Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

THÉP MỚI - CÂY BÚT TÀI HOA



Thép Mới là nhà báo tài hoa nhất trong số những nhà báo Việt Nam mà tôi biết đến. Anh là người có thực tài, thực học. Một con người say xưa tìm tòi cái mới, sáng tạo phong cách mới. Một người làm báo với tâm hồn nghệ sĩ. Tôi cảm nhận anh luôn tự đặt cho mình lúc thể hiện các tác phẩm là phải làm thế nào đi theo một con đường chưa từng có bước chân ai. Văn anh nhiều hình ảnh, nhiều âm thanh, giàu màu sắc; đọc lên lúc nào ta cũng thấy văn mạch tuôn ra cuồn cuộn, thoải mái, tưởng như rất dễ dàng từ nguồn cảm hứng vô tận của tác giả, song trên thực tế đã trải qua một quá trình sưu tầm, suy tư, trăn trở lao động đến đau khổ của người cầm bút - điều này chỉ những bạn cùng nghề thân thiết và có dịp sống gần anh mới hiểu tường tận.
Anh là một trong những nhà viết văn xuôi nổi tiếng thuộc thế hệ trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám. Thế mà sau khi đã thành danh, đã tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn mấy khoá, tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa, trong một bức thư gửi bạn cầm bút, anh còn tự đặt ra câu hỏi: “Không biết mình có phải nhà văn không?”.
Thép mới là con người suốt đời đi tìm cái mới, bắt đầu từ bút hiệu của anh – cho dù trong cuộc đời sáng tạo khá dài, anh không khỏi có lúc tự lặp lại mình. Điều này là thông thường thôi, khó tránh ngay cả ở những văn hào lớn
nhất thế giới. Hình như trước Thép Mới, ở Việt Nam ít ai chọn bút danh “nôm na” như anh từ mấy nhà thơ trào phúng. Thế hệ cựu học Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Ngạc Am Võ Liêm Sơn đã đành, mà ngay các vị tây học như Nguyễn Tường Tam vẫn ký là Nhất Linh, Nguyễn Khoa Văn là Hải Triều; Trần Khánh Giư, Lê Văn Bái khi đảo các ký tự của tên mình để trở thành Khái Hưng hoặc j. Leiba thì những bút danh này vẫn mang âm sắc Việt Hán hoặc tự dạng Pháp. Còn Thép Mới là hoàn toàn Việt Nam.
Sau ngày nhân dân Cu Ba giành lại được tự do và thiết lập chính quyền mới (1959), Thép Mới là nhà báo Việt Nam đầu tiên sang thăm đảo quốc này. Trở về anh viết một loạt phóng sự hừng hực hơi thở mới. Loạt bài được tập hợp và xuất bản ngay thành sách Hiên ngang Cu Ba có tiếng vang lớn trong bạn đọc thời bấy giờ. Có lẽ Thép Mới là người đầu tiên trong làng báo đặt tính từ bổ ngữ lên trước chủ ngữ trong đầu đề để tạo ấn tượng mạnh và anh đã thành công. Cùng với Lặng lẽ SaPa, truyện ngắn nổi tiếng cùng thời của Nguyễn Thành Long, cách đặt đề bài này được nhiều người bắt chước, và đến nay thì trên các trang báo đã bão hoà tới mức chán chường. Trước tập ký của Thép Mới, báo chí thường phiên âm Cu Ba là Quy Ba đọc theo tiếng Pháp và dường như còn có một lý do nữa là từ Cu nghe không được văn chương cho lắm. Báo Nhân dân chấp nhận cách phiên âm mới. Thoạt đầu cũng có sự ngỡ ngàng nào đó – và cả sự phản ứng của một số người nữa – song ngày nay thì có ai còn nhớ đến cách viết “đảo quốc Quy Ba”?
Đi theo lối mòn là điều tối kỵ đối với Thép Mới.
*
Chuyện về tài hoa sáng tạo của Thép Mới chắc còn phải nói dài dài. Trong làng văn, làng báo của ta tôi nghĩ ít có người viết bút ký chính luận hay như anh. Thép Mới kết hợp tài tình tư liệu quá khứ với yêu cầu thời sự, khéo khai thác ý kiến người khác rồi nâng lên và phát triển thành tư duy mang dấu ấn của riêng mình. Tôi được biết đang có một số công trình nghiên cứu về sự
nghiệp báo chí – văn học của anh. Cũng đã đến lúc rồi. Anh ra đi đến nay đã ngót mười năm, đủ độ lùi cần thiết về thời gian để bình tâm nhìn lại.
Riêng tôi, thỉnh thoảng nghĩ về nghề nghiệp tôi lại nhớ đến anh. Nhớ những chuyến cùng nhau đi thâm nhập nông thôn. Nhớ con người rất hào hoa mà cũng rất dân dã. Thép Mới ý thức được mặt yếu của mình do môi trường sinh trưởng và học hành ở thành phố, vì vậy anh quyết tâm chan hoà với những con người lao động chân lấm tay bùn trong thời kỳ kháng chiến chín năm và những ngày miền Bắc tiến hành cải tạo nông nghiệp, thành lập hợp tác xã vào cuối những năm 50. Nhớ chuyến cùng nhau chia thành hai mũi phóng viên hướng về Sài Gòn và cùng gặp nhau ngày đầu tháng năm 75 lịch sử ở thành phố Hồ Chí Minh; rồi tôi cùng Thép Mới ở lại Sài Gòn thành lập Ban đại diện báo Nhân dân do anh phụ trách. Đặc biệt nghĩ đến tấm lòng của anh, tấm lòng một người miền Bắc đối với đồng bào ruột thịt miền Nam qua mấy bức thư anh viết cho tôi từ chiến trường vào những ngày chiến tranh ác liệt nhất mà tôi vẫn trân trọng giữ gìn. Tâm tư của Thép Mới thật ra cũng là suy nghĩ của hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn vào Nam tham gia chiến đấu giải phóng đất nước, song Thép Mới đã biết thể hiện với tất cả tâm hồn nồng cháy và bút lực sôi nổi. Tôi biết tiếng anh từ trước, nhưng mãi đến khi được sung vào đội ngũ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội rồi được cùng anh công tác ở Toà soạn báo Nhân dân, hai anh em mới chơi thân với nhau. Anh lớn tuổi hơn tôi, lúc này đã là nhà báo nổi tiếng, lại vốn là sinh viên Hà Nội hào hoa đi nhiều biết rộng. Còn tôi tuy cũng đã theo nghề viết lách được ít lâu song mới từ vùng nông thôn kháng chiến ra, còn quê một cục. Anh nhiều lần chịu khó dẫn tôi đi sâu vào ngóc ngách ba mươi sáu phố phường, chắc cũng có hàm ý tốt là để tôi quen dần với môi trường mới, điều mà tôi rất biết ơn.
Vài năm sau, báo Nhân dân chủ trương đưa một số phóng viên trẻ về thường trú các địa phương nhằm đào tạo lâu dài. Anh Hồng Hà ra vùng mỏ, anh Anh Vũ về thành phố cảng, tôi được cử đi liên khu 3 mà trọng điểm là thành
phố dệt, vừa có công vừa có nông. Nam Định chính là quê Thép Mới – bà cụ thân sinh anh có một ngôi nhà nhỏ ỏ phố Trần Hưng Đạo – chúng tôi có nhiều dịp cùng nhau về tận các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Hồi ấy đi xe đạp, đường sá xấu và cách trở đò giang, về tới vùng biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng cũng đã coi như xa xôi lắm.
Nhưng rồi sự phân công của cơ quan đưa chúng tôi mỗi người đi sâu vào một hướng. Tôi được giao mảng nông thôn, quẩn quanh với bần cố trung nông. Anh là phóng viên đặc phái theo các chuyến công du của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo ra nước ngoài, mà sau mỗi chuyến đi về anh lại sản xuất cả một loạt phóng sự – tuỳ bút đăng nhiều kỳ, chất báo và chất thơ, chính luận và ngẫu hứng nhuần nhị quyện lấy nhau, cuốn hút bạn đọc.
Năm 1965, Thép Mới đi chiến trường miền Nam
Một lần, từ một vùng quê Bắc bộ, nhớ đến anh nhiều, tôi viết một bức thư dài cho anh, tán chuyện trên trời dưới đất chốn Bắc Hà. Thư gửi đi cuối mùa xuân, đến mùa thu mới được hồi âm. Hoá ra anh vừa đi một chuyến công tác vào vùng sâu. Cũng một bức thư dài, nét chữ của anh vẫn rất rõ ràng, đều đặn, ngang hàng thẳng lối. Anh lộ rõ sự phấn chấn qua các dòng viết dù đạn bom ác liệt.
Thép Mới lúc này “... chẳng những nhớ nhà mà thôi mà còn nhớ các bạn lắm. Mỗi người bạn là một điểm sáng trong thế giới tinh thần của con người” – anh viết vậy.
“ Mình nhớ mùa thu Hà Nội lạ. Trong này ít có mùa thu, chỉ có những dáng trời êm mát sau mưa. Có đi xa mới thấy Hà Nội thật là đẹp. Cái màu trời của Hà Nội là đẹp nhất. Khi (mình đang) viết thư nghe đài biết (Hà Nội) bão cấp 9. Cho là bão cũng vẫn đẹp đi.
Cái màu tâm hồn nữa cũng gây nhớ lạ lùng. Từ khói lửa, mình nghe bài anh Đồng (Phạm Văn Đồng) nói về “cái quý nhất của con người, của xã hội là một đời sống văn hoá, tinh thần và tình cảm cao đẹp”. Nói thế là đáng chết vì
Hà Nội rồi.
... Mình đã mấy lần thấy cái chết ngay bên cạnh mình nên nhìn đời bây giờ thấy trong sáng hơn. Trước kia mình vẫn coi mọi sự là phù du hết, giờ vẫn thế nhưng chỉ có lẽ sống là tồn tại. Có một lần mình nằm hầm trú máy bay ở vùng ven (1) suốt gần một giờ đến 6 giờ chiều, ông chi uỷ xã ngồi bên cạnh mình trúng đạn xuyên nóc hầm vật ra chết trước mắt mình, mười lăm phút sau một ông nữa đạn trúng sọ não ngay sát sau lưng mình. ồ, bao giờ mình phải viết về hai đồng chí già ấy mới được. Giờ phút cuối cùng của một con người, mình nhìn thấy rõ trong thời gian chậm chạp trôi đi. Năm ngoái mình đã trôn Đinh Thuý. Lòng mình đầy kỷ niệm và điểm sáng của bao nhiêu tình bạn.
Mình bao giờ về sẽ kể các cậu nghe những ngày mình sống trong Sài Gòn và những con người Sài Gòn mình đã gặp. Mình cũng thấy tin yêu ghê ghớm nhưng chưa đủ tài liệu và chưa tìm được cách nói. Mình tự đặt cho mình nhiệm vụ là người Hà Nội phải biết nói về người Sài Gòn. Hết tháng này mình có dịp, phối hợp với việc chung, đi sâu vào vấn đề đó (2). Gặp Bổng (Nguyễn Văn Bổng. Bổng ở đâu, Bổng hiểu nhiều nhưng Bổng bận nhiều và cần lùi ra xa để nhìn lại. Nhớ Hà Nội vì con người ta bao giờ cũng muốn về chỗ sáng nhưng thực sự làm nhà văn không – thì phải xông vào Sài Gòn. Ly kỳ và dữ dội nhất.
ồ, nói thế thì Phan Quang nhà tôi lại sốt ruột (muốn vào Nam) rồi coi rẻ vấn đề năm tấn mất thôi. Anh phải biết trong này chúng tôi mê nhất là bài ca cánh đồng năm tân do Bích Liên hát. Mê chết đi được. Lão Nguyễn Văn Tý giỏi thật, viết xã luận trữ tình bằng bài ca...
Thăm chị P.Q., thăm P.Q con. Thằng bé ham đọc sách thì lúc nào mình phải viết một chuyện thiếu nhi mới được. Không, mình có ý định viết một cuốn Encyclopédie de la jeunesse (Bách khoa toàn thư về tuổi trẻ) nói về những sự việc mà mỗi người lớn cần biết ở thế giới và ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sẽ cho năm 1975.
Trong một thư tiếp theo gửi nhân dịp Tết nguyên đán, Thép Mới chúc tôi
và anh em ở bộ phận tôi phụ trách, anh còn nhờ “gửi lời thăm Chế Lan Viên và các đồng chí văn nghệ khu 4. Anh cho biết đã đọc các bài về lễ tang Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1967). Thép Mới viết: “Tôi nghe nói nó ném bom phố tôi (ở Nam Định). Vợ tôi bảo ngôi nhà có thể chén bom. Không tiếc gì hết, sẽ xây dựng lại to lớn hơn, đàng hoàng hơn. Mình chỉ tiếc mấy cái tượng thôi (mấy cái tượng nhỏ anh đi nước ngoài về làm kỷ niệm)”.
Thép Mới đã thực hiện được kế hoạch của mình “đi sâu vào vấn đề”. Trước tết Mậu Thân, anh được giao nhiệm vụ vào lại nội thành Sài Gòn để làm báo, viết văn và làm một số công việc đặc biệt khác.
Trở lại miền Bắc, anh làm Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, và đúng như anh ước mơ, đầu năm 1975, Thép Mới lại có dịp lên đường vào Sài Gòn. Lần này xuất phát từ Hà Nội, bằng xe hơi theo đường Hồ Chí Minh. Như đã nói, tôi may mắn có dịp được xuất quân cùng một lần voíư Thép Mới. Lúc này chiến dịch giải phóng miền Nam đã được mở màn bằng chiến thắng Tây Nguyên. Hai tốp phóng viên báo Đảng lên đường trên hai chiếc xe dã chiến mới nhận, mới toanh.
Tối đầu tiên hai đoàn cùng nghỉ tại Thanh Hoá cho thư thái. Thép Mới lôi các thứ của quý của mình ra, sẻ một ít chiêu đãi anh em. Đó là những món ăn “đặc biệt Bắc Kỳ” như lời anh giới thiệu mà cụ thân mẫu anh đã tự tay chuẩn bị cho con trai trở lại chiến trường, xếp chật một góc sau chiếc com-măng- ca, bởi cụ chuẩn bị đâu chỉ có cho một mình con.
Sáng hôm sau, hai tốp chia tay nhau. Thép Mới theo đường Hồ Chí Minh đi thẳng vào miền đông Nam Bộ. Anh Trần Kiên và tôi theo quốc lộ 1 đi dần vào Quảng Trị giải phóng, vào Huế giải phóng, vào Đà Nẵng giải phóng rồi theo miền duyên hải tiếp tục đi vào sâu hơn.
ít lâu sau, Thép Mới theo đại quân tiến vào Sài Gòn. Anh Trần Kiên cũng đã vào. Tôi từ Phan Thiết giải phóng bôn vào thành phố, muộn hơn các anh em một ngày, ba anh em cùng gặp nhau ở dinh Độc lập.
Thép Mới hăm hở định bắt tay viết về những con người Sài Gòn nhưng công tác lãnh đạo cơ quan những ngày đầu giải phóng buộc anh phải tạm gác ước mơ của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét