Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

NGUYỄN VĂN NGUYỄN: kẻ thù của sự thoả hiệp

Đọc hồi ký của các nhà báo cách mạng viết về thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta dễ dàng nhận thấy không ít người đã dành những lời trân trọng nhất để nói về Nguyễn Văn Nguyễn. Ai cũng coi ông như một người bạn, người đồng chí thân thiết, người đã chia ngọt sẻ bùi với họ trong những thời khắc khó khăn nhất của đất nước. Tất cả đều đánh giá ông là nhà báo lỗi lạc, người đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.


Tuổi trẻ đâu sợ trường tranh đấu

Nguyễn Văn Nguyễn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cha làm nghề gõ đầu trẻ trong làng, mẹ tảo tần sớm khuya với ruộng đồng, chắt bóp nuôi 6 người con ăn học. Người cha mất khi ông còn học bậc tiểu học tại quê nhà. Nhờ trí thông minh, cần cù, ham học hỏi nên ông được chính quyền cấp học bổng ngành sư phạm. Một cậu bé mới mười mấy tuổi đầu đã phải rời làng quê, gia đình (xã Điền Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho - nay là tỉnh Tiền Giang) lên Sài Gòn lập thân, phải tự lo cho số phận của mình.
Đúng vào thời điểm này (giữa những năm 20 của thế kỷ trước) ở Nam Bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng đã xảy ra nhiều sự kiện trọng đại. Các phong trào yêu nước ngày càng lớn mạnh, đấu tranh chống áp bức bất công, đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho con người. Mặc dù mới 15 tuổi nhưng Nguyễn Văn Nguyễn sớm nhận thức được lẽ phải, cùng tham gia với nhân dân cả nước. Ông xuống đường đấu tranh, đòi nhà cầm quyền thả chí sĩ Phan Bội Châu, tham gia phong trào để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Do cùng đấu tranh với nhiều học viên năng nổ khác, Nguyễn Văn Nguyễn bị đuổi học, ông phải xin vào làm tại công ty xe lửa Đông Dương. Tiếp xúc với tầng lớp lao động nghèo khổ, ông mới thấm thía hết thân phận khốn cùng của người dân mất nước, mới hiểu giá trị của độc lập tự do. Chính trong môi trường này, Nguyễn Văn Nguyễn đã được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và khi bước sang tuổi 20, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay trong những ngày đầu tiên Đảng ra đời.
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái vừa thất bại thì nổ ra phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh. Thực dân Pháp điên cuồng khủng bố những người cách mạng. Chỉ chưa đầy một năm (từ tháng 7.1930 đến tháng 6.1931) Nguyễn Văn Nguyễn đã hai lần bị bắt. Ông bị xử tù và đày đi Côn Lôn (4.1932). Mặc dù bị giam chung với đủ mọi thành phần, nhưng ông luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Cùng với các đồng chí, đồng đội Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu, ông tham gia viết báo bí mật trong tù, đấu tranh không khoan nhượng với Chủ nghĩa Tam Dân, với những người theo đường lối quốc gia. Bằng những lập luận đanh thép, chặt chẽ, với những phân tích đánh giá có tình, có lý, tất cả nhằm phục vụ lợi ích dân tộc, Nguyễn Văn Nguyễn đã góp công rất lớn cho sự đoàn kết giữa các xu hướng cách mạng khác nhau. Nhiều người như Trần Huy Liệu, Trương Dân Bảo, Nguyễn Bình, Tô Châu sau này đã giác ngộ lý tưởng cộng sản, một lòng đấu tranh cho sự nghiệp độc lập dân tộc.
Trong hoàn cảnh tù đày thiếu thốn đủ thứ, bị kẻ thù đàn áp, tra tấn dã man, Nguyễn Văn Nguyễn luôn xác định đây chính là nơi thử lửa, là trường học cách mạng lớn của đời ông. Được ở bên lớp đàn anh đi trước, ông đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quí báu cho bước đường hoạt động lâu dài sau này. Cũng tại nơi địa ngục trần gian này, Nguyễn Văn Nguyễn đã bộc lộ khả năng nghệ thuật thiên bẩm của mình. Ông cùng các bạn tù viết những vở kịch, cải lương về lịch sử dân tộc, đề cao truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của cha ông. Những tác phẩm này không chỉ làm khuây khỏa nỗi nhớ đất liền khôn nguôi, mà còn là những bài học giáo dục tinh thần bất khuất cho người tù. Chúng như những ngọn lửa trui rèn nên thứ thép quí cho cách mạng. Qua những vai diễn hết sức sống động của mình, Nguyễn Văn Nguyễn như nhịp cầu nối giữa các tâm hồn khốn khổ với nhau. Ông được bạn tù yêu mến, tin cậy, ngay cả kẻ thù cũng hết sức kính trọng. Chi bộ nhà tù mà Nguyễn Văn Nguyễn là một trong những người sáng lập trở thành tâm điểm qui tụ những người yêu nước, dù giữa họ có những xu hướng chính trị khác nhau.
Ngày 20.8.1934, Nguyễn Văn Nguyễn được ra tù. Trở về đất liền ông xông ngay vào trường hoạt động. Đây cũng là lúc chính trường Pháp có nhiều biến động. Môi trường chính trị Đông Dương cũng đỡ nghẹt thở hơn. Báo Đảng cũng như báo của các tổ chức yêu nước, cách mạng lục tục ra trở lại sau vài năm vắng bóng. Được sự khuyến khích của đồng chí Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn quyết định viết bài cho báo La Lutte. Đây là tờ báo hội tụ đủ các thành phần tham gia, từ những người cộng sản chân chính đến những đối tượng Trôtkít, những người theo chủ nghĩa quốc gia.
Không chỉ đề cập đến đời sống khổ ải của những người tù đăng trên La Lutte, cùng lúc ông viết về những mối tình hết sức đằm thắm nhưng cũng hết sức ngang trái của những con người mất tự do được phơi bày trên báo Dân Quyền. Đầu năm 1935, Nguyễn Văn Nguyễn thay mặt Đảng đăng ký ứng cử vào Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ. Nhiều tờ báo của Đảng đã tuyên truyền vận động cho ông. Để uy hiếp tinh thần những nhà cách mạng, thực dân Pháp bắt giam Nguyễn Văn Nguyễn mấy ngày, hòng bắt ông từ bỏ ý định tham gia đấu tranh nghị trường. Dã tâm của kẻ thù không làm ông nhụt chí. Vừa được thả, ông lại viết bài đăng trên các báo công khai. Hưởng ứng sáng kiến tổ chức Đông Dương Đại hội của Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Nguyễn đi khắp nơi vận động dân chúng viết dân nguyện gửi cho các đoàn kiểm tra của chính phủ Leông Blum. Mặc dù phong trào không gặt hái được những thành công như mong muốn, nhưng ít nhất nó cũng bước đầu qui tụ được nhân dân, hướng nhân dân đến với con đường đấu tranh đòi tự do, dân chủ, buộc nhà cầm quyền ít nhiều phải tiến hành những cải cách xã hội.
Từ năm 1936, báo La Lutte bị nhóm Trôtkít thao túng. Nhiều bài viết trên tờ báo này ngày càng bộc lộ rõ xu hướng phản động, chống phá quan điểm đệ tam quốc tế một cách dữ dội. Không để bạn đọc hoang mang, Đảng chủ trương ra tờ L’Avant garde, giao cho đồng chí Hà Huy Tập đứng ra chỉ đạo chung, Nguyễn Văn Nguyễn làm nhiệm vụ tổ chức nội dung. Ngày 29.5.1937, báo ra số đầu tiên, dưới măng sét đề: Cơ quan lao động và nhân dân Đông Dương. Bộ biên tập ngoài Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Nguyễn ra còn có những nhà báo cách mạng nổi tiếng Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Kiệt. Tòa soạn đặt tại số 43, đường Hamelin, Sài Gòn (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm). Báo ra bằng tiếng Pháp, ngay trong lời phi lộ tờ báo đã nêu rõ khuynh hướng chính trị của mình: “L’ Avant Garde là tờ báo của tất cả các bạn, chống lại các thế lực đế quốc và phong kiến áp bức, bóc lột. Dựa vào phương pháp Macxit Leninnit, tờ báo sẽ hướng dẫn chắc chắn và tận tụy các bạn cho cuộc đấu tranh vì cơm áo hằng ngày, cho tự do dân chủ xã hội. Tờ báo thức tỉnh sự liên minh xung quanh giai cấp vô sản có tổ chức, liên minh với nông dân, với các giai cấp trung gian, với các phần tử tư sản chống đế quốc. Đó là con đường cứu vớt những người bị áp bức trong giai đoạn hiện nay”. Tờ báo luôn có bài ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp, đấu tranh với nhóm trôtkít, coi trọng đấu tranh nghiệp đoàn, đòi cải thiện chế độ lao tù…Tuy nhiên, L’Avant Garde chỉ ra được 8 số. Do đấu tranh mạnh mẽ, ngày 29.7.1937, báo bị chính quyền tịch thu. Trước đó ít ngày, Nguyễn Văn Nguyễn và Nguyễn An Ninh bị bắt và ngày 4.1.1938, hai ông bị tòa Thượng thẩm Sài Gòn kết án 2 năm tù, 5 năm biệt xứ. Nhờ sự đấu tranh của báo chí trong nước, cũng như của một số người Pháp tiến bộ, đầu tháng 9.1939, Nguyễn Văn Nguyễn và Nguyễn An Ninh được thả trước thời hạn. Đây cũng là thời điểm chiến tranh thế giới II bùng nổ. Để giữ bình ổn chính trị Đông Dương, người Pháp chủ trương bắt giam hết các nhà cách mạng Việt Nam. Được tự do chưa đầy 1 tháng, ngày 22.9.1939, hai ông bị bắt trở lại, không cần xét xử, ông bị đưa thẳng ra Côn Lôn. Tại đây, ông đã gặp các đồng đội cũ Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh… Năm 1944, kẻ thù lại chuyển ông về giam tại Tà Lài, Bà Rá.
Chiến tranh sắp kết thúc, phần thắng thuộc về quân đội đồng minh. Trong cơn hoảng loạn, Nhật tiến hành đảo chính Pháp tại Việt Nam. Trước bối cảnh rối ren đó, khí thế cách mạng bốc cao ngùn ngụt. Quá sốt ruột trước tình thế nước sôi lửa bỏng ở bên ngoài, Nguyễn Văn Nguyễn cùng một số đồng chí đã tổ chức vượt ngục thành công về với cách mạng, về với nhân dân. Với vai trò xứ ủy viên Nam Bộ, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Nam Bộ, Nguyễn Văn Nguyễn đã đóng góp sức lực của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân. Đầu năm 1946, ông được bầu là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được ra Hà Nội họp và gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở thủ đô chẳng được bao lâu, Nguyễn Văn Nguyễn đã phải gấp rút trở lại Nam Bộ để sát cánh cùng nhân dân, đồng đội tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Tài năng đức độ của Nguyễn Văn Nguyễn đã tạo nên sự tin cậy của đồng bào, đồng chí đối với ông. Ông được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách: Là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Ủy viên Ban tuyên huấn của xứ ủy, Giám đốc Sở thông tin Nam Bộ, Chủ tịch Phân hội Hữu nghị Việt – Xô Nam Bộ… Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng đội mến phục, nhân dân tin yêu. Mặc dù rất bận rộn, Nguyễn Văn Nguyễn vẫn tham gia đều đặn việc giảng dạy môn triết học, đường lối tuyên truyền cho các học viên của trường Đảng Trường Chinh. Nhiều học trò của ông giờ đã 70 – 80 tuổi vẫn còn nhớ đến hình ảnh người thầy thông thái, uyên bác của họ. Không ít học viên đã trưởng thành từ mái trường này, góp sức làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến giai đoạn cuối, Đảng rất cần những cán bộ có kinh nghiệm, nhiệt huyết như Nguyễn Văn Nguyễn, nên đã quyết định triệu tập ông ra Bắc. Trong hành trình vạn lý gian khổ, ông đã mắc chứng thương hàn và mất trên mảnh đất Bình Định anh dũng quật cường, để lại tiếc thương lớn cho người thân, bạn bè, đồng chí. Ông mất đi là một sự mất mát khó bù đắp cho cách mạng nước ta.

Người chiến sĩ quả cảm trên mặt trận tư tưởng
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Văn Nguyễn hết sức phong phú. Rất tiếc là, cho đến nay, vẫn chưa có một cuốn sách nào viết đầy đủ về ông. Tên ông chỉ được nhắc đến trong những trang hồi ký, trong những tác phẩm viết về sự nghiệp của một nhà cách mạng nào đó. Ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Chấn, Trần Văn Giàu thường nhắc đến Nguyễn Văn Nguyễn với những trang đầy cảm xúc, đầy tâm trạng. Chỉ riêng bước đường hoạt động báo chí của Nguyễn Văn Nguyễn cũng đã đáng để chúng ta ngưỡng mộ, dành công sức sưu tầm, nghiên cứu. Cùng với những người như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Lưu Quý Kỳ, Võ Nguyên Giáp, Hải Triều, Nguyễn An Ninh…, Nguyễn Văn Nguyễn được coi là tấm gương cho các thế hệ nhà báo noi theo.
Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Văn Nguyễn chủ yếu viết cho báo bí mật, bán công khai, nên ông phải sử dụng nhiều bút danh, thậm chí không ký tên. Loại báo này cũng không được lưu chiểu chính thức, giờ đã bị thất lạc gần hết. Chính vì vậy, để nghiên cứu về ông, riêng trên lĩnh vực báo chí, cũng hết sức khó khăn. Bài báo đầu tiên ông viết cho báo nào cũng chưa thể xác định được. Có lẽ bạn đọc chỉ bắt đầu biết đến ông qua thiên phóng sự dài kỳ phản ánh đời sống khắc nhiệt của các tù nhân tại Côn Lôn. Thiên phóng sự này đăng trọn vẹn trên báo La Lutte, trong gần 60 số. Thực ra, việc phản ánh tình hình chính trị ở Côn Đảo đã có nhiều người viết. Người thì ngùn ngụt giọng văn tố khổ, căm phẫn, người thì giữ vai trò quan sát điềm tĩnh mô tả một cách khách quan. Nguyễn Phúc Bửi Đình viết trên Phụ nữ tân văn không sử dụng triệt để ngôi thứ nhất, nhiều khi coi mình là kẻ ngoài cuộc, cho dù tác giả cũng từng là người tù “sang trọng” của hòn Đảo địa ngục này. Nguyễn Văn Nguyễn có đôi điểm khác. Ngoài việc tố cáo tội ác phi nhân tính của nhà cầm quyền thực dân, như phơi bày thực trạng của xà lim cầm cố, sự đày ải người tù tại hầm xay lúa, nỗi vất vả của kẻ phải trầm mình dưới biển sâu để tìm san hô..., ông rất quan tâm tới sinh hoạt thường nhật của người tù. Chỉ với vài nét chấm phá, Nguyễn Văn Nguyễn đã phác hoạ được tinh thần lạc quan, tin tưởng ở tương lai của những người tù chính trị. Không như nhiều cây bút khác, thường sử dụng thứ ngôn từ đanh thép để mô tả thảm trạng của tù nhân, ông dùng giọng văn hài hước, coi nỗi khổ ải như một lẽ tất yếu của những người cách mạng chân chính. Ông hay ví von chua chát: “Trông khám tù không khác nào một chuồng khỉ ở vườn Bách Thảo. Chỉ khác là chuồng khỉ còn rộng rãi, thông thoáng, mát mẻ hơn mà thôi”. Đôi khi, chỉ một tiêu đề ngắn, ông đã lột tả được tất cả, chẳng hạn như “Đàn bò không có sừng”, để viết về nỗi cực nhọc, sự đối xử tàn tệ của chế độ nhà tù thực dân đối với người tù khổ sai. Những điều Nguyễn Văn Nguyễn mô tả bao giờ cũng thực tế, sinh động, bởi đó chính là cuộc sống ông đã trải qua “Nước biển sâu, đêm trời lạnh, mặc kệ, cứ phải lặn xuống mãi. Những san hô bé thường có những đầu rất nhọn, mặc dù thế, cứ phải lấy. San hô lớn hơn thì bám rất chắc vào đá, phải dùng một thanh sắt rắn, sắc bẩy mạnh lên mới bứng đứt rễ được. Khi tù đã làm xong việc, trở về banh thì thấy chân tay đã có nhiều vết thương, máu chảy đỏ lòm. Dầm tay trong nước mặn lâu, các vết thương càng xót, đau điếng người”. Không được chăm sóc y tế, mỗi banh rộng chừng 100m2 nhốt hơn 80 con người, mùa hè thì nóng như rang, mùa mưa thì lạnh buốt thấu xương, đã thế bữa ăn còn bị cắt xén gần hết, mỗi bữa chỉ có ít gạo hẩm, mọt nhiều hơn gạo với vài con cá khô “đến chó ngửi cũng không thèm nữa”. Cuộc sống địa ngục đã được Nguyễn Văn Nguyễn kết luận: “Rất nhiều tù nhân đã không kham nổi chế độ khắc nghiệt như thế đành phải liều bỏ trốn. Nhưng hầu hết những người bỏ trốn đều bị bắt lại và bị phạt: “Lần thứ nhất, 30 ngày giam trong hầm tối, lần thứ hai tăng lên 60 ngày. Có người đã bị phạt đến lần thứ 20 vì bỏ trốn. Họ nghĩ rằng: Thà ở hầm hoặc bị cá mập biển Đông ăn thịt còn sướng hơn ở sở chuồng bò”. Theo ông kể lại thì đã có nhiều tù nhân tự tử, có người tự sát đến mấy lần mới chết.
Trong cái thế giới tối đen của ngục tù trên, Nguyễn Văn Nguyễn vẫn cố gắng tìm ra những tia sáng mong manh để từ đó gây dựng nên cho mình niềm tin vào cuộc sống, vào con người. Từ chính cái thế giới bạo tàn đó, ông đã viết về tình yêu. Đó là tác phẩm “Tình trong tù” do Đông phương thư xã ấn hành, năm 1938. Trong cuốn sách này (đã được đăng tải trên báo Dân quyền, năm 1935), Nguyễn Văn Nguyễn sử dụng bút danh Ngũ Yến. Ngay trong lời tựa, Nguyễn Văn Nguyễn đã nói rõ lý do tại sao ông viết cuốn sách: “Vì thế chuyện Tình trong tù chẳng những nói về tình trai với gái hoặc là đồng tính luyến ái, mà lại nói luôn về tình bầu bạn, cái tình nó giúp người ta sống trong cảnh tù”. Đọc những câu chuyện tình này, ngoài những hạn chế khó tránh khỏi ra, điều quan trọng nhất là nó đã nói lên được tính lạc quan cách mạng mà có lẽ chỉ những người cộng sản mới có. Đọc những trang viết về cảnh yêu đương đồng giới, người đọc không có cảm giác ghê tởm như thường thấy, mà họ thấy xót xa cho những thân phận bị tước đoạt tự do, luôn phải đối mặt với những thiếu thốn, bị hành hạ thể xác và dằn vặt về tinh thần. Sẽ khó có cảnh nào bi thiết hơn cảnh đôi trai gái tù nhân ngồi rủ rỉ bên nhau, mặc cho quan toà đang xét xử, mặc những viên sen đầm bu quanh, mặc xiềng xích và tiếng vo ve của đời thường, họ vẫn thì thầm vào tai nhau những lời yêu đương. Đúng vào lúc toà kết án, cũng là lúc họ đã cam kết nên vợ nên chồng, gắn bó keo sơn. Thế là cũng từ giây phút đó, sống vây hãm giữa bốn bức tường đá lạnh lẽo, đôi trai gái bị cách li vẫn thầm nuôi hi vọng, một lòng thuỷ chung, son sắt. Cảnh yêu trong tù cũng đã được nhiều tác giả nước ngoài đề cập tới, nhưng trong tác phẩm của Nguyễn Văn Nguyễn, điều đó không chỉ được miêu tả thuần tâm sinh lí, mà trong tác phẩm này còn toát lên những giá trị thẩm mĩ và giáo dục rất cao. Sự trong sáng của tình cảm ở đây, dường như chỉ có ở những nhân cách chân chính, ở những con người cách mạng sống có lí tưởng, có hoài bão, cái chung luôn đặt trên cái riêng. Trong các bài viết của ông, đôi khi cũng đặt ra những cảnh huống éo le, những bản năng đời thường, thậm chí có những chỗ đầy dục tính, nhưng thông qua đó, Nguyễn Văn Nguyễn dường như muốn tố cáo chế độ phong kiến, thực dân đã chà đạp lên quyền sống của con người, tước đoạt đi cả những cái tưởng chừng như nhỏ bé nhất, mỏng manh nhất. Chị Việt Hoa, anh Lại, anh Kỉnh rõ ràng chỉ là những nạn nhân của một chế độ phi nhân tính. Nhờ có tình yêu chắp cánh mà nằm trong khám tử hình: “Anh thú thật rằng cái khoảng đời của anh nằm trong khám xử tử là sung sướng hơn hết. Điều ấy chẳng lạ gì. Nằm chờ chết khỏi lo, khỏi nghĩ. Với kẻ khốn nạn, có một triết học duy vật của giai cấp thợ thuyền, một điều hạnh phúc nhỏ nhen mà cá nhân họ được hưởng cũng đủ làm cho họ vui sướng trong bốn tấm vách tường. Những tư tưởng hy sinh đã nhuần thấm trong trí não họ, lúc họ lướt xông vô trường tranh đấu mà đóng vai tiền đội chiến sỹ. Cái đời của họ, họ biết trước rằng thế nào rồi cũng đi đến đó, bây giờ nó đã đến đây, họ không lạ gì”.
Trong số những bài viết của Nguyễn Văn Nguyễn hiện chúng ta có trong tay, có lẽ những tác phẩm ra đời từ quãng những năm 1935 trở về sau là chứa đựng tính báo chí nhất. Đây cũng là thời kỳ mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền ở Pháp và ở Đông Dương, tình hình chính trị lúc này dễ thở hơn. Hàng loạt tờ báo của Đảng đã hoạt động trở lại, chi phối gần như tuyệt đối mặt trận báo chí, cả công khai và bán công khai. Qua các bài viết của ông, chúng ta nhận thấy Nguyễn Văn Nguyễn có nhãn quan chính trị rất tinh tường: “Chiến tuyến bình dân chẳng phải nảy nở trong các phòng viết của những nhà lãnh tụ chính trị. Nó cũng không phải là một mưu mô của các đảng phái tả dực. Nó phát sinh ra nơi trường tranh đấu của dân chúng”. Nguyễn Văn Nguyễn nhận định: “Cái phong trào chiến tuyến bình dân chỉ mới đang chiến thắng nơi nghị trường. Sức nó còn đi lên nữa...”. Rồi ông nhấn mạnh: “Chăm chú cho sự chiến thắng ở nghị trường mà bỏ qua các phong trào của dân chúng, không theo phong trào ấy, hững hờ cái quá trình của sự tranh đấu của bình dân trong phong trào chiến tuyến bình dân ấy là điều sai lầm to lắm. Bình dân Pháp cầm quyền, dân Đông Dương có nhiều hi vọng”- báo Mai, số 15 ngày 6.6.1936.
Cùng với Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Nguyễn hết sức ủng hộ việc tổ chức Đông Dương đại hội. Nguyễn Văn Nguyễn có hàng loạt bài phê phán những nhóm cách mạng đầu lưỡi đang tìm cách phá hoại chủ trương tranh đấu của Đảng ta. Ông lên án quan điểm của nhóm Trôtkit của Hồ Hữu Tường, Hải Vân (tức Trần Văn Bảng), Trần Văn Thạch: “Chúng đã nhận rằng nếu chỉ hi vọng không, không tranh đấu thì không được gì hết. Hi vọng đó là ngông cuồng, phải tranh đấu. Phải tom góp các lực lượng của dân chúng lại, phải làm cho cái phong trào ấy bồng bột lên, phải lãnh đạo cho người ta đòi những sự cải cách và bát gạo của người ta, là nhiệm vụ của hết thảy những ai tự xưng là chiến sĩ của giai cấp thợ thuyền”- báo Việt Nam, ngày 10.9.1936. Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Nguyễn còn vạch trần thói giả nhân giả nghĩa của phái Lập hiến do Bùi Quang Chiêu cầm đầu, chỉ ra tính chất mị dân của những kẻ đưa ra chủ thuyết Pháp - Việt đề huề: “Thoả hiệp với thực dân chủ nghĩa, thoả hiệp với những nhà băng, với các lực lượng chỉ huy tất cả nền kinh tế thuộc địa để mà khai khẩn. Một cái chính sách đề huề như vậy, dân chúng rất lãnh đạm, hoài nghi nên đối với nó, dân chúng rất thờ ơ, khinh rẻ, mặc dầu các vị lãnh tụ Pháp - Việt nhứt gia cho rằng đề huề tức là mở rộng ra về mọi phương diện chánh trị xã hội và kinh tế”- báo Mai, ngày 14.11.1936. Ngoài ra, Nguyễn Văn Nguyễn còn viết nhiều bài phê phán quan điểm chống CNXH, nói xấu nhà nước Xô - Viết của nhà văn Pháp André Gide. Ông lên án nhà văn này đã phản bội lại giai cấp cần lao, vào hùa với chủ nghĩa thực dân, phát xít để bóc lột dân chúng. Để khẳng định lập trường đúng đắn của nhà văn vô sản, Nguyễn Văn Nguyễn đã tập trung trí tuệ viết bài giới thiệu tác phẩm có tính lí luận sâu sắc “Văn sĩ và xã hội” của Hải Triều (tức Nguyễn Khoa Văn). Cũng như Hải Triều, Nguyễn Văn Nguyễn luôn khẳng định vai trò to lớn của văn sĩ đối với xã hội. Ông viết: “Văn sĩ và xã hội quan hệ nhau. Bao nhiêu những bi kịch do sự mâu thuẫn của xã hội gây ra, nhà văn lấy cảm giác và thiên tài của mình mà cho quần chúng nhận thức bằng tình cảm. Cái đó người chiến sĩ không thể làm được”. Rồi ông kết luận: “bao nhiêu những bi kịch thê lương mà cái xã hội bề ngoài phẳng lặng che lấp, bao nhiêu những sự xâu xé lẫn nhau vì lợi lộc, bao nhiêu những quả tim đau đớn vì bán sức lao động kiếm ăn, nhà văn cần phải tố giác ra, không phải để cho thiên hạ thấy sự thối tha của đời mà chán đời nhưng để cho thiên hạ tranh đấu mà sống”- báo Mai, ngày 18.5.1937.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Văn Nguyễn bám trụ lại miền Nam, giữ nhiều trọng trách trong lĩnh vực văn hoá thông tin. Mặc dù làm công tác quản lí nhưng ông vẫn thường xuyên viết cho các báo. Đặc biệt, mỗi ngày ông đều có một bài bình luận hoặc xã luận phát trên sóng Đài Phát thanh tiếng nói Nam Bộ. Ở Đài này, ông giữ mục Câu chuyện hàng ngày, Câu chuyện nước Pháp. Các bài viết của ông bao giờ cũng nhằm vào những đối tượng cụ thể có liên quan mật thiết với môi trường chính trị Việt Nam, khi là bọn Việt gian bán nước, lúc thì nhằm vào chính quyền thực dân phản động. Điều đáng ngạc nhiên là, ông rất ít khi đề cập tới chính bản thân lực lượng kháng chiến. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ngoài báo chí ra, Nguyễn Văn Nguyễn còn viết sách bàn về những tiêu chuẩn của một cán bộ cách mạng, bàn về cách thức tuyên truyền sao cho có hiệu quả nhất. Văn phong của ông giản dị, dễ hiểu, được bạn đọc hết sức yêu thích. Tuy đôi khi còn sa vào tự nhiên chủ nghĩa, nhưng quan điểm, lập trường của ông luôn vững vàng, trước sau như một. Chính vì vậy mà ông luôn được Đảng và nhân dân tin cậy giao cho nhiều trọng trách lớn lao. Rất tiếc là, đang ở tuổi sung sức nhất, đạt đến độ chín nhất thì ông ra đi vì một cơn bạo bệnh. Mất ông, Đảng mất đi một chiến sĩ văn hoá tài năng, người luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết sục sôi. Sự nghiệp của ông, thân thế của ông như ngọn hải đăng cho các thế hệ nhà báo soi vào, tiếp bướcr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét