Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

Trần Bạch Đằng: sóng vỗ miên man đến bạc đầu



Nhìn ông lão trạc tám mươi nằm trên giường bệnh, nhiều việc phải nhờ người nhà và cô thư ký, ít ai nghĩ rằng, ồng là một trong “tam kiệt họ Trần” của xứ Nam bộ. Tên tuổi ông gắn liền với những trang sử hiển hách của mảnh đất thành đồng. Ông là Trần Bạch Đằng, người đã cùng nhân dân miền Nam từng trút sóng lên đầu thù suốt hai cuộc kháng chiến thần thành của dân tộc.

Người đi theo dặm dài đất nước
Trần Bạch Đằng tên thật là Trương Gia Triều, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1926 tại ấp Bến Bạ, xã Thạnh Hưng (nay là Hoà Hưng) quận Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang. Quê ngoại ông ở Mặc Cần Dưng - Long Xuyên (nay thuộc tỉnh An Giang). Gia đình ông thuộc hạng trí thức theo Nho học xưa. Ông nội Trương Gia Tuân có thời làm tri phủ Bình Thuận, sau thấy triều đình thối nát, đã cáo quan về quê làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho thiên hạ. Thân sinh ra Trần Bạch Đằng là người giỏi chữ nghĩa cũng không chịu ra làm quan, nối nghiệp cha làm nghề bốc thuốc, viết liễn thuê. Vì người cha dính dáng tới Thiên Địa hội nên cả gia đình Trần Bạch Đằng bị triều đình xử phạt không được ở một nơi cố định quá 5 năm. Chính vì vậy, ngay từ khi mới 5 tuổi, Trần Bạch Đằng đã phải theo cha mẹ tha hương khắp nơi.
Cuộc đời Trần Bạch Đằng là một chuỗi dài những truân chuyên, vất vả. Khi thì ông ở Rạch Giá, lúc về Biên Hoà, nay đây mai đó. Cũng may, gia đình dù nghèo, vẫn cố lo cho ông ăn học. Để được nhận vào lớp, ông phải dùng giấy khai sinh của một đứa trẻ khác cùng tuổi. Do bản tính hiếu động, cộng thêm tội dùng giấy tờ giả, Trần Bạch Đằng mấy lần bị đuổi học. Cha ông lại phải chạy vạy lo lót mỗi khi chuyển trường mới. Với bản tính hiếu học, đi tới đâu Trần Bạch Đằng cũng tìm sách để đọc. Có lẽ nhờ vậy mà ông sớm bộc lộ sự hiểu biết hơn bạn bè cùng trang lứa. Sau khi kết thúc bậc sơ học, Trần Bạch Đằng không được thi tiếp lên bậc trung học do lệnh cấm của chính quyền. Nhờ sự dìu dắt của bà cô và người dượng (vợ chồng ông Trần Hữu Độ, một nhân sĩ thời đó), đặc biệt là sự giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Oanh (Bí thư thành uỷ Sài Gòn) nên Trần Bạch Đằng nhanh chóng trở thành cán bộ của Đảng, khi đó ông mới 16 tuổi. Thực hiện chủ trương vô sản hoá cán bộ, Trần Bạch Đằng xin vào làm tại Sở cao su Xa Cam. Chưa được một tháng ông bị đuổi việc vì đánh một tên Pháp trong trận đá bóng. Cũng may, ngay sau đó ông xin được một chân dạy học tại một trường tư. Được nửa năm, trường đóng cửa, Trần Bạch Đằng lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Ông về giúp việc cho vợ chồng người cô và văn phòng Xứ uỷ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Trần Bạch Đằng nhận chỉ thị tham gia phong trào Thanh niên tiền phong, xây dựng Đoàn thanh niên cứu quốc, tổ chức Hội truyền bá quốc ngữ, công đoàn... Đây là sự chuẩn bị lực lượng của Đảng, khi thời cơ đến sẽ tiến hành tổng khởi nghĩa. Thời kì diễn ra Cách mạng tháng Tám, Trần Bạch Đằng lãnh đạo nhân dân khu vực ngã Sáu (Sài Gòn) đứng lên cướp chính quyền (24.8.1945). Niềm vui độc lập chẳng được bao lâu thì quân Pháp trở lại chiếm Sài Gòn và một số vùng phụ cận. Bộ máy chính quyền Việt Minh vừa thành lập đã phải chuyển lên vùng chiến khu. Trần Bạch Đằng được giao phụ trách Tuyên huấn của Trung ương cục. Đầu năm 1949, ông cùng các đồng chí Phạm Hùng, Hà Huy Giáp được cử ra Việt Bắc dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Khi tới địa phận Dốc Mỏ - Tuy Hoà (nay thuộc tỉnh Khánh Hoà) Trần Bạch Đằng không may rơi vào tay giặc. Kẻ thù giam ông ở Nha Trang một thời gian, sau đó chuyển về Catina Sài Gòn. Tại những nơi này ông bị tra tấn hết sức dã man nhưng địch không khai thác được thông tin gì ở người chiến sĩ kiên trung. Sau hơn nửa năm bị giam ở nhiều nhà tù khác nhau, ngày 11.11.1949, ông cùng 42 chiến sĩ vượt ngục thành công. Bắt liên lạc được với đồng đội, ông về hoạt động tại vùng giải phóng khu 9.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc sự thống trị của thực dân Pháp. Đất nước chia đôi, Trần Bạch Đằng quay trở lại Sài Gòn hoạt động, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Do chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt những người theo kháng chiến, Trần Bạch Đằng lại phải rút về chiến khu Dương Minh Châu. Tại đây, ông tiếp tục được Đảng giao nhiệm vụ phụ trách Tuyên huấn, trực thuộc Xứ uỷ. Trong chiến dịch Mậu Thân (1968), Trần Bạch Đằng đã tham gia chỉ đạo đưa một cánh quân lớn từ căn cứ Đồng Tháp Mười về đánh chiếm Sài Gòn. Cuối năm 1969, Trần Bạch Đằng, đại diện cho nhân dân Sài Gòn, được gọi ra Bắc để chứng kiến giây phút cuối cùng tẩm liệm Bác Hồ. Giận mình không được gặp Bác lúc còn sống, Trần Bạch Đằng đã làm hai câu thơ bày tỏ nỗi niềm trước thi hài vị cha già dân tộc:
Chửi thù rồi lại giận ta
Xét câu hiếu đạo quả là con hư!


Duyên nợ với trường văn trận bút
Khi còn học lớp Nhì (2é.année) Trần Bạch Đằng thường đến nhà ông Trần Quang Nghiêm lục lọi tủ sách. Gặp gì đọc nấy, ông nghiền ngẫm từ những tờ báo nổi tiếng thời đó như Nam Phong, Phụ nữ tân văn, Phong hoá cho đến những cuốn sách có tính chất khảo cứu như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, những tác phẩm văn học của Lan Khai, Từ Ngọc, sách của Tân văn hoá tùng thư do ông Trần Hữu Độ xuất bản. Nhờ hiểu biết sớm, Trần Bạch Đằng được đề cử giữ chân Chủ bút cho tờ báo do mấy người bạn cùng lớp gây dựng. Tờ báo đề cập đến đủ thứ: Chuyện sinh hoạt trong lớp, chuyện các thầy, chuyện căng - tin, thể thao... Trần Bạch Đằng giữ mục “Văn tuyển”, mỗi kì đăng một chuyện ở cuối báo, thường là chuyện võ hiệp. Tờ báo “sống” được gần 1 năm thì bị nhà trường phát hiện, bắt đóng cửa. Từ đây, nghề báo như một cái nghiệp vận vào suốt cuộc đời ông.
Tháng 12 năm 1945, khi Trần Bạch Đằng đang làm chính trị viên của bộ đội Bình Đằng thuộc mặt trận số 4 (Nam Sài Gòn) thì ông được lệnh cùng một số đồng chí gây dựng Thành uỷ Sài Gòn (lấy danh nghĩa Uỷ ban cán bộ Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn). Khi Thành uỷ ra báo Chống xâm lăng, đồng chí Trịnh Đình Trọng được cử làm Chủ nhiệm, Trần Bạch Đằng (lúc này phụ trách Tuyên huấn) kiêm nhiệm chức Thư kí toà soạn. Báo ra số 1 ngày 1.1.1946, được viết bằng bút sắt lên giấy sáp, sau đó căng lên khuôn in, dùng ru - lô lăn đều. Chống xâm lăng ra 4 trang, khổ trung bình, tháng 1 kì, sau tăng lên tháng 2 kì, rồi hằng tuần. Trên tờ báo này, Trần Bạch Đằng thường viết xã luận, bình luận thời sự. Báo ra được vài tháng thì Pháp chiếm được một số địa bàn trọng điểm của Nam bộ, trong đó có Sài Gòn. Dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ và mặt trận Việt Minh, phong trào Báo chí Thống nhất ra đời, hoạt động rất rầm rộ, qui tụ được gần 20 tờ báo. Trần Bạch Đằng vừa làm cho Chống xâm lăng, vừa tham gia chỉ đạo phong trào này. Sang năm 1947, tình hình bắt đầu căng thẳng, chính phủ Lê Văn Hoạch lên cầm quyền, đàn áp báo chí dữ dội. 17 tờ báo của phong trào Báo chí Thống nhất bị đóng cửa trong 1 ngày. Trước tình hình đó, giữa năm 1947, báo Chống xâm lăng phải rời lên chiến khu. Trần Bạch Đằng về vùng Đồng Tháp Mười, làm việc ở văn phòng Xứ uỷ và Kì bộ Việt Minh. Từ 1947 - 1951, ông kiêm thêm vai trò phụ trách một số tờ báo của Thanh niên cứu quốc Nam bộ, Liên đoàn thanh niên Nam bộ.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra công khai trở lại (dưới tên gọi Đảng Lao động Việt Nam), Trần Bạch Đằng được Trung ương Cục phân công làm Chủ nhiệm tờ Nhân Dân miền Nam (thay đồng chí Lưu Quí Kì chuyển sang làm Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ). Tờ báo là cơ quan ngôn luận chính thức của Trung ương Cục. Ngoài việc làm cho tờ báo này, Trần Bạch Đằng còn giữ nhiều cương vị quan trọng như Xứ đoàn trưởng Thanh niên cứu quốc Nam bộ, phó Ban Dân vận, phó đoàn Kiểm tra Trung ương Cục, phó Ban Tuyên huấn... Khi phụ trách Nhân dân miền Nam, Trần Bạch Đằng còn có nhiệm vụ ra thêm phụ san Tiểu thuyết nhân dân và tờ Việt - Xô. Lúc đầu Nhân dân miền Nam ra mỗi tháng 2 kì, sau, do được trang bị nhà in Trần Phú, tăng cường nhân lực, báo ra hàng tuần với lượng phát hành khá lớn. Hầu như số nào Trần Bạch Đằng cũng có bài đăng trên các tờ báo này. Có thể kể ra đây một số bài tiêu biểu của ông: Hoan hô Đại hội Đảng Cộng sản Liên - xô lần thứ 19 (số 31 ngày 1.2.1952), Quốc hội Việt Nam - tổ chức tối cao của chánh quyền nhân dân dân chủ Việt Nam (số 34 ngày1.2.1953), Vấn đề lão thực số 36+37 (ngày 1.4.1953), Tỉnh táo đề phòng, tăng cường giáo dục tư tưởng, đoàn kết chặt chẽ toàn Đảng, toàn dân, tiến lên giành thắng lợi vinh quang của cuộc chiến đấu (số 44 ngày 1.8.1953).... Các bài viết thời kì này của Trần Bạch Đằng tập trung vào việc tổng kết thực tiễn cách mạng, đề cao tình đoàn kết hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Liên - Xô, Trung Quốc. Ngoài ra các bài viết của ông còn bàn về phát triển kinh tế nông nghiệp, về thuế, về dân quân tự vệ, về thanh thiếu niên, phụ nữ, trí thức, tôn giáo, đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam....
Có thể nói phụ san Tiểu thuyết nhân dân ngay từ khi ra đời đã chiếm được tình cảm của bạn đọc, của các nhà văn cách mạng. Nhiều bài viết trên tờ báo này đến nay vẫn có người nhớ như: Tây đầu đỏ, Bên rừng cù lao Dung của Phạm Minh Tày (nhà văn Sơn Nam), Chiến đấu viên họ Trần của Việt Hùng (nhà văn Hùng Lí)... Còn tạp chí Việt - Xô do Trần Bạch Đằng làm chủ nhiệm (ông thường có bài với bút danh Trương Chí Công) vì những khó khăn riêng, ra được vài số thì ngừng phát hành. Những tờ báo trên khi đặt dưới sự quản lí của Trần Bạch Đằng, đều có sự cải tiến mạnh mẽ. Số lượng phát hành không ngừng tăng lên. Ông sử dụng cả bộ đội, học sinh làm lực lượng phát hành, hạn chế đến mức thấp nhất sự bao cấp của Trung ương Cục. Nhờ sự ủng hộ của đồng bào, đời sống của anh em làm báo được cải thiện rõ rệt.
Thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy cho phù hợp với tình hình chiến tranh, năm 1954, báo Cứu quốc Nam bộ sáp nhập với Nhân dân miền Nam. Bộ máy được tăng cường, nhiệm vụ cũng nặng nề hơn.Từ thời điểm này, Nhân dân miền Nam trở thành cơ quan ngôn luận chính của cách mạng tại các vùng tự do Nam bộ. Nhờ được bổ sung thêm Thiếu Sơn, Dương Tử Giang, Triệu Công Minh, Anh Đức, Trần Văn Khương, Hữu Tùng... Nhân dân miền Nam là tờ báo qui tụ được nhiều nhân tài Nam bộ, tiếp tục làm tốt vai trò thông tin, hướng dẫn dư luận, giáo dục đạo đức cách mạng cho quần chúng nhân dân.
Sau Hiệp định Giơ - ne -vơ, theo các điều khoản đã kí kết, nhiều cán bộ tập kết ra Bắc, một số người về địa phương nằm vùng, Nhân dân miền Nam tự đình bản, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Nhà in Trần Phú chia làm hai, một chuyển về Sài Gòn làm cơ sở in ấn của Xứ uỷ, một phần chuyển về Cà Mau. Trần Bạch Đằng nhận quyết định ở lại miền Nam, phụ trách tuyên huấn. Thời kì này, ông tham gia quản lí rất nhiều tờ báo, cả bí mật lẫn công khai. Đáng chú ý nhất là các tờ Nhân loại, Ban mai, Tiếng chuông, Sài Gòn mới, Thần chung, Dân chủ... Một số tờ Trần Bạch Đằng chỉ đạo chung, có tờ ông trực tiếp viết bài. Nội dung chính là chống phân ly, đòi tự do dân chủ, tự do ngôn luận, đấu tranh bảo vệ văn hoá dân tộc... Nhờ sự giới thiệu của đồng chí Triệu Công Minh, Trần Bạch Đằng nhận lời phụ trách trang thời sự cho tờ Buổi sáng của Mai Lan Quế. Để hợp pháp hoá hoạt động công khai, Trần Bạch Đằng được Triệu Công Minh lo lót cho tấm thẻ nhà báo dưới cái tên Lê Văn Ba. ở tờ báo này ông thường kí bút danh Văn Lê. Mục Tổng tào lao của ông rất được bạn đọc yêu thích (Tổng ở đây dùng để ám chỉ Tổng thống Ngô Đình Diệm). Ngoài tờ Buổi sáng ra, gây ấn tượng cho bạn đọc lúc đó còn có tờ Nhân loại với các bài xã luận của Trần Bạch Đằng, bình luận thời sự của Tân Đức, thơ Viễn Phương, truyện ngắn của Lê Vĩnh Hoà, Văn Phụng Mỹ...
Sau khi đã gây dựng được cơ sở vững chắc tại các vùng tự do, Đảng chủ trương xuất bản tờ Hoà bình thống nhất, cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Đảng Lao động Việt Nam Nam bộ. Báo được giao cho Trần Bạch Đằng phụ trách chung. Hoà bình thống nhất in rô-nê-ô, 8 trang, khổ lớn, đăng tin tức các vùng tự do, tố cáo tội ác của Mĩ và tay sai, đấu tranh đòi cải cách dân sinh, ca ngợi miền Bắc XHCN.... Hoà bình thống nhất là tờ báo bí mật phát hành theo hệ thống Đảng ở Sài Gòn và một số tỉnh Nam bộ. Từ năm 1956, khi mối mâu thuẫn giữa gia đình họ Ngô với Mĩ, giữa Ngô Đình Diệm với Bảo Đại và các thế lực tôn giáo đã tạm lắng, Diệm quay ra đàn áp cách mạng. Hàng nghìn cơ sở Đảng bị phá vỡ. Nhiều chiến sĩ cách mạng bị giam cầm giết hại. Ngày nào miền Nam cũng có đầu rơi máu chảy. Báo chí của Đảng, của các cá nhân, tổ chức, yêu nước, tiến bộ cũng nằm trong hoàn cảnh chung đó. Đa số im hơi lặng tiếng hoặc cho đăng những bài vô thưởng vô phạt. Có tờ thì tự giải tán. Tờ Nhân loại bị rút giấy phép. Trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền Sài Gòn, Xứ uỷ đã ra chỉ thị cho tờ Hoà bình thống nhất tạm thời đóng cửa. Các nhà báo cách mạng ai bị lộ thì chuyển lên các chiến khu, số còn lại thì chuyển nghề khác chờ thời cơ. Trần Bạch Đằng cùng các cơ quan đầu não của Xứ uỷ phải tạm lánh sang Nam Vang (Phnompênh - Campuchia). Cuối những năm 1950, Trần Bạch Đằng được bầu làm Tổng thư kí của Hội những người kháng chiến cũ. Hội chủ trương ra tờ Vùng lên phát hành từ Phnompênh về đến Sài Gòn, Báo in Stencil khổ to do Nguyễn Văn Hiếu trình bày, Trần Bạch Đằng đảm nhiệm các mục xã luận, bình luận. Ngay trong số 1, báo đăng lời hiệu triệu những người kháng chiến cũ đoàn kết chống lại chế độ Mĩ - Diệm. Vì tình hình chung lúc đó, tờ báo chỉ hoạt động cầm chừng, không mở rộng được phạm vi hoạt động.
Đầu năm 1960 trở đi, khi tình hình chính trị đã bớt gay gắt, các cơ sở cách mạng dần được phục hồi, Xứ uỷ quyết định trở về Việt Nam. Các vùng giải phóng lúc này đã được mở rộng, lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh, từng bước giành lại thế chủ động tại các vùng nông thôn. Đây chính là lúc báo chí cần làm tốt vai trò của mình. Được sự ủng hộ từ Trung ương, Xứ uỷ Nam kì gấp rút đầu tư cơ sở vật chất xây dựng Đài Phát thanh Giải phóng, củng cố Thông tấn xã Giải phóng, gây dựng lại hệ thống báo chí cách mạng. Ngoài việc chỉ đạo chung, Trần Bạch Đằng còn tham gia viết bài cho hàng loạt tờ báo như Đài Phát thanh Giải phóng, nội san Học tập, báo Tiền phong, báo Giải phóng... Ông kí nhiều bút danh, nhưng nhiều hơn cả là những cái tên Trần Quang, Đại Nghĩa. Từ những năm này cho tới khi thống nhất đất nước (1975), Trần Bạch Đằng là một trong những người có công rất lớn đối với sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Nam bộ.
Tháng 4.1965, Trần Bạch Đằng được bầu vào Khu uỷ, tiếp tục phụ trách khối Tuyên huấn. Thực hiện chỉ thị của Đảng, Trần Bạch Đằng chỉ đạo báo chí tập trung vào một số nội dung đấu tranh chính: Kêu gọi quần chúng nhân dân đoàn kết ủng hộ cách mạng, đòi Mĩ về nước, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, thực hiện tự do dân chủ, bảo vệ và phát huy văn hoá dân tộc... Ông cùng các đồng chí đang hoạt động trong nội thành xây dựng các cơ sở ấn loát in truyền đơn, tờ rơi, xuất bản các tờ Ngọn cờ Gia Định, Tri thức mới. Đồng thời ông cũng tìm cách giác ngộ những kí giả, những chủ báo tiến bộ, yêu nước tạo điều kiện cho các nhà báo cách mạng tham gia viết bài. Ông còn động viên những người chưa có tên trong sổ đen của địch ra báo công khai. Đáng kể trong số này có các tờ Hồn trẻ của Thành Đoàn thanh niên, Tin văn của Đảng uỷ văn hoá văn nghệ. Trong số báo chí yêu nước, cách mạng thời kì này đông đảo nhất vẫn là loại báo bán công khai. Trần Bạch Đằng rất ủng hộ cho các hội, đoàn thể ra báo như Tổng hội sinh viên, Tổng đoàn học sinh, các trường học, tổ chức phụ nữ, tổ chức văn hóa, các nghiệp đoàn lao động. Loại báo này len lỏi khắp nơi, chính quyền Sài Gòn không làm gì được đành làm ngơ. Nhiều cảnh sát còn bí mật phát hành báo hộ học sinh, sinh viên. Đối với loại báo này Trần Bạch Đằng chủ trương “không tính hay, dở, miễn không chống cách mạng”. Ông còn chỉ đạo các tổ chức chính trị như Mặt trận quốc gia tiến bộ, Lực lượng bảo vệ văn hoá dịch các thông cáo, tuyên bố của cách mạng ra tiếng nước ngoài phát tán rộng rãi như một dạng báo.
Đất nước thống nhất, non sông liền dải. Có thể nói, để có được chiến thắng 30.4.1975, công lao của báo chí là không nhỏ, trong đó có vai trò vô cùng tích cực của Trần Bạch Đằng. Trước cuộc sống bộn bề của vùng đất mới được giải phóng, với cương vị thường trực Ban Tuyên huấn TW cục, ông lại lao vào lo toan cho đài Truyền hình phát sóng, mở rộng quy mô hoạt động cho thông tấn xã Giải phóng, xuất bản gấp tờ Sài Gòn giải phóng. Ngoài những tờ báo trên, ông cộng tác đắc lực, thường xuyên với Đại đoàn kết, Văn nghệ, sau này có thêm Tuổi trẻ TP HCM, Công an TP HCM... Bề bộn công việc như vậy, nhưng cứ tối thứ bảy ông lại vận bộ bà ba, chít khăn rằn tới nhà văn hoá thanh niên diễn thuyết trước đám đông hàng nghìn người. Có những người tuần nào cũng đến dự, không phải để nghe ông nói chuyện, mà để chiêm ngưỡng người hùng, thần tượng của họ. Do làm việc quá căng thẳng, lao lực, cộng thêm di chứng của các trận đòn thù trước đây, sức khoẻ Trần Bạch Đằng suy sụp rất nhanh. Năm 1977 Nhà nước buộc ông phải sang Liên Xô sau đó là Hunggari, Đức chữa bệnh. Khi về nước ông ở lại miền Bắc một thời gian khá dài. Tại đây ông đã có dịp đi khắp các huyện Bắc bộ, kể cả những địa bàn xa xôi hẻo lánh như Mèo Vạc, Hồ Ba Bể, Bản Trang, Vũ Thắng. Nhiều vùng đất đã để lại dấu ấn sâu đậm trong các bài viết của ông. Có những bài ký nổi tiếng như ở vùng cao Việt Bắc được đăng 5 kỳ trên báo Nhân dân (từ số 8639 ra ngày 5.1.1978 đến số 8643 ra ngày 10.1.1978), hiện tượng này trên báo Nhân dân là không có nhiều. Có những đoạn của bài báo tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng, nóng bỏng nhưng đáng tự hào, trân trọng: “Lần thứ hai tôi lên thăm khu gang thép Thái Nguyên, đứa con đầu lòng của nền sản xuất cơ khí vượt muôn vàn khó khăn với niềm tự hào: Tự chính lòng đất đã sinh ra thỏi thép Việt Nam. Tôi hiểu thêm một ít bước đường công nghiệp hoá của chúng ta. Chúng ta nuôi thép bằng máu thịt, giống như chúng ta tạo lập cơ nghiệp trải qua bao thế hệ. Những dấu vết đổ nát vì bom đạn, những ngôi nhà đơn sơ dành cho công nhân, những luống rau ngay bên lò cao, những người thợ và kỹ sư thiếu ăn suốt ngày trong độ nóng... chỉ cho tôi cái gì là gian khổ để Tổ quốc được giàu mạnh”...
Có thể nói, dưới thời bao cấp chứng kiến những khó khăn chất chồng của đất nước, nhìn những khuôn mặt võ vàng vì thiếu ăn, bệnh tật, Trần Bạch Đằng không cầm lòng được. Đảng - Nhà nước ta vừa tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, ngay lập tức Trần Bạch Đằng lao vào tìm hiểu lĩnh vực kinh tế. Ông hiểu rằng phát triển tuy không phải là con đường duy nhất, nhưng là quan trọng nhất để đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo. Nhiều bài báo của ông sau này (1990) được nhà xuất bản Sự thật tập hợp lại trong cuốn Bút ký kinh tế bàn về các vấn đề: Chiến lược phát triển nông thôn, chính sách kinh doanh, khai thác nguyên liệu, du lịch, kinh tế đối ngoại, tiền lương... Có thể kể ra đây vài bài tiêu biểu: Suy nghĩ tản mạn về kinh tế đối ngoại, Chuyện đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Hàng không - chiếc chìa khoá đầu tiên, Phú Quốc nhất định xứng đáng với tên của mình, Đồng lương - Thời cơ xây dựng chính sách mới... Nếu như Bút ký kinh tế chỉ là những cảm quan của riêng ông về một lĩnh vực hết sức rắc rối, phức tạp và chưa mang tính khoa học cao, thì ở cuốn An ninh kinh tế và kinh tế thị trường Việt Nam (Nxb Công an nhân dân ấn hành năm 1999) Trần Bạch Đằng trong những phần viết riêng đã chứng tỏ ông là một chiến lược gia có tầm nhìn xa trông rộng. Trong cuốn sách do ông chủ biên này Trần Bạch Đằng có cái nhìn hết sức tỉnh táo trước nền kinh tế thị trường, có những phán đoán của ông đã đi trước thời đại hàng chục năm. Nhờ có tính khoa học cao mà cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh, phát hành rộng rãi ở một số nước.
Năm 1978 Trần Bạch Đằng trở lại TP HCM , đây là thời điểm Sài Gòn nói riêng, cả nước nói chung đang gặp phải những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Người dân thiếu ăn trầm trọng, có nhiều nơi phải ăn hạt “bo bo” trừ cơm, công nghiệp trì trệ, hầu như phải trông chờ vào viện trợ của các nước XHCN, xuất khẩu gần như là con số không. Pôn pốt – Yêngsary quấy rối biên giới Tây - Nam, nạn “Thuyền nhân” đẩy nước ta vào thế khốn đốn. Trong tình hình đó, Trần Bạch Đằng liên tục viết bài cho các báo Nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Tin sáng tố cáo âm mưu phá hoại của kẻ thù, động viên nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn. Với cương vị phụ trách thường trực Ban dân vận TW, Trần Bạch Đằng đi khắp nơi, viết bài phản ánh đời sống mọi mặt của địa phương, góp phần ổn định tư tưởng người dân. Chiếc máy chữ của ông hầu như không có thời gian ngừng nghỉ. Cũng trong thời gian này ông đã cho xuất bản hai cuốn tiểu thuyết, trong đó Ván bài lật ngửa được chuyển thành kịch bản phim dài 8 tập, là bộ phim dài tập đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.
Trần Bạch Đằng viết rất nhiều. Bản thân ông cũng không nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu bài báo, sử dụng những bút danh gì. Việc sưu tầm lại các bài đã đăng trên báo của ông là hết sức khó khăn, nhất là đối với giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Có những tờ báo bí mật ông tham gia giờ không thể tìm được, chúng chỉ còn cái tên trong hồi ức của ông, trong hồi ức của bạn bè, đồng đội ông hồi đó. Riêng từ ngày thống nhất đất nước đến nay ông đã viết hàng nghìn bài báo đăng trên hàng chục tờ báo từ Trung ương đến địa phương. Các bài báo đề cập đến nhiều lĩnh vực, nhưng tựu chung lại, tập trung chủ yếu ở 3 mảng đề tài: Thanh niên, Công an nhân dân và chống tiêu cực. Đã có lần ông bộc bạch: “Tôi yêu thế hệ trẻ bởi vì tôi yêu tuổi trẻ của chính tôi, dù đó là thời kỳ đầy dấu vết thô sơ”. Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Việt Nam, Trần Bạch Đằng đã có bài báo để đời cho mình và cho đời. Đến nay, bài báo này vẫn còn được nhiều người tìm đọc. Ngoài viêc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của thanh niên đối với đất nước, ông bày tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở trước những nỗi khó khăn của lớp trẻ đang phải vật lộn vượt qua: “Hàng ngày, quanh thanh niên là một xã hội tiêu thụ “bất cứ giá nào”, chế độ nhập hàng tiêu thụ thả cửa, kèm theo một không khí quảng cáo ồ ạt, gợi thèm muốn... thì khó tránh thanh niên lao vào hưởng thụ. Cả chuyện vụ lợi trong học hành – học dở, học dớt vẫn “trúng tủ” - tất yếu đẻ ra một đội ngũ bất tài vô hạnh lại đầy... tiền đồ”. Rồi ông đặt ra câu hỏi nặng như đá, như chì “Lớp trẻ trước kia đã từng dám bơi ngược giữa ngàn thác lũ và đã về đến đích, vậy còn lớp trẻ hiện nay, chẳng lẽ lại phó mặc cho dòng đời xô đẩy?”.
Còn nhiều, nhiều lắm những bộc bạch, lời khuyên của một “chiến sỹ già đối với đám hậu sinh. Lời nhắn nhủ khi nghiêm khắc, khi ân cần quý giá như châu, như ngọc cả. Có thể kể ra đây một số bài tiêu biểu: Tiêu chuẩn của thanh niên thời đại ngày nay, Thanh niên - bạn là ai?, Đánh giá thanh niên - một vấn đề thời sự, nghề cán bộ đoàn, Nguyện vọng của một Đoàn viên sắp “cổ lai hy”...
Nếu như khi đất nước còn ngập chìm trong khói lửa chiến tranh, anh bộ đội cụ Hồ luôn hiển hiện trong các bài báo của Trần Bạch Đằng, thì trong thời bình ông lại gửi gắm niềm tin vào lực lượng công an nhân dân. Trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc, với cương vị công tác đặc biệt của mình, Trần Bạch Đằng luôn được “nằm gai nếm mật” với những con người mà sau này họ đã trở thành những tên tuổi lẫy lừng của ngành công an như các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng, Lê Thanh Vân, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Nguyễn Tài... Những con người này đã để lại trong ông niềm tin về đức độ, tài năng. Niềm tin ấy giờ được ông chuyển sang cho lớp chiến sỹ trẻ, những người đang ngày đêm đổ xương máu, trí tuệ bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cuộc sống bình an cho nhân dân. Bài viết về lực lượng công an nhân dân của Trần Bạch Đằng kể có đến hàng trăm. Những bài báo được nhà xuất bản Công an nhân dân tập hợp lại in trong cuốn Thanh kiếm và lá chắn (2004) chỉ chiếm một phần nhỏ trong số đó. Có thể nói hiếm có nhà cách mạng lão thành nào dành tình cảm tin yêu, trân trọng đối với ngành công an như ông. Mỗi bài là một nỗi trăn trở, một phát hiện về khía cạnh nào đó của ngành này. Khi thì ông tâm tình, vỗ về, lúc thì khắc khoải, động viên anh em vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Ông như người anh cả dạn dày sương gió truyền lại cho đàn em còn non dại những kinh nghiệm mà mình đã trải qua trong một hành trình đầy bão táp, phong ba. Tuy vậy, trong các bài viết của mình, Trần Bạch Đằng không bao giờ sử dụng thứ ngôn ngữ cao đạo của đấng bề trên. Bao giờ chúng cũng thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội. Trong bài Nghề công an, ông viết: “Chọn nghề công an, tức là chọn trách nhiệm, chọn phần gian khổ trong sự nghiệp xây dựng đất nước, tức gắn chặt đời mình với nghĩa vụ. Một lần chọn có nghĩa là không dứt ra được nữa, cho đến khi hết khả năng phục vụ. Chọn tức là yêu, hơn cả yêu, đam mê. Không đam mê thì tốt nhất đừng chọn công an, không phải một ngành kinh tế, không phải một ngành biểu diễn. Lợi và danh không có duyên với ngành công an. Làm kinh tế còn có lợi ích thứ ba, làm công an chỉ có một lợi ích: Giữ cho mọi công dân bình yên ngay khi họ ngủ. Biểu diễn văn nghệ được vỗ tay, làm công an không thể để tiếng hoan hô kích động...”. Nếu không phải người có đạo đức trong sáng, không yêu ngành công an, Trần Bạch Đằng khó có thể viết lên những lời gan ruột như thế. Nhưng cũng có lúc ông tỏ ra giận dữ trước những tiêu cực của ngành này. Giận dữ đấy nhưng không ghét bỏ được. Đó là thứ giận dữ trước đứa con hư.
Những bài báo viết bằng trái tim như trên của Trần Bạch Đằng còn nhiều, nhiều lắm có thể kể thêm ra đây tên vài bài báo tiêu biểu: Lại bàn thêm xung quanh nghề công an, Công an nhà mô phạm, Công an nhà giáo dục, Công an nhà cải tạo... Bài nào cũng là máu, là thịt của ông. Chúng như những bậc thang nhỏ nhoi đưa con người ta đến với những bến bờ hạnh phúc.
Tuy đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, Trần Bạch Đằng đâu có được một ngày trọn vẹn hưởng thú vui bên con cháu. Ông vẫn từng giờ, từng phút dõi theo tình hình đất nước. Ông vui trước những đổi thay của đất nước, nhưng cũng ngay lập tức quên hết những bệnh tật đang mang trong mình, ông bày tỏ sự phẫn nộ trước những thói hư, tật xấu, tiêu cực của xã hội. Năm 2004 khi xảy ra vụ nhận hối lộ ở Bộ Thương mại, Trần Bạch Đằng viết bài Vụ Mai Thanh Hải – không cá biệt. Chỉ cần qua cái tiêu đề này người đọc cũng có thể hiểu Trần Bạch Đằng muốn nói về vấn đề gì. Ông coi cha con Mai Văn Dâu phạm tội chỉ là hệ quả tất yếu của một quá trình đổ vỡ đạo đức xã hội. Lối viết quen thuộc của Trần Bạch Đằng là phê phán, phơi bày để cảnh báo. Cái mà ông nhắn tới bao giờ cũng thuộc lĩnh vực nhạy cảm nhất. Ông không kiêng dè ai bất cứ thứ quyền uy nào. Đây là thứ bản lĩnh chỉ những người lính cách mạng chân chính mới có. Ông thẳng thắn quy trách nhiệm: “Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là một trong những người được dư luận chung đánh giá, ngoài tinh thần tận tuỵ, ngoài khả năng quản lý ngành thương mại quốc gia, là một cán bộ gương mẫu ở Bộ Thương mại cũng như ở tỉnh Nghệ An. Song thắc mắc của nhiều người - trong đó có thắc mắc của tôi - là tình hình như thế (Vụ Mai Văn Dâu) sao lại kéo dài trước mắt đồng chí Bộ trưởng”. Trước sư việc bán độ của một số cầu thủ của U23 Việt Nam tại SeaGames Philippines, Trần Bạch Đằng tỏ thái độ phẫn nộ “Giữa lúc mọi người dân Việt Nam dù đang sinh sống ở đâu cũng đang cố gắng hết sức mình vượt mọi khó khăn và vươn lên tầm cao mới trong cuộc chạy đua cực kỳ khẩn trương vì dân giàu nước mạnh thì với những hạng người bán rẻ tất cả để thu nhiều nhất lợi lộc, quyền thế, đúng là tội ác khó dung tha...” Thay mặt nhân dân cả nước ông yêu cầu “Đã đến lúc, theo tôi chính Thủ tướng Chính phủ và Ban khoa giáo TW cần xắn tay áo vào một vụ, ta gọi đích danh “Chuyên án bóng đá SeaGames Philippines”. Malaysia từng khốn khổ giống như ta đang khốn khổ, nhưng Chính phủ Malaysia quyết tâm làm sạch bóng đá và bóng đá Malaysia phát triển. Chắc ở Việt Nam tình hình không đến nỗi khó hơn Malaysia”. Những lời tâm huyết trên không riêng gì Trần Bạch Đằng, nhiều người làm báo khác cũng viết được. Điều đáng nói là chúng lại được thốt lên từ miệng một ông già đang ngày càng gần đất xa trời, đang phải từng ngày từng giờ từng phút chống chọi với bệnh tật. Chúng như những sợi tơ vàng cuối cùng mà con tằm cố nhả ra để chau chuốt cho đời. Chúng ta biết ơn và mong muốn ông được nghỉ ngơi. Nhưng không hiểu sao, mỗi khi giở tờ báo lúc sáng sớm, ai trong chúng ta cũng ước ao được đọc thấy cái tên Trần Bạch Đằng ký ở cuối bài báo nào đó. Cái tên thật nhỏ bé, dung dị và cũng đầy kiêu hãnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét