Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) còn có tên là Kẻ Vẽ lâu nay được coi như vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, nơi đã từng sản sinh ra nhiều bậc hiền tài cho đất nước. Họ Phan là một trong những họ lớn của làng đã cư ngụ tại đây từ nhiều thế kỷ trước. Kế tục truyền thống khoa bảng của tổ tiên, Phan Văn Trường đã hiến cả đời mình bôn ba đây đó mở rộng tầm hiểu biết, tìm đường đưa dân tộc thoát khỏi kiếp nô lệ.
LONG ĐONG CẢNH CÁ CHẬU CHIM LỒNG
Đã có lần Phan Văn Trường nói về thân thế của mình “Cũng như nhiều người Việt Nam khác, tôi xuất thân trong một gia đình nhà nho thấm nhuần những nguyên tắc truyền thống về lòng vị tha và tính không vụ lợi…”. Ông sinh ngày 7 tháng 8 năm Bính Tý (tức 25.9.1876). Thân phụ của ông là Phan Anh Nhân, còn thân mẫu là Phạm Thị Nghiêm. Hai ông bà có 9 mặt con gồm 6 trai 3 gái. Phan Văn Trường đứng thứ 5 trong số 6 người con trai này. Nhờ được giáo dục hết sức chu đáo nên cả mấy anh em của Phan Văn Trường đều thành đạt, trở thành những bậc thức giả, có tinh thần yêu nước sâu sắc.
Tốt nghiệp trường Thông ngôn từ khá sớm, Phan Văn Trường về làm việc cho Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1907, các chí sĩ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Lê Đại… quyết định mở trường Đông kinh nghĩa thục tại Hà Nội, biến nơi đây thành trường học giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên. Tham gia giảng dạy cho Đông kinh nghĩa thục ngoài Phan Văn Trường còn có hai người anh của ông là Phan Tuấn Phong và Phan Trọng Kiên. Có thời kỳ một lớp học của trường được đặt tại nhà của Phan Văn Trường tại xã Đông Ngạc. Vì nghi ngờ đây là một cái ổ tuyên truyền cộng sản, thực dân Pháp đã nhiều lần tiến hành khám xét, bắt bớ và cuối cùng đóng cửa Đông kinh nghĩa thục vào tháng 11.1907. Mấy tháng sau tại miền Trung xảy ra vụ kháng thuế, tại Hà Nội xảy ra vụ đầu độc lính Pháp, chính quyền thực dân nghi ngờ có liên quan đến nhóm giáo viên Đông kinh nghĩa thục nên đã bắt hàng loạt người, trong đó có ba anh em họ Phan. Vì không có chứng cớ nên sau đó người Pháp buộc phải thả họ.
Vừa thoát khỏi giam cầm, Phan Văn Trường lập tức sang Pháp, theo lời ông tự thuật thì để khỏi phải chứng kiến những cảnh đau lòng trong đời sống ở thuộc địa. Trên đất Pháp ông dành phần lớn thời gian sống ở Paris. Để thuận lợi hơn cho con đường học tập Phan Văn Trường gia nhập quốc tịch Pháp. Cùng lúc ông học hai ngành Văn chương và Luật. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ông tiếp tục học lên bậc tiến sĩ Luật khoa. Đang học dở dang thì chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, Phan Văn Trường buộc phải nhập ngũ, đóng quân cách Paris khoảng 100km. Tham gia quân đội chưa được bao lâu thì ngày 12.9.1911 ông bị bắt giam với lý do khá mơ hồ là Có tiền sử phiến loạn. Có thể người Pháp cho rằng để những phần tử này được tự do sẽ không có lợi, nhất là trong tình hình thời chiến. Nhờ sự vận động của một số tổ chức, cá nhân tiến bộ Pháp, đến tháng 7.1915 Phan Văn Trường được thả, tiếp tục phục vụ trong quân ngũ đến hết chiến tranh. Trở lại làm dân thường ông tiếp tục thực hiện luận án Tiến sĩ có đề tài Lược khảo về luật Gia Long. Luận án được bảo vệ thành công xuất sắc và ông trở thành Tiến sĩ Luật khoa người Việt đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp.
Trong quá trình ở Paris, Phan Văn Trường thuê ngôi nhà số 6 Villa-des Gobelins quận 13 để làm nơi sinh hoạt, gặp gỡ bạn bè, đồng chí. Đây được coi như trạm tiếp đón các nhà yêu nước Việt Nam khi họ vừa đặt chân lên đất Pháp. Năm 1911 Phan Chu Trinh cùng con trai sang Pháp và gần một năm sau ông đã gặp Phan Văn Trường. Sự đồng cảm trên nhiều lĩnh vực đã khiến họ mau chóng trở thành những người bạn, đồng chí gắn bó, tri kỷ. Phan Chu Trinh sau đó đã dọn về ở hẳn ngôi nhà này. Để quy tụ những người cùng chí hướng, hai ông đã bàn bạc đứng ra lập Hội đồng bào tương thân tương ái do Phan Văn Trường làm Hội trưởng. Đây có thể được coi là một tổ chức Việt kiều đầu tiên tại hải ngoại. Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh (1914-1918), đặc biệt là quãng thời gian Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường ngồi tù, do không có người lãnh đạo, nên Hội này hoạt động rất rời rạc sau đó tan rã. Chiến tranh kết thúc việc lập lại một Hội tương tự là hết sức cần thiết bởi lúc này số người Việt Nam ở Pháp đã tăng lên rất nhiều. Nếu được tập hợp lại, đây sẽ là lực lượng quan trọng nói lên được những nguyện vọng của người dân thuộc địa. Kế hoạch lập Hội Những người Việt Nam yêu nước đã có, vấn đề nảy sinh là ai sẽ lãnh đạo Hội này khi mà cả hai nhà yêu nước họ Phan đều đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền, mọi hoạt động của họ đều bị theo dõi sát sao. Sau một thời gian cân nhắc, cuối cùng hai ông quyết định mời Nguyễn Tất Thành (lúc này đang ở London – Anh) sang Paris. Trước khi sang Pháp, trong nhiều năm trời, Nguyễn Tất Thành đã có mối liên hệ chặt chẽ với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường. Tính năng nổ, thông minh của Nguyễn Tất Thành cộng với sự hỗ trợ hết mình của hai chí sĩ họ Phan, Hội Những Người Việt Nam yêu nước hoạt động rất sôi nổi, mạnh mẽ, đã tập hợp được đông đảo những người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Pháp. Hội đã gửi Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam tới Hội nghị Versailles (18.6.1919). Bản yêu sách viết bởi ba thứ tiếng Pháp – Việt – Hán được ký bởi bút hiệu Nguyễn Ái Quốc đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước. Bộ ba Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành bị theo dõi gắt gao. Sau này Bộ trưởng thuộc địa Pháp đã nhận xét riêng về Phan Văn Trường: Trong số những tên phiến loạn cần theo dõi, trước hết là Phan Văn Trường cư trú tại Mayenxơ. Tên đó thuộc quốc tịch Pháp và là em trai của những tên chống Pháp mà ai cũng biết đã bị kết án bên xứ Đông Dương và bản thân tên đó cũng đã là đối tượng của một cuộc thẩm tra từ Pháp vào năm 1915 tại Paris. Vì “Âm mưu chống lại sự an ninh của nhà nước” tên đó là linh hồn của một nhóm người An Nam đáng ngờ cư trú tại châu Âu và Viễn Đông, tổ chức những cuộc họp thường xuyên tại Paris, gửi tới các cộng đồng bản xứ những gói truyền đơn cách mạng và cố gắng gây ra bên xứ Đông Dương những vụ rối loạn sẽ làm cho việc điều hành nền bảo hộ của chúng ta thêm khó khăn hơn” – Tạp chí Lịch sử Đảng số 2.1993.
Mặc dù có chân trong Bồi thẩm đoàn Paris nhưng vì không mở văn phòng riêng nên Phan Văn Trường có rất ít thân chủ. Thêm nữa, do phải giúp đỡ, cưu mang một số người ở trong nước sang nên hoàn cảnh kinh tế của ông gặp không ít khó khăn. Nhiều khi ông phải dựa vào sự hỗ trợ của bạn bè, đặc biệt là những giúp đỡ của Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh, người đã truyền bá nghề ảnh cho bà con làng Lai Xá - Hoài Đức – Hà Tây). Từ sau chiến tranh, Phan Văn Trường ít ở Paris. Có thời gian ông sang Đức làm trạng sư nhưng vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với các đồng chí ở Pháp. Lúc này ông đã xây dựng gia đình với một phụ nữ Pháp và có với nhau một người con trai đặt tên là Robert Phan.
Từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước Hội Những người Việt Nam yêu nước không còn hoạt động mạnh như trước. Cái tên của Hội dễ bị quy kết là quá khích nên nhiều người ngần ngại gia nhập tổ chức này. Cũng vào quãng thời gian này người Pháp ráo riết tài trợ cho một số người Việt tay sai đứng ra lập các đoàn thể để lôi kéo người dân Đông Dương ủng hộ chính sách cai trị của nhà cầm quyền thực dân. Trước thực tế này, Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường quyết định lập lại Hội Đồng bào tương thân tương ái. Do có tính cởi mở hơn nên Hội này, ngay sau ngày thành lập (2.1923) đã thu hút được một lượng khá đông Việt kiều tham gia Hội Đồng bào thân ái và Hội Liên hiệp thuộc địa (1920) cùng hoạt động song song đã gây được tiếng vang rất lớn tại Pháp cũng như ở Đông Dương và một số thuộc địa khác. Lúc này, ở Việt Nam nhãn quan chính trị của người dân cũng được nâng cao rất nhiều, một số đảng phái chính trị có màu sắc yêu nước cũng đã bắt đầu xuất hiện, khiến nhà cầm quyền thực dân hết sức lo ngại. Khi Hội Đồng bào thân ái đã khá ổn định về tổ chức, nhân sự thì Nguyễn Ái Quốc bí mật đi Liên Xô. Và ngày 6.12.1923 Phan Văn Trường cũng lên tàu về nước. Sau đó 4 ngày (10.12.1923) tờ báo La Clochefe’lêe (Chuông rè) do Nguyễn An Ninh khởi xướng phát hành số đầu tiên. Ba sự kiện trên xảy ra cùng một thời điểm khiến chúng ta phải đặt ra giả thiết: Dường như Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh đã có sự bàn bạc, thống nhất với nhau từ trước. Xét trên nhiều phương diện, không phải ngẫu nhiên mà tờ Chuông rè có rất nhiều đặc điểm, tính chất giống với tờ Người cùng khổ (Le Paria – số 1 ra ngày 1.4.1922, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm quản lý). Khi vừa đặt chân đến Sài Gòn Phan Văn Trường đã giữ vai trò Chủ nhiệm tờ Chuông rè (sau này là L’Annam) hai tờ báo yêu nước tiêu biểu của Việt Nam trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện. Có vẻ như trước đó, Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường không chỉ có mối liên lạc đơn thuần với trong nước mà còn giữ vai trò quan trọng đối với các phong trào yêu nước ở Việt Nam lúc đó. Trong mấy năm ở Sài Gòn, ngoài công việc liên quan đến báo chí, Phan Văn Trường còn đăng đàn diễn thuyết, viết sách. Những hoạt động có tính yêu nước của ông luôn bị chính quyền cả Pháp lẫn Nam tìm cách ngăn trở, gây khó dễ.
Đúng vào thời điểm Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), Phan Văn Trường vào Sài Gòn (cuối 1924), các phong trào yêu nước ở Việt Nam bắt đầu dâng cao. Hàng loạt đảng phái chính trị xuất hiện đã quy tụ được đông đảo quần chúng nhân dân. Đây cũng là quãng thời gian ở Việt Nam có nhiều biến cố. Phan Bội Châu bị bắt rồi bị đưa về nước xét xử (1925). Phan Văn Trường cùng các đồng chí lập mặt trận báo chí đấu tranh đòi xoá bỏ án tích cho Phan Bội Châu. Cuộc đấu tranh kết thúc thắng lợi Phan Văn Trường tiếp tục đứng ra vận động nhân dân đóng góp tài chính để ổn định nơi ăn chốn ở cho nhà chí sĩ. Sang năm 1926 Nguyễn An Ninh lại bị bắt, Phan Chu Trinh đột ngột mất tại Sài Gòn. Phan Văn Trường tiếp tục phát động phong trào đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh, tổ chức đám tang cho Phan Chu Trinh trong cả nước suốt 8 tháng trời. Với tội danh Xúi giục người dân làm loạn, ngày 21.7.1927 Phan Văn Trường bị bắt, bị đưa ra toà án đỏ Sài Gòn xét xử và nhận mức án 2 năm tù giam. Ông chống án sang Pháp. Một thời gian sau, toà Paris xử ông y án. Mãi tới cuối năm 1931 Phan Văn Trường mới được trả tự do, và chỉ hơn một năm sau đó (ngày 21.4.1933) ông mất tại Hà Nội, thọ 57 tuổi.
LẬN ĐẬN GIỮA CÁC LUỒNG TƯ TƯỞNG
Có người đã coi Phan Văn Trường là nhà Mác-xít đầu tiên của Việt Nam. Nhận định này không sai nhưng chưa rõ. Phan Văn Trường sang Pháp năm 1908, là thời kỳ có rất ít người Việt sinh sống, học tập ở nước này nên ông có điều kiện thuận lợi nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Trong một số bài viết ông đã bày tỏ thiện cảm của mình đối với cách mạng tháng Mười Nga, với chủ nghĩa cộng sản. Điều này không có nghĩa ông đã trở thành người cộng sản. Cho đến nay chúng ta chưa có tư liệu nào trong tay chứng minh Phan Văn Trường đã từng là thành viên của một tổ chức cộng sản nào cho dù ông đã từng sống và làm việc với nhiều đảng viên cộng sản trong và ngoài nước.
Có những thời kỳ dài, tại Paris, Phan Văn Trường có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhóm Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền nhưng dường như giữa họ vẫn có những khác biệt về quan điểm, tư tưởng. Mặc dù có mối giao tình lâu năm, nhưng đã nhiều lần Phan Văn Trường đã gay gắt phê phán quan điểm Ỷ Pháp cầu tiến bộ của Phan Chu Trinh. Sau khi Phan Chu Trinh mất, Phan Văn Trường đã có bài Thoả hiệp Pháp – Việt một trò đùa đăng trên báo Chuông rè số ra ngày 22.4.1926, trong đó có đoạn: “Mặc dầu bị thất vọng chồng chất bao lần, một số đông người vẫn còn chạy theo “Con ma thoả hiệp”. Hãy kể một trường hợp là Phan Chu Trinh”. Đã có lần Nguyễn An Ninh viết bài đăng trên báo Trung Lập (số 6697 ra ngày 27.4.1933) nhận xét về sự khác biệt trong nhận thức chính trị giữa Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường: Phan Chu Trinh lắm khi bị ông ta (Phan Văn Trường) phê bình dữ dội cũng là vì cái tính ngay thẳng của ông ta không hạp với cái tính đầu cơ của Phan Chu Trinh. Phan Văn Trường nghiên cứu chủ nghĩa Mã-Khắc-Tư (Mác) nhờ nó mà hiểu rõ sự tiến bộ xã hội. Còn Phan Chu Trinh trong mười mấy năm ở Pháp cứ ôm bộ “ẩm băng” Lương Khải Siêu, cho đến ngày về xứ cũng đem theo tàu để lót đầu nằm, thì làm sao không chỏi nhau được…”.
Lâu nay, ở Việt Nam có hai quan điểm không tương đồng với nhau khi so sánh lập trường giữa Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường. Có người đã xếp Phan Văn Trường vào nhóm những người theo chủ nghĩa dân tộc. Có ý kiến lại khẳng định Phan Văn Trường đã đứng hẳn về phía những người cộng sản. Đúng là Phan Văn Trường rất có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản. Chính vì lẽ đó nên ông mới viết: Ảnh hưởng của cách mạng Nga làm cho Đảng Xã hội thống nhất Pháp chia làm hai, mỗi bên có một học thuyết riêng: Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội. Từ ngày phân biệt đó, hai đảng tuy cùng một gốc nhưng lại chống đối nhau. Đảng Cộng sản trung thành với học thuyết xã hội chủ nghĩa thuần khiết, tuyên bố rằng mình là đảng chân chính cách mạng. Đảng Cộng sản công khai tuyên bố rằng mình hoạt động nhằm đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa bằng cách làm cách mạng theo gương sáng nước Nga Bôn-sê-vích… Còn Đảng Xã hội mới này không tán thành cách mạng, chống một cách dữ dội, không kém gì giai cấp tư bản… Từ đó có thể nói rằng những người xã hội, trong nhiều trường hợp đã kết bè với bọn tư bản – Bài Một đảng viên Xã hội làm Toàn quyền Đông Dương – Chuông rè số 20 ra ngày 26.11.1925. Những ý kiến tương tự như trên của Phan Văn Trường còn xuất hiện rải rác trên nhiều bài viết khác. Những thiện cảm kiểu này chưa đủ để khẳng định ông đã trở thành một nhà cộng sản đích thực. Dường như Phan Văn Trường mới chỉ đồng ý trên nguyên tắc lập trường của người cộng sản đối với vấn đề thuộc địa. Cũng trong bài báo vừa kể trên ông viết: Đặc biệt về vấn đề thuộc địa thái độ của người Cộng sản rất kiên quyết, dứt khoát. Đảng hoàn toàn tán thành việc thực hiện nguyên lý dân tộc tự quyết, mỗi dân tộc đều có quyền làm chủ vận mệnh của mình, cai trị lấy mình. Đảng tán thành hoàn toàn việc giải phóng tất cả các thuộc địa… Còn Đảng Xã hội thì không công nhận nguyên tắc đó. Những người xã hội đồng tình với bọn tư bản rằng thuộc địa là đất đai cần thiết cho sự thịnh vượng của chính quốc, họ chỉ chủ trương thi hành một đường lối chính trị cải cách cho dân bản xứ”. Nếu so sánh quan điểm này với những bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên báo Thanh Niên vào cùng thời điểm ta thấy Phan Văn Trường đang tiến gần đến với Nguyễn Ái Quốc. Rõ ràng là Phan Văn Trường không đến mức thụ động như Phan Chu Trinh và cũng chưa đạt tới sự quyết đoán, tự tin của Nguyễn Ái Quốc. Hạn chế này có lẽ xuất phát từ hai nguyên nhân. Về khách quan, lập trường của Phan Văn Trường chủ yếu được bộc lộ trên mặt báo công khai, in và phát hành trong nước, chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của thực dân Pháp nên ông khó có thể nói thẳng chính kiến của mình. Trong khi đó Nguyễn Ái Quốc lại viết trên báo bí mật tại nước ngoài vì vậy không bị gò bó trong việc bộc lộ thái độ quan điểm của mình. Về chủ quan, bản tính của Phan Văn Trường lại quá cẩn trọng, nhiều khi dẫn đến chậm chạp, dễ bỏ qua những cơ hội đến với mình. Chính vì lẽ đó mà ông Bùi Lâm đã từng nhận xét: Ông Trường là một trí thức yêu nước cũng muốn tìm hiểu chủ nghĩa cộng sản, nhưng ông thiên về sách vở, khác đồng chí Nguyễn Ái Quốc là một nhà lý luận đồng thời là một người hoạt động thực tiễn đi sâu vào anh em lao động” – Gặp Bác ở Paris – Bác Hồ – Nxb Văn học, H 1975.
Khi tìm hiểu về Phan Văn Trường, chúng ta dễ nhận thấy giữa ông và Nguyễn An Ninh có mối quan hệ vô cùng gắn bó trên nhiều phương diện. Chí hướng của hai ông bộc lộ khá giống nhau trên các tờ La Clochefe’lêe L’Annam. Cũng như Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh rất có thiện cảm với chủ nghĩa Cộng sản. Ông đã từng bênh vực mạnh mẽ những người theo Đệ tam quốc tế, phê phán dữ dội phái Trôtkít trên một số tờ báo cách mạng thời kỳ Vận động dân chủ (1936 -1939). Rồi có thời kỳ dài ông đã từng sát cánh cùng những đảng viên Cộng sản lỗi lạc như Nguyễn Văn Tạo, Trần Huy Liệu… đấu tranh chống kẻ thù chung. Nhưng cho đến cuối đời, ông vẫn trung thành với Hội kín do mình lập ra, không đứng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn An Ninh đã bỏ ra nhiều năm trời để nghiên cứu và viết sách về tôn giáo (chủ yếu là đạo Phật). Dường như, đã có thời, ông đặt niềm tin vào tôn giáo, coi tôn giáo như là cứu cánh có tính vĩnh cửu đối với loài người nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng. Nếu Hồ Hữu Tường nói đúng thì đã có lần Phan Văn Trường bộc bạch: Các anh rồi sẽ xem. Chủ nghĩa Cộng sản mà sang qua Á Đông mình, thì sẽ chẳng khác gì văn hoá Mông Cổ chinh phục nhà Tống. Về chánh trị, họ sẽ thắng. Còn về mặt văn hoá, chủ nghĩa Cộng sản sẽ bị Phật giáo đồng hoá, chẳng khác gì văn minh Mông Cổ bị văn minh Tầu đồng hoá vậy – Hồ Hữu Tường – Bốn mươi mốt năm làm báo – Hồi ký – Nxb Trí Đảng – S – 1972. Những dòng hồi ký trên cần phải kiểm chứng lại, nhưng có một thực tế là, cũng giống với Nguyễn An Ninh, suốt cuộc đời mình Phan Văn Trường không (hoặc chưa có điều kiện) gia nhập đội ngũ những người Cộng sản. Có lẽ, do nhận ra sai lầm của mình, trong một bài phát biểu tại Sài Gòn Phan Văn Trường đã khảng khái thừa nhận: Tương lai của nước ta có được cái gì chỉ là nhờ Nguyễn Ái Quốc. Và cũng cần phải nói thêm là, đúng vào thời điểm Đảng CSVN ra đời (3.2.1930) Phan Văn Trường bị tù ở Pháp. Sau khi ra tù được hơn một năm thì ông mất. Giá như ông sống thêm được ít năm nữa, rất có khả năng ông sẽ có sự chuyển biến về tư tưởng, đi theo con đường Nguyễn Ái Quốc lựa chọn.
MỘT NGÒI BÚT YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH
Trước khi sang Pháp, Phan Văn Trường đã là một trong những nhân vật quan trọng của trường Đông Kinh nghĩa thục. Tuy nhiên, cũng như phần lớn những nhà yêu nước thời đó đều chưa biết hoặc chưa có khả năng sử dụng báo chí làm phương tiện đấu tranh. Tới Paris thời gian đầu, có lẽ quá bận rộn với việc học tập nên ông cũng không có điều kiện hoạt động báo chí. Cho đến nay, chưa có tư liệu nào cho biết thời điểm Phan Văn Trường bắt đầu làm báo. Chỉ biết rằng khoảng những năm 20 của thế kỷ trước các bài báo của nhóm Ngũ Long (mà Phan Văn Trường là một thành viên) đã để lại dấu ấn đậm đà trong lòng bà con Việt kiều. Khi tờ LeParia (Người cùng khổ – Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa) ra đời, bút danh Phan đã nhanh chóng được bạn đọc tiếp nhận. Việc Phan Văn Trường viết tất cả bao nhiêu bài cho LeParia rất khó xác định bởi vào thời đó các nhà cách mạng Việt Nam thường dùng nhiều bút danh hoặc đơn giản là không ký gì cả. Hai ông Nguyễn Phan Quang – Phan Văn Hoàng đã phải mất rất nhiều công sức mới sưu tầm được khoảng chục bài của Phan Văn Trường trên báo LeParia. Hy vọng trong tương lai danh sách này sẽ được bổ sung thêm để chúng ta có cơ sở hoàn chỉnh hoá sự nghiệp cầm bút của Phan Văn Trường.
Căn cứ ở những gì hiện có, chúng ta thấy, trên LeParia, Phan Văn Trường chủ yếu viết theo thể chính luận. Nếu như Nguyễn Ái Quốc có giọng văn dân dã, dễ hiểu, xoáy vào trọng tâm vấn đề, bộc lộ ngay thái độ chính kiến thì Phan Văn Trường lại khác. Ông hay sử dụng phương ngôn, điển tích phương Tây và những kiến thức luật pháp để diễn giải những nội dung chính trị – xã hội. Có những lúc ông diễn giải xa xôi bóng gió, mượn xưa để nói nay, mượn chuyện người để nói chuyện của ta, dùng nhiều thuật ngữ khoa học, dễ gây cảm giác chúng được viết để phục vụ tầng lớp trí thức, công chức thì sẽ thích hợp hơn. Đọc những bài “Chống Pháp” trong từ ngữ thực dân, Một câu hỏi, Cọng rơm và xà nhà, Lễ Quốc khánh của nước Nam… ta dễ nhận thấy chúng chủ yếu mang âm hưởng châm biếm, phê phán chính sách cai trị của nhà cầm quyền thực dân, ít mang tính tố cáo, đả kích. ẩn sau tiếng cười là sự chua xót, sâu cay của một tâm hồn nặng lòng với Tổ quốc, với nhân dân. Nội dung bài nào cũng thế, bao giờ Phan Văn Trường cũng vạch rõ ranh giới giữa cái thiện với cái ác, giữa tầng lớp thống trị và bị trị, giữa cái tốt với cái xấu. Đây chính là biểu hiện của một đức tính bộc trực, ngay thẳng, không dễ bị ngả nghiêng trước giông bão, cường quyền. Dù ở nước ngoài hay trong nước, ngay từ rất sớm, ông đã xác định rõ kẻ thù chính của dân tộc ta là bè lũ thực dân đế quốc: Một người không phải là người Pháp mà là chống Pháp nếu như anh ta chứng minh bằng những chứng cớ không thể chối cãi rằng ở Đông Dương, chính phủ Pháp thích giữ dân bản xứ trong cảnh ngu dốt bằng một hệ thống ngu dân khôn khéo. Cũng là chống Pháp những ai dám nói rằng nhà cầm quyền Pháp đầu độc nòi giống Việt nam một cách từ từ nhưng chắc chắn bằng cách tọng cho họ nào rượu cồn nào thuốc phiện. Cũng là chống Pháp những ai dám xác nhận rằng trong cái thuộc địa của Pháp, những vụ người Âu giết dân bản xứ không bao giờ bị trừng phạt. Nói tóm lại: Là chống Pháp tất cả những ai có can đảm phản đối chế độ nô lệ tập thể này, cũng là bản chất thực dân với những tội ác chưa từng thấy của nó… LeParia số 12 tháng 2.1923. Sinh ra và lớn lên trong nỗi khổ nhục của một người dân mất nước, Phan Văn Trường thấu hiểu rất rõ giá trị của độc lập tự do. Tuy nhiên, vì đã nhiều lần ra tù vào tội nên ông rất thận trọng khi đưa ra chính kiến của mình. Ông ít khi dùng từ mạnh dễ kích động nhà cầm quyền. Những vấn đề tưởng chừng hết sức to tát lại được ông diễn tả nhẹ nhàng, thâm thuý, thấu tình đạt lý khiến người đọc luôn phải ngẫm ngợi. Sau khi đề cập đến việc pháp luật của một số quốc gia cấm hút thuốc phiện và tiêu thụ rượu cồn, Phan Văn Trường nhấn mạnh: …Thế nhưng chính phủ thực dân Pháp lại tiếp tục cho phép đầu độc một cách có hệ thống dân Việt Nam bằng một lượng rượu cồn và thuốc phiện chưa từng thấy, do chính quyền tự xưng là bảo hộ và khai hoá đứng ra bán. Nhân danh luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi yêu cầu ông Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp vui lòng cho chúng tôi biết: Với tư cách là người đứng đầu chính quyền thực dân, ông đáng bị đánh gậy như thế nào vì tội ác ghê tởm đó” – LeParia số 14 – tháng 5.1923. Chỉ với mấy dòng ngắn ngủi Phan Văn Trường đã vạch ra bản chất xấu xa của nhà cầm quyền thực dân. Nhờ “Nói có sách mách có chứng” mà người Pháp dù rất ghét ông nhưng cũng không làm gì được ông. Nhân việc thực dân Pháp lấy ngày vua Gia Long lên ngôi làm ngày quốc khánh ngay lập tức Phan Văn Trường có bài Lễ Quốc khánh của nước Nam. Ông đã phê phán một cách ý vị trò mị dân kịch cỡm của người Pháp, đồng thời tố cáo những thối nát của chế độ phong kiến Việt Nam. Cũng qua đây ông bày tỏ thái độ đứng về phía những vị vua có tinh thần yêu nước đang bị đày ải nơi đất khách quê người: Các bạn làm lễ cho một người đã chết, như thế là tốt. Có lẽ con người đã chết này không quan tâm gì về việc đó, và có thể từ dưới đáy mồ, người chết chỉ mong bạn đừng nói gì về triều đại của ông ta cũng như về những gì tiếp theo sau đó. Nhưng tại sao các bạn lại không đồng thời làm lễ cho những người còn sống như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, ba vị vua của các bạn, tuy các ngài chưa qua thế giới bên kia nhưng các ngài bị cách ly rất xa các bạn bởi cái chính quyền, mà theo các bạn, là hiện thân của thiện tâm và công lý” – LeParia số 21 tháng 12.1923.
Nói chung, các bài viết của Phan Văn Trường trên LeParia mới chỉ dừng ở việc tố cáo chính sách cai trị hà khắc của nhà cầm quyền thực dân và triều đình phong kiến Việt Nam mà chưa bộc lộ rõ quan điểm đấu tranh đòi cải cách, dù là cải cách xã hội của ông. Đây cũng là hạn chế của nhiều cây bút yêu nước thời bấy giờ.
Khi về nước và đặc biệt kể từ lúc giữ chân Chủ nhiệm LaClochefêle’e (Chuông rè) thì lập trường đấu tranh của Phan Văn Trường đã có những bước tiến đáng kể. Ngoài Nguyễn An Ninh ra, Phan Văn Trường là người viết nhiều nhất cho báo này. Như chúng ta đã biết, khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất chuẩn bị nổ ra A. Sarraut sang làm Toàn quyền Đông Dương đã đưa ra chủ thuyết Pháp – Việt đề huề Pháp – Việt nhất gia. Nếu xét trên bề nổi, công bằng mà nói, chính sách cai trị mềm dẻo của ông này đã tạo ra nhiều thay đổi về nhiều mặt ở nước ta. Đến thời Varene làm Toàn quyền Đông Dương chủ thuyết này lại được hoàn chỉnh thêm. Việc làm này của người Pháp đã tạo ra sự ngộ nhận ở nhiều người, trong đó có cả các bậc chí sĩ nổi tiếng yêu nước. Có người viết thư gửi nhà cầm quyền (có tờ báo đã đăng lại), làm thơ tán tụng và xin Varene đừng bỏ rơi xứ An Nam, người thì coi thực dân Pháp như những người bạn đáng tin cậy, thậm chí còn khuyên dân chúng nên học lấy cái đạo đức của A. Sarraut, của Varene. Có thể nói, đây là thời kỳ tư tưởng của người dân bị đầu đọc rất nặng nề. Nếu như ở nước ngoài, vào giữa thập niên 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần vạch trần tính chất giả nhân giả nghĩa của nhà cầm quyền thực dân thì ở trong nước, tờ La Clochefêle’e đã đi tiên phong trong vấn đề này. Phan Văn Trường đã từng phê phán chủ trương hợp tác, châm biếm chính sách liên kết đậm chất mị dân: Ngài Toàn quyền vốn là một luật sư nhà nghề chắc không thể không biết rằng một sự hợp tác chỉ có thể tồn tại về mặt pháp lý nếu nó được ký kết một cách hoàn toàn tự do giữa hai bên giao ước với nhau; Và bởi vậy, trong vấn đề chúng ta đang quan tâm, một sự hợp tác như thế chỉ có giữa hai cường quốc hoàn toàn độc lập với nhau. Nhưng ở đây chắc ông Varene và bất kỳ chính khách Pháp nào khác cũng đều không có ý định trả lại độc lập mà ngay cả việc ban bố các quyền tự do cho báo chí quốc ngữ ông Varene cũng kiên quyết bảo không được. Vậy thì sự hợp tác mà ông Varene nói với chúng ta chỉ là sự hợp tác thuần tuý trong trí tưởng tượng – Diễn văn đầu tiên của ông Varene: ý kiến – thành kiến – nguỵ biện – La Clochefêle’e số 23 ngày 7.12.1926. Không dừng lại ở đó Phan Văn Trường còn vạch rõ mưu mô, thủ đoạn chính trị của nhà cầm quyền: Ông Varene có thể thực thi vài cải cách nho nhỏ và những cải cách như vậy thì không thể nào thay đổi cái chế độ hiện hành. Rồi những ông toàn quyền kế tiếp sẽ tuỳ thời mà xiết vào hay nói ra một chút cái đinh ốc thực dân, đồng thời sẽ cho người Việt Nam nghe no lỗ tai những bài diễn văn mới và những lời hứa mới – La Clochefêle’e số 57 ngày 15.4.1926. Dưới con mắt một nhà Luật học, theo Phan Văn Trường, bản chất xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc là chế độ Pháp trị chuyên chế. Mọi văn bản được ban hành đều nhằm phục vụ tầng lớp thống trị, làm bần cùng hoá người bản xứ. Các con số ông đưa ra tuy không nhiều nhưng bao giờ cũng rất giàu hình ảnh và có tầm khái quát cao. Điều tệ hại là cả một dân tộc 20 triệu người phải đổ mồ hôi sôi nước mắt quanh năm suốt tháng để nuôi béo mấy ngàn quan chức thực dân, để chúng làm mỗi một công việc là đè dầu cưỡi cổ dân bản xứ và ngốn hết tám phần mười ngân sách – La Clochefêle’e số 57 ngày 15.4.1926. Phần lớn các bài viết của Phan Văn Trường trên La Clochefêle’e đều nhằm phơi bày những mặt trái xã hội. Ông tập trung vào phân tích những quyền cơ bản mà người Việt Nam bị tước đoạt như: Không được tự do đi lại, không được tự do ngôn luận, không được tham gia các vấn đề chính trị quan trọng của đất nước, phải thực hiện các chế độ thuế khoá, phu dịch khủng khiếp, bị phân biệt đối xử, tính mạng, tài sản con người không được coi trọng, bị ngu dân và bần cùng hoá…
Hoạt động nổi đình đám nhất của Chuông rè là trong những số cuối cùng (4.1926) báo đã đăng Tuyên ngôn Cộng sản của Mác - Ăngghen. Đây là việc làm táo bạo lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Nó là tiếng sấm rền báo hiệu cơn giông bão sắp đến. Kẻ thù hoảng hốt vội ra lệnh đóng cửa tờ báo (số 62 ngày 3.5.1926). Không chịu bó tay, Phan Văn Trường xin phép ra tờ báo khác. Ngày 6.5.1926 L’Annam ra đời, đánh số 63, vẫn do Phan Văn Trường làm chủ nhiệm. Lần này, ngoài Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, báo còn nhận được sự cộng tác tích cực của một số nhân sĩ như Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Ngọc Thoại, Lưu Văn Lang, Luật sư Monin… Số bài viết của Phan Văn Trường trên báo này nhiều hơn so với La Clochefêle’e. Điều này cho thấy vai trò của Phan Văn Trường đối với L’Annam là rất lớn. Nói chung, xét cả hình thức lẫn nội dung L’Annam không khác La Clochefêle’e nhiều lắm. Điều đáng lưu ý là L’Annam không dừng lại ở mức công kích chính sách cai trị của nhà cầm quyền mà tập trung vào đấu tranh đòi thực dân Pháp phải tiến hành những cải cách xã hội. Sức đấu tranh của tờ báo nay diễn ra rất mạnh mẽ khiến nhà cầm quyền nhiều lần lớn tiếng đe doạ, khám xét toà soạn. Có lần cả Ban Biên tập đã bị bắt giam. Sự đàn áp dã man của kẻ thù vẫn không ngăn cản được Phan Văn Trường và các đồng chí của ông cất tiếng nói đòi công lý. Tờ báo đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân cả nước. Tuy nhiên do những hạn chế về mặt lịch sử, cả hai tờ báo do Phan Văn Trường tham gia điều hành mới chỉ dừng ở mức độ báo chí yêu nước. Chúng chưa vươn tới tầm của báo chí cách mạng do chưa xác định được cho mình nhiệm vụ đấu tranh đánh đổ chế độ thực dân, giành lại độc lập dân tộc, từ đó xây dựng nên một xã hội mới.
Dù thế nào, thì hai tờ La Clochefêle’e và L’Annam cũng đã làm vẻ vang cho dân tộc ta. Và Phan Văn Trường một trí thức yêu nước, một cây viết suốt đời tận tuỵ với lợi ích dân tộc, xứng đáng được mọi thế hệ Việt Nam tôn vinhr
1- GS Nguyễn Phan Quang - Phan Văn Hoàng: Luật sư Phan Văn Trường. Nxb TP Hồ Chí Minh. H. 1995.
2- TS Thu Trang. Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925. NxbVăn nghệ TP Hồ Chí Minh. 2000.
3- Hồ Hữu Tường. Bốn mươi mốt năm làm báo. Nxb Trí Đăng. S. 1972…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét