Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Nguyễn Văn Tạo: mênh mang một thoáng hương lòng vì ai!


Cuối năm 1946, tại phiên họp thứ 2 của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, thay mặt người dân Nam bộ, một vị đại biểu rất trẻ đã vinh dự đọc lời chúc mừng. Bằng giọng văn khi hùng hồn, sục sôi khi tha thiết, tác giả đã phơi bày tội ác của thực dân Pháp đối với hơn 5 triệu người dân Nam bộ, những người đang từng ngày, từng giờ đổ máu bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Bài diễn văn vừa kết thúc, Hồ Chủ tịch tiến nhanh lên diễn đàn ôm chặt lấy tác giả. Trên gò má của Người chan chứa những giọt nước mắt nóng bỏng. Diễn giả khiến Bác Hồ phải rơi lệ chính là đồng chí Nguyễn Văn Tạo, một nhà báo lỗi lạc của Đảng ta.Một người Việt là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp


Nguyễn Văn Tạo sinh ngày 20.5.1908 tại làng Phước Long, tổng Long Hưng Hạ (Chợ Lớn), trong một gia đình có truyền thống Hán học. Cụ thân sinh là Nguyễn Văn Tuân, được làng cử làm Hương văn, đồng thời có thêm nghề mộc. Thân mẫu của Nguyễn Văn Tạo là Huỳnh Thị Huyền. Nguyễn Văn Tạo là con út trong gia đình, trên ông còn có nhiều anh chị nhưng đều không nuôi được. Người mẹ đã chết khi vừa sinh ra ông. Người cha cũng mất sau đó mấy năm, Nguyễn Văn Tạo về ở với người chú tên là Nguyễn Văn Kiệt. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tình thương của những người ruột thịt, đã lấy đi của ông bao điều đẹp đẽ của tuổi ấu thơ. Sống trong cô đơn, thiếu thốn, Nguyễn Văn Tạo chỉ còn biết chúi đầu vào cuốn “Không gia đình” của Hecto Malo. Ông như tìm thấy mình ở trong đó.
Sống với người chú, Nguyễn Văn Tạo tỏ ra khôn ngoan và chín chắn hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Ông không ham chơi, ngoài giờ học, ở nhà phụ giúp người lớn việc nhà. Từ khi còn rất nhỏ, ông đã nổi tiếng giỏi và chăm học nên luôn được học bổng. Chuyển lên trung học, Nguyễn Văn Tạo thi đỗ vào trường Chasseloup Loubat, học cùng với đám con Tây. Chính tại ngôi trường này, ông đã rút ra được nhiều điều. Trước hết, ông thấy bất bình về việc học sinh Việt Nam nhưng phải nghe giảng bằng tiếng Pháp. Tiếng Việt bị coi là ngoại ngữ, mỗi tuần chỉ được học 2 giờ. Bị giam hãm trong 4 bức tường trường học nhưng tình cảm và trái tim Nguyễn Văn Tạo luôn bay bổng ở bên ngoài. Khi có điều kiện là ông cùng chúng bạn trốn học tham gia các phong trào đấu tranh sục sôi của các tầng lớp nhân dân lao động. Ở đâu có Nguyễn An Ninh diễn thuyết là ở đó có mặt ông. Về đến trường, ông kể lại rành rẽ cho chúng bạn nghe, góp phần giác ngộ tinh thần yêu nước cho họ. Nhiều người sau này đã tìm đến với cách mạng.
Vào những năm 1925-1926, ở Việt Nam xảy ra nhiều biến cố lớn. Phan Chu Trinh về nước và mất tại Sài Gòn đã gây tiếc thương trong dân chúng. Nhân dân cả nước đã tổ chức để tang ông. Phan Bội Châu bị bắt và bị đưa về nước xét xử. Khắp xứ Đông Dương sục sôi phong trào đấu tranh đòi người Pháp phải thả nhà chí sĩ. Rồi Nguyễn An Ninh, thần tượng của thanh niên Nam kỳ cũng bị kẻ thù bắt giam. Hành động này như sự bóp nghẹt cuối cùng những ấm ức dồn nén bao lâu nay trong dân chúng. Cả Nam kỳ xuống đường đấu tranh. Và đi trong hàng ngũ đó luôn có mặt cậu học trò có dáng vẻ thấp nhỏ Nguyễn Văn Tạo. Ông là một trong những người bị nhà cầm quyền thực dân liệt vào hạng cầm đầu và bị đuổi học. Nguyễn Văn Tạo không thể về quê vì sợ liên lụy đến người chú, mà ở lại Sài Gòn thì rất khó kiếm được việc làm, ông quyết định tìm đường sang Pháp tiếp tục sự nghiệp học hành, và để được gặp một nhân vật nổi tiếng: Nguyễn Ái Quốc.
Nhờ số tiền của người chú cho và sự giúp đỡ của bạn bè, Nguyễn Văn Tạo được bí mật đưa lên con tàu Chanilly. Sau hàng tháng trời lênh đênh trên biển, cuối cùng, ông cũng tới được Marseill, được đưa về Aix en Provence. Được sự bảo lãnh của ông Huỳnh Văn Vạn, Hội trưởng Hội ái hữu người Việt, Nguyễn Văn Tạo được nhận vào học tiếp tại trường trung học Lycée mignet. Để có tiền ăn học, ông được Nguyễn Văn Trân giới thiệu làm công việc trông trẻ. Và cũng chính tại đây, Nguyễn Văn Tạo được giác ngộ, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (cuối năm 1926). Gần một năm sau, Nguyễn Văn Tạo mới có điều kiện lên Paris. Rất tiếc là, ông đã không được gặp Nguyễn Ái Quốc. Nhờ các đồng chí giới thiệu, Nguyễn Văn Tạo xin được việc làm tại xưởng sơn mài Duhand. Khi có việc làm ổn định, ông đăng kí vào Đại học Văn khoa. Tại đây, ông được các đảng viên người Pháp, người Việt rất tín nhiệm, quí trọng, đề cử lên làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, chuyên theo dõi các phong trào thuộc địa. Nhờ hoạt động rất xông xáo, Nguyễn Văn Tạo được Đảng giao nhiệm vụ thường xuyên đi về các tỉnh để gây dựng, tổ chức phong trào trong cộng đồng người Việt. Đây là dịp để ông làm quen, thân thiết với nhiều nhà cách mạng lỗi lạc như Trần Văn Hiển, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Dực… Chỉ mới gần 2 năm ở nơi xứ người, Nguyễn Văn Tạo đã gây dựng được cho mình chỗ đứng vững chắc trong Đảng Cộng sản Pháp, là đại biểu chính thức tại các cuộc họp quan trọng của Đảng. Tháng 8.1928, Nguyễn Văn Tạo được tham gia cùng phái đoàn Pháp sang Mát-xcơ-va dự đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI. Tại đây, với bí danh An, thay mặt những người dân thuộc địa, ông đã đọc một bản tham luận nổi tiếng, phơi bày những nỗi thống khổ mà người dân thuộc địa đang phải gánh chịu. Tại kì Đại hội này, Nguyễn Văn Tạo đề nghị Quốc tế Cộng sản tạo điều kiện cho việc thành lập một chính Đảng Cộng sản tại Việt Nam: “Điều bức thiết là chúng tôi phải có một tổ chức cách mạng có tính chất quần chúng để chúng tôi trở nên đội tiên phong của phong trào cách mạng Đông Dương”. Và bản tham luận của Nguyễn Văn Tạo đã được đưa vào nghị quyết của Đại hội. Cũng trong dịp này, Nguyễn Văn Tạo có dịp gặp và làm quen với các nhà cách mạng lớn người Việt như Trần Phú, Nguyễn Thế Rục, Bùi Công Trừng, Nguyễn Khánh Toàn, những người đang theo học trường Phương Đông tại Mát-xcơ-va.
Sau Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Pháp có những thay đổi về mặt nhân sự. Một số Ủy viên Trung ương được bầu bổ sung và Nguyễn Văn Tạo đã trúng với số phiếu khá cao. Như vậy là, ngoài Nguyễn Ái Quốc (một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp), Nguyễn Văn Tạo là người đầu tiên và duy nhất trở thành Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp tính tới thời điểm đó. Từ đây, ông có nhiều hoạt động tích cực đóng góp chung cho sự phát triển của Đảng bạn, được các đồng chí người Pháp đánh giá cao.
Đầu những năm 1930, tình hình chính trị trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái do Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước. 13 yếu nhân của đảng này bị bắt và bị đưa lên đoạn đầu đài. Cũng vào dịp này, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập đã gây những mối lo ngại không nhỏ cho nhà cầm quyền thực dân. Rồi phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh xảy ra sau đó ít tháng là những lí do để người Pháp tiến hành cuộc khủng bố đỏ kéo dài mấy năm trời. Không ít chiến sỹ cách mạng ưu tú của chúng ta đã ngã xuống. Hoà chung với không khí đấu tranh trong nước, sinh viên và người lao động Việt Nam tại Pháp nhiều lần xuống đường đòi nhà cầm quyền thả những nhà cách mạng tham gia vụ khởi nghĩa Yên Bái, đòi cải thiện tự do, dân chủ, dân sinh… Đáng chú ý nhất là cuộc biểu tình trước điện Elysee của hơn 200 sinh viên người Việt Nam. Hàng chục người bị bắt. 19 sinh viên cốt cán bị trục xuất về nước. Nguyễn Văn Tạo cũng bị bắt, nhưng bị giam giữ tại ngục Santé. Vì không đủ chứng cớ, nhà cầm quyền không thể đưa ông ra xét xử. Nhờ sự đấu tranh mạnh mẽ, dai dẳng của các đồng chí ở bên ngoài, sau 8 tháng, người Pháp buộc phải thả ông. Nếu để Nguyễn Văn Tạo tiếp tục ở Paris sẽ có nhiều bất lợi, nhà cầm quyền quyết định bắt cóc Nguyễn Văn Tạo, đưa ông lên một con tàu của quân đội chở về Việt Nam. Cảm thấy mình có thể bị thủ tiêu trên biển, ông đã tìm cách liên lạc được với các đồng chí Pháp trên đất liền. Hàng loạt bài báo vạch trần thủ đoạn của nhà cầm quyền đối với Nguyễn Văn Tạo được báo L’ Humanité đăng tải đã buộc kẻ thù phải thay đổi ý đồ. Nguyễn Văn Tạo đã về đến Việt Nam an toàn một phần nhờ lá thư của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đề ngày 3.5.1931 “Hãy cứu đồng chí Nguyễn Văn Tạo của chúng ta” được gửi đi khắp thế giới.
Ngày 29.5.1931, Nguyễn Văn Tạo về đến Sài Gòn. Đảng Cộng sản pháp đã cử một luật sư sang Việt Nam theo dõi tình hình, đề phòng nhà cầm quyền thực dân có những thủ đoạn đê hèn đối với ông. Do Nguyễn Văn Tạo cũng như Dương Bạch Mai, Trần Văn Hiển, Nguyễn Văn Trân đều là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nên nhà cầm quyền không dám đàn áp trắng trợn; tức tối nhìn các ông hoạt động công khai mà không làm gì được, chỉ có thể cử người theo dõi ngầm.
Năm 1933, được sự động viên của các đồng chí và nhất là của chí sĩ Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo ra ứng cử Hội đồng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch trúng với số phiếu rất cao. Lấy lí do Nguyễn Văn Tạo chưa đủ 27 tuổi và Trần Văn Thạch chưa nộp thuế môn bài, người Pháp đã gạt hai ông ra khỏi danh sách trúng cử. Mặc dù không đạt được ý nguyện, nhưng thất bại này là những bài học hết sức quý giá cho cuộc đấu tranh nghị trường của Đảng ta trong những năm sau này.
Hai năm sau, tháng 5 năm 1935, tình hình Đông Dương có nhiều đổi khác. Mặt trận Nhân dân ngày càng lớn mạnh, khẳng định vị thế chính trị của mình tại Pháp. Chính quyền thực dân ở Đông Dương không còn dám đàn áp trắng trợn các phong trào cách mạng như trước. Đảng Cộng sản Đông Dương cũng từng bước ra công khai. Phong trào Vận động dân chủ bước đầu được nhen nhóm, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Đây cũng là lúc diễn ra cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam kỳ. Một lần nữa Nguyễn Văn Tạo ra tranh cử. Nhờ sự vận động mạnh mẽ của hệ thống báo Đảng, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai và một số người khác đã trúng cử với số phiếu rất cao.
Bước sang năm 1936, diễn biến chính trị trong và ngoài nước có nhiều thuận lợi cho Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 29.7.1936, Nguyễn An Ninh viết bài trên báo La Lutte (Tranh đấu) kêu gọi tổ chức Đông Dương đại hội. Hành động này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người cộng sản. Uỷ ban trù bị được thành lập. Nguyễn Văn Tạo được bầu phụ trách tiểu ban tuyên truyền. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm uỷ ban Hành động được lập ở khắp Nam kỳ. Các Uỷ ban hoạt động rầm rộ khiến nhà cầm quyền hết sức lúng túng, lo ngại. Ngày 15.9.1936, Thống đốc Nam kỳ Pagès ra lệnh giải tán các Uỷ ban Hành động. Và chỉ trong mấy ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, lần lượt các ông Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo bị nhà cầm quyền bắt giam. Phong trào đấu tranh của nhân dân và các tổ chức xã hội đòi thả các ông bùng phát khắp Nam kỳ. Phối hợp với bên ngoài, 3 ông quyết định tuyệt thực từ 26.10 đến 5.11.1936, buộc nhà cầm quyền phải nhượng bộ, thả cả 3 người. Nhằm làm giảm bớt vai trò chính trị của các ông, ngày 23.12.1936, Tối cao pháp viện đã ban hành văn bản bác bỏ kết quả trúng cử vào Hội đồng Quản hạt Nam kỳ của Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Tạ Thu Thâu. Mặc dù liên tục bị nhà cầm quyền tìm cách cản trở, hãm hại, Nguyễn Văn Tạo vẫn xông xáo hoạt động, đi về các vùng quê tập hợp dân nguyện. Vào dịp Thanh tra lao động của Chính phủ Mặt trận Bình dân tới Sài Gòn (1.1.1937), Nguyễn Văn Tạo cùng Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch đã tập hợp hàng nghìn người dân đi đón Justin Godard, đưa những yêu sách của dân chúng Đông Dương. Nhân dịp nhà cầm quyền tổ chức bầu cử bổ sung cho Hội đồng thành phố (25.4.1937), cả 3 người bị bãi miễn trước đó lại ra ứng cử và tiếp tục giành thắng lợi vang dội.
Ngày 19.5, Nguyễn Văn Tạo lại bị bắt giam về tội “Có những hoạt động có tính chất vi phạm an ninh công cộng, lợi dụng những rối loạn chính trị gây sự hằn thù với chính quyền Pháp”. Cùng bị bắt với ông trong dịp này còn có Nguyễn An Ninh và Tạ Thu Thâu. Nhờ sức đấu tranh mạnh mẽ từ bên ngoài, hơn nữa nhà cầm quyền cũng không tìm được chứng cớ buộc tội, ngày 7.6.1937, Toà Thượng thẩm Sài Gòn kí giấy tạm tha cho 3 ông sau khi nộp tiền bảo lãnh 50 đồng mỗi người. Ngày 2.7, các ông lại bị đưa ra xét xử tại toà Tiểu hình và Nguyễn Văn Tạo bị kết án 2 năm tù. Tất cả đều kháng án lên toà Thượng thẩm, nhưng lần này thất bại. Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Hiển, Trần Văn Quảng, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Số quyết định cuộc tuyệt thực kéo dài 20 ngày. Sức khoẻ của các ông suy sụp rất nhanh. Có thời gian, nhà cầm quyền phải đưa các ông đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Quán. Ngày 10.11, toà Thượng thẩm vẫn giữ nguyên mức án cũ. Trước áp lực vô cùng mạnh mẽ và dai dẳng của dư luận, tháng 2.1939, nhà cầm quyền thực dân buộc phải thả Nguyễn Văn Tạo trước kì hạn nhưng cấm ông không được lai vãng đến 3 khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Nguyễn Văn Tạo bị buộc về cư trú tại Long Hải. Nhờ sự giúp đỡ của ông Hội đồng Nguyễn Công Tồn, tháng 4.1939, Nguyễn Văn Tạo chuyển đến Mỹ Tho.
Nguyễn Văn Tạo mới được hưởng không khí tự do chưa đầy 5 tháng thì chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra. Chính phủ cực hữu lên cầm quyền ở Pháp đã đặt Đảng Cộng sản và một số đảng phái cánh tả ra ngoài vòng pháp luật. Hàng loạt đảng viên cộng sản và những nhà cách mạng ở Đông Dương bị bắt, trong đó có Nguyễn Văn Tạo. Ông bị xử 4 năm tù (tháng 7.1940, toà Thượng thẩm xử lại giảm xuống còn 2 năm), đày ra Côn Đảo cùng với nhiều đồng chí thân thiết như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn… Chiến tranh kéo dài, đến năm 1944, Nguyễn Văn Tạo được thả nhưng vẫn phải chịu án biệt xứ 10 năm. Ông về Rạch Giá (Kiên Giang) phụ giúp vợ buôn bán nước mắm, chờ thời. Tại đây, ông đã bắt được liên lạc với Đảng, tiếp tục hoạt động bí mật. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Nguyễn Văn Tạo là một trong những yếu nhân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Nam bộ. Đêm 24 rạng sáng 25.8.1945, Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn về tay chính quyền nhân dân, Uỷ ban Hành chính Lâm thời Nam bộ (Lâm uỷ Nam bộ) được thành lập do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch, Nguyễn Văn Tạo được đề cử giữ chức Ủy trưởng Nội trị (phụ trách các mảng nhân sự, an ninh).
Đúng vào thời khắc nước sôi lửa bỏng này, Nguyễn Văn Tạo bị tai nạn giao thông. Nằm trên giường bệnh, ông vẫn tiếp tục điều hành công việc hết sức trôi chảy. Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Nam bộ bùng nổ (23.9.1945), nhiều cơ sở trọng yếu của Đảng, Chính quyền phải rút về các chiến khu. Nguyễn Văn Tạo trở lại Rạch Giá. Đầu năm 1946 cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà diễn ra trên cả nước. Nguyễn Văn Tạo là một trong bốn người trúng cử thuộc địa bàn Rạch Giá. Ông cùng nhiều đại biểu Nam bộ được triệu tập ra Bắc họp phiên đầu tiên của Quốc hội khoá I, nhưng do đường sá xa xôi lại bị ngăn trở bởi thực dân Pháp, nên 8 tháng sau đoàn mới ra tới nơi, kịp dự phiên họp thứ 2 (cuối năm 1946). Tại diễn đàn lần này, Nguyễn Văn Tạo đã có bài diễn văn chào mừng Quốc hội khiến Hồ Chủ tịch hết sức xúc động. Cũng tại phiên họp này, Nguyễn Văn Tạo đã trình bày trước Quốc hội bộ Luật Lao động. Và ngày 3.11.1946, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lao động.
Ngày19.12.1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trên phạm vi toàn quốc. Bộ Lao động và Chính phủ phải di chuyển khỏi Hà Nội. Ngày 17.3.1947, Hồ Chủ tịch kí Sắc lệnh giao cho Nguyễn Văn Tạo kiêm phụ trách công việc tản cư, di cư. Trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, hàng vạn con người đã ngã xuống. Không có gia đình nào tránh khỏi đau thương mất mát. Để động viên kịp thời tinh thần chiến đấu, sản xuất của toàn dân, ngày 19.6.1948, Hồ Chủ tịch kí Sắc lệnh kêu gọi Thi đua ái quốc và lập Ban Thi đua Trung ương do Nguyễn Văn Tạo phụ trách. Ban Thi đua đã phát động nhiều phong trào lớn cổ vũ tinh thần giết giặc lập công, tăng gia sản xuất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Nhiều tấm gương tiêu biểu đã được phát hiện, động viên, tuyên truyền kịp thời, tạo tinh thần yêu nước thường trực trong mỗi người.
Hoà bình lập lại, Nguyễn Văn Tạo với cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động đã có những đóng góp hết sức to lớn cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam. Vì sức khoẻ không tốt nên tháng 10.1965 Nguyễn Văn Tạo được chuyển sang làm Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính thuộc Phủ Thủ tướng. Công tác ở bộ phận này được 5 năm, ông lại được điều chuyển làm Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất Quốc hội. Chưa kịp bắt tay vào công việc mới Nguyễn Văn Tạo bị tai biến mạch máu não và tạ thế ngày 16.8.1970, thọ 62 tuổi.

Khi nghiệp làm báo vận vào thân
Có lẽ Nguyễn Văn Tạo sinh ra là để làm cách mạng, để trở thành một nhà báo cộng sản lỗi lạc. Cuộc đời ông dường như không có lối rẽ lớn. Vừa đặt chân đến đất Pháp, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản và có những bước tiến rất nhanh, bền vững trên con đường mình lựa chọn. Khi lên thủ đô Paris hoa lệ, được chứng kiến không khí làm báo của các đồng chí người Việt tại đây, Nguyễn Văn Tạo rất phấn khích. Tiếc rằng ông không được gặp Nguyễn Ái Quốc và tờ Le Paria lúc đó cũng không còn. Những tờ báo như Việt Nam hồn, Hồn Nam Việt, Phục Việt tuy cũng gây được những tiếng vang nhất định trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nhưng sự tồn tại của chúng không kéo dài được lâu. Hơn nữa, đường lối đấu tranh của những tờ báo này cũng không rõ ràng, chưa xác định được lực lượng cách mạng, còn đề cao vai trò lịch sử của tầng lớp tư sản và tiểu tư sản nên không nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Văn Tạo đã quyết định ra báo Lao Nông (có sự tham gia tích cực của Trần Văn Hiển, Bùi Đồng). Về sau, báo đổi tên thành Vô Sản. Tiếc rằng cho đến nay chúng ta chưa tìm thấy số nào của tờ báo này.
Khi sống trên đất Pháp (1926-1931), với bút danh Chợ Mới, An, Nguyễn Văn Tạo thường xuyên viết bài cho L’Humanite, Vie Ouvriere. Những bài báo đầu tiên của Nguyễn Văn Tạo thường được các đồng chí Magnien, Gabriel Peri sửa chữa, gợi ý. Chúng chủ yếu đề cập đến tình cảnh khốn cùng của nhân dân Đông Dương, tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với người dân bản xứ, tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh đòi nhà cầm quyền thực hiện những cải cách xã hội thuộc địa…
Bị trục xuất về Việt Nam, sau mấy tháng ổn định cuộc sống, tìm hiểu tình hình, Nguyễn Văn Tạo bắt liên lạc được với các bạn bè, đồng chí. Gặp Nguyễn An Ninh, vốn là thần tượng của mình từ tấm bé, Nguyễn Văn Tạo hết sức vui mừng. Vì đều là những nhà cách mạng có tư tưởng lớn, hai ông nhanh chóng trở nên thân thiết. Hai ông bàn bạc và nhất trí với nhau viết bài cho báo Trung lập (số 1 ra ngày 16.1.1924, số cuối ngày 30.3.1933, do Trần Thiện Quí làm chủ nhiệm). Đây là tờ báo trước đó khá nổi tiếng nhờ có sự cộng tác đắc lực của Phan Khôi với bút danh Thông Reo. Báo trở nên èo uột lay lắt khi Phan Khôi chuyển sang làm cho Phụ nữ tân văn (số đầu ra ngày 2.5.1929, số cuối ra ngày 21.4.1935 do bà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm). Nhờ sự hợp tác của Nguyễn An Ninh và Nguyễn Văn Tạo, báo Trung lập khởi sắc trở lại. Với chiến thuật “Bình cũ rượu mới”, bài của các ông tiếp tục được kí bởi bút danh Thông Reo, đăng trên các chuyên mục có từ trước đó như Mắt thấy tai nghe, Bình luận. Nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của bạn đọc, Trung lập nhanh chóng lấy lại vị thế của mình, trở thành một trong những tờ báo bán chạy nhất Nam kỳ. Theo thống kê chưa đầy đủ, sau gần 1 năm làm cho Trung lập (từ 1.7.1932 đến 30.5.1933), Nguyễn Văn Tạo đã viết được hơn 160 bài báo. Không đề cập tới những thói hư tật xấu của con người, những nét sinh hoạt vụn vặt của đời thường như thời của Phan Khôi, hai ông Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo chú trọng nhiều hơn đến các lĩnh vực chính trị. Bằng giọng văn khi thì châm biếm, trào phúng của Nguyễn An Ninh, lúc lại nghiêm trang, đĩnh đạc, đanh thép của Nguyễn Văn Tạo, các ông đã hé dần cho bạn đọc thấy được nỗi bất công, ngang trái mà chế độ thực dân đế quốc đã đem đến cho đất nước này. Đồng thời, những bài viết của các ông còn dẫn dắt bạn đọc đến với những chân trời cách mạng rực rỡ.
Trên báo Trung lập, các bài viết của Nguyễn Văn Tạo xoay quanh những vấn đề phổ biến trong xã hội Việt Nam lúc đó như: cuộc sống khốn khổ của người thất nghiệp, nỗi cùng cực của người nông dân bị cướp hết ruộng vườn, mức thuế thân đè nặng lên mỗi số phận, nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập đang ngày càng làm cho làng quê thêm xơ xác, tình trạng giáo dục trì trệ của nước nhà… Ông cũng chỉ rõ, chính sách cai trị hà khắc của nhà cầm quyền thực dân, lòng tham vô đáy của giới tư bản, đế quốc là những nguyên nhân chính đẩy dân tộc ta đến tình cảnh trên. Ông vạch mặt chỉ tên Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, những kẻ chủ trương thành lập đảng Lập hiến, đã lợi dụng sự kém hiểu biết của dân chúng để mưu cầu lợi ích riêng, phê phán mạnh mẽ Thống đốc Nam kỳ đã ban hành những chính sách bất lợi cho người nghèo...
Không dừng lại ở những vấn đề trong nước, Nguyễn Văn Tạo rất chú ý đến mảng thời sự quốc tế. Ngoài nội dung kinh tế, những bài bình luận của Nguyễn Văn Tạo đề cập khá sâu sắc diễn biến chính trị tại những khu vực và quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới, từ chuyện tranh giành ảnh hưởng giữa đồng Dollar với đồng Sterling, đến việc Hitler lên cầm quyền ở Đức đang ráo riết cùng các đồng minh chuẩn bị chiến tranh. Ngoài ra, ông còn viết về việc Nhật xâm chiếm Mãn Châu, đưa Phổ Nghi lên cầm quyền tại Trung Quốc, chuẩn bị bành trướng sang các khu vực khác của châu Á… Cũng trên báo này, nhân kỉ niệm 50 năm ngày mất của C.Mác, Nguyễn Văn Tạo đã có một bài viết dài khái quát sự nghiệp, tư tưởng chính yếu của người sáng lập ra chủ nghĩa Cộng sản, khẳng định con đường của C.Mác chính là con đường tất yếu để các dân tộc bị áp bức đến với độc lập, tự do.
Trung lập là một trong những tờ báo đầu tiên được Đảng ta sử dụng trong cuộc đấu tranh nghị trường. Trên báo này, trong hai tháng 4 và 5.1932, Nguyễn Văn Tạo đã viết hàng loạt bài có tính chất vận động tranh cử vào Hội đồng thành phố như Tuyển cử Hội đồng thành phố - cứu giúp thất nghiệp, Tuyển cử Hội đồng thành phố - Nói chuyện pháp luật… Nội dung những bài viết này không chỉ tuyên truyền nhằm thu hút lá phiếu cho người cộng sản, mà qua đây giúp đồng bào hiểu rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm xã hội của mình. Đây cũng là dịp để người dân biết phân biệt bạn, thù, biết điều hơn, lẽ thiệt từ đó có những hành vi đúng đắn phục vụ quyền lợi dân tộc. Báo Trung lập được thợ thuyền hết sức hoan nghênh bởi ngày nào báo cũng dành dung lượng lớn mô tả thảm cảnh mà tầng lớp này phải chịu đựng. Báo kêu gọi họ đứng lên đấu tranh đòi quyền sống. Tiếc rằng, vì đấu tranh quá gay gắt với nhà cầm quyền, Trung lập bị rút giấy phép. Chỉ với 11 tháng làm cho báo này, Nguyễn Văn Tạo đã kịp tạo ra dấu ấn trong lòng bạn đọc, được công chúng hết sức tin yêu.
Trung lập bị đóng cửa, Nguyễn Văn Tạo chuyển sang làm cho La Lutte (số 1 ra ngày 24.4.1933). Có thể nói, trong thời gian đầu, La Lutte là tờ báo chung của những người yêu nước, không phân biệt khuynh hướng chính trị, đảng phái. Trong giai đoạn này, báo tập trung vào việc đấu tranh với nhà cầm quyền, đòi cải cách xã hội, vận động tranh cử cho các nhà cách mạng Việt Nam, bất kể họ theo chủ nghĩa Quốc gia, đệ Tam hay đệ Tứ quốc tế. Vì lí do tài chính, La Lutte ra được 4 số thì tạm đóng cửa (2.6.1933), mãi đến đầu tháng 10.1934, báo mới ra tiếp số 5. Lúc này, lực lượng làm cho La Lutte đã tăng lên đáng kể, xung đột giữa đệ Tam và đệ Tứ cũng trở nên căng thẳng hơn. Nguyễn An Ninh luôn phải đứng ra làm trung gian hoà giải giữa đệ Tam (Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Dương Bạch Mai, Nguyễn Thị Lựu, Trần Thị Đầy) với nhóm đệ Tứ (Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Huỳnh Văn Phương). Vì quyền lợi người lao động, giữa các nhóm đã có sự thoả thuận không dùng La Lutte để công kích lẫn nhau, mà tập trung vào việc đấu tranh với thực dân đế quốc. Trên tờ báo này, Nguyễn Văn Tạo viết khá nhiều bài về chính trị, bênh vực tầng lớp bị áp bức bóc lột.. Vào thời đó, La Lutte là tờ báo được đông đảo người dân ủng hộ nhất. Sáng nào cũng vậy, toà soạn vừa mở cửa là thợ thuyền ùn ùn kéo vào thưa kiện vì bị đuổi việc vô cớ, bị trừ lương không rõ lí do, bị cướp ruộng vườn… Anh em phóng viên phải chạy đôn chạy đáo để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Từ năm 1935, Nguyễn An Ninh không làm cho La Lutte nữa, giao cho Tạ Thu Thâu lo việc tài chính. Đây là cơ hội để nhóm đệ Tứ (Trốtkit) thôn tính tờ báo. Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn tích cực đấu tranh với nhóm này nhưng không thắng được số đông. Mặc dù sau đó, La Lutte rơi vào tay nhóm đệ Tứ, nhưng không ai có thể phủ nhận được vai trò của những người theo phái đệ Tam (do Nguyễn Văn Tạo đứng đầu) đã có công rất lớn trong việc tuyên truyền công khai chủ nghĩa Mác- Lênin vào nước ta. Tờ báo này từng đăng Tuyên ngôn của đảng cộng sản của Mác-Ănghen, Mười ngày rung chuyển thế giới của G. Rit, đăng tác phẩm của các nhà khoa học tiến bộ Pháp như M.Pronang, G.Phrevin, P.Vayang Cutuyrie, B.Laxco… Vì đã từng làm cho La Lutte mà có thời gian nhân cách cộng sản của Nguyễn Văn Tạo bị một số người nghi ngờ. Về việc này, năm 1963 Nguyễn Văn Tạo nói rõ trong bản tự thuật của mình: “Việc hợp tác ra báo và đứng chung sổ với Trốtkit đã xảy ra nhiều năm trước Đại hội Quốc tế lần thứ 7. Vì tư tưởng còn ấu trĩ, thấy trong hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ kẻ địch là thực dân đế quốc nên cũng không nghĩ đến việc hợp tác với Trốtkit có nguyên tắc hay không có nguyên tắc. Trong số những đồng chí trung ương lúc đó tôi chỉ gặp được đồng chí Hà Huy Tập do Nguyễn An Ninh bố trí tại nhà mà thôi. Gặp tôi, đồng chí báo cáo về tình hình Đảng, chẳng có bao giờ chỉ thị bỏ báo La Lutte. Sau Lê Hồng Phong nắm nghị quyết Đại hội thứ 7 Quốc tế Cộng sản, cũng không thảo luận với chúng tôi phải ra khỏi nhóm La Lutte. Đồng chí Hà Huy Tập cũng có một số bài trên báo La Lutte”. Thực ra vấn đề này không đơn giản như Nguyễn Văn Tạo nghĩ. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của mình, không ít lần Đảng ta buộc phải thay đổi sách lược đấu tranh, thậm chí có những lúc tạm thời thoả hiệp với kẻ thù lâu dài để tập trung sức lực đấu tranh với kẻ thù trước mắt. Nhưng sách lược đó chỉ áp dụng với kẻ thù “tiềm năng” (thực dân đế quốc) chứ không dành cho kẻ thù “tiềm ẩn” (giả danh cộng sản để chống cộng sản). Về vấn đề lực lượng cũng vậy, sau này Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt là nhằm lôi kéo các thành phần xã hội khác nhau đi theo cách mạng, chấp nhận cả các tầng lớp tư sản, phú hào, địa chủ, nhưng tuyệt đối không dung nạp phần tử Trốtkit. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Sự linh hoạt của Nguyễn Văn Tạo đành rằng vì lợi ích chung, nhưng rất dễ rơi vào thực trạng “lợi bất cập hại”, giải quyết được cái tình nhưng lại vi phạm đến các nguyên tắc của cái lí. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thông cảm với sự ngộ nhận của Nguyễn Văn Tạo và một số người khác về Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Huỳnh Văn Phương, Hồ Hữu Tường, những đối tượng lúc này vẫn đang giấu mình, chưa bộc lộ rõ quan điểm phản động. Hơn nữa, họ cũng đấu tranh rất dữ dội với thực dân Pháp, cũng ra tù vào tội, thậm chí đã đổ cả xương máu. Và quan niệm “Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta” được Nguyễn Văn Tạo vận dụng trong trường hợp này âu cũng là lẽ thường tình. Vào những năm đầu thế kỉ XX, nhiều đảng viên của chúng ta cũng mắc phải thiếu sót này.
La Lutte là một tờ báo có vị trí khá lớn trong xã hội. Kể từ khi tờ báo này rơi vào tay nhóm Trốtkit, Đảng ta mất đi một cơ quan ngôn luận quan trọng. Đây cũng là lúc các phong trào cách mạng đang lên rất mạnh, việc ra một tờ báo của trung ương là hết sức cần thiết, cấp bách. Từ đề nghị của đồng chí Nguyễn Thị Lựu, Trung ương Đảng quyết định ra tờ L’Avant garde (số 1 ra ngày 29.5.1937 - Cơ quan của lao động và nhân dân Đông Dương). Sở dĩ chúng ta phải ra báo tiếng Pháp bởi lúc này việc xin phép ra báo tiếng Việt vẫn rất khó khăn, bị chính quyền kiểm soát ngặt nghèo. Toà soạn đặt tại số nhà 43 đường Hamelin - Sài Gòn (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm). Báo do đồng chí Hà Huy Tập chỉ đạo chung. Bộ Biên tập vẫn là những cây bút cộng sản nổi tiếng như Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Thị Lựu, Trần Văn Kiệt, Nguyễn Văn Trấn, Phạm Hữu Lầu, Mai Huỳnh Hoa, Dương Bạch Mai… Ngay trong số đầu tiên Nguyễn Văn Tạo đã có bài Lao động! Những người bị áp bức ở Đông Dương. Bài này đồng chí đã viết từ trước bởi trước khi L’Avant garde ra số 1 khoảng 10 ngày Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn An Ninh đã bị địch bắt, bị xử 2 năm tù, 5 năm biệt xứ về tội xúi giục nổi loạn. Chính vì vậy, trên tờ báo này có rất ít bài viết của ông. Không để phí thời gian, trong khi ngồi tù, Nguyễn Văn Tạo đã viết xong một số cuốn sách như Lịch sử phong trào XHCN bên Pháp, Chống chủ nghĩa phát xít bên Pháp, Tổ chức Thập tự lửa, rồi bí mật chuyển ra ngoài xuất bản. Đây là những cuốn sách có giá trị về mặt lí luận, lịch sử thời bấy giờ.
Vừa thoát khỏi nhà tù (23.2.1939), Nguyễn Văn Tạo tìm cách trở lại Sài Gòn để ra tranh cử vào Hội đồng Quản hạt. Từ tháng 3 cho đến khi bị bắt lại (9.1939), ông viết rất nhiều bài cho các báo Công luận, Dân chúng, Đông phương - những tờ báo Đảng đang được bạn đọc hết sức ủng hộ. Trong số các tờ báo này, Công luận được Nguyễn Văn Tạo gửi đăng bài nhiều nhất. Đây là tờ báo của ông Giang Văn Chánh (lúc đầu có tên là Công luận báo, số 1 ra ngày 29.8.1916, số cuối ra tháng 10.1939). Bài viết của Nguyễn Văn Tạo đề cập đến nhiều vấn đề, xoáy khá sâu vào lĩnh vực tranh cử. Bác bỏ sự vu khống của nhóm Trốtkit, ông khẳng định mục đích trong sáng khi quyết định ra tranh cử của mình: “Chúng tôi lại còn cương quyết đứng lên nắm tay với cử tri đề khai một kỉ nguyên mới trong cuộc bầu cử là đem lực lượng của đoàn thể kết chặt để mở đường tuyển nhập cho phần tử vô sản độc lập vào giữ ngôi thứ trong nghị trường… Nghĩ rằng mình chỉ đem lực lượng riêng để gia nhập vào chiến tuyến chung mà tranh đấu cho tiền đồ của xã hội… Mà phát biểu những ý kiến có ích chung vừa cho vô sản giai cấp, vừa cho toàn thể dân chúng…”-Công luận, 23.3.1939. Ông tố cáo nhà cầm quyền gian lận trong bầu cử và bày đặt mưu mô gạt bỏ những nhà cách mạng ra khỏi danh sách ứng cử: “Tuyển cử là để dò ý nguyện của dân. Chớ nếu tuyển cử chỉ là để dùng thế lực của bộ máy cai trị mà bầu cử những người không làm mếch lòng chính phủ thì còn bày đặt ra tuyển cử để làm gì?
Chế độ tuyển cử HĐQH rất eo hẹp, hầu hết dân chúng không có quyền bỏ thăm thế mà người ta bôi bỏ rất nhiều cử tri nữa. Nay còn vượt khỏi phạm vi luật pháp đã định mà không thâu nhận đơn ứng cử của những chiến sỹ có đủ điều kiện, ấy là một điều nhỏ nhen hết sức…” – Bài Tôi chủ trương bỏ thăm phản đối (Công luận, 13.4.1939). Và Nguyễn Văn Tạo nói rõ mục đích ứng cử Hội đồng Quản hạt của ông “Tôi không lấy sự đắc cử vào Ban Hội đồng làm mục đích cuối cùng. Chúng tôi thấy rằng đứng trước thời cuộc nghiêm trọng ngày nay, quốc dân Nam kỳ - Và khắp Đông Dương - cần phải thừa dịp tuyển cử này mà tỏ cho nhà cầm quyền biết những nguyện vọng tha thiết của mình và sự cương quyết tranh đấu cho được thắng lợi” (Trích đăng bức thư của Nguyễn Văn Tạo đăng trên Công luận số ra ngày 28.4.1939).
Ngoài việc đấu tranh với Trốtkit, nhiều bài báo của Nguyễn Văn Tạo tập trung vào việc lên án chủ nghĩa Quốc gia đầu lưỡi của nhóm Lập hiến do Bùi Quang Chiêu cầm đầu. “Đảng Lập hiến không còn giá trị gì nữa hết. Những người phú hào ra tranh cử dưới bóng cờ Lập hiến thì chỉ mong nhờ vẫy tiền ra mua thăm và nhờ thế của nhà đương cuộc ủng hộ mà thôi.
Trước bao nhiêu sự lo âu của dân chúng, bọn họ không phải là những người có thể dẫn đường tiến tới cho xứ sở. Trái lại Chiêu - Liêm - Khá - Thuận - Trị đã có dịp phản động một cách khả ố phong trào của toàn thể quốc dân. Chính mình các ông Hội đồng Quản hạt ấy đã nhận lĩnh vai tuồng khốn nạn của bọn phản động thuộc địa sai khiến để phá hoại Đông dương Đại hội và đưa vào khám những chiến sỹ của dân chúng”- Bài Muốn đạt được những điều cải cách cần phải thống nhứt các lực lượng tiên tiến và cương quyết (Công luận, 6.4.1939).
Có thể nói, năm 1939 là năm bản lề của lịch sử thế giới. Đây cũng là quãng thời gian Nguyễn Văn Tạo phơi bày những hậu quả do chiến tranh đem lại, lên án tội ác của chủ nghĩa phát xít nói chung, tính chất lừa bịp của phát xít Nhật nói riêng. Ông khẳng định: “Quyền lợi tối cao của nhơn loại trong buổi này là cản đường tấn công của phát xít chủ nghĩa, là chống chiến tranh giữ lại sự sống còn cho các chủng loại, là bảo vệ những kho tàng quí báu của văn minh thế giới. Phát xít Ý tàn sát dân Á, phát xít Đức dày đạp những dân tộc Áo, Tiệp. Đức, Ý giết hại vô số dân chúng Tây Ban Nha, khích cạnh ta bọn quân phiệt Nhựt “bảo hộ” dân tộc Tàu bằng những đống thây vô định quanh vùng Nam Kinh, Thượng Hải.
Thế mà ở xứ ta cũng có những bọn thân Nhựt hết sức hoạt động cổ võ cho một cuộc “thay cũ đổi mới” để cho dân chúng ta lãnh cái số phận đáng thương của quần chúng Mãn Châu Quốc”-Bài Đông Dương là bãi chiến trường sau này (Công luận, 24.3.1939). Cũng trong bài này, bên cạnh việc phơi bày bộ mặt thật của hoạ phát xít, Nguyễn Văn Tạo nói rõ quan điểm, tư tưởng của mình: “Chúng tôi là những người Cộng sản. Chúng tôi không bao giờ quên rằng bổn phận của chúng tôi là lo giác ngộ quần chúng để một ngày kia dưới quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản chúng tôi sẽ đem lại cho xứ Đông Dương sự giải phóng hoàn toàn về quốc gia và xã hội…”. Mặc dù chưa đề cập trực diện đến việc đánh đuổi thực dân đế quốc, giành độc lập dân tộc, nhưng ông cũng cảnh báo những ai quá kì vọng vào những cải cách xã hội: “Vấn đề xã hội không rời được vấn đề quốc gia… Thợ thuyền không thể tranh đấu riêng một mình mà phải cùng đi với tất cả các lực lượng nào muốn cho có một cuộc sửa đổi cho xứng đáng của quốc gia chủng tộc”.
Từ đầu tháng 6.1939, báo Công luận mở mục Bức thư cuối tuần dành riêng cho Nguyễn Văn Tạo đăng những bài bình luận quốc tế. Trên mục này, Nguyễn Văn Tạo thường xuyên có bài bàn về những vấn đề đang ảnh hưởng lớn đến vận mệnh thế giới như: Cái hoạ của chiến tranh, người dân châu Á sẽ gặp điêu đứng khi Nhật đưa quân vào khu vực này, tình hình đấu tranh của thợ thuyền các nước…. Điều đáng nói là, những nội dung quốc tế mà Nguyễn Văn Tạo đề cập đến bao giờ cũng được ông trực tiếp hoặc gián tiếp liên hệ với tình hình Việt Nam, là kinh nghiệm đấu tranh để chúng ta học tập. Trong số những bài bình luận này, ông dành thời lượng khá lớn viết về Liên Xô, về cách mạng Tháng Mười, về cách mạng Trung Quốc. Trong tất cả các bài viết của Nguyễn Văn Tạo mà chúng ta có trong tay, ít khi chúng ta phát hiện được những bài, những đoạn nói lên thái độ lừng chừng, nước đôi của ông. Bao giờ Nguyễn Văn Tạo cũng đứng hẳn về một phía mà ông đã lựa chọn và nguyện tôn thờ suốt đời. Trước sự vu khống của các lực lượng phản động quốc tế, Nguyễn Văn Tạo đã viết bài bênh vực chính quyền Xô viết một cách quyết liệt. Ông đề cao chế độ XHCN mà nước Nga đã lựa chọn: “Chánh thể Xô Viết đã do một cuộc cách mạng vĩ đại trong hồi khói lửa mà nảy sanh thì cái chánh thể ấy bao giờ cũng đeo đuổi mục đích gìn giữ hoà bình cho nhân loại.
Năm 1922, tại thành Gênes (Ý Đại Lợi), Liên Xô đã đem vấn đề tài binh ra đề nghị với các cường quốc. Và về sau bất cứ có dịp nào, Liên Xô cũng chủ trương thủ tiêu các món khí giới giết người…”- Bài Liên Xô dè dặt là phải lắm – số ra ngày 10.6.1939. Qua những bài dạng này, Nguyễn Văn Tạo như muốn khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN, coi đây như là chế độ lí tưởng để Đảng và toàn dân Việt Nam vươn tới.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Văn Tạo viết rất nhiều bài báo có giá trị. Rất tiếc là, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có điều kiện sưu tầm được hết những trước tác của ông, để hiểu nhiều hơn về ông, một nhà cách mạng chân chính, một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chỉ còn ít tháng nữa là kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Hi vọng rằng, bài báo nhỏ này như một nén nhang gửi tới ông nơi chín suối, để nói với ông rằng, các thế hệ hôm nay sẽ mãi đi theo con đường mà ông và các nhà cách mạng tiền bối đã chọnr

2 nhận xét: