Thứ Ba, 17 tháng 3, 2009

Một thoáng hương lòng



Mấy bữa nay trời Sài Gòn khá dịu mát, đêm trời còn se lạnh. Không có việc gì làm, đành ngồi nhâm nhi li cà phê nơi quán cóc đối diện Nhà thờ Đức bà. Hình như mấy dãy phố nơi đây dành cho công sở, không thấy nhiều hàng quán ồn ào thường thấy ở thành phố này. Người qua lại ai cũng vội vàng, tất bật. Bỗng thấy mình lạc lõng, chợt dậy lên nỗi nhớ nhà.
Cà phê Sài Gòn nhạt quá, thoang thoảng mùi gạo rang. Dưới đáy chiếc li đầy đá là lớp đường óng ánh để cả ngày vẫn không tan hết. Chẳng giống với cà phê Hà Nội, chỉ là một lớp mỏng nhưng đặc sánh, người không quen nhấp một ngụm thấy nôn nao, suốt buổi vẫn thấy váng vất, ngạt ngào. Người Hà Nội không thích cà phê tan, cà phê công nghiệp, mà dùng tới đâu xay tới đấy. Như thế mới tạo được hương vị riêng, mới cuốn hút, gây nghiện được đối với dân sành sỏi. Chẳng thế mà những cà phê Lâm, cà phê Hói, cà phê Nhân luôn có lượng khách đông đảo trung thành hàng chục năm. Người Hà Nội không uống hai li cà phê mỗi ngày, và không bao giờ coi thứ đồ uống này là nước giải khát. Đang nghĩ miên man bỗng đâu hiện ra một cô gái, khó đoán đã bao nhiêu tuổi. Cô mặc bộ đầm sẫm màu lịch lãm, cổ không cài kín như nhũng cô thư kí ngồi phòng máy lạnh, nhưng cũng không quá trễ nải, lả lơi. Cô ghé vào sạp sách báo cạnh đó trầm ngâm một hồi rồi chọn lấy một quyển, đứng nép sau lưng bà chủ quầy báo, chậm rãi lần giở từng trang, thỉnh thoảng hé làn môi hồng, tủm tỉm. Gió thổi bay làn tóc, cô khe khẽ dùng ngón út vén lên qua tai, cái đầu nghiêng nghiêng, đôi mắt thỉnh thoảng ngước lên dõi về nơi xa ngút. Cô đẹp quá và có vẻ không thích hợp với khung cảnh nơi đây. Sự nhàn tản thế này chỉ con gái Hà Nội mới có. Còn nhớ hồi chiến tranh, có lần đến thăm một đơn vị chiến đấu ngoài bãi sông Hồng. Đứng bên ụ pháo là một cô gái vai đeo súng trường, trên vành tai nhỏ xinh gài một bông hồng trắng muốt. Dù luôn phải ngược xuôi tiếp đạn cho đồng đội, bông hoa vẫn không gãy, không dập dù là một cánh nhỏ. Với những con người như thế này tại sao lại phải âu lo về tương lai nhỉ.
Cô gái nói với người chủ sạp vài câu, xin mảnh giấy báo gói cuốn sách lại rồi cẩn thận đặt vào cái xắc đeo hững hờ trên vai. Ôi giọng nói nhẹ nhàng, gọn gàng, đầm ấm của người con gái Hà Nội lâu lắm rồi mới được nghe. Nó như cơn gió thoảng, không vấp, không vội, đứng xa nghe vẫn rõ từng lời. Con gái Hà Nội ít khi mua mấy cuốn một lúc, không sỗ sàng ném sách lên giỏ xe. Họ thưởng thức sách và lấy làm hạnh phúc khi được lang thang giữa rừng chữ nghĩa. Rồi cô đi, cũng nhẹ nhàng như khi đến. Nắng ùa theo cô, quấn lấy đôi chân mảnh dẻ, thẳng tắp. Bộ đầm cô mặc ôm khít lấy thân hình thon thả, không quá ngắn để khêu gợi, không quá chật để khiêu khích, ẩn hiện những đường cong tuyệt mỹ. Các cô gái Hà Nội khi ra phố ít mặc những bộ đồ có quá hai màu. Với họ, quần áo không nhất thiết phải quá phẳng phiu, dễ làm cho con người trở nên cứng nhắc, nhưng cũng không được quá nhàu nhĩ, cẩu thả. Có vậy, họ mới làm chủ được mình, không lệ thuộc vào trang phục. Cô đi nhanh nhưng vẫn thanh thoát, uyển chuyển, không một chút vội vàng, hấp tấp, nét sang trọng như hòa vào với sự sôi nổi, trẻ trung. Nỗi nhớ Hà Nội cuộn thắt lồng ngực. Không hiểu ngoài ấy còn bao nhiêu cô gái gốc Hà Nội nhỉ? Sao bỗng thấy đôi chân nặng trĩu, chỉ muốn nằm vật ra giường ngủ một giấc cho quên đi nỗi nôn nao trong lòng.

Trần Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét