổ chức những cuộc thi có chất lượng huy động toàn xã hội tham gia viết về Biển Đông và chủ quyền biển đảo; tập trung tuyên truyền về ý thức đoàn kết dân tộc, không có sự phân biệt nào về mặt chính trị, tôn giáo. Chẳng hạn vào rằm tháng Bảy này (dịp xá tội vong nhân) chúng ta nên tổ chức một lễ cầu siêu thật lớn cho những người đã từng hi sinh để bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Nếu làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ củng cố được khối đoàn kết toàn dân, sẽ nhận được sự ủng hộ của hàng triệu kiều bào trên khắp thế giới. Nhân những dịp này báo chí tổ chức những chiến dịch tuyên truyền thật qui mô, mở rộng ra cả quốc tế thông qua các hình thức công nghệ thông tin. Ngoài ra Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho những cơ quan, cá nhân nghiên cứu về biển đảo, thậm chí lập hội, lập quĩ vì sự phát triển và bình yên của biển đảo.
Tuyên truyền Biển Đông: Thận trọng chứ không nên dè dặt (Bài 3)
Lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ trên Đảo Trường Sa. Nguồn: Internet
Ông nghĩ sao khi có rất nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập bảo tàng công bố chứng lý Biển Đông ngay tại Hà Nội?
Nên chứ, nhất là trong bối cảnh phức tạp về biển đảo hiện nay. Hiện chúng ta có rất nhiều hiện vật liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, chúng chủ yếu nằm tản mát ở các địa phương, trong dân. Nếu qui được về một mối, được giới thiệu một cách hệ thống chắc chắn nhận thức của người dân về chủ quyền biển đảo sẽ được nâng lên rất nhiều. Hơn nữa, bảo tàng là nơi lưu giữ chuyên nghiệp, chỉ họ mới có khả năng bảo tồn được lâu dài những chứng lí lịch sử cho con cháu sau này. Ở cạnh một “ông bạn” hay gây hấn, những chứng lí này chắc chắn có nhiều hữu dụng về sau.
Tuyên truyền Biển Đông: Thận trọng chứ không nên dè dặt (Bài 3)
Bảo tàng Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nếu có bảo tàng như vậy ở Hà Nội, số người biết chứng lý Biển Đông sẽ nhiều hơn. Ảnh: Lê Hiếu
Xin cảm ơn ông!
HỒNG CHUYÊN
(Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét