Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Nhà báo Xuân thủy - Ngòi bút xoay vần thời thế

VIỆT GIANG

NHÀ TỔ CHỨC BÁO CHÍ
Nhiều người biết đến tài tổ chức các hoạt động xã hội của Xuân Thuỷ ngay từ khi ông trực tiếp tham gia các phong trào tố cáo quan lại tham nhũng, vận động bầu cử vào viện dân biểu Bắc Kỳ, chống thuế cư trú ở thị xã Phúc Yên thời kỳ trước năm 1939. Trong thời kỳ bị lưu đày ở nhà ngục Sơn La, Xuân Thuỷ liên tục giữ vai trò chủ bút tờ báo bí mật Suối reo. Ông đã khôn khéo tìm mọi cách để che mắt kẻ thù, sáng kiến trong việc tìm kiếm những vật tư cần thiết, tổ chức ra và phát hành báo thường xuyên ngay trong nhà ngục khét tiếng khắc nhiệt của thực dân đế quốc. Sau khi ra tù, ông được Đảng giao cho trực tiếp phụ trách tờ báo Cứu quốc – cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Ông đã dũng cảm, không khéo cùng các đồng chí của mình duy trì tờ báo trong điều kiện hoạt động bí mật cực kỳ nguy hiểm và gian khổ.
Ngày 19.8.1945, Xuân Thủy đã có mặt tại Hà Nội, tham gia Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ, trực tiếp phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền và báo chí. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông vừa làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Cứu quốc ra hàng ngày, vừa làm Uỷ viên Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc bộ kiểm trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh. Đây chính là thời kỳ Xuân Thuỷ có đóng góp rất to lớn vào việc tổ chức và phát triển hệ thống báo chí cách mạng của đất nước. Do trách nhiệm công tác của mình, ông là người có công lớn trong việc chỉ đạo và trực tiếp tham gia chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước như Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công đến trước ngày toàn quốc kháng chiến là một thời kỳ vô cùng khó khăn, phức tạp. Ở phía Bắc, dưới danh nghĩa quân đồng minh vào tước khí giới của quân đội Nhật thất trận, đội quân ô hợp 20 vạn của Tưởng Giới Thạch tràn vào nước ta theo hai ngả Lạng Sơn và
Lào Cai. Chúng đóng quan tại hầu hết các thành phố, thị trấn và thả sức sách nhiễu, vơ vét.Theo gót chân của đội quân này, các tổ chức phản động lưu vong ở phía nam Trung Quốc như “Việt quốc”, “Việt cách” dưới sự cầm đầu của Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Võ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ... cũng kéo về. Dựa vào thế lực của quan thầy, chúng lập ra chính quyền phản động ở một số địa phương, giết người, cướp của, khiêu khích chính quyền cách mạng, âm mưu chiếm quyền lãnh đạo đất nước. Cuộc sống của nhân dân miền Bắc đã khó khăn, gian khổ vì vừa trải qua nạn đói khủng khiếp với hơn 2 triệu người chết, lại càng khó khăn, cực khổ hơn vì phải chịu sự cướp bóc, nhũng nhiễu của bọn thù trong, giặc ngoài. ở miền Nam, quân đội thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh đã kéo vào với âm mưu thiết lập lại nền thống trị đã mất vào tay người Nhật. Đồng bào miền Nam lại một lần nữa buộc phải cầm vũ khí đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhằm tạo ra điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán mà thực chất là đi vào hoạt động bí mật. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp ấy, Xuân Thủy là người giữ trọng trách trong việc tổ chức, chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền theo chủ trương của Đảng, Hồ Chủ tịch và mặt trận – tỉnh táo, khôn khéo, loại bớt giặc ngoài, đoàn kết dân tộc, bảo vệ thành quả của cách mạng vừa giành được. Ngay cả khi quân Tàu – Tưởng ngang ngược đòi duyệt các chương trình của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam trước khi phát sóng, ta cũng chấp nhận. Phương châm chỉ đạo của Hồ Chủ tịch là: Không nên vì ném bom con chuột mà vỡ bình thuỷ tinh.
Vừa tham gia công tác chỉ đạo hoạt động của cả bộ máy thông tin tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh, trực tiếp lãnh đạo báo Cứu quốc, Xuân Thủy vừa trực tiếp viết báo. Trên báo Cứu quốc thời kỳ này liên tục xuất hiện các bài báo của ông viết về những vấn đề cấp bách, những sự kiện thời sự có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với vận mệnh của đất nước. Ông viết nhiều, có khi 3, 4 ngày liền đều có bài hoặc có ngày viết 2, 3 bài. Những bài báo của Xuân Thủy
không chỉ bám sát tình hình thời cuộc mà còn thể hiện một cách sinh động những chủ trương, quan điểm của Đảng và mặt trận trong tình huống vô cùng khó khăn, phức tạp của cách mạng và cũng chính vì thế chúng có ý nghĩa quan trọng trong hướng dẫn, chỉ đạo đối với cán bộ, nhân dân ta.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến khó khăn và ác liệt, Xuân Thuỷ vừa trực tiếp điều hành hoạt động của báo Cứu quốc trung ương, vừa giữ vai trò nhà tổ chức kiến tạo hệ thống báo chí của Mặt trận, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về thông tin, tuyên truyền. Tháng 3.1947, ông tổ chức hội nghị cán bộ tại Phú Thọ, bàn về việc thành lập các chi nhánh báo Cứu quốc tại các chiến khu. Đây là chủ trương đề ra từ khi chuẩn bị kháng chiến nhằm làm cho thông tin báo chí phục vụ kịp thời yêu cầu chỉ đạo trong điều kiện chiến tranh, giao thông, liên lạc khó khăn. Xuân Thuỷ đã giải thích chủ trương này trong bài báo “Một bước tiến” đăng trên báo Cứu quốc ngày 1.1.1948:
“Từ ngày ra đời, Cứu quốc luôn luôn là tên lính xung phong tranh đấu cho Việt Nam độc lập và thống nhất.
Vẫn nhiệm vụ ấy, từ ngày toàn quốc kháng chiến, Cứu quốc càng thấy mình không được phép một lúc nào vắng mặt nơi mũi súng, đường gươm, cũng như nơi luống cày, giá bút, nơi xưởng máy, nhà hàng.
Bởi vậy, mặc dầu gặp bao khó khăn trong thời chiến, chúng tôi cũng quyết thành lập cho bằng được các Chi nhánh Cứu quốc ở hầu khắp các chiến khu trên toàn cõi nước nhà”(5).
Một số cán bộ của toà soạn báo Cứu quốc trung ương được điều động đi tăng cường cùng cán bộ tai các địa phương tổ chức các chi nhánh báo Cứu quốc. Các đồng chí Hoàng Phong, Hải Ly được cử đi khu 3, Lê Hữu Kiều (tức Sơn Tùng) đi khu 2, Như Phong đi khu 12 ở Bắc Giang. Tô Hoài, Nam Cao, Trần Đình Thọ phụ trách chi nhánh Việt Bắc. Cứu quốc khu 4 được giao cho Lưu Quý Kỳ và khu 5 giao cho Phan Thao phụ trách. Báo Cứu quốc trung ương đóng tại căn cứ cũ của cụ Đề Thám, vùng thượng Yên Thế, Bắc Giang.
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Xuân Thủy vừa tham gia thường trực Mặt trận, chỉ đạo hệ thống báo chí kháng chiến, vừa thực sự là linh hồn của báo Cứu quốc. Dù ở gần hay xa toà soạn, ông vẫn luôn luôn quan tâm đến các công việc của báo và đời sống của anh chị em cán bộ. Rất nghiệm cẩn đối với các công việc thuộc về nghiệp vụ báo chí, nhưng Xuân Thủy cũng là người rất gần gũi chân thành với đồng nghiệp và cấp dười, có khả năng quy tụ và phát huy tài năng của cán bộ. Nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Thành Lê, người đã có thời gian dài làm việc cùng Xuân Thuỷ trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như sau khi hoà bình lập lại đã nhận xét về ông: “Phong cách lãnh đạo của anh khá độc đáo. Về đường lối chính trị của báo, anh rất chặt chẽ và đòi hỏi cán bộ biên tập phải nghiêm túc thực hiện... Về lề lối làm việc, anh mạnh dạn khuyến khích tinh thần chủ động của mọi người, nhất là những anh em phụ trách toà soạn và trị sự”(6).
Với thái độ trách nhiệm cao trước nhiệm vụ lãnh đạo cơ quan báo chí quan trọng hàng đầu của kháng chiến, bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, thái độ trân trọng tài năng và lối sống chân thành, dung dị, Xuân Thủy đã tập hợp, lôi cuốn nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức, nghệ sỹ nổi tiếng, nhiều cán bộ lãnh đạo chính trị, tướng lĩnh quân đội trực tiếp tham gia hoạt động hay cộng tác với toà soạn báo Cứu quốc và tạp chí Cứu quốc. Chính cơ quan báo Cứu quốc cũng là cái lò trực tiếp đào tạo những người làm báo cách mạng. Nhiều người đã được đào luyện ở đây dưới sự dìu dắt của Xuân Thủy và các đồng nghiệp đã trở thành những nhà báo nổi tiếng sau này. Hơn thês, ông cũng chính là người đã đề xuất ý kiến và trực tiếp đứng ra tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí của Tổng bộ Việt Minh. Đó là lớp viết báo đầu tiên ở nước ta – lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức vào giữa năm 1949 ở chiến khu Việt Bắc. Xuân Thuỷ là người chỉ đạo thành lập Đoàn báo chí Việt Nam năm 1945 và Đoàn báo chí kháng chiến năm 1947. Năm 1950, Xuân Thủy cũng là người trực tiếp tổ chức ra Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội nhà báo Việt Nam và trực
tiếp làm Chủ tịch Hội từ ngày thành lập đến năm 1961. Từ năm 1962 trở đi, Xuân Thủy được giao gánh vác nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước nên không trực tiếp phụ trách Hội Nhà báo Việt Nam nữa. Tuy nhiên, tuỳ theo vị trí công tác cụ thể của mình, ông vẫn quan tâm và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cả về tài năng và về nhân cách nghề nghiệp, Xuân Thủy thật sự gần gũi và đáng kính trọng đúng như nhận xét trong diễn văn kỷ niệm 85 năm thành lập ngày sinh của ông: “Đối với Hội nhà báo Việt Nam, với các thế hệ báo chí cách mạng Việt Nam, từ trước đến nay, đồng chí Xuân Thuỷ không chỉ là người sáng lập, vị chủ tịch đầu tiên của Hội mà mãi mãi là người thầy, người bạn, người anh gần gũi và thân thiết”(7).
NHƯ MỘT VÌ SAO CÒN SÁNG MÃI
Xuân Thuỷ không chỉ là một nhà báo lớn, mà còn là một nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ XX. Từ năm 1963 – 1965, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Việc Xuân Thủy được cử giữ trọng trách trong ngành ngoại giao trong điều kiện lịch sử rất phức tạp lúc đó không phải là ngẫu nhiên. Chính những năm tháng hoạt động cách mạng, trực tiếp làm báo trong những điều kiện gian khổ đến khắc nhiệt, thường xuyên tiếp nhận và xử lý khối lượng lớn thông tin đa dạng, phức tạp đã giúp ông trang bị cho mình một hành trang lớn về tri thức, một bản lĩnh vững vàng về chính trị cùng sự sắc sảo, tinh tế trong việc sử lý những tình huống khó khăn và tế nhị trong các quan hệ ngoại giao. Hơn nữa, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã nhiều lần cùng Hồ Chủ Tịch hay các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu đại diện cho Tổng bộ Việt Minh tiến hành đàm phán với đại diện của Tưởng Giới Thạch và các tổ chức chính trị phản động theo đuôi, dựa bóng quân đội Tưởng. Chính trong cuộc đấu tranh với thù trong, giặc ngoài nhằm củng cố khối đoàn kết dân tộc, bảo vệ những thành quả của Cách mạng, Xuân Thuỷ đã thể hiện tài năng và bản lĩnh của một nhà ngoại giao. Cũng chính vì thế mà sau chiến thắng Biên giới Thu - Đông năm 1950,
Xuân Thủy được Đảng giao cho phụ trách công tác “ngoại giao nhân dân” nhằm mở rộng giao lưu với các nước, nâng cao uy tín quốc tế của chính quyền cách mạng. Hoạt động “ngoại giao nhân dân” của ông được tiếp tục cả trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những cố gắng của Xuân Thủy trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra dư luận rộng rãi, hình thành một mặt trận của nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ tích cực cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Hoạt động ngoại giao của Xuân Thủy rất phong phú. Ông là đại diện của Việt Nam trong Hội đồng hoà bình thế giới, là Chủ tịch các Hội hữu nghị Việt _ Xô và Hội hữu nghị Việt – Trung. Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, tham gia nhiều sự kiện quan trọng của các tổ chức hoà bình và hữu nghị quốc tế, nói lên tiếng nói đại diện cho dân tộc Việt Nam yêu chuộng hoà bình, khao khát tự do, dũng cảm, kiên cường trong cuộc đấu tranh giải phóng. Xuân Thuỷ là người trực tiếp lãnh đạo công tác đối ngoại của Đảng trong thời kỳ phong trào công nhân và cộng sản quốc tế bị khủng hoảng chia rẽ. Ông đã nhiều lần có mặt cùng Hồ Chủ tịch và Tổng Bí thư Trung ương Đảng tham gia các hội nghị quốc tế quan trọng, các cuộc đàm phán công khai cũng như bí mật với các Đảng anh em. Trong hoàn cảnh hết sức phức tạp và những tình huống nan giải, ông là người đã có đóng góp to lớn nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch là giữ vững độc lập, tự chủ, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tích cực góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân thế giới, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Đảng và nhân dân các nước anh em. Xuân Thuỷ đã trở thành người bạn thân thiết của nhân dân cũng như của nhiều vị lãnh tụ cách mạng Lào như Xu – Pha – Nu – Vông, Cay – Xỏn Phom – Vi – Hản, Phu – Mi Vông – Vi – Chit... sau nhiều năm làm Trưởng ban công tác miền Tây (Ban chỉ đạo các hoạt động của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta giúp cách mạng Lào). Bằng hoạt
động không mệt mỏi của mình, ông đã góp phần quan trọng vào sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Lào.
Có lẽ đỉnh cao trong hoạt động ngoại giao của Xuân Thuỷ chính là ở thời kỳ 1968 – 1973 khi ông được cử làm Bộ trưởng, Đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà trong cuộc đàm phán tại Pari. Suốt 5 năm trời đằng đẵng, ông đã cùng các đồng chí của mình mặt đối mặt đấu trí, đấu tài với những đại diện của đối phương – những kẻ được coi là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp sừng sỏ của nước Mỹ. Bằng tài năng, trí tuệ, bằng bản lĩnh chính trị, niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào chiến thắng, ông đã kiên trì, khéo léo trong đàm phán cả bí mật cũng như công khai, cùng các đồng chí của mình hoàn thành tốt nhất những quan điểm, chủ trương của Đảng trong đấu tranh ngoại giao. Xuân Thuỷ đã thực sự có đóng góp to lớn vào việc buộc đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc năm 1968, ký hiệp định Pari năm 1973 rút toàn bộ quân đội Mỹ và các nước chư hầu về nước, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tạo điều kiện quyết định cho sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xuân Thủy còn là môt nhà thơ. Nói như nhận xét của đồng chí Trường Chinh: “Trong lĩnh vực này, anh cũng có những đóng góp quan trọng. Thơ Xuân Thuỷ là thơ trữ tình cách mạng. Lời thơ anh giản dị, trong sáng, lạc quan như nụ cười, tiếng nói, con người anh”(8) . Xuân Thuỷ làm thơ từ thuở thiếu thời. Thơ theo ông trong suốt cuộc đời, cả trong những lúc hoạt động bí mật khó khăn, gian khổ nhất cho đến khi gánh vác những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Với Xuân Thủy, thơ như là sự ghi nhận cảm xúc trào dâng, như là lời tự bạch với chính mình để tự khuyên nhủ, động viên mình trong cuộc sống, trong sự nghiệp. Vì thế mà thơ ông mộc mạc, hồn hậu, không cầu kỳ về câu chữ, không gò ép trong ý tứ. Cũng vì thế mà đọc thơ Xuân Thủy thấy được cả con đường ông đã trải qua cùng những sự kiện lịch sử mà ông đã chứng
kiến. Nói một cách khác đi, thơ ông cũng mang hơi thở nồng đậm của thời
cuộc, rất gần gũi với tính thời sự của báo chí.
Trong cuộc đời hoạt động phong phú của mình, Xuân Thuỷ gánh vác nhiều trọng trách khác nhau trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Chính phủ, Mặt trận tổ quốc, tham gia ban lãnh đạo các tổ chức quốc tế: Hội đồng hoà bình thế giới, Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ). Ở bất cứ nhiệm vụ công tác nào, lĩnh vực hoạt động nào, ông cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng về năng lực và sự tận tuỵ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều thể hiện một thái độ lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, chân tình, cởi mở với bạn bè và cấp dưới.
Hơn một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trải qua bao thử thách khắc nhiệt, bắt đầu từ một thanh niên trí thức yêu nước làm thơ, viết báo với ước vọng dùng ngòi bút “xoay vần thời thế” đến khi trở thành một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm “kết hợp hài hoà giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”(9), Xuân Thuỷ luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông “Như một vì sao còn sáng mãi” (10) trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và “Giữa lòng dân tộc, giữa quê hương”.
Hà Nội
Cuối đông 2000
------------------------
1. Trường Chinh: Thư gửi cuộc gặp mặt nhân dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh đồng chí Xuân Thuỷ. Tuyển tập Xuân Thuỷ. NXB Văn học. Hà nội, 1999, tr 17 (Anh Xuân Thuỷ).
2. Nhiều tác giả: Suối Reo năm ấy. NXB VHTT, H. 1993, tr.99.
3. Trong 4 số báo Cứu quốc các ngày: 8, 9, 10, 11 tháng 12 năm 1949, có đến 5 bài báo của Xuân Thuỷ: Tại sao ta đã đề ra nhiệm vụ tổng phản công? (CQ, 8.2.1949); Thực hiện triệt để chiến lược cầm cự và chuẩn bị tổng
Phản công! (CQ, 9 – 2 - 1949); Phải chuẩn bị về quân sự thế nào để tổng phản công? (CQ, 10 – 2 - 1949); Chuẩn bị tổng phản công về mặt chính trị (CQ, 11 – 2 - 1949).
4. Nguyễn Thành Lê: Nhà báo cộng sản Xuân Thủy// Tuyển tập Xuân Thuỷ. NXB Văn học, HN. 2000, tr.903
5. Xuân Thuỷ: Một bước tiến; Báo Cứu quốc, ngày 1-1-1948.
6. Nguyễn Thành Lê: Nhà báo cộng sản Xuân Thuỷ // Tuyển tập Xuân Thuỷ. NXB Văn học, HN. 2000, tr.905.
7. Trích diễn văn của Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam trong lễ kỷ niệm 85 năm ngày sinh đồng chí Xuân Thuỷ.
8,9. Trường Chinh: Anh Xuân Thủy (Thư gửi Ban tổ chức cuộc họp mặt nhân dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh Xuân Thuỷ)// Tuyển tập Xuân Thủy, NXB Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 19.
10. Trích từ bài thơ của Nguyễn Tâm “Kính viếng đồng chí Xuân Thuỷ”:
Ôi! Một trời Xuân dâng ngát hương
Một trái tim hồng bao mến thương
Như một vì sao còn sáng mãi
Giữa lòng dân tộc, giữa quê hương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét