Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Hãy về với đàn gà con


        
        Mấy bữa nay nghe dư luận bàn tán chuyện cô giáo dạy trường Lomonoxop bị tai nạn nghề nghiệp, phải bỏ việc trốn về quê mà thấy lòng xốn xao, và buồn. Mình cũng là giáo viên nên hiểu rất rõ nỗi đau của những thầy, cô giáo trẻ. Một người thầy có thể cương cường sẵn sàng cả đời chịu đói, chịu khát, chịu cơ cực đủ bề, nhưng sẽ gục ngã không thể gượng dậy nổi nếu bị học sinh chê dốt, chê ngu. Có người đã tìm đến cái chết để khỏi phải đối diện với nỗi ô nhục kiểu này. Mình đi dạy đã được 15 năm rồi. Trong suốt thời gian ấy mình cày sới đến nát cả thư viện Quốc gia, thư viện Quân đội, thư viện của các viện Sử học, Nghiên cứu văn hóa… vậy mà thỉnh thoảng vẫn có sinh viên phát hiện những chi tiết thiếu chính xác, thậm chí sai hoàn toàn trong giáo trình. Mỗi khi được góp ý, mình thấy buồn cho bản thân, tự hứa nhanh chóng nghiên cứu thêm để sửa chữa sai lầm, nhưng mình cũng thấy rất vui vì thấy thế hệ trẻ giờ giỏi quá, chỉ ít ngày học mà đã chỉ ra những sai sót hằn sâu trong trí não thầy mấy chục năm qua. Người ta cứ chê bọn trẻ giờ sống không lí tưởng, đua đòi hưởng thụ, ích kỉ, mình chẳng tin. Đừng nên nhìn vào những mái tóc xanh đỏ, cánh tay xăm trổ mà coi họ là đồ bỏ đi. Hãy nhìn những cậu ấm cô chiêu không dùng những chiếc xe máy đắt tiền, đi bằng xe đạp, xe đạp điện đến trường, âm thầm bảo vệ môi trường. Rồi giữa trưa hè nắng gắt, nhìn mấy cô, mấy cậu choai choai tua tủa khuyên tai, khuyên mũi, quần bò rách gối chen chúc đòi hiến máu nhân đạo, mới thấy hết tấm lòng của giới trẻ đối với con người, với đất nước. Thử hỏi, những người lớn chúng ta, những người thường rao giảng đạo đức đã bao giờ làm được như vậy chưa, hay chúng ta chỉ biết chê bai, chỉ nghĩ đến hưởng thụ, sao cho có nhà thật to, ôtô thật lớn để thỏa mãn bản chất thích ngồi lên đầu lên cổ người khác của mình?
         Đọc bài viết về cô giáo Thủy trên báo, mình phải chạy ra chốt cửa phòng làm việc để người khác không thấy mình khóc. Mình khóc không phải vì thương cô giáo, bởi trên đời còn nhiều số phận đáng thương hơn nhiều, mà khóc bởi cảm phục cô, một cô giáo nhỏ bé mà có lòng tự trọng vời vợi. Khóc bởi nhiều tờ báo dùng sức mạnh vô biên của mình hòng nghiền nát, vùi dập một số phận, một cô bé nhỏ nhoi, lẻ loi đang cố gắng ngoi lên giữa một thành phố ngập ngụa kim tiền, đầy dẫy sự lừa lọc, giả dối này. Chiều hôm ấy, mình ra tòa soạn, ngồi chuyện trò với một nhà thơ kiêm phó tổng biên tập về cô giáo Thủy. Chuyện rất nhiều và anh kể đã khóc khi đọc mấy bài viết về cô giáo này. Chẳng biết anh nói có đúng không, nhưng ít ra anh đã thấy hạnh phúc và thanh thản khi được nhỏ lệ trước một số phận. Nhà thơ chân chính có bao giờ biết nói dối, hi vọng thế. Tự nhiên, mình lại thấy vui vì phát hiện được một người lớn tử tế, cái rất khó kiếm trong một xã hội mà mọi giá trị đều đã bị đảo lộn tùng phèo từ lâu lắm rồi.
        Cô Thủy ơi! Việc cô bỏ trốn vì xấu hổ là cần thiết, nhưng cũng không nên bặt tăm, bặt tích. Những con người tử tế, có lòng tự trọng như cô bây giờ xã hội đang cần lắm, cô hãy mạnh dạn xin lỗi cuộc đời đi. Mà cô cũng đâu có lỗi. Cô được đào tạo trong một môi trường mà ở đó có biết bao cuốn giáo trình viết sai, được soạn bởi những giáo sư, có thể có tài, nhưng thiếu cái tâm, những người sẵn sàng vục mặt xuống bùn, sẵn sàng hạ bệ lẫn nhau, chỉ để giành được cái đề tài còm cõi. Cô Thủy à! Cô có biết không, các học trò của cô đang túm tụm vào nhau như đàn gà con giương đôi cánh mỏng manh đấu tranh để bảo vệ gà mẹ xơ xác đấy. Một cô giáo tử tế thì phải có những học trò tử tế, cô hãy về với chúng đi. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được. Đáng sợ nhất là những kẻ đang ngày ngày lợi dụng cái sai để triệt hạ cái đúng, dùng cái xấu để tiêu diệt cái tốt, miễn sao làm lợi cho bản thân và gia đình mình. Nhưng cô hãy tin, Trời luôn có mắt. Những người như cô trước sau gì cũng sẽ được hưởng quả phúc, cô ạ        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét