Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Hội chứng xin lỗi

  
-          Dạo này trên báo đề cập tới nhiều vụ xin lỗi ghê. Nào là xin lỗi người bị tù oan, xin lỗi vì phạt người chê mình có cái mặt kênh kiệu, xin lỗi vì trót kiểm điểm cô giáo chê cầu xuống cấp…
-          Có gì đáng ngạc nhiên đâu. Ở nước ngoài xin lỗi là câu cửa miệng của mọi người. Cán bộ mình giờ  học lối theo lối Tây, cũng là điều đáng mừng.
-          Nếu mọi lời xin lỗi đều là thực tâm khi ai đó ăn năn vì việc làm sai trái của mình thì không nói làm gì. Đằng này…
-          Bác có ở trong bụng họ đâu mà biết họ có thực tâm hay không. Được thế là tốt rồi. Trước đây, dù biết sai lè lè, có mấy khi thấy cán bộ xin lỗi dân đâu.
-          Tôi thấy hành vi xin lỗi gần đây chỉ là việc chẳng đặng đừng. Khi bị dư luận lên án ghê quá họ mới làm thế để xoa dịu thôi.
-          Bác còn đòi hỏi gì nữa, muốn họ công kênh người được xin lỗi lên vai diễu phố hay sao?
-          Không cần thiết phải thế. Nhưng tôi có cảm giác như nhiều người gây ra những vụ việc như thế chỉ để nổi tiếng thì phải.
-          Thế là thế nào, tôi không hiểu?
-          Bác không thấy sao. Đa số các vụ việc này đều xảy ra ở những địa phương xa xôi. Họ bắt chước Lệ rơi,”bà Tưng” tạo xì- căng- đan để nổi tiếng, giống như giới sâu- bít ấy.
-          Nhưng họ đều là những người đương chức, làm thế dễ bị “về vườn” lắm.
-          Bác quá lo xa. Hầu hết những người xin lỗi dân gần đây bác thấy có ai mất chức đâu. Không chỉ tại vị, họ còn được cả nước biết đến.
-          Đúng thế thật. Hóa ra họ khôn hơn mình tưởng, bác nhỉ.

Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét