Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Bùi Hạnh Cẩn: thân cò rã cánh viết nên nét đời




Quán cà phê góc phố Quang Trung, phía đối diện xưởng in của báo Hà Nội mới, thỉnh thoảng lại tiếp một vị khách da mồi tóc bạc, ăn mặc xuềnh xoàng như lão nông ra tỉnh. Ngồi cùng ông thường là vài cô gái trên dưới 20 tuổi, diện đúng mốt, xinh đẹp. Họ thì thào với nhau đủ thứ chuyện, ông lão nói là chính, còn các cô thì miệt mài ghi chép. Điện thoại di động của ông lão liên tục reo và ông không bỏ cuộc gọi nào. Giọng ông sang sảng, rõ ràng, khiến người qua lại phải ngoái đầu nhìn ngạc nhiên. ít ai biết ông là Bùi Hạnh Cẩn, một nhà báo lão thành, nhà văn hoá lớn, nhà ngôn ngữ, khoa học uyên bác.


Phận nghèo cái chữ không nghèo
Gặp Bùi Hạnh Cẩn ngoài đời, nếu chỉ thoáng qua, không có gì đặc biệt. Đó chỉ là hình ảnh một người bình dị mà ta có thể bắt gặp đâu đó trên những con đường làng. Đã sắp sang tuổi 90, bước đi của ông vẫn thoăn thoắt, tất bật, một dáng vẻ long đong, vất vả. Ông sinh năm 1919 tại thôn Văn Tập xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nghèo, có truyền thống yêu nước, hiếu học. Thân sinh của Bùi Hạnh Cẩn là cụ Bùi Trình Khiêm (1880-1951) tên chữ là Trí Cung, tên hiệu là Vân Xuyên. Thuở nhỏ cụ Bùi Trình Khiêm theo học Thám hoa Vũ Phạm Hàm ở Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Tây. Từ khi còn rất trẻ, cụ đã nổi tiếng hay chữ nên dân gian trong vùng có câu “Vụ Bản Trình Khiêm, Hà Nam Sứ Chỉ” để chỉ hai chàng trai nổi tiếng văn thơ có tài ứng đối. Dòng họ Bùi trước đó có nhiều người đỗ Hương cống, Sính đồ, đặc biệt thế kỉ 16 có cụ Bùi Tân đỗ tiến sỹ, tên tuổi còn ghi trên bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đến thời Bùi Trình Khiêm, cụ cũng nhiều lần lều chõng đi thi nhưng đều gặp trắc trở. Từ cuối thế kỉ XXI đầu thế kỉ XX Bùi Trình Khiêm cổ suý cho phong trào Duy Tân, cắt tóc ngắn, hô hào bỏ lối cử nghiệp từ chương, cổ động cho tân học, viết sách báo tuyên truyền tinh thần yêu nước, bài trừ hủ tục dị đoan. Cụ Bùi Trình Khiêm cũng là người đầu tiên mời cụ Cử Lương Văn Can đứng ra lập Đông Kinh nghĩa thục (1907), sau này cụ còn tham gia mở Nam Đồng thư xã. Có những thời kì, bị quản chế tại quê nhà, cụ mở trường dạy học. Học trò của cụ có nhiều người sau này trở thành những trí thức lớn, những nhà cách mạng nổi tiếng như Đẩu Nam Trần Huy Liệu, Hồ Xanh Nguyễn Thượng Cát. Trong cuộc đời của mình, cụ Bùi Trình Khiêm viết cho khá nhiều tờ báo như Nam Phong, Thần Chung, Nông Cổ Mín Đàm. Các bài báo của cụ thường mang tính khảo cứu về lịch sử, văn hoá. Có những bài mang tính hiện thực khá sâu sắc, chẳng hạn như trích đoạn tiểu phảm sau:
“Anh giỏi về khoa học thì đố anh biết đèn giời thắp bằng gì?
- Dầu lạc.
- Không phải.
- Dầu hoả. à điện khí!
- Không phải tuốt.
- Vậy thì chịu.
- Mỡ dân! Mỡ dân”!
Ngoài những bài báo, cụ Bùi Trình Khiêm còn viết khá nhiều sách, tiêu biểu như Việt Hán thông thoại tự vị, Mẹo chữ Hán, Từ điển Việt Hán, Cải cách vần quốc ngữ, Mẹo tiếng Việt, Diễn ca quốc sử… Cách mạng tháng Tám thành công, cụ được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I, có chân trong Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Nam Định và nhiều chức vụ khác.
Với truyền thống “Nhà ta quí chữ hơn vàng, coi tài hơn cả giàu sang ở đời”, ngay từ khi còn nhỏ, Bùi Hạnh Cẩn đã được cha dạy phải biết trân trọng chữ nghĩa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đặt việc học lên hàng đầu. Việc học này phải gắn liền với việc rèn luyện nhân cách, tuyệt đối không đề cao mục đích thi cử, ra làm quan để vinh thân phì gia, chà đạp lên nỗi thống khổ của đồng loại. Hoàn cảnh gia đình cũng không cho phép Bùi Hạnh Cẩn được học tập một cách có hệ thống. Mọi kiến thức ông có được sau này chủ yếu là do tự học. Giờ đây, mỗi khi tiếp xúc với Bùi Hạnh Cẩn, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về khả năng ngoại ngữ của ông. Ông sử dụng thành thạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Esperanto (quốc tế ngữ). Để có được trình độ đó, Bùi Hạnh Cẩn đã phải trải qua bao nỗi khó khăn vất vả, tự mình phấn đấu vươn lên. Ban ngày đi làm phụ giúp gia đình, tối đến bên ngọn đèn dầu lạc le lói, ông miệt mài đọc sách đến quá nửa đêm. Ngay từ khi còn nhỏ, Bùi Hạnh Cẩn đã được đọc những cuốn sách tiến bộ, yêu nước do người cha mang về. Chúng thường là loại sách bị chính quyền thực dân cấm lưu hành. Mầm mống của lòng yêu nước, của những nhận thức về lẽ phải của ông bắt nguồn từ đây.
Trước khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra (khoảng năm 1938-1939) cũng là lúc Bùi Hạnh Cẩn bước sang tuổi 20, cái tuổi ấp ủ biết bao ước mơ, hoài bão, tràn đầy nhựa sống, khát khao làm những điều phi thường để thay đổi thế giới này. Đây cũng là lúc tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Chủ nghĩa phát xít đang thắng thế. Chính phủ Pháp ngày càng ngả theo phái hữu. Chính quyền thực dân và các lực lượng phản động thuộc địa tìm cách đàn áp có qui mô lớn các phong trào cách mạng. Báo chí của Đảng, tờ thì bị đóng cửa, tờ thì hoạt động cầm chừng hoặc rút vào hoạt động bí mật. Theo gót cha, Bùi Hạnh Cẩn lên thành phố kiếm việc làm, bước đầu tham gia vào các hoạt động xã hội. Chiến tranh vừa nổ ra, chính phủ Pháp ban hành hàng loạt văn bản đặt Đảng Cộng sản và những đảng phái cánh tả, tiến bộ ra ngoài vòng pháp luật. Hàng trăm đảng viên cốt cán của Đảng ta bị bắt, các tổ chức Đảng nhiều nơi bị phá vỡ. Nhà cách mạng Trần Huy Liệu, người học trò cưng của cụ Bùi Trình Khiêm, người mà Bùi Hạnh Cẩn hết sức ngưỡng mộ, giờ cũng đang bị giam giữ tại nhà tù Sơn La. Mọi con đường đến với cách mạng của Bùi Hạnh Cẩn dường như bị đóng kín. Để có thể tồn tại, chờ thời, Bùi Hạnh Cẩn phải bươn trải qua đủ thứ nghề, có lúc làm thợ chụp ảnh, khi đọc mo-rat cho nhà in. Vào thời điểm khó khăn này, để duy trì được lực lượng quần chúng, Đảng chủ trương chuyển hướng đấu tranh bảo vệ văn hoá, gây dựng và phát triển Hội truyền bá quốc ngữ . Với nhiệt huyết vốn có, Bùi Hạnh Cẩn là một trong những thành viên đầu tiên của Hội này. Ông cùng với một số người bạn như bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nghi tự bỏ tiền túi ra mua sách vở, phấn, bảng đến những nơi công cộng có đông người qua lại để dạy học. Chính ở những nơi này, Bùi Hạnh Cẩn đã hiểu thấu nổi khổ cùng cực của người dân lao động nước ta, mới thấy hết chính sách ngu dân thâm độc của thực dân Pháp.
Là một trí thức tiểu tư sản, Bùi Hạnh Cẩn có dịp tiếp xúc với nhiều các luồng tư tưởng tiến bộ đương thời. Tầng lớp nhà văn, nhà báo đi trước đã cho ông những bài học quí giá về nhiều mặt. Ngay trong những ngày tháng đầu tiên thoát li gia đình, ông đã sớm nhận ra rằng, báo chí là con đường ngắn nhất để thâm nhập vào cuộc sống của các tầng lớp nhân dân lao động. Đây cũng là môi trường để ông bộc lộ thái độ sống, là nhịp cầu nối giữa ông với cách mạng. Bùi Hạnh Cẩn bắt đầu tập viết báo, những bài đầu tiên của ông xuất hiện trên các tờ Ngọ báo, Đông Pháp, Tin tức. Các bài báo của ông thời kì này vẫn còn non nớt, chưa bộc lộ rõ nhãn quan chính trị, chủ yếu bàn về các vấn đề văn hoá, văn học nghệ thuật. Vốn chơi thân với Nguyễn Bính nên máu thơ phú cũng ngấm vào tâm hồn Bùi Hạnh Cẩn từ nhỏ. Khi có thi hứng, ông lại viết cho các tờ Tiểu thuyết thứ Năm, Đàn bà, Văn nghệ. Thơ của ông trong sáng, giản dị, da diết nhưng không bi luỵ, được người đọc yêu thích. Bài “Em là con gái trời cho đẹp” đăng trên đặc san Hương trầm (Duy tân thư xã) được nhiều thanh niên thời bấy giờ thuộc và truyền tụng, đến nay vẫn còn người nhớ.
Bùi Hạnh Cẩn là người thích cái mới, ghét sự rập khuôn. Chính vì vậy mà ông chỉ viết cho những tờ có nhiều cách tân về nội dung cũng như hình thức như Ngày nay (của nhóm Tự lực văn đoàn), Tiểu thuyết thứ Năm… Thần tượng của ông là những nhà văn, nhà báo luôn đề cao sự sáng tạo, mở đường cho những trào lưu văn hoá, văn học, ngôn ngữ như Phạm Duy Tốn, Dương Bá Thụ, Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học. Đặc biệt, Bùi Hạnh Cẩn rất ủng hộ sự hiện đại hoá ngôn ngữ báo chí của Hoàng Tích Chu. Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như hàng triệu người dân khác, Bùi Hạnh Cẩn hồ hởi bước vào xây dựng cuộc sống mới. Thực hiện lời kêu gọi diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm của Hồ Chủ tịch, ông đã tham gia phong trào Bình dân học vụ, mang chữ tới những vùng xa xôi hẻo lánh nhất trên khắp địa bàn tỉnh Nam Định, Ninh Bình. Trong công tác xã hội, Bùi Hạnh Cẩn rất tích cực tham gia các phong trào Việt Minh, các hoạt động của thanh niên, đoàn thể.
Từ giữa năm 1946, thực dân Pháp đẩy mạnh chống phá chính quyền Việt Minh, tìm cách đánh chiếm các vùng tự do. Để thông tin kịp thời tình hình chiến sự, kêu gọi người dân sẵn sàng đứng lên tiến hành kháng chiến, Đảng chủ trương mở rộng báo chí địa phương. Tháng 10.1946, Uỷ ban hành chính kháng chiến và Tỉnh uỷ Nam Định ra chỉ thị thành lập một tờ báo. Sau gần 2 tháng chuẩn bị, ngày 21.12, số đầu tiên của tờ Nam Định kháng chiến đã ra mắt độc giả. Trong bối cảnh khó khăn chung lúc đó, cơ sở vật chất của Nam Định kháng chiến rất nghèo nàn. Phụ trách chung về kĩ thuật là nhà báo Chu Hà, ngoài ra có Bùi Hạnh Cẩn, Sao Mai (Tân Khải Minh) và một vài người khác. Thiết bị in, máy móc, vật tư, chữ chì, công nhân sắp chữ được huy động từ cửa hàng Tout Faire và xưởng in Mỹ Thắng, Trường Phát. Toà soạn và máy in đặt tại làng Thượng Lỗi huyện Mỹ Lộc. Từ đây, Nam Định kháng chiến và tờ báo Tia sáng (étincelle in bằng tiếng Pháp, do Hữu Ngọc phụ trách) toả đi khắp các xã, huyện, đưa vào thành phố, phát đến tận tay lính lê dương, làm tốt nhiệm vụ thông tin và địch vận. Địa bàn hoạt động chính của báo là Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Khi tình hình căng thẳng, toà soạn cùng các phương tiện, thiết bị in ấn phải phân tán chuyển về các xã Ngô Xá, Tử Mạc, Chuế Cầu, Tiên Bảng thuộc vùng thượng huyện ý Yên.
Bước sang năm 1947, sau khi đã chiếm được Hà Nội, quân đội Pháp mở rộng địa bàn lấn chiếm ra các tỉnh lân cận. Chiến sự tại Nam Định ngày càng diễn ra ác liệt. Để tinh gọn bộ máy, các khu kháng chiến được liên kết với nhau thành các liên khu… Vai trò của tờ Nam Định kháng chiến không còn phù hợp với tình hình, Liên khu uỷ III đề nghị Tỉnh uỷ Nam Định đình bản tờ này và thay thế là một tờ báo khác ít có tính đối địch hơn để có thể hoạt động công khai, lâu dài tại khu vực Phát Diệm, nơi có nhiều đồng bào công giáo sinh sống. Thực hiện chủ trương của cấp trên, báo Công dân ra đời mang màu sắc trung lập, những người tham gia không nhất thiết phải thuộc Mặt trận Việt Minh hay đảng viên cộng sản. Báo do đồng chí Chu Hà làm Thư kí toà soạn, phụ trách chung là đồng chí Hoàng Quyết- Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định. Nhà văn Trúc Đường (Nguyễn Mạnh Phác), Sao Mai, Bùi Hạnh Cẩn lại tiếp tục làm cho báo Công dân, sau bổ sung thêm Trần Lê Văn, Lộng Chương… Cũng như phần lớn những nhà báo kháng chiến lúc đó, Bùi Hạnh Cẩn tỏ ra rất linh hoạt trong việc sử dụng ngòi bút của mình. Lúc ông viết truyện ngắn, kịch, làm thơ trữ tình, khi ông làm thơ trào phúng, kí, phóng sự, thậm chí đưa cả những tin chiến sự ngắn. Nội dung phản ánh chủ yếu là phơi bày tội ác của thực dân Pháp và bọn Việt gian phản động, nhưng cũng có khi ông lại nhẹ nhàng phê phán, góp ý về những lệch lạc trong tác phong sinh hoạt, lối sống của cán bộ, chiến sỹ, sự mất cảnh giác của đồng bào tản cư. Mục Trên đe dưới búa do ông phụ trách được bạn đọc rất hoan nghênh. Lối viết giản dị theo thể văn vần bắt đầu hình thành và ngày càng được thể hiện thường xuyên trong cách viết của Bùi Hạnh Cẩn. Hình thức này còn được nhiều nhà báo cách mạng thời bấy giờ vận dụng, được bạn đọc hết sức yêu thích. Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, báo Công dân ngày càng chiếm được tình cảm của bạn đọc, số lượng phát hành tăng cao. Có lần Bác Hồ đã gửi thư khen những bài báo sắc sảo, kịp thời, có ý nghĩa giáo dục thiết thực của báo Công dân. Ngày 16.10.1949 lính Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, báo hiệu một trận chiến khốc liệt diễn ra. Để bảo toàn lực lượng, cấp trên chủ trương đóng cửa tờ Công dân. Cuối tháng đó, báo ra số từ biệt độc giả, nhường các phương tiện ấn loát cho bên tài chính sử dụng.
Để tránh sự phân tán lực lượng, cấp trên chủ trương quy tụ anh em làm báo về một mối. Bùi Hạnh Cẩn chuyển sang làm cho một số tờ báo của Liên Khu III. Lúc đầu, ông phụ trách phần nội dung cho tờ Lúa mới, tham gia ban Biên tập của tờ Văn nghệ rạng đông. Đây là những tờ báo có tính chất văn học nghệ thuật dành cho các cây bút trẻ. Nhiều nhà văn, nhà báo nổi tiếng đã xuất phát từ môi trường này. Năm 1950, Bùi Hạnh Cẩn tham gia Ban Tuyên truyền kháng chiến, là phóng viên mặt trận cho báo Cứu quốc Liên khu III và một số tờ báo khác. Nhiều bài viết của ông trong thời kì này đã làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ và người dân vùng kháng chiến. Đầu năm 1953, khi nhà báo Thép Mới (Hà Văn Lộc) đi công tác nước ngoài, Bùi Hạnh Cẩn được giao nhiệm vụ tạm thay Thép Mới phụ trách hai tờ Tin tức và Nội san- cơ quan ngôn luận của Đoàn phát động giảm tô. Đây là những tờ báo chủ yếu phát hành tại Liên khu III và vùng Bắc Trung bộ, có nhiệm vụ tuyên truyền kinh nghiệm đấu tranh đòi giảm tô, giảm tức, giáo dục, nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên, hướng dẫn họ tránh những sai lầm gây thiệt hại cho người dân, làm ảnh hưởng tới cuộc kháng chiến của dân tộc. Với sức lực, trí tuệ sung mãn của tuổi ngoài 30, đây là thời kì Bùi Hạnh Cẩn hoạt động báo chí hết sức năng nổ, viết nhiều, thể hiện qua hàng trăm phóng sự, kí, thơ trào phúng, thơ lục bát. Ngoài chức năng thông tin, các bài viết của Bùi Hạnh Cẩn bao giờ cũng thấm đẫm tình người, đó là sự sẻ chia từ tận đáy lòng với những thân phận mất nước. Do phải viết rất nhanh cho kịp số báo, câu chữ trong nhiều bài báo của Bùi Hạnh Cẩn chưa được đẽo gọt nên đôi chỗ còn gồ ghề trúc trắc. Nhưng chính sự thô mộc này lại làm cho bạn đọc cảm nhận được hết sự chân thành cũng như tình cảm chan chứa của tác giả. Có những bài viết của ông đã một thời được đưa vào sách giáo khoa như:
Quê ta ngọt mía Nam Đàn/ Bùi khoai chợ Rộ, thơm cam xã Đoài/ Quê ta kể ngọt bùi nhiều đấy/ Nhiều thì nhiều nhưng mấy khi ăn/ Đắng cay bao phận cố bần/ Tô cao tức nặng trăm lần đè lên/ Mía có ngọt không tiền không ngọt/ Cam dù thơm không bạc không thơm/ Bụng nghèo đã đói lưng cơm/ Lấy gì mà ngọt mà thơm với người?
Thời gian làm báo ở Liên khu III của Bùi Hạnh Cẩn tuy không dài nhưng đã giúp ông ý thức được trách nhiệm của người cầm bút, giúp ông tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị, gây dựng lòng say mê với nghề viết, tạo đức tính khiêm tốn, cẩn trọng, nghiêm khắc đối với những gì mình viết ra.

Đèn khuya leo lét tỏ mờ cùng ai
Chiến dịch Điện Biên phủ kết thúc, nhân dân cả nước vô cùng phấn khởi, tự hào. Cả thế giới bàng hoàng về chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta. Đúng vào thời điểm này, Bùi Hạnh Cẩn được điều động về báo Nhân Dân (Cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam), do đồng chí Hoàng Tùng làm Tổng Biên tập. Dù chỉ công tác tại báo Nhân Dân một thời gian ngắn, nhưng Bùi Hạnh Cẩn đã kịp để lại trên tờ báo này nhiều bài viết có giá trị. Bùi Hạnh Cẩn viết nhiều thể loại, đề cập đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng có lẽ mảng văn hoá xã hội là hợp với sở trường của ông hơn cả. Ông rất chịu khó đi cơ sở, tìm hiểu và viết bài về đời sống người dân sau ngày giải phóng. Các bài báo này luôn giàu chất thông tin, ngồn ngộn sức sống và mang tính chiến đấu cao.
Đầu tháng 8.1954, tại làng Phú Xuyên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (lúc này đã là vùng tự do), Thành uỷ Hà Nội họp Hội nghị mở rộng bàn kế hoạch tiếp quản thủ đô. Hội nghị nhấn mạnh, dù công việc tiếp quản có bộn bề đến mấy, dứt khoát phải có ngay một tờ báo làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, góp phần quan trọng cho việc giữ gìn ổn định chính trị xã hội. Việc thành lập một tờ báo mới là hết sức khó khăn phức tạp, thời gian lại quá eo hẹp. Chính vì vậy, các đồng chí trong Thường vụ Thành uỷ phân công cho Ban quân quản Thủ đô bắt mối với các cơ sở nội thành mời nhà báo Hiền Nhân ra vùng tự do bàn kế hoạch tiếp tục sử dụng tờ Thời mới cùng các trang thiết bị, nhà in của tờ báo này. Tôn chỉ mục đích cũng như nội dung, hình thức tờ báo được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Chính vì có sự chuẩn bị chu đáo như vậy nên chỉ sau ngày tiếp quản thủ đô một hôm, sáng 11.10.1954, báo Thời mới ra số đầu tiên trong bối cảnh chính trị mới. Báo vẫn do ông Hiền Nhân làm chủ nhiệm. Trong lực lượng phóng viên, biên tập viên, có nhiều đảng viên, nhà báo cách mạng tham gia. Sau khi giải phóng thủ đô, chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội rất khuyến khích báo chí tư nhân phát triển. Tuy nhiên, do lo ngại, nhiều chủ báo nằm im nghe ngóng. Mãi tới tháng 7.1955, ông Nguyễn Đức Thuyết mới xin phép ra tờ Hà Nội hàng ngày. Báo do nhà văn Trúc Đường làm chủ bút. Đến năm 1957, nhà báo Phùng Bảo Thạch được Sở Báo chí cử sang làm chủ nhiệm tờ báo này, Lưu Động làm chủ bút.
Cả Thời mới và Hà Nội hàng ngày đều là nhật báo, là báo của tư nhân nên không tránh khỏi những cạnh tranh không lành mạnh. Đây cũng là môi trường dễ bị các lực lượng phản động lợi dụng. Sự trùng lặp thông tin giữa hai tờ báo này với báo Nhân Dân thường xuyên xảy ra, có những lúc giữa chúng có sự mâu thuẫn khi đánh giá về một sự kiện nào đó. Trước thực tế đó, Thành uỷ Hà Nội quyết định ra một tờ báo riêng: “Là công cụ đấu tranh của Đảng bộ, có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Chính phủ nói chung và đặc biệt là các chủ trương, đường lối của Đảng bộ và chính quyền Hà Nội trong quần chúng nhân dân thủ đô, chủ yếu là trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động…” - Trích Nghị quyết số 93-NQ/DBHN ngày 26.2.1957. Trên cơ sở này, ngày 1.4.1957 Thành uỷ ra nghị quyết số 119/NQTUHN về việc thành lập Ban phụ trách lâm thời báo Thủ Đô gồm các đảng viên Bùi Hạnh Cẩn, Phạm Việt và Lê Hưng. Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn được giao làm Trưởng ban. Với thành phần ít ỏi đó, tất cả phải căng mình ra chuẩn bị mọi mặt cho sự ra mắt tờ báo. Sau bao lo toan vất vả, ngày 24.10.1957, báo Thủ Đô ra số đầu tiên. Lúc đầu, báo ra khổ 30x40cm, sáng sủa, chững chạc. Nổi bật trên trang nhất là các tin bài “Hà Nội thiết thực chào mừng kỉ niệm cách mạng tháng Mười”, “Hội đồng bầu cử thành phố Hà Nội đã được thành lập”, Mục “Mỗi ngày một chuyện” có bài “Không đẹp” của Người Xây dựng. Ngoài các tin bài thông thường, báo còn có nhiều chuyên mục Sân khấu - điện ảnh, Trong và ngoài 5 cửa ô, Đó đây, Cười, Truyện dài, Bạn đọc phát biểu, Cáo thị bán đấu giá bất động sản, Tin thế giới, Tin miền Nam, Tin thể thao, Dự báo thời tiết… Trong “Lời phi lộ” báo Thủ Đô viết: “Từ đây, cùng với các bạn đồng nghiệp khác, Thủ Đô sẽ đem sức mình góp một phần vào việc truyền đạt các chính sách của Đảng và Chính phủ, phản ánh các mặt sinh hoạt của nhân dân Hà Nội”. Việc xuất bản báo Thủ Đô là một sự kiện vô cùng trọng đại đối với lịch sử báo chí Hà Nội. Đây chính là tiền thân trực tiếp của báo Hà Nội mới sau này. Và có thể coi Bùi Hạnh Cẩn chính là một trong những người sáng lập ra báo chí Hà Nội sau ngày hoà bình. Đây cũng là thời điểm miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất của báo Thủ Đô rất nghèo nàn, lực lượng phóng viên, biên tập viên nhiều người chuyển từ các đơn vị khác sang, chưa có nhiều kinh nghiệm làm báo, vì vậy Bùi Hạnh Cẩn gần như phải quán xuyến hết phần nội dung của báo.
Do nhu cầu thông tin ngày càng lớn, từ giữa năm 1958, báo Thủ Đô tăng khổ lên 32,5x47cm, giữ nguyên 4 trang và giá bán. Đây cũng là thời kì công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đang ở giai đoạn sôi động nhất. Hoàn cảnh chính trị nước ta trong những năm này có những diễn biến hết sức phức tạp. Thống nhất trong việc định hướng, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về nhận thức, tư tưởng chính trị là hết sức cần thiết. Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác báo chí, ngày 9.12.1958, Thành uỷ Hà Nội ra Thông tư số 22/TTDBHN về việc hợp nhất hai tờ Thủ Đô và Hà Nội hàng ngày thành Thủ đô Hà Nội, do Bác Hồ đặt tên. Ngày 1.1.1959, Thủ đô Hà Nội ra số đầu tiên, in 4 trang, khổ 40x60cm, có nội dung và hình thức được cải tiến triệt để. Với cương vị Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung, trong con người Bùi Hạnh Cẩn vẫn không mất đi cái vẻ chất phác, dễ gần, năng nổ, xông xáo. Cái tác phong của một cán bộ phong trào đã theo ông suốt cuộc đời. Với những kinh nghiệm trong quá trình làm báo trước đó, ông luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho các lớp nhà báo đi sau. Trong hồi kí của mình, nhà báo Lý Thị Trung viết: “Kỉ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10.10), anh Bùi Hạnh Cẩn, Phó Tổng biên tập, bảo tôi: Chị cho một bài thơ nhé. Sáng mai đưa tôi. Hôm ấy tôi thức khuya để viết và sáng hôm sau nộp anh Cẩn bài “Hà Nội ngày mai”. Khi Liên Xô phóng vệ tinh lên mặt trăng, anh Cẩn lại bảo tôi làm thơ. Sáng hôm sau tôi nộp anh bài “Đà tiến hoà bình”. Cách đặt bài đột xuất như thế đã giúp tôi sáng tác kịp thời. Cảm ơn anh Cẩn”. Khi hướng dẫn đồng nghiệp, Bùi Hạnh Cẩn không dùng lối cầm tay chỉ việc. Bao giờ ông cũng tôn trọng người viết, tôn trọng sự sáng tạo của họ, bắt họ phải động não. Đồng chí Hồng Vinh sau này kể lại: “Một lần Công Hoàn được giao đi viết bài phóng sự về làng mùa ở ngoại thành. Hôm sau bài được đăng 100 chữ. Đồng chí Bùi Hạnh Cẩn hỏi nhỏ: “Bài viết gần 200 chữ, cắt đi còn lại thế có tiếc không?”. Chưa biết nói sao thì anh Cẩn nói tiếp: “Thôi thông cảm. Hãy giữ lấy bản thảo, dăm ba năm sau xem bọn mình cắt đi có đúng không nhé”.
Dù ở vị trí nào - phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lí - Bùi Hạnh Cẩn không bao giờ quên nhiệm vụ cầm bút. Trải qua nửa thế kỉ, bản thân ông cũng không nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu bài báo. Và thời gian đã tôi rèn nên một phong cách. Ai đó đã nói “Văn chính là người”, điều đó hoàn toàn đúng với Bùi Hạnh Cẩn. Văn của ông giản dị như con người ông vậy. Ông ít khi dùng từ ngữ văn hoa, bóng bẩy, ít dùng những khái niệm trừu tượng, xa xôi. Vốn là người có tâm hồn nghệ sỹ, Bùi Hạnh Cẩn thiên về lối viết giàu cảm xúc, giàu hình ảnh. Đọc những trang viết của ông về người bạn - nhà thơ Nguyễn Bính, nhiều người không cầm được nước mắt. Viết về kẻ thù, ông ít khi dùng những lời lẽ mạnh mẽ, lớn lao nhưng sáo rỗng. Ông thích giọng văn ví von, mỉa mai, châm biếm đối với kẻ thù Mỹ - nguỵ, với những thói hư tật xấu của người đời. Trên mục “Qua các dòng tin” trên báo Lao động (1968-1970), Bùi Hạnh Cẩn có 130 bài đả kích, vạch mặt tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Khi miêu tả bộ mặt hèn nhát, tham lam, lợi dụng chiến tranh để cầu lợi, Bùi Hạnh Cẩn viết: “Khi mới leo lên chức thủ tướng bù nhìn, Trần Văn Hương ra vẻ hùng hổ, xắn cao tay áo, quyết cứu vãn “con thuyền sắp đắm” và cũng phải khen cho thủ Hương “tiến bộ” rất ghê. Hắn đã gạt được hầu hết vây cánh Kỳ với lí do “chống tham nhũng”. Hắn lại gạt cả cháu hắn, để tỏ vẻ “thanh liêm rất mực” không vì máu mủ ruột rà mà bỏ phép công(!). Tuy vậy cái tiến bộ đáng kể nhất của hắn là “vẫn còn ở lại làm việc”, nghĩa là hắn vẫn còn… có quyền… tham nhũng. Và tất nhiên là hắn không tự gạt hắn ra rồi”- Lao động, số 2001, thứ ba, 15.10.1968. Và để vạch trần bản chất của Nguyễn Cao Kỳ, Bùi Hạnh Cẩn ví von:
“Ngựa tìm ngựa, trâu tìm trâu/ Cầy đi tìm chó gâu gâu sủa tình”
Cầy bỏ tiền mua chó để cho có đàn, có bạn, cũng như chúng nó đã bỏ ra 50 đô-la để mua lấy một cái tay vẫy cờ ba que. Mỗi cái que xâu hơn mười đồng tiền Huê-kỳ, thế mà không mua chuộc được ai cơ đấy”- Lao động, số 2045, thứ bảy, 8.2.1969. Bùi Hạnh Cẩn ví Nhà trắng và Lầu Năm góc như một vườn thú với đủ loài vật: Cá mập kếch sù, đàn lừa dân chủ, đàn voi cộng hoà, diều hâu, bồ câu, chó… Với Tổng thống Giôn-xơn, Bùi Hạnh Cẩn không chỉ một lần gọi là chó Giôn.
Cũng vào giữa những năm 60 của thế kỉ trước, ngoài báo Lao động ra, Bùi Hạnh Cẩn còn viết nhiều cho báo Thống nhất, báo Tiền phong. Với phong cách hài hước, châm biếm, đả kích sâu cay, Bùi Hạnh Cẩn cùng với Xích Điểu (Trần Minh Tước) thay nhau công kích kẻ thù trên mục “Trắng Đen”, mục “Đánh mấy vần” (Báo Thống nhất). Trên báo Tiền phong, Bùi Hạnh Cẩn cũng có nhiều bài gây chú ý dư luận. Các bài viết của ông đăng tải ở mục “Ong vò vẽ” như chiếc vòi của con ong chích vào những vấn đề của cuộc chiến và của cuộc sống nội tại với các bài như “Các thứ “siêu”… Mỹ”, “Con Lôi Long”, “Hiện đại hay hại điện”… Khi làm báo, Bùi Hạnh Cẩn sử dụng nhiều thể loại, nhưng có lẽ, đạt đến độ thăng hoa nhất là tiểu phẩm. Những tiểu phẩm mà ông tâm đắc nhất sau này được tập hợp lại trong cuốn sách “Năm đời tổng Mỹ” với bút danh Lê Xung Kích. Qua tập sách, người đọc thấy được ở Bùi Hạnh Cẩn sự nhạy cảm trước các vấn đề thời sự. Bằng lối viết hóm hỉnh mang đậm chất văn chương, sự hiểu biết sâu rộng về sử học, tác giả bộc lộ rõ nhãn quan chính trị của một chiến sỹ cộng sản. Trong tác phẩm “Cơn sốt vàng kinh niên”, ông đã phơi bày tính chất phi nghĩa của chiến tranh, một cuộc chiến mà chính bản thân người Mỹ cũng phải gánh chịu nhiều tổn thất cả về con người lẫn vật chất: “Nói tới phá giá đô la là một sự sỉ nhục đối với nước Mỹ. Nếu chúng ta nhớ lại cái thời oanh liệt của đồng đô la trên khắp thế giới. Ba mươi tám năm trôi qua, một lần nữa, Ních xơn lại phải chịu cái nhục phá giá đồng đô la, để ăn quỵt những món nợ lớn hòng trang trải cho ngân sách của Mỹ bị hao hụt quá nhiều.
Phơ- ran- pích, một quan chức phụ trách vấn đề tiền tệ của Mỹ, đã có lúc ngửa mặt lên trời than rằng: Ôi Việt Nam! Ôi đô la!”
Còn trong bài viết “Con đúng hay bố đúng”, Bùi Hạnh Cẩn lại khoét sâu vào nỗi đau trong lòng nước Mỹ: “Những ông bố cướp, những ông bố mìn, đã không thể đàn áp, bắt bọn con cái đi theo con đường tội lỗi, đẫm máu, bẩn thỉu của họ được nữa. Sự đúng đắn dứt khoát thuộc về con cái họ, những người đã sớm thấy chân lí sáng lên từ phía trời Việt Nam”. Đề cập đến những vấn đề chính trị nổi bật và nóng hổi, bằng lối viết sinh động, dựa vào những dẫn chứng cụ thể rút ra từ báo chí Mỹ, vào các tài liệu bị tiết lộ từ Lầu Năm góc, tác giả Lê Xung Kích đã phần nào giúp người đọc hiểu được sự tàn bạo của kẻ thù xâm lược, hiểu được nguyên nhân thất bại sâu cay của đế quốc Mỹ.
Không chỉ viết về chiến tranh với những mất mát, đau thương, Bùi Hạnh Cẩn còn viết nhiều về văn hoá, kinh tế. Trên lĩnh vực nào ông cũng gặt hái được những thành công. Với loại bài này, ông tha hồ trải lòng mình với những tình cảm vô cùng đằm thắm với non sông gấm vóc, từ cánh cò êm đềm day dứt, đến con sông, cây đa, bến nước, sân đình. Những kỉ niệm đã hằn sâu vào tâm hồn ông, lớn lên cùng ông với bao thăng trầm của cuộc đời: “Giữa chiều mưa mát, một đêm trăng trong, đôi lúc chúng ta chợt nghe đâu đây câu hát quen thuộc: à ơi, cái cò bay lả bay la… Thì ra, cái cánh cò bay lả bay la, chao đi chao lại giống hệt nhịp võng đu đưa kia đã làm thân với nhau ngay khi mình còn tấm bé. Chính vì vậy, đến lúc lớn khôn, trong mỗi tâm hồn Việt Nam đậm đà tình nghĩa, thường vẫn man mác thấp thoáng một cánh cò bay.
Rồi đây, có lúc chúng ta sẽ lướt mình trên “én bạc”, nhìn ra trời xanh thẳm, cũng vẫn vui thấy những cánh cò bay lả bay la. Một hình ảnh thân quen với tâm hồn người Việt, song song bay cùng nhau suốt bốn mươi thế kỉ, một chặng đường dài đã ghi bao thành tích lẫy lừng trong sự nghiệp dựng nước, cũng như trong công cuộc chiến thắng ngoại xâm”-Báo Thống Nhất ngày 15.10.1971. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Bùi Hạnh Cẩn đã thể hiện tài tình giữa văn hoá Việt từ nghìn đời với nhiệm vụ đấu tranh chống kẻ thù xâm lược mà không hề khô khan, lên gân, đao to búa lớn. Phong cách ấy theo ông suốt đời.
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Bùi Hạnh Cẩn sử dụng nhiều bút danh khác nhau. Mỗi cái tên lại gắn với một nội dung hay đối tượng phản ánh hoặc thể loại nào đó. Đối với kẻ thù xâm lược và bọn tay sai, ông kí Lê Xung Kích với ý nghĩa như lưỡi lê tung hoành trên chiến trường. Khi phê phán, châm biếm những thói hư tật xấu của người đời, Bùi Hạnh Cẩn dùng bút danh Kiếm Minh, là thứ gươm sáng chặt bỏ những tàn dư, cũ kĩ, lạc hậu, phát quang những con đường mới tươi đẹp. Bút danh này có nguồn gốc từ câu:
Toán lai thế sự kim năng ngữ/ Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh
Có nghĩa là:
Nói tới việc đời, vàng bạc có thể lên tiếng/ Bàn chuyện tình người, thanh gươm muốn thét lên
Khi còn viết cho báo Cứu quốc Liên khu III, Bùi Hạnh Cẩn chủ yếu kí tên Ông Lang trên mục “Ông Lang châm”. Còn bút danh Thạch Như lại được ông dùng cho các vở hoạt kịch ngắn đăng trên báo hoặc phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Hà Nội, Đài Giải phóng. Khi viết tản văn, Bùi Hạnh Cẩn thích kí bút danh Thôn Vân, địa danh đã sinh ra và nuôi ông thành người. Vì nỗi nhớ da diết hương thơm ngan ngát của một loại lá mà mẹ ông cũng như các thôn nữ thường dùng để gội đầu mà Bùi Hạnh Cẩn chọn cái tên Hương Nhu để kí dưới những bài về quê hương, đất nước. Ông chỉ kí tên thật khi viết những bài có tính chất khảo cứu về văn hoá, chính trị, giáo dục.
Từ năm 1965, Bùi Hạnh Cẩn chuyển công tác sang Hội Nhà báo Việt Nam. Trong 10 năm làm việc tại đây, ông đảm trách việc quản lí và cung cấp thông tin cho các báo; tổ chức các hoạt động có tính phong trào; theo dõi, giải quyết những vấn đề thuộc về chính sách của Hội. Cùng với Xích Điểu, Bùi Hạnh Cẩn liên tục có bài đăng trên các báo của trung ương và Hà Nội. Ông là người đầu tiên dịch “Ngục trung nhật kí” của Hồ Chủ tịch đăng trên báo Nhân Dân, đã dịch “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần đăng hàng trăm số trên báo Hà Nội mới… Từ năm 1975, Bùi Hạnh Cẩn được bầu làm Tổng thư kí Hội Văn nghệ Hà Nội. Mặc dù rất bận với công việc của Hội, ông vẫn đều đặn viết bài cho báo Ngựa Gióng, Hồ Gươm. Ông đã cùng với nhà văn Tô Hoài đứng ra tổ chức tờ Người Hà Nội, cơ quan ngôn luận của Hội. Tờ báo đã thu hút được rất nhiều cây bút nổi tiếng tham gia và nhanh chóng chiếm được cảm tình của người đọc…
Gặp Bùi Hạnh Cẩn hôm nay, ta vẫn thấy ông như vài chục năm trước, vẫn cái dáng đi như chạy, vẫn chiếc quần bạc phếch, ống thấp, ống cao. Trong túi chiếc áo đại cán sờn cổ, lúc nào cũng đầy ắp những mẩu giấy xé vội từ cuốn sổ tay, từ vỏ bao thuốc lá, ghi chi chít những từ ngữ khó hiểu, chỉ mình ông đọc được. Có mấy ai ngờ được rằng những mẩu giấy này chính là nền tảng để ông viết nên những bài báo, những cuốn sách để đời. Nếu ai có nhã ý biếu ông cuốn sổ tay thật dày, thật đẹp để ông tiện ghi chép, ông chỉ cười và cảm ơn rồi dứt khoát từ chối. Phải thân lắm ông mới kể, ông đi tìm tư liệu để viết sách cũng phải trốn con cháu đấy. Các con ông sợ cha đã già, không cho ông ra đường, sợ tai nạn xe cộ. Vậy mà ông vẫn lén ra thư viện, nói dối là đi thăm bạn bè. Mỗi ngày, không viết một cái gì đó đối với ông là một cực hình. Về nhà mà trên tay có cuốn sổ mới, khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”, ngày mai trốn ra thư viện khó lắm…

7 nhận xét:

  1. Đọc rồi! Hay...!
    Đọc lại nữa rồi! Vẫn thấy hay...!

    Trả lờiXóa
  2. Anh ơi, tung cánh bay tiếp đi chứ! Rã cánh đợi mãi thế này mỏi lắm, gẫy cánh mất thôi!

    Trả lờiXóa
  3. Chao Dai ca a! Ngoi o Dnang nghi the nao lai di tim tiengmolang va da tim duoc anh. Anh co gi moi khong? Tien Bac, ty, danh vong? hehe

    Trả lờiXóa
  4. Tôi không thể nào ngờ được rằng, bạn có thể hiểu rõ ông cụ đến thế. Rất cám ơn bạn. Nhưng ông cụ quả là một Ông đồ tài tử

    Trả lờiXóa
  5. Anh ui, anh khỏe không? Em mất số dt cửa anh rùi:P

    Trả lờiXóa
  6. KÍNH CHÀO TÁC GIẢ BÀI BÁO, TÁC GIẢ CÓ THỂ VUI LÒNG CHO TÔI BIẾT RÕ THÊM THÔNG TIN VỀ THỜI ĐI HOC CỦA CỤ BÙI HẠNH CẨN ĐƯỢC KHÔNG, NGOÀI TỰ HOC RA THÌ CỤ ĐÃ TỪNG ĐI HỌC Ở NHỮNG TRƯỜNG NÀO Ạ, TRÂN TRỌNG CẢM ƠN TÁC GIẢ

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn bài viết cho tôi hiểu thêm nhiều về ông cụ.

    Trả lờiXóa