Thứ Năm, 12 tháng 2, 2009

Nguyễn Khắc Hiếu - Người con của núi Tản sông Đà

Nếu ai đã từng dừng chân ở huyện Bất Bạt (nay là huyện Ba Vì - Hà Tây) hẳn sẽ có cảm nhận đây là một vùng quê nghèo với những thửa ruộng nhỏ, cằn cỗi, nằm thấp thoáng giữa đám đồi thấp lúp xúp chạy dài ngút tầm mắt. Hiện giờ, người dân nơi đây vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông hoặc buôn bán nhỏ lặt vặt. Có ai nghĩ rằng tại cái làng Khê Thượng yên ả đến tẻ nhạt này lại có thể sản sinh ra một Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu mà tiếng tăm còn vang vọng đến hôm nay.

Nghìn năm thi sĩ
tửu đồ là ai

Nói tới Tản Đà là người ta nhắc đến những giai thoại về một thời ngang dọc trong làng thơ làng báo của ông. Những câu chuyện vừa bi vừa hài, vừa trân trọng và châm biếm, cười cợt, thực - giả lẫn lộn này giúp chúng ta có cái nhìn khá toàn diện về một nhân vật đặc biệt trong làng văn làng báo nước ta những năm đầu thế kỷ 20. Mặc dù mọi ý kiến về ông cho đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất nhưng hầu hết đều phải thừa nhận một thực tế: Tản Đà là hiện tượng hiếm hoi của văn học và báo chí Việt Nam thời thuộc Pháp, là dấu gạch nối giữa truyền thống với hiện đại, giữa cựu học với tân học.
Tản Đà được sinh ra trong một gia đình quan lại thuộc hạng quyền quý dưới triều nhà Nguyễn. Thân sinh ra ông là Nguyễn Danh Kế đã từng làm đến án sát Ninh Bình. Người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Tái Tích cũng đỗ đạt cao, được bổ tri huyện Yên Mô (Ninh Bình), sau làm tri huyện Vụ Bản (Nam Định), rồi đốc học Vĩnh Yên. Mẹ ông, bà Ngữ Thị Nghiêm là vợ thứ ba của Nguyễn Danh Kế vốn là một đào hát nổi tiếng tài sắc của thành Nam (Nam Định). Sau khi ông án Kế mất một thời gian, bà Nghiêm đã cùng cô con gái thứ hai là Nguyễn Thị Trang trở lại nghề xướng ca, bỏ lại Tản Đà lúc đó mới 4 tuổi cho nhà chồng nuôi. Đây là nỗi điếm nhục lớn đối với gia phong và nó đã đeo đẳng suốt cuộc đời Tản Đà, góp phần hình thành nên tính tự ti, mặc cảm, nỗi cô đơn khôn cùng trong tình cảm, tâm hồn ông. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc của bà mẹ già và của ông Nguyễn Tái Tích, Tản Đà được ăn học đến nơi đến chốn. Ngay từ thuở nhỏ ông đã nổi tiếng là đứa trẻ ham học, thông minh, hứa hẹn một tương lai rộng mở trước mắt. Tuy nhiên vận số của ông dường như không hợp với con đường danh lợi. Đầu năm 1912 Tản Đà thi trượt Hậu bổ, sau đó mấy tháng ông tiếp tục thi Hương cũng bị đánh hỏng. Khát vọng làm quan để được lấy con gái ông Đỗ Thận tan thành mây khói. Chứng kiến cảnh người yêu lên xe hoa với kẻ khác, ông trở nên điên loạn, nay đây mai đó. Có thời kỳ ông về ở ẩn trên chùa Hương. Năm 1913, ông Nguyễn Tái Tích được thăng Đốc học Vĩnh Yên đã đem Tản Đà đi theo. Được sự động viên, ai ủi của người anh, Tản Đà dần tĩnh trí trở lại, bắt đầu viết bài gửi cho các báo. Sau này, nhiều lần ông đã tâm sự với bạn bè, đại ý: Ngày ấy, nếu đỗ đạt, ông sẽ ra làm quan, sẽ có vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng, nhưng xã hội sẽ mất một nhà nhơ. Ông lấy làm may mắn vì đã thi trượt:
Bởi ông hay quá! Ông không đỗ
Không đỗ, ông càng tốt bộ ngông.
Vào thời điểm chuẩn bị diễn ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất Tản Đà bắt đầu bước chân vào làng báo. Được cụ Trịnh Xuân Nham giới thiệu Tản Đà đã làm quen với ông Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà báo lẫy lừng, đang giữ chân chủ bút tờ Đông Dương Tạp chí. Chỉ sau có vài bài tản văn như Đánh bạc, Đạo bố con đời bây giờ, Tản Đà đã khắc được dấu ấn của mình trong lòng bạn đọc, để lại ấn tượng rất lớn cho ông Nguyễn Văn Vĩnh. Nhờ cấu tứ chặt chẽ, ngôn từ thâm viễn, thi vị, đầy nhạc điệu đã tạo nên một phong cách rất riêng của Tản Đà, đã thúc đẩy ông đứng ra đảm trách mục Một lối văn Nôm. Các bài viết của ông trong mục này chủ yếu bàn về đạo làm người, đề cao truyền thống đạo đức của ông cha, phê phán gián tiếp lối sống phương Tây đang từng giờ từng phút làm băng hoại xã hội, nhân quần. Cũng qua mấy chục bài viết trên báo này Tản Đà luôn chứng tỏ tấm lòng thương đời, thương người của ông. Từ năm 1916, ông bắt đầu sử dụng bút hiệu Tản Đà.
Để nghiên cứu Tản Đà người ta rất khó tách bạch giữa thơ và báo chí. Hầu hết các bài thơ của ông (bao gồm cả thơ dịch) đều đã từng được in trên báo. Ngay trong các bài viết bằng văn xuôi cũng rất giàu thi điệu, trong một số bài còn chen lẫn cả vài câu thơ. Khi đánh giá các tác phẩm của Tản Đà người ta thường đề cập cái say, cái ngông và cái mộng. Thực ra ở đây còn thiếu một vế rất quan trọng, đó là vế yêu. Yêu chính là sự khởi đầu cho say - ngông và mộng. Nói cách khác say - ngông và mộng chính là hệ quả của yêu. Chúng là một thể thống nhất, không thể tách rời, không thể đổi chỗ cho nhau. Những bài thơ đầu tiên của ông đến được với công chúng xuất hiện sau ngày người yêu đi lấy chồng. Mặc dù lúc này (1915) đã cưới bà Nguyễn Thị Tùng nhưng mối tình cũ đâu dễ nguôi ngoai trong tâm hồn Tản Đà. Chính vì vậy mà trong phần lớn các bài thơ của ông đều chứa chất đầy tâm trạng. Chẳng riêng gì Tản Đà, mỗi khi thất tình người ta lại nghĩ đến rượu để quên đi những nỗi sầu muộn. Những khi tỉnh táo họ lại muốn phá phách cuộc đời, bày tỏ sự chán chường trước thực tại, muốn tìm về một thế giới mộng tưởng, phi thực tế. Có lẽ xuất phát từ thực tế này mà có người, khi phân tích tác phẩm Thề non nước, đã khẳng định trong thơ Tản Đà không chứa đựng lòng yêu nước, chỉ là biểu hiện của tình yêu đôi lứa. ý kiến này chỉ có thể đúng với những tác phẩm được Tản Đà sáng tác vào đầu những năm 20 của thế kỷ 20 trở về trước. Càng về sau này, hình ảnh người xưa tuy chưa mất hẳn nhưng cũng đã phai nhạt dần theo năm tháng. Sáng tác của ông chỉ còn là sự gợi nhớ, man mác nuối tiếc một thời đã qua. Thậm chí việc đề cập những cái yêu - say - ngông và mộng trong thơ Tản Đà nhiều khi chỉ để chạy theo mốt, nhà thơ thời đó ai chẳng làm thế. Nhưng, cũng kể từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước trở về sau, các phong trào yêu nước và các tổ chức cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng của toàn xã hội, và tất nhiên trong đó có Tản Đà. Không yêu nước làm sao Tản Đà có thể viết được những vần thơ đại loại như:
“Non sông thề với hai vai
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son...”
hay
“... Mối đâu bối rối tơ tằm
Lấy ai là kẻ đồng tâm gỡ cùng...”
hoặc
“... Lo vì phong hoá mỗi ngày suy
Thánh giáo không ai kẻ hộ trì...
... Lo vì thế cục nát như tương
Cái ruột tằm ai rối vấn vương...”
Tuy nhiên, Tản Đà là một nhà nhơ, mà lại là một nhà nho tài tử thất thế, cho nên tư tưởng yêu nước của ông chỉ có thể hoài vọng về một thời hào hùng đã qua, nuối tiếc những quy chuẩn đạo đức phong kiến giờ đã bị chế độ hiện hữu làm cho tha hoá, băng hoại. Bất lực và không hoà nhập được với thực tại, đồng thời lại không hình dung được tương lai nên cũng giống với nhiều nhà thơ đương thời, Tản Đà tìm cách trốn đời vào rượu, vào ái tình, vào thế giới mộng ảo. Tư tưởng phản kháng, nếu có, cũng chỉ biểu hiện ở thái độ ngông nghênh, bất cần đời, không giống với chủ nghĩa yêu nước mang tính cải lương đang rất thịnh đạt lúc đó. Mà cái ngông của ông cũng chưa vươn tới tầm một nhân cách lớn, của một kẻ sĩ trước tấn tuồng cuộc đời. Nó vẫn còn mang đậm dấu ấn cá nhân và dễ thoả hiệp. Chỉ cần so sánh hai khổ thơ dưới đây chúng ta có thể hình dung được một cách rõ ràng cái ngông của kẻ mạnh và cái ngông của kẻ yếu đuối, nhu nhược đầy mặc cảm:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
- Nguyễn Công Trứ.

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm đôi chim Nhạn tung trời mà bay
- Tản Đà.
Thậm chí, cái ngông ở đây đã đặt một chân sang cái kiêu căng, ngạo mạn:
Nhờ văn chuốt đẹp như sao băng
Khí văn đi mạnh như mây chuyển
Êm như gió thoảng, tinh như sương,
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!
Trong khoảng 25 năm hoạt động văn chương và báo chí Tản Đà đã tham gia, cộng tác với rất nhiều tờ báo. Cho đến nay người ta vẫn chưa sưu tập được hết các bài viết của ông. Sau khi Đông Dương Tạp chí bị rút giấy phép (1917), người Pháp chủ trương ra tờ Nam Phong để tiếp tục tuyên truyền cho mục tiêu khai hoá và chủ thuyết Pháp - Việt đề huề của A.Sarrants. Tản Đà có gửi một số bài cho báo này, nhờ báo giới thiệu những cuốn sách ông mới xuất bản. Không ngờ ý định của Tản Đà đã bị ông chủ bút Phạm Quỳnh chặn lại bằng hai bài Mộng hay mị và Các bài tựa tập văn xuôi Khối tình con của Tản Đà (Nam Phong 1918). Phạm Quỳnh khen Tản Đà có công góp phần làm thay đổi hình thức thơ, nhưng lại chê nội dung của chúng quá viển vông, không thiết thực, dễ lôi kéo xã hội rơi vào tâm trạng bi quan, yếm thế. Thế là ý định cộng tác với Nam Phong bất thành. Trong hơn ba năm sau đó (1918-1920) Tản Đà không trực tiếp làm cho báo nào. Ông tập trung viết sách, chỉ thỉnh thoảng mới viết bài gửi đăng báo theo đặt hàng. Mỗi khi có dịp ông ngao du sơn thuỷ để tìm cảm hứng, để thoả mãn bản tính thích đi của mình. Năm 1921, trước lời mời của nhóm Nguyễn Huy Hợi, Tản Đà đồng ý làm chủ bút cho báo Hữu Thanh (số 1 ra ngày 1.8.1921, toà soạn đặt tại 58 Hàng Bông - Hà Nội). Đây là dạng tạp chí xuất bản mỗi tháng hai kỳ. Trên danh nghĩa Hữu Thanh là “cơ quan của hội ái Hữu những người bản xứ làm công trong thương nghiệp nông nghiệp và công nghiệp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ” nhưng thực chất tờ báo thiên về văn hoá nghệ thuật. Do bất đồng về đường lối phát triển tờ báo, Tản Đà chỉ làm cho Hữu Thanh được 6 tháng. Với quãng thời gian ngắn ngủi đó, ông đã kịp để lại ấn tượng không thể phai mờ trong lòng độc giả với những bài thơ, những bản dịch, chú giải các trước tác nổi tiếng của Việt Nam và Trung Quốc. Những người thay thế Tản Đà sau đó như Nguyễn Mạnh Hướng, Nguyễn Thượng Huyền, Đào Trinh Nhất vẫn phát triển theo đường lối cũ, biến Hữu Thanh thành một trong những tờ báo có uy tín nhất thời bấy giờ.
Trong quá trình tìm hiểu tư tưởng và ý thức chính trị của Tản Đà, các nhà nghiên cứu cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Người thì coi Tản Đà theo khuynh hướng tư sản, có pha trộn chút ít phong kiến và tiểu tư sản (Tầm Dương, Nguyễn Kim Giang, Minh Tranh), có nhà nghiên cứu lại coi Tản Đà thuộc tầng lớp nho sĩ (Nguyễn Khắc Xương, Nguyễn Đình Chú...) Giáo sư Trần Đình Hượu xếp Tản Đà vào lớp nhà Nho tài tử cuối cùng đang bỡ ngỡ trước thế giới hiện đại... Nói chung, các ý kiến đều có lý lẽ riêng khó có thể bác bỏ được.
Thực tế, Tản Đà là một hiện tượng vô cùng phức tạp trong lịch sử làng văn làng báo nước ta. Trong ông và các sáng tác của ông luôn tồn tại một “khối mâu thuẫn lớn” - chữ dùng của Tầm Dương. Mọi tâm tư, khát vọng, dằn vặt, vui sướng, khổ đau cá nhân đều được ông thể hiện một cách rõ nét trong các tác phẩm. Việc tìm hiểu sáng tác của Tản Đà sẽ giúp chúng ta hiểu rõ số phận của ông, và ngược lại, chính những nếp sinh hoạt thường nhật của con người này nếu được nghiên cứu kỹ sẽ phần nào làm sáng rõ các nội dung tư tưởng mà tác giả đã gửi gắm trong các tác phẩm của mình. Trong hơn hai chục năm cuối đời, Tản Đà đã từng quản lý hoặc tham gia khá nhiều tờ báo. Tiêu biểu trong số này là Đông Dương Tạp chí, Hữu Thanh, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, đó là chưa kể ông còn làm cộng tác viên cho Tiểu thuyết Thứ Bảy, Phong Hoá, Ngày nay... Điều đáng chú ý là tất cả các tờ báo trên đều của giới tư sản bản xứ. Vậy mà không có tờ báo nào trong số đó ông giữ được mối quan hệ quá 6 tháng. Việc dứt áo ra đi này liên quan rất ít đến tính cách có phần lập dị của Tản Đà. Nó chủ yếu xuất phát từ sự bất đồng về quan điểm, tư tưởng giữa Tản Đà với những chủ trương các tờ báo nói trên. Còn nói ông thuộc thế hệ nhà nho cuối cùng trung thành với ý thức hệ phong kiến e rằng chưa hoàn toàn chính xác. Tản Đà sẵn sàng từ bỏ tất cả về quê thức khuya dậy sớm tự tay sắc thuốc chăm sóc mẹ già (vợ cả của ông Nguyễn Danh Kế), trong khi cả đời ông thề không thèm nhìn mặt mẹ đẻ và em gái ruột của mình chỉ vì một lỗi lầm đáng thương hơn là đáng trách của họ. Khi được chính quyền Bảo Hộ đặc cách cho vào học trường Hậu bổ, Tản Đà đã thẳng thừng từ chối. Trước sự nhòm ngó của quan lại địa phương ông vẫn điềm nhiên tới viếng khu huyệt mộ nơi đã từng chôn cất Quang Trung Nguyễn Huệ. Nhưng ông lại hỉ hả lấy bức thư của Nguyễn Tiến Lãng khoe với bạn bè rằng sẽ gửi vào Huế cuốn sách để được Bảo Đại ban thưởng cho 500 đồng. Nuôi mộng trở thành đại trượng phu mà trước khi diễn thuyết vấn đề Đời đáng chán hay không đáng chán ông lại xui Phan Khôi vỗ tay hoan hô mình. Là một nhà nho mà ông lại mang thơ đi rao bán phố phường, tỉ mẩn hàng nửa ngày trời trước món ốc nướng, đang đêm bắt chủ nhà phải cung phụng bát tiết canh vịt, cuốc nền nhà người ta lên để trồng rau thơm, toàn những việc mà kẻ sĩ không bao giờ làm. Chính cái tính khí này của Tản Đà đã làm cho giới văn nhân ký giả đương thời không ưa ông, dù trong tâm khảm họ vẫn nể phục tài năng của ông. Lưu Trọng Lư có lần phải thốt lên “Gặp Tản Đà một bận thì thật là một điều khoái trá vô cùng, gặp ông ấy lần thứ hai, thì vẫn còn là một cái vui thích đã bắt đầu gượng gạo, và gặp đến lần thứ ba, thì là một điều khó chịu. Và lần thứ tư, thứ năm v.v.. thì xin thú thực... là một tai nạn”. Để lý giải cho nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên, nhà văn Vũ Bằng đã ghi lại lời của Ngô Tất Tố: “... Cái tội nặng nhất của Tản Đà là không biết sửa sai, không biết nghe lời anh em khuyên bảo. Cái số anh em thành thực khuyên ông rất hiếm, còn cái số nâng ông lên, sợ cái tài ông, mà không dám làm mếch lòng ông thì cả đống. Vì có nhiều kẻ nịnh ông một cách mù quáng như thế, ông bị hại mà không biết, mỗi ngày mỗi tự phụ thêm lên và chính tự phụ đó đã làm cho ông thành người khó chịu, khinh người, chỉ có mình là giỏi nhất, còn thiên hạ toàn thấp kém”. Rõ ràng là sự thất thường, phức tạp trong tính cách Tản Đà đã in dấu rất đậm lên các tác phẩm của ông, yếu tố thời đại ở đây tuy có nhưng rất mờ nhạt. Ông chưa hẳn là chiến sĩ cuối cùng bảo vệ ý thức hệ phong kiến, mà cũng không phải là đại diện cho giới tư sản đang lên. Ông viết về chính tư tưởng của mình và chỉ của riêng ông mà thôi. Về vấn đề này, ông Phan Khôi đã từng viết “Anh Quỳnh, anh Vĩnh chỉ viết theo sách, theo tư tưởng của Tây, chứ đến thằng cha này (Tản Đà -HVQ) hắn viết ra tư tưởng của hắn, chính hắn mới là tay sáng tạo”. Có lẽ đây mới là cái lớn nhất của Tản Đà mà lớp hậu thế chưa có đánh giá một cách đúng đắn, thoả đáng.

Bốn bể năm châu
náo cuộc đời


Sau khi rời khỏi tạp chí Hữu Thanh (1922), Tản Đà tiếp tục sự nghiệp làm thơ, viết sách. Tên tuổi ông ngày càng lẫy lừng trên văn đàn. Được sự động viên giúp đỡ của bạn bè, từ năm 1925, ông bắt tay vào chuẩn bị ra tờ báo riêng. Và ngày 1.7.1926, An Nam Tạp chí ra mắt số đầu tiên tại phố Hàng Lọng - Hà Nội. Ngay từ đầu An Nam Tạp chí xác định nhiệm vụ là “cơ quan tiến thủ của quốc dân”. Tên báo ngoài bìa được in bởi ba thứ ngôn ngữ Pháp - Hán và Quốc ngữ, sau bỏ phần tiếng Pháp.
An Nam Tạp chí ra khổ nhỏ dạng tạp chí thông thường, bìa mỗi số in một màu, giá bán lẻ 15 xu. Với số vốn ban đầu là 50 đồng (trong khi vào thời đó để ra được một tờ báo trung bình phải cần tới 300 đồng) vậy mà Tản Đà rất kỳ vọng vào tờ báo. Ông ví An Nam Tạp chí là chiếc thuyền nan, dùng để chở cái “đạo” của ông đến với bạn đọc. Ngay từ những số đầu tiên An Nam Tạp chí đã gặt hái được những thành công không nhỏ. Bạn đọc hoan nghênh và ngóng đợi từng số, nhất là độc giả trong Nam. Nhà thơ Xuân Diệu kể hồi nhỏ ông rất thích đọc An Nam Tạp chí. Ông đọc ngấu nghiến tất cả những gì Tản Đà viết. Xuân Diệu thừa nhận, tuy sau này không đi theo phương pháp sáng tác của Tản Đà nhưng thơ Tản Đà đã có những ảnh hưởng nhất định đến thơ ông. Mặc dầu nhận được sự khích lệ lớn lao như vậy, nhưng số phận của An Nam Tạp chí và của người chủ trương ra tờ báo lại diễn ra khá long đong lận đận. Trong suốt hành trình tồn tại của mình (từ 1.7.1926 đến 1.5.1933) An Nam Tạp chí đã tự đình bản rồi ra trở lại đến 6 lần. Nhà văn Ngô Tất Tố đã có lần nhận định: “Nguyên nhân làm cho tờ tạp chí ấy phải chết là rượu. Đành rằng nếu không có rượu, thì ông Tản Đà sẽ không phải là ông Tản Đà, nhưng trong khi nó làm cho ông Tản Đà thành ông Tản Đà, chính nó cũng là thủ phạm làm cho An Nam Tạp chí không có bài đưa nhà in”. Và ông Ngô Tất Tố kể thêm “Trong những cái khác người của ông Tản Đà, đức tiêu tiền cũng nên để ngang với tài thơ và tài rượu”. An Nam Tạp chí làm ăn khá có lãi. Ngoài Tản Đà ra, quản lý toà soạn chỉ có vài ba người. Vậy mà rất ít người trong số họ nhận được lương tháng. Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, những người thường xuyên viết cho An Nam Tạp chí đã từng khẳng định họ chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút. Ngay bản thân Tản Đà đã có lần than thở với Tâm Tuyền Khách “Lương chủ bút như tôi đây cũng chỉ có mỗi ngày hai bữa rượu mà thôi”. Vậy tiền bạc chạy đi đâu hết cả? Có trời mà biết được. Nhà thơ làm quản lý thời nào chẳng thế.
Ra được 10 số (đến tháng 3.1927), An Nam Tạp chí tạm thời đình bản vì lý do tài chính. Nhà in, người cung cấp giấy, chủ nhà thay nhau thúc nợ, khiến ông chủ sự phải ngược xuôi lo toan:
Hôm qua chửa có tiền nhà
Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào
Đi ra rồi lại đi vào
Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ.
Đang ngập chìm trong nỗi lo thì Tản Đà nhận được lời nhắn của ông Nguyễn Thành út - một điền chủ có tiếng ở Long Xuyên, chủ nhân tờ Sài Gòn Kinh tế báo - mời vào Nam cộng tác. Cuộc gặp mặt giữa hai ông không mang lại kết quả như mong muốn. Đang tính kế trở ra Bắc thì Tản Đà gặp luật sư Diệp Văn Kỳ. Hiểu rõ nỗi khó khăn An Nam Tạp chí đang gặp, Diệp Văn Kỳ đã hào hiệp đưa cho Tản Đà 1000 đồng để trang trải nợ nần. Tản Đà quay ra Hà Nội thu xếp công việc rồi lại trở vào Nam với ý định xuất bản An Nam Tạp chí tại Sài Gòn. Vì An Nam Tạp chí là tờ báo do Thống Sứ Bắc Kỳ cấp giấy phép nên Ty kiểm duyệt trong Nam không nhận kiểm duyệt. ý định không thành, Tản Đà đành đứng ra trông coi trang văn chương của Đông Pháp thời báo. Đây là tờ báo lớn thời đó do ông Nguyễn Kim Đính sáng lập, số 1 ra ngày 2.5.1923, chủ bút là ông Diệp Văn Cương, sau là Trần Huy Liệu, Bùi Thế Mĩ. Đông Pháp thời báo có khuynh hướng dân tộc và dân chủ tư sản.
Nhờ trang văn chương được chấp bút bởi hai con người nổi tiếng Tản Đà và Ngô Tất Tố mà Đông Pháp thời báo ngày càng có uy tín trong lòng bạn đọc, số lượng phát hành liên tục tăng lên. Tuy được đãi ngộ vào hàng thượng khách, Tản Đà vẫn không nguôi nỗi thương nhớ An Nam Tạp chí, đứa con tinh thần do mình rứt ruột đẻ ra. Ngập chìm trong rượu, bài vở bê trễ, có lần nhà in giục bài, ông đã đốp lại: làm thơ chứ có phải bổ củi đâu mà muốn lúc nào là có lúc ấy. Rồi, vào một ngày đầu năm 1925, vì chán cái cảnh làm thuê nơi đất khách quê người, Tản Đà lặng lẽ rời khỏi Đông Pháp thời báo trở ra Bắc.
Đầu năm 1930, Tản Đà tái bản An Nam Tạp chí, toà soạn đặt tại số 1 Francis Garnier (Nay là phố Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội):
Năm xưa Đinh Mão ta ngơi
Năm nay Canh Ngọ ta thời lại ra.
Lần này, do quá “đơn thương độc mã” nên An Nam Tạp chí cũng chỉ ra được 3 số là lại đình bản. Sau mấy tháng chạy vạy, tháng 12.1930, Tản Đà lại cho An Nam Tạp chí “tái xuất giang hồ” lần thứ ba. Lần này toà soạn đặt tại căn nhà số 123 Rue Maréchal Foch (phố Khách) thành phố Nam Định. Nếu như mấy lần xuất bản trước Tản Đà chỉ dám ví An Nam Tạp chí như chiếc thuyền nan, thì lần này ông tự tin coi tờ báo như con thuyền sắt, sẽ vững vàng trước mọi sóng gió, thử thách:
Bốn biển năm châu náo cuộc đời,
Con tài Bản quốc chị em ơi!
Tấm thân dầm nước đã lên sắt,
Tín hiệu vang sông mới hét còi.
Vồn vã gió mưa cơn giục khách,
Mênh mông giời biển bước ra khơi.
Hỏi thăm  u Mĩ đâu bờ bến ?
Mở máy quay cuồng quá độ chơi.
Mặc dù ông chủ sự Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tự tin như vậy nhưng lần này An Nam Tạp chí cũng chỉ ra được đến tháng 4.1931 là lại đóng cửa. Từ thời điểm này cho đến ngày đóng cửa vĩnh viễn (1.5.1933) An Nam Tạp chí còn tái bản hai lần nữa và đều đặt toà soạn ở Hà Nội. Trong những số cuối cùng Tản Đà nêu rõ lý do An Nam Tạp chí phải vĩnh biệt bạn đọc là vì nợ. Nhà thơ quẫn bách đến mức phải đăng quảng cáo nhận “chữa thơ cho thiên hạ, mỗi tháng bút phí lấy một đồng.”
Trước đây, đã có ý kiến cho rằng An Nam Tạp chí là tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật. Nhận định trên chưa hoàn toàn chính xác. Thực chất An Nam Tạp chí là dạng tạp chí bách khoa bàn cả về lịch sử, văn hoá, chính trị, kinh tế, khoa học. Những trang cuối thường dành để thông tin những vấn đề thời sự nổi bật đang thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. An Nam Tạp chí thường in 30 trang, khổ báo cũng không thống nhất. Thậm chí, ngay trong một ký phát hành mà báo in khổ to nhỏ, màu giấy khác nhau. Tính định kỳ của báo cũng không được tôn trọng. Lúc đầu An Nam Tạp chí dự định ra mỗi tháng hai kỳ, sau đảo lại thành hai tháng một kỳ. Trong lần tái bản tại Nam Định, An Nam Tạp chí ghi rõ ra 4 kỳ một tháng nhưng thực tế báo chưa bao giờ thực hiện được mục tiêu đó.
Trước năm 1931, ngoài bìa An Nam Tạp chí chỉ in tên báo, những khoảng trống còn lại không có thêm tranh, ảnh minh hoạ. Từ số 17 - 2 Février 1931, báo in bản đồ Việt Nam suốt dọc khổ giấy với niềm khao khát của ông chủ sự Tản Đà là tờ báo sẽ là nhịp cầu nối liền 3 kỳ Bắc - Trung - Nam:
Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông, núi núi khéo bia cười.
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Hay trước ông cha mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.
Việc làm này của ông Tản Đà đã có tác động xã hội rất lớn, gây được thiện cảm của đông đảo đồng nghiệp và bạn đọc. Thư từ khắp nơi tới tấp gửi về toà soạn. Có những bài viết rất xúc động tiêu biểu cho tình cảm của quảng đại quần chúng nhân dân lúc đó:
Đây bức dư đồ nước Việt ta!
Ba kỳ chung một dải quan hà,
Non sông còn đó non sông cũ,
Đất nước y nguyên đất nước nhà
Đen đỏ vẽ vời bao nét bút,
Trắng vàng pha lẫn mấy màu da.
Trên bìa tạp chí in mà để,
Giữ lấy ai ơi kẻo nữa nhoà.
Lương Hồ - Nguyễn Trung Khuyến.
Và bức bản đồ Việt Nam đã gắn liền với An Nam Tạp chí đến tận số cuối cùng.
Có thể nói, vào thời đó, bạn đọc mua An Nam Tạp chí vì thích đọc những mục do Tản Đà đứng tên hoặc có tham gia viết như Hài đàm, Nhàn tưởng, Thi đàn giảng tập, Hán văn diễn giảng, Việt Nam nhị thập thế kỷ, Nữ giới tùng đàm, Hài văn, Dịch cổ văn, Xã hội ba đào ký... Đó là chưa kể những trang văn học chuyên đăng truyện ngắn, kịch nói, ký của Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Trần Khánh Giư, truyện dịch văn học nước ngoài. Dù được thể hiện bởi nhiều giọng văn, hình thức thể loại khác nhau, nhưng nội dung của An Nam Tạp chí chủ yếu tập trung ở mấy vấn đề lớn: phê phán các thói hư tật xấu trong dân gian, răn dạy đạo đức nhằm giáo hoá thế tục, ca ngợi truyền thống văn hoá, truyền thống chống ngoại xâm, xây dựng đất nước của tổ tiên, góp phần bảo tồn và truyền bá những cái tốt đẹp trong lịch sử của cha ông để lại, giới thiệu những thành tựu văn hoá - nghệ thuật - khoa học - công nghệ của thế giới, mở mang dân trí cộng đồng... Mặc dù trong mục Hài đàm đã có lần Tản Đà khuyên dân chúng chỉ nên đọc tạp chí, không nên đọc báo vì báo chỉ viết toàn những điều nhảm nhí, nhưng thực tế An Nam Tạp chí càng về sau càng hay sử dụng những thể loại vốn là thế mạnh của báo như Tin, Thời luận, Ký (có hơi hướng phóng sự). Điều khác biệt ở đây là các tin tức thời sự có trong An Nam Tạp chí bao giờ cũng đi kèm với lời bình. Những lời bàn bạc mang dấu ấn chủ quan này nhiều khi chiếm dung lượng lớn lấn át nội dung tin tức, gắn liền với quan điểm tác giả, quan điểm tờ báo, mà cụ thể là quan điểm của Tản Đà.
Với những gì phân tích ở trên, chúng ta có thể phần nào hiểu được thiện ý tốt đẹp của những người chủ trương An Nam Tạp chí. Tuy nhiên, do những hạn chế về mặt lịch sử nên những quan điểm của ông không theo kịp đà tiến của xã hội, thậm chí đôi khi còn bảo thủ, trì trệ mang đậm dấu ấn của lề thói, đạo đức phong kiến. Chứng kiến cảnh tờ Phụ Nữ tân văn (xuất bản tại Sài Gòn, do bà Nguyễn Đức Nhuận sáng lập) luôn tìm cách đấu tranh đòi bình quyền cho nữ giới theo quan điểm dân chủ tư sản phương Tây, Tản Đà đã có mấy câu thơ:
Có ai ở Bắc vào Nam
Cho ta nhắn nhủ chị em biết mà
Phấn son tô điểm sơn hà
Chữ “Trinh” giữ đạo đàn bà nước Nam.
Chữ Trinh ở đây dường như chỉ mang ý nghĩa cơ thể học. Nó đối lập với quan điểm của Phan Khôi coi người đàn bà đã có chồng vẫn được coi là còn trinh tiết nếu như người đó giữ được phẩm giá làm người của mình. Tản Đà cũng đã từng đòi đánh Phan Khôi 300 roi vì tội danh giáo, tội bài cựu nghênh tân của ông này: Đánh ở Quốc Tử Giám 100 roi, ở Huế 100 roi, ở Quảng Nam 100 roi, chi phí áp giải Phan Khôi do báo Phụ nữ tân văn trả.
Không chỉ trên mặt báo, trong thực tế cuộc sống Tản Đà cũng rất phong kiến, gia trưởng. Nghe tin vợ đẻ con gái, ông không thăm hỏi một câu, còn cấm vợ dắt con gái đến trước mặt mình. Khi gia cảnh sa sút, ông thà chịu cơ cực chứ nhất định không để vợ ra ngoài buôn bán. Và trong các bài báo của ông, phụ nữ hay bị ông chế giễu, phê phán nhất. Chẳng hạn, trong An Nam Tạp chí số 16, ông có bài Một vấn đề tu thân của đàn bà con gái, có đoạn: Đàn bà rộng miệng thì nỏ mồm. Muốn sửa cái tật đó thì khâu mép lại, vừa xinh vừa đỡ lắm điều... Bất lực trước hiện thực, cũng có lúc Tản Đà chợt nhận thấy quan điểm sống của mình không còn hợp thời. Ông oán trách và tự ví mình là kẻ hủ nho:
Lo đời chưa đã lại lo đông.
Lo mãi! Cho mình hủ chẳng xong!
Mặt nước khói tan, chim vía cá.
Đầu non sương phủ, dạn thân tùng.
Trăm năm tính cuộc còn man mác,
Bốn bể thương ai luống lạnh lùng
Ngày ngắn, đêm dài, đêm lại sáng
Đêm qua ai có bạc đầu không?
Hủ nho lo mùa đông
Kể từ khi An Nam Tạp chí đóng cửa, Tản Đà không còn thiết tha lắm với các hoạt động báo chí - văn học nghệ thuật nữa. Ông về ở ẩn tại một ngôi nhà tồi tàn nằm trên đường Ngã Tư Sở, mở tiệm xem tướng số Hà Lạc. Thỉnh thoảng ông vẫn gửi bài cho báo Phong Hoá, Ngày nay (của nhóm Tự lực Văn đoàn), Tiểu thuyết thứ bảy (của Vũ Đình Long), báo Thanh-Nghệ-Tĩnh (Vinh), các báo Sống, ích hữu (Sài Gòn), nhưng các bài viết này không còn mang giá trị nghệ thuật lớn như trước. Dường như chúng được viết ra chỉ để giải quyết nỗi bí bách của cuộc sống. Vậy mà trước một nhà thơ thất thế, Phong Hoá, Ngày nay còn đem Tản Đà ra châm biếm, đả kích, nhằm vùi dập tiếng tăm của ông. Và, vào một ngày đầu hè oi ả năm 1939, sự cô đơn, sự thiếu thốn đến tuyệt vọng, sự điêu trá của người đời đã kéo Tản Đà sang thế giới bên kia, thế giới mới ông vẫn hằng mong đợi bấy lâu nay. Hình như cái chết đầy tức tưởi của ông đã làm cho người đời tỉnh ngộ. Họ hối hận và bắt đầu nói về ông một cách thành kính. Và cho đến nay, sự thành kính này vẫn không hề thuyên giảm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét