Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Phải xoá tận gốc bệnh thành tích

Phải xoá tận gốc bệnh thành tích
- Sao dạo này bác có có vẻ thờ ơ với nền giáo dục nước nhà thế. Chúng ta hiện đứng thứ 5 thế giới về toán vì đạt thành tích cao trong các kì thi quốc tế đấy.
- Tôi lại thấy lo chứ không thấy mừng. Bác không thấy lạ khi có tới 68 nghìn 700 em thi trượt, trong đó có 12 nghìn học sinh bị điểm liệt môn toán trong kì thi tốt nghiệp THPT vừa rồi sao?
- Thì lười học nên bị thế, có gì lạ đâu.
- Điều đó cho thấy bệnh thành tích của ngành giáo dục rất nặng nề. Họ chỉ chú trọng đến việc nuôi “gà nòi” mà làm ngơ đối với nền giáo dục đại chúng. Sự khập khiễng này sẽ tạo nên những con người kém hoàn thiện, là tiền đề cho sự què quặt của xã hội.
- Kinh thế kia à. Năm nay thi trượt, năm sau thi lại, có gì đâu mà lo?
- Vấn đề không nằm ở chỗ đó. Bệnh thành tích sẽ tạo nên sự ganh đua, thậm chí triệt hạ nhau. Đây chính là mầm mống của tính ích kỉ, nhỏ nhen trong mỗi con người, mỗi ngành, thậm chí là toàn xã hội.
- Bác cứ nghiêm trọng hoá vấn đề. Có lẽ đề thi năm nay khó quá nên nhiều học sinh thi trượt thôi.
- Không phải. Điều đáng phải suy ngẫm là đề thi năm nay có 60% câu hỏi rất dễ, rất đơn giản mà vẫn có chừng nấy em bị điểm liệt cho thấy lâu nay ngành giáo dục đã thiếu trung thực với nhân dân. Họ cố tình để các em đỗ để “ghi điểm” thôi.
- Vậy chúng ta phải làm thế nào để thay đổi.
- Trước khi viết lại chương trình, viết lại sách giáo khoa, phải xoá bỏ tận gốc căn bệnh thành tích của ngành này. Có thế giáo dục Việt Nam mới có thể ngóc đầu lên được.
Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét