Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Quang Đạm - nhà báo, học giả

Chỉ với hai câu trên GS. Vũ Khiêu đã khái quát được đầy đủ nhân cách, lý tưởng sống của nhà báo - chiến sỹ cộng sản Quang Đạm. Ông ra đi đã được 5 năm, con người ông, những việc làm của ông sẽ còn đọng lại mãi trong trái tim các thế hệ cầm bút sau này.

TỪ TĂM TỐI PHONG KIẾN ĐẾN VỚI ÁNH SÁNG CÁCH MẠNG
Quang Đạm tên thật là Tạ Quang Đệ sinh ngày 1.9.1913 tại Nam Đàn, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học mẫu mực. Cả hai bên nội ngoại của Quang Đạm đều có nhiều người đỗ đạt, làm quan thanh liêm. Phụ thân Quang Đạm là cụ Tạ Quang Diệm, từng đỗ cử nhân, ra dạy học, được bổ Huấn đạo phụ trách giáo dục phủ Hà Hoá, sau làm giáo thụ phủ Tam Kỳ - Quảng Nam. Thân mẫu của ông là nữ trí thức, nhà thơ nổi tiếng Sầm Phố. Ông nội của bà là Đỗ Đức Đạt, đỗ đầu Thám hoa dưới triều Tự Đức, từng là thầy dạy Phan Bội Châu. Trải qua 10 đời họ Tạ luôn tuân thủ nghiêm ngặt 3 qui ước:
Ông dạy cháu, cha dạy con, không học bên ngoài.
Không được lấy vợ hai, không có thê thiếp, lễ mọn.
Chỉ thờ tổ tiên, không cúng quỷ thần, tà ma.
Những quan niệm đạo đức này đã góp phần hình thành nên nhân cách Quang Đạm: “Cần cù học tập, nghiêm cẩn trong công việc, lối sống giản dị” - trích lời nhà báo lão thành Hữu Thọ.
Do nhiều thế hệ trước chỉ sống bằng lương bổng triều đình nên đến đời Quang Đạm gia cảnh vẫn rất thanh bạch, nghèo túng. Bằng chứng của sự thiếu thốn này là gia đình Quang Đạm có nhiều người mắc chứng lao phổi, trong đó có ông. 14 tuổi ông tốt nghiệp tiểu học (1926) đúng vào dịp cả nước đang sôi nổi phong trào đòi thả Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh. Ông cũng tham gia bãi khoá theo lời kêu gọi của Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh. Phong trào bị đàn áp, ông bỏ về quê. Phan Bội Châu thoát án tử hình bị đưa về Huế an trí. Gia đình quyết định đưa Quang Đạm đến xin làm học trò của cụ. Vì có mối giao tình từ trước nên Phan Bội Châu đã nhận lời. Chỉ sống gần “ông già bến Ngự” có một năm nhưng tâm hồn non nớt của Quang Đạm đã vỡ ra được nhiều điều. Kiến thức uyên bác và tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu đã gắn chặt với Quang Đạm suốt cuộc đời. Hiện nay, tại nhà tưởng niệm Phan Bội Châu ở Huế, người ta vẫn còn giữ được tấm hình Quang Đạm chụp chung với cụ.
Cũng trong thời gian ở với cụ Phan, Quang Đạm đã bước đầu tập viết báo đăng trên báo Tiếng dân, một tờ báo yêu nước có tiếng thời bấy giờ do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng chủ xướng. Trong số đó có bài châm biếm, đả kích tên bồi bút Nguyễn Bá Trác, tay sai của chính quyền thực dân và triều đình phong kiến thối nát. Mặc dù những bài viết này vẫn còn non nớt, nhưng đã phần nào nói lên được khí phách chớm nở của một thiếu niên mới bước sang tuổi 15. Vì nhiều lý do, Quang Đạm chỉ ở với cụ Phan Bội Châu được gần 1 năm. Ông ứng thi và đỗ trường Quốc Tử Giám ở Huế. Sau mấy năm ăn học, Quang Đạm tốt nghiệp (1932) và được bổ làm quan Thừa phái của huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá. Một thời gian sau ông chuyển sang làm công việc của toà án địa phương. Với công việc mới này, Quang Đạm không có thời gian viết báo. Suốt từ năm 1932 đến năm 1945, ông hầu như không gửi bài cho các báo.
Vào thời gian cuối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, đất nước ta phải hứng chịu những khó khăn vô cùng to lớn. Thiên tai, mất mùa và chính sách cai trị vô cùng hà khắc của thực dân Pháp, phát xít Nhật đã làm hàng triệu con người vô tội phải chết đói. Một trong những địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất là Thanh Hoá. Ông Hà Văn Đại lên làm Tổng đốc Thanh Hoá. Để giảm bớt nỗi khổ cho người dân, ông chọn Quang Đạm, người nổi tiếng thanh liêm, chính trực làm Tri phủ Hà Trung. Làm quan nhưng Quang Đạm luôn xác định phải sống sao cho trong sáng, xứng với đạo đức ông cha. Vừa thừa hành chức phận, ông vừa tìm cách tiếp xúc với cá nhân, tổ chức cách mạng. Ông quan niệm, chỉ có cách mạng mới có thể đưa dân chúng thoát khỏi vòng khổ ải. Và thật may mắn, ông đã liên lạc được với Đặng Thai Mai, một trí thức yêu nước thời đó thông qua ông Võ Chương. Cách mạng Tháng Tám vừa nổ ra, Quang Đạm đã mở cửa phủ bàn giao sổ sách cho chính quyền cách mạng. Ngay sau đó ông đã lên Hà Nội tham gia chính quyền Việt Minh.
Đầu tháng 9.1945, Quang Đạm được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân công về Bộ Tổng tham mưu làm Bí thư trưởng Cục Thông tin, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức phòng Mật mã. Ông được coi là một trong những người sáng lập ra ngành Mật mã Việt Nam. Vì những đóng góp này mà tháng 6.2001 Bộ Quốc phòng đã trao cho gia đình ông Bằng chứng nhận Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ.
Quang Đạm về làm việc ở Phòng Mật mã được hơn một năm thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ông nhận nhiệm vụ thiết lập các đường dây bí mật đảm bảo thông suốt liên lạc giữa chiến khu Việt Bắc với các địa phương. Khi mọi việc đã tạm ổn, ông lên hẳn chiến khu. Vì biết thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh và Pháp nên Quang Đạm được cử tham gia biên dịch các tài liệu chính trị quân sự quan trọng của nước ngoài để làm tài liệu học tập, huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ. Nhận thấy tài năng tiềm tàng của dịch giả, Tổng Bí thư Trường Chinh đã điều động Quang Đạm về chỗ đồng chí làm việc. Vào dịp kỷ niệm Đảng (1947) cơ quan ra tờ báo liếp giao cho Quang Đạm phụ trách lấy tên là Bảo nhau. Đây có thể coi là “tờ báo” đầu tiên trong sự nghiệp hoạt động báo chí cách mạng của Quang Đạm. Nhờ những nỗ lực vươn lên không ngừng, ngày 10.5.1947, một vinh dự vô cùng lớn lao đã đến với Quang Đạm. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam qua sự giới thiệu của đồng chí Mười Hương (người sau này đảm nhiệm chức vụ Phó Ban Tổ chức trung ương Đảng). Với trách nhiệm của một đảng viên, một chiến sỹ cách mạng, Quang Đạm đã không quản khó khăn vất vả lao vào hoạt động không biết mệt mỏi. Nhiều năm sống xa gia đình giữa chốn rừng thiêng nước độc, thiếu thốn đủ bề, hiểm nguy rình rập khắp nơi, Quang Đạm vẫn âm thầm lặng lẽ đóng góp sức lực của mình cho sự nghiệp của Đảng, của nhân dân.
Với nhân cách và tài năng của mình, Quang Đạm ngày càng nhận được sự tín nhiệm của Đảng và Nhà nước. Cuối năm 1947 đầu năm 1948, ông được bầu làm uỷ viên Ban Tuyên huấn trung ương, sau làm Tổng Thư ký Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương. Đây cũng là dịp để ông trở thành uỷ viên Ban Biên tập báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Hội. Công việc mới này đã đưa Quang Đạm đến với sự nghiệp hoạt động báo chí chuyên nghiệp. Hàng chục bài báo có tiếng vang lớn của ông đã xuất hiện trên báo Sự thật. Đầu những năm 1950, diễn biến chiến trường bắt đầu nghiêng về lực lượng cách mạng. Quân và dân ta liên tiếp mở những chiến dịch lớn và giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tình hình đó buộc Đảng phải ra công khai trở lại, danh chính ngôn thuận lãnh đạo quân dân đấu tranh. Trung tuần tháng 2.1951, Đại hội Đảng lần thứ II được tổ chức tại Việt Bắc đã quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam cho phù hợp với tình hình mới. Đại hội đã thông qua nghị quyết ra báo Nhân dân làm cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng. Vì là tờ báo lớn nhất của Đảng nên Nhân dân luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Trường Chinh. Do những khó khăn thời chiến và cũng để tinh gọn biên chế, Đảng chủ trương chưa ra tạp chí, nên báo Nhân dân, ngoài việc thông tin những vấn đề thời sự trong và ngoài nước, còn đảm trách thêm phần lý luận, tuyên truyền để giáo dục, định hướng dư luận. Quang Đạm và một số người khác được điều động về báo Nhân dân, phụ trách phần lý luận, nghiên cứu. Từ đó, ông làm việc cho báo Nhân dân đến ngày nghỉ hưu (9.1979).
Qua những gì còn lại, chúng ta thấy Quang Đạm sử dụng khá nhiều bút danh. Khi còn làm việc ở báo Sự thật (1947 - 1950) ông thường ký QĐ, Quang Đạm dưới những bài mang màu sắc chính trị, những bài khảo luận về học thuật, tư tưởng. Còn khi viết bài có tính văn hoá, xã hội ông dùng bút danh được ghép lại từ tên của ba người con Đàm Ngọc Liên (Điền Ngọc Lam), hoặc ghép tên mình với tên các con Lê Ngọc Đạm (Lam Ngọc Đệ)... Cái tên Quang Đạm cũng xuất phát từ lối nói lái này. Sau khi về báo Nhân dân ông hầu như chỉ ký QĐ, Quang Đạm.
Trong suốt hơn 30 năm làm báo chuyên nghiệp, Quang Đạm đã viết hàng trăm bài báo thuộc các thể loại xã luận, bình luận, những bài có tính chất khảo luận, nghiên cứu. Đáng tiếc là, cho đến nay, chưa có ai, chưa có cơ quan nào tiến hành thu thập những bài viết đó lại. Đây là công việc khó thực hiện bởi như chúng ta đã biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (thậm chí cả ngày nay) các tờ báo Đảng hầu như không đăng tên tác giả (hoặc bút danh) dưới các bài xã luận, bình luận. Chúng được coi như là hiện thân của ý chí tập thể, được giao cho nhóm vài người trong ban biên tập chấp bút, tuỳ theo khả năng, sở trường từng người. Giờ đây chúng ta chỉ có thể xác định tên tác giả qua phong cách viết. Cách làm này tuy mang tính khoa học nhưng không thể cho đáp án chính xác tuyệt đối. Những người trước đây từng là bạn bè, đồng nghiệp, là cấp trên trực tiếp của Quang Đạm phần lớn giờ đã khuất núi. Những người còn sống tuổi cũng đã cao, họ cũng không thể cung cấp được nhiều tư liệu về ông. Tất cả đều nằm trong màn sương hư ảo rất khó kiểm chứng. Có điều, ai cũng khẳng định Quang Đạm là một nhà báo có đức, có tài, có nhiều đóng góp đối với báo chí cách mạng Việt Nam.

NGÒI BÚT ĐẤU TRANH KHÔNG KHOAN NHƯỢNG
Mấy chục năm qua những người cùng thời và lớp hậu thế khi nhắc tới Quang Đạm là phải nói tới những cuộc luận chiến về khoa học, triết học, chính trị, tư tưởng. Đầu tiên và nổi tiếng nhất là cuộc tranh luận về tư pháp nổ ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà ông là hạt nhân.
Như chúng ta đã biết, vào những năm 1947 - 1948, lực lượng kháng chiến của ta vẫn còn rất mỏng, lại chưa được tổ chức tốt. Chính quyền phải ôm đồm, giải quyết mọi việc. Chức năng, nhiệm vụ của các ngành, đoàn thể chưa có sự phân công, tách bạch rõ ràng, tạo nên sự chồng chéo, lấn quyền nhau, dễ dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Trong xã hội bắt đầu xuất hiện tệ quan liêu, vô trách nhiệm, lợi dụng quyền hạn phục vụ mưu đồ cá nhân. Đứng trước thực tế này, đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quang Đạm viết bài nhằm giải quyết những mâu thuẫn đang ngày càng găy gắt giữa hai ngành Hành chính và Tư pháp. Nhận nhiệm vụ, Quang Đạm ngày đêm nghiên cứu tài liệu, trực tiếp đi cơ sở tiếp thu những phản ánh của cán bộ, công chức, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Từ những gì thu thập được cộng với vốn tri thức uyên bác về luật, chỉ trong vòng hơn một tháng (từ 15.4 đến 19.5.1948) Quang Đạm đã cho đăng liên tiếp hai bài “Tư pháp với nhà nước” và “Tính chất chuyên môn trong tư pháp” trên báo Sự thật. Qua đây, ông đã chỉ ra mối quan hệ khăng khít giưa Tư pháp với chính quyền. Tư pháp là công cụ của chính quyền trong việc thực hiện chế độ dân chủ nhân dân. Chính quyền và tư pháp phải có sự hỗ trợ lẫn nhau để quản lý và thúc đẩy xã hội phát triển.
Ở bài báo thứ nhất Quang Đạm đề cập tới một nền tư pháp đặc thù Việt Nam phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc của Đảng và Nhà nước. Còn ở bài thứ hai tác giả không chỉ bàn về tính chất chuyên môn mà còn xác định trách vụ, quyền hạn cho tư pháp. Ông nhiều lần nhấn mạnh, những người làm tư pháp, ngoài chuyên môn giỏi, nắm tường tận những quy định của pháp luật, còn phải biết ứng xử nghề nghiệp một cách linh hoạt, phải biết trân trọng sở nguyện của đông đảo tầng lớp nhân dân. Nói cách khác, Quang Đạm rất đề cao truyền thống ứng xử có trước có sau, thấu tình đạt lý của dân tộc, kể cả trên lĩnh vực tư pháp. Sau khi những bài báo trên xuất hiện, trong xã hội đã nảy sinh hai luồng tư tưởng khác nhau. Chính quyền (mà ở đây chủ yếu là giới hành chính) các cấp cũng như đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ nhiệt liệt. Họ cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ tạo nên được sự đồng thuận, thống nhất, phù hợp với thực tế kháng chiến. Ngược lại, giới tư pháp lại tỏ ra không đồng tình. Họ lập luận quan điểm tập trung dân chủ dễ dẫn tới sự lạm quyền, áp đặt, phá vỡ nền dân chủ nhân dân mà Đảng và Nhà nước đang hướng tới. Các ông Vũ Đình Hoè (lúc đó làm Bộ trưởng Tư pháp), Vũ Trọng Khánh, Vũ Ngọc Côn, Lưu Anh liên tục nêu chính kiến của mình trên báo Độc lập (cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ). Dù đề cập nhiều vấn đề khác nhau nhưng các tác giả trên đều đề cao tính độc lập tuyệt đối giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp (tam quyền phân lập). Theo họ, tư pháp nên được hiểu như một thứ siêu quyền lực, tách rời thể chế chính trị - xã hội. Nói cách khác, tư pháp phải đứng trên chính trị, không chịu sự điều phối của chính trị...
Trước hàng loạt các ý kiến trên, ngày 15.11.1948, Quang Đạm tiếp tục cho đăng bài “Vài điểm căn bản về tư pháp” trên báo Sự thật. Có thể nói đây là bài báo có tính bao quát nhất về các tính chất, đặc điểm của Tư pháp Việt Nam. Ngay ở phần đầu bài tác giả đã đề cập nguồn gốc, vai trò, chức năng của tư pháp nói chung, tư pháp Việt Nam nói riêng. Phản đối ý kiến cho rằng pháp luật là cái bền vững, không có tính đặc thù riêng, Quang Đạm lập luận tuỳ theo tình hình mà pháp luật có sự thay đổi linh hoạt ở mỗi quốc gia. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, tình cảm, tâm lý của mỗi cộng đồng. Trên cơ sở này, ông quan niệm tư pháp các nước phương Tây có tính độc lập cao vậy mà chúng vẫn bộc lộ những tính chất phản động. Một nền tư pháp thực sự có tính chất tiến bộ lệ thuộc vào giai cấp thống trị mà nền tư pháp đó phục vụ có tiến bộ không. Theo tác giả, phân quyền là cần thiết, nhưng giữa chúng chỉ nên có tính độc lập tương đối. Một nền tư pháp tiến bộ phải dựa trên lập trường của nhân dân. Cuối cùng, Quang Đạm kết luận: “Mong rằng Tư pháp nên nhận định sự phân phối quyền hạn giữa kháng chiến hành chính và tư pháp chỉ là sự phân công phụ trách để làm cho khoa học, chứ không thể là một sự phân quyền theo quan niệm lấy quyền ngăn quyền mà đấu tranh giữa quyền này với quyền khác”. Cuộc tranh luận diễn ra mất 8 tháng ròng rã và cũng không hoàn toàn ngã ngũ. Cái được lớn nhất của nó là Quang Đạm, với kiến thức rộng lớn của mình đã dũng cảm đứng ra bảo vệ lợi ích của Đảng, của chế độ và nhân dân. Ông và những người không cùng chính kiến đã góp phần xây dựng nên một nền tư pháp dân chủ nhân dân, ổn định trật tự xã hội.
Hoà bình lập lại, Quang Đạm trở về Hà Nội tiếp tục làm việc ở báo Nhân dân. Vừa làm biên tập, ông vừa đảm nhiệm công việc Thư ký toà soạn, sau này còn phụ trách mảng khoa giáo. Bận rộn như vậy nhưng khi cần ông vẫn viết bài cho báo. Có thời gian là ông lao vào học tập, nghiên cứu, nâng cao khả năng ngoại ngữ, trau dồi thêm vốn kiến thức pháp luật, Hán học, triết học. Tiếp tục công việc dạy môn Ngôn ngữ báo chí từ năm 1949 (lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng), ông tích cực lên lớp tại trường Tuyên huấn trung ương (nay là Phân viện Báo chí và Tuyên truyền). Ông được mời tới nói chuyện tại nhiều trung tâm khoa học lớn của miền Bắc. Với vốn kiến thức uyên bác của mình, ông được người đương thời đánh giá như “Cuốn từ điển sống”. Đối với đồng nghiệp và lớp trẻ ông tận tình hướng dẫn, chỉ bảo. Nhiều nhà báo giờ đã nổi tiếng khi nhắc đến ông vẫn gọi là thầy Đạm một cách trân trọng.
Vào những năm 1955 - 1956, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội nước ta có những diễn biến hết sức phức tạp. Người Mỹ dùng vũ khí, tiền bạc giúp Ngô Đình Diệm bình định miền Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, nhòm ngó miền Bắc XHCN. Lúc này một số nước nằm trong hệ thống XHCN cũng có những bất ổn về chính trị. Tại Liên Xô, Khơrutsốp lên làm Tổng Bí thư đã phần nào phủ định thành quả của Cách mạng Tháng Mười, bôi nhọ công lao của những người cộng sản chân chính. Đây chính là cơ hội để các phần tử phản động tại Ba lan, Hungary nổi lên đòi ly khai, thâu tóm quyền lực. Tình hình này đã có những tác động nhất định đến nước ta, nhất là đối với tầng lớp trí thức, tiểu tư sản, văn nghệ sỹ cũ. Lợi dụng việc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn còn nhiều lúng túng trong việc quản lý đất nước, đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn thiếu thốn, những phần tử này đã cấu kết với nhau ra hai tờ Nhân văn và Giai phẩm để nói xấu cách mạng, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tình hình này buộc những nhà báo - chiến sỹ như Quang Đạm lại phải lên tiếng bảo vệ lẽ phải, bênh vực chính nghĩa.
Để phản bác lại quan điểm của nhóm Nhân văn - Giai phẩm đòi tách văn nghệ ra khỏi chính trị, ngày 1.10.1956 Quang Đạm đã có bài “Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ” đăng trên báo Nhân dân. Bài báo đã chỉ ra rằng kể cả ở những nước vẫn thường rêu rao có nền dân chủ tuyệt đối cũng không có tự do sáng tác. Tự do sáng tác phương Tây chỉ là những tính từ mỹ miều được che đậy bởi những hình thức hết sức tinh vi. Thực chất đó là nền văn nghệ phục vụ tầng lớp thống trị giàu có. Đây là điểm khác biệt có tính bản chất so với văn nghệ XHCN, một nền văn nghệ của toàn dân. Hệ thống chính trị của ta do nhân dân lập nên, văn nghệ sỹ cũng từ nhân dân mà ra. Đây là một thể thống nhất không thể tách rời. Quang Đạm không hoàn toàn phủ nhận quan điểm “nói thẳng, nói hết, không sợ địch lợi dụng”, nhưng ông chỉ yêu cầu các văn nghệ sỹ khi phản ánh thực tế cần quan tâm đến lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân, không được để địch lợi dụng, nhất là trong tình hình đất nước có chiến tranh. Được sự cổ vũ, động viên của đông đảo các tầng lớp nhân dân, vào cuối tháng 12.1956, Quang Đạm lại có loạt bài đăng trên báo Nhân dân bàn về các nguyên tắc dân chủ XHCN, điểm lại quá trình đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của cách mạng nhằm thiết lập một xã hội công bằng, dân chủ...
Có thể nói, loạt bài nói trên của Quang Đạm đã đạt được những hiệu quả xã hội hết sức rộng lớn, góp phần rất lớn trong việc ổn định nhân tâm cũng như các mặt chính trị xã hội. Hầu như ngày nào trên các mặt báo cũng xuất hiện ý kiến của văn nghệ sỹ, của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức. Họ lên tiếng ủng hộ quan điểm của Quang Đạm, lên án dã tâm “đục nước béo cò” của các phần tử chậm tiến. Công nhân nhà in không nhận in báo Nhân văn - Giai phẩm, quần chúng nhân dân tẩy chay không mua và đọc báo của nhóm này. Trước khí thế sôi sục của các tầng lớp xã hội, chính quyền quyết định thu hồi giấy phép của Nhân văn - Giai phẩm. Không chịu phục thiện, những đối tượng này tiếp tục len lỏi vào các cơ quan báo chí của nhà nước viết bài đả phá cách mạng, kích động gây rối. Không chỉ đòi tự do báo chí, họ còn đưa ra nhiều lập luận không có lợi cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Đây là lý do để Quang Đạm bày tỏ chính kiến của mình. Ông đã cho công bố một bài viết rất dài có tiêu đề “Quan điểm báo chí vô sản và quan điểm báo chí tư sản” đăng suốt một tuần liền trên báo Nhân dân vào cuối năm 1957. Sau này chúng được tập hợp lại thành tài liệu giảng dạy cho cán bộ, đảng viên dùng để đấu tranh trên mặt trận báo chí, tư tưởng. Đến nay, chúng vẫn còn nguyên giá trị cả về hai mặt khoa học và thực tiễn.
Mặc dù đạt được những thành công to lớn như vậy nhưng Quang Đạm không lấy thế làm vui. Sau này khi ngồi tâm sự với bạn bè ông đã nhiều lần chua xót bộc bạch đó chỉ là những chiến thắng nhọc nhằn. Kẻ thù ngoại xâm ông không sợ, cái đói cái nghèo cũng không làm ông quan tâm. Điều ông day dứt nhất là phải đặt những người đã một thời là đồng chí, đồng đội của mình sang bên kia chiến tuyến. Gạt bỏ tình riêng để phụng sự cái chung rộng lớn đâu phải là việc dễ làm đối với những con người luôn coi trọng lương tâm, trách nhiệm. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, cuộc đấu tranh với những người không đồng chính kiến không chỉ diễn ra trên địa hạt văn học, nghệ thuật, báo chí mà nó còn lan sang lĩnh vực chính trị - tư tưởng. Đây là một vấn đề hết sức tế nhị, phức tạp liên quan đến nhận thức, lập trường của cả một chế độ. Chính vì vậy, khi được giao nhiệm vụ viết bài nhằm củng cố, ổn định tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, Quang Đạm rất lo lắng. Để bài viết có tính thuyết phục cao, ông phải ngày đêm nghiên cứu nhiều tư liệu, ngày đêm trăn trở để tìm ra những lập luận sắc bén nhằm đập tan những âm mưu, toan tính của các lực lượng đang cố tình đi ngược bánh xe lịch sử. Ông là người đầu tiên dùng khái niệm “chủ nghĩa xét lại” (revisionism) trong bài “Đập nát chủ nghĩa xét lại hiện đại” đăng trên báo Nhân dân. Qua bài này ông đã kịch liệt phê phán tư tưởng hữu khuynh của một bộ phận cán bộ, đảng viên, vạch mặt chỉ tên những kẻ cơ hội lợi dụng danh nghĩa cách mạng để chống phá cách mạng. Quan điểm của Quang Đạm một lần nữa nhận được sự ủng hộ của cả xã hội. Nhân dân đã sát cánh cùng với Đảng - Nhà nước đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa xét lại và cuối cùng chính nghĩa đã giành thắng lợi.

NGHIÊM KHẮC VỚI CHÍNH MÌNH
Có lẽ, Quang Đạm là người may mắn, ít nhất là trong sự nghiệp hoạt động báo chí. Ngay từ khi chập chững bước vào nghề báo Quang Đạm đã được gặp Bác Hồ. Biết Quang Đạm trước khi viết báo đã từng công tác tại bộ phận Mật mã, Bác căn dặn: “Trước chú làm mật mã tức là chú viết một cái gì mà ai không nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được, không sử dụng được. Bây giờ làm báo Sự thật thì chú phải làm ngược lại. Chú phải viết thế nào để cho ai đọc cũng hiểu được...” Và lời khuyên “đầu đời” này đã gắn chặt với ông suốt hơn nửa thế kỷ. Cho dù chước tác của Quang Đạm đề cập các lĩnh vực triết học sâu sắc, tôn giáo phức tạp hay luận lý thâm thuý, người ta vẫn dễ dàng lĩnh hội được ý tứ, nội dung của vấn đề và đằng sau đó là một thái độ chân thành của người viết. Với bản tính trung thực, giản dị, khiêm tốn, cần mẫn trong công việc, trách nhiệm với cuộc đời, Quang Đạm được nhiều người yêu mến, kính trọng. Ông quan niệm, cái trường tồn chính là những kinh nghiệm, tri thức được tạo nên nên bởi bàn tay, khối óc, là những gì mình làm được với cái tâm trong sáng để giúp ích cho đời. Vì thế, ông yêu nghề làm báo, gắn bó với nghề này như một duyên nợ cho đến trọn đời mình.
Còn có hai con người nữa đã có ảnh hưởng lớn đến nghiệp làm báo của Quang Đạm là Gát-tông Mông-mut-xô (người đã từng dạy Bác Hồ làm báo, viết báo) và Tổng Bí thư Trường Chinh. Trong một lần tới Bec-lin (Đức) Quang Đạm được diện kiến Gát-tông và được nhận từ ông một lời khuyên như một lời tâm huyết: “Đừng bao giờ bỏ cái nghề đáng yêu, đáng quý này nhé!”. Và đến tận những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu, Quang Đạm vẫn lao vào viết, vẫn đều đặn có bài gửi cho các báo, vẫn gắn bó với cái nghề đáng yêu, đáng quý này.
Đồng chí Trường Chinh là người đã trực tiếp lựa chọn, bố trí để Quang Đạm bắt đầu sự nghiệp làm báo cách mạng, cũng là người theo dõi, giúp đỡ Quang Đạm nhiều năm sau trên bước đường hoạt động báo chí. Để có được văn phong sáng sủa, sắc sảo, lập luận chặt chẽ, đanh thép mang tính chiến đấu cao trong các bài báo, Quang Đạm đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ những lời chỉ bảo ân cần của đồng chí Trường Chinh. Hầu như không có bài báo lớn nào của Quang Đạm lại không nhận được sự góp ý chân tình, nghiêm khắc của Tổng Bí thư. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Quang Đạm đã trăn trối với con gái: “Trên bước đường đi theo cách mạng, cậu có hai người thầy trực tiếp đó là đồng chí Trường Chinh và đồng chí Mười Hương đã giáo dục và dìu dắt cậu từ ngày đầu tiên, từ việc tìm hiểu con đường cách mạng đến những lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đạo làm người sống với lý tưởng quang vinh của Đảng...”
Người ta biết đến Quang Đạm không chỉ là một nhà báo mà còn là một học giả uyên thâm, một người thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên báo chí. Ông là người đầu tiên bàn đến vấn đề ngôn ngữ báo chí trong bài giảng tại lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng và tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trong nhiều năm về sau. Tập bài giảng “Quan điểm báo chí” của ông thực ra là một trong số rất ít giáo trình, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ báo chí đầu tiên ở nước ta. Nội dung tập tài liệu là một hệ thống những vấn đề lý luận cơ sở của nghiệp vụ báo chí, từ đặc trưng, tính chất của nghề nghiệp, các nguyên tắc cơ bản, các chức năng chủ yếu đến các vấn đề về phương pháp, quy trình sáng tạo một tác phẩm báo chí. Ngay cả khi đã chân yếu, tay run, Quang Đạm vẫn còn say mê với những vấn đề khảo cứu. Và ngày 31.12.1999 Quang Đạm đã trút hơi thở cuối cùng để lại nhiều công việc dang dở, để lại sự tiếc thương cho biết bao học trò, đồng nghiệp và những người cầm bút chân chínhr

1 nhận xét: