Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Mùa trăng lạnh


Dễ đến nửa năm nay tôi mới lại về quê. Lần này tôi về để ăn giỗ đầu bà Ngần. Thực ra, bà Ngần với tôi cũng chẳng có mối liên hệ máu mủ ruột rà gì. Đơn giản là cả tuổi thơ tôi gắn bó với bà, được bà cung nựng, chiều chuộng. Bà cũng là người cho tôi hiểu thế nào là một trái tim khổ đau, mới biết được rằng ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền, còn có nhiều thứ quan trọng. Những cái đó giúp con người ta bay lên.
 Quê  tôi chẳng có núi cao, cũng chẳng có biển rộng hay những cánh rừng ngút ngàn, chỉ có những cánh đồng cằn khô, lô nhô ụ đất. Mỗi khi xuất hiện chiếc xe bò kéo lững thững trên con đường vào làng, bụi lại bốc lên mù mịt. Và trên những thửa ruộng đó có nhiều mồ mả lắm. Có ngôi to như cái gò, um tùm lau lách, cái nhỏ xíu như cái nơm. Cái đỏ rực chân hương. Cái chỉ toàn sỏi đá quanh năm lạnh lẽo. Trong số này có mộ chú tôi. Mọi người trong nhà bảo đây là ngôi mộ chính thức. Mọi cúng bái giỗ chạp đều làm ở đây. Còn trong nghĩa trang liệt sỹ trên huyện là mộ giả.
Lần nào về quê cũng thế, trước khi vào làng , tôi đều rẽ xuống ruộng thăm mộ chú. Ngôi mộ khá lớn, sạch sẽ, tinh tươm được xây bằng gạch, ốp đá. Trên tấm bia ghi rõ là liệt sỹ, có cả ngày hi sinh. Chú tôi đi bộ đội rồi mất trước khi tôi sinh ra. Ai cũng bảo tôi giống chú nên tự nhiên tôi cũng thấy ngưỡng mộ người chú chưa một lần gặp mặt. Hồi còn bé, trưa nào đi học về qua đây, tôi cũng ghé qua mộ, nhặt cỏ, quét tước. Có hôm chỉ ngồi bên suy nghĩ vẩn vơ, khi mặt trời lên ngang đỉnh đầu thì về. Mỗi lần vặt trộm được mấy quả ổi nhà hàng xóm tôi lại lén đặt lên mộ chú, cầu khấn xin chú phù hộ kiếm đủ tiền mua cái xe đạp. Chẳng biết chú sống khôn chết thiêng thế nào mà trong mấy năm học cấp ba tôi hai lần đổi xe đạp, năm cuối cấp còn mua được xe máy.
 Cũng bởi hay ra thăm mộ chú nên tôi được bà Ngần yêu chiều lắm. Bà bảo tôi là người thứ hai bà yêu quí nhất trên đời. Nghe thế, tôi chỉ biết nghệt mặt ra chẳng hiểu tại sao lại thế, nhưng trong lòng thấy thích thú lắm.
 Nhà bà Ngần ở cuối làng, lợp ngói, có nhiều cây ăn quả, là nơi để bọn trẻ chúng tôi tạt qua kiếm chác mỗi khi chán những trò nghịch dại. Bọn trẻ chúng tôi phá phách lắm nhưng bà chẳng trách mắng bao giờ. Bà bảo, các cháu cố gắng ăn nhiều chóng lớn còn đi bộ đội. Dường như với bà trên đời này chỉ có nghề cầm súng là đáng làm.
Đã mấy chục năm nay mỗi khi giỗ chú bà lại sang nhà bố mẹ tôi thắp hương, sì sụp khấn vái. Gặp ai, bà cũng bảo là người yêu, là vợ của chú. Nghe nói thế mọi người gật gù, trầm ngâm. Chẳng ai nói gì, chỉ những cặp mắt là ánh lên bán tín bán nghi. Riêng tôi thì tôi tin bởi hồi bé, hầu như trưa nào tôi cũng sang nhà bà Ngần chơi, đu đưa chiếc võng dưới tán cây mít. Còn bà ngồi trên chiếc chõng tre ngay cạnh chậm rãi nhặt mớ rau còi cọc. Những hôm mưa rét, hai bà cháu vào nhà nằm chơi trên chiếc giường cũ ọp ẹp. Mỗi khi thấy tôi lơ mơ ngủ bà lại ôm tôi vào lòng thầm thì kể về cái thời xa tít mù tắp.
  Khi bước vào tuổi cập kê Ngần nổi tiếng xinh đẹp tươi tắn. Tối nào trai làng cũng nườm nượp kéo đến nhà uống nước, tán gẫu. Có người còn mang theo rổ táo, trái mít, hoặc vài củ khoai đầu mùa vừa lùi trong bếp còn nóng hôi hổi. Ngần ở một mình, mẹ mất sớm, bố lấy vợ khác, thỉnh thoảng mới đảo qua cho mấy đồng bạc lẻ. Ở nhà Ngần các chàng trai vô tư chuyện trò. Ai cũng cố làm cho Ngần vui. Mỗi khi có câu đùa vui, các chàng lại liếc Ngần tình tứ ý nhị lắm. Có người còn bạo dạn viết thư tình, vẽ đôi chim bồ câu khép nép bên trái tim màu hồng bọc trong chiếc khăn tay kẻ ô sặc sỡ rồi lén để ở đầu giường. Mỗi lần nhận được món quà như thế, Ngần lấy làm sung sướng, bồi hồi, đọc đi đọc lại bức thư đến thuộc lòng, rồi gói ghém trong vuông vải đỏ giấu dưới đáy cót thóc. Ngần hay mơ biến thành chim bồ câu đậu trên mái nhà rỉa cánh cho bạn tình. Ước ao thế thôi chứ Ngần chưa phải lòng ai cả.
Trong số trai làng hay đến nhà Ngần có Nam. Nhìn vẻ bề ngoài, Nam chẳng có gì đặc biệt, lại ít nói. Mỗi khi sang nhà Ngần chơi, Nam thường xách theo cây ghi-ta cũ, chẳng biết ai cho, đã mòn hết lớp véc-ni, ngồi trầm ngâm ở hè.  Chỉ khi nào vắng người, Nam mới lôi đàn ra gảy bập bùng. Tiếng đàn của Nam vụng về, rất buồn. Ngần không thích nhưng cũng không hững hờ. Lời Nam hát như nước giọt gianh cứ tí tách ngấm dần vào lòng Ngần. Những khi một mình băm bèo nấu cám Ngần lại lẩm nhẩm những câu hát không đầu, không cuối mà Nam vẫn thường hát.
Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi. Tưởng rằng chẳng có gì có thể khuấy động được sự êm đềm của ngôi làng cũ kĩ, làm xao động tâm hồn cô gái mới lớn.
Một đêm xã tổ chức chiếu bóng. Ngần được đám bạn trai tháp tùng ngồi ở chính giữa. Chẳng biết cậu nào còn kín đáo nhét vào tay Ngần gói ngô rang còn nóng. Hình ảnh loang loáng chằng chịt vết xước trên tấm phông đã ngả màu cháo lòng. Ngần xem mà chẳng hiểu gì, chỉ thấy súng nổ ùng oàng. Chỉ mấy cậu bé là có vẻ thích, ngồi xem mà miệng cứ há ra. Cuốn phim chưa chiếu được một nửa thì máy bay Mỹ ào tới. Mấy anh chàng đi cùng Ngần bỏ chạy tán loạn. Đang ngơ ngác tìm chỗ trú ẩn, một mảnh bom văng trúng bắp chân Ngần, máu tuôn xối xả. Ngần ôm mặt khóc trong nỗi sợ hãi cùng cực. Khói lửa cuồn cuộn. Xung quanh không một bóng người. Khi Ngần sắp lả đi, bất ngờ Nam xuất hiện xốc Ngần lên lưng hùng hục cõng về, mặc cho tiếng đạn chiu chíu trên đầu.
Ngần sốt li bì hơn nửa tháng trời. Thời gian này mọi người chạy tản cư cả nên không mấy ai ghé thăm Ngần. Tối đến, chẳng còn tiếng cười vui rộn rã như trước, ngọn đèn dầu cũng phải tắt đi sợ máy bay phát hiện mục tiêu bắn phá. Duy có Nam vẫn gan lì ở lại, ngày mấy lần cơm nước, giặt giũ, thuốc thang cho Ngần. Đêm đến, trong không gian tĩnh mịch, dưới ánh trăng mờ tỏ, Nam lại ngồi đàn. Tiếng đàn thô ráp, giọng hát trầm đục của Nam như những cơn sóng nhỏ nhè nhẹ vỗ vào bờ rồi lại lặng lẽ chạy ra xa. Ngần ngồi tựa thành giường, hốc hác, xanh xao, dõi ra vườn, bất định. Suốt nửa tháng nay, đêm nào Nam cũng ngủ lại nhà Ngần trên chiếc chiếu trải dưới đất. Không hiểu sao mỗi khi có Nam quanh quẩn đâu đây, Ngần lại thấy người nhẹ bỗng, hư vô.
 Chiến tranh ngày càng ác liệt. Ngày nào máy bay địch cũng bay hàng đàn ra ném bom miền Bắc. Chiến trường miền Nam cũng cấp bách, cần thêm người. Thanh niên, trai tráng trong làng đã lên đường gần hết. Ngôi làng bé nhỏ quạnh quẽ, vắng cả tiếng gà. Mặc dù không nói ra nhưng nhìn ánh mắt Nam, Ngần biết anh cũng đã bồn chồn sốt ruột lắm.
Sáng hôm ấy, Ngần thức giấc thấy người dễ chịu, không còn thấy nặng đầu như mấy hôm trước. Ngần đã khỏe hẳn, chỉ có vết thương vẫn hơi nhoi nhói. Bụng đói cồn cào Ngần đưa mắt nhìn quanh. Mọi ngày vào giờ này Nam vẫn ở đó, đỡ Ngần ngồi dậy, dỗ dành, đe nẹt bắt ăn hết bát cháo rồi mới đi đâu thì đi. Vậy mà bữa nay chẳng thấy đâu. Ngần xuống bếp thổi lửa đặt nồi cơm. Cơm chín đã lâu mà Nam vẫn chưa về. Khi nãy, hình như có tiếng bom nổ ở xã bên, khói bốc mù mịt, không biết có ai bị làm sao không. Tự nhiên Ngần thấy người như có lửa đốt, chẳng thiết ăn. Ngần ngóng ra đường. Suốt từ nãy tới giờ chẳng thấy ai đi ngang qua ngõ để hỏi thăm.
Trời chạng vạng Nam mới về, khắp người bám bụi đỏ au. Chỉ có đôi mắt là sáng, ngơ ngác. Nam bảo lên huyện nhận giấy triệu tập nghĩa vụ quân sự, sáng mai sẽ lên đường sớm. Ôtô đón ở đầu làng. Ngần không nói gì ra giếng múc thau nước để Nam rửa mặt rồi ra hè ngồi. Nam bưng mâm cơm lên giục Ngần ăn rồi lại chạy đi. Chắc Nam về chuẩn bị cho chuyến đi xa. Cổ Ngần nghẹn lại, đắng ngắt. Ngần lên giường nằm, người run lên, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Ngần khóc. Rồi thiếp đi.
 Đêm muộn. Ngần chợt cảm nhận được thân thể của Nam khe khẽ ghé xuống bên cạnh. Ngần đờ dại, lặng lẽ quay mặt vào vách. Hai hàng nước mắt lại lặng lẽ trào ra. Rồi cánh tay run rẩy của Nam vuốt nhẹ mái tóc Ngần. Ngần quay lại rúc đầu vào vầng ngực vạm vỡ của Nam. Rờ rẫm lên cổ, lên đầu, vùi bàn tay nhỏ bé vào mái tóc bù rối lâu ngày không cắt của Nam, Ngần thổn thức. Rồi Nam ôm ghì lấy Ngần. Bốn cánh tay siết chặt, những đôi chân quắp vào nhau, không rời. Màn đêm bị xé rách, mái nhà như chợt lật tung, Ngần bồng bềnh trôi, lên cao, cao mãi. Da thịt Ngần mờ ảo lẫn trong ánh trăng mờ. Nam cúi xuống ngậm chặt bầu vú nhỏ xinh nóng rẫy của Ngần. Mắt Ngần đờ dại, đẫm lệ. Hai người cuốn vào nhau. Ba bề bốn bên như có lửa cháy.
 Mây cuồn cuộn đổ về. Hàng cau ngả nghiêng những tàu lá già. Gió hun hút thổi báo hiệu một mùa đông sắp hết. Tất cả chợt như ngừng lại, vỡ òa, viên mãn. Ngần nằm vắt ngang giường, đầu gối lên bụng Nam, đờ đẫn. Nam thở gấp gáp, hai bàn tay nắm chặt hai bầu vú tròn, mẩy của Ngần, như sợ chúng tan biến.
Ánh trăng mùa này nhẹ nhàng lúc kín đáo khi lại như muốn phô bày tất cả. Rồi mây lại cuồn cuộn, tàu lá cau lại xào xạc, gió lại giật lên từng cơn. Họ quấn vào nhau, không rời, mặc cho đất trời vần vũ. Hai người miên man trong niềm hoan lạc bất tận. Không gian như ngừng trôi, thời gian như đứng lại. Trên đời này dường như chỉ có họ với đôi bầu vú tinh khiết, nóng ấm.
 Rồi tiếng gà sau vườn cất lên lảnh lói. Nam cựa mình, Ngần quay sang ghì chặt cổ không rời. Tự nhiên Ngần có cảm giác đất dưới chân giường như sắp sụt xuống.
-       Không, em không cho anh đi.
Nam nhẹ gỡ tay Ngần, ngồi dậy, thờ thẫn. Nam ngồi nhìn ra vườn lâu lắm. Rồi Nam với lấy cây ghi-ta. Tiếng đàn bập bùng, khắc khoải.

Tôi xa Hà Nội

năm lên mười tám

khi vừa biết yêu

Bao nhiêu mộng đẹp

yêu thương thành khói

tan theo mây chiều

Tiếng đàn lúc vút lên, khi lặn xuống, ngụp trong đổ nát. Ánh trăng non vằn lên những tia tím đỏ. Lời bài hát lặp đi lặp lại như lưu luyến, như phũ phàng, vùi dập. Rồi mọi thanh âm chợt ngưng giữa chừng. Một sợi dây bị đứt cắm thẳng vào bàn tay Nam. Ngần rú lên sợ hãi. Lo sợ trước điềm gở, Ngần lết đến ghì chặt đùi Nam, nức nở. Linh cảm cho Ngần thấy Nam đi sẽ không có ngày về.
Rồi Nam đứng dậy ngẩn ngơ ngắm Ngần gập mình dưới ánh trăng, da thịt ánh lên như con thiên nga lạc bầy. Khoác tấm áo bông sờn rách lên vai, Nam lách qua khe cửa hẹp, vội vã chạy đi. Ngần đổ ập xuống giường, hổn hển, miên man, mắt trợn trừng chực rách.
Từ đó, mây không còn cuồn cuộn kéo về. Hàng cau ngày càng già nua như cái bóng bên bờ ao. Chỉ có gió là vẫn thổi, vẫn hun hút, như muốn cuốn đi bao đớn đau, rên siết, nhớ nhung…
Đã hàng ngàn đêm Ngần nằm ôm cây đàn đứt dây thổn thức, đợi chờ. Nỗi nhớ ngày càng da diết, vật vã, lúc bùng lên dữ dội
Rồi chiến tranh cũng kết thúc. Nhiều người không trở về. Chú tôi cũng bặt vô âm tín. Sau này, khi tôi được sinh ra và lớn lên tôi nghe mọi người kể, từ ngày chú tôi đi bà Ngần rất ít khi ra khỏi nhà. Cứ đêm đến, nhất là những hôm có ánh trăng dân làng lại nghe tiếng gào rú như con sói hoang đi tìm bạn tình giữa thảo nguyên bất tận. Có người tò mò nhìn trộm qua khe cửa thấy Ngần đầu tóc rã rượi trần truồng lăn lộn trên giường. Chiếc đàn ghi ta đặt trên bụng, cần đàn nằm giữa hai bầu vú trắng bồng bềnh. Sợi dây đàn thõng thượt quấn quanh cổ.
 Lạ một điều là, bà Ngần chỉ lên cơn vào những đêm trăng cuối đông. Ngày thường bà vẫn miệt mài làm đồng. Giờ bà rất ít cười. Giáp mặt đàn ông môi bà mím chặt, ánh mắt lạnh lẽo, vô hồn. Chẳng còn chàng trai nào bén mảng đến nhà bà nữa. Họ sợ. Có đến thì bà cũng đuổi. Mọi người bảo bà bị điên tình. Bà điên tình với ai thì chẳng ai biết.
Phải hàng chục năm sau mới có một đoàn khách từ trên huyện xuống gặp ông bà tôi. Họ bảo xuống trao bằng Tổ quốc ghi công và làm lễ truy điệu cho chú tôi. Dân làng kéo đến chật nhà. Bà Ngần đến đầu tiên ngồi ở bậc thềm, nghe như nuốt lấy từng lời của cán bộ. Khi nghe thông báo chưa tìm được xác chú tôi, bà ngã vật xuống. Mọi người khiêng bà lên giường giật tóc mai mãi mới tỉnh.
Dân làng giờ mới biết bà là người yêu, là người tình, là vợ một đêm của chú tôi. Và cũng kể từ hôm đó, mọi người cũng không còn chứng kiến những cơn điên tình của bà Ngần nữa. Bà ít nói hơn, chăm chỉ làm lụng. Ai thuê làm gì bà cũng nhận. Quần quật cả ngày nhưng đến bữa bà chỉ ăn nửa bát cơm với mấy sợi rau muống chấm tương, vài củ khoai, củ sắn. Người làng bảo bà tiết kiệm để xây nhà. Bà chỉ lặng lẽ nghe. Mãi sau mọi người mới biết bà dành dụm để đi tìm mộ chú tôi.
Trước khi lên đường bà Ngần đến nhà tôi thắp hương cho chú Nam, xin phép ông bà tôi đi tìm hài cốt. Bà mượn tấm ảnh trên bàn thờ mang lên phố huyện nhờ chụp lại làm hai tấm. Tấm lớn để trên bàn thờ, tấm nhỏ gói ghém dắt trong người. Một sớm mùa đông lạnh lẽo, bà lặng lẽ khóa cửa đi bộ lên huyện đón xe vào Nam.
Chuyến đi kéo dài mấy năm trời. Cứ nghe ở đâu có người cùng đơn vị với chú tôi là bà tìm đến hỏi han. Hết tiền, bà xin làm thợ gặt, tráng bánh thuê. Gom góp được chút nào, bà lại đi. Nhiều lần lên cơn sốt rét, cảm lạnh phải nhờ đến người dân địa phương. Có phen tưởng chết.
Rồi trời cũng không phụ lòng người. Nhờ một đồng đội của chú tôi chỉ dẫn, ngôi mộ cuối cùng cũng được tìm thấy. Dưới lùm đất đen chỉ còn vài khúc xương, nhúm tóc với chiếc dép cao su. Bà Ngần bảo chắc chắn là của Nam chồng bà. Bà linh cảm thế. Bà xếp tất cả vào tay nải rồi buộc chặt sau vai. Bà cám ơn mọi người rồi tìm đường trở về.
Có những khi tiền hết,chẳng đi nhờ được ai, bà phải ngủ bờ ngủ bụi. Khi đói quá thì làm thuê kiếm củ khoai củ sắn. Đêm đến, bà đặt nhúm hài cốt chú tôi trên ngực, một li không rời. Thế mà có lần chiếc tay nải bị trộm cuỗm mất. Chẳng là có lần, giữa đêm hôm khuya khoắt bà Ngần thấy người đau như dần cố lết vào một túp lều trong chợ rồi thiếp đi. Thức dậy không thấy chiếc tay nải đâu bà như phát cuồng chạy đến từng nhà trong làng để hỏi. Đến trưa bà tã tượi quì ở giữa chợ cầu xin mọi người trả lại báu vật. Rồi, giữa đám đông người đi chợ, bà lảm nhảm kể về mối tình về nỗi gian truân đi tìm xương cốt của chồng. Bà cứ quì như thế gần một ngày trời. Đến đêm có người bảo bà quay lại túp lều hôm trước nhận lại những thứ bị mất. Chui vào lều bà thấy chiếc tay nải được gói trong một tờ báo, bên cạnh là nắm tiền lẻ nhàu nát. Bà ôm mọi thứ vào lòng khóc như mưa. Có lẽ tên trộm tưởng bên trong có gì quí giá nên rắp tâm lấy. Biết hoàn cảnh của bà, nó còn cho tiền. Bà lầm rầm cầu cho tên trộm được sung sướng suốt đời.
 Kể từ ngày tìm được hài cốt, phải mất tới hơn sáu tháng sau bà mới về được đến nhà. Chẳng ai nhận ra bà. Già nua, đen đúa, rụng mất mấy chiếc răng vì những cơn sốt rét rừng. Chỉ có ánh mắt là hồ hởi, mãn nguyện, luôn ánh lên những tia lửa yêu đương.
 Lúc đầu mọi người trong gia đình định đưa hài cốt chú tôi an táng tại nghĩa trang liệt sỹ, bà Ngần phải xin mãi, có lúc dọa tự tử mọi người mới đồng ý cho chôn tại làng, giao cho bà coi sóc. Bà Ngần sung sướng lắm. Thấy tôi biết vẽ vời bà bảo tôi thiết kế xây dựng ngôi mộ thật đẹp, thật hoành tráng. Tôi phải vẽ đi vẽ lại hàng trăm lần bà mới ưng ý. Rồi xe cộ ùn ùn chở về toàn đá màu đen, nghe nói đắt lắm, mua tận miền Trung. Suốt nửa tháng trời tôi thấy bà đôn đáo khắp nơi, nhắc nhở thợ từng li từng tí, mặt mũi hớn hở như trẻ lại. Tôi và người làng ai cũng vui lây.
Hôm khánh thành ai cũng khen ngôi mộ hoành tráng, đẹp không kém mộ của các đại gia trên phố. Bấm được ngày tốt, bà làm một bữa ra trò mời cả làng. Nhà tôi không phải đóng góp xu nào. Bà chỉ nhờ bố tôi và tôi thay mặt gia đình tiếp rượu mọi người.
Đến tối bà bảo tôi sang nhà tính toán hộ mọi chi phí. Cả tiền xây mộ lẫn liên hoan hết hơn mười cây vàng. Bà bảo tháng sau là kỉ niệm bốn mươi năm ngày bà và chú tôi nên vợ nên chồng. Giờ mọi chuyện đã xong, bà còn phải lo cho cuộc sống riêng. Thấy mắt bà đỏ hoe, tôi không dám hỏi gì, tự nhiên cũng thấy buồn.
Ít bữa sau có mấy người chuyển đến nhà bà Ngần ở, còn bà đi đâu không rõ. Hóa ra bà bán nhà, bán ruộng để lo mồ yên mả đẹp cho chú tôi. Sau ngày bà Ngần bỏ đi chừng một tuần, trong làng rộ lên chuyện bà Ngần đang kén chồng. Có người khen bà là người chu tất, có trước có sau, kẻ lại dè bỉu bà Ngần chừng nấy tuổi rồi mà chưa trót đời, còn thèm trai. Trong thâm tâm tôi chẳng tin những chuyện đó. Chỉ đến khi thằng bạn gọi điện kể bà Ngần lên huyện đặt may bộ váy cưới, niềm tin trong tôi bắt đầu rung rinh. Thôi thế cũng tốt. Cả cuộc đời bà chung tình với chú tôi, giờ cũng là lúc bà lo cho tuổi già. Cuối đời bà cũng cần một bờ vai để mà dựa dẫm. Nghĩ thế thôi chứ lòng tôi vẫn thấy man mác. Tôi vẫn muốn bà suốt đời ở vậy, vẫn muốn được bà ôm vào lòng kể cho nghe về mối tình của bà.
Rằm tháng chạp năm ấy, dù giữa tiết đại hàn, nhưng trời trong veo, nắng vàng trải suốt ngày, gió hun hút, rét như cắt lấy da thịt. Các cụ bảo nửa thế kỉ nay mới gặp kiểu thời tiết như thế này.
 Đêm hôm ấy, trăng mọc khá sớm, lành lạnh treo lơ lửng trên mái nhà. Từ ngày được nghe bà Ngần kể về cái đêm hoan lạc của bà, không hiểu sao mỗi đận trăng lên tự nhiên tôi cũng thấy bâng khuâng. Trăng mùa này đùng đục như cùi nhãn. Tắm mình trong thứ ánh sáng này người ta chỉ thấy buồn, tịnh chẳng còn chút háo hức nào. Có người bảo đây là thứ ánh sáng của tình yêu, của ly biệt, chẳng biết có đúng không.
Đêm đã khuya, nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài kín mít. Tiết trời này dễ bị cảm lạnh lắm. Đến đám thanh niên mà cũng lên giường sớm. Cái rét như kim châm khiến đàn chó không dám ra sân, nằm cuộn tròn trong đống tro bếp, nghe tiếng động lạ cũng chẳng buồn sủa.
 Đúng vào lúc dân làng đang chập chờn thiu thiu thì có tiếng gì đó lạ lắm vang vọng. Nó như tiếng rú, tiếng rít của gió, như tiếng sói hoang cô độc nơi rừng sâu núi thẳm, tiếng của quỉ rên, tiên hờn. Mấy đứa trẻ đang quấy khóc bỗng im bặt. Bọn trẻ làu bàu rúc sâu vào chăn. Còn cánh già lão thì trở mình bảo nhau bà Ngần về, lại bị điên tình rồi.
Lúc đó tôi chưa ngủ. Không hiểu sao tôi không thấy sợ thứ âm thanh này, còn thấy quen quen. Nó như lời thủ thỉ, mời gọi, rên rỉ, như giục giã, nài nỉ, van lơn. Nó phũ phàng mơn trớn, rạo rực. Tôi bỗng thấy người hừng hực lên, thấy khát khao một người đàn bà, để ôm, được cắn, được cào cấu. Tiếng rú rít ngoài kia lúc chậm rãi, lúc lại cuồn cuộn, dồn dập. Tôi oằn mình đau đớn đê mê.
Suốt đêm đó, người tôi chốc chốc lại giật lên từng hồi, bụng quặn lại, như muốn rút hết gan ruột ra. Tôi chìm trong hoan lạc, mê man. Nhiều lần tôi thấy mình biến thành hòn đá bị sóng nhồi lên cao rồi quật mạnh vào gốc cây, choàng tỉnh. Thấp thoáng đâu đây bóng dáng một thiếu nữ đẹp đẽ. Quãng nửa đêm, bóng hình này vụt cười lên một tràng dài rồi biến mất.  Mồ hôi khắp người tôi túa ra không ngừng. Cứ thế tôi thao thức, chập chờn, mộng mị. Phía dưới rốn đầm đìa chất dịch nhầy, nồng nồng, tanh tanh. Ngoài kia thứ âm thanh rờn rợn cũng không còn. Chỉ có mùi của những cơn rét ngọt vẫn lẩn quất đâu đây.

Trời đã sáng bạch, tôi vẫn cố ườn trong chăn, chẳng muốn dậy, mệt rã rời. Chợt có tiếng lao xao ngoài ngõ. Có ai đó nói bà Ngần đã chết. Tôi vùng khỏi chăn, lao ra ngoài. Ngoài cánh đồng người đông nghìn nghịt. Cán bộ pháp y đang làm việc. Tôi cố chen vào, chợt rùng mình khi thấy thi thể bà Ngần mặc bộ váy cưới màu trắng toát, rách tả tơi nằm sấp trên mộ chú tôi. Hai cánh tay dang ra bấu chặt lấy thành mộ, đầu nghiêng sang một bên, mắt và miệng hé mở, trắng bợt, thanh thản, mãn nguyện. Khi đứng cạnh xác bà tôi thấy thoang thoảng đâu đây mùi nồng nồng. Thứ mùi của dục vọng.
Khi tôi cùng người nhà khiêng xác bà vào hòm, thứ mùi này càng nồng nặc. Thi thể bà đã cứng, lạnh ngắt. Trong lúc lật bà lên, vô tình tôi chạm và bầu vú nhô hẳn ra ngoài lớp voan. Trời ơi, chúng nóng giãy. Hai núm vú đỏ hỏn như của thiếu nữ, vươn dài như muốn chọc thủng lớp đá, vươn xuống lớp đất đen bên dưới. Bà Ngần đã chết trong niềm hoan lạc tận cùng. Bà đã trở về cõi của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét