Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Phó mặc cho thần chết


-          Học sinh vùng sâu vùng xa sẽ còn phải đu dây hoặc bơi qua sông đến lớp dài dài bác ạ.
-          Tôi tưởng Nhà nước đang quyết liệt giải quyết thực trạng này mà?
-          Đúng là Nhà nước đã đầu tư rất lớn để xóa cầu tạm, cầu khỉ, nhưng thực tế ở nhiều nơi người dân địa phương đặc biệt là các em nhỏ vẫn phải treo mình trên những sợi dây cáp mỏng manh mặc cho nước lũ gào thét bên dưới để đến trường.
-          Thì cũng phải từ từ, làm sao giải quyết hết ngay được.
-          Đành rằng là thế, nhưng có địa phương đã được đầu tư đầy đủ, họ không làm cầu cho dân đi mà dành riêng cho “quan”. Chẳng hạn như cầu Khe Tây (Sơn Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) tốn tới 3,5 tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ có 2 hộ dân, trong đó có gia đình ông Chủ tịch xã.
-          Thì ông ấy cũng cần có cây cầu riêng không phải đi đường vòng mới đến ủy ban đúng giờ giải quyết công việc và tiếp dân được chu đáo. Tôi tưởng trước khi xây cầu, xã đã có dự trù lượng người sử dụng, và phải có chữ kí của các hộ dân được hưởng lợi từ cây cầu này chứ.
-          Trong dự trù của xã gửi cấp trên ghi rõ sẽ có khoảng 500 người qua cầu mỗi ngày đêm, có chữ kí của 42 hộ dân, nhưng tất cả đều là giả, và được lập sau ngày cây cầu đã hoàn thành.
-          Chẳng lẽ  trước khi cấp kinh phí, cơ quan cấp trên không về khảo sát sao?
-          Cũng có vài đoàn về tìm hiểu, nhưng rất qua loa, đại khái. Họ không tiếp xúc với bất cứ hộ dân nào mà chỉ khảo sát nơi sẽ xây dựng cây cầu.
-          Với cung cách làm ăn tắc trách, tư lợi thế này, kinh tế miền núi khó mà ngóc đầu lên được. Chỉ thương người dân tiếp tục phải lầm lũi bơi qua sông, phó mặc cho lưỡi hái thần chết lơ lửng trên đầu.

Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét