Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Hà Huy Tập - Người suốt đời chỉ đi trên một con đường

“Nếu tôi phải bị chết thì ở nhà không nên thờ cúng, điếu phúng, không cần tìm người lập tự. Gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như là người đã chết mà buồn, trái lại nên xem tôi như người còn sống nhưng đi vắng vô hạn mà thôi”. Trên đây là những lời nhắn nhủ cuối cùng gửi người thân và bạn bè của đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập trước khi ông lên đoạn đầu đài.

Đôi nét về một trong những vị Tổng Bí thư trẻ nhất Việt Nam
Dòng họ Hà xuất hiện ở Hà Tĩnh đã hơn 5 thế kỉ nay. Do những biến động của thời cuộc, dòng họ này tản mát khắp vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Hà Huy Tập là cháu đời thứ 13 của nhánh Hà Huy ở thôn Kim Nặc, tổng Thổ Ngoạ (nay là xã Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh). Thân phụ của Hà Huy Tập là Hà Huy Tương (đỗ Cống sinh nhưng không ra làm quan, ở nhà dạy học, bốc thuốc), còn thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc. Hà Huy Tập là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em.
Theo gia phả thì gia đình Hà Huy Tập thuộc hạng trung nông, có truyền thống Nho học. Với trí thông minh vốn có, ông được cha mẹ cho ăn học từ nhỏ. Khi Hà Huy Tập lên 10 tuổi (1916) thì người cha qua đời, gia cảnh lâm vào hoàn cảnh khó khăn, có lúc phải bán ruộng đi để ăn. Đỗ vào trường tiểu học Kiêm bị Pháp -Việt, Hà Huy Tập một thân một mình lên thị xã Hà Tĩnh theo học. Để có tiền ăn học, ông phải làm thêm nghề gia sư. Năm 1919, do thành tích học tập xuất sắc, Hà Huy Tập được chính phủ cấp học bổng 8 đồng mỗi tháng, ông liền xin chuyển sang học tại trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp bậc Thành chung hạng ưu. Không có điều kiện học tiếp, ông bắt đầu lập thân bằng nghề dạy học. Hà Huy Tập được điều động về dạy tại trường Pháp - Việt Nha Trang (Khánh Hoà). Trong mấy năm làm vệc tại đây, ông đã có dịp tiếp xúc với sách báo tiến bộ như Le Paria (Người cùng khổ), L’Humanité (Nhân đạo), được tiếp kiến những nhà yêu nước nổi tiếng như Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, những người sáng lập Hội phục Việt. Năm 1925, Hà Huy Tập quyết định gia nhập hội này.
Vốn được giáo dục tinh thần yêu nước từ nhỏ, Hà Huy Tập luôn dạy học trò của mình đạo lí làm người, kế thừa và phát huy những giá trị do tổ tiên để lại. Mỗi khi có điều kiện, ông lại kể cho học trò nghe về những tấm gương anh hùng bất khuất trong lịch sử, ươm mầm trong đầu óc các em tình cảm yêu nước thương nòi, yêu độc lập tự do, căm thù kẻ ngoại xâm. Vì những việc làm này mà Hà Huy Tập nhiều lần bị nhà cầm quyền nhắc nhở, theo dõi, tìm cách sa thải. Giữa năm 1925, Hà Huy Tập cùng một số đồng nghiệp và học trò kí vào bản kiến nghị đòi nhà cầm quyền thực dân thả chí sĩ Phan Bội Châu. Rồi tháng 3.1926, ông lại cùng nhân dân địa phương tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh. Để xây dựng cơ sở cho Hội Phục Việt ngày càng vững mạnh, Hà Huy Tập và các đồng chí tổ chức nhiều lớp học buổi tối, trước là để dạy chữ cho công nhân, sau là để giác ngộ tinh thần yêu nước cho các học viên. Để cách li Hà Huy Tập khỏi phong trào yêu nước địa phương, giữa năm 1926, nhà cầm quyền đã trục xuất ông ra khỏi địa phận Nha Trang. Về Vinh ( Nghệ An ), ông xin được một chân dạy học tại trường Cao Xuân Dục. Tại đây, ông tiếp tục mở rộng các cơ sở cho hội Phục Việt, tìm cách đưa thanh niên sang Quảng Châu dự những lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Lần này, hoạt động của Hà Huy Tập cũng không thoát khỏi ánh mắt cú vọ của nhà cầm quyền. Để cô lập ông, người Pháp điều ông về làm hiệu trưởng trường Phủ Bon (huyện Quỳ Châu). Hà Huy Tập từ chối liền bị công xứ Vinh cách chức giáo viên. Trước tình thế này, nếu tiếp tục để Hà Huy Tập ở lại Vinh sẽ không có lợi, lãnh đạo Hội Phục Việt quyết định cử ông vào Sài Gòn hoạt động bí mật.
Vào đến Sài Gòn, Hà Huy Tập xin dạy học tại An Nam học đường - Gia Định. Đầu năm 1928, Hà Huy Tập kết hôn với bà Nguyễn Thị Giáo. Vì liên quan đến hàng loạt cuộc bãi công, bãi khoá của học sinh, thợ thuyền, tháng 6.1928, Hà Huy Tập lại mất việc làm. Ông vào làm công cho một hiệu buôn, sau đó xuống Bà Rịa làm việc tại một đồn điền. Tại đây, ông gây dựng được một chi bộ của Tân Việt Đảng (Phục Việt đổi tên) do ông trực tiếp làm bí thư. Chi bộ hoạt động rất mạnh, đã tổ chức được nhiều cuộc bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm. Do một lần tình cờ kẻ thù khám xét trụ sở của Tân Việt Đảng phát hiện một số tài liệu liên quan đến Hà Huy Tập nên Tổng bộ Tân Việt phải đưa ông sang Quảng Châu lánh mặt. Tình hình chính trị Quảng Châu lúc này cũng không được thuận lợi, nên Hà Huy Tập tiếp tục đi Thượng Hải, sau đó tới Hồng Kông. Tháng 5.1929, Quốc tế Cộng sản đã tạo điều kiện cho Hà Huy Tập sang Liên Xô học tại trường Đại học Phương Đông. Đây là bước ngoặt có tính quyết định đến con đường chính trị của ông sau này.
Nhờ những cố gắng trong tu dưỡng đạo đức, nỗ lực trong học tập nên chỉ sau một thời gian ngắn học tập tại trường Đại học Phương Đông, ngày 23.10.1930 Hà Huy Tập được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau hơn 3 năm miệt mài học tập, đầu năm 1932, Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động. Do trục trặc trong khâu giấy tờ tuỳ thân, ông bị chính phủ Pháp trục xuất sang Bỉ, sau đó phải quay trở lại Liên Xô. Trong thời gian chờ đợi ở Matxcơva, Hà Huy Tập có điều kiện tìm hiểu kĩ hơn những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, nghiên cứu các điểm mạnh và chỉ ra các điểm yếu của các phong trào yêu nước Việt Nam. Đây là thời kì Hà Huy Tập viết khá nhiều tác phẩm đăng báo, in sách mang tính chất lí luận, chính trị có giá trị cao. Tháng 4.1933, một lần nữa Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản bố trí đưa về nước qua đường Trung Quốc. Tại Quảng Châu, Hà Huy Tập đã gặp Lê Hồng Phong. Vì cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đang gặp nhiều khó khăn ở trong nước nên hai ông quyết định thành lập Ban chỉ huy ở ngoài. Sau khoảng một năm chuẩn bị, tháng 6.1934, Hội nghị Ban chỉ huy ở ngoài đã diễn ra tại Ma Cao. Hội nghị đã thông qua nhiều văn bản quan trọng. Đồng chí Hà Huy Tập được đề cử vào Ban chỉ huy ở ngoài với vai trò uỷ viên, phụ trách tuyên truyền, cổ động, quản lí tạp chí Bônsơvich. Vào thời điểm này, Ban chỉ huy ở ngoài có chức năng như Ban chấp hành Trung ương Đảng, chỉ đạo mọi hoạt động của các cấp uỷ Đảng ở trong nước. Để phù hợp với tình hình mới, kịp thời vạch ra sách lược đấu tranh, củng cố và phát triển Đảng, Ban chỉ huy ở ngoài quyết định gấp rút chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ nhất. Và ngày 27.3.1935, Đại hội đã khai mạc tại Ma Cao. Vì thời gian này đồng chí Lê Hồng Phong thay mặt Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, nên đồng chí Hà Huy Tập đứng ra chủ trì Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất. Tại Đại hội, Hà Huy Tập đã đọc bản báo cáo chính trị quan trọng. Bản báo cáo này được nhất trí thông qua và trở thành nghị quyết chính của Đại hội. Các đại biểu đã bỏ phiếu bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng thư kí (Tổng Bí thư). Hà Huy Tập giữ chức thư kí Ban chỉ huy ở ngoài.
Giữa năm 1936, Hà Huy Tập bí mật về nước, đặt cơ quan ở làng Tân Thới Nhứt, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Đây là thời kì ở Pháp cũng như tại Việt Nam đang có những biến động chính trị hết sức sâu sắc, tương đối thuận lợi cho các tổ chức cách mạng hoạt động. Tháng 8.1936, Hà Huy Tập công bố bức thư ngỏ kêu gọi các đảng phái chính trị tiến bộ sát cánh bên nhau tổ chức Đông Dương đại hội (phong trào do chí sĩ Nguyễn An Ninh khởi xướng). Mặc dù Đông Dương đại hội không tiến hành được, nhưng Hà Huy Tập đã góp một tiếng nói quan trọng tạo nên phong trào quần chúng sôi nổi trong cả nước.
Thực dân Pháp cũng bắt đầu đánh hơi được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã có mặt ở trong nước, đứng sau chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Chúng ráo riết truy lùng những người đứng đầu, cấm mọi hoạt động có tính chất phong trào. Để ổn định tổ chức, tháng 7.1936, tại Hội nghị cán bộ, Hà Huy Tập được bầu giữ chức Tổng Thư kí (Tổng Bí thư) khi đồng chí vừa tròn 30 tuổi. Nhờ những hoạt động hết sức sáng tạo, năng nổ của Ban chấp hành Trung ương và đặc biệt là của đồng chí Hà Huy Tập mà các tổ chức Đảng trong cả nước phát triển mạnh mẽ. Tính tới tháng 9.1937, tại các chi bộ trong và ngoài nước đã kết nạp được 925 đảng viên, đã tổ chức in ấn và phát hành được 21 tờ báo cả công khai và bí mật. Vì một số thiếu sót trong chủ trương nên tại Hội nghị Trung ương tháng 3.1938, Hà Huy Tập không được đề cử làm Tổng Thư kí nữa, thay thế là đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Tuy nhiên, Hà Huy Tập vẫn có chân trong Ban Thư kí và là Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương.
Từ giữa năm 1938 tình hình chính trị thế giới và nước Pháp có những diễn biến hết sức phức tạp. Chủ nghĩa phát xít ngày càng chiếm ưu thế. Mặt trận nhân dân Pháp đang từng bước tan rã. Phái hữu thắng thế tìm cách cướp chính quyền. Ngày 1.5.1938, trong một chuyến công tác, Hà Huy Tập không may rơi vào tay giặc. Lấy cớ Hà Huy Tập sử dụng thẻ thuế thân của người khác, nhà cầm quyền thực dân xử ông 8 tháng tù, 5 năm cấm lưu trú ở Nam kì. Tháng 8.1939, Hà Huy Tập được thả. Ông về sống tại quê nhà.
Chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, người Pháp lo ngại những nhà cách mạng Việt Nam có thể kích động dân chúng làm loạn nên đã ra lệnh bắt bớ, giam cầm, giết hại hàng loạt đảng viên Cộng sản, trong số đó có cả những yếu nhân như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… Ngày 3.3.1940, Hà Huy Tập bị bắt trở lại, kẻ thù giam ông tại khám Lớn (Sài Gòn). Ngày 3.9.1940, toà Tiểu hình Sài Gòn đã xử Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập mỗi người 5 năm tù, 10 năm quản thúc. Vài tháng sau xảy ra cuộc khởi nghĩa Nam kì, kẻ thù đàn áp dã man những nhà cách mạng Việt Nam. Để ngăn chặn hậu hoạ, ngày 25.3.1941, toà án quân sự Sài Gòn mở phiên đại hình kết án tử hình hàng loạt cán bộ cốt cán của Đảng, trong đó có Hà Huy Tập. Ngày 28.8.1941, Hà Huy Tập cùng nhiều đồng chí bị đưa ra pháp trường ở ngã tư Giếng Nước - Hóc Môn - Gia Định (nay là Trung tâm Y tế thành phố Hồ Chí Minh) hành hình.

Người chỉ huy tài ba trên mặt trận báo chí - lí luận
Hà Huy Tập là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Cũng như các nhà cách mạng tiền bối, ngay từ khi còn rất trẻ, ông đã rèn luyện cho mình khả năng viết sách, viết báo hết sức linh hoạt, có tính lí luận chặt chẽ. Trong gần 20 năm hoạt động cách mạng, Hà Huy Tâp đã viết được 5 cuốn sách và hàng trăm bài báo. Tiếc là, cho đến nay, số lượng bài báo của ông chúng ta tìm được không nhiều. Thời kì Pháp chiếm đóng, không chỉ riêng ông, tất cả các nhà cách mạng Việt Nam, khi viết bài đăng báo, họ ít khi kí tên, nếu có cũng chỉ dùng bút danh. Thực tế này đã cản trở rất nhiều khi chúng ta muốn tìm hiểu, nghiên cứu về họ.
Cho đến nay, chúng ta chưa thể xác định được những bài viết đầu tiên trong sự nghiệp chính trị cũng như báo chí của Hà Huy Tập. Trong tiểu sử tự thuật của ông cũng không thấy đề cập đến khía cạnh này. Việc sử dụng bút danh của Hà Huy Tập cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Căn cứ từ nhiều nguồn khác nhau, chúng ta chỉ có thể tạm cho rằng, một trong những bài viết sớm nhất của Hà Huy Tập xuất hiện trên tạp chí Cahiers du Bolchévisme - Cơ quan lí luận của Đảng Cộng sản Pháp. Như trên đã nói, từ tháng 7.1929 đến tháng 4.1932, nhờ sự giới thiệu của Quốc tế Cộng sản, Hà Huy Tập được tiếp nhận vào học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Theo qui định của trường này thì tất cả học viên, ngoài việc nghiên cứu sâu sắc các tác phẩm kinh điển của Mác-Lênin, còn phải thường xuyên viết bài cho các báo, tạp chí của những tổ chức đảng nằm trong hệ thống Quốc tế Cộng sản. Một trong những bút danh đầu tiên Hà Huy Tập sử dụng vào thời kì này là Hồng Thế Công. Vào tháng 11.1931, nhân kỉ niệm 2 năm thành lập Đảng, trên tạp chí Cahiers du Bolchévisme, Hà Huy Tập viết bài Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, phân tích vai trò của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Bài báo đã tổng kết một cách khái quát tiến trình hoạt động, chỉ ra những thành công cũng như mặt tồn tại cần khắc phục của Đảng ta. Phần cuối bài ông nhấn mạnh: “Mặc dù còn trẻ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tỏ rõ một sự vững vàng về hệ tư tưởng vô sản, một tính chiến đấu mẫu mực, một nghị lực hành động, một chủ nghĩa anh hùng đáng khen giữa cuộc đàn áp đẫm máu của đế quốc Pháp…”. Và trong bối cảnh đầu những năm 1930, khi các phong trào cách mạng Việt Nam đang bị đàn áp khốc liệt, Hà Huy Tập đã bộc lộ rõ tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cộng sản: “Đảng Cộng sản Đông Dương sẽ có thể chiến thắng không khó khăn gì mọi khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa xuất hiện và sẽ còn xuất hiện nữa”.
Trước sự thoái trào tạm thời của cách mạng Việt Nam, nhiều phần tử cơ hội đã tìm cách loại bỏ vai trò của Đảng Cộng sản Đông Dương. Chúng cũng lợi dụng diễn đàn báo chí để xuyên tạc, bôi nhọ đường lối đấu tranh của Đảng. Nhằm đập tan luận điệu này, tháng 2.1932, Hà Huy Tập đã có thư Gửi ban biên tập tạp chí Bolchévisme. Ông nhấn mạnh vai trò không thể đảo ngược của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời là phù hợp với tất yếu khách quan, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của xã hội. Đồng thời ông cũng khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, phê phán tư tưởng bi quan chủ nghĩa. Hà Huy Tập đã vạch ra những bước đi chiến lược cho Đảng Cộng sản Đông Dương trong thời gian trước mắt và lâu dài. Ông yêu cầu phải nhanh chóng củng cố và xây dựng các cơ sở Đảng một cách có hệ thống, cương quyết loại bỏ những phần tử cơ hội trong Đảng, đặt mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc lên hàng đầu. Ông nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng tôi nặng nề và khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ biết cách vượt qua tất cả những trở ngại và những khó khăn sẽ xuất hiện trước mắt chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn tiến bước với niềm phấn khởi và nghị lực nhiều hơn nữa. Thắng lợi của cách mạng Đông Dương sẽ ở trong tay chúng tôi, chúng tôi chỉ việc tiến tới đó bằng tranh đấu”…
Đầu những năm 30 của thế kỉ trước, ở Việt Nam xảy ra nhiều biến động chính trị lớn. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương đã gây mối lo ngại lớn cho nhà cầm quyền thực dân. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái tuy thất bại nhưng đã làm rung chuyển nước Pháp. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã làm thức tỉnh tinh thần đấu tranh vì tự do, cơm áo trong nhân dân cả nước. Đây là những lí do chính để người Pháp đàn áp đẫm máu cách mạng Việt Nam. Hàng trăm đảng viên Cộng sản bị bắt, hầu hết các cơ sở Đảng trong cả nước bị phá vỡ, 13 lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng bị lên đoạn đầu đài. Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta - đã bị bắt và sau đó từ trần. Để tỏ lòng tiếc thương, đồng thời khẳng định ý chí của người dân Việt Nam, cũng trên tạp chí Bolchévisme, số ra ngày 26.2.1932, đồng chí Hà Huy Tập đã có bài Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Bài báo đã khắc hoạ một cách rõ nét quá trình hoạt động cùng những công lao to lớn của đồng chí Trần Phú đối với cách mạng Việt Nam. Bài báo nhấn mạnh: “Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư của Đảng ta đã mất nhưng tên của đồng chí sống mãi không những trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương, mà còn sống mãi trong lòng nhân dân lao động Đông Dương, trong thời đại ngày nay và sau này. Sự nghiệp cách mạng, tinh thần hi sinh và đạo đức cách mạng tuyệt vời của đồng chí Trần Phú ở trong nhà tù đế quốc phải được coi là tấm gương sáng chói cho những người cộng sản ở tất cả các nước nói chung và cho những người cộng sản ở Đông Dương nói riêng”.
Cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỉ trước, sự xuất hiện của Chủ nghĩa cải lương quốc gia đã có những tác động không nhỏ đối với phương thức đấu tranh cách mạng tại các xứ thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Để giúp các nhà cách mạng giữ vững quan điểm, lập trường, đầu năm 1932, Hà Huy Tập đã viết bài Đảng Cộng sản Đông Dương đứng trước Chủ nghĩa cải lương quốc gia. Trong bài báo của mình, ông đã phân tích cặn kẽ sự khác biệt cơ bản giữa hai khuynh hướng quốc gia cải lương và cải lương cách mạng. Hà Huy Tập chỉ rõ chủ nghĩa cải lương quốc gia chính là công cụ của giai cấp tư sản, bao giờ nó cũng đi ngược lại với lợi ích của giai cấp công - nông. Trên cơ sở những phân tích này, Hà Huy Tập đề ra những nhiệm vụ cấp bách cho Đảng Cộng sản Đông Dương là phải cương quyết đấu tranh với tư tưởng phản động của giai cấp tư sản, đồng thời ổn định về mặt nhận thức cho tầng lớp tiểu tư sản, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân đứng lên đấu tranh đòi quyền sống cho mình. Mặc dù ở xa tổ quốc, nhưng Hà Huy Tập luôn theo dõi sát mọi diễn biến chính trị tại Đông Dương. Trước những động thái mị dân của nhà cầm quyền thực dân, tháng 3.1932, Hà Huy Tập đã viết bài Những cải cách đế quốc chủ nghĩa. Trong bài viết này, Hà Huy Tập chỉ rõ, mọi sự “cải cách” chỉ nhằm xoa dịu xã hội sau cuộc đàn áp các phong trào cách mạng Việt Nam diễn ra 2 năm trước đó. Sự nới lỏng về mặt luật pháp, sự đầu tư về mặt kinh tế về cơ bản chỉ nhằm phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa của người Pháp, nhằm mục tiêu thâm độc cách li dân chúng với Đảng Cộng sản. Sau khi chỉ rõ âm mưu đen tối của kẻ thù, đồng chí Hà Huy Tập khẳng định: “ Đảng biết động viên quần chúng, nếu Đảng biết vận dụng đường lối đúng đắn của Quốc tế Cộng sản, thì Đảng sẽ thắng cuộc, các điều kiện khách quan là thuận lợi đối với chúng ta hơn bao giờ hết”.
Như trên đã nói, tháng 6.1934, tại Hội nghị Ban chỉ huy ở ngoài diễn ra ở Ma Cao, Hà Huy Tập được giao phụ trách tờ báo Bônsơvích. Có lẽ đây là tờ báo đầu tiên do đồng chí trực tiếp sáng lập và quản lí chung. Mặc dù trên Măng-xét báo ghi là “Cơ quan lí thuyết của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương” nhưng thực chất đây là cơ quan ngôn luận chính của Đảng, bởi lúc này ở trong nước không có tờ báo nào của trung ương. Báo ra số đầu tiên vào tháng 6.1934 in ở nước ngoài nhưng lại chủ yếu phát hành trong nước. Đây là dạng tạp chí, lưu hành nội bộ, viết bằng bút thép trên giấy sáp, khổ 19cm x 24cm. Với bút danh Hồng Thế Công, Hà Huy Tập viết hầu hết các bài xã luận, bình luận về tình hình chính trị trong và ngoài nước trên tờ báo này.
Tháng 8.1936 Hà Huy Tập bí mật về nước. Lúc này, tại Sài Gòn, báo La Lutte (số 1 ra ngày 24.4.1933) đang hoạt động khá sôi nổi. Đây là tờ báo phức tạp về mặt chính trị tập hợp cả những người theo khuynh hướng cộng sản như Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Nguyễn và những phần tử Tờ-rốt-kít như Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh… Vì chưa có điều kiện ra tờ báo riêng nên thời gian đầu hoạt động trong nước, Hà Huy Tập chủ yếu viết cho báo này. Tuy nhiên không vì thế mà các bài viết của ông bị ảnh hưởng bởi các xu hướng chính trị khác. Ông đã nhiều lần vạch rõ những sai lầm của nhóm Tờ-rốt-kít về mặt quan điểm cũng như phương pháp đấu tranh. Để khẳng định lập trường của mình, Hà Huy Tập viết Thư ngỏ gửi nhóm La Lutte đăng báo La Lutte số 122 ra ngày 31.12.1936 chỉ rõ những sai lầm của nhóm Tờ-rốt-kít , kêu gọi các lực lượng gạt bỏ những chính kiến riêng, đoàn kết chống kẻ thù chung. Trên La Lutte số 148 ra ngày 13.5.1937, Hà Huy Tập đã có bài Ủng hộ hay phản đối Mặt trận nhân dân, phê phán quan điểm của nhóm Tạ Thu Thâu muốn giải tán Mặt trận nhân dân Pháp bằng một chính phủ triệt để cách mạng. Ông chỉ rõ: “ Hệ quả trực tiếp là mời bọn giết người phát-xít lên nắm quyền và sau đó, giai cấp vô sản và quần chúng lao động sẽ bị tàn sát, những tàn tích dân chủ tư sản sẽ hoàn toàn bị xoá bỏ, và lúc ấy chỉ sống sót một điều duy nhất: tội ác của những ai đã chuẩn bị cho chủ nghĩa phát xít lên cầm quyền”… Và sau đó, ông khẳng định vai trò cần thiết của Mặt trận nhân dân Pháp đối với cách mang Việt Nam cũng như phong trào cách mạng tại các xứ thuộc địa nói chung: “Sự có mặt của những người tư sản tự do trong Mặt trận nhân dân sẽ tách một bộ phận quan trọng những giai cấp trung gian ra khỏi ảnh hưởng của bọn phản động, gieo rắc sự hoang mang trong một số nhóm phản động của các giai cấp thống trị bản xứ và bằng cách ấy cơ sở xã hội của chủ nghĩa đế quốc sẽ thu hẹp một phần, có lợi cho quần chúng nhân dân”…
Vì những bất đồng ngày càng sâu sắc dễ dẫn tới những hiểu lầm trong dân chúng, Hà Huy Tập và những các đồng chí của mình quyết định rời La Lutte, thành lập tờ L’ Avant-garde. Đây là cơ quan ngôn luận chính thức của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo ra số đầu tiên ngày 29.5.1937, do Tổng Bí thư Hà Huy Tập sáng lập và chỉ đạo trực tiếp, Nguyễn Văn Nguyễn làm Thư kí toà soạn, quản lí là Trần Văn Hiển. Cũng như hầu hết những tờ báo của Đảng trước đây, L’ Avant-garde có tuổi thọ rất ngắn ngủi. Báo chỉ sống được 8 số thì bị chính quyền cấm xuất bản. Mặc dù vậy, báo cũng đã ít nhiều gây được tiếng vang trong dân chúng. Bạn đọc cũng đã kịp biết đến bút danh Hongquivit (HQV) của Hà Huy Tập. Ngay trong số 1, ông đã có 2 bài. Bài đầu in trên trang nhất có tiêu đề Quan điểm chính trị của chúng tôi. Ngoài ý nghĩa như lời “phi lộ”, bài này nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa những người Cộng sản (nhóm L’ Avant-garde) với nhóm Tờ-rốt-kít (báo La Lutte). Bài báo có đoạn: Chúng tôi tự nhận nhiệm vụ lịch sử nặng nề, giữ vai trò tiên phong của giai cấp vô sản, bảo vệ lợi ích hằng ngày và toàn bộ cho tất cả nhân dân bị áp bức ở Đông Dương, chúng tôi sẽ không ngừng phổ biến trong quần chúng nhân dân xứ này mục đích đúng đắn và cao quí cuộc vận động giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô là sức mạnh của cách mạng thế giới, hoà bình của toàn thể loài người. Đồng thời là cơ quan chiến đấu và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin chính thống, chúng tôi đấu tranh không ngừng chống các khuynh hướng tư tưởng thù địch với việc giải phóng giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân dưới ách tư bản chủ nghĩa. Chúng tôi tố cáo mọi kẻ thù của Mặt trận nhân dân đứng đầu là bọn lãnh tụ Tờ-rốt-kít chửi bới các Đảng Cộng sản và Liên Xô, chia rẽ phong trào cách mạng quốc tế…”.
Ngoài nội dung có tính chất luận chiến hết sức có giá trị trên, hầu như số nào của L’ Avant-garde, Hà Huy Tập cũng có bài. Các bài viết của ông thời kì này chủ yếu tập trung ở mấy vấn đề: Nêu rõ tầm quan trọng của Mặt trận nhân dân Pháp đối với cách mạng Việt Nam, bảo vệ đường lối đấu tranh của Đảng, chống thực dân, phong kiến và các lực lượng phản động đội lốt cộng sản. Có thể nói, các bài viết của Hà Huy Tập có ý nghĩa như kim chỉ nam cho các chiến sỹ cộng sản lúc đó. Chúng đã góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Sau khi L’ Avant-garde ngừng hoạt động, Hà Huy Tập tiếp tục viết bài đăng trên báo Kịch bóng bộ mới với bút danh Châu Dân. Đây là tờ báo của quần chúng tiến bộ được Đảng ta thuê lại, giao cho đồng chí Nguyễn Văn Trấn quản lí. Báo chỉ ra được 1 số ngày 28.8.1937 thì bị cấm. Hà Huy Tập viết cho báo này vẫn tập trung vào việc vạch ra những luận điệu phản động, sai trái của nhóm Tờ-rốt-kít. Để thay thế cho L’Avent-garde, tháng 9.1937 Trung ương Đảng quyết định xuất bản tờ báo tiếng Pháp tiếp theo Le Peuple, do Tổng Bí thư Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo, đồng chí Dương Bạch Mai làm Giám đốc chính trị, Nguyễn Văn Kỉnh quản lí chung. Thực chất, Le Peuple là phiên bản của L’Avent-garde. Tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ chính trị của hai tờ là giống hệt nhau. Báo phát hành hàng tuần, vào ngày thứ tư, số đầu tiên ra ngày 24.9.1937. Ngoài Le Peuple, cũng trong thời gian này, Hà Huy Tập còn viết cho báo En Avant (báo ra thứ sáu hàng tuần, xuất bản tại Hà Nội, số1 ra ngày 20.8.1937, do Ngô Lê Động sau đến Lưu Bách Đoán làm quản lí)… Hầu hết các bài viết quan trọng của ông sau này đều được in thành sách. Nhiều cuốn đã trở thành tài liệu huấn luyện quan trọng cho các đảng viên.
Sự nghiệp hoạt động báo chí của Hà Huy Tập hết sức phong phú. Thứ văn phong chính trị, lập luận chặt chẽ, khoa học của ông đã có những ảnh hưởng nhất định đối với nhiều thế hệ nhà báo cách mạng sau này. Rất tiếc là, ông đã ra đi quá sớm khi tuổi đời còn trẻ, để lại sự thiệt thòi không gì có thể bù đắp được cho cách mạng nước ta. Theo gương ông, nhiều thế hệ nhà báo-chiến sỹ tiếp tục lao vào trường tranh đấu. Nhiều người đã ngã xuống, nhưng xương máu của họ không bị uổng phí. Thứ xương máu vô cùng quí giá đó đang ngày đêm vun trồng cho rừng hoa Báo chí Cách mạng Việt Nam mãi mãi thắm tươir

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét