Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Giá trị của lời xin lỗi

             
-       Xin lỗi, bác có thể rót thêm cho tôi chén trà nữa không?
-       Tất nhiên, ồ… mà sao hôm nay bác thưa gửi lịch sự thế. Mọi khi, muốn uống thêm, bác chỉ đặt phịch chiếc chén trước mặt tôi rồi hếch mặt mấy cái ra hiệu thôi mà?
-       Trước khác, giờ khác. Tôi mới học được tính lịch sự của một doanh nghiệp nhà nước đấy.
-       Doanh nghiệp nào có thể làm thay đổi tâm tính bác thế?
-       Đi trên đường Nguyễn Trãi ở quận Thanh Xuân, trước một công trình xây dựng bác sẽ thấy một tấm biển viết lời xin lỗi người đi đường vì đã gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường, tôi rất vui và đã học họ đấy.
-       Thì ra là vậy, đúng là của hiếm. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước nào khi làm sai tự giác đứng ra xin lỗi người dân cả. Chỉ đến khi bị báo chí phanh phui họ mới miễn cưỡng nhận lỗi.
-       Sao các cơ quan công quyền nước mình ít khi nói lời xin lỗi thế bác?
-       Đơn giản vì lâu nay chúng ta đã dành cho họ quá nhiều đặc quyền đặc lợi, khiến họ thấy mình quan trọng và tưởng mình là “ông chủ” của nhân dân. Ở đời có mấy khi ông chủ xin lỗi đầy tớ.
-       Hôm vừa rồi, tôi có va chạm xe máy với một thanh niên. Anh ta mặt đỏ tía tai xông vào định hành hung, tôi ôn tồn xin lỗi rồi hỏi: Cháu có bị sao không? Thế là anh ta dịu xuống, còn dựng xe lên cho tôi đấy. Từ đấy, gặp chuyện gì tôi cũng xin lỗi rối rít. Lời xin lỗi thật có giá trị bác nhỉ?
-       Đúng thế. Lời xin lỗi sẽ trở nên vô giá khi nó xuất phát từ đáy lòng. Còn nếu xin lỗi cho qua chuyện, thì đừng xin lỗi có khi tốt hơn.

Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét