Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Phan Khôi: Một nấm mồ riêng ta với ta

Vào một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo năm 1959, trên con phố nhỏ, cổ kính, vắng heo hút, một chiếc xe tang nhỏ xuôi về hướng nghĩa trang Hợp Thiện. Đi chầm chậm phía sau là vài người đàn bà với những bước chân nặng nề, mệt mỏi. Mưa phùn làm ướt lạnh những mái đầu xơ xác. Không một tiếng khóc, không một tiếng ơ hờ ai oán, cũng không có tiếng kèn, tiếng trống tiễn đưa. Cái không gian tĩnh lặng, rờn rợn thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng bánh xe nảy lên, nghiến ken két trên con đường đá gồ ghề. Tất cả như đang trôi dần về cõi hư vô.

Bộn bề trăm mối vấn vương
Người qua đường không mấy ai biết kẻ già nua, khô đét nằm trong cỗ quan tài rẻ tiền, ọp ẹp trên chính là nhà văn, nhà báo Phan Khôi, một cái tên lẫy lừng, đã từng khuynh đảo làng báo Việt Nam mấy chục năm trường, người đã được tầng lớp văn nhân- ký giả đương thời thừa nhận là Ngự sử trên văn đàn.
Phan Khôi sinh ngày 20-8-1887 (có tài liệu viết 6-10-1887) tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội Phan Khôi là án sát Phan Nhu, thân phụ là cụ Phó bảng Phan Trân, tri phủ Diên Khánh, còn thân mẫu là Hoàng Thị Lệ (con gái của Tổng đốc Hoàng Diệu). Theo truyền thống gia đình, từ bé Phan Khôi đã được học chữ Hán, nổi tiếng là thông minh, ham học hỏi. Tuy nhiên, càng lớn, tư tưởng cựu học càng rời xa ông. Đã không ít lần, Phan Khôi không ngại ngần tranh luận về xu thế của thời đại với cha và ông nội. Dù lý luận vẫn còn non nớt, nhưng ông không bao giờ từ bỏ quan điểm của mình. Cái đức tính ngay thẳng, cương trực, đôi khi ngang ngạnh rất đặc trưng của người Quảng Nam này đã theo Phan Khôi đến suốt cuộc đời.
Khi 19 tuổi (1905), vâng lời cha, Phan Khôi ra Huế dự thi Hương nhưng chỉ đậu Tú tài. Lần đầu được sống xa gia đình, được chứng kiến tận mắt biết bao điều mới lạ, ông mới thấy cuộc đời này lớn quá, có biết bao điều để chàng trai trẻ khám phá. ý tưởng thoát li gia đình, thoát khỏi cái làng quê nghèo khó bắt đầu nhen nhúm trong ông. Cũng vào quãng thời gian này, (1906- 1908), một số nhân sỹ miền Trung như Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã nhóm lên phong trào Duy tân sôi nổi trong cả nước. Hưởng ứng phong trào, Phan Khôi là một trong những người đầu tiên ở Quảng Nam cắt đi cái búi tóc, biểu tượng của chế độ phong kiến đã đè nặng tư tưởng người dân Việt Nam hàng trăm năm nay. Sau đó, Phan Khôi quyết định ra Hà Nội học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, tham gia nhiều hoạt động của trường Đông kinh nghĩa thục, nơi đào tạo nhiều nhà yêu nước nổi tiếng sau này. Các phong trào trên hoạt ngày càng sôi nổi, năm 1908, nhiều người, bị bắt giam, bị giết hại. Phan Khôi chạy xuống Nam Định, Hải Phòng ẩn náu, học chữ Pháp với Nguyễn Bá Học. Được một thời gian ông quay về quê hoạt động trong phong trào Văn thân cùng Huỳnh Thúc Kháng. Khi tình hình dịu đi, Phan Khôi ra Huế theo học tại trường dòng Pellerin (1909). Cụ Phó bảng Phan Trân mất, Phan Khôi về quê để tang cha, mở trường dạy học. Cũng trong thời gian này, ở miền Trung xảy ra vụ đấu tranh đòi giảm xâu, giảm thuế. Mặc dù không tham gia, nhưng vì có bài thơ Dân quạ đình công nên Phan Khôi và nhiều người khác bị bắt giam tại nhà lao Hội An. Trước khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra (1913), A. Sarraut ký lệnh tổng ân xá, Phan Khôi được tha, trở lại quê nhà, mở lớp dạy chữ Hán. Cũng thời gian này ông lập gia đình với ái nữ của cụ Lương Thúc Kỳ, giáo viên trường Dục Thanh, là người bạn thân thiết với gia đình.
Có thể nói, sự nghiệp làm báo của Phan Khôi đã bắt đầu từ năm 1907, khi ông viết nhiều bài cho tờ Đăng cổ tùng báo (Tờ báo của những người theo nhóm Đông kinh nghĩa thục). Một số bài được ông ký bởi bút hiệu Tú Sơn (Tout Seul- Có nghĩa tiếng Việt là cô đơn, một mình). Cái bút hiệu này đã vận vào ông cho đến ngày nhắm mặt xuôi tay. Năm 1916, Phan Khôi rời làng quê ra Hải Phòng làm thư ký cho công ty đường thuỷ của Bạch Thái Bưởi, được hơn 1 năm, nhờ sự giới thiệu của Nguyễn Bá Trác, ông tham gia làm cho tờ Nam Phong tại Hà Nội. Chỉ được một thời gian ngắn, do bất đồng chính kiến với chủ bút Phạm Quỳnh, Phan Khôi bỏ vào Nam làm cho tờ Lục tỉnh tân văn. Nhưng cũng chỉ được mấy tháng, vì bài báo Giải đại ý bài diễn thuyết của quan Toàn quyền Sarraut về cuộc Đông dương tự trị đăng trên hai số 14-5 và 21-5-1919, mà ông bị cho nghỉ việc. Với bút danh Chương Dân, Phan Khôi đã chỉ ra rằng: “Chữ Đông dương tự trị” đó nghĩa là phủ Toàn quyền Đông dương đối với mẫu quốc mà được quyền tự trị, chứ không phải người Đông dương đối với nước Lang Sa mà được quyền tự trị đâu”, ý tác giả muốn nói là A. Sarraut đòi quyền tự trị là đòi thêm quyền cho mình, chứ không phải vì quyền lợi của người dân Đông dương. Đến năm 1920, ông trở ra Hà Nội viết cho Thực Nghiệp dân báo (Số 1 ra ngày 12-7-1920). Khi tờ Hữu Thanh ra mắt (1-8-1921) do Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu làm chủ bút, đã mời Phan Khôi tham gia. Trong quãng thời gian này, Phan khôi dịch Kinh thánh cho Hội Tin lành và hoàn thành cuốn Nam âm thi thoại (sau đổi là Chương Dân thi thoại)
Nhận thấy báo chí miền Bắc vẫn còn những rào cản, khó đăng tải hết những quan điểm có tính cách tân của mình, Phan Khôi một lần nữa quyết định vào Nam. Đây cũng là lúc tờ Đông Pháp thời báo ra mắt (2-5-1923), Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Phan Khôi không ở Sài Gòn mà xuống Cà Mau ở nhờ tại đồn điền của một người bạn, đọc sách, viết bài cộng tác với các báo và hoàn thiện dần vốn tiếng Pháp của mình, thông qua thư từ qua lại với nhà báo Djean de la Bâtie. Vào cuối năm 1927, Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá, mua lại tờ Đông Pháp thời báo của ông Nguyễn Kim Đính và bắt đầu tiến hành những thay đổi mạng mẽ. Và Phan Khôi đã được Diệp Văn Kỳ mời tham gia làm cộng tác viên đặc biệt bên cạnh bộ Biên tập gồm nhiều kẻ sỹ đất Bắc như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Ngô Tất Tố. Với bút danh Tân Việt, Phan Khôi đảm nhiệm mục Câu chuyện hàng ngày. Các bài viết trên mục này thường mang hình thức tiểu phẩm, một thể loại có nguồn gốc từ báo chí Pháp đã được Phan Văn Trường ứng dụng trên các tờ La Clochefêlée và L’ Annam dưới tên gọi Tiểu thuyết hoá chính trị. Nếu như Phan Văn Trường viết tiểu phẩm bằng tiếng Pháp, theo lối chính luận, thì Phan Khôi lại chủ yếu thể hiện bằng tiếng Việt, khai thác khá triệt để yếu tố hài hước (hài đàm). Hình thức này có lẽ bắt nguồn từ hai nhà báo Pháp Clément Vautel (1876-1954) và Charles de la Fouchardiere (1874-1946) viêt trên các tờ Le Journal và L’ Oeuvre xuất bản ở Paris. Sự ảnh hưởng và sáng tạo này của Phan Khôi đến nay vẫn được báo chí hiện đại sử dụng rất hiệu quả.
Sau khi ông Diệp Văn Kỳ xin phép ra tờ Thần chung (La Cloché du Martin, số 1 ra ngày 7-1-1929) mục Câu chuyện hàng ngày chuyển sang báo này. Theo một số tài liệu, thỉnh thoảng Diệp Văn Kỳ cũng viết cho mục này, nhưng không nhiều, cùng ký bút danh Tân Việt, đa phần là của Phan Khôi. Thần chung cũng chỉ tồn tại được hơn 1 năm, ngày 22-3-1930, Toàn quyền Đông dương ra nghị định đóng cửa tờ báo này vì những lý do chính trị. Ngoài Câu chuyện hàng ngày, Phan Khôi còn viết rât nhiều bài có tính chất khảo cứu trên các mục khác. Trên Đông Pháp thời báo và Thần chung Phan Khôi chủ yếu dùng các bút danh Chương Dân, CD, Khải Minh tử, có khi ký Thần chung, thậm chí không đề tên. Nhiều khi ông dùng tên thật dưới những bài có tính chất học thuật, tư tưởng.
Vì là cộng tác viên nên Phan Khôi không có nhiều ràng buộc với Thần chung. Ngoài những bài viết cho Thần chung, ông còn dành một lượng bài rất lớn cho tờ Phụ nữ tân văn (số 1 ra ngày 2-5-1929). Trên báo này ông viết hàng trăm bài, có bài kéo dài hàng chục kỳ. Tên tuổi ông nổi như cồn trên cả nước. Theo một số người đương thời kể lại, nhiều đọc giả mua Phụ nữ tân văn chỉ để đọc bài của Phan Khôi. Nghiên cứu những bài viết của Phan Khôi thời kỳ này, sẽ dễ dàng nhận thấy, ông là một trong những cây bút hàng đầu tạo ra sự thay đổi về văn hoá, học thuật, văn chương, cho người Việt những năm trước cách mạng, trong đó có việc đặt cơ sở cho việc hình thành và phát triển phong trào thơ mới.
Như trên đã nói, ngày 22-3-1930, tờ Thần chung bị rút giấy phép. Đây cũng là lúc tờ Trung lập (số 1 ra ngày 16-1-1924, vốn là bản tiếng Việt của tờ báo tiếng Pháp Impartial do Lachevrotiere một người Pháp lai Việt sáng lập), có sự thay đổi người quản lý, chuyển từ Nguyễn Phú Khai sang tay Trần Thiện Quý và tiếp tục rơi vào cảnh thua lỗ. Chớp lấy cơ hội Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá mua lại tờ báo này, ra mắt với hình thức mới từ 2-5-1930. Bộ Biên tập của Thần chung trước đây lúc này đã tan tác. Đào Trinh Nhất sang làm chủ bút Phụ nữ tân văn, Ngô Tất Tố trở ra Bắc, chỉ còn có Bùi Thế Mỹ, Phan Khôi sang Trung lập. Tiếng tăm của Phan Khôi lúc này đã rất vang dội. Ông được coi là người đứng đầu nhóm “Tam kiệt” của xứ Nam kỳ gồm Phan Khôi, Đào Trinh Nhất và Bùi Thế Mỹ. Cũng có thể nói, để thu hút bạn đọc, Trung lập hầu như chỉ còn biết trông cậy vào các bài báo của Phan Khôi. Chính vì vậy mà trên tờ báo này, Phan Khôi có lượng bài lớn nhất trong sự nghiệp làm báo của mình. Riêng trên mục Những điều nghe thấy do ông đảm nhiệm (Thường ký bút danh Tha Sơn, Thông reo), ông đã có 600 bài, được bạn đọc vô cùng tán thưởng. Sau này, khi Phan Khôi đã bỏ đi, Trung lập vẫn duy trì mục này do nhiêù người viết, trong đó có cả chí sỹ Nguyễn An Ninh, và vẫn sử dụng bút danh Thông reo để giữ chân bạn đọc. Ngoài hai bút danh vừa nói, Phan Khôi đôi khi ký tên thât hoặc ký là Trung lập, có bài để trống tên.
Ngoài 4 tờ báo chính trên, trong quãng thời gian đầu những năm 1930, thỉnh thoảng Phan Khôi còn viêt cho báo khác, trong đó có cả những tờ báo tiếng Hoa như Quần báo, Hoa kiều nhật báo, Đông Tây tuần báo… Giữa năm 1933, Phan Khôi trở ra Bắc, cộng tác với các tờ Thực nghiệp dân báo, Phụ nữ thời đàm. Một năm sau ông vào Huế làm cho tờ Tràng An, sau đó đứng ra sáng lập tờ Sông Hương. Đây là lần đầu tiên Phan Khôi có tờ báo của riêng mình. Đến năm 1937, ông nhượng lại tờ báo này cho Phan Đăng Lưu, biến Sông Hương thành một tờ báo của những người Cộng sản. Trong thời gian ở Huế, ông vừa viết báo vừa dạy học tại trường tư thục Hồ Đắc San. Năm 1937 Phan Khôi quay vào Nam, dạy chữ quốc ngữ và Hán văn cho trường Chấn Thanh ở Sài Gòn. Ngoài ra ông vẫn liên tục có bài cho các tờ Hà Nội báo, Đông dương tạp chí (của Nguyễn Giang, con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh), Dư luận, Thời vụ, Phổ thông bán nguyệt san. Năm 1941, trường Chấn Thanh chuyển về Đà Nẵng, Phan Khôi về quê, viết theo đơn đặt hàng cho các báo Sài Gòn, Hà Nội.

Một thân vò võ nhả tơ cho đời
Cho đến nay, chưa có ai làm con số thống kê những bài báo của Phan Khôi. Chỉ riêng số bài mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tìm được đã lên con số hàng nghìn. Điều đáng nói là, hầu như bài nào cũng đạt đến sự chuẩn mực cao. Có những bài, cho đến nay, vẫn còn nguyên giá trị thời sự, vẫn có ý nghĩa khoa học, nghệ thuật, tư tưởng về lâu dài. Một điều dễ nhận thấy là các bài báo của Phan Khôi không khuôn vào một hoặc vài lĩnh vực, mà đề cập một cách khá toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, từ các vấn đề của lịch sử đến ngôn ngữ, văn hoá, chính trị… Đối tượng phản ánh của ông cũng rất đa dạng, từ Toàn quyền Đông dương, vua quan An Nam, đến các tầng lớp quí tộc, trung lưu, trí thức, thậm chí cả giai cấp bình dân. Các vấn đề thế giới liên quan ít nhiều đến tình hình chính trị Việt Nam, ông cũng không bỏ qua. Và ở vấn đề nào, ông cũng tỏ ra là người hết sức tâm huyết, nặng lòng với lợi ích quốc gia.
Một trong những đối tượng được Phan KhôI phản ánh nhiều nhất là vai trò của phụ nữ đối với xã hội. Chủ trương giải phóng phụ nữ, đưa phụ nữ thoát khỏi những lề thói đạo đức phong kiến xưa luôn hiển hiện trong sự nghiệp cầm bút của ông. Đây cũng là cách để ông thực hiện chủ trương duy tân của mình. Khi bàn về phụ nữ, Phan Khôi viết trên nhiều báo, nhưng tập trung nhất vẫn là Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm. Đáng chú ý là các bài Về văn học của phụ nữ Việt Nam, Văn học với nữ tánh, Theo tục ngữ phong dao xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta, Một cái gương sáng cho người làm mẹ, Tơ hồng nguyệt lão với hôn nhân tự do, Chữ trinh: cái tiết với cái nết, Luận về phụ nữ tự sát, Nữ công, Chữ quốc ngữ ở Nam kỳ với thế lực của phụ nữ… Theo Phan Khôi, mọi sự bất bình đẳng giới trong xã hội đều bắt nguồn từ quyền được đi học hay không của người phụ nữ. Ông kêu gọi người phụ nữ hãy xoá bỏ tự ti, tham gia vào các hoạt động xã hội, nhất là văn học: Tôi nghĩ rằng đương thời buổi nầy mà đám nữ lưu mình còn chưa chịu ra nhận lấy gánh văn học làm gánh riêng của mình, ấy là một sự bất lợi cho loài người, cho xã hội. Thiệt vậy, vì đời nay là đời trọng khoa học cơ xảo, tranh tài đua sức với nhau, ta nên để cho đờn ông họ làm những công việc ấy, vì sức của họ xứng đáng với công việc. Còn việc văn học là việc nhẹ, ta nên gánh đỡ cho họ là phải”- PNTV số 1 ngày 2-5-1929. Thông qua việc nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ đối với văn học, Phan KhôI muốn nhắn nhủ chị em, không nên chỉ biết đến góc bếp tối tăm, mà hãy đến với học vấn, từ đó mới có điều kiện khẳng định vị thế của mình. Dùng lý lẽ chưa đủ, ông còn viện dẫn những thành tựu của văn học nữ Tàu (Trung Quốc) để làm tấm gương cho phụ nữ Việt Nam noi theo. Nhân bàn đến chuyện đi học của phụ nữ, ông phê phán kịch liệt thủ đoạn tinh vi của chế độ phong kiến: Đại để ở dưới cai chế độ xã hội này, hễ là dân và đàn bà thì phải chịu khổ. Dân bị kẻ cầm quyền áp chế; đàn bà bị đàn ông áp chế. Kẻ cầm quyền làm cho dân ngu đi, đặng để đè ép, cũng như đàn ông làm cho đàn bà ngu đi đặng dễ sai khiến” PNTV số 3 ngày 16-5-1929… Tuy nhiên, quan niệm của Phan Khôi đôi khi cũng thái quá, dễ dẫn đến cực đoan, chẳng hạn như việc ông nhấn mạnh, chỉ phụ nữ mới có quyền sáng tác văn học là bởi: 1.Vì cái đẹp là cái cốt của văn học, mà đàn bà là biểu hiện cho sự đẹp, cho nên trong văn học hay tả về đàn bà cũng như trong mỹ thuật hay đắp về hình mỹ nhân
2. Vì văn học trong đường tình cảm, mà nói chuyện đàn bà thì khiến cho người ta dễ cảm cho nên nói về đàn bà nhiều hơn.
Phan Khôi cũng nhiều lần bàn về các vấn đề gia đình. Ông rất lên án quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Ông đề cao tự do hôn nhân nhưng lại không tán thành ly hôn. Theo ông, hôn nhân tan vỡ hoặc tình trạng ly hôn tràn lan chính là nguồn gốc của bất ổn gia đình, rối loạn xã hội, làm mất đi những giá trị tốt đẹp của truyền thống (Bài Tơ hồng Nguyệt lão với hôn nhân tự do). Ngoài ra ông còn có những giải nghĩa rất sâu sắc những khái niệm: Chữ Trinh, cái nết với cái tiêt của người phụ nữ. Theo ông, chữ trinh cũng rất quan trọng nhưng không quý bằng cái nết. Người phụ nữ có cái nết tốt, hẳn sẽ có được chữ trinh, đó là những cái thuộc về chủ quan con người. Phan Khôi đặc biệt lên án cái tiết (Theo nghĩa thủ tiết, tiết phụ), là sản phẩm khách quan, do sự độc đoán, ích kỷ của đàn ông đặt ra: Theo luân lý Tống nho nên pháp luật nước ta dầu không cấm hẳn đàn bà cải giá nhưng cũng cướp mất quyền lợi của người đàn bà cải giá. Một người đàn bà chết chồng mà đi lấy chồng thì luật bắt phải ra tay không, giao gia tài cho bên chồng, dầu của ấy là của vợ chồng đồng công mà taọ lập ra cũng mặc. Chồng chết có con trai, mà đi lấy chồng để kiếm phương thế nuôi con, sau lại về ở với con trong nhà chồng trước nữa, chết đi, không được thờ chung với chồng vào từ đường.
Đã hạ người đàn bà cải giá xuống, thì tưng người đàn bà thủ tiết lên. Nhà vua bèn ban chiếu sắc, cấp biển vàng, sinh biểu cho những người nào ở goá trọn đời hay là tự chết theo chồng. Những cái ân điển ấy thường tình lấy làm vinh hạnh lắm, song nghĩ kỹ ra, chẳng qua là cáI biển hiệu tham lam ích kỷ của đàn ông và cũng là cái xiềng để trói đàn bà lại. (Bài Chữ trinh: cái tiết với cái nết- PNTV số 21 ngày 19-9-1929). Có lẽ vì rất tâm huyết với đối tượng phụ nữ mà năm 1929, trên tờ Phụ nữ tân văn, Phan Khôi đã mở hẳn một diễn đàn xin ý kiến những nhân vật quan trọng về quyền và nghĩa vụ của người phụ nữ đối với xã hội.
Cái lối viết bảo vệ đến cùng quan điểm của mình (mà đôi khi mang tính chất bao biện) đã khiến Phan Khôi phải đương đầu với rất nhiều cuộc tranh luận sau này. Thực ra, ông có thừa trí tuệ để phân biệt giữa cái hợp lý với cái bất hợp lý. Ông thích tranh luận, và nhiều khi chấp nhận đứng về phía cái chưa (hoặc không) được xã hội thừa nhận, tranh cãi kịch liệt với đối thủ để làm bật ra chân lý nào đó, giúp nâng cao nhận thức cho độc giả. Chính vì vậy chuyện được thua đối với ông dường như vô nghĩa. Khi cảm thấy cuộc tranh luận như vậy là đủ, ông lại mở màn cho một cuộc tranh cãi khác, và người được hưởng lợi nhất bao giờ cũng là độc giả. Như chúng ta đã thấy, hầu hết báo chí Việt Nam vào những năm 1930 của thế kỷ trước đều có hình thức không đẹp, nên việc có bán được hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc cho đăng tải các luồng dư luận trái chiều nhau. Một tờ báo khôn ngoan bao giờ cũng biết tạo ra và nuôI dưỡng các cuộc tranh luận, và Phan Khôi là người rất giỏi trong việc cuốn hút bạn đọc bằng các bài viết mang đầy cá tính và quan điểm riêng.
Trong sự nghiệp làm báo của mình, Phan Khôi đã khơi màn cho rất nhiều cuộc tranh luận lớn nhỏ, chẳng hạn như, năm 1929-1930, ông đã tổ chức cuộc thi viết về sử Nam trên tờ Thần Chung. Năm 1930, Phan Khôi bút chiến với Nguyễn Phan Long, lãnh tụ của đảng Lập Hiến về trách nhiệm của người cầm bút trước thời cuộc. Cũng trong năm này, trên các tờ Thần chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập, ông viết rất nhiều bài tranh luận với Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim về vai trò của Nho giáo trong xã hội hiện đại, đề cập đến sự tha hoá của văn minh phương Tây đối với văn hoá á đông, trong đó có Việt Nam. Trong những năm 1931- 1932, trên các tờ Đông Tây, Trung lập, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Phan Khôi tiếp tục bàn về những di sản của nền quốc học cũ, gây được sự chú ý và tranh luận mạnh mẽ với nhiều học giả đương thời. Đặc biệt, trên tờ Phụ nữ tân văn số ra ngày 10-3-1932, Phan Khôi đã cho in bài thơ Tình già và tuyên ngôn Đem một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ của mình đã gây chấn động dư luận, tạo ra cuộc tranh luận chưa từng thấy trong giới văn nhân- ký giả cả nước. Cuối cùng, cách tân của ông được xã hội thừa nhận, và Phan Khôi trở thành một trong những người mở đầu cho dòng thơ mới nước ta. Năm 1933, trên tờ Phụ nữ thời đàm, Phan Khôi đã có loạt bài đề cập đến một số phạm trù của Triết học, tư tưởng gây nên cuộc tranh luận lớn giữa ông với nhà lý luận Mác-xít Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn). Chuyện đúng- sai, về lâu dài, chúng ta chưa bàn đến, nhưng rõ ràng lối viết của Phan Khôi trong bài Văn minh vật chất và văn minh tinh thần (Phụ nữ thời đàm ngày 8-8-1933) là không phù hợp với xu thế chung lúc đó: Chúng ta, người Việt Nam đây phải tỉnh ngộ lại, phải thành thật nhận mình là thua kém, thua kém về vật chất bởi thua kém về tinh thần. Ta nên biết cái trình độ của ta, ước chừng nằm vào khoảng Trung thế kỷ (Moyen âge) ở châu Âu, còn tối tăm lắm, còn vụng dại lắm, chẳng có tinh thần gì đâu mà làm phách… Lối viết này đã vô tình làm nhụt đi nhuệ khí đấu tranh của dân chúng, đẩy họ rơi vào tâm trạng tự ti, làm cho giới trí thức chỉ còn biết chăm chăm vào đọc sách, không dám đương đầu với nhà cầm quyền thực dân. Tuy nhiên, vào những năm 1930, thật khó mà đòi hỏi Phan Khôi cũng như nhiều nhân sỹ, trí thức đương thời viết khác được. Đây là lúc phong trào cộng sản cũng như các phong trào yêu nước Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, đặc biệt là sau khi phong trào Xô-viêt Nghệ- Tĩnh bị đàn áp, hầu hết các nhà cách mạng Việt Nam bị bắt, bị giết hại, người dân cũng như giới trí thức không biết bấu víu vào đâu, không còn cái đích nào để hướng tới. Báo chí lúc này (1930-1934), hầu như phải né tránh các vấn đề chính trị. Việc những người như Phan Khôi khuấy động dư luận trên các phương diện văn hoá, khoa học, xét trên mặt tích cực, đã góp phần lôi kéo người dân thoát ra khỏi cái vỏ ốc, tham gia vào các hoạt động xã hội, làm thức tỉnh ý thức trách nhiệm của mỗi người trước nội tình đất nước. Đấy là cá được và cũng là mục đích chính của Phan Khôi.
Nói tới hình thức hài đàm (tiểu phẩm), giới làm báo thường nhắc tới Phan Khôi, một trong những người đầu tiên sử dụng thể loại này ở Việt Nam. Cho đến nay, người ta mới tìm được khoảng 1000 bài tiểu phẩm của ông viết từ năm 1928- 1933, được ký bởi các bút danh Tân Việt, Tha Sơn, Thông reo. 1000 bài báo là 1000 vấn đề của đời thường. Có đọc các bài báo của Phan Khôi mới thấy được tầm trí tuệ của một nhân cách lớn. Cho đến giờ, có lẽ chưa có ai vượt được Phan Khôi riêng về thể loại tiểu phẩm. Lối viết của Phan Khôi không cầu kỳ, luôn đạt đến độ chuẩn mực về ngôn ngữ. Ông viêt đúng như những gì ông nghĩ, ông nói. Yếu tố gây cười luôn được đặt đúng chỗ, không bao giờ lên gân xuống cốt, không mang tính chất sinh lý. Chúng là kết quả của một trí tuệ siêu phàm, luôn ở một tầm cao để khái quát, đánh giá hiện thực. Vẫn là những chi tiết đó, nếu ở một cây bút bình thường, sẽ không phát huy hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Thủ pháp Phan Khôi hay dùng là mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, mượn chuyện người để nói chuyện ta, dùng vật để nói người, dùng thần linh để nói thế sự, và nhiều khi chúng có ý nghĩa thời sự lâu dài. Chẳng hạn như bài Giải thơ La Fontaine, Phan Khôi viết: Trong những thơ ngụ ngôn của La Fontaine có một bài nói chuyện con ve ve với con kiến, đại lược rằng:
Con ve ve hát luôn trót một mùa hạ. Qua mùa đông, nó không còn có đồ gì ăn, bèn tới vay con kiến. Con kiến hỏi, mùa hạ bác làm gì? Con ve khai rằng tôi hát luôn. Kiến bèn trả lời rằng: Bác hát a? Thôi thì bây giờ bác múa đi!
Cái ý trong bài, nói con kiến không chịu làm phước cho con ve vay, không trợ cấp gì cho con ve cả, mà bảo con ve cứ múa hát.
Bài thơ ấy ông Fontaine chẳng có ý chi lạ hơn là châm chích sở đốc lý thành phố Sài Gòn và châm chích luôn cả người An Nam ở đó.
Số là ở thành phố Sài Gòn có một sở làm phước, tiếng Pháp gọi là Bureau de Bienveillance. Theo lời một ông nghị viên hỏi ông đốc lý mới kỳ hội đồng gần đây, thì sở ấy chỉ giùm giúp cho người Pháp nào gần nghèo nàn mà thôi, người Pháp nào ở đây không có việc làm, đói túng, thì giúp tiền cho trở về bổn quốc; song người An Nam nào cũng lâm vào cảnh ấy mà muốn về quê quán mình ngoài Trung Bắc kỳ thì không hề giúp.
Trong sổ dự toán của thành phố lại có một món tiền trợ cấp cho mấy gánh hát Tây ở đây. Bữa hôm hội nghị vừa rồi, các ông nghị đã quyết định trợ cấp cho một người Pháp kia là chủ gánh hát, mỗi lần diễn tuồng là hai trăm đồng.
Người An Nam ở đây có tiếng là hay hát. Hát bộ, hát cải lương, không những một mùa hạ mà quanh năm. Nào rạp ở Chợ Mới, nào rạp ở Chợ Đũi, nào rạp ở Đa Kao, nào rạp ở Cầu Mũi, có năm bảy rạp chứ không phải một rạp. ấy thế mà chẳng nghe ai trợ cấp cho đồng nào hết.
Không trợ cấp, không làm phước, mà đêm nào cũng nghe trống đánh thùng thùng làm vui cho thành phố, tô điểm cái cảnh thái bình cho thành phố, thì người An Nam ở đây chẳng khác nào con ve ve của ông La Fontaine… (Thần chung số 112 ngày 4-6-1929).
Mặc dù trong bài Chấm văn Tây, Phan Khôi có viết: Mục Câu chuyện hằng ngày nầy không phải chỗ để nói quốc sự; huống chi chuyện về tay Tân Việt là anh có cái tánh nhút nhát không ưa bô-ly-tich (Chính trị- TG), cho nên một chữ về quốc sự cũng không thèm nói đến, nhưng thực tế nhiều bài viết của Phan Khôi vẫn mang đậm màu sắc chính trị, dù chúng được thể hiện bởi các thủ pháp gián tiếp, ẩn dụ, bóng gió xa xôi. Sự châm chích của ông nhiều phen khiến nhà cầm quyền phải bầm gan, tím ruột mà không làm gì được. Trong bài Cộng sản mà không ngờ (Thần chung số 227 ngày 21-12-1929) ông tưng tửng kể: Vào ngày lễ đình chiến, dân tỉnh Hậu Giang nhận được lệnh phải treo cờ tam sắc (cờ Pháp), một nông dân nghèo không có tiền mua cờ nên tiện trong nhà có mảnh vải điều nên treo đại lên (Thiếu hai sắc trắng và xanh). Anh bị bắt giải lên quan. Sau khi biết sự tình, quan tha và dặn từ nay không được dùng màu đỏ, vì đó là màu cộng sản. Về nhà thấy vợ ăn trầu, có nước cốt màu đỏ, anh ta liệng hết đồ ăn trầu đi và cấm vợ từ nay không được dùng thứ đó nữa… Có thể nói, cái lối viết hài hước, châm chọc, ít khi mang tính công kích, phảng phất trong hầu hết các tiểu phẩm của Phan Khôi, tạo nên phong cách rất riêng của ông, cho đến nay ít người bắt chước được.

Người nơi chín suối ngậm cười được chăng?
Trong suốt cuộc đời của mình, ngoài sự nghiệp làm báo, Phan Khôi còn viết và dịch sách (một số cuốn in lại các bài trên báo), có thể kể ra đây một số tác phẩm tiêu biểu như Bàn về tế giao (1918), Chuyện các bậc tiền bối (1919), Giáo dục nghiên cứu (1919), Học thuyêt và đạo đức Khổng tử (1924), Nam âm thi thoại (1919, đến 1936 thì đổi thành Chương Dân thi thoại), Tiếng An Nam đàng trong với đàng ngoài,Trở vỏ lửa ra (1939), Việt ngữ nghiên cứu (1955), Mộng trung mộng, Hoạn hải ba đào, Lỗ Tấn truyện ngắn và tạp văn… Trong đó có tập Nắng chiều chưa in, đó là chưa kể những công trình dịch cho chính quyền Việt Minh thời kỳ kháng chiến chống Pháp…
Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, người đời nhớ đến Phan Khôi là bởi những bài báo phản ánh thân phận và phê phán thói hư tật xấu của con người dưới chế độ nô dịch, thì nửa thế kỷ nay, người ta nhắc tới ông vì những mối liên hệ với nhóm Nhân văn- Giai phẩm. Bao quanh Phan Khôi là một đám sương mù, và người ta hiểu ông như là hiện thân của sự phản bội. Thực ra, sự việc không đến mức nghiêm trọng như vậy.
Như chúng ta đã biết, sau khi tiếp quản thủ đô và các tỉnh phía Bắc, Đảng và Nhà nước ta vẫn duy trì cung cách quản lý báo chí như thời cách mạng tháng Tám, nghĩa là hết sức tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tạo mọi điều kiện phát triển báo chí tư nhân, kể cả báo chí đối lập. Đây cũng là lúc tầng lớp văn nghệ sỹ thoát khỏi bao nỗi khó khăn thiếu thốn nơi rừng núi kháng chiến, trở về thủ đô xây dựng cuộc sống mới. Nhiều người ngây thơ tưởng rằng, chiến tranh đã kêt thúc, it nhất là đối với nửa phần đất nước phía Bắc. Họ tin rằng mọi sáng tác và cung cách quản lý văn nghệ thời kỳ kháng chiến giờ sẽ phải thay đổi, trả lại cho văn nghệ sự tự do tuyệt đối. Đòi hỏi này là chính đáng, nhưng hoàn toàn không phù hợp với tình hình lúc đó. Vào giai đoạn này, ở nửa phần phía Nam đất nước, chính quyền Sài Gòn cùng với đế quốc Mỹ ráo riết truy bắt và giết hại lực lượng kháng chiến, đặc biệt là các đảng viên cộng sản. Họ luôn tìm cách thôn tính miền Bắc XHCN. Đây cũng là lúc tình hình chính trị, xã hội miền Bắc chưa hoàn toàn đi vào ổn định, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Những đối tượng phản động nằm vùng có cơ hội là nổi dậy, kích động dân chúng bạo loạn, cướp chính quyền. Đúng vào thời điểm nhạy cảm này, một số văn nghệ sỹ, thông qua báo chí, đấu tranh đòi tự do sáng tác rất dễ gây ra những xáo trộn xã hội, ảnh hưởng tới cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Tác giả Hoàng Văn Chí, trong cuốn sách Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (Mặt trận bảo vệ tự do văn hoá, xuất bản tại Sài Gòn năm 1959) cho rằng: Phong trào Bách hoa tề phóng bách gia tranh minh ở Trung Quốc, việc lên án tệ sùng bái cá nhân của Krushchev sau Đại hội lần thứ 20 tại Liên Xô, sự tiếm quyền của Gomulka ở Ba Lan, vụ bạo loạn tại Budapest (Hunggari) đã có những tác động mạnh mẽ đến hành vi của các văn nghệ sỹ trong nhóm Nhân văn- Giai phẩm và coi cuộc đấu tranh của nhóm này như là kết cục tất yếu của lịch sử… Nhận định như vậy là không chính xác, bởi đơn giản là, tất cả những sự kiện trên đều xuất hiện sau khi tờ Giai phẩm mùa xuân đã ra mắt bạn đọc được mấy tháng (2-1956), đó là chưa kể từ năm 1955, ở miền Bắc đã lác đác xuất hiện những bài phê bình của Trần Dần, Tử Phác, Lê Đạt, Hoàng Cầm… đối với tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Dường như tất cả chỉ là tự phát.
Trong Giai Phẩm mùa xuân, Phan Khôi không có bài. Phải đến Giai phẩm mùa thu (Tập 1) ra ngày 29-8-1956, ông mới tham gia với bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ. Ngày 15-9-1956, bán nguyệt san Nhân văn ra số đầu tiên và Phan Khôi giữ vai trò chủ nhiệm. Có lẽ một phần bởi cái chức danh này mà mọi người qui kết ông là phần tử cầm đầu nhóm Nhân văn- Giai phẩm. Thực ra, vai trò của Phan Khôi trên tờ báo này là khá mờ nhạt, là “hữu danh vô thực”. Những người khởi xướng tờ báo như Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Trần Dần, lúc này vì những lý do tế nhị, đều không thể đứng tên được. Họ nhờ Phan KhôI làm chủ nhiệm chỉ là trên danh nghĩa, vì tiếng tăm cũng như tuổi tác của ông mà thôi. Cái làm cho Phan Khôi đến giờ vẫn chưa được “Tha thứ” chính là bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ. Bây giờ, đọc bài báo này, thấy cũng không có gì ghê gớm, nhưng vào thời đó, nó đã gây chấn động dư luận, nhất là đối với những “Chức sắc” trong giới văn nghệ. Bài báo này đã phản ánh khá chân xác tâm tư của anh em văn nghệ sỹ thời bấy giờ. Ông chỉ rõ, thứ văn nghệ tô hồng, một chiều là cần thiết và có tác dụng vô cùng to lớn trong việc cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân và dân ta trong kháng chiến. Nhưng khi hoà bình lập lại, thứ văn chương có tính ngắn hạn và rất mờ nhạt yếu tố nghệ thuật này cần phải được thay thế, mới phát huy được hết tính sáng tạo của giới cầm bút. Ông đã chỉ ra hậu quả của một nền văn học nghệ thuật được đặt dưới sự chỉ đạo cứng nhắc: Nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo một lối với mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết. Mà nếu cứ thế này mãi, than ôi, cái ngày ấy cũng chẳng xa đâu!. Với quan điểm này Phan Khôi đã bị công kích dữ dội, nhưng đến nay, chúng ta phải thừa nhận là ông có nhãn quan nhìn xa trông rộng. Nghị quyết Đại hội Đảng VI (1986) và nghị quyết của nhiều kỳ đại hội sau đó, Đảng ta đã chỉ ra hậu quả lâu dài, khó khắc phục của thứ văn nghệ chính trị đơn thuần và kêu gọi giới cầm bút phải loại bỏ thứ văn chương tô hồng, một chiều, phải coi trọng trí sáng tạo và tự do của văn nghệ sỹ.
Cũng trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ, Phan Khôi đã phản ánh một cách trung thực về vụ trao giải thưởng văn học 1954-1955. Vì có chân trong Ban Chung khảo, nên ông đã cảm nhận được hết những trò lố bịch của một số người “Cầm cân nảy mực”. Ông thẳng thắn phơi bày thực trạng những người có chức có quyền, đồng thời có chân trong ban giám khảo lại chấm giải cao cho chính tác phẩm của mình. Đây chính là nguyên nhân gây nên sự bất bình của các văn nghệ sỹ, dễ bị kẻ thù lợi dụng, xuyên tạc.
Thấm thoắt “Vụ án Nhân văn- Giai phẩm” đã trôi qua được hơn 50 năm. Cái chưa hợp lý của nhóm này thì đã rõ. Họ đã đặt lợi ích riêng (dù chính đáng) lên trên lợi ích chung, vì vậy đã có những tác động không tốt tới công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Có lẽ đã nhận ra việc đối xử với nhóm Nhân văn- Giai phẩm trước đây có phần quá nặng nề, nên những năm gần đây, chúng ta đã mạnh dạn khôi phục quyền lợi, danh dự cho một số người. Những người như Trần Đức Thảo, Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Nguyễn Sáng, Đặng Đình Hưng… đều đã được khẳng định nhờ những đóng góp của họ bằng các giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước… Các tác phẩm của những người này đều đã được tái bản, phát hành rộng rãi. Vậy không lẽ chúng ta lại “quên” Phan Khôi? Thật là đáng tiếc quá! Lịch sử khó có thể sản sinh được một con người thứ 2 như ông. Có lẽ vì giận cuộc đời mà ông đã xoá sạch dấu tích của mình. Nghĩa trang, nơi chôn cất Phan Khôi giờ đã không còn dấu tích, thay vào đó là những công trình xây dựng. Không ai, kể cả Phan Khôi, biết thân xác của mình đang trôi dạt nơi đâu. Dưới tầng đất đen sâu thẳm vô định, đã lâu lắm rồi hương tàn, khói lạnh. Ông thì, vốn bản tính bất cần, nhưng chúng ta, những người còn sống, không cho phép mình làm thế, kẻo rồi hậu thế chê trách, oán than. Hãy bắt tay khi còn chưa muộn, khai quật di sản trả về cho một tượng đài. Làm được thế, ở nơi chín suối, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, Phan Khôi sẽ nở một nụ cười mãn nguyện. Còn chúng ta cũng thanh thản dõi nhìn về quá khứ và yên tâm hướng về tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét