Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

Hải Triều: người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng




Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh ngày 1.10.1908 tại làng An Cựu (Huế) trong một gia đình trí thức. Ngay từ khi còn rất nhỏ ông đã được học chữ thánh hiền, được cha mẹ hết lòng yêu thương dạy dỗ. Bước sang tuổi 15 (1923) Hải Triều được gửi vào học tại trường Quốc học Huế. Đây là quãng thời gian xã hội Việt Nam xảy ra nhiều biến động lớn. Nhiều hội, đoàn thể, đảng phái chính trị được hình thành tập hợp đông đảo quần chúng đấu tranh, biểu tình đòi ân xá cho Phan Bội Châu (1925), tổ chức đám tang cho Phan Chu Trinh (1926) kéo dài gần một năm trời trên phạm vi cả nước. Những diễn biến chính trị này đã có những tác động vô cùng to lớn đến tình cảm yêu nước của Hải Triều. Mặc dù còn rất trẻ, Hải Triều đã cùng các bạn học hăng hái tham gia bãi khoá, đấu tranh đòi nhà cầm quyền thực hiện một số quyền tự do, dân chủ đối với Đông Dương. Vì quá xông xáo, năng nổ cuối cùng ông bị đuổi học. Không lấy thế làm buồn, Hải Triều còn cảm thấy vui vì từ nay ông sẽ được tự do tới dự những buổi diễn thuyết của Phan Bội Châu, được tiếp xúc, trao đổi quan điểm trực tiếp với các bậc tiền bối. Chính từ những cuộc gặp gỡ này, vào khoảng giữa năm 1927, ông trở thành đảng viên của Tân Việt. Nhận thấy đất Trung Kỳ còn có quá nhiều định lệ gò bó, Hải Triều bỏ vào Sài Gòn làm báo và cũng để mở rộng hơn nhãn quan chính trị cho mình. Năm 1929 Đảng Tân Việt đứng trước nguy cơ tan rã, sau bao cố gắng vực lại không thành, đầu năm 1930 Hải Triều quay về Huế. Tại quê nhà ông đã gặp Nguyễn Phong Sắc lúc đó là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách Xứ uỷ Trung Kỳ và được kết nạp và Đảng Cộng sản Việt Nam (6.1930). Có lẽ đây mới thực sự là môi trường để ông thoả sức chứng tỏ chí trai. Thời gian này báo chí của Trung ương Đảng chưa có, báo chí cách mạng tại miền Trung lại bị chính quyền thực dân và Nam triều kiểm soát hết sức gắt gao, nên Xứ uỷ Trung Kỳ quyết định điều động Hải Triều quay lại Sài Gòn nơi đầu mối của nhiều tổ chức cách mạng và cũng là nơi báo chí hoạt động tương đối tự do hơn. Đặt chân lên đất Sài Gòn chưa được bao lâu, Hải Triều là một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên bị địch bắt khi cuộc khủng bố Đỏ vừa diễn ra. Ông bị đưa về Huế xử với mức án 9 năm tù khổ sai, 8 năm quản thúc. Nhưng chỉ một năm rưỡi sau (7.1932), ông được trả tự do.
*
Giữa thập niên 30 của thế kỷ được Đảng cánh tả lên cầm quyền ở Pháp thành lập chính phủ bình dân đã ít nhiều mở ra bầu không khí tự do, dân chủ hơn cho Đông Dương. Được sự đồng ý của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn An Ninh đứng ra hô hào tổ chức Đông Dương đại hội. Để hỗ trợ phong trào, Đảng còn cử các đồng chí của mình trong đó có Hải Triều đi về các vùng thôn quê điều tra tình hình dân chúng, lấy dân nguyện. Sau chuyến đi này Hải Triều đã viết hàng loạt bài đăng trên các tờ báo công khai của Đảng tuyên truyền những ích lợi của Đông Dương đại hội, phơi bày một số chính sách cai trị hà khắc của nhà cầm quyền. Chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, đảng cực hữu thân phát xít lên nắm quyền tại Pháp ngay lập tức ban hành sắc lệnh ngày 26.9.1939 đặt Đảng Cộng sản Pháp và các tổ chức tiến bộ ra ngoài vòng pháp luật. Kể từ sau ngày sắc lệnh này có hiệu lực ở Đông Dương hàng loạt đảng viên cốt cán của đảng ta bị bắt đày ra Côn Đảo hoặc vùng rừng núi. Suốt quãng thời gian 1939-1945 Hải Triều hầu như bị giam lỏng tại Huế. Bị kiểm soát quá chặt chẽ, Hải Triều hầu như không hoạt động được nhiều. Sợi dây liên lạc giữa ông với đồng đội cũng không còn thông suốt. Đầu năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới đi vào giai đoạn cuối, phần thắng nghiêng về quân đội đồng minh. Để độc chiếm Đông Dương, Nhật hất cẳng Pháp nhưng cũng không còn hung hăng như trước. Nhận thức rõ đây là cơ hội vô cùng thuận lợi cho cách mạng nước ta, trung ương Đảng triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh) ngày 9.3.1945 và ban hành Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Nhận được lệnh trên Hải Triều đã tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí hoạt động bí mật trong nội thành Huế lên kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Cách mạng tháng 8.1945 thành công trong cả nước, Hải Triều được phân công công tác tại Bộ Thông tin -Tuyên truyền. Sau đó ông trở lại quê hương với trọng trách Giám đốc Sở Thông tin - Tuyên truyền Trung bộ. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra Hải Triều giữ chức Giám đốc Sở Thông tin - Tuyên truyền liên khu IV, phụ trách Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác liên khu IV, thư ký tạp chí Tìm hiểu và nhiều chức vụ quan trọng khác. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Hiệp định Giơnevơ vừa được ký chưa ráo mực thì Hải Triều lâm trọng bệnh. Ông qua đời ngày 6.8.1954 tại Thanh Hoá, thọ 46 tuổi - cái tuổi sung sức nhất của cuộc đời.
*
Mặc dù nhiều người đã dày công sưu tầm, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được hết các trước tác của Hải Triều. Số thất lạc này chủ yếu là báo cáo, tham luận hoặc bài viết trên báo hiện không còn cơ quan nào lưu trữ. Có bài bị mất từng phần do tờ báo chưa kịp đăng hết đã bị thu hồi giấy phép, đó là chưa kể bài viết của tác giả không được ký bởi tên thật hoặc các bút danh quen thuộc Nam Xích Tử, Hải Triều. Tìm hiểu những gì có trong tay chúng ta có thể chia sự nghiệp sáng tác của Hải Triều ra thành ba thời kỳ chính. Giai đoạn thứ nhất từ 1928-1932, trừ đi một năm rưỡi ở tù thì quãng thời gian Hải Triều được tự do chỉ còn hơn 2 năm. Có lẽ tờ báo đầu tiên mà ông cộng tác là Tiếng Dân - Tờ nhật báo đầu tiên và cũng là duy nhất của cả dải đất miền Trung, số 1 ra ngày 10.8.1927, do ông Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ làm chủ nhiệm. Hải Triều làm cho tờ báo này không được lâu bởi ông sớm nhận ra tính chất bảo thủ, cải lương cũng như khuynh hướng chính trị không rõ ràng của những người chủ trương báo Tiếng Dân. Do không được bàn về các vấn đề chính trị trong nước, tránh phê phán chế độ phong kiến thối nát triều Nguyễn, nên Hải Triều chỉ còn con đường duy nhất là đề cập các vấn đề thời sự quốc tế. Tuổi trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, thông tin giữa Việt Nam với thế giới lại bị bưng bít, bóp méo nên các nhận định của Hải Triều lúc này nhiều khi còn mang tính chủ quan, vấn đề tác giả lựa chọn còn quá to tát. Chẳng hạn trong bài Cuộc chiến tranh thế giới sau này - Tiếng Dân số 69-70.1928 Hải Triều phỏng đoán: Chiến tranh thế giới II sẽ khởi phát tại Thái Bình Dương do người Nhật châm ngòi. Cuộc chiến này là sự đối đầu giữa hai liên minh, một bên là Nga - Trung - Đức, phe kia là Anh - Nhật - ý. Cái bạn đọc chú ý đến Hải Triều thời kỳ này không phải là những nội dung phê phán chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn hay các vấn đề nóng bỏng của thế giới mà họ thích cái tâm của tác giả trong từng câu chữ. Các bài viết về quốc tế của Hải Triều bao giờ cũng gắn kết chặt chẽ với tình hình chính trị trong nước. Trong bài Cuộc chiến tranh thế giới sau này nói trên, ông đã bộc lộ nỗi lòng: “... Than ôi! Mây kéo mù un, tố giông sắp đổ, liệu xem thế cuộc lạnh buốt cả người, đoán trông tổ quốc thoạt đổ mồ hôi, e đâu thoát khỏi một phen mưa gió tan tành nên đánh bạo bàn sơ qua câu chuyện thế giới chiến tranh là một cái vấn đề mật thiết đến nước ta chẳng những về kinh tế, về chính trị mà chính về cả cái sanh mạnh của mấy triệu anh em bà con ta sau này sanh tồn hay tiêu diệt đều có quan hệ với cuộc chiến tranh này lắm!”... Có lẽ do không chịu đựng được lâu hơn nữa không khí bức bối, tù hãm của Huế, đầu năm 1929 Hải Triều vào Nam làm cho tờ Kỳ Lân. Đây là tờ báo không có gì nổi bật số 1 ra ngày 18.8.1928 do ông Bùi Ngọc Thự làm quản lý. Kỳ Lân được giao cho Hải Triều khi nó đang trong tình trạng thua lỗ, có nguy cơ phải đóng cửa. Ông đã thay măngxét mới, dưới tên báo là câu nhận định nổi tiếng của Mác “Chủ nghĩa tư bổn đang tự đào mồ để tự chôn nó”. Cuốn Tư bản đã được Hải Triều cho dịch đăng trên báo này với tiêu đề “Tư bổn chủ nghĩa”. Các thuật ngữ, khái niệm của triết học, khoa học được ông dịch lại bằng văn phong hết sức bình dân, giản dị, súc tích, ai cũng hiểu được, chẳng hạn như: “... tư bản chủ nghĩa, cái giờ lâm chung của ngươi trên thế giới đã gần điểm rồi, mà cái pho lịch sử của ngươi trong vũ trụ cũng hầu mòn hết giống rồi. Nhân loại rồi đây sẽ bước qua một kỷ nguyên mới và một pho lịch sử mới. Lời nói đó không phải do ta trù rủa người đâu. Sự sống của ngươi và sự chết của ngươi là một lẽ tất nhiên của lịch sử nhân loại phải qua vậy, ngươi chớ phàn nàn. Huống hồ cái thể chất của ngươi đã mang sẵn cái mầm diệt vong ở trong tâm, nó sẽ dắt ngươi vào con đường tự sát”.
*
Kỳ Lân cũng là tờ báo đầu tiên ông sử dụng bút danh Nam Xích Tử, có nghĩa là Chàng trai Đỏ. Dùng bút danh này là một hành động vô cùng táo bạo thời đó. Như chúng ta đã biết, trước năm 1930, ở Việt Nam, nhất là tại Trung và Bắc Kỳ, hầu như không có tờ báo nào dám thường xuyên đề cập các vấn đề chính trị. Viết về chủ nghĩa cộng sản lại càng cấm kỵ. Chỉ vì đăng Tuyên ngôn cộng sản mà tờ La Clochêfêlée (Chuông rè) bị rút giấy phép vào năm 1926. Những người đứng đầu tờ báo này là Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, nhiều lần bị bắt bỏ tù. Việc Hải Triều, một chàng trai mới ngoài 20 tuổi tự gọi mình là Chàng trai Đỏ - hình ảnh tượng trưng của người cộng sản - là một thách thức cực kỳ lớn đối với nhà cầm quyền. Không những thế, ông còn biến Kỳ Lân thành tờ báo đi tiên phong trong việc dịch đăng một trong những trước tác vào loại vĩ đại nhất của Mác. Tờ báo ngay lập tức bị đóng cửa, còn Hải Triều có tên trong sổ đen của thực dân Pháp. Để tránh sự theo dõi của kẻ thù, Hải Triều bỏ về Huế. Sau khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được tổ chức phân công vào Sài Gòn. Tại đây Hải Triều đã bị bắt, kết thúc thời kỳ hoạt động báo chí đầu tiên của ông.
Tuy được trả tự do (7.1932) nhưng Hải Triều bị cấm rời khỏi nơi cư trú. Không còn cách nào khác, ông quay trở lại cộng tác với tờ Tiếng Dân, viết bài gửi đăng trên một số tờ báo của Hà Nội, Sài Gòn. Bên cạnh những bài bình luận về chính trị, thời sự, kinh tế thế giới, thời kỳ này (1932-1939) Hải Triều bắt đầu quan tâm đến triết học, văn hoá - nghệ thuật. Và chính ở địa hạt này, ông đã gặt hái được những thành công hết sức to lớn. Tiêu biểu cho cuộc đấu tranh trên mặt trận quan điểm, tư tưởng này là bài “Trên lịch sử nước ta vẫn có chế độ phong kiến” - báo Công luận số 2 ngày 3.1.1935 nhằm đáp lại bài Trên xã hội Việt Nam không có chế độ phong kiến của Phan Khôi đăng trên báo Phụ nữ Tân Văn ngày 29.11.1934. Trong bài viết của mình, Hải Triều khẳng định ở Việt Nam không những có chế độ phong kiến, mà chế độ này còn được xếp vào loại điển hình của phương Đông. Qua đây Hải Triều muốn nhấn mạnh việc lựa chọn kẻ thù của Đảng ta (gồm chủ nghĩa đế quốc thực dân và chế độ phong kiến) là đúng đắn, chính xác. Khi Phan Khôi bàn về mối quan hệ giữa “Văn minh vật chất với văn minh tinh thần” - Phụ nữ thời đàm số 4 ngày 8.8.1933 đã bộc lộ rõ tư tưởng duy tâm tư sản, Hải Triều liền có bài “Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật” (báo Đông Phương số 891 ngày 21.10.1933). Mặc dù bài báo đã khẳng định được một cách xác đáng quan điểm duy vật của Mác, nhưng lại chưa chỉ ra được tư tưởng yên tâm làm nô lệ của những người như Phan Khôi. Trong bài có đoạn còn ảnh hưởng nặng nề của thuyết Địa lý rất thịnh hành ở phương Tây vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chẳng hạn như: “... Cái tinh thần Đông phương kém Tây phương không những vì ảnh hưởng của chế độ kinh tế mà thôi. Suy nguyên ta còn kém vì ảnh hưởng của những điều kiện về hình thể, thể chất của thổ địa và khí hậu v.v... Tóm lại là bị cái hoàn cảnh vật chất tự nhiên chi phối...” Tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng còn được Hải Triều tiếp tục khẳng định trong bài Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm in trên báo Phụ nữ tân tiến số 1 tháng 2 năm 1934. Trong bài viết này Hải Triều đã vận dụng vốn kiến thức uyên bác của mình để nhấn mạnh nguyên lý và hiện tượng là những phạm trù không thể tách rời của triết học. Chúng có mối liên hệ chặt chẽ, khăng khít với nhau. Cái này là nguyên nhân hoặc hệ quả của cái kia, chúng cũng luôn vận động, biến đổi không ngừng. Ngày nay với một nền khoa học tiên tiến, hiện đại, những vấn đề Hải Triều đặt ra trong các bài viết có thể bị đánh giá là quá đơn giản, còn khiếm khuyết, nhưng nếu đặt mình vào thời đó chúng ta mới hiểu và thông cảm hết với ông trên phương diện nghiên cứu, lý luận. Trong khi cả xã hội đang quằn mình rên xiết trước sự khủng bố của kẻ thù, đồng đội người thì bị giết, người mòn mỏi trong tù, một thân một mình, Hải Triều dám đứng ra đương đầu để rồi cuối cùng chiến thắng Phan Khôi - một học giả có tiếng đứng đầu nhóm Tam Tài của xứ Nam Kỳ (gồm Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ). Hành trang của ông lúc đó chỉ là vài trước tác của Mác - Ăngghen được dịch không đầy đủ sang tiếng Pháp, bị bóp méo ít nhiều. ở Việt Nam lúc đó việc bênh vực chủ nghĩa cộng sản đồng nghĩa với âm mưu chống đối nhà cầm quyền thực dân, phải chịu cảnh tù đày, thậm chí phải hy sinh tính mạng của mình. Không chỉ vậy, các bài viết của Hải Triều bao giờ cũng bị Ty kiểm duyệt săm soi rất kỹ, sơ sảy một chút là rước hoạ vào thân. Chính vì lẽ đó mà Hải Triều không có điều kiện giãi bày được hết quan điểm riêng. Không dừng lại ở đó, vào năm 1938 khi chiến tranh thế giới lần II chuẩn bị nổ ra, phe cực hữu lên cầm quyền tại Pháp đang tìm cách đàn áp những người cộng sản và những nhà hoạt động xã hội tiến bộ thì Hải Triều lại bất ngờ cho xuất bản công khai cuốn “Chủ nghĩa Mác xít phổ thông” dùng làm tài liệu huấn luyện, giáo dục cho các đảng viên và quần chúng yêu nước. Tài liệu “quốc cấm” này có thể được coi là một trong những cuốn sách mở đường của hệ thống lý luận Mác xít nước ta sau này.
*
Trong quãng thời gian 1932-1939, sự kiện mà người ta nhớ đến nhiều nhất, được nhắc đi nhắc lại hơn nửa thế kỷ qua là cuộc tranh luận xoay quanh các quan niệm sáng tác văn học - nghệ thuật giữa một bên là Hải Triều, Lâm Mộng Quang, Hải Khách, Hồ Xanh với bên kia là Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều. Cuộc tranh luận diễn ra gay gắt, kéo dài hàng năm trời và cuối cùng phần thắng nghiêng về phía các nhà phê bình Mác xít. Như chúng ta đều thấy, những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, xã hội Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị và được coi như giai đoạn bản lề của lịch sử dân tộc. Sự xuất hiện chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc khởi nghĩa Yên Bái, phong trào Xô Viết ở Nghệ An đang gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, có sức tác động rất lớn đến phong trào yêu nước đang đấu tranh giành độc lập dân tộc tại các xứ thuộc địa của Pháp. Tình hình này buộc người Pháp phải ra tay hành động. Một mặt, họ tiến hành cuộc khủng bố đỏ hết sức khốc liệt, tàn bạo, mặt khác họ cũng ban hành một số chính sách có tính chất mị dân nhằm ổn định chính trị - xã hội. Chính quyền ngầm tài trợ cho một số tờ báo đứng ra tổ chức các cuộc thi đấu thể thao, lập hội hướng đạo, mở hội chợ từ thiện, phát động phong trào ánh sáng, khuyến khích Âu hoá. Trong số này nổi bật và diễn ra thường xuyên nhất là các cuộc thi sáng tác văn học trên các tờ báo nổi tiếng lúc đó như Phụ nữ tân văn, Phong Hoá, Ngày nay... Các hành động này nhằm lôi kéo thanh niên, trí thức, văn nghệ sĩ lao vào cuộc sống hư văn mà quên đi nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây chính là thời điểm tại Việt Nam phát triển nhiều dòng văn học khác nhau. Chủ nghĩa lãng mạn mà tiêu biểu là phong trào Thơ mới với nhiều tính chất tiêu cực đang đẩy con người ngày càng xa rời cuộc sống xã hội, chủ nghĩa hiện thực phê phán lại chưa xác định rõ con đường đi riêng, nhiều khi còn rơi vào bế tắc, bi quan. Trong khi đó văn học cách mạng lại phải ẩn mình trong bóng tối, chưa có điều kiện đến với quảng đại quần chúng nhân dân. Để bảo toàn lực lượng và cũng để phù hợp với thực tế, Đảng ta chủ trương chuyển hướng đấu tranh sang các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Hải Triều được coi như người lính tiên phong trên mặt trận này. Qua hàng loạt bài như Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh (báo Đời mới ra vào hai ngày 24.3 và 7.4.1935), Kép Tư Bền một tác phẩm thuộc về cái triều lưu “nghệ thuật vị nhân sinh” ở nước ta (Tiểu thuyết Thứ Bảy số 62 tháng 8.1935), Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội (báo Tin Văn số 6 ngày 1.9.1935), Nghệ thuật với nhân sinh (báo Trung Kỳ số 1 ngày 9.10.1935 và số 4 ngày 6.11.1935)... Hải Triều không chỉ phản bác lại quan điểm sáng tác duy tâm, tư sản của những người như Thiếu Sơn, mà ông luôn tìm cách nhấn mạnh mọi thứ nghệ thuật đều phải bắt nguồn từ đời sống xã hội, phải mang tính nhân văn, phục vụ con người. Nói cách khác, mọi sáng tạo nghệ thuật đều xuất phát trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng. Bên cạnh đó, bằng ngòi bút sắc bén của mình, Hải Triều luôn khẳng định không có thứ nghệ thuật phi giai cấp, vượt ra ngoài biên giới tình cảm. Tuy nhiên, vì quá say sưa tranh luận nên đôi khi ông quá thiên về thứ “văn nghệ bình dân”, xem nhẹ, thậm chí phủ định những giá trị sáng tạo của các tầng lớp xã hội khác. Bình dân ở đây có thể hiểu là bao gồm người nông dân, công nhân và dân nghèo thành thị. Không phải ngẫu nhiên mà thỉnh thoảng Hải Triều lại dùng khái niệm “nghệ thuật vị dân sinh” thay vì “nghệ thuật vị nhân sinh”. Nói cách khác, một số vấn đề lý luận Hải Triều đặt ra trong thời kỳ này còn mang nặng màu sắc giai cấp, tính nhân dân chưa được biểu hiện rõ nét. Hạn chế này là khá phổ biến trong giới lý luận nước ta từ năm 1936 trở về trước.
*
Một trong những vấn đề Hải Triều đặt ra rất được giới nghiên cứu phê bình quan tâm, chú ý. Đó chính là quan niệm của ông về tự do sáng tác. Trong bài “Lầm than một tác phẩm đầu tiên của nền văn chương tả thực xã hội ở nước ta” Hải Triều viết: “Gạch một con đường buộc họ (- tức giới văn nghệ sĩ - HVQ) phải theo là một sự điên cuồng. Mặc dầu họ có gây dựng một tác phẩm đúng như cái khuôn khổ đã định thì tác phẩm ấy nhiều khi cũng có vẻ ngượng nghịu, cơ giới, không có chút gì sanh sắc”... “Nhà văn cần có tự do thì mới sáng tạo ra được những công trình bất hủ... Nhưng có một cái tự do nhà văn cần phải tránh, tránh như tránh dịch, là cái tự do tán dương những tội ác, tán dương những sự bất công, tán dương những cái phản động hiện thời” - bài Bức thư thay lời tựa - 1938. ý kiến trên có thể nói là rất hiện đại và mang tính nhân văn cao. Nhưng có thời nó đã bị lợi dụng. Ông Phan Khôi, đối thủ tiềm tàng của Hải Triều, vào năm 1956 đã viết bài “Phê bình giới lãnh đạo văn nghệ” trong đó có đoạn đại ý: “Văn nghệ nếu được đặt dưới sự chỉ đạo chung thì đến một lúc nào đó trăm thứ cúc chỉ nở ra được một loài vạn thọ mà thôi”. Trên cơ sở này một số văn nghệ sĩ bất mãn với chế độ đã gào lên đòi tách rời chính trị khỏi văn nghệ. Sự trùng hợp có vẻ ngẫu nhiên nói trên đã tạo ra không ít lời rì rầm của dư luận. Thực ra sự giống nhau ở đây chỉ mang ý nghĩa hình thức. Còn về bản chất giữa chúng không có chung một con đường. Hải Triều hô hào đòi tự do sáng tác là nhằm thoát khỏi vũng bùn của thứ văn nghệ nô dịch. Còn những người trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm đòi tự do chỉ để nhằm thoả mãn tính vị kỷ của bản thân, không đếm xỉa gì tới lợi ích của dân tộc. Lời hô hào của họ được tung ra vào thời điểm đất nước đang có chiến tranh nên rất dễ phá vỡ thế đoàn kết toàn dân, cái mà kẻ thù hết sức mong đợi.
Có thể nói ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước Hải Triều đã biết lo xa cho nền văn nghệ nước nhà. Nhiều quan điểm của ông cho đến nay vẫn hoàn toàn tỏ ra đúng đắn, chính xác. Khi bàn về tính xu hướng (khuynh hướng) của văn nghệ, một mặt, Hải Triều nhấn mạnh không thể có lối văn “giữa trời”, phi chính trị, nhưng mặt khác ông lại phê phán thứ văn chương hô khẩu hiệu, áp đặt, bất chấp các nguyên tắc nghệ thuật, xem nhẹ khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Ông luôn cho rằng trong nghệ thuật phải có chính trị, nhưng giữa chúng vẫn có ranh giới nhất định. Văn học khi đề cập các nội dung chính trị không được khô cứng như bản thân chính trị. Ông viết: “Chủ nghĩa tả thực xã hội vẫn luôn luôn thừa nhận mỗi tác phẩm đều có một xu hướng nhưng chủ nghĩa tả thực xã hội lại hết sức đố kỵ những thứ xu hướng chủ quan, độc đoán, cơ giới; những tư tưởng cố định, những tín điều bất dịch mà tác giả đã vụng về ấn ghép vào câu chuyện” (Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương. Tạp chí Tao đàn số 2, ngày 16.3.1939). Nói cách khác, ngay từ thời đó Hải Triều đã nhận được ra hậu quả của thứ văn chương rập khuôn, tô hồng, một chiều dưới thời bao cấp mà các kỳ đại hội Đảng gần đây hết sức phê phán. Cả đời ông chỉ khát khao một điều: Tạo dựng nền móng vững chắc cho nền văn nghệ cách mạng có sức sống lâu bền, lên án và cương quyết đập bỏ thứ văn nghệ nhất thời. Chính vì lẽ đó mà Hải Triều dành nhiều công sức để chứng minh mối quan hệ qua lại giữa hình thức (forme) và nội dung (fond). Theo ông “Hai cái phân tích ấy nó đắp đổi, nó bồi bổ cho nhau, không cái nào là thực thụ, cái nào là tạm thời, cái nào là chính xác, cái nào là phụ thuộc” - Bài Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội - Báo Tin văn số 6 ngày 1.9.1935. Ngoài ra ông còn bàn khá sâu sắc về vai trò của văn nghệ đối với đời sống, xác định nhiệm vụ của nhà văn là phải phụng sự hiện thực, dùng trí sáng tạo của mình để biến cải hiện thực, làm cho hiện thực đó ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn...
*
Sự nghiệp sáng tác cuối cùng của Hải Triều tập trung vào những năm sau cách mạng tháng 8.1945 đến ngày ông mất (6.8.1954). Bối cảnh lịch sử lúc này đã khác, bản thân Hải Triều lại giữ nhiều trọng trách do Đảng, Nhà nước giao phó, nên những vấn đề ông viết có sự thay đổi cơ bản so với trước đây. Qua những gì còn lại, chúng ta thấy những vấn đề ông viết vào thời kỳ này mang tầm vĩ mô hơn. Đó là những bản báo cáo, bài báo mang đậm màu sắc chính luận, có tầm chỉ đạo khá bao quát. Những nội dung triết học vẫn được ông quan tâm hàng đầu nhưng giờ đây chúng được khảo sát hết sức bài bản, chuyên sâu, khách quan, không để trộn lẫn với cái tôi như các giai đoạn trước. Cái nhìn của ông đối với kẻ thù của cách mạng tuy vẫn nghiêm khắc nhưng đã bao dung hơn, đúng như phẩm chất tư cách của một người cộng sản.
*
Hải Triều mất đi vì căn bệnh hiểm nghèo giữa vùng kháng chiến. Những dòng di chúc cuối cùng của ông không dành cho vợ con thân quyến mà dành cho Đảng, cho Bác, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cả đời đấu tranh cho lẽ phải, cho chân lý, vậy mà khi mất đi ông không có gì cho riêng mình, phải gửi tấm thân quả cảm của mình trong cỗ áo quan của người khác. Nhưng khí phách của ông sẽ mãi mãi sống cùng non sông đất nước, mãi mãi là người lính bảo vệ trung thành tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét