Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009
Hoàng Tích Chu với công cuộc canh tân làng báo Việt nam
Vào những năm 20 của thế kỷ trước, dư luận cả nước xôn xao về vụ “cô Phượng Hàng Ngang”. Không chỉ báo chí, người ta còn viết sách, dựng kịch, làm thơ về vụ thảm tình này. Kẻ chê cô Phượng là dâm loạn, nhẫn tâm bỏ lại chồng con, bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý để đi theo trai. Người thì khen cô dám đạp lên lề thói đạo đức phong kiến, đi theo tiếng gọi thổn thức của con tim. Vậy cô Phượng Hàng Ngang là ai? Số phận bi thương của cô có liên quan gì đến Hoàng Tích Chu, một ký giả nổi tiếng hào hoa phong nhã thời đó?
Má hồng không
nhuộm được chí nam nhi
Theo nhà báo Phùng Bảo Thạch, người cùng thời và cũng là bạn thân thiết của Hoàng Tích Chu thì cô Phượng đẹp lắm. Sắc đẹp của cô như chất thuốc phiện. Nó quyến rũ, cuốn hút người ta. Ai đã vướng vào thì khó mà thoát ra được. Hàng ngày, cô ngồi bán tơ lụa trong cửa hàng của nhà Phan Vạn Thành. Chồng cô là hạng công tử “tốt mã giẻ cùi” suốt ngày rong chơi, chỉ coi cô như một thứ đồ đắt tiền, xinh xinh, chỉ để ngắm nghía, canh chừng, chứ không phải để tâm tình, cùng nhau vươn tới những khát vọng xa xôi. Nhà văn Vũ Ngọc Phan, trong cuốn hồi ký “Những năm tháng ấy” đã mô tả: “Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười. Gò má cô cao, ửng hồng, làm cho khuôn mặt trái xoan của cô có sức quyến rũ, giống như nữ diễn viên điện ảnh Marlen Dietrich thời bấy giờ. Cô Phượng ăn mặc rất nền, khi thì chít khăn nhiễu tam giang, khi thì chít khăn nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên, quần lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục. Tất cả những màu sắc ấy ánh lên qua chiếc áo dài vải phin trắng may sát vào thân hình nở nang”. Và đã có không ít văn nhân - ký giả đương thời khi được diện kiến cô Phượng đã phải thốt lên: “Tây Thi khiếp vía Hằng Nga giật mình”. Nhiều thanh niên, nhà ngay sát chỗ làm, nhưng hàng ngày vẫn bốn lần đi về theo đường vòng để qua phố Hàng Ngang, để được ngắm cô Phượng từ xa. Nếu hôm nào không một lần được thấy cô là họ thấy bồn chồn, bứt rứt, đứng ngồi không yên. Nào ai đếm được có bao nhiêu chàng trai Hà thành ngày đêm tơ tưởng đến đoá hoa đã có chủ này. Khi tàu điện chạy qua phố Hàng Ngang, không ai bảo ai, tất cả hành khách đều hướng mắt về phía dãy nhà mang số chẵn, nơi có một mỹ nhân góp phần làm cho vẻ đẹp Hà Nội thêm rực rỡ.
Thấy bạn bè mất ăn mất ngủ vì cô Phượng, Hoàng Tích Chu nhiều lần chê họ tầm thường, không xứng đáng là đấng “tu mi nam tử”. Trong một buổi tranh luận, Hoàng Tích Chu đã nhận lời thách đố là sẽ có cuộc hẹn với cô Phượng. Y hẹn, mọi người đã phải sững sờ khi chứng kiến cảnh đôi trai tài gái sắc tay trong tay, mắt dõi mắt trên đường Cổ Ngư. Chỉ sau đó ít lâu (khoảng cuối năm 1922), cả Hà Nội chấn động trước tin cô Phượng mất tích. Mãi sau này, mọi người mới biết cô Phượng đã theo Hoàng Tích Chu vào Sài Gòn. Cô đâu có biết rằng đó là một chuyến đi định mệnh. Hoàng Tích Chu đã quyết chí sang Pháp học nghề làm báo. Hoàn cảnh không cho phép ông đem theo người tình. Nhi nữ thường tình làm sao trói chân được khách giang hồ, chí trai chưa thoả đàn bà nào có nghĩa gì. Gạt qua một bên mọi lời van xin, Hoàng Tích Chu bước xuống một con tàu thuỷ, bỏ lại sau lưng cả một bầu trời uất hận. ở nơi đất khách quê người, lại quen sống trong nhung lụa, vì quá nhớ thương “người đàn ông của đời mình”, cô Phượng đã chết trong sầu muộn. Đến năm 1928, để cứu tờ Nông Công Thương báo thoát khỏi tình trạng thiếu bạn đọc, tác giả Lê Cương Phụng (qua bút danh Ai thời khách) đã cho đăng nhiều kỳ trên tờ báo này tác phẩm Mồ Cô Phượng. Hai nhân vật chính trong câu chuyện là Hoàng Hồ và Cô Phượng Hàng Ngang. Hoàng Hồ là một trong những bút danh quen thuộc của Hoàng Tích Chu, đã được ông sử dụng trước khi gặp cô Phượng và sau này còn được dùng khá thường xuyên trên hai tờ Hà thành ngọ báo và Đông Tây tuần báo.
Hoàng Tích Chu được sinh ra trong một gia đình quan lại, có truyền thống Hán học ở làng Phù Lưu huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là địa danh gắn liền với câu ví von quen thuộc “Trai Phù Lưu, gái Đình Bảng”. Có lẽ chính vì vậy mà chàng trai xứ Kinh Bắc này đã sớm nổi tiếng là người hào hoa phong nhã. Sinh thời, Hoàng Tích Chu rất giỏi chữ Hán (Cỡ Tam trường). Năm 1921 ông đầu quân cho tờ Nam Phong tạp chí. Đây là một tờ báo lớn thời đó, xuất bản theo dạng bách khoa nguyệt san, chuyên khảo cứu lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, chính trị với những cây bút lẫy lừng như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Dương Bá Trạc, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Lâm Tấn Phác, Nguyễn Văn Ngọc, Dương Quảng Hàm... Đây là môi trường không phải để cho một chàng trai mới ngoài 20 tuổi, chưa có mấy kinh nghiệm sống thi thố tài năng. Chính vì vậy mà người ta thấy Hoàng Tích Chu xuất hiện rất ít trên tờ báo này. Nội dung của các bài viết cũng chưa có gì nổi bật, mới chỉ le lói những tia sáng tạo mỏng manh. Ông viết về những vấn đề thiết thực, gắn liền với đời sống hàng ngày của quảng đại quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, do lối văn biền ngẫu rất phức tạp, đòi hỏi việc lựa chọn từ ngữ kỹ càng, rất mất thời gian, nên các nội dung Hoàng Tích Chu muốn chuyển tải đến công chúng thường mất đi tính thời sự, cập nhật của nó. Tấm áo của lối văn biền ngẫu tỏ ra quá chật chội với hiện thực đầy sống động, phong phú.
Đang lúng túng thì Hoàng Tích Chu nhận được lời mời sang làm chủ bút cho tờ nhật báo Khai Hoá của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi. Việc sử dụng “bình cũ rượu mới” nói trên tiếp tục được Hoàng Tích Chu thực hiện trên tờ báo này. Độc giả bắt đầu quen với cái tên Kế Thương (bút danh ông sử dụng từ khi còn làm cho Nam Phong tạp chí), họ thấy thích giọng văn giàu màu sắc, đầy âm điệu của ông. Chưa kịp khẳng định mình, vì một tai nạn nghề nghiệp, Hoàng Tích Chu bị mất việc. Bị đuổi trong hoàn cảnh không lấy gì làm hay ho cho lắm, Hoàng Tích Chu thề sẽ sang Pháp học lấy những ngón nghề làm báo hiện đại. Vấn đề lớn nhất đối với ông lúc này là kiếm đâu ra tiền để theo học bây giờ.
Sau mấy tháng sống dựa vào bạn bè, cuối năm 1922, Hoàng Tích Chu được giáo sư trường Albert Sarraut là ông Lê Hữu Phúc đứng ra tài trợ mọi phí tổn ăn học tại Pháp. Khi sang đến Paris, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn (một người bạn của Lê Hữu Phúc và Hoàng Tích Chu) phân công nhau người học cách viết báo, người học nghề in và trình bày. Sau đó 4 năm, hai ông trở về nước đầu quân cho tờ Hà thành ngọ báo. Đây là tờ nhật báo của hai cha con nhà tư sản Bùi Xuân Thành, Bùi Xuân Học. Toà soạn của Hà thành ngọ báo đặt tại nhà số 24 đường Gia Long - Hà Nội. Kể từ khi được giao vai trò chủ bút, Hoàng Tích Chu đã có sự cải tiến tờ báo về nhiều mặt. Các trang, chuyên mục, mục được thay đổi sao cho thiết thực, gắn liền với đời sống xã hội. Tình trạng giàu lời nhưng nghèo ý được khắc phục triệt để. Một số thể loại như tiểu phẩm, xã thuyết, thời luận được rút ngắn tối đa, bỏ hết các từ nối thì, mà, và, là. Loại câu một mệnh đề được sử dụng rộng rãi. Hình thức của tờ báo cũng được Đỗ Văn trình bày sao cho đẹp, hấp dẫn, gây ấn tượng để thu hút sự chú ý của độc giả. Ngay ở cột một trang một bao giờ cũng là bài xã thuyết của Hoàng Tích Chu (thường ký bút danh Hoàng Hồ) bàn về những vấn đề lớn, có tính chất thời sự liên quan đến tình hình trong nước và thế giới. Cột hai dùng để đưa tin quan trọng. Cuối trang là một câu châm ngôn, cách ngôn của một danh nhân nào đó bàn về lẽ sống ở đời hoặc một truyện hài hước ngắn nào đó có tính chất răn đời. Cách đặt tít của báo thường dài, khổ chữ lớn, in đậm, giật gân, kích thích trí tò mò của độc giả dù nội dung tin bài không có gì lớn, thậm chí nhạt nhẽo kiểu như “Thi gan với xe lửa bị húc vỡ bong bóng”, “Một ông Tây chủ đồn điền bắn nhầm chết con ông Chánh tổng”,... Cũng như nhiều tờ báo đương thời, để giữ chân người đọc, Hà thành ngọ báo cũng thường xuyên sử dụng loại truyện dài kỳ. Nội dung của chúng khá hấp dẫn, ly kỳ, đôi khi pha tính thần linh ma quái hoặc chuyện yêu đương nhăng nhít với những tình tiết, số phận đầy kịch tính, éo le.
Tuy nhiên, do những cải tiến nói trên của Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn diễn ra quá đột ngột đã làm mất đi phần lớn độc giả truyền thống của Hà thành ngọ báo, những người đã quá quen với loại bài nhẩn nha, câu chữ đẽo gọt chau chuốt tỉ mẩn mà khi đọc lên như một bài thơ, một áng văn chương nghệ thuật. Độc giả có cảm giác bị sốc trước những bài xã luận đi thẳng vào vấn đề, ngồn ngộn thông tin, câu chữ thì thô nhám, đầy góc cạnh như chính bản thân cuộc sống. Không ít người đã viết bài phê phán lối văn của Hoàng Tích Chu, gọi đó là lối văn nhát gừng, văn cộc, văn... cứt dê. Những người phản đối này đa phần thuộc giới cựu học, chữ Hán đã ngấm vào máu xương của họ. Giới trẻ tân học tuy ủng hộ, nhưng vẫn có phần dè dặt.
Trước việc Hà thành ngọ báo giảm số lượng phát hành, ông Bùi Xuân Thành đã “mời” hai nhà cải cách ra khỏi toà soạn. Không dừng ở đó, ngày 10.9.1929, Hà thành ngọ báo còn đăng bài “Nhà báo với nhà văn” chê Hoàng Tích Chu là kẻ học mót, lên mặt dạy đời. Hà thành ngọ báo quay lại lề lối cũ nhưng tình hình cũng không cải thiện được bao nhiêu. Trước những biến cố chính trị hết sức sôi động ở Việt Nam đầu những năm 1930, người đọc không còn mặn mà với loại báo vô thưởng vô phạt, quá thiên về văn hoá nghệ thuật nữa. Hà thành ngọ báo sống lay lắt đến 1936 thì đóng cửa không kèn không trống.
Cái thân bia đá than
ôi! Có ngại gì một mũi tên tre
Sau hai lần chịu nhục, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn thề suốt đời sẽ không đi làm thuê nữa. Hai ông về quê bán ruộng vườn, vay mượn bạn bè ra tờ báo riêng. Số 1 của tờ Đông Tây ra ngày 15.11.1929, toà soạn đặt tại số nhà 12 phố Nhà Thờ Hà Nội. Đông tây lúc đầu ra hàng tuần, sau tăng lên tuần 2 số vào thứ tư và thứ bảy. Từ ngày 28.5.1932 báo ra hàng ngày. Báo in 4 trang khổ lớn. Trên măng xét ghi chủ nhiệm Hoàng Tích Chu, chủ bút Phùng Tất Đắc. Ngay từ những số đầu tiên, báo đã quy tụ được khá nhiều cây bút tên tuổi, có tư tưởng canh tân như Phan Khôi, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Tam Lang, Tế Xuyên, Vũ Bằng, á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Nam Sơn, Tô Ngọc Vân, Trần Quang Trân, Lê Phổ, Đỗ Mộng Ngọc, Vi Huyền Đắc, Trịnh Đình Rư, Thiết Can, Song An Hoàng Ngọc Phách... Đông tây tuần báo được in tại nhà in Trung - Bắc của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Hầu hết những cải tiến trên Hà thành ngọ báo, giờ được Hoàng Tích Chu áp dụng triệt để hơn trên Đông tây tuần báo. Nếu như những thông tin trên Hà thành ngọ báo hầu như chỉ liên quan đến sinh hoạt thường nhật của người dân, thì ở Đông tây tuần báo bao giờ cũng mang màu sắc chính trị. Thái độ của tờ báo đối với cuộc khởi nghĩa Yên Bái, với những lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính là hết sức rõ ràng. Tờ báo đã không ít lần phê phán tư tưởng Quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh, tố cáo khá mạnh mẽ những tên tham quan ô lại như Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định... Có lẽ nhờ quan điểm ít nhiều tiến bộ này mà Đông tây tuần báo nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người đọc. Số lượng phát hành tăng rất nhanh, chỉ sau vài tháng đã lên tới 5000 bản, là tờ báo bán chạy nhất Bắc Kỳ thời đó. Uy tín và tên tuổi Hoàng Tích Chu nổi như cồn. Năm 1930, ông tự ứng cử vào Viện Dân biểu và đã đắc cử với số phiếu cao nhất.
Có thể nói, Đông tây là tờ báo có lối trình bày khác lạ nhất thời bấy giờ. Báo dùng nhiều ảnh minh hoạ cho những bài quan trọng. Có những bài thời luận chỉ gói gọn trong vài trăm chữ được đặt bên cạnh những bài nhỏ hơn, khai thác mọi góc cạnh liên quan đến vấn đề chính, làm cho bạn đọc hiểu một cách khái quát nhất, đầy đủ nhất về nội dung mà mình quan tâm. Tuy nhiên, cách làm này thường chỉ được thực hiện ở những bài có ý nghĩa thời sự, chính trị lớn. Còn ở những dạng bài không đòi hỏi tính cập nhật lắm, thứ văn biền ngẫu, tầm chương trích cú vẫn phảng phất đây đó. Nói về những cách tân của mình Hoàng Tích Chu viết: “Tôi vốn bị cái bả viết văn kéo dài, hàng mười năm dòng mới hạ được cái chấm dứt câu, hàng hai ba cột báo mà vẫn trọi một ý. Phải có một lối viết khác. Cái lối viết phải làm sao cho gọn, không thừa nhiều lời. Đến khi tìm được nó rồi, tôi liền bắt đầu thực hành bằng những bài “bàn về thời sự””. Tôi định rằng, bài nào cũng vậy, chỉ được chiếm một cột là nhiều lắm”. Để tự chịu trách nhiệm với bản thân, và cũng để phân định ranh giới với người khác, dưới những bài bàn về học thuật, chữ nghĩa Hoàng Tích Chu thường ký Văn Tôi. Cái tên có vẻ cao ngạo này đã làm cho không ít người khó chịu. Nhà thơ Tản Đà đã có lần hạ bút: “Ông này gàn bướng quá, ai mà chẳng là tôi, người ta phải có tên riêng chứ” (An Nam tạp chí số 27 năm 1932).
Hoàng Tích Chu không chỉ cố gắng tinh giản câu chữ đến mức tối đa (nhiều khi mang hơi hướng của thứ văn bích chương, khẩu hiệu), mà ông còn rất hạn chế sử dụng các từ Hán - Việt. Bao giờ ông cũng đi ngày vào vấn đề, không vòng vo, giảng giải, thuyết lý dài dòng. Ông quan niệm, báo chí là phải đặt thông tin lên hàng đầu. Thông tin đó không những phải khách quan, trung thực mà còn phải mang tính thời sự nóng hổi, phải thật sự cần thiết đối với bạn đọc. Đây là những tiêu chí cơ bản để ông xây dựng những trang, mục được độc giả và đồng nghiệp đánh giá cao như Chuyện Đông tây, Chuyện đâu, Cuốn Film, Chuyện lạ đường rừng, Chuyện Hà thành, Trong tiệm hút, Bút mới... Mỗi mục chuyên về một mảng nào đó của đời sống xã hội. Đọc Đông tây, người ta có thể thấy được toàn bộ diện mạo của Hà Nội diễn ra hàng ngày với những mảng sáng tối, nhịp điệu khác nhau. Điều đáng chú ý là ở mỗi mục lại có một giọng văn khác nhau, khi thì mạnh mẽ, cứng rắn, khi lại ướt át, hài hước, dí dỏm, khiến người đọc không bị nhàm chán, đơn điệu. Dưới đây là hai đoạn văn đều do Hoàng Tích Chu chấp bút, nhưng lại mang màu sắc hết sức khác nhau:
Đoạn văn thứ nhất: Năm ngoái bão lụt. Năm nay nắng dữ: Dân Bắc kỳ đói... Công an cục là một chế độ mới, các nước Âu - Mỹ đang thực hành: Mỗi khi trong nước xảy ra một tai nạn nào thì người ta phải tìm cách giải quyết ngay - Không phải giải quyết vấn đề thuộc về cá nhân, mà là thuộc về xã hội.
Theo chế độ ấy thì miếng cơm, manh áo mặc chỉ là lối cứu giúp tạm thời. Ngày nay, phải tìm ra nguyên nhân những cuộc tai nạn mà phải nghĩ lấy cách phòng trị để khỏi có ngày tai nạn ấy lại xảy ra. Trước hết chính phủ lập ra một ban khuyến nông khuyên bảo nông dân ta bỏ bớt cái lối làm ruộng cũ để theo các phương pháp khoa học cho có thể sinh sản được nhiều thóc, gạo, hoa màu... Chính phủ lại nên lập ra một “Phòng Mễ cục” để mua trữ thóc gạo phòng năm đói kém bán lại cho dân, để giữ những con người trục lợi không thể tự ý tăng cao giá được” - Bài Cái lối phát chẩn không phải là phương pháp hay - Đông tây số 1 ngày 7.5.1930.
Đoạn văn thứ hai: “Như gần đây một nhà y sĩ nước Anh vừa thở ra câu chuyện thật làm tổn danh dự của loài người. Y sĩ nói: “Trừ 45 lít nước ra, thân thể anh với tôi là nhờ nhiều chất hợp lại mà thành nên. Những chất ấy ta ví có đến hỏi mua ở các cửa hàng, thì chỉ tốn độ năm đồng bạc chẵn”
... Người tình đang vuốt ve, thướt tha, nũng nịu, nhưng trước mắt tôi: Cô đồ ơi! Cô chỉ đáng năm đồng thôi. ... Rồi tôi trông ai, thế cả. Giàu hay nghèo, sang hay hèn, văn sĩ hay thợ cày, nàng tiên hay con cú, đã là loài người đều chỉ chừng năm đồng thôi”. Bài Chỉ năm đồng thôi - Đông tây số 140 - 16.1.1932.
Với vài ví dụ trên, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy, dù viết với giọng điệu nào, Hoàng Tích Chu cũng thể hiện rất rõ ràng cái tâm của nhà cầm bút: Tất cả đều vì nhân tình thế thái. Dù câu chữ khô lạnh hay châm biếm, thiết tha, các bài viết của Hoàng Tích Chu đều là sự thể hiện thái độ của ông trước thời cuộc. Thái độ đó bao giờ cũng trước sau như một, không chịu khuất luỵ trước bất kỳ thế lực nào.
Trước khi Hoàng Tích Chu về nước làm báo, tính chuyên nghiệp hoá chưa biểu hiện rõ nét trong đội ngũ ký giả Việt Nam. Phần lớn họ là công chức nhà nước, là nhà khoa học, nhà chính trị, thậm chí là những tư bản thành đạt hay các chàng trai con nhà giàu thích lấy le với thiên hạ, là những người vô công rỗi nghề, là những người “chẳng biết làm gì khác ngoài nghề cầm bút” - Lời Vũ Bằng. Mẹ Vũ Bằng đã có lần mắng con: “ở đời có nghề gì xấu nhất, tồi bại nhất, bất nhân bạc ác nhất thì nhất định đó là nghề báo. Còn bố Tam Lang Vũ Đình Chí thì than thở: “Báo với bổ gì, báo hại, báo cô cha mẹ, rồi ra vô nghề nghiệp, bố mẹ già thì chết, cũng đến liếm lá đầu chợ, dở ông dở thằng...” Có vài nhà văn đã mô tả: đa phần nhà báo Việt Nam thời đó đều quần chùng áo dài, một bước ra đường là lên xe tay, vẻ mặt lúc nào cũng đăm chiêu tư lự như đang lao tâm khổ tứ tìm phương cách cứu giúp nhân quần. Ông nào ông nấy nghiện oặt xà lai, nói phét thành thần, chỉ giỏi vay chứ không giỏi trả, văn mình là thiên hương, văn người là xú uế... Gọi là ký giả, chứ năm thì mười hoạ họ mới đến toà soạn, mà cũng chỉ để mượn trước ít tiền nhuận bút để ném vào các tiệm hút, nhà săm. Có nhà nghiên cứu đã chua chát nhận xét: Nhiều tác phẩm văn chương có giá trị trước năm 1945 ở nước ta được ra đời từ khói thuốc phiện và giải rút của các cô đầu. Viết như vậy là quá đáng, nhưng không phải là không có lý. Khi Hoàng Tích Chu về làm cho Hà thành ngọ báo và sau này là Đông tây, nhiều nhà báo trẻ đã không chỉ học theo cách viết mà còn đua đòi theo lối sống buông thả hưởng lạc, hơi một tí là thách đấu súng kiểu phương Tây của ông. Tuy nhiên, việc bắt chước Hoàng Tích Chu sắm mô tô, dùng máy chữ, điện thoại, ra đường là mặc đồ Tây, cổ lúc nào cũng lủng lẳng chiếc máy ảnh chính là sự khởi đầu cho lớp ký giả mới, năng động hơn, chuyên nghiệp hơn. Khi tổ chức tờ Đông tây, Hoàng Tích Chu rất chú ý đến việc mở rộng đội ngũ thông tín viên tại các địa phương lớn trong cả nước. ở một số tin bài trên báo Đông tây còn ghi rõ: “Nguồn tin do phóng viên của Đông tây tại nước ngoài chuyển về”. Có thể nói đây là cách làm rất hiện đại mà nhiều tờ báo hiện nay chưa làm được. Đối với Hoàng Tích Chu, nghề báo như một cái nghiệp. Nó không chỉ nuôi sống người ta, mà còn như sợi dây vô hình trói chặt những ai trót si mê bước chân vào đó. Có lần, ông vừa cay đắng vừa tự hào tổng kết: “Cầm bút mà giàu là hạng cực láu hay là cực ngu. Ngu hay làm liều, chỉ sống ở thần may. Láu thường quấy bậy, chỉ quẩn trong cặn bã... Chúng tôi khi ra cầm bút, dường như đã tuyên thệ trước công chúng: không được manh tâm khoét! Phải hy sinh cho lẽ phải!... Nay đã bước vào vòng rồi thì chớ có hòng lại bước chân ra. Tôi đây lắm lúc muốn quẳng xa cán bút mà không sao được. Nó là nhựa đấy”- Bài Cô Nhật biết điều - số 21 ngày 15.7.1930. Sự thẳng thắn có pha chút cao ngạo thường làm mất lòng đồng nghiệp, nhất là những người ít có chí tiến thủ, nghèo nàn tư duy sáng tạo. Nhiều kẻ ghen ăn tức ở đã cấu kết với nhau “đánh hội đồng” tờ Đông tây. Có người còn ngấm ngầm vận động nhà cầm quyền đóng cửa tờ báo. Dư luận ầm ỹ đến mức Hoàng Tích Chu đã có lần phải thốt lên: “Số người, họ chẳng ghét được tôi vì tuổi còn trẻ, vì học chửa thông, vì cán viết thường quấy rối phường mặt nạ, vì lối văn thường đi ngược nước chảy xuôi, bởi họ không ghét được tôi vì mọi lẽ ấy thì họ tìm cách gây ra được lắm mối ngờ để làm trắc trở ít nhiều trí khôn xét đoán của các ngài kiến thức.
... Tinh thần độc lập và dư luận độc lập đó là con đường tôi noi theo từ trước mà tôi còn đi mãi trên con đường ấy.
Cái thân bia đá than ôi! Có ngại gì một mũi tên tre” - Bài Một dịp tốt cho tôi phá được cái mối ngờ - Đông tây số 16 ngày 31.1.1930.
Sự kiên trì đeo đuổi mục đích của Hoàng Tích Chu đã được đền đáp. Nhiều người, kể cả những người đã từng phê phán lối văn Hoàng Tích, đã chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp cách viết của ông. Tiêu biểu trong số này là các nhà văn, nhà báo trẻ như Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Tế Xuyên...
Ông Vũ Ngọc Phan, người nổi tiếng cẩn thận trong việc sử dụng câu chữ đã có lần phê bình việc bỏ hết các từ nối (thì mà và là) của Hoàng Tích Chu là cực đoan. Nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng kể từ khi đọc văn Hoàng Tích Chu, ông tự nhủ mình không nên viết dài dòng quá, nên đi ngay vào vấn đề. ảnh hưởng này không chỉ diễn ra đối với văn phong từng cá nhân, mà đôi khi còn biểu hiện ở từng phần hoặc cả tờ báo nào đó. Sau Đông tây tuần báo, mục Cuốn Film được rất nhiều tờ báo sử dụng với nội dung và chức năng tương tự. Sức sống của mục này kéo dài tới trước giải phóng 1975 trong báo chí Sài Gòn. Tờ Nông Công Thương báo vào thời đó được coi như bản sao về mọi mặt của tờ Đông tây. Có người đã nghi ngờ Hoàng Tích Chu đứng sau chỉ đạo tờ báo này, đến nỗi ông phải viết bài thanh minh: “Vốc hạt giống ném tung ra trước gió, phụ bạc thay! Cái nghề cầm bút chỉ sẵn công gieo” - Bài Chết nỗi tôi có công gì - Số 38 ngày 1.1.1930
Không chỉ canh tân lối viết, lối trình bày, Hoàng Tích Chu còn có tham vọng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt làng báo Việt Nam, từ đạo đức, nhân cách nghề nghiệp, kỹ năng tác nghiệp, đến đấu tranh đòi quyền tự do báo chí, đòi quyền bình đẳng cho nữ ký giả. Đã không ít lần, ông viết bài phê phán những kẻ cơ hội, những kẻ lắm tiền nhiều của núp bóng báo chí để trục lợi, làm hoen ố diện mạo văn nhân, ký giả chân chính: “Cậu vô nghệ mà muốn chưng cho đẹp mặt: Tôi làm báo.
Cậu mới nứt mắt, học được đôi ba tiếng nhà nghề: Tôi là con tin bà chúa báo.
Cậu ngồi ăn không thỉnh thoảng gửi vài dòng tin vặt: Tôi làm phóng sự.
... Cũng in sách, cũng xin ra báo, cũng khệnh khạng lên cái bộ văn nhân, non toẹt, nách cắp mấy pho sách dày, tay mang cái cặp da lớn. Lên bộ kính trắng nữa, càng nhã lắm.
Trong săm, dưới xóm, trước mặt chị em các cậu “làm báo” nói tiếng oang oang! “Thằng nọ, thằng kia”. Để ta cho một cột! Phải đả cho nó thành tàn. Cái khẩu khí nhà làm báo có thế không? Không. Thế nhưng lắm người mắc bợm! Đáng thương!” - Bài Nay nhắc lại điều luật ấy - Đông tây ngày 6.4.1932.
Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu nước ta cho rằng, những cải cách của Hoàng Tích Chu mới chỉ diễn ra trên phương diện hình thức, còn nội dung không thấy có sự biến chuyển nào. Nhận định như vậy là chưa hoàn toàn chính xác. Như ai nấy đều biết, vào những năm 1929 - 1932 báo chí vô sản vừa mới khai sinh đã bị đàn áp dữ dội, buộc phải rút vào bí mật. Báo chí cách mạng nói chung cũng chịu tình cảnh như vậy. Những tờ báo tiến bộ có xu hướng yêu nước được nhà cầm quyền thực dân cấp phép trước đây giờ không dám bầy tỏ thái độ chống đối chính sách cai trị của người Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Mọi nỗi bất bình của người dân đối với tầng lớp thống trị chỉ được đề cập trên mặt báo ở mức độ phê phán nhỏ lẻ, có giới hạn. Để được yên thân, các báo tránh công kích bọn tham quan ô lại, bọn công chức cả Tây lẫn ta tai to mặt lớn, hầu hết tập trung khai thác những thói hư tật xấu trong nhân dân, những tiêu cực xã hội mới nảy sinh như các vụ kỳ án, tự tử vì tình, buôn gian bán lận, cờ bạc trộm cắp... Đông tây tuần báo cũng nằm trong bối cảnh chung đó. Tuy nhiên, nếu khảo sát toàn bộ báo Đông tây thời kỳ này ta sẽ phát hiện thấy có một số bài đi chệch khỏi nội dung thông thường. Chẳng hạn loạt bài phê phán thuyết Quân chủ lập hiến đăng rải rác từ 1930 -1932. Trong đó có một số bài của Hoàng Tích Chu. Ông viết, việc xin lập đảng Lập Hiến của Phạm Quỳnh là không hợp thời. Nó như món hàng xa xỉ chỉ có ở những nước độc lập, có quyền tự do dân chủ. Hoàng Tích Chu đã gián tiếp cho mọi người thấy, Việt Nam dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp chỉ là một xứ thuộc địa, người dân chỉ có một quyền duy nhất, đó là quyền được làm nô lệ. Đọc Đông tây thời kỳ này, người ta không phát hiện thấy bài nào đả động đến thuyết Trực trị (đối lập với Quân chủ Lập Hiến, yêu cầu người Pháp cai trị trọn vẹn, toàn diện toàn bộ Việt Nam). Rõ ràng là Hoàng Tích Chu ít nhiều ủng hộ quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh, dù ông không nói ra. Đối với vụ bạo động Yên Bái (1930) cũng vậy. Không ngày nào Đông tây không có bài bàn về vụ việc này. Nếu như các báo khác khai thác những chuyện thuộc hàng thâm cung bí sử của Việt Nam Quốc dân Đảng, bới móc những chuyện giật gân xoay quanh các lãnh tụ Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học, Ký Con thì ở báo Đông tây chỉ thuần tuý thông tin vụ việc, không bày tỏ thẳng thái độ. Nhưng khi cô Bắc, người yêu, người đồng chí của Nguyễn Thái Học tự vẫn sau khi 13 lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng phải lên đoạn đầu dài, thì Đông tây cho đăng một loạt bài bày tỏ sự thương xót, thông cảm với người phụ nữ anh hùng này. Qua đây báo đã đề cao truyền thống đấu tranh bất khuất của người phụ nữ Việt Nam...
Qua những nét khái lược trên chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định vai trò canh tân báo chí cũng như ngôn ngữ văn học của Hoàng Tích Chu. Để đánh giá một cách đầy đủ đóng góp của ông, chúng ta xin mượn lời của một số học giả, nhà nghiên cứu lý luận đã được sống trong môi trường báo chí cùng thời với Hoàng Tích Chu: “Cái cảm tình của quốc dân đối với ông Chu tưởng cũng là một sự thưởng công xứng đáng cho ông đã ra tờ Đông tây để gây nên một sự cải cách lớn trong làng báo Bắc Kỳ...” - Phiếu Sơn - phê bình và cảo luận. Còn ông Phan Khôi, vào năm 1931 đã viết trên báo Trung lập bài Văn nghị luận phải viết như thế nào? trong đó có đoạn “Trong văn quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là: “lối văn Hoàng Tích Chu”, sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi. Chẳng luận lối văn ấy ông Chu sáng tạo ra hay bắt chước của ai, nội một cái biệt lập ra một nhà được như thế cũng khá gọi là tay hào kiệt trong làng văn vậy.”
Cuối năm 1932, vì bài thơ Cái Chày ám chỉ Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định dùng chày đánh vào đầu gối phạm nhân mà Đông tây bị thu hồi giấy phép với tội danh vu khống người nhà nước. Buồn vì đứa con tinh thần rứt ruột đẻ ra đang chập chững tập đi thì đã chết, Hoàng Tích Chu lâm bệnh và chết vào đúng ngày cuối cùng của năm Quý Dậu (1932). Ông ra đi, lặng lẽ, âm thầm, trong khi mọi người xung quanh đang hân hoan chuẩn bị đón chào năm mới. Cái chết của ông chính là sự kết thúc cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ, là sự khởi đầu của cái mới, cái tiến bộ, văn minh của làng báo Việt Nam.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Dù không còn được học thầy trên lớp nữa nhưng vào blog của thầy em tìm thấy rất nhiều điều bổ ích.
Trả lờiXóa