Thứ Năm, 12 tháng 2, 2009

Trần Cư: Tóc trắng chưa thôi trả nợ đời


Mặc dù đã gần chục năm trôi qua, nhưng các thủ thư của Thư viện Quân đội Trung ương nằm trên đường Lý Nam Đế vẫn còn nhớ hình ảnh một ông lão có mớ tóc dài, bạc trắng, ăn mặc giản dị, ngồi lặng lẽ ở một góc khiêm tốn trong phòng đọc báo, ngón tay dài, gầy guộc, run rẩy lần giở từng trang tờ Quân đội nhân dân, mắt không bỏ sót một chữ. Thỉnh thoảng ông mới ngẩng đầu lên, mắt dõi xa xăm, vô định, như đang hồi tưởng về một quá khứ hào hùng lắm, đẹp đẽ lắm. Ai đi qua chỗ ông ngồi cũng cố gắng nhẹ bước chân. Họ không muốn làm kinh động đến người lính già, một nhà báo - chiến sỹ mà tên tuổi đã được bao thế hệ ngưỡng mộ. Đó là Trần Cư, người đã cùng với ngòi bút của mình đi suốt dọc hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Bâng khuâng nên nỗi hồn lưu lạc
Trần Cư tên thật là Trần Ngọc Cư sinh ngày 3.4.1918 tại Huê Lăng-Thuỷ Nguyên-Hải Phòng, nhưng quê gốc lại là làng Bát Tràng (Gia Lâm-Hà Nội). Ông có cả thảy 7 anh chị em nhưng 3 người trong số đó mất sớm. Trần Cư là anh cả, và cũng là người được ăn học đến nơi đến chốn nhất.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học CEPFI, Trần Cư thi đậu bằng Thành chung. Trải qua 4 năm ăn học vất vả, Trần Cư tốt nghiệp cao đẳng tiểu học và thi trúng tuyển vào trường bảo hộ học bậc tú tài trường Bưởi. Để có tiền cho con ăn học, bố ông đã phải ra Cái Lân-Hòn Gai làm thuê. Căn nhà mặt phố Cầu Đất-Hải Phòng đem cho thuê, mẹ và các em ông phải đi ở nhờ nhà họ hàng. Với bao nỗ lực của bản thân và gia đình, Trần Cư lấy được tấm bằng tú tài triết học phần một (năm 1938). Không muốn là gánh nặng thêm cho người thân, ông quyết định thi vào ngành bưu điện Đông Dương, đi làm lấy tiền phụ giúp gia đình, đồng thời học nốt phần hai. Năm 1941, Trần Cư mới hoàn thành chương trình tú tài toàn phần tại Phnom-pênh. Sống xa gia đình, bạn bè, cuộc đời của viên thư kí bưu điện ở Kom-phom-chan (Cam-pu-chia) thật tẻ nhạt. Ông quyết định xin thôi việc trở về nước, xin dạy môn văn cho trường tư thục Lê Lợi (Hải Phòng).
Công việc của một anh giáo cũng chẳng vui vẻ gì. Vật chất có thể đủ đầy hơn, nhưng đời sống tinh thần cứ ngày một teo tóp đi. Bao khát vọng của tuổi đôi mươi giờ bị chôn chặt trong bốn bức tường. Chỉ có tiếng ê a của lũ trẻ mới cho Trần Cư cảm giác mình đang tồn tại. Làm gì để thoát khỏi cái thế giới ngục tù này? Câu hỏi khó có lời giải đó cứ dai dẳng, đeo đẳng từng bước ông đi, theo ông vào những giấc ngủ đầy mộng mị. Cứ vào dịp cuối tuần, Trần Cư lại đạp xe ra ngoại ô, ở đó có bờ đê, có cánh đồng trải dài tới tận chân trời, có dòng sông cuộn chảy để ông thả hồn vào những suy tư. Biết làm gì bây giờ khi mà cả thế giới đang hỗn loạn vì chiến tranh. Máu của đồng loại từng ngày, từng giờ vẫn đổ chỉ vì sự điên loạn của mấy kẻ thèm khát máu người. Những nhà cách mạng đang ngày đêm hi sinh xương máu vì độc lập tự do của dân tộc, ông cũng có nghe đến, nhưng giờ biết tìm họ ở đâu. Khi chiến tranh vừa nổ ra, hàng trăm, hàng nghìn người đã bị bắt. Ai may mắn thoát được thì cũng bặt vô âm tín. Để giải toả nỗi lòng, ông viết nhật kí, một hình thức được những người ưa sống nội tâm trải lòng mình, được thoải mái nói lên khát vọng riêng tư. Nhưng hình thức ghi chép này cũng không duy trì được lâu. Nó như món ăn tinh thần uỷ mị, dường như chỉ phù hợp với tầng lớp tiểu tư sản thành thị. Nó không phải là nơi để những trái tim hừng hực khát vọng như ông gửi gắm.
Được bạn bè mách bảo, Trần Cư tìm đến với báo chí. Vào năm 1941 lần đầu tiên trong đời ông có bài đăng trên tờ Tin mới văn chương (do ông Nguyễn Văn Luyện làm giám đốc, Nguyễn Tấn Gi Trọng làm chủ nhiệm, số 1 ra ngày 29.6.1940, số cuối là số 64 tháng 12.1941, toà soạn đặt tại số 5-7 phố Giuyliêng Blăng HN). Những bài viết của ông lúc này chủ yếu mang màu sắc văn chương, đôi khi, chúng có những nét nhang nhác của Tự lực văn đoàn. Tuy chúng đã giảm bớt sự ướt át, nhưng vẫn đơn giản, nhiều khi còn bộc lộ những non nớt vốn có của một cây bút mới vào nghề. Rồi tình trạng này cũng qua mau. Bạn đọc bắt đầu thích những tác phẩm chứa đầy cảm xúc với tất cả những nét góc cạnh, gồ ghề từa tựa cuộc sống của Trần Cư. Chúng như con người thực của ông vậy, không chau chuốt, tròn trịa đến mức giả tạo, nhưng cũng không quá ngây ngô, nhẹ dạ, cả tin. Đây là sự “tỉnh táo” của một chàng trai lần đầu biết yêu. Ngây thơ lắm, đáng yêu lắm, và cũng rất dễ bị hút xuống vực sâu thăm thẳm của những cám dỗ, hoan lạc. Và rồi, những tác phẩm mang đầy phong vị Trần Cư đã thu hút tâm trí người đứng đầu tờ báo nổi tiếng thời bấy giờ, Tiểu thuyết thứ bảy (Số 1 ngày 2.6.1934, số cuối tháng 8.1945, chủ nhiệm là Nguyễn Thị Hợi, sau là Vũ Đình Long, toà soạn 93 phố Hàng Bông- HN). Nhận được giấy mời của chủ báo, Trần Cư không tin vào mắt mình. Suốt đêm đó ông không ngủ được. Giờ thì ông có thể vung bút, vẩy mực, như bao nhà văn nổi tiếng đương thời. Trần Cư vui nhưng không mừng. Vui vì bao công sức, mồ hôi mình đổ ra giờ đã được người đời biết đến. Nhưng ông như chợt thấy trong lòng trống rỗng, bởi chẳng lẽ đời người chỉ gói gọn ở cái thú văn chương phù phiếm thôi sao. Những thứ này có kéo ông và đồng bào của ông ra khỏi vũng bùn nô lệ đâu.
Có thể nói, trước Cách mạng tháng 8.1945, Tiểu thuyết thứ bảy là tờ báo Trần Cư cộng tác lâu dài nhất. Trên tờ báo này, ông chủ yếu đăng các tác phẩm văn học như truyện ngắn, kí, tuỳ bút. Nhiều người cùng thời giờ vẫn còn nhớ những tác phẩm khá chắc tay của ông như Trưa tha hương (17.7.1943), Trên lái thần (12.1944)… Nói chung, âm hưởng sáng tác của Trần Cư thời kì này có nhiều nét buồn, như tâm trạng chung của cả thế hệ nhà văn mất nước khi đó. Cũng may, quãng thời gian u ám này không kéo dài lâu. Mặt trời cách mạng đã mọc, quét sạch mọi lầm than, khổ đau, đưa Trần Cư và những người như ông đến với cuộc sống mới, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng thực sự có ý nghĩa đối với những ai muốn làm người.

áo lính phơi sương mướt dặm dài
Hoà chung niềm vui với cả dân tộc, Trần Cư hăm hở đi theo cách mạng. Những khái niệm Việt Minh, Khai hội, Đồng chí, Chiến khu, Thoát li đối với ông sao mà lạ lẫm, sao mà thân quen. Chúng có thể gây choáng ngợp, sợ hãi nhưng lại có sức cuốn hút, hấp dẫn kì lạ. Với cây bút xưa, giờ Trần Cư tích cực viết báo cách mạng. Không chỉ sáng tác văn chương, trong năm đầu độc lập (1945-1946) Trần Cư còn viết phóng sự, xã luận, ghi chép, đưa tin về nhiều mảng của đời sống xã hội, từ phong trào diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, đến việc phản ánh không khí cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Ông thường xuyên có bài trên báo Dân chủ (Việt Minh duyên hải Hải Phòng), tạp chí Tiền phong (Hội văn hoá cứu quốc)… Nhưng rồi, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, người Pháp lăm le quay lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, Trần Cư tham gia công tác tổ chức cho hàng nghìn gia đình từ Hải Phòng vượt đường số 5 sang Bắc Ninh. Khi chiến sự diễn ra ác liệt, ông lại cùng họ chạy sang Thái Nguyên. Đây cũng là lúc ông trở thành phóng viên báo ánh Sáng (cơ quan ngôn luận của Khu bộ Việt Minh khu 1 Việt Bắc). Tờ báo này có lối viết giống tờ Việt Nam độc lập (do Bác Hồ sáng lập năm 1941, cơ quan của tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng, số 1 ngày 1.8.1941, số cuối ngày 24.1.1955). Rất nhiều bài báo được thể hiện theo hình thức văn vần, một số bài đạt đến trình độ nghệ thuật khá cao. Có thể nói, đây chính là lối viết sở trường của Trần Cư. Có những bài viết trên báo ánh Sáng của ông bộc lộ rất rõ chất thơ, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Chẳng hạn trong sổ tay của nhiều người lính đã ghi lại những câu, những đoạn như:
Nhà ta ngựa địch ở
Vườn ta địch trồng rau
Con ta chết gục bên cầu
Vợ ta lưu lạc biết đâu phương nào
Tản cư về làng cũ
áo mỏng buốt vai gầy
Ngô khoai ngày một bữa
Chao ôi vất lắm thay.
Dù viết dưới hình thức nào, các bài báo của Trần Cư bao giờ cũng nhằm tố cáo tội ác của kẻ thù xâm lược, khơi gợi, động viên tinh thần yêu nước, căm thù giặc trong nhân dân. Cũng trên báo ánh Sáng, Trần Cư viết rất nhiều bài báo bằng hình thức vè, thơ lục bát quen thuộc trong dân gian, nhằm phổ cập những kinh nghiệm đấu tranh, cách thức sử dụng súng cướp được của địch, phương pháp giữ bí mật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cách viết này có thể không nói được hết những điều tác giả muốn truyền đạt, nhưng lại có ưu điểm dễ nhớ, dễ lưu truyền. Bài văn vần dạy cách bắn súng của ông in trên tờ ánh Sáng được nhiều bà mẹ trẻ thuộc và trở thành câu ru con trong những đêm hè quạnh quẽ, nhớ chồng đang chiến đấu nơi xa. Tuy nhiên, trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến, một số bài viét của Trần Cư vẫn chưa thoát khỏi lối viết phương Tây đầy chất lãng mạn rất thịnh hành tại các đô thị Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Việc lí tưởng hoá tình yêu, đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân, vẫn còn rơi rớt đây đó. Đôi khi trong sáng tác của ông còn ồn ào, cường điệu:
Thi nhân ơi! thét cao lời chiến thắng
Nhạc sĩ ơi! đàn nắn khúc quân hành
Hoạ sĩ ơi! máu giặc vẽ lên tranh
Văn nhân ơi! đẽo xương thù làm bút
Bao nhiêu hận
Bao nhiêu thù
Bao căm hờn
Hãy trút cả vào thơ, vào nhạc cả vào tranh
Chống xâm lăng, bút mực quyết xây thành
Loại thơ có tính cổ động này khá phổ biến ở những cây viết trẻ lần đầu đối diện với cái sống, cái chết. Nó thật trong sáng, trượng nghĩa, đầy cảm xúc, nhưng cũng rất dễ bị tổn thương. Những “yếu điểm” này nhanh chóng được gột bỏ khi Trần Cư tham gia làm cho một số tờ báo của quân đội, một môi trường thích hợp để những người như ông rèn luyện cả về nhân cách lẫn tư tưởng chính trị.
Bước sang năm 1948, lực lượng kháng chiến bắt đầu lấy lại được thế chủ động trên chiến trường. Cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện với chiến lược phát triển chiến tranh du kích được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Để việc thông tin được nhanh nhạy, kịp thời, đồng thời phổ biến được sâu rộng kinh nghiệm tác chiến trong dân quân và bộ đội địa phương, Bộ tổng chỉ huy quyết định xuất bản báo Quân du kích. Số đầu tiên của báo ra ngày 1.4.1948, toà soạn đặt tại xóm Dịn, xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Chủ nhiệm báo là Đào Phan (Đào Duy Dếnh), Trần Cư phụ trách nội dung với vai trò Chủ bút kiêm Thư kí toà soạn. Ngoài 2 người trên, Ban biên tập còn có Ngô Linh Ngọc, Hà Xuân Lợi, Hoàng Văn, Hoài Tín, Ngọc Bằng, Ngô Hoài, Lê Bách, Hoàng Phương, Bội Hoàn. Trình bày báo có Mai Sơn, Nguyễn Bích, Vũ Lai… Ngay từ đầu, Trần Cư và các đồng chí của mình xác định rõ tôn chỉ, mục đích cho báo: “Nêu cao thành tích về mọi ngành, phổ biến kinh nghiệm về mọi mặt, vạch rõ chủ trương và công tác thống nhất, đảm bảo sự thực hiện chiến thuật du kích”. Báo thường ra mỗi tháng một kì, nhưng cũng có khi, tuỳ theo tình hình chiến sự báo ra 2 tháng một kì. Số lượng phát hành trên dưới 1 vạn bản, in 12 trang, khổ 26x32 cm.
Quân du kích rất được Bác Hồ quan tâm, chăm sóc. Tháng 7.1949, Bác đã gửi thư động viên, khích lệ đội ngũ biên tập viên, phóng viên và giao nhiệm vụ cụ thể cho báo:
“Làm cho: Mỗi quốc dân là một chiến sỹ. Mỗi làng xóm là một pháo đài.
Làm cho: Quân đội giặc đi đến đâu cũng bị khuấy, bị phá, bị diệt. Bộ đội ta đi đến đâu cũng được giúp đỡ đầy đủ về vật chất và tinh thần”
Với vai trò Chủ bút kiêm Thư kí toà soạn, Trần Cư luôn bận rộn như người nuôi con mọn. Ông phải làm đủ mọi việc từ đặt bài, biên tập, viết thư trả lời bạn đọc đến trình bày, đặt tít, viết bài lấp chỗ trống, thậm chí nhiều khi phải trực tiếp đọc mo-rát. Nhà in đặt cách toà soạn hàng chục cây số, công việc buộc ông phải đi đi về về như con thoi. Các trang, mục chính của báo như xã luận, bình luận, tổng kết chỉ đạo nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm chiến đấu, tin tức hoạt động của quân du kích khắp nơi, gương chiến đấu giỏi, trang văn nghệ… đều mang dấu ấn của Trần Cư. Chúng được bạn đọc là các chiến sỹ hết sức yêu thích. Để tạo sức sống động cho báo, Trần Cư luôn chủ động xây dựng kế hoạch cho từng số. Ông không bao giờ thụ động chờ tin tức từ các nơi gửi về, mà thường xuyên cử phóng viên đi cơ sở, tới những vùng đang xảy ra chiến sự ác liệt để đưa tin, viết bài. Vốn là người luôn sống gương mẫu, Trần Cư nhiều lần trực tiếp ra mặt trận và đã kịp thời viết những phóng sự chiến trường nổi tiếng, được người đọc đánh giá cao. Để có được thiên phóng sự Bắc Ninh chống càn quét, đăng liên tiếp 3 kì (số 16,17,18) trên báo Quân du kích, trong nhiều ngày liền, Trần Cư cũng phải xoay trần ra cùng anh em du kích, cùng người dân nơi đây đào hào, đắp luỹ, đưa người già, trẻ em đi sơ tán, có khi trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. Nhờ đó mà phóng sự dài kì Bắc Ninh chống càn quét được thể hiện hết sức sống động, đến nay vẫn còn được nhiều bạn đọc nhắc đến.
Phụ trách phần nội dung của báo Quân du kích, Trần Cư luôn chú ý đến việc cải tiến tờ báo sao cho phục vụ được nhiều loại đối tượng. Ông rất chịu khó đi về các đơn vị, xuống các bản làng để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bạn đọc. Từ thực tế chiến tranh và nhu cầu của họ, ông về bàn với anh em tổ chức xây dựng các mục có sức sống mạnh mẽ như Gương chiến đấu giỏi, Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, tiền thân của các mục chuyên viết về gương người tốt việc tốt sau này. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để Trần Cư cùng các phóng viên, cộng tác viên canh tác, thường xuyên có bài phản ánh những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, lao động sản xuất, góp phần tạo nên phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn quân, toàn dân, phát huy những sáng kiến hay, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Một trong những mục luôn thu hút mối bận tâm của Trần Cư là Kinh nghiệm chiến tranh du kích các nước. Các bài đăng trên mục này chủ yếu được dành cho các cấp chỉ huy nên văn phong thường có tính lí luận cao. Chúng là những bài có ý nghĩa tổng kết của các cấp lãnh đạo lực lượng vũ trang, hoặc được dịch từ các sách, tạp chí khoa học quân sự nước ngoài. Tuy là những bài học quan trọng giúp các cấp chỉ huy rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra những sách lược đấu tranh hợp lí, nhưng bản thân những bài viết lại được thể hiện bởi văn phong khô khan, cứng nhắc, nặng nề. Để hạn chế nhược điểm này, một mặt Trần Cư chỉ đạo anh em phóng viên “Bình dân hoá” ngôn ngữ, chỉ phỏng dịch, lược dịch, rút ngắn đến mức thấp nhất dung lượng bài báo, mặt khác, ông rất chú trọng đầu tư công sức cho trang Văn nghệ, nhằm lấy lại cân bằng tâm lí cho bạn đọc. Để tạo sức hút cho trang văn nghệ, Trần Cư cất công đặt bài cho các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyên Hồng, Nam Cao… Các mảng thơ, nhạc, hoạ thường xuyên xuất hiện trên trang này, tạo được dấu ấn và sự thiện cảm của bạn đọc. Trong suốt cuộc đời làm báo của mình, có lẽ không có tờ báo nào chiếm nhiều công sức của Trần Cư như tờ Quân du kích. Không chỉ luôn tìm tòi cải tiến nội dung, ông còn rất chăm chút đến hình thức tờ báo. Biểu trưng (logo) nổi tiếng của báo chính là ý tưởng của Trần Cư, do hoạ sĩ Mai Sơn thực hiện. Hình ảnh anh du kích quấn khăn đầu rìu, mặt vuông cương nghị, cởi trần, ngực nở, bắp tay cuồn cuộn, cầm ngang một thanh mã tấu hiên ngang, quần xắn qua gối, chân đất, sau lưng là ngọn lửa lớn đang bùng cháy đã để lại ấn tượng không bao giờ quên trong lòng bạn đọc.
Quân du kích ra được 28 số thì ngừng để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Trên tờ báo này, Trần Cư đã viết hơn 30 bài thuộc nhiều thể loại. Những lĩnh vực mà ông đề cập tới cũng khá phong phú, nhưng nổi bật nhất vẫn là những bài viết về người tốt việc tốt, tố cáo tội ác của kẻ thù, kinh nghiệm đấu tranh vũ trang của dân quân, du kích… Nhiều bài viết sau này đã được nhà xuất bản Quân du kích tuyển chọn in trong cuốn Sức mạnh dân quân. Có bài phóng sự của ông trở thành mẫu mực về tính chân thực, về khả năng lựa chọn chi tiết, khai thác con số điển hình cũng như thể hiện cái tôi nhân văn luôn chan chứa của tác giả. Có thể lấy bài Bình Trị Thiên đẫm máu (số 6 ngày 15.8.1948) như một ví dụ điển hình. Mở đầu bài báo là một câu hỏi đầy day dứt: “Trong toàn quốc nơi nào có những cuộc tàn sát khổng lồ hơn ở đây?”. Ngay sau đó là những con số tuôn ra ào ạt, khiến những con người lương thiện phải kinh hoàng: “Lùa người lên cầu rồi xả liên thanh, nhốt người vào nhà rồi ném lựu đạn, tiêu diệt từng nhà, từng xóm, từng làng, 400 người chết ở Quảng Trị, 600 người ở chợ Cạn, 900 người phần đông là đàn bà và trẻ con ở Hải Lăng (Quảng Trị). Luôn trong 3 ngày 17,18,19 tháng ba năm 1948, chúng đã giết 1.333 đồng bào vô tội; bắt 700 con trâu, đốt 2.000 nóc nhà và hiếp chết 218 phụ nữ. Một huyện ở phía Nam Thừa Thiên trong 2 ngày bị hiếp 500 người, có những làng ở Quảng Trị bị hiếp 150 phần trăm, và có người bị giặc hiếp đi hiếp lại 3,4 trận. Tên lính ta bắt được ở Cầu Nhi đã khai mình hắn hiếp 120 phụ nữ. Nào đã hết ê chề, chúng còn đổ bệnh cho dân: Bệnh hoa liễu là một mối kinh khủng trên mảnh đất yêu thương này”. Không chỉ viết về chiến công của lực lượng dân quân du kích, Trần Cư còn biết thắp lên ngọn lửa căm thù giặc trong các loài vật với hàng loạt bài như; Lợn gà tránh giặc, Trâu cướp súng, Voi nguỵ trang, Thuỷ tổ loài người (Khỉ) kháng chiến, Chuột đốt trại, Ong truy kích… Loại bài mang màu sắc hư hư thực thực này lại có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước rất lớn trong quần chúng nhân dân. Những câu chuyện này được Trần Cư đăng trên mục Vô lí mà có thật.
Nợ đời khó trả lắm ai ơi
Từ cuối năm 1950, tình hình chiến tranh có nhiều thay đổi có lợi cho ta. Để phục vụ cho việc xây dựng lực lượng vũ trang, hai tờ báo Vệ quốc quân (cơ quan ngôn luận của bộ đội chính qui) sáp nhập với Quân du kích thành tờ Quân đội nhân dân. Nhà in của hai tờ báo trên cũng hợp nhất thành Nhà in Quân đội. Thời gian đầu, cơ quan báo được đặt tại bản Quặng xã Định Biên huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên. Số đầu tiên của Quân đội nhân dân ra ngày 20.10.1950, do đồng chí Lê Liêm làm chủ nhiệm, Lưu Văn Lợi làm thư kí toà soạn. Tuỳ theo tình hình chiến trường mà báo ra thưa hoặc mau kì. Mỗi khi chiến sự diễn ra ác liệt báo phát hành dồn dập, có khi ra hằng ngày. Báo Quân đội nhân dân chia làm hai bộ phận: báo ở hậu phương lo những vấn đề chung của quân đội, báo ở tiền phương (do Trần Cư làm thư kí toà soạn) bám sát chiến trường, thậm chí có lúc phải trực tiếp chiến đấu như những người lính thực thụ. Toà soạn tiền phương có 6 người gồm Hoàng Xuân Tuỳ (phụ trách chung), Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp, Nguyễn Trần Thiết và hoạ sỹ Nguyễn Bích. Có thể nói, đây là thời kì làm báo đáng nhớ nhất đối với Trần Cư. Ngoài vai trò nhà báo, ông không quản ngại hi sinh, gian khổ, xông pha nơi mũi tên hòn đạn. Bước chân ông in dấu trên khắp các nẻo đường chiến trận. Đối với toà soạn ông được xem như cây sáng kiến trong việc xây dựng các trang mục cho tờ báo. Với ông, ra được báo không khó, cái khó là làm thế nào để mỗi bài in trong đó phải là những món ăn tinh thần đặc biệt làm thoả lòng người chiến sỹ, những con người vừa từ cõi chết trở về, phải làm sao để họ hiểu rằng, mọi hi sinh mất mát của người lính cách mạng có ý nghĩa lớn như thế nào đối với nền độc lập, tự do của dân tộc. Đọc tờ báo, ai cũng như có thêm sức mạnh để chiến đấu với kẻ thù, xứng đáng với vai trò là “Tiếng nói của quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Sau bao đêm trăn trở, Trần Cư và các đồng đội của ông đã xây dựng được nhiều mục rất được bạn đọc hoan nghênh như; Tường thuật trận đánh, Tin chiến sự, Tin thế giới, Tin hậu phương, Bình luận quân sự, Sổ tay kinh nghiệm… Để tờ báo bớt khô khan, ông cho đan xen giữa những mục trên là các tuỳ bút, bút kí, thơ, tranh biếm hoạ…
Ngoài công việc “bếp núc” ra, mỗi khi có điều kiện, Trần Cư lại xách súng, khoác ba lô, trên cổ treo lủng lẳng chiếc túi vải nhỏ, trong đựng chiếc bút máy hiệu Shaeff mà ông quí hơn vàng, xông lên tuyến trước tìm đề tài để viết. Tái hiện những trận đánh, nêu gương chiến sỹ anh hùng, mô tả bộ mặt quái gở của kẻ thù, là những nội dung chính trong các bài viết của Trần Cư thời kì này. Các bài báo của ông luôn có sức cổ vũ to lớn, làm lay động lòng người. Độc giả không thể quên Một chiến sỹ chống bom nổ chậm với bao cảm xúc ánh lên trên từng câu chữ: “… Trái bom nằm trong lòng đất câm lạnh lặng người! Không biết chắc chắn nó nổ lúc nào. Xác mình tan như xác pháo… Ta nhìn rõ mục tiêu chiến đấu trước mắt. Ta lại biết nhìn rõ ý nghĩa cuộc đời, đánh giá đúng sự sống và sự chết, ta biết sống và biết chết”. Bài kí có tính nhân văn lớn lao này đã gây dựng niềm tin vào chính nghĩa, củng cố tinh thần yêu nước trong bản thân mỗi cán bộ, chiến sỹ: “Một quân đội có những chiến sỹ gang thép như vậy, một dân tộc có những con người ưu tú như vậy, quân đội đó, dân tộc đó nhất định thắng”- QĐND số Tết, ngày 1.2.1954.
Là phóng viên theo sát mọi diễn biến của cuộc chiến, nhiều bài báo của Trần Cư đã đi sâu vào tiềm thức người lính. Nhưng đáng nhớ nhất đối với ông, trong thời kì này có lẽ là bài báo Đêm nay Bác không ngủ viết chung với Phú Bằng, in trên báo QĐND số 135 ngày 24.3.1954: “Bác ngồi đó mà lòng Bác làm rạo rực lòng ta, quyết tâm sắt đá của Bác đã biến thành sức mạnh của hàng vạn cánh tay chúng ta, đang nắm chặt vũ khí, chờ diệt quân thù… Bác luôn là ngôi sao sáng dẫn đường, là niềm tin thắp lên lòng dũng cảm, là sức sống mãnh liệt tiềm ẩn lung linh… Đôi mắt người cha bỗng ứa ra hai dòng nước mắt, từ từ chảy trên hai gò má, rồi rơi xuống tấm bản đồ… Bác nâng tay lên, thong thả và quả quyết cầm bút gạch chéo trên đồn giặc… Thưa các đồng chí, đêm nay Bác không ngủ… Bác đang dõi theo lá cờ quyết chiến quyết thắng đỏ rừng rực băng qua tiền tuyến, vượt qua đột phá khẩu, lướt vào trung tâm và phần phật oai nghiêm bay trên nóc lô cốt giặc. Bác cười vui sướng! Bác hôn tất cả chúng ta, mỗi người một cái”. Bài viết mau chóng trở nên nổi tiếng, được nhiều chiến sỹ chép vào sổ tay. Tuy ngắn gọn nhưng nó đã lột tả sâu sắc hình ảnh vị lãnh tụ giản dị, nhân từ, cả đời vì nước vì dân.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Cư viết khá nhiều. Bài nào của ông cũng có tầm khái quát cao, cụ thể và chân thực. Tiêu biểu trong số này là Sức mạnh vĩ đại của nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quyết trả thù cho Nguyễn Quốc Ân, Những gương dũng cảm quyết tâm diệt địch, Hướng về miền Nam ruột thịt, Điện Biên Phủ một trại lính quái gở, Thò thằng nào thịt thằng ấy, ở Mường Thanh địch ra hàng như nước chảy… Loạt bài của Trần Cư được Bác Hồ hết sức khen ngợi. Mỗi khi có báo từ chiến trường về, Bác đều hỏi Sơn Tùng (thư kí của Bác) có bài của Trần Cư không. Đây là vinh dự lớn và không phải nhà báo nào cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt đó.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trần Cư theo báo QĐND chuyển về Hà Nội, với tư cách thư kí toà soạn. Từ tháng 9.1955, sau chuyến đi Trung Quốc về, ông chuyển sang làm trưởng phòng Bạn đọc kiêm thêm phòng Văn hoá văn nghệ. ở cương vị mới, ông vẫn chứng tỏ tinh thần làm việc hăng say, cần mẫn, có tinh thần trách nhiệm cao. Với bản chất người lính, ông đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện tiêu cực, sai trái trong xã hội, bênh vực lẽ phải, ca ngợi những hành vi tốt đẹp trong nhân dân. Từ năm 1956, ở Việt Nam xuất hiện nhóm Nhân văn - Giai phẩm có nhiều quan điểm đi ngược lại đường lối văn nghệ của Đảng ta, có những động thái không phù hợp tình hình chính trị miền Bắc vừa được giải phóng. Trước thực tế này, Trần Cư đã có loạt bài Chặn ngay những quan điểm nghệ thuật của nhóm Nhân văn đang định sống lại trên báo Văn và bài Thực chất của cái “mới” và “tìm tòi” của nhóm Nhân văn - Giai phẩm chỉ là chủ nghĩa xét lại chống lại đường lối văn nghệ của Đảng (QĐND các số 415,416, 433,434). Bằng nhãn quan chính trị sắc sảo, Trần Cư đã vạch rõ bản chất phản động của những kẻ cầm đầu Nhân văn - Giai phẩm, làm cho người đọc ngày càng tin tưởng ở tính ưu việt của chế độ XHCN, tin tưởng vào Đảng, vào Bác.
Kể từ ngày chuyển về Hà Nội, Trần Cư có nhiều thời gian dành cho văn nghệ. Ngoài những tác phẩm mới sáng tác, ông chú ý nhiều hơn đến mảng dịch văn học nước ngoài. Đáng kể là: Những cuộc chiến đấu trên đường Vlokolamsk (1955), Bé Xriogia (1957), Chim non sẽ lớn (1961)… Thấy Trần Cư có “máu” văn nghệ, năm 1965, đồng chí Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND mời ông về phụ trách phòng Văn nghệ của nhà xuất bản. ở cương vị mới này, ông đã làm tốt chức trách của mình, được đồng đội và đồng nghiệp hết sức kính trọng, nể phục. Ông tiếp tục chứng tỏ là người có nhiều sáng kiến, đã đứng ra tổ chức, biên soạn nhiều cuốn sách có giá trị, đặc biệt là loại sách Người tốt việc tốt. Những cuốn sách này là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn quân, dân ta trong công cuộc xây dựng CNXH, đấu tranh thống nhất đất nước. Không dừng lại ở đó, ông liên tục viết bài cho nhiều tờ báo khác nhau như tạp chí Văn học, Văn nghệ quân đội… Sau này, khi nghỉ hưu, ông còn mở rộng phạm vi hoạt động hơn, trở thành cộng tác viên quen thuộc của các báo Tiền Phong, Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Tia Sáng, Điện ảnh Việt Nam… Cùng với Hội cựu chiến binh, ông góp sức mình tham gia thành lập Thư viện Quân đội. Thời gian trôi nhanh không làm mờ nhạt nét tinh anh trong đôi mắt ông, vầng trán cao như mênh mông hơn dưới mái tóc dài bạc trắng phơ phất. Vào cái tuổi ngoài bảy mươi, Trần Cư vẫn ham viết. Bỏ qua nét gân guốc của chiến tranh, vượt lên cái nhộn nhạo của đời thường, ông trải lòng mình bay trên trang giấy. Nét hào hoa ngày nào vẫn ẩn hiện trong từng câu chữ. Càng về cuối đời, sự chiêm nghiệm về nhân tình thế thái càng in dấu đậm đà trong văn chương của ông.
Vào những ngày cuối cùng của thế kỉ XX, sức khoẻ Trần Cư đột nhiên suy giảm rất nhanh. Vậy mà, có những lúc nằm trên giường bệnh, vị đại tá về hưu vẫn không quên niềm đam mê chữ nghĩa của mình. Tay run không cầm được bút, ông đọc cho con cháu chép lại những suy nghĩ của mình. Khi Trần Cư nhắm mắt xuôi tay, người ta thấy trên đầu giường nơi ông nằm đặt ngay ngắn một bài tiểu luận viết dở: Niềm sung sướng không giấu nổi của Bác Hồ khi viết Tuyên ngôn độc lập. Nghe nói, tâm nguyện cuối của Trần Cư là được chôn cùng cuốn tiểu luận này, được mặc bộ quân phục suốt đời ông gắn bó. Đúng là, ông ra đi mà đâu đã yên lòng. Thế mới biết, chữ nghĩa ghê gớm thật! Nó như con ma dại vậy, khi đã vận vào ai thì khó thoát ra lắm. Nó như món nợ đời cứ đeo đẳng con người ta từ kiếp này sang kiếp khác. Món nợ đời này sao mà đáng sợ quá, nó làm cho con người ta luôn trong tâm trạng dằn vặt, trăn trở, khổ đau, bất an, hỉ nộ, ái ố… nhưng thiếu nó bỗng thấy mình sao sống tẻ nhạt thế, vô trách nhiệm thế. Chẳng lẽ, cuộc đời mỗi con người, ai cũng nên có một con ma, có một món nợ đời để được vay, được trả, như Trần Cư sao?

1 nhận xét:

  1. Loa! Loa! Loa! Bà con ơi, Mõ Xóm thông báo có người mới ra nhập làng blog nè!

    Cốc! Cốc! Cốc! Chủ nhà ơi mau mở của đón người đến xông nhà mới này. Chúc nhà mới ngày càng mới hơn, khang trang hơn nhé...!

    Trả lờiXóa